Jan Ross - Phạm Hồng-Lam dịch.
“America first” Và Cán Cân Quyền Lực Tại Á Châu
Chiến tranh lạnh đã qua, nhưng Á châu có lẽ lại mơ ước về nó: về một bàn cờ chính trị kéo dài hàng chục năm trên lục địa này với cuộc vật lộn ganh đua của hai vai chính: Hoa-kì và Trung Quốc. Một cường quốc đang lên và một cường quốc muốn tiếp tục bảo vệ sự thống trị của mình. Một trò chơi khá nguy hiểm, nhưng rõ ràng dễ thấy.
Bà Con Ơi, Tàu tới!
Chính sách „America first“ của Donald Trump làm rung chuyển cán cân quyền lực tại Á châu như thế nào.
Với Donald Trump, sự rõ ràng dễ thấy không còn nữa. Xét về nguồn gốc
chính trị thì ông Trump là một người ghét Trung Quốc. Ngay năm 2011, khi
được hỏi, nếu trở thành tổng thống thì ông sẽ „đá đít“ ai trước tiên, Trump trả lời: „Tôi có thể nói, Trung Quốc là nước đầu tiên“
– một dân tộc lừa đảo, ăn cắp công ăn việc làm và thị trường của
Hoa-kì. Khi ngồi vào ghế tổng thống, Trump thoạt tiên làm chuyện ngược
lại: o bế Trung Quốc, vì ông hi vọng Trung Quốc sẽ giúp ông giải quyết
chuyện Bắc Hàn. Sau đó ông lại cảm thấy bị chủ tịch Xi chơi xỏ. Cuối
tháng 7, sau lần thử tên lửa mới nhất của nhà độc tài Kim Jung Un, ông
viết trên tài khoản điện thoại (Twittern) mình: „Tôi rất thất vọng về Trung Quốc“.
Dễ chừng mai mốt đây, ông Tổng Thống có thể lại có thái độ hoàn toàn
ngược lại. Cái lối bất chừng kiểu mĩ này đã đẩy Á châu vào những tình
huống nguy hiểm.
Á châu đang ở trong tình trạng căng thẳng tinh thần về mặt chính trị.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một biến cố lịch sử thế giới, có thể sánh
được với việc Hoa-kì trở thành cường quốc thế giới vào những năm 1900.
Không chắc Trung Quốc có thể thành công về lâu về dài, nhưng trong lúc
này nó làm rung chuyển và biến thể toàn vùng, từ Karachi tới Kyoto.
Trung Quốc là tâm điểm của những sợ hãi và hi vọng. Nepal, Sri Lanka,
Phi-luật-tân, Úc vừa hi vọng sẽ có được cuộc sống sung túc hơn với
những nhà đầu tư trung quốc vừa lo sợ sẽ bị lệ thuộc về mặt chính trị.
Tàu bè của Trung Quốc, sự dấn thân của Trung Quốc, tham vọng của Trung
Quốc: tất cả không ngừng vươn dậy.
Nghị hội tháng 5 vừa rồi tại Pê-kinh về những dự án xây dựng hạ tầng
cơ sở cho „Con đường tơ lụa“ mới, qua đó Trung Quốc muốn hội nhập Á châu
và nối toàn lục địa này với phần còn lại của thế giới, là một màn diễn
ngoạn mục của một cường quốc trong thế giới ngày nay: 28 nguyên thủ quốc
gia, các đại diện từ hơn 100 nước, hơn 70 tỉ âu kim tiền đầu tư mới
được hứa hẹn, cộng thêm với các khoản khác đã hứa trước đây, trong đó có
khoảng 50 tỉ cho một „hành lang kinh tế giữa Trung Quốc và Pakistan“. Gói tài chánh đầu tư cho các dự án con đường tơ lụa tổng cộng lên tới khoảng 750 tỉ âu kim.
Sự xuất hiện của Trung Quốc như một trận động đất trên một phần địa
cầu vốn chẳng ai tin ai. Ông Hugh White, cựu cố vấn chính quyền và đang
dạy học ở Đại Học Canberra nói: „Á châu không có truyền thống hợp tác chiến lược.“
White là một trong những cái đầu tinh anh nhất về mặt địa lí chính trị
trong vùng biển Thái Bình. Ông cho hay, không thể nào lấy mô hình hội
nhập ngày nay của Âu châu để sánh được với châu Á; ngay cả cái mô hình
cân bằng quyền lực dựa trên sự tính toán và vị kỉ của các cường quốc âu
châu trong thế kỉ 19. cũng chưa bao giờ có ở Á châu. Tổ chức ASEAN của
các nước đông nam á không thể sánh được với Nato ở phương tây, hay APEC
của các nước thái bình dương cũng không thể sánh được với liên minh các
quốc gia như kiểu EU (Liên Hiệp Âu Châu). Á châu thường đã không chịu
giải quyết những gánh nặng tội lỗi và cay đắng do lịch sử để lại, và
những gánh nặng này tiếp tục đầu độc các mối bang giao. Chẳng hạn hai
anh hàng xóm Nhật và Nam Hàn đều lo lắng trước Bắc Hàn và cả hai đều là
liên minh chặt chẽ với Hoa-kì. Nhưng hoài niệm về chính sách chiếm đóng
tàn bạo của Nhật trong thế chiến thứ hai đã khiến cho hai bên chẳng ai
tin ai và chẳng ai muốn nói chuyện với ai. Nếu có một chút hợp tác nào,
thì đó là qua trung gian của Hoa-kì hoặc do Hoa-kì ép buộc.
