Đơn tố cáo của Bà Trần Thị Hồng và các biện pháp chế tài có sẵn trong luật Hoa Kỳ
TS. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 30 tháng 6, 2016
Kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp chế tài sẵn có trong
luật lên những giới chức chính quyền vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam
là một trong 3 mục tiêu của cuộc tổng vận động trong 2 ngày 22 và 23
tháng 6 vừa qua. Theo luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế ban hành năm 1998,
những giới chức chính quyền vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo
phải bị đưa vào danh sách cấm nhập cảnh Hoa Kỳ. Trong 18 năm qua, biện
pháp này chưa hề được áp dụng cho Việt Nam.
Để thay đổi tình trạng này, đầu năm nay BPSOS đã khởi xướng một nỗ lực vận động chính quyền Hoa Kỳ và đang cùng với một số người quan tâm thành lập nhóm chuyên trách việc lập hồ sơ vi phạm và danh sách các viên chức để đề nghị chế tài.
Điều luật chế tài
Khoản 604 trong Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 1998 cho phép Hành
Pháp Hoa Kỳ từ chối nhập cảnh đối với các giới chức chính quyền ngoại
quốc nào vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo:
“Mọi người ngoại quốc nào, khi đương nhiệm là một viên chức chính
quyền, có trách nhiệm về hoặc trực tiếp thực hiện, vòng vi 24 tháng
trước đó, các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo,
theo định nghĩa trong Khoản 3 của Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 1998,
cùng với người phối ngẫu và con cái, nếu có, sẽ không được nhập cảnh.” (Any
alien who, while serving as a foreign government official, was
responsible for or directly carried out, at any time during the
preceding 24-month period, particularly severe violations of religious
freedom, as defined in section 3 of the International Religious Freedom
Act of 1998, and the spouse and children, if any, are inadmissible.”
Phái đoàn tiếp xúc với Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, ngày 22/06/2016 (ảnh USCIRF)
Khoản 3 của Luật này định nghĩa thế nào là vi phạm nghiêm trọng:
“Các vi phạm quyền tự do tôn giáo đặc biệt nghiêm trọng nghĩa là các vi
phạm quyền tự do tôn giáo mang tính cách có hệ thống, đang tiếp diễn và
trầm trọng như là – (A) tra tấn hoặc sự đối xử hay trừng phạt một cách
tàn ác, mất nhân tính hay xúc phạm nhân phẩm; (B) giam giữ dài hạn mà
không buộc tội; (C) làm mất tích bằng biện pháp bắt cóc hay giam giữ một
cách bí mật; hoặc (D) các hành động khác mang tính cách từ chối quyền
sống, tự do, hay sự an toàn bản thân của các cá nhân.” (The term
‘‘particularly severe violations of religious freedom’’ means
systematic, ongoing, egregious violations of religious freedom,
including violations such as— (A) torture or cruel, inhuman, or
degrading treatment or punishment; (B) prolonged detention without
charges; (C) causing the disappearance of persons by the abduction or
clandestine detention of those persons; or (D) other flagrant denial of
the right to life, liberty, or the security of persons.)
Đối tượng vận động của chúng tôi là Uỷ Hội về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội của Hoa Kỳ.
Vận động Ủy Hội về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế
Ủy Hội về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế là cơ cấu cố vấn cho Hành Pháp và
Quốc Hội Hoa Kỳ. Từ 2007 đến giờ Uỷ Hội này năm nào cũng đề nghị chính
phủ Hoa Kỳ áp dụng Khoản 402 của luật này để chỉ định Việt Nam là “quốc
gia đáng quan ngại đặc biệt” (CPC). Tuy nhiên, Bộ Ngoại Giao luôn tránh
né việc này với lập luận rằng, tuy tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam
còn tệ hại nhưng đã có một ít cải thiện ở một số địa phương hay trong
một số lĩnh vực. Như vậy, để thoát nạn Việt Nam chỉ cần chứng tỏ một ít
cải thiện đó đây vào thời điểm đang bị “chiếu tướng” về vấn đề CPC.
Cuối năm ngoái chúng tôi kêu gọi Uỷ Hội hãy chú ý đến việc áp dụng
thêm Khoản 604 của luật đối với Việt Nam, và đã thành công. Bản phúc
trình năm 2016 của Ủy Hội, công bố ngày 2 tháng 5 vừa qua, khuyến cáo Bộ
Ngoại Giao:
“Xem xét việc sử dụng các công cụ đối tượng, như danh sách ‘các cá
nhân bị chỉ định’ được lưu giữ bởi Văn Phòng Kiểm Soát Tài Sản Nước
Ngoài của Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ và biện pháp từ chối visa theo điều luật
604(a) của Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, nhắm vào các viên chức và tổ
chức được xác định là có tham gia vào những vi phạm nhân quyền, đặc biệt
bao gồm các vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.”
