Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt ...

 Nguyên Hương N.C.  Dallas (HK)

Câu chuyện bên lề
Cuốn Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt
của Nguyễn Hy Vọng


Hai cuốn tự điển tầm vóc quan trọng có tính cách định chuẩn-định thức, Từ Điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (1) và Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị - Dictionarium Latino-Anamiticum của J. L. Taberd, ra đời năm 1651 và tiếp theo năm 1838, đánh dấu sức phát triển của tiếng Việt qua giai đoạn mới.

Từ chữ Nôm quốc ngữ trước đây, tiếng Việt phiên âm theo mẫu tự Latin cũng gọi là chữ quốc-ngữ đang đi lần đến giai đoạn trưởng thành.  Một thế kỷ sau, chữ quốc ngữ’’ được nhìn nhận là quốc gia văn tự chung cả nước, của chung toàn thể cộng đồng dân tộc.
Từ khởi điểm này, nhiều chuyên gia ngữ học cùng gặp nhau qua các bài luận thuyết hay hội thảo-hội luận về lịch sử và nguồn gốc tiếng Việt.  Danh sách từ đó đến nay khá dài, dưới đây vì vậy chỉ điểm qua một số các chuyên gia đã để lại dấu ấn văn học một thời đã qua.
Khai phóng đầu tiên năm 1858, có lẻ là Logan, quốc tịch Đức, nhà ngữ học đã khẳng định tiếng Việt thuộc ngữ chi Mon-Khmer.
Đi xa hơn, năm 1907 một nhà ngữ học Đức khác, linh mục Schmidt luận giải rằng ngữ chi Mon-Khmer đúng là gạch nối liền các dân tộc vùng Trung Á (Asie Centrale) với Ấn Độ dương, gọi chung là Austronésie (2).
Gọi Austro-Asiatic family of languages vì ngữ tộc này bao gồm trên 100 ngôn ngữ khác nhau từ miền trung qua đông bắc Ấn Độ, từ ngữ chi Mon-Khmer rãi rác dài dài các sắc dân ngôn ngữ riêng biệt, cuối cùng đến gần chúng ta hơn, ngữ chi Mường-Cổ Việt (3).
Cũng từ thế kỷ 20, nhà Huế học cự phách xuất hiện trên vòm trời ngữ học Đông Dương:  linh mục Léopold Cadière với những công trình khảo luận về các phương ngữ miền Trung, ảnh hưởng còn mãi ngày nay với nhiều thế hệ ngữ học (4).
Năm 1912 một luồng gió chướng bỗng tạt qua, bài khảo cứu của Henri Maspéro:  La phonétique de la langue Annamite, đăng trên nội san trường Pháp Quốc Viễn Đông Bác Cổ (B.E.F.E.O.) gây bàn tán sôi nổi trong giới ngữ học.  Theo Henri Maspéro, liên hệ trực tiếp từ tiếng T’ai (Thái) theo ngữ chi Tày-Nùng, thuộc ngữ tộc Hán-Tạng (Sino-Tibétaine), tiếng Việt họ hàng gần gũi với tiếng Trung Hoa, Tây Tạng, Thái - Lào ...
Không đồng quan điểm với Maspéro, nhà ngữ học Anh C. Blagden trở lại giả thuyết trên:  thuộc ngữ hệ Mon-Khmer, tiếng Việt do ngữ tộc Austro-Asiatic khai nguyên.
Cùng chung ngọn cờ Austro-Asiatic các kiện tuớng ngữ học lần lượt dấn thân, để lại nhiều kinh nghiệm kiến thức như Jean Przylusky năm 1924, Nobuhiro Matsumoto năm 1928 và từ năm 1943 kế tiếp thêm một số học giả Pháp như Gironcourt, Handricourt, Condominas ...
Không hẳn chủ trương đồng ý hay không đồng ý với Maspéro, một số nhà ngữ học khác như linh mục Souvignet, trong tác phẩm Les origines de la langue Annamite (1929) vinh danh tiếng Việt là mẹ các ngôn ngữ, lập lại lời tuyên dương trước đó của Nicolas Frey trong tác phẩm L’Annamite, mère des langues” (5).
Trên diễn đàn ngữ học đang sinh động ấy, trước hết và trên hết các chuyên gia ngữ học lần lược hướng nhìn về hai học giả Việt Nam:  Petrus Trương Vĩnh Ký và Paulus Huình Tịnh Của.
