Kinh VÔ THƯỜNG Của Phù Hư Dật Sĩ VÕ THẠNH VĂN Đã In Thành Sách

van 2d 
Kinh Vô Thường
CÁT BỤI
1
thơ
phù hư dật sĩ
VÕ THẠNH VĂN
Vanitas
Vanitatum
Omnia Vanitas
Phù vân
Phù vân của phù vân
Tất cả đều phù vân
Quỳ dâng THƯỢNG ĐẾ
Đấng Hóa Công kỳ vỹ
vô thủy, vô chung

Cúi dâng SONG THÂN
để tri ân giọt máu
thủy chung, khiêm hạ
Trao tay TRI KỶ
những người đã một lần
gặp gỡ trong đời
Thương gởi TRI ÂM
những tao nhân, mặc khách
đang cầm trên tay
tập CÁT BỤI nầy.
KINH VÔ THƯỜNG
chứa 10 nghìn câu thơ lục bát
được phân thành 10 tập
từ Cát Bụi 1 đến Cát Bụi 10
mỗi tập 1000 câu.
Như vậy,
Toàn bộ KINH VÔ THƯỜNG
có 70 nghìn chữ
mỗi tập Cát Bụi chứa 7 nghìn chữ
KINH VÔ THƯỜNG
được đóng thành 2 quyển
Quyển Thượng
từ Cát Bụi 1 đến Cát Bụi 5
Quyển Hạ
từ Cát Bụi 6 đến Cát Bụi 10
TỰA
cho toàn bộ 10 tập CÁT BỤI
của KINH VÔ THƯỜNG
Giáo Sư Tiến Sĩ Khoa Học Gia Nhà Văn
Toàn Phong NGUYỄN XUÂN VINH
xxxxxxxx
TỰA
CÁT BỤI  #1
Thi Lão HÀ THƯỢNG NHÂN
Cuộc đời vốn vô thường, nay còn mai mất. Sinh để mà diệt, có để mà không, còn để mà mất. Lão Tử nói: “Tạo Hóa bất nhân.” Thật ra, không phải Tạo Hóa bất nhân, mà, Tạo Hóa vô tình trước mọi sự, thản nhiên trước mọi việc.
Cổ nhân khắt khe ư? Nhiều người đẹp cỡ Tây Thi, Chiêu Quân mà cổ nhân nỡ bảo đó là “cái túi da đựng mớ thịt thối.” Sự thật vốn tàn nhẫn. Sự sống là tự đánh lừa mình bằng những ngôn từ hoa mỹ. Thật ra, chỉ vì cổ nhân đã thấu suốt tận ngọn ngành nguyên ủy mà thốt lời chân thật vậy.
Suy đến cùng thì đời người chẳng có gì cả. Sống lâu hay chết yểu thì cũng có lúc bắt đầu và chấm dứt. Cho nên cổ nhân lại nói: “Không có thọ yểu, không có  sang hèn.” Dù biết đời không có gì cả mà tác giả Võ Thạnh Văn lại làm KINH VÔ THƯỜNG dài đến mười nghìn câu thơ lục bát!
Con người quả là một con vật phi lý. Lỗ Trí Thâm vừa đi tu vừa ăn thịt chó và uống rượu. Nguyễn Công Trứ thì lên Chùa lễ Phật mà “theo sau đủng đỉnh một đôi dì…” Đời người vốn vô nghĩa như cuộc đời vốn vô nghĩa vậy. Con người vốn vô lý như cuộc đời vốn vô lý vậy.
Tác giả Võ Thạnh Văn chắc chắn thừa biết câu: “Hữu danh bất như vô danh, vô danh bất như đào danh.” Đào danh là chạy trốn sự nổi danh. Trốn danh lại còn viết sách! Viết sách để làm gì? Để khoe kiến thức, thông thái, uyên bác, tài năng?… Hay ít nhất là “thốn tâm thiên cổ” gởi gắm tấc lòng mình lại cho mai hậu, mong gặp được kẻ tri âm, người tri kỷ.
Người xưa, Khổng Minh và Châu Do là hai kẻ thù bất cộng đái thiên. Du than: “Thiên sinh Du hà tất sinh Lượng.” Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng?! Thế mà khi Chu Du chết, Khổng Minh đã khóc bằng một bài điếu văn vô cùng thảm thiết. Hóa ra, giết Du mà Khổng Minh vẫn thật tình thương Du. Bởi, trong đời, Du mới đáng mặt tri kỷ của Khổng Minh Gia Cát Lượng Vũ Hầu vậy.
Tôi nghĩ Võ Thạnh Văn chẳng muốn khoe mình, cũng chẳng mong gì tìm được tri kỷ tri âm trong mai hậu. Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ chỉ muốn kiếp sau làm một cây thông đứng giữa trời mà reo, nhưng vẫn làm hết tập thơ nầy đến tập thơ khác. Bởi, không viết thì không chịu được. Bất bình tắc minh là thế đấy.
Chung cuộc, kẻ tài tuấn trong thiên hạ, từ đông sang tây, từ kim chí cổ, bất đắc dĩ mà phải viết, bất đắc dĩ mà phải làm văn chương đấy thôi. Âu cũng là cái nghiệp dĩ của một kiếp tài hoa nghiệp chướng nặng nợ văn chương. Võ Thạnh Văn cũng nằm trong cái định luật thường hằng muôn kiếp ấy.
Viết tại chung cư Sommerset park, San Jose, California, Đêm mồng 10 tháng Sáu, năm 2007.
HÀ THƯỢNG NHÂN
TIỂU TỰ
Của Tác Giả Nhân Ngày Hoàn Thành
CÁT BỤI #10
Của Toàn Bộ KINH VÔ THƯỜNG.
KINH VÔ THƯỜNG là lời kêu thương bi thống của một kiếp nhân sinh bi lụy trong cõi trần bi ai. Đó là lời ca cùng tột bi tráng chứa đựng ngậm ngùi chất ngất đau thương của những tâm hồn vươn lên từ nỗi bi thiết thường hằng.
Từng chữ trong KINH VÔ THƯỜNG là từng bước chân rời rạc rã riêng của hành trình đi vào tâm thức, một tâm thức tuyệt đối cô đơn khép kín riêng tư. Từng chữ, từng lời là những bước chân hành giả trên đường hành hương, ngơ ngác dọ dẫm đi vào tự thức để tìm lại chính mình.
Nhìn lại cho rõ chính mình, cái bản lai diện mục, là nhận diện nỗi bi thương to lớn của kiếp nhân sinh. Nỗi bi thương to lớn ấy chính là con người đã đánh mất bản thể từ lúc chưa sinh. Từ đó, con người hoang mang và miệt mài tìm kiếm chính mình trong huyễn vọng.
Trong suốt cuộc hành trinh đơn độc đi vào tiểu ngã để tìm kiếm đại ngã, con người vừa hân hoan bắt gặp, vừa ngậm ngùi chua chát cho thân phận. Đó là hình ảnh ngậm ngải tìm trầm giữa rừng thiêng nước độc của non ngàn bát ngát.
Giữa đoạn đường tìm kiếm đó, con người chợt mê chợt ngộ, chợt tỉnh chợt say, chợt ngủ chợt thức, chợt mừng chợt tủi, chợt mù chợt sáng. Càng mê càng băn khoăn, trăn trở, thao thức. Càng (tiểu) ngộ càng chập chờn, khắc khoải, mất ngủ, nghi hoặc.
Đông Thiên, Tây Trúc và miền Đất Hứa… càng đi càng lạc, càng đến gần càng giạt xa. Đứng sát bên Linh Thứu vẫn thấy mình trôi giạt, lạc lõng, quạnh hiu. Quỳ dưới chân núi Sinai chợt biết mình mất hướng, bồng bềnh, vong lạc.
Đó chính là nỗi bi tráng, nhục nhằn, thống hận, lạc hướng, hoang mang, khắc khoải, bất lực, ngờ vực… của kiếp người, của từng kiếp người, của muôn thuở, của muôn nơi, của bất cứ không gian hoặc thời gian nào.
Có lẽ, thái độ khôn ngoan duy nhất mà con người có thể là nên khiêm nhượng lựa chọn cho chính mình, qua khuôn thước mà cha ông đã vạch sẵn, đó là: Gần với trời, hòa với đất, vui với đạo, yên với đức, bằng lòng với mệnh, chấp nhận an bài.
Như thế cũng có nghĩa là: Không xa đời, không lánh người. Đối với đời cũng như đối với người: không oán, không ghét, không giận, không hờn… mà, chỉ thương, chỉ nhớ, nên vui, nên mừng… để tích hợp diệu nghĩa, để biểu đạt lương duyên.
Từ đó, từ trong nỗi quạnh hiu tuyệt đối, con người nhận chân Đấng Tạo Hóa để điềm nhiên cười cợt với cô đơn hiện hữu, ve vuốt khổ đau thường hằng, mơn trớn những bất hạnh chung quanh, chiêm nghiệm lẽ sắc không vô thường từng niệm, kết thân với sự chết đang rình rập phút giây.
Từ đó, cùng với đức khiêm hạ chân cần thiết, lấy thiên nhiên làm thầy, lấy sương khói làm bạn, lấy trăng nước làm vui, lấy lá hoa cây cỏ làm sản nghiệp, lấy bốn mùa làm của riêng tư, lấy sắc không vô thường làm thi nghiệp, lấy niềm tin tôn giáo làm thần hứng đầy mãnh lực sáng tạo.
Từ đó, con người biết thực là thực, biết hư là hư, biết hư là thực, biết thực là hư; biết có là có, biết không là không, biết có là không, biết không là có; biết còn là còn, biết mất là mất, biết còn là mất, biết mất là còn; biết tụ là tụ, biết tán là tán, biết tụ là tán, biết tán là tụ, biết hợp là hợp, biết tan là tan, biết hợp là tan, biết tan là hợp…
Bởi vì cuộc sống biến động vô thường, từng giây, từng phút. Do đức hiếu sinh của Tạo Hóa mà cuộc sống sinh hoại dị diệt xảy ra từng sát na, từng niệm… Cho nên, cây lá phải rã mục cho hạt nẩy mầm. Con người muốn trổ hoa cũng phải tự vác thập giá đi lên đỉnh Golgotha, phải bước qua sa mạc để đến Đất Hứa, phải chết đi để được phục sinh.
Từ đó, từ hiểu biết và thái độ lựa chọn trên đưa con người đến sự thức tỉnh. Với tinh thần thức tỉnh, con người sẽ vừa rong chơi, vừa ca hát nghêu ngao… để an nhiên thư thái đi hết chặng đường thánh giá nghiêu khê như một cái nghiệp phải trả trong kiếp nhân sinh hữu hạn để bước vào thế giới vô hạn mai sau.
Viết tại Phù Hư Am
Vùng Bắc Vịnh, Mùa Đông năm 2000.
VÕ THẠNH VĂN