Một yếu tố tạo thuận lợi cho chúng tôi là hành động đàn áp thô bạo
của công an Việt Nam đối với một người Hmong theo đạo Dương Văn Mình
ngay sau khi người này tiếp xúc với phái đoàn của Ủy Hội về Tự Do Tôn
Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ khi phái đoàn công du Tỉnh Hà Giang vào cuối
tháng 8 năm ngoái. Tín đồ người Hmong này đã bị tra tấn trong hai ngày
và sau đó đã phải nhập viện vì chấn thương đầu và mặt. Mới đây, Lm
Thomas Reese, một thành viên của phái đoàn công du này, được Tổng Thống
Obama bổ nhiệm làm Chủ Tịch của Ủy Hội.
Phái đoàn Vận Động Cho Việt Nam và Đại Sứ David Saperstein, ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngày 22/06/2016 (ảnh BPSOS)
Vận động Bộ Ngoại Giao
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ là cơ quan hữu trách trong việc áp dụng biện
pháp chế tài trong Luật Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế. Qua 6 buổi họp với Bộ
Ngoại Giao Hoa Kỳ từ đầu năm đến giờ, chúng tôi đã cung cấp nhiều chứng
cớ và hồ sơ cho thấy đã đến lúc cần áp dụng biện pháp chế tài cá nhân
đối với nhiều giới chức chính quyền ở Việt Nam.
Một yếu tố đã giúp cuộc vận động của chúng tôi thêm sức thuyết phục
lại chính là hành động bạo lực của công an đối với những người đã gặp
Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế David Saperstein vào cuối
tháng 3 năm nay khi Ông công du Việt Nam. Mục Sư Y Nuen Ayun, người Tây
Nguyên, bị công an ở Đắk Nông bắt lên đồn điều tra ngay sau khi tiếp xúc
với Đs. Saperstein. Công an yêu cầu Ms.Y Nuen phải bỏ đạo và hăm doạ sẽ
làm cho Ông “biến mất” và vợ con Ông sẽ bị không thể sống nổi.
Tương tự, Bà Trần Thị Hồng, vợ của Ms. Nguyễn Công Chính, bị Công An ở
Gia Lai triệu lên đồn làm việc. Bà bị tra tấn dã man vì không chịu khai
báo nội dung trao đổi với Đs. Saperstein và phái đoàn của Bộ Ngoại Giao
Hoa Kỳ. Sau đó công an đã đến tận nhà để bắt Bà về đồn “làm việc” mỗi
ngày. Có những ngày Bà Hồng bị tra tấn vì đã không chịu ký vào văn bản
xác nhận là Bà không bị tra tấn. Cuộc tra tấn mỗi ngày này tạm ngưng khi
Tổng Thống Obama đến Việt Nam và tiếp tục trở lại ngay sau đó và kéo
dài đến đầu tháng 6.
Trong hồ sơ về các trường hợp này, chúng tôi cung cấp cho Bộ Ngoại
Giao Hoa Kỳ thông tin cá nhân của các viên chức vi phạml Điều này làm
cho Bộ Ngoại Giao khó làm ngơ khuyến cáo chế tài của Uỷ Hội về Tự Do Tôn
Giáo Quốc Tế, và khó trả lời khi bị Quốc Hội chất vấn.
Điều trần về vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam, Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 22/06/2016 (ảnh BPSOS)
Vận động Quốc Hội
Và Quốc Hội đã chất vấn về việc này khi Đs. Saperstein điều trần trước Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện ngày 15 tháng 6 vừa qua.
Tuần sau đó là Ngày Vận Động Cho Việt Nam. Thuyết phục chính phủ Hoa
Kỳ áp dụng biện pháp chế tài đối với các viên chức vi phạm quyền tự do
tôn giáo là một trọng tâm của cuộc vận động này.
Chiều ngày 22 tháng 6, tại buổi điều trần trước Uỷ Ban Đối Ngoại của
Hạ Viện, tôi đã kêu gọi Quốc Hội bảo đảm rằng Hành Pháp áp dụng biện
pháp chế tài này cho Việt Nam. Sáng hôm ấy, phái đoàn do BPSOS phối hợp
đã tiếp xúc với Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và Bộ Ngoại Giao
Hoa Kỳ để cung cấp thêm hồ sơ kèm với danh tính của những thủ phạm vi
phạm quyền tự do tôn giáo.