Đặc biệt về Trương Vĩnh Ký, nhà ngữ học Việt Nam đầu tiên đã mở đường cho thế hệ ngữ học tương lai khi tìm về cội nguồn tiếng Việt qua nhiều thiên khảo luận kiến thức phong phú đầy giá trị khoa học:
-        Etude comparée des langues, écritures des peuples de l’Indochine.
-        Etude comparée des langues et écritures des trois branches linguistiques.
-        Combinaisons des systèmes d’écriture idéographique, hiéroglyphiques, phonétiques, alphabétiques (6).
*     *
*
Từ những bước tập tểnh khai phá nguồn gốc tiếng Việt về các phương diện Ngôn Ngữ Học đối chiếu (Linguistique comparée), Ngữ Nguyên Học đối chiếu (Etymologie comparée), Âm Vận Học đối chiếu (Phonétique comparée), thử đi thêm vào lâu đài tiếng Việt, khám phá thực chất ngôn ngữ này như đã được chứng nghiệm qua các từ điển, tự vị kể từ thời đoạn xa xôi.
Tiếp nối hai từ điển đầu tiên Alexandre de Rhodes và J. L. Taberd (7), như những chặng đường tiếng Việt đã trải qua, số lượng các tự vị xuất bản về sau mới nhìn qua thấy khá nhiều.  Dưới đây thử nhắc lại một số tác giả nhân chứng những công trình tự điển học như Legrand de la Liraye 1868, Theurell 1877, Gaspar 1877, Petrus Ký 1884 (8), Paulus Của 1896 (9) và Génibrel năm 1898 (10).
Qua đầu thế kỷ 20, danh sách còn nối dài thêm một số tác giả khác như Bonet 1900, Georges Cordier 1930, Gustave Hue 1937 ...
Về tác giả Việt Nam từ thế kỷ 19, tiên phong vẫn là hai nhà từ điển học Trương Vĩnh Ký và Huình Tịnh Của (11).
Cũng như với Trương Vĩnh Ký, tưởng cần nhấn mạnh thêm về trường hợp Huình Tịnh Của:  Đại Nam Quấc Âm Tự Vị.  Saigon.  1895 là cuốn tự vị Việt Nam đầu tiên giải thích tiếng Việt bằng tiếng Việt với gần đầy đủ các từ Nam-Trung-Bắc.
*     *
*
Hơn 30 năm sau, năm 1931 Hà Nội phát hành Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (12), tiếp theo nhiều tác giả tự điển khác như Đào Duy Anh, Bửu Cân, Đào Văn Tập, Đào Đăng Vỹ ... cho đến gần cuối thập niên 70, Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ (13).
Từ lý thuyết trong vòng tranh luận đến thực tế kinh nghiệm là các tự điển-tự vị đã phát hành, bạn đọc đang nhìn thấy hé mở nguồn gốc tiếng Việt:  vừa thuộc ngữ chi Mon-Khmer, vừa liên hệ với nhiều ngữ chi khác trong ngữ tộc Austro-Asiatique. 
Nói rõ hơn, như nhiều dân tộc hay nền văn minh-văn hóa khác trên thế giới, tiếng Việt phong phú và đa dạng ;  và vì phong phú-đa nguyên-đa dạng nên tiếng Việt không còn, không phải là một ngôn ngữ thuần nhất.
Đây cũng là nhận định của giáo sư Nguyễn Khắc Kham trong lần Hội Nghị Quốc Tế Đông Phương Học lần thứ 26 tại New Delhi, tháng tư năm 1964:
Nhiều lý thuyết khác nhau về nguồn gốc tiếng Việt được thảo luận, nhưng chưa có lý thuyết nào giải thích được rõ ràng từ căn bản nguồn gốc tiếng Việt. 
Một sự kiện rõ ràng nhất:  tiếng Việt không còn là ngôn ngữ thuần túy mà pha trộn với nhiều ngôn ngữ khác cổ xưa hay cận đại, do sự gặp gở, tiếp xúc trong quá trình lịch sử giữa người Việt và các dân tộc khác.  Cũng do vậy mà tiếng Việt càng thêm phong phú với từ ngữ mới do các làn sóng di dân đem lại, trong đó phải kể các đợt di dân Anh-đô-nê-xi-a(14).
 