BẠT 1
 Cao Mỵ Nhân
BẠT 2
 Ngô Đức Diễm
CẢM TÁC
Hải Phương
KINH VÔ THƯỜNG
Quyển Thượng
CÁT BỤI
I
[001]
phận ta hạt bụi mê lầm
trong cơn say tỉnh gọi thầm giai nhân
lạc nhau cát bụi bần thần
gác khuya trở giấc gieo vần ngả nghiêng
[002]
vốn ta hạt bụi ưu phiền
trong cơn ngái ngủ triền miên gọi người
luân hồi gợn thoáng tâm hư
sắc không dậy chút tâm từ hỗn mang
[003]
trong mơ cát bụi bàng hoàng
trong ta còn trắng vành tang tình dài
trong em mờ cuộc tình phai
trong tình còn đẹp dấu hài nghìn sau
[004]
sương chia khói lạc chờ nhau
cát xa bụi khổ nỗi đau phận nầy
tương tư giọt bụi rạc gầy
thủy chung cát lịm ngất ngây cõi ngoài
[005]
chờ nhau cát bụi mệt nhoài
gặp nhau dã dượi vòng xoay nghê thường
thương nhau tình rộn ràng vương
tìm nhau cát bụi đêm trường mộng đưa
[006]
kể từ hạt bụi thấm mưa
rơi tài tình tứ – rớt bừa bãi duyên
 đam mê bụi lụy thuyền quyên
lưu vong phận cát ngủ miền giang khê
[007]
cát gầy bụi ốm hôn mê
chiều đông bỏng sốt – đêm hè lạnh căm
với tay sờ cõi nghìn năm
mây che đỉnh tuyết biệt tăm dấu hài
[008]
bụi từ hóa kiếp đầu thai
hóa thân vô lượng tóc dài cõi âm
sóng chìm cát nổi tự thân
vỗ bao nhiêu bến vẫn nần nợ quanh
[009]
truy tầm hạt bụi tiền căn
thấy trong kinh điển mộ phần hoang sâu
 bụi đành gặm nhấm nỗi đau
vết loang tiền kiếp nghìn sau còn hằn
[010]
tình về treo võng băn khoăn
cát ngờ ngợ dậy – bụi vằng vặc lên
mây nghiêng – mưa trộn – trăng chênh
giang đầu thác đổ – cuối ghềnh đẫm sương
[011]
yêu nhau túy mộng triều cương
qua cơn bão loạn xuân nhường thu phong
xa nhau bến gợn nước ròng
đông căm tuyết tụ – hạ nồng son phai
[012]
vầng xoay đất mộng liêu trai
phôi thai nước nhược – hoài thai non bồng
một lần không – vạn lần không
trăm năm trắc trở còn chong mắt chờ
[013]
gặp nhau muộn trễ nẻo mờ
mắt thâm – môi tím – má khờ – tóc bay
rượu nồng sóng sánh men cay
viền sâu khóe đợi cuối ngày sầu mi
[014]
đôi môi phượng đỏ trường thi
cổng hong tình đợi xuân thì nửa trang
nến khuya lệ nhễu hàng hàng
kinh khuya chữ ngọc nét bàng hoàng phơi
[015]
dáng ai gầy rạc tơ trời
nửa lơ lửng giạt – nửa bời bời trôi
thương em ngược gió về xuôi
lụy tình một thuở trầu vôi xa người
[016]
liễu xanh cát trắng chia trời
ngả xô vịnh biển – ngả bồi ven sông
tóc phơi cánh gió biếc dòng
rẽ ngôi ly biệt tình trong nghĩa ngoài
[017]
ta từ phế đế về say
gặp em phế hậu định ngày hợp hôn
phù sa cát nổi bên cồn
phù vân trôi giạt biển dồn lũng hoang
[018]
từ em ân điển chảy tràn
từ em sữa mật nồng nàn hiến dâng
từ em môi mắt vây quanh
từ em ai biết ngọn ngành đâu ra
[019]
người đi lối mộng đầy hoa
lao xao trăng nở quanh tòa hồng lâu
tiếng gà giục rã canh thâu
sương ngơ ngác rụng chân cầu xác xơ
[020]
nghiêng trăng vành khuyết bơ phờ
chút duyên huyễn hóa bên bờ hợp tan
tro than khóc cát bụi tàn
bèo mây cầm sắt ngỡ ngàng dấu tăm
[021]
mưa nguồn gió núi lạnh căm
 đốt trang kinh quý sưởi am giao thừa
khói thiền quyện phấn hương đưa
ta chờ người đến truyền thừa khai kinh
[022]
rằng nghe pháp diệt pháp sinh
động sương viễn xứ lụy tình hư vân
từ người khai thị chuyển tâm
mê trăng lữ khách – mê lầm ảo thân
[023]
tìm nơi tịch lạc dừng chân
ươm cây vũ quý xuất thần diệu hoa
hương thơm ngược gió già la
chiên đàn phấn nực – áo tà trăng tươi
[024]
từ trong cốt lõi chân như
nở bung vạn đóa phù hư thường hằng
chân như nguyên nửa vành trăng
phù hư mây phủ vết hằn chiêm bao
[025]
cho vừa cười nụ em trao
môi son chín ửng – má đào hồng phai
tuyết đêm phong kín hoàng mai
u hương thầm tỏa ngày dài mãn đông
[026]
đầu nguồn chạnh nhớ cuối sông
lao xao hoa đốm hư không chợt về
cuối xuân phấn rụng mê mê
lập đông hương lả tóc thề sương bay
[027]
nâng niu nhụy vữa lòng tay
dấu xe ngựa cũ mây bay lỡ làng
tình yêu nào sớm dở dang
bâng khuâng – chân lạc cổng làng – xót xa
[028]
còn ai dõi mắt giang hà
cánh chim bi lụy về qua tháp mầu
mắt người ướt sũng nghìn sau
mi cong tháp đậm – mày nhàu rêu phai
[029]
gió mưa suốt cuộc đêm dài
giọt rơi cửa tím – giọt cài khung xanh
giọt ngơ ngác lạnh treo mành
một đàn hạc trắng trong tranh chập chờn
[030]
cắn môi bật vỡ máu hờn
gió bay mặc gió – mây vờn mặc mây
người từ nghiệp khảo về đây
sương giăng rợp đất – mưa bay đầy trời
[031]
xa nguồn nước có buồn trôi
xa nhau người có bồi hồi nhớ mong
những con hải tước bên cồn
ngẩn ngơ kêu khản giọng buồn đục sương
[032]
chợt thèm đôi mắt cá ươn
môi chùm chín bói – má hường ủng phai
đồng tiền duyên lúm gió vay
đôi chân liễu ốm – nhánh tay trúc gầy
[033]
mai về chất đá chờ mây
chép thơ đợi gió trăng gầy qua song
ai nghiêng gối mộng se lòng
chuyện xưa ngày cũ bòng bong rối bời
[034]
thuở trăng li dị mặt trời
có ta nhân chứng góp lời phân bua
mặt trời gay gắt hờn thua
trăng non nũng nịu chuốt bùa mây se
[035]
vòng tay mãi đợi người về
chuyền nhau hơi ấm lời thề dở dang
hoa từ lạc bướm lang thang
bướm tìm hoa dẫu phũ phàng gió sương
[036]
chắt chiu chuốt mộng vô thường
lá bay theo gió rụng vườn sắc không
một đời duyên phận long đong
lời thề nước cuốn đá mong manh chờ
[037]
biển nghe lòng dấy rêu mờ
sóng cồn bão nổi đục khờ tâm hoang
lòng mơ ngai ngọc cung vàng
phấn bay mấy cõi sặc làn hơi phai
[038]
bàn tay trổ búp lan đài
ngón lần từng lóng ân dày nghĩa sâu
nhớ về đâu – mộng về đâu
trắng đêm thức đợi trăng sầu giãi hoa
[039]
phù hư trên mỗi phân da
triều ba sóng động – âm ba gió tràn
rừng nghe lòng suối hoang mang
thoảng thơm hương lạ chiên đàn mạc ly
[040]
cát trầm tích dậy xuân thì
đất chôn tuổi mộng nhòe mi lệ vờn
vươn vòng tay níu cô đơn
máu đông vỡ mạch dấu sờn tình đưa
[041]
bụi chìm đáy lạnh cốc xưa
lẳng lơ cười nói mây mưa đêm dài
lả lơi khoe cánh lan đài
nhụy dâng mật hiến dấu phai phong hoàng
[042]
tiếng thơ rớt mật đầm hoang
tiếng chuông huyễn hóa từng hàng châu sa
tiếng chân rơi ngọc trầm ngà
tiếng kinh vọng ẩm mấy tòa thiền lâm
[043]
sông xưa quặn chảy bờ thầm
nước xưa mấy cõi phù trầm giạt xa
trăng xưa rải phấn lam ngà
biển xưa sóng vỗ xót xa muối lòng
[044]
mấy mùa tình vẫn long đong
xót người lận đận tình cong môi hờn
cuộc tình nẻo cuối má ươn
một thời bóng xế trăng vờn hiên tây
[045]
lối xưa nắng lụa còn bay
tóc xưa rợp phủ lòng tay chỉ rời
đường nào tình sử mê tơi
nhánh nào tới cõi tuyệt vời bồng lai
[046]
ngả nào dẫn đến thiên nhai
có người xõa tóc trang đài quế hương
chao nghiêng ghềnh thác dị thường
gió neo đỉnh tháp – mây vương chân cầu
[047]
nến vu lan nhễu giọt sầu
khấn hồn từ cõi nhiệm mầu về thăm
chờ người biệt tích vô tăm
tỉnh ra mắt lệ sầu ngăm thẩm buồn
[048]
phận ta lính thú lưu đồn
tuyết lừng khừng chậm – mưa dồn dập mau
nghe sương giá rụng bạc đầu
quê nhà người khép cửa lầu chờ xuân
[049]
sao trên rừng nhớ cố nhân
lạnh căm áo mỏng da ngần sương rơi
nhớ người túy mộng bời bời
chùm sao tinh đẩu phương trời thương chong
[050]
lá rừng tây nhớ biển đông
lắng nghe chim hót thu không ngợp hồn
sóng ngầm xô giạt rêu rong
nhớ nhung rừng đợi – hoài mong biển thề

