Chính Sách Đối Với Các Sắc Tộc Thiểu Số Của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa từ 1964 đến 1975.
Nguyễn Văn Nghiêm
Gần đây Giáo Sư Nguyễn Văn Huy, một nhà Dân Tộc Học,
phụ trách Khoa Các Dân Tộc Đông Nam Á tại Đại Học Paris 7, có viết một số bài về
người Thượng trên Cao Nguyên miền Trung Việt Nam, được đăng trên báo Người Việt
ở Quận Cam, California, Hoa Kỳ. Ong cho
rằng thời gian mười năm 1965 – 1975 là thời kỳ vàng son của người Thượng, và sở
dĩ người Thượng có được thời kỳ như vậy là nhờ áp lực của các cường quốc Pháp
và Mỹ. Nguyên văn câu viết của ông như
sau:
“Vì không muốn bị diệt vong, từ 1956
người Thượng tìm hậu thuẫn ở các thế lực phương Tây (Pháp và Mỹ) để được tồn tại,
và dưới áp lực của các cường quốc này cộng đồng người Thượng mới có một chỗ đứng
vinh dự hơn, nhưng thời vàng son này đã không kéo dài lâu, chỉ được mười năm
thì chấm dứt (từ 1965 đến 1975) .” (Người Việt, ngày 11/4/2001, trang B2)
Là một sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa, có may mắn được phục vụ trong các cơ quan Thượng Vụ từ 1956, tôi thấy
rằng thời kỳ vàng son nói trên của người Thượng tuy một phần có ảnh hưởng của
người Mỹ, nhưng của người Pháp thì còn cần phải xem xét lại. Nguyên nhân chính đem lại một chỗ đứng vinh dự
cho người Thượng, là do những nhà lãnh đạo quân sự và chính trị Việt Nam sau
chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đều là những người đã từng chỉ huy ở Cao
Nguyên từ lâu năm và rất có ý thức về những vấn đề của người Thượng. Chính những vị này đã ban hành và liên tục thực
thi một chính sách bảo đảm đem lại đầy đủ quyền công dân và quyền sống của con
người, không chỉ cho người Thượng trên Cao Nguyên nói riêng mà còn cho cả người
Thượng miền Bắc di cư vào miền Nam từ 1954, mà phần lớn đã định cư trên Cao
Nguyên, người Chàm, và sau này cho cả người Miên ở Hậu Giang nói chung nữa.
Tìm Hiểu Nguyện Vọng Của Người Thượng và Chàm
Y thức được những bất công đối với người Thượng do
chính sách của Chính Phủ Ngô Đình Diệm để lại, ngay sau khi đảo chánh lật đổ
Chính Phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày 1 – 11 – 1963, Hội Đồng Quân Nhân
Cách Mạng đã quan tâm đến vấn đề này.
Thiếu Tướng Đỗ Mậu, cựu Tư Lệnh Phân Khu Duyên Hải (1955-1956) gồm 4 Tiểu
Khu: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Uy Viên Chính Trị trong Hội Đồng
Quân Nhân Cách Mạng đã đệ trình một kế hoạch đặc biệt nâng đỡ đồng bào Thượng
nhằm giải quyết vấn đề nói trên. Một số lớn lãnh tụ Thượng trong phong trào
BaJaRaKa chống chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, bị bắt từ 1958, đã được Đại
Tướng Dương Văn Minh cho lệnh thả ngay.
Ong Paul Nưr, sắc tộc Bahnar, Phó Chủ Tịch Phong Trào sau khi được tha về,
đã được bổ nhiệm ngay vào chức vụ Phó Tỉnh Trưởng Thượng tỉnh Kontum. Tuy nhiên
kế hoạch nâng đỡ đồng bào Thượng của Thiếu Tướng Đỗ Mậu đệ trình chưa kịp được
thi hành thì ngày 29/1/1964 đã xẩy ra một cuộc Chỉnh Lý lật đổ Hội Đồng Quân
Nhân Cách Mạng.
Chính phủ mới do Trung Tướng Nguyễn Khánh, nguyên Tư Lệnh Quân Đoàn II
và Vùng II Chiến Thuật ở Cao Nguyên, về làm Thủ Tướng là người đặc biệt chú trọng đến vấn đề người Thượng. Việc làm đầu tiên của Thủ Tướng Nguyễn Khánh
la, ngày 11/2/1964, thả nốt người đứng đầu phong trào BaJaRaKa, Ong Y Bham
Enuôl, sắc tộc Rhadé, Chủ Tịch Phong Trào.
