Miến Điện: Dân Chủ và Thi Ca

Phan Tấn Hải

Miến Điện: Dân Chủ và Thi Ca

Cuộc chiến dân chủ của Miến Điện là cuộc toàn dân, của tất cả các thành phần – nhưng kiên tâm nòng cốt là từ sinh viên và văn nghệ sĩ. Trong đó, thơ đã trở thành lời kêu gọi dân chủ một cách tự nhiên và gần gũi.

Cuộc nổi dậy đòi dân chủ của sinh viên Miến Điện mang một con số tiền định, và dễ nhớ: 8888. Giới trẻ muốn đẩy đất nước ra khỏi sự cai trị dưới chế độ độc đảng của Đảng Kế hoạch Xã hội chủ nghĩa Miến Điện do Tướng Ne Win đứng đầu từ năm 1962, nhằm bung ra khỏi cái gọi là "Chủ nghĩa xã hội kiểu Miến Điện" đã biến đổi Miến Điện trở thành một trong nhữnq quốc gia nghèo nhất thế giới sau nhiều năm chính phủ tiến hành chính sách kinh tế kế hoạch theo kiểu Liên Xô,


Vào ngày 8 tháng 8 năm 1988, cuộc nổi dậy đòi dân chủ của sinh viên Yangon bùng phát, và lan rộng ra mọi tầng lớp dân chúng trên khắp Miến Điện, và từ đó người phụ nữ Aung San Suu Kyi bước ra tuyến đầu và trở thành biểu tượng dân chủ của đất nước.

Sau ngày bùng phát 8/8/1988 ở Yangon, là một chuỗi các cuộc tuần hành, biểu tình trên toàn quốc, và có nơi dẫn tới bạo loạn. Hàng ngàn nhà sư cùng với sinh viên học sinh, tiểu thương và giới chuyên gia cùng ra phố biểu tình đòi thay đổi chế độ.

Cuộc nổi dậy kết thúc vào ngày 18/9/1988, sau cuộc đảo chính quân sự đẫm máu, và quân đội đàn áp người dân dữ dội, bắn chết nhiều ngàn người biểu tình. Cuộc chiến dân chủ trở nên trầm lắng hơn. Nhiều ngàn sinh viên, văn nghệ sĩ bị giam, bị quản thúc nhiều năm – một số người bị thủ tiêu.

Nhà thơ nữ Yi Yi Tun trong cuộc nổi dậy 8888 là một trong các thành viên của tổ chức Mặt Trận Sinh Viên Dân Chủ Toàn Miến Điện (All Burma Students Democratic Front -- ABSDF). Cô có văn bằng Cử Nhân Vật Lý rồi lên học Cao Học Ngôn Ngữ Trung Hoa. Bị quân đội trấn áp và truy bắt, cô và nhiều sinh viên chạy sang biên giới Thái Lan. Cô làm việc trong một trại tỵ nạn ỏ biên giới, ngả bệnh ung thư, được đưa về một bệnh viện Bangkok chữa trị, và từ trần ngày 4 tháng 1/1990, hưởng thọ 29 tuổi. Những ngày cuối trên giường bệnh, cô làm bài thơ “The Last Hour” (Giờ Cuối) để thúc giục các bạn sinh viên kiên tâm cho cuộc chiến dân chủ, nhiều lần nói, “Tôi muốn cùng các chiến hữu về lại quê nhà khi có dân chủ và nhân quyền ở Miến Điện.” Lời cuối cùng cô nói trước khi nhắm mắt lìa đời là, “Tôi ước muốn gặp lại ba tôi, mẹ tôi, và em tôi.”

.

GIỜ CUỐI

... Với cuộc cách mạng trong tim
tôi đã rời những người yêu thương
rời cả một dân tộc tôi quan tâm
để tới môt vùng đất xa lạ.
.
Giấc mơ của tôi vẫn chưa đạt được.
.
Căn bệnh kỳ lạ này
không cho tôi vươn
tới mục tiêu dân chủ
.
Tôi không còn có thể tiếp tục
cuộc tiến bước của cách mạng
.
Sớm thôi. Tôi sẽ giữ
giờ hẹn
với cái chết.
Không ân hận, lo lắng hay sợ hãi
Tôi không phải là một nhà nữ cách mạng.
.
Nhưng một ân hận chỉ là tôi không
có thể tiến bước nữa
cho mục tiêu.
.
Các chiến hữu của tôi, hãy lắng nghe
đây là lời yêu cầu cuối cùng của tôi.
Hãy cầu nguyện tiếp tục cuộc chiến
hãy thêm một nước tới nữa
thay mặt tôi.
[Yi Yi Tun].