[051]
những vì tinh đẩu thầm mê
nửa đêm mở cửa phòng khuê tìm người
tin trôi biển bắc xa vời
trời nam động dấu ma hời miếu hoang
[052]
trầm đưa gió chướng chiều hong
bèo giăng gạn sóng lộn giòng thủy ba
tóc vờn dã dượi sương sa
lệ trào ngược chảy chan hòa vào tim
[053]
công danh bèo bọt nổi chìm
giác thân huyễn hợp đường tim nhịp dồn
nầy người tu hạnh sa môn
như ong lấy mật hoa hờn chiều mưa
[054]
ta tên khất sĩ nửa mùa
yêu em toan tính chuốc bùa luyện đơn
chân về guốc gõ cuối thôn
chuông không ếm nỗi lời đồn trăng hoa
[055]
trong triêu dương đã có ta
rót dâng từng giọt nắng ngà ngọc đêm
trong vầng trăng đã có em
nâng niu từng sợi tơ mềm quyện nhau
[056]
sau vườn rụng đóa hoa cau
 hương mùi chợt phảng phất đầu mái đông
người còn đọc sách phòng trong
ta vừa nằm mộng nhũn lòng nôn nao
[057]
trăng thề hờn dỗi non cao
môi thề thấm mặn lời nào trăm năm
chén thề nồng sủi rượu tăm
 lời thề dặm ước xa xăm bay rồi
[058]
duyên xưa gót mỏi lối đời
sáng vầng chướng gió – chiều bời thốc mưa
ai truyền thừa – ai kế thừa
dăm ba cánh hạc lưa thưa chợt về
[059]
có ai trăn trở đêm hè
tiếng quyên đứt ruột nửa mê nửa hờn
nửa xôn xao – nửa bồn chồn
chân ai gõ guốc đáy hồn sơ hoang
[060]
tay tiên nắn gọt từng trang
trải xa thông điệp dặm ngàn nhớ thương
tóc xưa thoang thoảng trầm hương
chờ nhau giây phút vô thường phôi phai
[061]
sát na sinh diệt từng giây
mắt người (vàng lạnh liêu trai) rã bời
bao nhiêu nắng quái hong trời
áng mây tiền kiếp lặng trôi dật dờ
[062]
trong mê môi mắt hững hờ
chiếu chăn xô lệch mép bờ chia xa
mốt mai ấn tích nhạt nhòa
trăng xưa vẫn sáng nhập nhòa lầu không
[063]
có em đập sợi bên cồn
nhường cơm hào sĩ – chia dòng duềnh sâu
chân mây – khói sóng – dàu dàu
chút lòng trinh bạch trầm châu gieo vàng
[064]
trong nhau hồn phách ngỡ ngàng
ngoài nhau da thịt bàng hoàng tìm nhau
mây giăng (dặm ngút) giang đầu
mưa về kín bãi sông ngâu sụt sùi
[065]
đôi tay giận thẫm ngón thù
đôi chân ghen tím trời thu ráng chiều
phố gieo bước vội buồn thiu
bấm lần từng ngón độc chiêu đòn hờn
[066]
thỉnh em đóng kín tim nồng
thỉnh em (khép vạt yếm bông) kêu mời
thỉnh em mím chặt thành môi
thỉnh em khóa cổng vườn đời lỏng then
[067]
nhắn người búi tóc chít khăn
cài trâm giắt lược chờ trăng rằm về
mãn xuân chưa thấy cánh hè
đợi mai tóc rối bốn bề tím vây
[068]
mây giang hoài có về đây
ta hâm trà quý đêm say ngồi chờ
chờ người đầy mấy trang thơ
chờ trăng tàn loãng khói mờ trầm thơm
[069]
gót về ngơ ngác vân môn
trăng am – thất đá – lãnh sơn – dặm dài
tranh vanh u cốc thiên nhai
chênh vênh mây vắt – liêu trai sương vờn
[070]
trang thư ướp cánh phượng hồng
thoảng thơm mùi phấn má nồng hơi xưa
hương trà hoa nữ đong đưa
tóc bay ngày ấy lưa thưa âu về
[071]
giang hoài lãnh nguyệt thê thê
dáng ai côi cút tóc thề sương bay
nhớ thương trũng mắt dài tay
mùa thi tuyết rớt đợi ngày đăng khoa
[072]
trà bách tử ướp tùng hoa
khói giăng – động khẩu giang hà – hương bay
mời người một chén tỉnh say
trăng tình trở gót dáng gầy năm xưa
[073]
chùm môi chín mọng đầu mùa
phí hoang chút mộng mê bùa hộ thân
 lầu khuê phơi mảnh hồng quần
bướm ong về đậu tần ngần lại bay
[074]
xa nhau lạnh buốt tầm tay
trang thơ ướp cánh hoa lay rã rời
hàng hàng chữ trổ nụ tươi
thương ai bến nước còn ngời tóc thiêng
[075]
gió đùa tàu chuối mé hiên
mưa sa rớt hạt triền miên sau hè
dập dồn thoảng tiếng ngựa xe
tiền khê gió dậy – hậu khê sương lồng
[076]
tiếng chân vọng mãi trong hồn
âm vang thuở nọ – bồn chồn mai sau
sân lòng guốc nện quằn đau
dấu hài rớt vội tiếng tàu giục xa
[077]
ai trau chuốt ngọt lời ca
phút ân ái cũ – đêm ngà ngọc xưa
gối chăn giấu giọt hương thừa
đôi môi núi lửa ấm vừa mê si
[078]
người về thôi cứ về đi
buồm xuôi cánh gió kinh kỳ giạt theo
ta về cuối nẻo cheo leo
đón em trên đỉnh đèo heo phận mình
[079]
cuối năm lạnh được mùa tình
em soi nhan sắc qua bình rượu hâm
chiếu chăn ươm ngọt hương trầm
 canh ba gió lọt trăng lầm lũi đi
[080]
những vì tinh đẩu tình si
về xây bảo tháp quy y điện mầu
tụng từng đêm phú na lâu
trang kinh hoa nở nhiệm mầu sắc không
[081]
trở trời rụng quả sầu đông
sơn tăng bỏ động phù không tìm về
dặm ngàn mưa gió thê thê
lòng ai (chợt tỉnh chợt mê) khói chiều
[082]
tóc người từng sợi đìu hiu
chảy buồn ướt nhánh sông triều tịch hoang
kể từ trời đất hỗn mang
kể từ rạc cánh bàng hoàng thiên di
[083]
phượng màu ngơ ngác trường thi
mùa người đơn lẻ ngả chia lối thề
từ ngày giấy mực ngô nghê
phượng rơi  theo bướm – người về theo mơ
[084]
cả đời sạch – mình ta nhơ
còn em thắp ngọn nến mờ chép kinh
soi bàn tay chợt thấy mình
xem trang thơ cổ diễm tình sa oanh
[085]
khêu ngọn vàng – đọc thư xanh
trầm vương nhả điệu – hương quanh quyện hồn
tóc về theo gió bản buông
qua khe cửa lạnh từng luồng nhớ nhung
[086]
trăng nhô sau núi mịt mùng
sương giăng niềm sớm – mưa chùng nỗi đêm
đưa tay vén mảnh tơ rèm
gió thương gò ửng – trăng thèm nụ mơn
[087]
vẳng nghe lòng suối dỗi hờn
nỉ non qua vách đá mòn chảy suông
ngày mai nước trở về nguồn
ta chờ mây tụ nghiêng tuôn lệ trời
[088]
tuyết rơi – giá rụng – gió nhồi
miên miên ba giới bên trời tàn đông
vườn trăng mở cổng mây lồng
mắt môi hạo hạo – tơ đồng hây hây
[089]
tụ mây lợp thảo am mây
kết êm nệm cỏ – xây dày tường trăng
rước em về hội xích thằng
trăm năm thắp ngọn châu đăng sao trời
[090]
lòng qua lối ấy bời bời
như mây – như nước – như trời – như sông
 lúa non thân nhuốm bụi hồng
mắt ai ngày ấy vời trông phương nầy
[091]
phong lưu gió thoảng rạc gầy
trong cơn thần hứng rong dày triều đưa
mây ngàn (hạc nội) duyên xưa
tưởng người trong mộng cũng vừa chiêm bao
[092]
trộn màu khánh hạ hoa bay
nhớ người mắt lệ hờn cay phấn nồng
xa người sông nước ngùi trông
sương giăng đỉnh núi – mây lồng đáy ao
[093]
suốt mùa tuyết rụng xanh xao
đôi chim di trú về trao gởi tình
cánh lơi lả dặm trường đình
bay qua biển lặng rọi hình hài suy
[094]
thương nhau trăng nước thầm thì
triêu dương mật ngất – xuân thì hương ngây
sát na với một tầm tay
xa nhau gang tấc tháng ngày trôi xuôi
[095]
lời thề đậu tạm đầu môi
câu thề cạm bẫy bên đồi cát bay
trở mình thức tỉnh cơn say
dáng ai nhập mộng hoa lay cánh buồn
[096]
giá băng cuộc lữ mưa nguồn
ướt đầm môi mắt nghìn truông dõi tìm
sáng dò biển bắc chân chim
trời nam chiêu cảm mạch tim máu dồn
[097]
nhánh sông nghiêng rót qua hồn
chia hai cát bãi sóng cồn đôi nơi
nước dồn triều dậy phanh phơi
cát dầm tóc đợi – bờ khơi môi chờ
[098]
mấy mùa lệ úa trang thơ
ngôi vương hoa rắc – bệ thờ ráng pha
kêu thương gào thấu giang hà
lưỡi tê tình vị  mắt nhòa dấu chim
[099]
bụi ngầm gờn gợn trong tim
giục người khắc khoải truy tìm vết son
cát thầm vun ốc đảo con
xui người thao thức lối mòn chân qua
[100]
môi trề ngọt lịm chua ngoa
tay vươn dài muốt ngón ngà dối gian
tóc bay rợp nẻo điêu tàn
đường xanh giã biệt – lối vàng chia ly
[101]
thâm khuê từ buổi dậy thì
mùa xuân mang tiếng thị phi tóc bồng
qua cơn hạ bỏng long đong
cuối thu lá rụng bên giòng man khai
[102]
nửa đời bẻ kiếm lau tay
hẹn người bên cội hoàng mai giang đầu
chờ trăng xõa bóng chân cầu
lược ngà gỡ mái tóc nhàu quyện hoa
[103]
rồi mai bụi đỏ thành xa
phấn hương còn đọng áo là lượt bay
cát mềm gió cuộn mây sa
mắt mờ sương đục – môi cay khói mù
[104]
tay dâng của lễ ân thù
dưới ngai cửu ngũ lòng tù ngục nhau
môi lầm – mắt lỡ – mày chau
ngại ngần – thiết thạch vàng thau – mống ngờ
[105]
tầng trời thái cổ ngẩn ngơ
những vì tinh đẩu dật dờ nhớ thương
bỗng dưng rừng trở thê lương
hạt mưa sợi nhỏ vô thường phiêu nhiên
[106]
mốt mai mai một lời nguyền
tóc tơ tơ tóc lâm tuyền kết giao
xưa sau cát lạc phương nào
đưa tay bẻ khóa động đào tìm nhau
[107]
mầm nhân sinh diệt nhiệm mầu
dật dờ tiền kiếp chờ đầu thai tiên
men tình nẩy hạt uyên nhiên
nghìn năm thức ngủ thẩm huyền mắt sâu
[108]
tiếng nghìn xưa gọi nghìn sau
cõi hoang đồng vọng gót nhàu liêu trai
rã canh hồn cuộc mộng dài
chợt nghe nhạn lạc kêu hoài thâu đêm
[109]
dáng hoa nồng ấm môi mềm
đáy sâu ngục tối trăng thèm điêu ngoa
mấy thu tịch mặc chung trà
mấy đông tê buốt mây nhòa nhạt thơ
[110]
khóa xưa cổng cũ khép hờ
cánh chim trốn lạnh bơ phờ bay ngang
nến khuya lệ nhỏ hàng hàng
đèn chong thao thức tụng trang sử tình
[111]
chiếc thân giây phút hiện sinh
hoắt nhiên bỗng đến – thình lình chợt đi
trầm thơm ngát thoảng hương quỳ
phút giây xả mộng lưu li mơ về
[112]
thiết tha như quốc gọi hè
bâng khuâng nhạc trúc hờn ve trang đài
nao nao trầm vọng tiếng hài
người vì thương nhớ tóc mai rạc nhàu
[113]
lao xao vó rụng chân cầu
cá no cắn bóng sao đầu mùa rơi
dầm dề trăng ướt lả lơi
sương khuya thấm lạnh mảnh đời gương trôi
[114]
môi người nở nụ mân côi
ngón tay lần chuỗi rối bời chuông rung
lời kinh trầm tỏa mông lung
uy nghi cung thánh – vô cùng ngôi ba
[115]
nụ tình sinh diệt trổ hoa
chùm mây trắng mộng trôi qua sân đời
bóng che khuất nẻo môi cười
hoa tươi cửa động còn tươi nhiệm mầu
[116]
lời thề luyện hạnh vô cầu
bước vui sóng dậy – gót sầu trăng lên
vách am cỏ dựa sơn căn
chợt nghe từng nụ thường hằng trổ hoa
[117]
dung ba gợn sóng âm ba
loãng tan hư ảo la đà thái sơ