Ong cũng được bổ nhậm vào chức vụ Phó Tỉnh Trưởng Thượng tỉnh Đắc Lắc. Sau đó chính phủ và chính quyền tại Cao Nguyên
đã liên tiếp tổ chức nhiều Hội Nghị các lãnh tụ người Thượng, Chàm, để tìm hiểu
nguyện vọng của họ hầu ban hành một chính sách mới phù hợp với nguyện vọng
chính đáng của đồng bào.
Hội Nghị đầu tiên do tác giả bài này, Trửơng Phòng Năm Sư Đoàn 23 Bộ
Binh và Khu 23 Chiến Thuật, tổ chức ngày
9/1/1964, tại Banmêthuột, dưới quyền chủ tọa của Đại Tá Lê Quang Trọng, Tư Lệnh
Sư Đoàn và Khu 23 Chiến Thuật. Ong Y
Chôn Mlô Đuôn Đu, Tham Sự Hành Chánh, sắc tộc Rhade, đã đại diện các lãnh tụ Thượng
trong hội trường xin chính phủ có một
chính sách công bằng và những chương trình hữu hiệu, thực tế để nâng cao đời sống
của đồng bào Thượng, Chàm.
Ít lâu sau Hội Nghị các lãnh tụ Thượng, Chàm nói trên tại
Ban Mê Thuột, Trung Tướng Nguyễn Khánh bổ nhiệm tôi vào chức vụ Trưởng Phòng Thượng
Vụ Quân Đoàn II và Vùng 2 Chiến Thuật tại Pleiku. Với chức vụ mới, tôi bắt đầu soạn thảo tài liệu
“Vấn Đề Đồng Bào Thiểu Số Tại Việt Nam”. Tài liệu này đã được ban hành dưới thời
Trung Tướng Đỗ Cao Trí lên thay thế Trung Tướng Nguyễn Khánh làm Tư Lệnh Quân Đoàn
II và Vùng 2 Chiến Thuật. Tài liệu này đã
được dùng làm căn bản cho một chính sách mới trên miền Cao Nguyên.
Thủ Tương Nguyễn Khánh cũng
cho lệnh Nha Đặc Trách Thượng Vụ tổ chức mời 55 lãnh tụ Thượng, Chàm trên Cao
Nguyên và các tỉnh miền Trung về thăm viếng Thủ Đô Sài Gòn ngày 5/5/1964. Nhân dịp này Thủ Tướng đã chủ tọa một hội nghị
với các lãnh tụ Thượng, Chàm, và tiếp nhận tất cả những nguyện vọng của họ. Đây là lần đầu tiên từ 1954, người Thượng,
Chàm có cơ hội được tự do trực tiếp trình bày những ý kiến của mình trước người
lãnh đạo cao cấp nhất của quốc gia.
Hội Nghị lần thứ ba diễn ra tại
Hội Quán Phượng Hoàng, Pleiku, do Phòng Thượng Vụ Quân Đòan II và Vùng 2 Chiến
Thuật tổ chức vào hai ngày 25, 26/8/1964, dưới quyền chủ tọa của Trung Tướng
Nguyễn Hữu Có Tư Lệnh Quân Đoàn II. Một
Uy Ban gồm Thiếu Tá Ya Ba, Đại Uy Y Pem Knul, Tham Sự Hành Chánh Y Chôn Mlô Đuôn
Đu, và tôi Trưởng Phòng Thượng Vụ Quân Đoàn II, được thành lập để đúc kết tất cả
những nguyện vọng của các sắc tộc Thượng, Chàm đệ trình lên Chính Phủ.
Một Hội Nghị nữa do Trung Tá Nguyễn Phi Phụng, Giám Đốc
Nha Đặc Trách Thượng Vụ thuộc Bộ Quốc Phòng tổ chức ở Đà Lạt ít ngày sau Hội
Nghị tại Pleiku nói trên.
