NGƯỜI KITÔ HỮU SỐNG TÂM LINH.

Nguyễn Vinh Sơn

    NGƯỜI KITÔ HỮU SỐNG TÂM LINH.   
*Trước hết tôi muốn thưa rằng bài trình bày này được viết ra từ kinh nghiệm sống và mầy mò đi tìm chân lý của tôi, đúng hơn tìm một ý nghĩa cho cuộc đời mình, một lý do để sống, nên bài này không phải là một quy phạm hay một công thức áp dụng cho hết mọi người. Vả lại mỗi người có một hoàn cảnh sống và những kinh nghiệm sống khác nhau. Vì thế mấy quy tắc trong phần cuối bài này chỉ mang tính gợi ý mà thôi.

** Thứ hai, được học qua triết học Phương Tây là môn học giúp người ta dùng lý trí suy luận đúng về đời sống, lịch sử và các mối tương quan trong xã hội. Một đặc thù của triết học Phương Tây là trong chân lý không có sự xí xóa, chín bỏ làm mười. Vì thế  tôi phân biệt rõ nội dung của các cặp từ ngữ mà nhiều người có thể lẫn lộn như: tôn giáo-đức tin rồi cái tôn giáo-sự tâm linh (la religion/la foi ; le religieux/ le spirituel).  
***Thứ ba do hoàn cảnh riêng, khi được khai tâm theo Kitô giáo, tôi đã 25 tuổi, nên bên cạnh mặt yếu là kinh bổn, tín lý nhưng mặt mạnh là óc quan sát và sự thực hành tôn giáo : tôi không dễ dàng coi một sự kiện tôn giáo nào đó là sự đương nhiên. Từ đó, sau nhiều năm hành đạo, tôi nhận thấy – có thể là chủ quan –  một số nhận xét sau đây :      
I. Sự xơ cứng của tôn giáo trong thế giới nhiều biến động hôm nay:
Có ba lý do khiến tôn giáo và các tín ngưỡng ở Việt Nam trở nên xơ cứng :   
1) Tôn giáo ngày càng trở thành hình thức khi đương đầu với những công kích của vô thần và khoa học : những thánh lễ hoành tráng, những chùa chiền với những dây đèn nhiều màu biến những nơi thờ tự thành một tụ điểm, một sân khấu của lễ hội. Chùa rách Phật vàng, giáo dân nghèo, nhưng nhà thờ phải lớn, tượng phải bằng cẩm thạch hay ngọc lục bảo của Myanma, phải cao nhất và nặng nhất. Từ hình thức trong thờ tự, tín đồ tập quen với hình thức trong đạo đức. Người ta làm từ thiện nhiều với ít lòng bác ái thật sự. Tính chất đồng phục và đồng bộ là một yêu sách không thể thiếu. Xem ra cái hình thức to lớn vĩ đại bên ngoài chỉ để che giấu cái nội dung sống đạo nghèo nàn nơi mỗi tâm hồn tín hữu
2) Tôn giáo ngày càng có tính chất giáo điều (dogmatique) bất chấp lẽ thường của lương tri (bon sens). Người ta hiểu « dấu chấm dấu phẩy » theo nghĩa đen. Kinh sách phải giữ luật chữ đỏ. Truyền thống lấn át mọi suy tư thần học (vd tín điều Maria Mẹ Thiên Chúa). Nơi nào mà giáo điều chống lại lý trí thì sử dụng từ ngữ « mầu nhiệm » một cách khá tùy tiện.
3) Tách rời tự nhiên với siêu nhiên, lạm dụng khái niệm siêu việt của triết học để phân ly triệt để hai phạm vi, cái thánh thiêng và cái trần tục, phân chia cái vĩnh hằng với cuộc hiện sinh cụ thể mà Phật giáo xác định rất rõ là vô thường, khổ não, vô ngã. Do đó người ta đề cao chức thánh của các tu sĩ, các sư thầy, giáo dân bị đánh giá thấp. Trong phương pháp thần học người ta chỉ sử dụng phương pháp diễn dịch mà loại bỏ phương pháp quy nạp. Phương pháp diễn dịch đi từ trên xuống từ Thiên Chúa xuống thiên thần rồi sau cùng xuống loài người, sau cùng động vật và các loài vô tri vô giác khác. Trật tự hữu thể này áp dụng vào cơ cấu phẩm trật theo hình Kim-tự-tháp trên đỉnh là Đức Giáo Hoàng, cạnh đáy là hàng giáo dân v.v… Với quan niệm này khoảng cách giữa mỗi người với Thiên Chúa xa xôi quá, qua nhiều lớp trung gian đặc biệt là lớp trung gian các giáo sĩ. Có giáo dân còn nói rõ mình thờ Chúa nhưng noi gương (đạo đức) các cha các xơ trong giáo xứ.    