yêu người kẽ tóc đường tơ
giang tay bắt mộng bơ phờ xưa sau
[118]
hẹn hò rung trúc chờ nhau
chén cơm phiếu mẫu gợi đau lòng vàng
nghìn điều giữ lấy thiên chân
trăm đường ân ái trễ tràng nghĩa xưa
[119]
gió ru lắc võng cành trưa
treo nhành tuyết rụng rây mưa nhiệm mầu
hoa vô ưu trắng mái đầu
dỗ người say giấc ưu sầu tịch nhiên
[120]
trái mơ rực chín rừng thiền
hái chùng lén giấu bên hiên trăng vàng
người về lòng chợt hoang mang
bụi hồng ố chợ – trăng vàng úa ga
[121]
đưa tay ấn mắt xem hoa
nghìn bong bóng trổ nhập nhòa bến không
sáng biển xanh – xế trời hồng
rạc rời từng cánh rong bồng bềnh trôi
[122]
bao nhiêu thinh sắc đầu môi
lời sa chót lưỡi – phấn rơi lề đường
dưới cầu con nước chảy suông
người soi bóng xế lòng buồn thị phi
[123]
thiên nhiên một thuở xuân thì
trăng vườn lãng uyển thầm thì chuyện xưa
rằng hôm cuối buổi chiều mưa
cánh hoa hàm tiếu hé vừa nhả hương
[124]
ra đi ngựa ốm đường trường
nước xuôi thuở ấy còn vương lệ dài
thuyền về gió ngược hồng phai
rụng rơi rã cánh lan đài cõi hoang
[125]
dáng ai mờ tỏ sương ngàn
yêu ma – quỷ mị – chú thần – bùa mê
lục trang thư cổ câu thề
lối ra bào ảnh – dặm về hư không
[126]
biển băng đợi gió sưởi nồng
bụi trần ngóng mỏi mưa hồng biệt tăm
em cho tình hẹn trăm năm
ta chờ đành phận duyên tằm lãng tơ
[127]
nhân tâm phiến hoặc mịt mờ
tóc bung chiều rối thẫn thờ huyễn không
trải dài da thịt làm sông
thuyền chao môi thẫm – buồm lồng mắt sâu
[128]
nghìn sau hận trắng bể dâu
thương tang chín cõi suối màu đục trong
ra đi lòng mãi dặn lòng
mai sau về tắm lại dòng trà giang
[129]
cánh bằng hồng hộc trời nam
bay qua biển bắc mù tăm ngô đồng
e gió tã – ngại mưa tầm
tuyết giăng – giá đổ – sương dầm – gió se
[130]
biết đâu một cõi đi về
man man bến đậu thuyền mê thuở nào
bỗng dưng lòng thấy nao nao
dưới trăng buổi ấy khăn trao sương làn
[131]
tỉnh say – mộng mị – bàng hoàng
kể từ binh biến hoang tàn khuê cung
đài lâu – điện các – sảnh tùng
nửa đêm rồng hiện vẫy vùng dọc ngang
[132]
giấc nồng lịm – thuở hỗn mang
có em về giữa sương màn trăng suông
xa nhau là mấy dặm đường
gần nhau (da bỏng tóc vương) trái mùa
[133]
kêu mưa – gọi gió – yểm bùa
 linh phù lãng đãng – gió mưa dã dề
mương – đầm – sông – lạch – giang – khê
tiếng chim tha thiết giọng tê cõi mờ
[134]
mai về thôn vắng nằm chờ
nghiêng vành nón hạ em thờ thẫn qua
nhà nhà trăng – chốn chốn hoa
đêm lên rải mộng sương lòa xòa bay
[135]
khói mù thuở ấy còn cay
lạc nhau ngày ấy còn đau nỗi chờ
có ai biết – có ai ngờ
trăm thương nhớ tụ – nghìn hờ hụt qua
[136]
bóng mây năm sắc khoe hoa
dật dờ sóng úa – nhập nhòa gió tươi
môi nào nếm thử thái hư
mắt nào thấy rõ bụi từ hóa thân
[137]
em phù sa – ta phù vân
lêu bêu trên đỉnh mây tần phù du
phù trầm lạc bến chân như
phù sinh cát bụi trầm tư cửa thiền
[138]
lời thề chép giấy hoa tiên
hàng hàng sao dọi cung thiềm nghiêng song
dẫu rằng ngọc nát còn trong
dẫu cho trúc héo tấc lòng vẫn ngay
[139]
kinh qua một cuộc tình say
tóc bay mặc gió – vai gầy mặc mai
gió bay nối tóc muốt dài
 xuân về trổ mộng trang đài xanh xao
[140]
lối về vằng vặc trăng sao
tìm năm xưa bóng nụ đào tiết đông
nẻo xưa gió cuốn bụi hồng
nhụy đào thuở trước mưa giông rụng rồi
[141]
từ trăng dỗ giấc giang hoài
nghiêng theo cánh gió mệt nhoài đôi chân
ngày đi chưa kịp trối trăn
ta nguyền thắp cụm hương đăng đợi người
[142]
kể từ lạc chốn nhiên như
em về tiếng guốc trầm tư cuối ngày
cuộc tình tóc mượt liêu trai
mắt môi nước lớn – mi mày sóng lên
[143]
mưa sầu gió tạt qua hiên
người về bên ấy tưởng yên phận đời
ai ngờ gió thốc mưa rơi
cánh chim trốn tuyết rối bời đường bay
[144]
trong mơ xót dáng ai gầy
tay thon mười ngón vơi đầy nhớ mong
trầm hôn giấu hạt tơ hồng
dậy men cổ nhã – nẩy mầm tân toan
[145]
nửa mê – nửa tỉnh – nửa hờn
có ai gõ đá tụng rờn kinh ma
sương giăng – trăng lạnh – sao sa
bóng ai về giữa lượt là chiêm bao
[146]
chót môi ái ngữ ngọt ngào
chuôi mày ngọn mắt mưa rào đất khô
đáy hồn sóng vỗ lao xao
đầu ghềnh cuối bãi thuyền chao buồm về
[147]
chợt bừng – chợt tỉnh – chợt mê
chợt ngủ – chợt thức – chợt về – chợt đi
chợt nghe chân tánh thầm thì
trang kinh vô tự tiếng tỳ bà rơi
[148]
khách rong ngủ trọ quán đời
người qua trú tạm một thời trong tôi
xẻ hai hạt mộng luân hồi
cánh ưu đàm nở bên đồi sương lam
[149]
triền non cất vội thiền am
kết mây chờ cụm ưu đàm trổ hoa
phấn lan rừng – nhụy già la
gom sương khuya tụ thếch trà vũ di
[150]
người từ bất chấp thị phi
bưng tai bịt mắt lối đi mịt mù
cuộc tình phía trước thâm u
 sau lưng sóng dậy mưa phù hư giăng
[151]
đêm ba mươi mộng thấy trăng
thấy người dáng mỏi về thăm giã từ
mơ hồ nửa thực nửa hư
mây từ núi dậy – gió từ khe lên
[152]
gặp nhau bèo bọt lênh đênh
xa nhau thoáng chốc chênh vênh nửa đời
thuyền xa bến hận nổi trôi
bụi từ xa cát phai phôi cuộc tình
[153]
tiếng cười gương vỡ thủy tinh
giọng hò ướp đá rùng mình sao băng
lạnh hài nguyệt – buốt áo trăng
cuộc tình thuở ấy đá băn khoăn hoài
[154]
gót chân ngơ ngác cõi ngoài
tiễn nhau mấy dặm quan hoài mây bay
đường xa đẫm giọt lệ dài
nghê thường che rợp chút đài trang xưa
[155]
xót người đi sớm về trưa
thương ai tóc rợp bóng dừa quê cha
bên song gió chuốt tay ngà
lụt tràn quê mẹ nuột nà sông xanh
[156]
ta đan giày cỏ kinh hành
bỏ người bên suối không đành lại thôi
cởi hài mục – nhìn nước trôi
váy xiêm mấy kiếp tưởng thôi ghẹo người
[157]
giữ nhau từng sát na rời
nhớ nhau từng khúc ruột bời bời riêng
hẹn nhau rã mộng cát triền
xa nhau chừ vẫn mộng biền biệt xa
[158]
nhắc nhau mỗi tối xông trà
dặn nhau giữ ấm ngón ngà ngọc chân
hẹn mai trời đất xoay vầng
dâng nhau từng niệm chân lành tâm như
[159]
mưa giăng cổ tháp mịt mù
người chong mắt đợi dáng thù năm xưa
chiều nao mưa vẫn thầm mưa
cành xanh trĩu mộng lưa thưa rụng dần
[160]
mai nầy từ giã xác thân
 xuôi tay về cõi vô ngần ước mong
mốt kia thôi cuộc long đong
vẫy tay phủi nợ tình trong nghĩa ngoài
[161]
vì ai gió dậy phương đoài
trăng chia ải bắc – sao dời biển đông
đáy ly ngọt đắng rượu nồng
đường xưa nở rộn pháo hồng vu quy
[162]
người về thôi cứ về đi
giang tay bắt mộng xuân thì vờn bay
ta về tình trắng đôi tay
trân tàng chút mộng ngùi cay nỗi đời
[163]
cánh hồng bướm phượng gom lời
thầm thương trộm nhớ diệu vời xa trôi
từng dòng thương nhớ chơi vơi
từng trang chữ rã mực rời giấy thơm
[164]
nụ vàng búp ngọc vừa đơm
trên cành nhân bản lá mơn lọc lừa
yến oanh gọi gió rây mưa
đài hoa kiêm ái cũng vừa tàn theo
[165]
từ ngày nhánh mộng vừa gieo
bướm ong về đậu cuối đèo trông sang
áo bay ngất rợp chiều vàng
 tóc bung theo gió lỡ làng từng thu
[166]
trên yên xõa tóc niệm phù
kêu mưa – hú gió – thần tru – nguyệt rằm
sấm rền trời đất mù tăm
cát bay đá chạy dặm ngàn thâm u
[167]
võng treo gió lộng vô ưu
ru em đẫy giấc oán cừu thâm căn
dấy từ tâm thức ăn năn
hoa bâng khuâng trắng mộ phần thụy miên
[168]
phong trần – phiêu sái – như nhiên
khóe cay khuya rợp tóc huyền lẳng bay
mắt sâu (từ độ) ngủ ngày
từ thời khóc mướn thương vay chuyện người
[169]
sao rơi – gió dập – mây dời
tuyết sa lệ đổ ngập đồi trượng nguyên
cơ trời khứ tựu oan khiên
ba quân ngơ ngác – khuôn thiên xoay vầng
[170]
bút mây vẩy gió phê vân
uyên nhiên giây phút xuất thần tinh khôi
trùng trùng – vân vũ – điện lôi
đất trời tứ pháp luân hồi mưa sa
[171]
khói ru đẫy giấc giang hoài
nửa gần gang tấc – nửa xa mịt mờ
trăng nam kinh dáng bơ phờ
về soi phố lạnh vàng tờ thư xanh
[172]
rã rời mộng mị thâu canh
nồi kê chín tới ngún cành đam mê
môi nào chín đỏ bội thề
tóc nào lồng lộng chiều thê thiết dài
[173]
treo sinh tử giữa lòng tay
nhất như một tấm lòng chay tịnh đầy
trái đời chín rụng oằn vai
tế bào phân hoại sốt ngày lạnh đêm
[174]
từng hơi thở vẫn còn em
chợt đi chợt đến mộng thèm ái ân
 đồi thu tuyết phủ trắng ngần
dáng ai ẩn hiện từng phân da ngà
[175]
đã xảy ra – chưa xảy ra
như bèo như bọt như là chiêm bao
ngày lại ngày cứ lao xao
như mây khói tụ – như bào ảnh tan
[176]
trong tâm mọc nhánh trúc vàng
trong ta em sáng trăng bàng hoàng soi
trên cành mộng nở vì sao
sao băng đầu rẫy – mưa rào cuối nương
[177]
trang nghiêm cõi mộng dị thường
dáng ai phiêu hốt dạo vườn trăng xưa
tóc xanh mượt chải lượt dừa
gót quen từng dạo giàn dưa giậu cà
[178]
hài tiên gieo phấn lượt là
áo tiên bay cõi ta bà bụi vương
môi tiên thơm dạ lý hương
tay tiên chép rã vô thường thư si
[179]
trong mây mù có từ bi
trong băng tuyết có kinh thi bút thần
lệ người hóa giọt thủy ngân
trong cơn mưa đá ẩn thân tỏ tình
[180]
ngày em thề thốt băng trinh
khung trăng vĩnh thệ trụy tình chứa chan
trong mơ hoa đợi sương ngàn
trong cơn lâm lụy lệ tràn ướt ngôi
[181]
ngày mai cát bỏ đi rồi
bụi bơ vơ ngóng từng hồi chuông không
tiếng kinh đọng giọt tơ đồng
trăm năm tri kỷ khóc hồng nhan phai
[182]
vữa tàn bến cũ xuân mai
trăng khoe áo cưới lạnh hài đẫm sương
đưa em mấy thuở hoa nhường
hẹn người mấy bận bướm thường thở ra
[183]
nửa lời thề thốt bay xa
 say mê phù phiếm lượt là xiêm y
niêm lòng phong kín xuân thì
trề môi khép mắt thị phi miệng đời
[184]
câu kinh rụng tiếng không lời
hồi chuông thỉnh giáo không nơi dội về