Nhưng đáng kể nhất là Đại Hội đại diện đồng
bào thiễu số họp tại Pleiku trong ba ngày 15, 16,17, tháng 10,1964, và cuộc họp
của Hội Đồng Nội Các Chính Phủ tại Biệt Điện của Tổng Thống, một biệt thự bằng
gỗ trên những cột cao, kiến trúc theo kiểu nhà của đồng bào Thượng, tại Pleiku,
đêm 16/10/1964 . Thủ Tướng Nguyễn Khánh,
hai vị Phó Thủ Tướng, các vị Tổng Trưởng các Bộ Tư Pháp, Giáo Dục...Trung Tướng Nguyễn Hữu Có Tư
Lệnh Quân Đoàn II, ông Tổng Giám Đốc Nha
Điền Địa, và Trung Tá Ngô Văn Hùng, nguyên Giám Đốc Nha Công Tác Xã Hội Miền Thượng
ở Huế dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, hiện là Phó Giám Đốc Nha Đặc Trách Thượng
Vụ thuộc Bộ Quốc Phòng, đã nghe tôi, Trưởng Phòng Thượng Vụ Quân Đoàn II, trình
bày những nguyện vọng của đồng bào Thượng, Chàm, và những đề nghị về một chính
sách mới, cùng những biện pháp thiết thực giúp đỡ đồng bào về mọi mặt chính trị,
xã hội, văn hóa, giáo dục, kinh tế, y tế, luật pháp, v.v. Hội Đồng Nội Các đã thảo luận kỹ càng từng điểm
một, do đó cuộc họp đã kéo dài suốt bốn tiếng rưỡi đồng hồ, từ 8 giờ 30 tối đến
1 giờ sáng ngày hôm sau. Chính trong cuộc
họp này Thủ Tướng Nguyễn Khánh và Hội Đồng Chính Phủ đã chấp thuận tất cả những
đề nghị, và quyết định ban hành một chính sách mới không chỉ áp dụng cho người
Thượng nói riêng mà còn áp dụng cho cả người Thiểu Số Việt Nam nói chung. Người Thiểu Số ở đây bao gồm người Thượng miền
Nam, người Thượng miền Bắc di cư tị nạn Cộng Sản năm 1954, hầu hết đang định cư
trên Cao Nguyên, và người Chàm. Chính
sách này về sau cũng được áp dụng cho người Miên ở Hậu Giang nữa.
Chính Sách Đối Với Các Sắc Tộc Thiẻu Số Việt Nam
Chính sách được ban hành dưới dạng một Thông Điệp
của Thủ Tướng Chính Phủ gửi nhân dân cả nước, và do Thủ Tướng đọc trước Đại Hội
đại diện người Thượng miền Nam, miền Bắc, và người Chàm ngày 17/10/1964. Chính sách mới được đặt trên ba nguyên tắc căn
bản:
1. Đồng bào Thiểu Số Việt Nam
là công dân của nước Việt Nam. Đồng bào có quyền được hưởng đầy đủ quyền
công dân như mọi công dân thuộc những sắc tộc khác.
2. Tuy nhiên vì đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn,
chính phủ có trách nhiệm phải hoạch định ra những chương trình, kế hoạch hầu
giúp đồng bào mau chóng tiến bộ theo kịp đà tiến bộ chung của toàn dân tộc.
3. Chính phủ tôn trọng phong tục, tập quán, ngôn ngữ, chữ
viết, văn hóa của đồng baò
thiểu số. Toà
án phong tục Thượng sẽ được thành lập trở lại.
Tiếng Thượng sẽ được dạy lại trong các trường học. Quyền sở hữu đất đai canh tác của người Thượng
được tôn trọng, và một chương trình Kiến Điền sẽ được tiến hành để cung cấp bằng
khoán về quyền sở hữu đất đai cho đồng bào.
Ngay trong buổi họp này vị Tổng Trưởng Bộ Tư Pháp đã
thảo một Nghị Định hủy bỏ Nghị Định cũ của
Chính Phủ Ngô Đình Diệm không công nhận quyền sở hữu đất đai canh tác của người
Thượng, tái xác nhận chính phủ tôn trọng quyền sở hữu đất đai của các gia đình
người Thượng, và hứa hẹn sẽ ban hành một chương trình Kiến Điền để đảm bảo quyền
sở hữu đất đai canh tác của đồng bào. Chương
trình Kiến Điền sẽ do Tổng Nha Điền Địa thực hiện sau này. Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục cũng ban hành
một Thông Tư ấn định nhiều biện pháp
nâng đỡ học sinh, sinh viên Thượng, và Chàm.
Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa, ngày 1, tháng 4, 1967
Ngày 1, tháng 4, 1967, Hiến Pháp Việt
Nam Cộng Hoà được ban hành, trong đó có những điều khoản 2, 24, 97, và 98 liên
quan đến chính sách đối với người Thiểu Số.
Điều 2 công nhận và bảo đảm những quyền căn bản của mọi
công dân. Mọi công dân đều bình đẳng
không phân biệt sắc tộc. Đồng bào Thiểu
Số được đặc biệt nâng đỡ để theo kịp đà tiến hóa chung của dân tộc. Điều 24 công nhận sự hiện hữu của các sắc tộc
thiểu số trong cộng đồng Việt Nam. Phong tục, tập quán của đồng bào Thiểu Số được
tôn trọng. Các tòa án phong tục phải được
thiết lập để xét xử những vụ án về phong tục giữa các đồng bào Thiểu Số. Một đạo luật sẽ qui định những quyền lợi đặc
biệt để nâng đõ đồng bào Thiểu Số.