.

Định mệnh khốc liệt một kiểu khác đối với nhà thơ Ko Soe Naing, một sinh viên của Học Viện Kỹ Thuật Ragoon (Rangoon Institution of Technology): anh bị cảnh sát bắn bị thương, trầm trọng tới mức hết cứu nổi, trong tháng 3/1988. Trước khi chết, anh làm bài thơ “Real Answer” (Câu Trả Lời Thực). Việt dịch như sau.

.

CÂU TRẢ LỜI THỰC

Bạn tôi ơi
Tôi không muốn thì thầm
cơn đau tôi chịu đựng
nhưng muốn kê mọi thứ.
.
Đó là cảm giác xúc động
Viên đạn trong phổi tôi
như các bác sĩ đã nói.
.
Nhưng bạn ơi
nhà độc tải đã ra lệnh để môi tôi phải nói
đó là vết thương
gây ra từ một mũi tre nhọn
.
Sau chai máu thứ tư
bơm vào
nhưng không gì đỡ hơn
.
Tệ hại nhất tôi cảm thấy buồn là
những chiếc còng ở cả bàn tay và cổ chân.
Không để tấm thân xanh xao của tôi
cử động gì.
.
Ba má tôi thở dài và khóc
những đôi mắt đen sầm và tai đã lãng
Tôi nhận ra và cảm nhận hoàn cảnh mình
lần cuối trong đời mình
lựa lọc những chữ căng thẳng
và để trả lời câu hỏi
của “Ủy Ban Thanh Tra Bí Mật”
về sự thật mà họ không ưa thích.
.
Cái Nằm Trong Phổi Tôi
Là Một Viên Đạn Thực.
[Soe Naing]

.

Một hoàn cảnh khác: Nhà thơ Min Ko Naing hoạt động trong phong trào sinh viên Miến Điện 8888, lãnh đạo nhiều cuộc biểu tình trong tháng 3/1988. Khi phong trào tan rã, ông và nhiều bạn sinh viên lui vào bóng tối, tổ chức cuộc chiến trong bí mật. Sau nhiều tháng, ông và nhiều lãnh đạo sinh viên bị bắt. Ông bị xử án 20 năm tù, được vận động liên tục đòi thả từ Ân Xá Quốc Tế. Khi mới bị bắt, Min Ko Naing bị tra tấn nặng nề để buộc cung khai – ông bị ép đứng trong nước hai tuần lễ, tới khi té xỉu, và bàn chân trái hoàn toàn mất cảm giác. Ngày 19/11/2004, ông được trả tư do ra khỏi tù, sau 15 năm bị giam. Một bài thơ nổi tiếng của ông có tựa đề “By the Bonfire of Poetry” (Bên Đống Lửa Trại Của Thi Ca)… Bản dịch như sau:

.

BÊN ĐỐNG LỬA TRẠI CỦA THI CA

Tôi phải thú nhận
Tôi vẫn còn nhớ bạn, Mùa Đông ơi.
.
Bạn đã đón chúng tôi với tuyết rơi
chúng tôi ướt sũng trong các ca khúc.
.
Khi chúng tôi hát lên những lời ca vào đêm,
các ngôi sao vẫn đang
bơm điện các máy phát điện trên bầu trời đêm.
.
Chúng tôi chẻ nhỏ và đốt
các hiệp ước vốn không cần chữ ký
như các thanh củi cho đống lửa trại nhỏ của chúng tôi
(nhưng chúng tôi không nướng phần thưởng thịt nạc của ai).
.
Khi đêm trở tối hơn,
chiếc áo ấm nhân cách mỏng thêm:
phủ trong tuyết,
ngay cả giờ rạng sáng, chúng tôi vẫn còn tỉnh táo
(trong hình dung của tôi, bia đã pha loãng nước).
.
Tôi không hạnh phúc, Mùa Đông ơi –
Tôi vẫn ấm trong lửa ngọn riêng của tôi,
nuôi dưỡng bởi hơi thở của trái tim của tôi:
nhưng những người muốn nướng thịt và cắn các viên đạn
vẫn tiếp tục gây chiến với tôi.
[Min Ko Naing]

.

Cuộc chiến vì dân chủ Miến Điện bây giờ đã sang trang. Có những người đã nằm xuống và không có cơ may nhìn được ngày lá phiếu toàn dân được đếm. Trong đó, nơi trí nhớ của dân tộc Miến Điện, một số bài thơ đã được đếm cùng với lá phiếu, sau nhiều năm đi cùng với bước chân của các nhà hoạt động dân chủ.

Nguồn: https://vietbao.com/p123a270737/mien-dien-dan-chu-va-thi-ca