giọng ca thánh nhạc trầm mê
ru người xây mộng đi về cõi mơ
[185]
mở vành tai dại ngu ngơ
giọng người hát ngọt bâng quơ dị buồn
khoa tay bắt ấn mười phương
một con nhạn lạc kêu sương cuối trời
[186]
trừng đôi mắt đục ngắm đời
áng mây ngũ sắc chân trời giạt xa
ai hoang phí giọt ngọc ngà
tiếc thương thẫm mắt – u hoài nhạt môi
[187]
thác nguồn cát cuộn bụi trôi
rẽ trăm nhánh úa chia phôi mây vầng
bởi từ cát bụi phân vân
vai chùng trĩu nặng nợ nần người tha
[188]
mặt trời lỡ thụ thai ta
nên em đầy ắp lụa là phấn son
lối về ngựa nản chân bon
nghiêng ly rượu đắng đáy vờn dáng ai
[189]
nụ hôn dạo ấy chưa phai
dấu son tình mộng chờ ngai phong hoàng
cũng vì bước hụt long đong
còn đâu má nõn mà hong chung tình
[190]
nửa đêm bắc đẩu trở mình
mười phương chư tổ vô tình thuyết kinh
sao khuya thức đợi bình minh
từng dòng thánh sử ngọt tình sao băng
[191]
tiếng ai đập lụa cồn trăng
lao xao sóng cuộn đá lăng loàn chờ
tiếng người xé lụa đêm mơ
trữ la bến cũ bơ phờ nước xuôi
[192]
hồng nhan tri kỷ giao bôi
dấu xưa mấy thuở mắt môi đắng tràn
đợi nhau tròn cuộc truy hoan
lạc nhau ong bướm bàng hoàng như nhau
[193]
bàn tay hóa chủ nhiệm mầu
đúc cung tiên đảo – dựng lầu thiên thai
ta nằm mơ thấy bồng lai
 người về ru ngọt giấc dài chiêm bao
[194]
từ tâm trổ nhánh trúc đào
chứa chan nghĩa biển – dạt dào tình sông
duyên xưa nguyệt lão tơ hồng
chăn đơn đắp vẹn – rượu nồng uống chung
[195]
từ đêm bão nổi trùng trùng
từ em sóng dậy chập chùng biển tâm
từ chớp lạch – đến mưa giông
từ mùa nước lũ băng đồng du phương
[196]
từ hoa muộn nở sân trường
em so đo chút phấn hương dư tàn
từ ta ngái ngủ miên man
nên đêm cổ tích dối gian chợ đời
[197]
rồi mai góc phố chân trời
lạc nhau tình đẫm lệ rời lòng tay
rồi mai am cỏ tường mây
khóc em ta trải lệ đầy trang thơ
[198]
trăng từ xa lắc xa lơ
về đây rắc phấn mịt mờ chung cư
phấn nào thực – phấn nào hư
phấn nào vàng nhạt nhiên như tình gầy
[199]
quần gai – áo vải – đai da
nửa đêm đập cửa vào nhà mắng ngang
trong mơ có kẻ ngang tàng
trần ai tỉnh giấc bàng hoàng tìm đâu
[200]
bóng trăng ướt nhẹp đầm sâu
  soi gương thấy mặt nhiệm mầu phút giây
từ em mượn dối làm thầy
nên đêm chắp chữ – nên ngày ráp câu
[201]
bờ sinh bến tử trở đầu
bọt tan sóng vỡ thẫm màu mê hoang
bùn trôi lũ ngập dòng sông
tình rơi sủi bọt mê lồng trang kinh
[202]
trang thư chợt đọc vô tình
chữ em tiết mật thình lình nhả hương
đóa quỳnh nở vội đêm sương
tóc ai chiều ấy thầm vương trăng đầy
[203]
lao xao mặt nước bọt bày
nghìn bong bóng nổi trên tay rạc buồn
rậm nhánh sông – thưa cội nguồn
mây trôi năm sắc đẫm truông mắt sầu
[204]
đi về mộng ảo tìm nhau
gặp đây thảng thốt trên cầu phố sương
nầy người đài các công nương
ngựa xe chen lấn bên đường bụi hoen
[205]
có loài thủy hạc ăn đêm
tiếng kêu tha thiết lay rèm gió thu
trời nghiêng tây bắc mịt mù
đông nam đất trổ thâm u nhũn lòng
[206]
quỷ sương khóc sóng bên cồn
chiều buông trống điểm thu không thành ngoài
trăng rơi buốt nỗi u hoài
gió lên biển dậy sõng soài ma trơi
[207]
chỉ thề thốt tạm đầu môi
người quay gót ngọc nửa lời bay xa
chiều nao ai chuốt tay ngà
bên khung cửa hẹp nhạt tà áo xưa
[208]
phận ta hạt bụi dầm mưa
công em khai ngộ truyền thừa pháp duyên
ta còn đầy ắp ưu phiền
tóc em bay rợp kín miền thạch tâm
[209]
xưa lên núi thẳm tìm trầm
sương giăng rừng vắng – mưa dầm bãi hoang
chờ em đãi sạn tìm vàng
đầu sông cuối bến tân toan tháng ngày
[210]
trăm năm còn vọng tiếng giày
những vì sao lạc chau mày đổi ngôi
nghìn năm còn thoảng hương môi
dáng người ẩn hiện nổi trôi nẻo đời
[211]
niềm đau dài tận cuối trời
lẻ loi từng giọt mưa rơi đầu mùa
xa người mắt ướt hờn thưa
khuya ngần đếm đợt gió lùa thư hiên
[212]
gót hài còn luyến động tiên
còn đi còn đến trên miền thơ hoang
dấu giày vẫn nhớ trần gian
còn qua còn lại trăng ngàn còn soi
[213]
người từ sinh tử về chơi
bước chân lãng đãng mê tơi động đào
man man bờ cõi chiêm bao
đường đi lối đến đá nào khắc ghi
[214]
từ mùa cách trở sinh ly
bụi về viễn phố – cát đi về rừng
cát về treo võng sau bưng
bụi ngờ trôi giạt lưng chừng cõi mê
[215]
gió đem mưa bụi trở về
trắng non buốt lạnh hồn tê điếng sầu
mưa về đâu – gió từ đâu
dáng ai chờn chợ quyện màu thẫm xanh
[216]
lời người tuyệt diệu vô thanh
hát nghêu ngao đợi duyên lành trao thân
hành trình qua cuối cõi tâm
hồ si –  biển khổ – sông lầm – bến mê
[217]
khung trời đâu suất ai về
thăm vườn xưa mảnh trăng thề tơ giăng
đầm xưa bóng hạc băn khoăn
em xưa lồng lộng dáng hằn nguyệt sa
[218]
bởi ta cát bụi chia xa
bởi ai nên thiện ác hòa chung đôi
bởi tình nên biển sóng nhồi
bởi tâm đời ứa cho trời giọt tuôn
[219]
hoàng hôn vấp sợi tóc buồn
bước chân lãng đãng sương nguồn thu sa
ráng chiều (ửng sắc) yêu ma
tỉnh say một giấc yên hà gió lay
[220]
ưu đàm kín rợp đường mây
năm nghìn năm nở trên tay phật thầy
hoa ưu phiền nở mùa chay
chờ ngày linh hiển dấu giày thánh vương
[221]
càng xa – càng nhớ – càng thương
dáng ai ngày ấy diệu thường tóc bay
gần nhau đêm ngắn mệt nhoài
tóc thôi chờ gió – trăng hoài đợi mây
[222]
lá rừng bụi đỏ ngất ngây
lá trôi về cội – bụi bay về đồng
tình vương đọt lá diêu bông
biết đâu bờ bến mà mong đợi tình
[223]
bồ đề không tướng không hình
không chủ – không khách – không mình – không ta
bên song rũ rượi tóc xòa
không dư – không thiếu – không nhòa – không phai
[224]
người từ lạc bước thiên nhai
cổng trời tịnh độ chờ ai khép thề
sợ nhân: giác – sợ quả: mê
sợ em hương sắc mà tê điếng lòng
[225]
chiều đông gió tạt qua song
ướt trang thư cũ người hong bên thềm
đêm qua trăng lẻn qua rèm
kéo chăn tơ đắp chợt thèm vòng tay
[226]
mai về làm bạn với mây
ngủ trong am gió quên ngày đợi đêm
trong mơ trăng rớt quanh thềm
trang chu hóa bướm về tèm lem say
[227]
một vì tinh đẩu ngất ngây
rụng trên vai nhỏ em gầy rạc mai
sao khuya ngái ngủ thở dài
ai trăn trở mộng thiên thai bồng bềnh
[228]
cát đầu sông – bụi cuối sông
lạc nhau mấy thuở đôi dòng lênh đênh
phân ly bao ngã buồn tênh
trùng phùng (chợt nhớ chợt quên) ngày nào
[229]
nhớ nhau trăng nước rì rào
xa nhau từ buổi yêu đào khắc tên
lạc nhau (bắc đẩu) chênh vênh
lụy nhau nguyệt lão bỏ quên tơ hồng
[230]
ai đầu sông nhớ cuối sông
ta cuối sông mãi ngóng trông ngược dòng
người về lúa trổ đòng đòng
bắp non ngậm sữa dằn lòng ra đi
[231]
người sâu mắt thức mùa thi
kinh qua một nửa xuân thì long đong
tơ vương trăm mối bòng bong
đèn khêu duyên úa – bấc chong đêm tàn
[232]
ôi em quá đỗi nồng nàn
mắt môi chín tới mật hàng hàng tuôn
xin em buông xả ghen buồn
nài người thôi tạm đóng tuồng tích xưa
[233]
chùm môi chín mọng đầu mùa
muộn màng trăng xế dáng bùa chú thiêng
buồn tênh gió lọt tây hiên
gối e ấp lệ triền miên chảy dài
[234]
mộng từ muôn thuở chưa phai
nửa khuya trăng lạc trên vai liễu gầy
rơi từng giọt mộng ướt tay
ai chong mắt thức ngủ ngày chép thơ
[235]
thương nhau cát bụi bơ phờ
thủy chung kết tóc xe tơ một đời
trọn đời kết tóc xe tơ
nghìn sau cõi mộng chưa mờ dấu xưa
[236]
từng chiều mưa vẫn còn mưa
tóc mai gió thốc lưa thưa cuối trời
 giọt rơi – từng giọt – buồn rơi
tịch liêu thầm tụ lạnh lời kinh sa
[237]
ru ta mười ngón nuột nà
em thề chuốc rượu dâng hoa một đời
cuộc tình bến mộng mê tơi
cắn môi muối mặn thốt lời kiên trinh
[238]
xa nhau vẹn kiếp phù sinh
ai nghiêng vạt nắng rây tình nhớ nhung
buộc nhau thề thốt thủy chung
dâng nhau vắt nặn tận cùng tim gan
[239]
người đi cuộc mộng chưa tàn
phấn son rực rỡ trên làn da thơm
xuân hàn – hạ trắng – thu mơn
lập đông tuyết lạnh mắt rơm rớm chờ
[240]
từng đêm thức trắng chép thơ
chiêu hồn thái cổ dật dờ về thăm
gặp nhau ghi vội trối trăn
lời thề thốt gởi giang đăng viễn hoài
[241]
long đong cát bụi mệt nhoài
về xây am nhỏ bên ngòi tịch liêu
qua mùa lũ lụt gió xiêu
vào rừng cất rượu sớm chiều say kinh
[242]
bướm ong một thuở si tình
đãi nhau dâng chút ẩn tình xót thương
u tình phảng phất u hương
chân thường sương ngọt – vô thường khói cay
[243]
người buồn xõa tóc gọi mây
chao đôi vai nhỏ tay gầy nhánh tê
tóc bay mây vẫn chưa về
nón nghiêng tụ gió lời thề heo may
[244]
bên trời bất chợt mưa bay
co ro người đếm từng ngày tháng trôi
trang thư lạnh ngắt tình đời
từng dòng băng buốt dấu môi đợi người
[245]
chim bay hằn vệt cuối trời
người đi lạc dấu rã bời phấn son
mai về ngựa nản chân bon
bụi giang đầu đổ chiều mong ngóng hoài
[246]
sau cơn bão rớt sóng nhồi
cát trôi đoạn thực bên đồi phù sa
tàn mùa nghiệt ngã kinh qua
bụi giăng tuyệt thực trăng tà hé nghiêng
[247]
tựa cửa không – đọc kinh hiền
điển ngôn nhả ngọc – lam điền hóa thơ
hàng dương chân núi bơ phờ
rủ ve về hát bên bờ tịch hoang
[248]
chiếu chăn đá sỏi muộn màng
nửa khuya chợt tỉnh giấc bàng hoàng xưa
hạt gầy bụi sũng cơn mưa
trôi về tiền kiếp chờ mùa hóa thân
[249]
bản lai cát bụi xoay vầng
 bao phen lâm lụy – mấy tầng ngửa ngang
hoa cửa động – khói ven làng
phấn hương nhân thế võ vàng tính linh
[250]
bụi từ thập giá phục sinh
về qua biển đỏ xây linh hiển đài
cát từ sa mạc phôi khai
vượt qua biển chết đầu thai kiếp người
phù hư dật sĩ
VÕ THẠNH VĂN
2000
BẠT 1
CHỐN BỤI HỒNG
PHÙ HƯ AM
CAO MỴ NHÂN