Điều 97,và 98 qui định việc tổ chức một Hội Đồng Các Sắc
Tộc. Nhiệm vụ của Hội Đồng là cố vấn
Chính Phủ về các vấn đề liên quan đến đồng bào Thiểu Số. Với sự chấp thuận của Quốc Hội , Hội Đồng Các
Sắc Tộc có thể cử đại diện thuyết trình trước Quốc Hội về các vấn đề liên hệ. Các dự luật liên quan đến đồng bào Thiểu Số
có thể được Hội Đồng Các Sắc Tộc tham gia ý kiến trước khi đưa ra Quốc Hội thảo
luận. Về thành phần của Hội Đồng thì hai
phần ba hội viên là do các sắc tộc Thiểu Số đề cử. Một phần ba hội viên do Tổng Thống chỉ định. Một đạo luật sẽ qui định sự tổ chức và điều
hành Hội Đồng Các Sắc Tộc. Ngoài 4 điều
nói trên, còn Điều 66 qui định Phó Tổng Thống là Chủ Tịch Hội Đồng Sắc Tộc.
Như
vậy, ngoài những điều 66, 97, 98, liên quan đến Hội Đồng các Sắc Tộc, ba nguyên
tắc căn bản trong chính sách mới do Thủ Tướng Nguyễn Khánh ghi trong Thông Điệp
gửi quốc dân đồng bào ngày 17/10/1964 đã được ghi lại đầy đủ trong hai điều 2
và 24 của Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa.
Quy
Chế Quy Định Những Quyền Lợi Đặc Biệt Để Nâng Đỡ Đồng Bào Thiểu Số.
Để thực hiện điều 2 và 24 của Hiến Pháp, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ Chủ Tịch Uy Ban
Hành Pháp Trung Ương đã đệ trình lên Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu Chủ Tịch Uy
Ban Lãnh Đạo Quốc Gia ký Sắc Luật số 033/67,
ngày 29/8/1967. Nội dung Sắc Luật
có 10 Điều họp thành một Quy Chế quy định những quyền lợi đặc biệt để nâng đỡ đồng
bào Thiểu Số. Điều 1 và Điều 10 là phần
mở đầu vàkết luận. Các điều còn lại từ điều 2 đến điều 8 ấn định những nguyên tắc
căn bản nâng đỡ đồng bào thiểu số về mọi mặt Hành Chánh Công Chức, Quân Sự,
Kinh Tế, Nông Nghiệp, Quyền Sở Hữu Đất Đai, Y Tế, Xã Hội, Giáo Dục, Văn
Hóa. Sẽ thành lập Viện Bảo Tàng Nhân Chủng
để bảo vệ và phát huy nền văn minh của các sắc tộc Thiểu Số, và Viện Nghiên Cứu
các Sắc Tộc để giúp Chính Phủ thiết lập các kế hoạch phát triển đời sống đồng
bào thiểu số. Riêng điều 9 quy định
nguyên tắc nâng đỡ phải phù hợp với thực trạng của từng địa phương và trình độ
của từng sắc tộc, để các sắc tộc thiểu số dù có tình trạng sinh hoạt không đồng
đều, cũng có thể theo kịp đà tiến bộ chung của dân tộc. Nội dung Sắc Luật 033/67 làsự tổng hợp tất cả
những nguyên tắc nâng đỡ đồng bào Thiểu Số đã được các Bộ ban hành từ sau cuộc
họp của Hội Đồng Nội Các tại Pleiku ngày 17/10/1964, và đã được liên tục thi
hành.
Kết Luận
Trên đây là Chính Sách của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa
vào thời đó. Chính nhờ việc ban hành
chính sách nói trên và việc tích cực thi hành chính sách của các Bộ chuyên môn
trong chính phủ, phối hợp với cơ quan đặc trách vấn đề thiểu số là Bộ Phát Triển
Sắc Tộc, cùng với sự hỗ trợ dồi dào về tài chánh cho những chương trình phát
triển đời sống đồng bào của Hoa Ky, ma có thời kỳ vàng son của người Thượng nói
riêng và người Thiểu Số Việt Nam nói chung trong sinh hoạt chính trị tại Việt
Nam từ 1964 đến 1975. Thời kỳ vàng son của
đòng bào thiểu số đã chấm dứt do kết quả của việc Cộng Sản Bắc Việt đã xâm lăng
và chiếm trọn miền Nam
năm 1975. Mong rằng những nhà viết sử sau này nên tham khảo nhiều nguồn tin tức
cả ở trong nước lẫn những nguồn tin của ngoại quốc, nhất là cần phải phối kiểm
lại mọi nguồn tin tức, để tránh tình trạng có những nhận định chưa được chính
xác, vô tình đã bất công đối với mọi nỗ lực của những nhà lãnh đạo chính trị và
quân sự Việt Nam Cộng Hòa vào thời gian nói trên trong cố gắng giải quyết vấn đề
đồng bào thiểu số của đất nước.