Ngày hôm sau, các phái đoàn vận động đến từ nhiều tiểu bang đã kêu gọi tương tự đối với dân biểu và thượng nghị sĩ của mình.
Một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã yểm trợ và góp tiếng nói với Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Bà Trần Thị Hồng phát biểu trực tuyến tại Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 23/06/2016 (ảnh BPSOS)
Những bước kế tiếp
Những sinh hoạt vận động kể trên chỉ là bước khởi đầu cho nỗ lực dài
hạn nhắm trực tiếp vào những cá nhân hữu trách, theo tính cách “điểm tận
tên, chỉ tận mặt”. Chúng tôi đã bàn với một số người để hình thành nhóm
chuyên trách 2 công tác sau đây.
Thu thập chứng cớ và thông tin cá nhân của các thủ phạm
Muốn hiệu quả thì chúng ta không những phải có chứng cớ mà các chứng
cớ còn phải khả tín, chính xác và đầy đủ. Nhóm chuyên trách sẽ phải thu
thập và phổi kiểm chứng cớ về vi phạm quyền tự do tôn giáo. Đồng thời,
nhóm phải truy tìm các thông tin cá nhân của thủ phạm, như danh tính,
hình ảnh, số chứng minh nhân dân, cấp bậc, đơn vị, chức vụ… và các thông
tin cá nhân của vợ/chồng và con cái của họ. Đó là những thông tin cần
thiết để đưa vào danh sách cấm nhập cảnh và Danh Sách Những Cá Nhân Bị
Chỉ Định Đặc Biệt (Specially Designated Nationals List ) của Bộ Ngân Khố
Hoa Kỳ.
Leo thang trách nhiệm
Thường thì những thủ phạm trực tiếp là những viên chức cấp thấp ở địa
phương. Họ hầu như không có cơ hội để nhập cảnh Hoa Kỳ hay gởi người
thân đến Hoa Kỳ du lịch, du học hay định cư. Đối với những người này, bị
liệt kê vào danh sách cấm nhập cảnh chỉ mang ý nghĩa tâm lý chứ không
có hậu quả thực tế.
Kế hoạch của chúng tôi là leo thang việc truy cứu trách nhiệm lên cấp
ngày càng cao hơn. Chẳng hạn, trong đơn tố cáo, Bà Trần Thị Hồng đã yêu
cầu các cấp hữu trách cao hơn phải điều tra và truy tố các viên chức
công an đã giam giữ tuỳ tiện, đánh đập và tra tấn Bà. Các cấp này gồm
có: Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc sở Công an thành phố Pleiku; Ông Vũ
Văn Lâu, Giám đốc sở Công an tỉnh Gia Lai; Ông Tô Lâm, Bộ trưởng bộ Công
an.
Truy cứu trách nhiệm như vậy có 2 tác dụng. Thứ nhất, những thủ phạm
trực tiếp, là những kẻ thừa hành, sẽ phải đối mặt với triển vọng bị truy
tố và trừng phạt. Thứ hai, nếu các cấp trên không truy tố và trừng
phạt, thì chính họ là đồng loã hay thủ phạm gốc và cần phải đưa vào danh
sách chế tài.
Bà Trần Thị Hồng sau một ngày "làm việc" với công an, ngày 12/05/2016
Một cách hữu hiệu để truy cứu trách nhiệm là chứng minh “dạng mẫu”
đàn áp, xuất phát từ chính sách của cấp trên chứ không phải là những
hành động ngẫu nhiên của cấp dưới. Chẳng hạn, nếu có nhiều chục hồ sơ vi
phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo cùng xảy ra ở thành phố Pleiku
thì rõ ràng đó là chính sách chung của Sở Công An Pleiku, nhất là khi
không một cấp thừa hành nào bị truy tối và trừng phạt. Cũng vậy, nếu có
nhiều hồ sơ vi phạm ở Tỉnh Gia Lai thì điều này thể hiện chính sách của
Công An Tỉnh. Và cứ thế mà tiếp tục leo thang đến Bộ Công An ở Hà Nội
khi mà các vụ đàn áp tôn giáo diễn ra khắp nước.
Và điều này có thể dẫn đến một tình trạng rất trớ trêu cho chính phủ
Hoa Kỳ khi phải cấm nhập cảnh Chủ Tịch Nước của Việt Nam. Khoản 604 của
Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế có hiệu lực hồi tố 24 tháng. Nghĩa là, Chủ
Tịch Nước hiện nay phải chịu trách nhiệm về các vụ đàn áp tôn giáo thô
bạo trong thời gian còn là Bộ Trưởng Công An, ít ra kể từ giữa năm 2014
cho đến tháng 3 năm 2016.