Nơi Đức Giêsu, dù người ta thừa nhận có hai bản tính, nhân tính và thần tính, không lẫn lộn, không đồng nhất nhưng cũng không tách rời. Nhưng trong Phụng tự người ta gần như chỉ nói về Thần tính, địa vị Ngôi Hai của Ngài, ít khi đề cao nhân tính của Ngài. Vả lại vì là đạo bí tích (7 bí tích, nhiều nhất trong các Kitô giáo), nên phải lấy thần tính của Ngài làm bảo chứng.
4) Điều khá nghiêm trọng là trong lịch sử thời Trung cổ và Cận đại, khi có sự xung đột với Hồi Giáo hay với những giáo phái bị coi là lạc giáo dị giáo, nói cách khác trong các cuộc chiến tranh tôn giáo hoặc đàn áp giáo phái, thì công giáo (và cả Hồi giáo, Tin Lành) đều hành xử như những ý thức hệ. Bạo lực và cuồng tín được đẩy lên tối đa. Bài học yêu thương mà Đức Giêsu luôn giảng dạy luôn bị dẹp bỏ (xem phụ lục).
Không chỉ các tôn giáo lớn có xu hướng trở thành ý thức hệ mà các phong trào tôn giáo nhỏ cũng thế. Các phong trào tôn giáo mới nổi lên cũng thường đi kèm theo một sự vũ trang chính trị lấy cớ bảo vệ cho tôn giáo mình, cho giáo hội (hoặc bày tỏ lòng trung quân, ái quốc) trước các thần quyền và thế quyền khác. Điều này có lẽ do ảnh hưởng của « quân chủ độc tôn » mà nền dân chủ hiện đại luôn tìm cách dẹp bỏ và coi các tôn giáo, nhất là các tôn giáo độc thần và có cơ cấu phẩm trật kiên cố là những nơi cất giữ các tiềm năng hiếu chiến.
5) Một vấn nạn sau cùng mà tôn giáo hình thức phải giáp mặt hôm nay là một thế giới đang được toàn cầu hóa trong đó người ta phải chấp nhận một thế giới đa văn hóa. Cũng trong bối cảnh ấy người ta còn muốn xây dựng một tôn giáo toàn cầu để ngăn ngừa chiến tranh tôn giáo.   
Khi đối chiếu các tôn giáo trong bối cảnh đa văn hóa ấy, người ta thấy mặc dù hình thức khách quan của chúng khác nhau, nhưng khát vọng thâm sâu của nhân loại thuộc mọi văn hóa thì giống nhau. Đó là khát vọng thâm sâu của nhân loại muốn được tự do viên mãn, được giải thoát hay giải phóng khỏi mọi tất định của vật lý và lịch sử (Nho giáo gọi tất định đó là ngũ-hành, Phật giáo gọi là ngũ-uẩn hay thập nhị nhân duyên, Kitô giáo gọi là tội lỗi chống Thiên Chúa…). Trong một tình hình như thế khó mà nói rằng tôn giáo nào hoàn thiện hơn tôn giáo nào và câu nói của thời Trung cổ : Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ trở nên lỗi thời. Và cách nói của Triều Nguyễn mà ảnh hưởng còn đến tận hôm nay : Bình Tây Sát tả vừa dốt nát vừa lỗi thời. Teilard de Chardin, một nhà nhân chủng học Dòng Tên trong thuyết tiến hóa mở rộng của ông đã nêu lên một phương châm rất hay là : Mọi sự đi lên (hướng thượng) đều gặp nhau : Tout ce qui monte, converge.   
II. Cách sống đạo hình thức theo tập quán cũ phải bị vượt qua.
Có thể nhiều người vẫn bằng lòng với cách sống đạo như trên, khi nó còn bảo lưu, duy trì một số giá trị như khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời trong giới tu hành, hoặc các đức tính như nhẫn nại, nói tiếng xin vâng trong mọi thử thách hoặc nghịch cảnh cuộc đời trong những giáo dân, hoặc khi đối chiếu với cách sống vô thần thực dụng đang lây lan mạnh, tín hữu vẫn còn giữ được phần nào lễ nghĩa liêm sỉ. Ở đây xem ra điều an ủi là giữa nhiều điều xấu, thì điều xấu của tôn giáo luôn là điều xấu nhỏ nhất. Và trong trường hợp này, cá nhân nào không đủ bản lĩnh và nghị lực hoặc thiếu căn cơ vốn luôn lo sợ mình bị dòng đời ô trọc cuốn trôi hoặc làm cho ngả quỵ, thay vì phải đứng vững và vượt qua dù phải chống chọi một mình, thì sống đạo hình thức vẫn còn cần thiết và phải được thực hành.