Tiếng Việt phong phú, đa nguyên đa dạng như vậy nhưng từ trước đến nay chúng ta chưa có một cuốn tự điển ngữ nguyên (dictionnaire cognatique) thỏa mãn được nhu cầu học hỏi của văn giới và học đường.
Gần đây sự thiếu sót ấy đã được bù đắp với cuốn tự điển nói được là quy mô:  Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt vừa hoàn thành dưới dạng thức CD-Rom trong lúc chờ đợi in thành sách.
Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt, một công trình ngữ học liên tiếp 20 năm trời cố gắng, mở rộng nối dài trên 3000 trang, 2 cột, tổng kết toàn bộ 27000 từ (tiếng).  Có thể nói, đầy đủ hết, từ những tiếng ngắn nhất như à, ạ, o, ố, ù, ừ ... đến những tiếng dài nhất như ấp-a-ấp-úng, mơ mơ-màng màng ;  cả từ Nôm lẫn Hán-Việt, thông dụng hay ít còn thông dụng trong ngôn ngữ ngày nay.
Ngoài việc giải thích và định nghĩa, mỗi từ đơn hay kép còn được đối chiếu song song tùy theo liên hệ ngữ nghĩa-ngữ chi với các ngôn ngữ khác cùng ngữ tộc Nam Á như Mã Lai, Thái, Khmer, Mon ... 
 
Như trên bạn đọc vừa biết qua, chúng ta có nhiều bài khảo cứu về tiếng Việt, nhiều thiên khảo luận về ngôn ngữ các sắc tộc trên bán đảo Đông Dương, nhưng chưa có một cuốn tự điển biên soạn đầy đủ nguồn gốc mỗi từ, mỗi tiếng tùy theo ngữ chi liên hệ, như ví dụ ngữ chi Mon-Khmer trong đó có tiếng Việt chúng ta.
Ví dụ đầu tiên, tiếng Môn (cũng đọc là Mòn) của người Môn, một trong ba sắc tộc chính như Shan (Chan), Mon và Pegu (Peguan) nước Miến Điện thời sơ khai trước khi lập quốc.
Người Môn, tiếng Môn đã để lại nhiều dấu tích văn tự là những bia đá rải rác khắp nơi từ Miến Điện đến Thái Lan.  Từ sắc tộc Môn, qua nhiều đợt di dân sắc tộc này chung đụng với sắc tộc khác khai sinh người Miến Điện, người Thái Lan, người Khmer ...
Trong tiếng Việt có từ ngữ gọi dạ bảo vâng, ba miền khắp nơi Nam-Trung-Bắc đều nói như vậy. 
Điều ngạc nhiên là qua Từ Điển Nguyễn Hy Vọng chúng ta sẽ khám phá tiếng Dạ ấy vừa đồng âm vừa đồng nghĩa trong tiếng Môn.  Ngoài ra, tất cả các tiếng Chàm, tiếng Khmer, tiếng Thái, tiếng Mã Lai đều có chữ Dạ.  Đúng là một ngạc nhiên kỳ lạ !
DẠ                (-liền, -ran, -rân, - -vâng vâng, gọi-, -thưa, vâng-) # ạ/ vâng/ đồng ý/ thuận/ nghe lời/ bằng lòng/ chịu//
                      coi như toàn thể ĐNÁ đều có tiếng dạ.
Eng:               yes, yes !
Fr:                  oui, oui !
Chàm:            ya
Indonesia:       ya
Khmer:           chạ
Malay:            gia/ ya !/ a-gia
Mon:              yah
Roluông:         a-giạ
Thái:               chạ
                      ch-chạ, khạ.
Đồng âm-đồng nghĩa, cũng nhiều khi chúng ta nói, viết hai chữ khuây khỏa.  Cũng kỳ lạ là qua Từ Điển Nguyễn Hy Vọng, bạn đọc tìm thấy vừa y-chang, y-bong, vừa y-nguy tĩnh từ này trong tiếng Mường, tiếng Chàm.
khuây khỏa:
khuây:      quên,
khỏa:        che lấp, khuất đi không thấy.
Mường:    khuày khóa,        
Chàm:      huây (khuây).
 