Từ nền tảng này mà một trật tự an ninh chính trị ở Á châu đã hình
thành, nó hoàn toàn xoay trục quanh Hoa-kì. Ở Nhật và Nam Hàn có trên 50
000 binh sĩ hoa -kì trấn đóng. Bộ chỉ huy lực lượng thái bình dương
của Hoa-kì ở Hawai có khoảng 300 000 binh sĩ nam nữ thuộc mọi binh
chủng. Họ có khoảng 1500 máy bay, trên 100 tàu chiến và năm nhóm tàu sân
bay. Quân đội mĩ có thể sử dụng các hải cảng và căn cứ ở Singapur, Úc
và Phi. Nhưng đặc biệt Hoa-kì có một màng lưới quan hệ trên toàn lục địa
– từ các liên minh hình thức như với Thái-lan tới các quan hệ thân hữu
như với Việt Nam hoặc Mông-cổ, là những nước không muốn bị Trung Quốc đè
bẹp. Ngay Ấn-độ, xưa nay vốn hãnh diện về sự độc lập của mình và có lẽ
chẳng bao giờ bước vào một liên minh chính thức nào, từ lâu cũng đã tin
rằng, vì lợi ích cường quốc của mình Hoa-kì sẽ tìm cách khoá chân khoá
tay anh Tàu lại. Tất cả đều tuỳ thuộc vào sự ra tay trực tiếp của anh
Mĩ, như một Âu châu đã từng dựa vào Mĩ, nhưng điểm tựa này đã không còn
nữa kể từ sau khi chấm dứt chiến tranh lạnh và sau khi Liên-xô sụp đổ.
Trum yêu sức mạnh quân sự, nhưng chúng ta hoàn toàn không biết được,
Hoa-kì của ông còn muốn đầu tư vào đất nước mình bao nhiêu nữa về mặt
chính trị và ngoại giao. Với trường hợp Bắc Hàn xem ra ông Tổng Thống
chỉ quan tâm tới sự nguy hiểm trực tiếp đối với lãnh thổ mình mà thôi.
Nếu ông thực sự cho bom nguyên tử rơi xuống Bắn Hàn, để ngăn ngừa những
hoả tiễn liên lục địa tới đất hoa-kì, thì có thể đây sẽ là cái cớ để Bắc
Hàn rót bom trả thù xuống đồng minh của Mĩ là Nam Hàn. Và đấy có lẽ là
một trường hợp áp dụng khẩu hiệu „America first“ cách khủng khiếp nhất.
Khi giã từ hiệp ước thương mại TPP, Hoa-kì không chỉ mặc nhiên trao
lại cho Trung Quốc vai trò lãnh đạo tiến trình hội nhập kinh tế của châu
Á. Việc Hoa-kì từ giã Hiệp Ước Paris về môi sinh đã tạo thêm uy thế và
tính chính danh cho Trung Quốc, những thứ mà đảng độc tài cộng sản vốn
mơ ước từ nhiều chục năm nay. Vikrom Mathur, thành viên của „Observer
Research Foundation“, một cơ quan nghiên cứu (Thinktank) ở New Delhi giữ
vai trò điều hành chương trình môi sinh ở Án-độ, nhận định: „Giờ thì những người Trung Quốc cũng được tiếng thơm về mặt đạo đức, vốn là thứ xưa nay là mặt yếu của họ.“
Với người Âu châu và châu Mĩ La-tinh thì đó là một nhận định hay mà
cũng gây khó chịu. Còn đối với những nước láng giềng đa nghi của Trung
Quốc thì đấy là chuyện nghiêm trọng: đó là sự nâng cấp thêm cho một
quyền lực vốn đã quá quyền lực đối với họ.