Trong “thế giới người” của dân tộc ta thời cận đại và hiện đại, đã từng có những kỳ hoa dị thảo, những nhân vật lúc ma ma, khi Phật Phật, hay những thiên tài nửa tỉnh, nửa say. Thí dụ điển hình như nhà thơ BÙI GIÁNG, gần gủi bạn bè hơn như SAO TRÊN RỪNG, SA GIANG (*).
Hiện nay ở Thung Lũng Hoa Vàng, cũng có một danh sĩ, nửa ẩn, nửa hiện, nửa bí, nửa khỏa… lại cũng thân, cũng thích bạn văn. Nhân vật nầy sinh trưởng ở miền NÚI ẤN SÔNG TRÀ. Chưa viết hết lời ca tụng, quý vị cũng biết ngay đó là người họ , tên VĂN, lót chữ THẠNH.

Cứ theo triết tự Bà La Môn, thì danh tính VÕ THẠNH VĂN được thầy bùa của Bà  La giải thích như sau: Khởi từ nghề VÕ (Trung Úy Phi Công bán phản lực cơ CH-47), đã rất thịnh phát ngữ ngôn, dẫn đến nghiệp VĂN —và rồi sẽ tới đâu, để kết thúc cuộc nhân sinh sau nầy, phải hậu tính. Ta chỉ chiêm ngẫm hiện tại, để cùng suy diễn mười thành công lực của bạn ta cho vui.
À, chẳng lẽ hôm nay CAO MỴ NHÂN tôi lướt qua… chiêu bói toán của…Lốc Cốc Tử. Mặc dầu cũng có thời ôm trắp tới cửa đại học Nhân Văn học lỏm thiên văn, địa lý của BỘI PHẢN HỒI, vị giáo sư chuyên khoa khuếch tán Vật Lý Học ĐÔNG ĐÔ, tức HÀ NỘI PHỐ ngày nay, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.
Thế thì, mới trên 60 ngày qua thôi, qua hai dịp liên tiếp đầu hai tháng 4 và 5 (năm 2008) mới đây, MỴ tôi lên SAN JOSE dự hai buổi sinh hoạt theo thứ tự của “Văn Bút Tây Bắc HK,”“Lễ Vinh Danh Các Bậc Thi Sĩ Lão Thành,” được hân hạnh tiếp hiền đệ.
Số là tuổi đời, ngã nầy hơn họ VÕ, nhưng tuổi đạo (?) thì họ lại hơn Lão Bà Bà. Hóa cho nên, theo thuyết tương đối, luật bù trừ… thì chúng tôi là bạn.
Tôi cũng rất đồng ý kiến với VÕ THẠNH VĂN, qua một số nhận xét chung của cuộc thế và sự thể… văn vẻ ở miền thung lũng có rất nhiều hoa vàng xưa nay, rằng, HOA VÀNG nở mãi thì cũng đơn điệu, nên phải thêm chút HOA XANH, HOA TÍM, HOA MUÔN MÀU tùy thung thổ, đất đai, vườn tược… cho riêng mỗi chúng ta.
NGUYỄN ĐỨC SƠN tức SAO TRÊN RỪNG, thuở mới làm thơ đầu thập niên 60, thế kỷ trước, đã cảm thấy thoải mái ở một phần đời nào đó trên bãi biển. Anh ta tự do phóng uế những cặn bã sau khi tiêu hóa, bài tiết ngay trên ghềnh biển, gió mát, sau đó còn làm thơ. Tất nhiên tuyệt đại đa số nhân dân ta không thích kiểu thơ ca như vậy rồi. Sau ngày 30.4.75, NGUYỄN ĐỨC SƠN mang vợ con lên rừng, kiếm sống qua ngày, vì không thích chế độ ràng buộc quản lý.
VÕ THẠNH VĂN khác xa NGUYỄN ĐỨC SƠN, không phải vì VÕ THẠNH VĂN đang sống ở Mỹ, một đất nước đầy đủ tiện nghi, mà, VÕ THẠNH VĂN trong “suốt cuộc hành trình đơn độc đi vào tiểu ngã để truy tầm đại ngã, con người vừa hân hoan vừa bắt gặp, vừa ngậm ngùi chua chát cho thân phận làm người” để viết ra 10.000 (mười ngàn) câu lục bát, với 70.000 (bảy chục ngàn) chữ, lập thành KINH VÔ THƯỜNG, đóng thành  2 quyển Thượng và Hạ, lại có thể nói là 10 tập thơ CÁT BỤI, mỗi tập 1.000 (một nghìn) câu.
Bạn đọc theo dõi lối kể lể ở CHỐN BỤI HỒNG nầy, sẽ hỏi CAO MỴ NHÂN rằng, tác giả đóng bộ 10 tập thơ CÁT BỤI đó, thành 2 quyển Thượng và Hạ, đặt là KINH VÔ THƯỜNG … để làm gì?
Chao ôi, đã gọi là THƯỜNG thì còn hỏi để làm gì nữa à! Huống chi, tiểu đề đã khẳng định chỉ là 10 tập thơ CÁT BỤI. Mà đã CÁT, đã BỤI… thì còn gì thêm để giải thích!? Hoặc độc giả muốn hỏi KINH VÔ THƯỜNG của VÕ THẠNH VĂN mang ý định khuyến đạo gì đây? ĐẠO TRỜI hay ĐẠO PHẬT, hay còn ĐẠO chi khác nữa?
Xin thưa, đã là ĐẠO, thì quý hóa lắm rồi, kể cả ĐẠO ĐỜI cũng mang chân lý sống –một cách sống ý nghĩa:
“Bụi từ thập giá phục sinh
”Về qua biển đỏ xây linh hiển đài
”Cát từ sa mạc phôi khai
”Về qua biển chết đầu thai kiếp người
(Bốn câu kết tập CÁT BỤI 1,
VÕ THẠNH VĂN)
Nhà thơ HÀ THƯỢNG NHÂN đã đề tựa KINH VÔ THƯỜNG của VÕ THẠNH VĂN: “Suy cho đến cùng thì đời người chẳng có gì cả. Sống lâu hay chết yểu thì cũng có lúc bắt đầu và chấm dứt. Cho nên cổ nhân nói: Không có thọ yểu, không có sang hèn. Dù biết đời chẳng có gì cả mà tác giả VÕ THẠNH VĂN lại viết KINH VÔ THƯỜNG dài đến 10.000 (mười nghìn) câu lục bát…” [HÀ THƯỢNG NHÂN].