Và còn nhiều tương đồng ngôn ngữ khác (correspondance lexicologique), tìm thấy trong Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt, những liên hệ ngữ nghĩa tiếng Việt với những ngôn ngữ đã từng xuất hiện trên bán đảo Đông Dương.
Liên hệ Việt-Chàm như đành rành (đành đành), lá (la), lá dâu (la hyân), lệch đệch (ch’dac - ch’dang), ni tê (ni-tê) ;
Liên hệ Việt-Khmer như chân mây (châng mêkh), chân tay (chân đay) ;
Liên hệ Việt-Thái như chập chửng (kr-châp kr-chiêng), chè (chè), cheo leo (ch-leo), trong trẻo (trẻo veo) ;
Liên hệ Việt-Lào như quạnh quẻ (quanh que), tiếng Việt (xiêng Viet), trăng sáng (chăn sang), vắng vẻ (văng ve) ;
Liên hệ Việt-Thượng- các sắc tộc miền Thượng- như con bò (k’po, tiếng Bahnar-Sedang-Rangao), cá (, tiếng Katu-Sedang-Mạ), chó (cho, tiếng Bahnar-Katu-Sedang- Mạ), đò (đò, tiếng Bahnar-Sedang).
 
Nguồn gốc đa dạng-đa nguyên ;  nguồn gốc xa với những địa danh như Mélanésie, Austronésie, Polynésie bạn đọc vừa biết qua. 
Nguồn gốc gần như tiếng Mường. 
Gần gũi nhưng cách biệt !  Nói theo ngôn ngữ học chuyên môn, isolement linguistique, vùng ngôn ngữ biệt lập. 
Nhưng rồi, cách biệt mà thân thương anh em họ hàng ;  thiết tưởng chúng ta càng nên tìm hiểu nhiều hơn.
Vài ví dụ gần gũi:  từ tiếng Mường đến tiếng Việt như - lúa, cấu- gạo, an- ăn, mần- làm, cồ- lớn, - chị, eng- anh, o- cô, kai- gái (con cấy, con gái) ... để bạn đọc nhìn thấy rõ hơn từ xa xưa cổ đại tiếng Việt-tiếng Mường cùng chung gắn bó.
Mơ chi eng piếng thùng oàng
Thung tôi nén pạc cho nàng cầm thay (Mường).
 
Cơ chi anh biến thành vàng
Thành đôi nén bạc cho nàng cầm tay (lời Việt).
So sánh hai câu ca dao, bạn đọc nhìn thấy sự giống nhau hai ngôn ngữ Mường-Việt, nếu không nói thêm rằng tiếng Việt, tiếng Mường thời cổ sử-cổ đại cùng chung một gốc là cái chắc !
Mường (Muang, M’wan) như người Mường vẫn nói, chỉ một vùng, một miền, một xứ, một làng, xã:  Mường P’thanh, Mường Pu, Mường Nang, Mường K’lan có nghĩa là xứ Thanh, xứ Pu, xứ Nang, làng Klam (Lam), nơi có lăng vua Lê Lợi do đó có từ Hán-Việt Lam Sơn phiên âm.
Mường, có khi là một địa phương nào đó người Mường đã đi qua, hay thường tiếp xúc mua bán:  Mường Chợ có nghĩa là Kẻ Chợ, nơi có đồng bào Kinh.
Đi xa hơn trong thiên nhiên thơ mộng như bản chất thơ mộng của đồng bào Mường, Mường Nước có nghĩa là miền có sông, có nước ;  Mường Trời, như đồng bào Kinh nói Trên Trời, Bầu Trời (15).
 