Trump không tìm cách đụng độ với các đồng minh châu á của mình với
những lời lẽ đòi tiền thô lỗ như đối với các nước âu châu thuộc khối
Nato; và ông đã tiếp đón Thủ Tướng của Ấn-độ trong Toà Bạch Ốc như một „người bạn thật“
và như một đồng minh chiến lược. Nhưng rõ ràng, hệ thống an ninh được
Hoa-kì bảo đảm ở Á châu đang rạn vỡ. Dịp đối thoại đầu mùa hè ở
Schangri-La tại Singapur, một thứ nghị hội an ninh khu vực, bộ trưởng
quốc phòng James Mattis (Hoa-kì) một mặt chỉ trích Trung Quốc, mặt khác
bằng giọng bực dọc hiếm có mở ra một viễn ảnh bấp bênh cho các nước
trong vùng: „Các bạn hãy kiên nhẫn đối với chúng tôi“; tiếp đó ông lặp lại một nhận định trớ trêu của Winston Churchill trước đây nói về Hoa-kì: „Khi không còn một chọn lựa nào khác nữa, người Mĩ chúng tôi sẽ làm điều đúng.“ Nghe ra như kiểu ông Bộ Trưởng khuyên chớ nên tin tưởng vào chính sách của nước ông dưới sự lãnh đạo của Donald Trump.
Châu Á sẽ tiếp tục bước đi trên con đường nào? Có thể có hai phản ứng
trước tình hình đã thay đổi và có lẽ chúng ta cũng sẽ thấy cả hai xuất
hiện. Thái độ thứ nhất có lẽ là sự bằng lòng với việc thống trị của
Trung Quốc. Nước Phi đang có những nghĩa vụ liên minh với Hoa-kì, nhưng
tổng thống Duarte của họ đã tuyên bố gần như chính thức coi mình là một
chư hầu của Trung Quốc. Tổng thống vừa mới được bầu của Nam Hàn Moon
Jae-In đã ra lệnh ngưng hoàn thành việc dựng hệ thống chống hoả tiễn của
Hoa-kì trên đất của ông; hệ thống này bị Trung Quốc coi là một hành vi
thù nghịch với họ. Moon muốn tránh đụng độ, tìm hoà hoãn, nếu không nói
là tìm cách thích ứng với Trung Quốc.
Trước đây một hay hai chục năm Pakistan hoàn toàn lệ thuộc vào
Washington, nay đang trên đường trở thành một quốc gia khách hàng của
Trung Quốc. Thái-lan và Nam-hàn là những đồng minh kì cựu của Hoa-kì,
mới đây đặt mua vũ khí của Trung Quốc và cùng với không quân nước này
tập trận chung. Singapur cho tới nay vẫn hãnh diện về sự độc lập ngoại
giao của mình, mới đây bị Trung Quốc làm nhục bằng cách không mời Thủ
Tướng nước này tới dự nghị hội về con đường tơ lụa – nhưng chẳng lâu sau
đó, trong dịp đối thoại Shangri-La Bộ Trưởng Quốc Phòng Singapur lại
chẳng hé môi chỉ trích Trung Quốc. Trái lại ông ca ngợi Trung Quốc là
động năng của tiến trình toàn cầu hoá, ngược lại với chính sách bảo hộ
mậu dịch mới của Hoa-kì; „Trung Quốc đang nhấn ga, để đẩy mạnh các
kế hoạch đưa mình vào vai trò lãnh đạo thương mại trong vùng Á châu –
Thái Bình Dương, nếu không nói là trong toàn thế giới.“
Ở Mã-lai, Pê-kinh đã mau mắn đổ tiền giúp quỹ quốc gia 1MDB; quỹ này
đã được nói đến và đã gặp khó khăn tài chánh vì liên quan tới vụ tai
tiếng tham nhũng của thủ tướng Najib Razak. Trong năm qua một công ti
quốc doanh của Trung Quốc đã bỏ ra gần hai tỉ âu kim để mua lại những cổ
phần máy nhiệt điện của quỹ này và một công ti khác cũng đã đầu tư vào
dự án xây dựng của 1MDB một tỉ rưỡi âu kim. Kết quả: Trung Quốc đã nắm
được một vị trí mạnh trong lĩnh vực năng lượng và hạ tầng cơ sở của
Mã-lai. Đồng thời Mã-lai hoàn toàn im tiếng trước việc Trung Quốc mở
rộng quyền lực của họ trên biển đông. Như vậy có thể nói những nước nhỏ
và vừa được khuyên nên hướng về trục Trung Quốc và nên chấp nhận trật tự
do nước này sắp đặt tại Á châu như là một thực tế bất khả kháng. Hãy
hân hoan bước vào vũ trụ trung quốc!