Tình trạng trớ trêu này đã từng xảy ra cho Thủ Tướng Narendra Modi
của Ấn Độ. Ông đã bị từ chối nhập cảnh Hoa Kỳ từ năm 2004 đến 2014 vì
không ngăn chặn vụ bạo loạn chết người do những tín đồ Ấn Độ Giáo khởi
xướng nhắm vào các tín đồ Hồi Giáo ở tiểu bang Gujarat, nơi Ông làm
thống đốc lúc bấy giờ. Năm 2014, Tổng Thống Obama phải quyết định gỡ bỏ
lệnh cấm nhập cảnh này để Thủ Tướng Modi có thể công du Hoa Kỳ.
Những bước kế tiếp
Do tham gia vận động từ đầu cho Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 1998,
tôi đã “ngắm nghé” Khoản 604 ngay khi luật được ban hành. Năm 2006,
BPSOS nộp danh sách gồm một số giới chức lãnh đạo chính quyền Việt Nam
cho Bộ Ngoại Giao để áp dụng khoản luật này. Bộ Ngoại Giao thoái thác vì
cho rằng làm vậy sẽ phản tác dụng – Việt Nam lúc ấy đã cam kết tôn
trọng tự do tôn giáo và hứa hẹn sẽ từng bước thực hiện cam kết. Tôi
không thúc đẩy thêm vì không có nhiều hồ sơ với chứng cớ cụ thể, chính
xác và đầy đủ.
Quang cảnh buổi họp khoáng đại trong Ngày Vận Động Cho Việt Nam, Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 23/06/2016 (ảnh BPSOS)
Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi. Từ đầu năm 2014 đến giờ, BPSOS đã
phối hợp với 2 tổ chức bạn để đào tạo trên 500 người về báo cáo vi phạm
quyền tự do tôn giáo. Họ đã soạn trên 100 bản báo cáo theo đúng tiêu
chuẩn của Liên Hiệp Quốc, nghĩa là có thông tin đầy đủ, chính xác và có
phối kiểm về hành vi đàn áp và, trong nhiều trường hợp, về thủ phạm.
Để khai thác tình thế mới này, chúng tôi cần thực hiện các bước sau đây:
(1) Tuyển một nhân sự để xử lý số 100 bản báo cáo hiện có và thành
lập bộ hồ sơ để nộp cho Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Quốc
Hội và Bộ Ngoại Giao;
(2) Huấn luyện thêm các “báo cáo viên” để tiếp tục thu thập hồ sơ về những vi phạm mới;
(3) Thực hiện một trang mạng để mọi người dân có thể báo động về
các vụ vi phạm, hay cung cấp thông tin cá nhân của các viên chức bị tình
nghi là vi phạm quyền tự do tôn giáo.
Hiện nay một số người quan tâm đang thành lập nhóm để thực hiện các
công tác này. Họ được thôi thúc bởi lời kêu gọi của Tiến Sĩ Scott
Flipse, nhân viên lập pháp của tiểu ban nhân quyền của Hạ Viện. Trong
phần đối thoại giữa các nhà hoạt động ở Việt Nam và các nhà lập pháp Hoa
Kỳ trong Ngày Vận Động Cho Việt Nam ngày 23 tháng 6, Ts. Flipse cho
biết rằng yếu tố thúc đẩy Quốc Hội thông qua Luật Chế Tài Iran (Iran
Sanctions Act) năm 1996 chính là bộ hồ sơ dầy cộm về các hành vi tra tấn
của giới chức chính quyền Iran. Bộ hồ sơ này do cộng đồng người Iran tị
nạn phối hợp với Đại Học Yale thực hiện.
Chúng ta đã có tiền lệ và chỉ cần noi theo. Tôi mong sẽ có sự hợp tác
của ngày càng nhiều người ở trong và ngoài nước để chung sức thực hiện
các công tác kể trên.
Bài và tài liệu liên quan:
Đơn tố cáo của Bà Trần Thị Hồng
Tiếng Việt: http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/Tran-Thi-Hong-Don-To-Cao-15-06-2016.pdf
Tiếng Anh: http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/Tran-Thi-Hong-Denunciation-Letter-June-15-2016.pdf
Phụ Lục A, B và CTiếng Việt: http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/Tran-Thi-Hong-Don-To-Cao-15-06-2016.pdf
Tiếng Anh: http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/Tran-Thi-Hong-Denunciation-Letter-June-15-2016.pdf
Tiếng Việt: http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/PH%E1%BB%A4-L%E1%BB%A4C-A-B-C.pdf
Tiếng Anh: http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/Appendices-A-B-C.pdf