Như cuộc đời đã qua và đang tới, ngôn ngữ thay đổi qua thời gian và không gian, tiếng Mường cũng như tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Lào.  Là tiếng Việt thời cổ xưa, tiếng Mường đúng là trung gian, là gạch nối liền tiếng Việt ngày nay với tiếng Việt ngày xưa mà thực tế địa dư-hình thể (géographie physique) là vùng thượng sơn Thanh-Nghệ-Tĩnh, lạc lõng rơi rớt đến nông thôn Bình-Trị-Thiên.
Hiểu rộng hơn, nối liền quá khứ với hiện tại tiếng Việt là tiếng Mường.
Tiếng Việt, tiếng Mường từ thời cổ tích cùng chung cội nguồn ngôn ngữ.  Có khác nhau là về sau vì ảnh hưởng Tống Nho lan tràn và ngự trị, tiếng Việt miền Bắc, qua các nhà trí thức Nho học, vay mượn hơi nhiều chữ Hán, tạo thêm từ Hán-Việt càng ngày càng xa thêm cội nguồn Nôm sẳn có của mình.
Tiếng Mường trái lại, không gần gũi tiếp xúc với người Trung Hoa vì vậy không chịu ảnh hưởng Tống Nho ;  bản chất Mường nguyên vẹn không thay đổi, không bị nạn Hán hóa như đồng bào Kinh (16).
Một vài dẫn chứng thường được đem ra làm ví dụ như từ Hán-Việt cái đầu.  Thời xa xưa ông bà chúng ta nói cái trốt, lưa thưa còn thông dụng đến ngày nay trong từ ngữ ăn trên ngồi trốc (trước).  Ngoài ra tại nhiều nơi, đồng bào nông thôn Bình-Trị-Thiên cho đến năm 1945 (và có lẽ đến ngày nay) còn nói cái trốt thay vì cái đầu.
Vua, người Mường nói Bua, và người Cổ Việt cũng gọi Bua.  Kéo dài đến sau này, thời Alexandre de Rhodes còn ghi Bua (Vua, Rex, Regis) trong từ điển.  Rơi rớt đến trước năm 1945, người Huế có từ ngữ việc bua quan, cũng như miền Nam vẫn nói Bua việc, nhà bua việc, phân bua ...
Đến đây, một nhận xét nổi bật, Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt Nguyễn Hy Vọng đã làm một việc đáng khen là đưa trở về đoàn tụ cùng chung quê hương cội nguồn những từ Cổ Việt ngày nay ít còn thông dụng.
Thử tưởng tượng hôm nay ngày đầu xuân ngữ học, cùng chung quây quần đại gia đình ngôn ngữ Việt Nam, các ngữ hệ xa nhau lâu ngày vui mừng gặp lại.  Tiếng Việt-tiếng Mường như anh em ruột thịt đang ngồi bên nhau.  Gần đó, anh em chú bác bà con bên nội tiếng Chiêm (Chàm), tiếng Thượng-Việt (tiếng Việt miền Thượng).  Xa xôi dặm thẳm, nói theo tiếng Huế cách sông trở đònhưng cũng cố gắng tay xách nách mang quá giang về họp mặt, bà con bên ngoại là các ngôn ngữ Thái, Khmer, Lào, Mã Lai ... trong ngữ tộc Nam Á (Austro-Asiatique).
Ngó qua rồi ngó lại, dòm tới dòm lui, cùng gặp nhau trao đổi duyên tình văn học, đầy đủ ngữ chi-ngữ hệ trong ngày đoàn tụ Ngôn Ngữ Việt Nam.  Tất cả tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn, cái giàn Việt Ngữ thân yêu, Từ Điển Nguyễn Hy Vọng dụng ý dụng công đưa về đoàn tụ cội nguồn cổ xưa tìm thấy lại (origine retrouvée).
 
Từ nguồn gốc đa nguyên đa dạng, qua mấy ngàn trang Từ Điển, tác giả đưa người đọc đi lần đến kết luận và phân biệt rõ tiếng Việt với tiếng Trung Hoa, tiếng Việt gốc và tiếng vay mượn Trung Hoa, tiếng Nôm và từ Hán-Việt.
Đành rằng chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa lâu ngày, đành rằng có hiện tượng chung đụng ngôn ngữ, tiếng Việt vay mượn tiếng Trung Hoa, nhưng rõ ràng là tiếng Việt không phải do hoàn toàn nguồn gốc Trung Hoa như một vài thành kiến sai lầm, ngộ nhận trước đây.
Qua Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt, bạn đọc còn nhìn thấy rõ hơn:  gốc Trung Hoa chỉ là một phần nhỏ, chưa đến 15% theo bản thống kê cuối Từ Điển.
Qua nhiều đợt di dân liên tiếp, vừa Austronésie vừa Mélanésie, tiếng Việt càng lâu càng thêm giàu có chính nhờ ảnh hưởng vay mượn và pha trộn ngôn ngữ.  Có thêm trường hợp Trung Hoa, cũng là chuyện tự nhiên !
Một ngàn năm Bắc thuộc, người Việt Nam không bị đồng hóa. 
1000 năm đô hộ, ngôn ngữ Việt Nam vẫn còn gần như nguyên vẹn, cũng là chuyện dễ hiểu ! 
Thử nhìn lại sau cùng, bao nhiêu đợt di dân dài dài, bao nhiêu lần liên tiếp pha trộn ngôn ngữ !  Kết quả là chúng ta có những danh từ ít nhiều còn giữ lại dáng dấp âm hưởng Trung Hoa, đồng thời có những từ, những chữ đã được Việt Nam hóa, đã tự nhiên chuyển hóa thành tiếng Việt.
 