Vì thế khi nói đến ‘vượt qua’ từ tôn giáo (le religieux) đến tâm linh (le spirituel) tôi chỉ nhắm đến một thiểu số tín hữu có ý thức sáng suốt mà cách sống đạo hình thức không sinh thêm ơn ích cho họ. Tâm hồn họ luôn thao thức cho đến lúc họ thật sự nghỉ yên trong Thiên Chúa như lời thánh Âutinh đã nói. Với những người này họ phải vượt qua để đến với cách sống đạo tâm linh. Nếu không, họ không những không nổi lềnh bềnh như đa số mà còn chìm lỉm vì tôn giáo hình thức và lễ nghi không còn đủ sức nâng họ. Do đó ‘vượt qua’ đây không đồng nghĩa với việc xóa sạch tập quán của đám đông mà phải hiểu là một bước nhảy vào cách sống đạo tâm linh trong khi tôn giáo hình thức còn phải được duy trì cho đám đông, nhưng với người sống tâm linh nó là tấm ván nhúng của một vận động viên nhảy cầu, nhảy vào chính suối nguồn chân lý.  
Vả lại, đối với số ít người phải vượt qua để bước vào đạo tâm linh thì bối cảnh của họ chính là Giáo Hội luôn muốn canh tân và vượt qua cái cũ, Giáo Hội của Công Đồng Vaticăn II là một gương sáng. Đặc biệt khi công đồng nhấn mạnh đến ơn gọi cá nhân phải trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.
Một cách gián tiếp, lời mời gọi nên hoàn thiện không thể bị giới hạn trong các nghi lễ và bí tích, trong khuôn viên nhà thờ hoặc các địa điểm hành lễ mà phải sống ở mọi nơi và trong mọi lúc. Không thể nào nhốt chim phượng hoàng trong chiếc lồng nhỏ bé dù đó là cái lồng bằng vàng, cũng không thể nhốt ngọn gió hay ngọn lửa của Thần Khí vào trong một phòng kín dù đó là phòng cẩm thạch nạm kim cương. Vì như thế ngọn lửa sẻ tắt, ngọn gió sẽ thành tù hãm. Trong khi Chúa nói, gió muốn thổi đi đâu thì gió thổi và lửa Người đem xuống thế gian là để làm cháy thế gian.   
Mặt khác ơn gọi đến với Đấng Tuyệt Đối cũng là ơn gọi tuyệt đối. Thiên Chúa trong Cựu Ước rất ghét sự trung bình, cái thường thường bậc trung ( Vd : của gia cảnh cô Kiều). Yêu sách của Thiên Chúa thường tuyệt đối nếu không nói là cực đoan. Chúng ta có yêu sách cực đoan khi Thiên Chúa Yavê đòi Ápraham phải hiến tế đứa con trai của tuổi già ông trên núi Moriva dù Người biết rõ « sức con người có hạn » nên Người đã can thiệp vào giờ chót bằng con dê mắc sừng vào bụi gai để bù đắp vào sự yếu đuối của Ápraham cũng như của chúng ta. Nhưng chỉ vào lúc cuối. Trong Tân Ước cũng thế, chúng ta có một câu trong sách Khải Huyền : « Hoặc các ngươi nóng, hoặc các ngươi lạnh ; nếu các ngươi hâm hẩm, Ta sẽ mửa các ngươi ra. »
Chúng ta còn có những lời động viên sống tâm linh khác như câu của thánh Irênê : Thiên Chúa xuống làm người để con người trở thành Thiên Chúa (hoặc thần linh). Vả lại yêu sách thần linh không cho phép mình chỉ trở thành một kitô hữu tốt, làm đủ mọi nghi thức, mọi bí tích, luật Thiên Chúa, luật giáo hội, luật giáo phận khi là một tín đồ vâng lời tối mặt.
III. Những bước chuẩn bị cho đời sống tâm linh