Đối lại với chính sách thích ứng là thái độ chống lại một cách có í
thức và tính toán có thể có nơi một số quốc gia. Ấn-độ vẫn coi mình
đương nhiên là biểu tượng của một nền văn minh riêng, nên không thể nào
chịu đứng dưới Trung Quốc. Họ tẩy chay nghị hội con đường tơ lụa. Từ
nhiều tuần nay binh sĩ trung cộng và ấn-độ dương oai kình địch nhau tại
đồi Doklam, một dôi đất tranh chấp trong dãy núi Himalaya. Đây là cuộc
đụng độ nguy hiểm nhất kể từ sau trận chiến năm 1962 giữa hai nước láng
giềng. New Delhi cảm thấy càng ngày càng thù nghịch với Pê-kinh và sẵn
sàng chống trả quyết liệt hơn.
Với Nhật-bản, chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc có nghĩa là chấp
nhận cho mình một vai trò phụ thuộc, như kiểu vai trò của Ca-na-đa đối
với Hoa-kì: tự chủ trên nguyên tắc, nhưng thật ra mọi quyết định đều tuỳ
thuộc vào anh hai láng giềng. Hiện tại không có dấu hiệu gì cho thấy
Tokio có thể chấp nhận vị thế đó. Trái lại: thủ tướng Abe đang tìm cách
cải tổ hiến pháp, để chấm dứt chính sách chủ hoà của Nhật sau chiến
tranh và để mở ra một tự do mới về quyền lực chính trị cho đất nước. Rõ
ràng mục tiêu là để huy động sức mạnh chống lại Trung Quốc. Cả Thủ Tướng
của Úc mới đây cũng mạnh miệng đối với Pê-kinh: Nếu Trung Quốc tìm cách
theo đuổi chủ trương hăm doạ, Úc sẽ chỉ còn có cách liên kết với các
láng giềng để chống lại Pê-kinh. Chống lại vũ trụ trung quốc.
Như vậy, rõ ràng hay kín đáo, ba nước Nhật, Úc và Ấn đều không tán
thành sự trỗi dậy của siêu cường mới. Ashok Malik, một quan sát viên
chính trị người ấn rất gần gũi với đảng nắm quyền BJP nói: „Chúng tôi buộc phải cộng tác với các quốc gia cấp hai.“ Ông chờ đợi một „sự cộng tác càng ngày càng tăng giữa các quốc gia cấp trung“.
Sự cộng tác có thể sẽ khó khăn, vì giữa các nước đã không có đủ thời
gian thực tập làm việc chung trong lịch sử. Liên minh chống Trung Quốc
hi vọng vào sự yềm trợ của Hoa-kì, nếu như nước này vẫn tiếp tục tham
gia trò chơi quyền lực tại Á châu. Nhưng nếu Hoa-kì càng tỏ ra vị kỉ và
ỡm ờ, thì các quốc gia đồng minh buộc phải tự lực tự cường – điều này có
nghĩa là thi nhau võ trang.
Lúc này Ấn đã trở thành quốc gia mua sắm vũ khí lớn nhất thế giới.
Nhật có thể chế bom nguyên tử bất cứ lúc nào. Điều này có lẽ sẽ vô cùng
khó khăn về mặt chính trị và văn hoá cho một quốc gia vốn chính mình là
nạn nân duy nhất của bom nguyên tử và vốn bị các nước láng giềng nhìn
như một tên xâm lược trong thế chiến thứ hai. Nhưng cái lô-gích của địa
lí chính trị có thể buộc họ phải đi theo hướng đó. Với Hugh White, một
nghiên cứu gia chiến lược của Úc, thì dù sao đi nữa cái động năng cũng
đã rõ: „Nếu Nhật muốn tránh rơi vào vị thế như kiều Ca-na-đa, thì họ buộc phải trở thành cường quốc nguyên tử.“ Chính sách của Trump rốt cuộc có nghĩa là sự gia tăng khả năng nguy hiểm sắm bom nguyên tử tại Á châu.
Thế kỉ 20. đã qua tại Á châu. Sự trổi dậy của Trung Quốc cũng như của
các nước khác trên lục địa khiến cho tình trạng trật tự cũ không thể
tiếp tục được nữa. Một trật tự trong đó tất cả đều hướng vào Hoa-kì như
một sức mạnh siêu quần đã chiến thắng Nhật trong mùa hè năm 1945. Như
vậy, nhiệm kì tổng thống của Donald Trump chỉ đẩy nhanh thêm một tiến
trình hẳn sẽ phải diễn ra trong lịch sử. Nhưng yếu tố Trump khiến cho
cuộc sang trang này tăng thêm nguy cơ thật khó lường. Tiến trình chuyển
tiếp từ sự thống trị cũ của Hoa-kì sang một hệ thống quân bình quyền lực
mới vốn đã là chuyện khó khăn, dù trong những điều kiện thuận lợi nhất.
Giờ đây, ta có thể hình dung, là nó có thể thật sự sẽ diễn ra trong hỗn
loạn và nguy hiểm chừng nào.
Jan Ross. Die Zeit ngày 10.08.2017.
Phạm Hồng-Lam dịch.
Phạm Hồng-Lam dịch.