Đặc biệt hơn SAO TRÊN RỪNGVÕ THẠNH VĂN không quá đề cao mình (tiểu ngã), vì đã từ bao giờ VÕ THẠNH VĂN thấy tiểu ngã lẫn vào trong vô cùng đại ngã, khiến xót xa cho thân phận con người như cát, như bụi thôi.
Cho nên, đã một lúc nào đó, VÕ THẠNH VĂN thu xếp sinh hoạt đời mình, để đi ở ẩn, giả dụ tạm ở ẩn giữa cuộc sống xa hoa thực dụng của xử sở Hoa Kỳ, VÕ THẠNH VĂN tự đặt đạo hiệu cho mình là PHÙ HƯ DẬT SĨ, thỉnh thoảng diện bích nơi PHÙ HƯ AM, Vùng Bắc Vịnh, miền Bắc Cali.
Đôi lúc, người bình thường chúng ta tự hỏi là: Tại sao đang hiện diện ở thế kỷ 21 nầy, con người càng lúc càng văn minh tiên tiến hơn, có thể tới thời điểm nào đó, thân xác con người sẽ máy móc hóa toàn bộ đến từng phần tử tế bào, mà lại có những PHÙ HƯ DẬT SĨ, những ẢO HUYỀN ẨN SĨ v.v… để mơ mộng, hoang tưởng kiếm tìm một thế giới không thực, không giống cái xã hội chung quanh, thực tế 100%… là tại sao nhỉ?
Song le, nếu ai cũng như ai, thực tế, thực dụng, máy móc… thì còn đâu, và còn ai biết đến cái lẽ huyền vi, sự vô cùng, cái bất tuyệt của TRỜI ĐẤT, VŨ TRỤ, hay ĐẠI NGÃ… để khép mắt van xin Đấng HÓA CÔNG, Ngài TẠO HÓA (nếu không dám nhắc tới THƯỢNG ĐẾ siêu việt) cho loài người chúng ta thể hiện LÒNG TIN (khó, rất khó diễn giải)… thì bấy giờ, chỉ còn cầu nguyện là thượng sách.
Thành ra, những nhân vật nửa cụ thể, nửa mơ hồ, trừu tượng, ma ma, PHẬT PHẬT… đôi hồi, e cũng rất cần thiết đấy.
Hawthorne, 22.5.2008
CAO MỴ NHÂN
(*) SA-GIANG đây là bút hiệu của TRẦN TUẤN KIỆT, sinh năm 1939 tại Sa- Đéc, theo học trường Quốc Gia Âm Nhạc (Sài Gòn), từng cộng tác với các báo Văn Hóa, Ngày Nay, Phổ Thông, Nghệ Thuật, Văn, Tiếng Nói, Sống Chủ Nhật… đoạt giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm1969 . Đã viết: Thơ Trần Tuấn Kiệt, Bài Ca Thế Giới, Cõng Gió, Triền Miên Ngâm Khúc, Cỏ Nội, Sa Mạc Lan Dần, Tiếng Đồng Nội, Thi Ca Việt Nam Hiện Đại… Khác với SA GIANG, bút hiệu của NGUYỄN VĂN PHẬN cầm bút mới mấy năm gần đây  tại Hoa Kỳ. (NT).