Mỗi người có một đời sống tâm linh của riêng mình do hoàn cảnh sống, lịch sử đời mình mà Thiên Chúa đã để mình trải qua. Nói theo Blondel mọi đường lối hay tu đức tâm linh đều phải bắt đầu từ cái riêng nhất của mỗi người mà Blondel gọi là lịch sử hiện sinh. Do đó Blondel gọi tu đức ấy siêu hình học của lịch sử hiện sinh. Và sống đạo tâm linh là đi từ siêu hình học này – còn được gọi là siêu hình học thứ hai – lên siêu hình học thứ nhất. Và đó là con đường đi từ con người cụ thể lên Thiên Chúa hay Vũ Trụ (Cosmos), cái mà Nho giáo gọi là ‘trí trung hòa’ hoặc ‘chỉ ư chí thiện’ Ở đây rõ ràng là con đường quy nạp thay vì con đường diễn dịch của tôn giáo giáo điều. Đức Phật cũng nói có 84.000 pháp môn để nói rằng mỗi người phải SÁNG TẠO (chữ của Marcel Légaut ; Blondel gọi là HÀNH ĐỘNG ; thánh Giacobê gọi là VIỆC LÀM CỦA ĐỨC TIN) cho mình một cách sống đạo tâm linh (một pháp môn) của riêng mình. Từ sự đơn nguyên của tôn giáo giáo điều, người ta đi đến tính đa dạng của tu đức tâm linh.   
Chỉ mình Thiên Chúa mới sáng tạo từ hư vô (ex nihilo), mỗi tín hữu cá biệt đều phải sáng tạo đời sống tâm linh từ một số quan niệm nào đó còn phù hợp với bản thân và thời đại của mình. Đó là những điều phổ quát nhất mà các vị giáo chủ tôn giáo đưa ra. Người ta thường gọi đó là tín lý hoặc giáo lý, nhưng tôi xin được gọi là phả-hệ để trình bày những khởi điểm của đời sống tâm linh của một kitô hữu cá biệt, trong phần này tôi có tham khảo Blondel mà tôi cho là xác đáng :
  1. Đối với một cá nhân sống tâm linh, Thiên Chúa, Thượng Đế là một mầu nhiệm mà lý trí con người không thể nào đạt được. Pascal phát biểu rằng chúng ta cảm nhận Ngài hiện hữu bằng tình yêu hay trực giác siêu hình : Dieu est sensible au cœur. Ngoài ra mọi thứ nhân hình hóa, phân công giữa các ngôi vị đều là những hình ảnh bóp méo về Ngài. Khi tránh dùng các khái niệm của tôn giáo độc thần hoặc nhân hình, người ta thay vào đó  chủ trương một Bản thể hay năng lực tuyệt đối của toàn thể vũ trụ, là nền tảng hiện hữu của muôn loài.
Bản thể ấy bao trùm mọi vật và hiện diện trong muôn loài. Nó giống sự Thiện tối cao của Platon, hoặc Chân Như trong Phật giáo.      
  1. Khi đặt Đức Giêsu Kitô làm chủ quản tài NHÂN (thân thể mầu nhiệm) trong tam tài ; người sống tâm linh có thể tạm thời cho thần-tính của Đức Giêsu vào trong ngoặc và trước hết phải đồng hình với Giêsu Nadarét trong hữu thể của Ngài, và trở thành mình hơn, nhờ đó tham dự vào tài Nhân này với tư cách đồng thừa tự theo Học thuyết của Phaolô Đồng thừa tự (nhờ hiệp thông qua việc đồng hành động (co-Action) giải phóng với Ngài nghĩa là xây dựng trời mới đất mới) : Đức Giêsu Nadarét là TC đã thành, nhân loại thiện tâm là Thiên Chúa sẽ thành.
  2. Từ duy thần sang duy nhân + bán phiếm thần ; có sự liên tục giữa tự nhiên (hiện sinh và lịch sử hiện sinh) và siêu nhiên (siêu hình học) theo quan điểm của Blondel,
  3. Quan hệ trực tiếp với TC trong lòng mình như một viên ngọc quý được chôn cần khơi mở.
  4. Dùng một tín biểu phù hợp với thời đại và sự tục hóa với ba điểm mà Blondel còn giữ lại : đó là nhập thể của tài NHÂN, cứu chuộc và sống lại của tài NHÂN để kéo nhân loại theo Ngài. Thật vậy Chữ Tam trong tiếng Hán việt sẽ biến thành chữ Vương khi vạch giữa thành thập giá. Đức Kitô cũng được phong làm Chủ Quản tài Nhân của Tam Tài khi bị treo trên thập giá.  
  5. Mọi tín lý và giáo lý chỉ là một recette tạm thời. Trọn lịch sử hiện sinh với hành động đức tin cùng đức mến và đức cậy là nội dung của đời sống tâm linh được mỗi người sống cả đời cuộc mình mọi nơi và mọi lúc trong sự hiệp thông với tài Nhân, Đức Giêsu Kitô. Mọi sự, mọi biến cố đều mầu nhiệm và linh thánh.
  6. Cầu nguyện và suy gẫm theo Lectio Divina. Phương pháp herméneutique     tập trung vào các biểu tượng và những câu nghịch lý (như các công án trong Thiền)   