Trái với quan niệm phần nào dễ dãi của một số các nhà văn học trước nay cho rằng trong những tiếng kép như đẹp đẻ, nôm na, vui vẻ, chữ thứ hai (như đẻ, na, vẻ, xòa) là tiếng đệm, không có nghĩa.  Theo Từ Điển Nguyễn Hy Vọng, mỗi chữ đều có nghĩa riêng hay nghĩa tương đồng, phải tìm cho đến nơi đến chốn !
Với ý hướng truy nguyên tận nguồn gốc theo liên hệ ngữ chi mỗi từ như Mường, Nùng, Thái, Chàm, Khmer ...  tác giả đã giải thích toàn bộ ngữ nghĩa mỗi chữ trong suốt mấy ngàn trang cuốn từ điển.
Phương pháp làm việc khoa học đối chiếu ngữ nghĩa thực tiển này đã đưa trở về nguồn tất cả những từ, những chữ tuy rằng thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày nhưng vì thành kiến tiếng đệm nên bị bỏ quên (17) !  
Sự thể này, tiếp tục kéo dài sẽ là điều thiệt thòi lớn lao cho tiếng Việt, vì rằng nếu không để lại dấu tích văn tự, nếu không ghi chép vào các tự vựng-tự điển, các thế hệ sau này biết mô mà tìm !
Đừng nói đâu xa, những từ gọi là nôm na từ thời Nguyễn Trãi-Lê Lợi trong tác phẩm Quốc Âm Thi Tập như Song viết, Anh tam, Bao nã, Cơn cớ ... nhà văn này, nhà văn nọ bàn cãi tới tới-lui lui bao nhiêu năm trời vẫn chưa tìm ra nghĩa lý. 
 
Đồng ý hay không về cách gọi để chỉ danh, chỉ tính như tiếng kép, tiếng láy đôi hay tiếng lấp láy (reduplication) thì thực tế trong ngôn ngữ hàng ngày chúng ta đang có hàng trăm, hàng ngàn những từ đôi như vậy:
ấm áp, bà ba, bậy bạ, buồn bã, cào cào, châu chấu, chuồn chuồn, đẹp đẻ, êm ái, lang bang, lang thang, lạnh lẽo, lùm tum, lung tung, mất mác, mới mẻ, quạnh quẻ, tồng ngồng, vẹo vọ, vui vẻ, xính xái, yếu ớt ...
Nhìn xa hơn bên kia chân trời ngôn ngữ học, nếu không biên sọan từ điển theo phương pháp đối chiếu ngôn ngữ, làm sao giải thích hiện tượng này:  tiếng Việt vốn đơn âm, nhưng qua giao tiếp chung đụng với cộng đồng ngôn ngữ (communauté linguistique) các sắc tộc anh em, chúng ta thấy xuất hiện hàng ngàn từ kép như ấm áp, lạnh lẽo, buồn bã, vui vẻ, quạnh quẻ, yếu ớt ... nói trên.
 
Khởi đầu của ngôn ngữ là lô-gít (18) vì rằng cái logique vốn là đặc tính của ngôn ngữ (La logique constitue une langue). 
Bản chất của ngôn ngữ là sinh động, biến hóa và phát triển tùy theo nhu cầu giao tiếp và tư duy trong đời sống con ngườì. 
Xét về phương diện động, ngôn ngữ tạo sinh và biến hóa, hiện tượng từ đôi-từ kép nói trên như vậy cũng là một hình thức hay phương diện của logique-ngôn ngữ học thông thường và thông dụng.
Như một nhà từ điển học trước đây đã nhận định là tiếng Việt không nghèo mà tại mình nghèo tiếng Việt hay không chịu tìm hiểu, học hỏi đến tận cùng ngữ nghĩa (19).  Đừng nói tiếng Việt không rõ ràng chính xác mà tại mình nói năng lặp bặp không rõ ràng hay viết lách luộm thuộm, lê thê dài dòng, có khi lập dị lập lòe, tự mình không hiểu những điều mình viết còn nói chi người đọc (20) !
Cũng như văn hóa, không có ngôn ngữ cao hay thấp, đẹp hay không đẹp, mà chỉ có ngôn ngữ (ấy) sống động hay suy tàn.  Một ngôn ngữ càng có nhiều người nói, càng thêm phát triển và sinh động, tự nhiên có vị thế trên cộng đồng ngôn ngữ thế giới.
Tiếng Việt phong phú về âm thanh, về từ ngữ, giản dị về ngữ pháp là một trong những ngôn ngữ tiến bộ và phát triển trên hoàn vũ hiện nay.