***

Vài kỷ niệm với tác giả Kinh Vô Thường – Võ Thạnh Văn

Nguyễn Quang

Kinh Vô Thường vì mọi sự vô thường ‘Chúng ta từ xa đến và mãi mãi đi xa’.[1] Mọi vật trong sự biến đổi không ngừng –theo nguyên ngữ Hy Lạp: Panta Rei! [2] Trên dòng sông vô thường càng nhập thế càng chứng kiến bao vô thường tưởng chừng không thể vượt qua, cái chết như một thất bại nhưng thật sự vẫn chỉ là những bước hành trình trong giòng sông vô thường!

Và càng xuất thế, ẩn dật trong cái vũ trụ bao la lại càng vũ trụ luận tưởng chừng vượt qua nhưng dòng sông đại ngã vô thường vẫn tuôn chảy, càng đến gần Lỗ đen, vật chất vốn trong biến động ‘Không ai tắm trên cùng một dòng sông’[3] lại cuốn hút một nhanh hơn. Vô thường đến lẽ tự nhiên của vô thường như một bản trường ca của Đấng sáng Tạo! Chúng ta từ xa đến và mãi mãi đi xa! From Nada to Nada for Nada!

Môi nào nếm thử chân như
Mắt nào thấy rõ bụi từ hóa thân
Kinh Vô Thường

Thưở hàn vi là một đôi bạn ham đọc sách, từ hạnh các Thánh đến Anh hùng các Dân tộc, đọc truyện Tàu đến huyền thoại Hy-La, may mắn trong gia đình chúng tôi có người tu trì đến chức linh mục, từng đi Rome và tiếp xúc các nhà thông thái với những quan điểm mà với những người Âu châu thời ấy cũng khó thuyết phục và chúng tôi được thụ bẫm: Ánh sáng không đi theo đường thẳng nhưng theo đường cong…

Thiên đường là gì? – Hư Vô.
Thiên Chúa ? Người là ai? – Hư Vô.
Tất cả là Hư Vô!
Một chữ NADA to lớn hình thành và thế giới hình thành thế giới sáng tạo trong mỗi chúng tôi…

Trong mơ cát bụi bàng hoàng
Trong ta còn trắng vành tang tình dài
trong em mờ cuộc tình phai
trong tình còn đẹp dấu hài nghìn sau

Kinh Vô Thường

Tư tưởng thấm nhuần trong chúng tôi từ một nền giáo dục thật nghiêm khắc mới có thể thụ bẫm những tri thức tiên thiên –a priori! Thưở ban đầu khi nghe các Linh mục vào dịp nghỉ hè nói ra những lời trên, thật sự không hiểu gì cả cho mãi về sau vào đại học tìm hiểu về Kant mới biết tận căn! A posteriori ! Hậu thiên! [4]

Muốn thành một triết gia, một nhà văn, một nhà khoa học phải là một ‘Kant tử’, nghĩa là phải qua những thể nghiệm từ kinh nghiệm thường nghiệm đến quan sát thực nghiệm, từ tri thức thường nghiệm đến tri thức khoa học mang tính phổ quát, cùng sự trải nghiệm từ cuộc sống mới viết ra…[5]. Thưở hàn vi chúng tôi chưa biết gì về những điều ấy nhưng có sáng tác một đôi vần thơ, viết vài bài văn qua công thức ‘Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói’, nghĩa là phải chỉnh sửa ít ra trong đầu cả chục lần mới tâm sự cho bạn bè cùng nghe! Trong khi Tây phương dường như đã có khoa tu từ học đã lâu – La rhétorique. [6]

‘Mắm ngon không lại vì là mắm,
Nhưng mắm có hương vị riêng của mắm!
Với một tí chanh,
Ôi diệu huyền thay,
Người Nữ nhiều diễm phúc,
Người đã không sinh ra tôi,
Nhưng ru tôi sống mãi trong lòng nhân loại…’

Đó là những Bà Bề trên là Dì, Cô ruột của chúng tôi đã hun đúc tâm hồn con trẻ từ thưở còn thơ, các Bà đã thuộc Kiều, ca dao, hò vè như những di sản cốt để truyền lại cho con cháu: nghĩa là một người tài xuất hiện chung quanh thường gồm những người có khả năng! Một thiên tài chung quanh phải có nhiều người tài!

Một thời thơ ấu đến tư tưởng hư vô và Kinh Vô Thường!

Chúng tôi đều sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh Việt Nam, một quả bom, vài quả pháo kích rơi gần phòng ngủ hay cùng nhau chạy vội xuống hầm trú ẩn khi nghe đâu đó tiếng départ thật gần! Alive one minute, dead the next ! [7] Kẻ sống người chết như một định mệnh khắc nghiệt nào đó luôn sẵn sàng đến với người dân Việt! Những cái bất thường trở nên bình thường! Bao đau thương hợp lưu thành dòng sông vô thường, thành triết lý sống của người dân Việt: Tất cả là vô thường!

“ Vô thường sinh diệt từng giây
Mắt người vàng lạnh liêu trai rã rời
Bao chiều nắng quái phai phôi
Áng mây tiền kiếp lặng trôi dạt dờ”

Kinh Vô Thường

Khi cuộc chiến chấm dứt, người bạn năm xưa đến được vùng đất hứa trong giấc mơ của người Việt: Chế độ Tự Do! Nhưng lẽ vô thường lại càng trỗi dậy mạnh mẽ. Anh vẫn luôn tìm về cội nguồn của mình: nguyên ủy con người nói chung và dân tộc Việt từ đâu đến và về đâu? Những chặng đường kinh qua đã còn lại những gì sau khi ‘Văn hóa là những gì còn lại sau khi quên tất cả’. Người bạn đã trở thành ẩn sĩ như bao người trực kiến nhưng thật sự chúng tôi đang hành trình, mỗi người một cách cùng Dân Tộc vượt qua Biển Đỏ trên quan điểm với nhau như ngày ấy: Hãy sống thật, viết lên sự thật, làm nhân chứng cho thời mình đang sống!

Người từ cát bụi đầu thai
nghe kinh hóa cội hoàng mai đền thần
ta từ sỏi vụn liều thân
ngẩn ngơ – trôi giạt – phù trầm – hợp ly
tay vo hạt cát vô thường
mênh mông hoa sóng – vô thường bọt rong
đất trào phún thạch ra đi
người về hưng phế thị phi bụi làn
ta hun củi mục non ngàn
tình trơ tro lạnh – đêm tàn rượu vơi
Vách am cỏ dựa sơn căn
Chợt nghe từng nụ thường hằng trổ hoa

Kinh Vô Thường

Những lẽ vô thường được ghi lại thành những vần thơ lục bát, phong cách thi ca riêng của người Việt! Cách viết một cách bình dị như bao người Việt Nam đều có thể là thi sĩ!

Nhưng với chúng tôi bao dấu ấn vô thường tưởng chừng như báo hiệu sự kết thúc, chính lúc đó ánh sáng Chúa Ki Tô lại tỏa sáng mạnh mẽ dẫn dắt chúng tôi đến sáng danh Ngài!

Ngài là Đường là Sự Thật!
Từ Alpha đến Omega!
Dòng sông vô thường như một dòng chảy: Đây là Ánh sáng Chúa Ki Tô!
Chúng tôi vấp ngã: Ánh sáng Chúa Ki Tô luôn soi đường trên chúng tôi!
Như có tiếng từ Logos[8] – Ngôi Lời vang vọng lên từ mọi phía: Đây là Ánh Sáng Chúa Ki Tô!

Bụi từ thập giá phục sinh
”Về qua biển đỏ xây linh hiển đài
”Cát từ sa mạc phôi khai
”Về qua biển chết đầu thai kiếp người

Kinh Vô Thường

Vâng, tôi từ Địa ngục trở về, nơi Thung Lũng Tử Thần với gần hai mươi năm tù khổ sai, cách nhau hơn nửa vòng trái đất nay hội ngộ trên dòng sông vô thường, cùng người bạn về nơi cố quận, xin gởi lại mai sau vài chục ngàn vần thơ nơi bến vô thường cùng vài chục tác phẩm về nhân quyền như một dấu ấn với ‘Mọi người là anh em’[9] đã cùng đến, cùng chịu nạn, chia sẻ vui buồn, không hết, sẽ cùng đi mãi trên dòng sông vô thường!

Nguyễn Quang


Chú thích:

[1] Tư tưởng của nhiều tác giả, trong đó có Ông Bà Will Durant.

[2] Panta rhei, “everything flows”

Πάντα ῥεῖ (panta rhei) “everything flows” either was not spoken by Heraclitus or did not survive
as a quotation of his. This famous aphorism used to characterize Heraclitus’ thought comes from
Simplicius, a neoplatonist, and from Plato’s Cratylus. The word rhei, adopted by rhe-o-logy, is the
Greek word for “to stream, and to the etymology of Rhea according to Plato’s Cratylus.”

[3] Câu nói thời danh của triết gia Hy Lạp – Heraclitus.

[4] The terms a priori (“prior to”) and a posteriori (“posterior to”) are used in philosophy
(epistemology) to distinguish two types of knowledge, justifications or arguments. A priori knowledge
or justification is independent of experience (for example ‘All bachelors are unmarried’); a posteriori
knowledge or justification is dependent on experience or empirical evidence (for example ‘Some
bachelors are very happy’). A posteriori justification makes reference to experience; but the issue
concerns how one knows the proposition or claim in question—what justifies or grounds one’s belief in
it. Galen Strawson wrote that an a priori argument is one in which “you can see that it is true just lying
on your couch. You don’t have to get up off your couch and go outside and examine the way things are
in the physical world. You don’t have to do any science.”There are many points of view on these two
types of assertions, and their relationship is one of the oldest problems in modern philosophy.

[5] La Critique de la raison pure (Kritik der reinen Vernunft) est une œuvre de Kant

publiée en 1781 et en 1787. Nguồn: http://fr.wikipedia.org/wiki/Critique_de_la_raison_pure

[6] La rhétorique (ce nom provient du latin rhetorica, provenant du grec ῥητορικὴ τέχνη / rhêtorikê,

se traduisant par « technique, art oratoire », désignant au sens propre « l’art de bien parler », provenant
du nom rhêtôr, se traduisant par « orateur »), est l’art ou la technique de persuader, généralement au
moyen du langage.

[7] Alive one minute, dead the next ! [7] Tạm dịch ‘Sống gởi, thác về’.

[8] Logos – Ngôi Lời .

[9] . ‘Mọi người là anh em tôi’ – Lời của Thánh Phaolô