Đến đây để thay cho lời kết luận là điều không thể có trong một trình bày quan điểm hoàn toàn cá nhân và cá biệt, chúng tôi chỉ xin đưa ra một lời mời gọi cùng ngắm nhìn viên ngọc quý trong một dụ ngôn của Phúc Âm được bài thơ của Lynnette Hilliard mô tả trong một tập thơ đạo của bà:                                                  

                                              Kho tàng giấu kín

Có một kho tàng tôi giấu kín
Bạn nhìn sâu hẳn sẽ nhìn ra
Lắm thế nhân nhìn hời hợt bên ngoài
Thấy dáng vẻ, tóc ngắn dài, màu mắt.
Số người khác dò xem tri thức bạn,
Bạn thông minh, ngu dốt hoặc khôn ngoan,
Khả năng nào, tài khéo bạn đến đâu,
Làm được gì, làm sao mà sống sót.
Mọi sự ấy vẫn mãi luôn tồn tại,
Nhưng đâu là người-thật của tâm hồn,
Tôi là ai với bạn chính lúc này?
Bạn có thấy với mắt nhìn Thiên Phụ?
Vỏ bọc bên ngoài Hoàng Thiên phác họa
Che giấu trong ngọc đã được giũa mài,
Như trong vỏ sò hạt cát trinh trong
Tôi lãng tử, ngọc tuyệt trần Người tặng.
Chỉ những ai với cái nhìn thấu thị ,
Nhìn thâm sâu mới có thể nhận ra,
Kho tàng tôi mà Người đã đặt vào,
Được giấu kín khỏi mắt người dương thế.
Lìa tham dục của nhân tâm ngạo mạn
Kho tàng này cho chỉ một người thôi,
Trên Thiên đàng châu được về Hợp phố
Ngọc vô giá: Đức Giêsu vinh hiển.      

Cám ơn các bạn đã lắng nghe









        PHỤ LỤC
 Cứu thế luận tôn giáo trong lịch sử các cuộc xung đột, hành động như một ý thức hệ chính trị

Cứu thế luận tôn giáo (mess. religieux)

  • Kinh Thánh, sấm truyền
  • Dân được Chúa chọn (Dân Do Thái)
  • Tư tế, dòng dõi tư tế (A-ha-ron)

  • Quyết liệt chống lại tội lỗi, các quốc gia vô đạo
  • Thiên Chúa, suối nguồn và cùng đích

  • Yêu thương giữa dân được chọn
  • Bạo lực đối với kẻ vô đạo và với tội lỗi bản thân
  • Đạo đức tôn giáo (Mười điều răn)
  • Sám hối
  • Khổ chế (ăn chay, đánh tội)
  • Thánh nhân, tử vì đạo
  • Thiên đàng
  • Hạnh phúc vĩnh cửu (làm hòa với thiên Chúa và với tha nhân)  

Cứu thế luận chính trị (mess. Politique/ profane) Ví dụ: chủ nghĩa Mác-xít
  • Các sách kinh điển Mác-Lênin
  • Giai cấp công nông (sứ mạng lịch sử)
  • Đảng viên, thành phần trung kiên theo lý tưởng  
  • Quyết liệt chống phá và xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và tay sai
  • Lãnh tụ (những người thầy vĩ đại, sống mãi trong sự nghiệp của cách mạng, )
  • Tình yêu giai cấp
  • Bạo lực cách mạng

  • Đạo đức cách mạng (mình vì mọi người)
  • Kiểm thảo cá nhân
  • Đá thử vàng, gian nan thử sức
  • Anh hùng, liệt sĩ cách mạng
  • Thế giới cộng sản đại đồng
  • Làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu (con người làm hòa với nhau, với xã hội và với tự nhiên).
Một mẫu đối thoại:
NGƯỜI CỘNG SẢN: Công giáo tổ chức giáo hội như một đảng chính trị, vì thế chúng tôi phải đề phòng và khi thời cơ cho phép, chúng tôi sẽ tiêu diệt ngay công giáo rồi sau đó các tôn giáo khác.
KI-TÔ HỮU: Chúng tôi không phải là một đảng chính trị, mặc dù có những đảng chính trị vay mượn lý tưởng của chúng tôi. Đúng hơn phải nói CS các anh là một cứu thế luận trần tục, muốn trở thành đấng cứu thế cho nhân loại và cho lịch sử. Thế nhưng nhân danh sự “cứu chuộc” ấy các anh đã giết chết bao nhiêu triệu con người mà các anh gọi là kẻ thù và giết cả những đồng chí của anh.
NGƯỜI CỘNG SẢN: Sự nghiệp càng lớn sự hy sinh càng nhiều. Chẳng phải Chúa của các anh cũng phải chịu chết sao.
NGƯỜI CỘNG SẢN: Chúng tôi sẽ tự cứu mình và cứu toàn thể nhân loại. Rồi các anh sẽ thấy. Hãy đợi đấy.
NGÃ RẼ ĐẠO ĐỜI

                           
                               
                                         THIÊN CHÚA
                                        |
                                       v
                        Áp-ra-ham + các tổ phụ
                                        |
                                       v
                                   Samuen (ngôn sứ)  
       ________________ ^ _________________
   ĐẠO                                                              ĐỜI  →→      
 (Thần quyền)                  |                             (Thế quyền)
       |                                 |                                    |   
                                                                            Vua  Sa-un (bị                                                                                                                                  
Chúa bỏ (bất tuân)➔          
Vua Đa-vít [Thánh vương]                         
                                         |                                      |
                                         |                                      |
   CÁC NGÔN SỨ                  
               (Trước Jean Baptiste)                  |
                                                                                |  
                                         |                                      |
[Con Vua Đa-vít (Lc 1:32-33)]          
                                          |                                      |
                                  Giêsu Kitô                         Xê-da
                          [Nhập thể và nhập thế]
(Đấng Mêsia, Vua Vũ Trụ: triều đại của công lý, hòa
bình, tình thương; Tư tế theo phẩm hàm Menkisêđê;
Đặc biệt Người hành động giữa đời như một Ngôn
sứ theo đúng truyền thống NS của dân Chúa)
      Cai pha                         ✞                              Philatô
                                            
Lịch sử là quá trình nhân loại giao
hòa/trở về cùng Thiên Chúa

Trời mới + Đất mới
                                            


THƯỢNG ĐẾ
(của dân ngoại và của triết học): không can dự vào lịch sử → đã chết: Thượng Đế đã chết (Nietsche)
                          |
                          v
Những triết học &tôn giáo tự nhiên
                           |
ĐỜI VÔ ĐẠO [đạo mạc khải]
                           |
                           |
Thế quyền lãnh đạo thần quyền
|
Tuyệt đối hóa quyền hành chính trị
|
Tách biệt đạo đời
Gạt bỏ đạo ra khỏi lãnh vực trần thế                             
                            |
Các cứu thế luận chính trị/thế tục                      
|
Tôn thờ Lãnh tụ (thần bí chính trị)                             
                            |
Tôn thờ ngẫu tượng
[idolatry]
|
|



Antéchrist
|
Lịch sử là quá trình con người tự tạo và tự trở thành Thiên Chúa
(He-gel)
    Thiên đàng tại thế    

Kết luận: Đức Giê-su trong tư cách Ngôn Sứ đã đem đạo vào đời và đưa đời về đạo. Ngài “chết giữa hai lằn đạn” – thần quyền Do Thái Giáo [giới tư tế] và thế quyền La-mã [vua chúa thế gian]. Nói cho cùng, cả hai đều là cứu thế luận thế tục [Xem ra cám dỗ “ngang bằng Thiên Chúa” của Eva trong địa đàng là một cám dỗ thường xuyên trong chính trị]