QUẢNG-BÌNH DƯỚI NGÒI BÚT CỦA LINH MỤC LÉOPOLD-MICHEL CADIÈRE

Nguyễn Đức Cung


QUẢNG-BÌNH DƯỚI NGÒI BÚT
CỦA LINH MỤC LÉOPOLD-MICHEL CADIÈRE
 (1869-1955)

   Linh mục Léopold-Michel Cadière đối với dân tộc Việt Nam là một nhà thừa sai và một nhà bác học. Đối với Quảng-Bình, hai ý nghĩa đó thật đã thể hiện rõ nét, cụ thể trong cuộc đời của linh mục suốt hơn sáu mươi năm làm công tác mục vụ và nghiên cứu về đất nước Việt Nam. Tên Việt Nam của ngài là Cả, tục gọi cố Cả.



           Georges Coedès, một nhà nhân chủng học có tiếng thế giới, khi nhận định về giá trị các công trình nghiên cứu khoa học của Léopold-Michel Cadière, đã viết rằng: “Công trình khoa học của cha Cadière không những có giá trị vì chứa đựng một kho tàng gồm có các sự kiện xã hội quan sát chính xác  để cống hiến cho các nhà khảo cứu. Công trình ấy có giá trị như một gương mẫu khách quan hoàn toàn mà một nhà quan sát vô tư và bất vụ lợi có thể đạt tới được trong khi nghiên cứu một nhóm người thuộc một thế giới khác, bẩm sinh một tinh thần khác, theo một tôn giáo khác.” 1
           Linh mục Léopold-Michel Cadière sinh ngày 14-2-1869 tại Sainte-Anne-des-Pinchinats, gần Aix-en-Provence vùng cửa sông Rhône đông nam nước Pháp. Thuở nhỏ cậu bé Cadière học trường làng rồi sau chuyển lên Aix học trường trung học Bourbon, vào chủng viện Aix do các giáo sư Hội Xuân-Bích (St. Sulpice) dạy. Trong hồi ký Souvenirs d’un vieil annamitisant, linh mục rất cảm phục các công trình nghiên cứu của các linh mục Tu hội Saint Sulpice và cho biết “dưới sự hướng dẫn của các bậc thầy thông minh, tôi đã đọc ngấu nghiến tác phẩm của các ngài và một ngày kia muốn trở nên như các ngài vậy.”  Ngài thọ phong linh mục ngày 4-9-1892, lúc 23 tuổi, và lên đường sang Việt Nam ngày 26-10-1892. Được Đức cha Caspar bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu chủng viện An Ninh, ở Đất Đỏ, Cửa Tùng, Quảng Trị tháng 1-1893, linh mục Cadière phụ trách môn Tu từ học và Triết học, và sau đó ngài được giao cho dạy Thần học tại Đại chủng viện Huế.  Về sau linh mục Cadière được bổ nhiệm làm cha sở tạm giáo xứ Tam-Tòa, một họ đạo nằm giữa tỉnh lỵ và năm xóm (hameaux) với hơn một nghìn giáo hữu bên bờ sông Nhật Lệ, xây dựng trên một phần đất của Lũy Thầy, nơi có rất nhiều di tích lịch sử để lại cũng là yếu tố khiến linh mục Cadière phải chú tâm. Theo Louis Malleret, cách giáo xứ Tam Tòa vài cây số có một tấm bia ghi lại các biến cố chiến tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài đã cung cấp cho cha Cadière một đề tài để nghiên cứu, và công trình đó đã được Viện Khoa Học Pháp (L’Institut de France) khen thưởng năm 1903 và ấn hành trong Tập san Trường Viễn Đông Bác cổ  (Bulletin de l’École francaise d’Extrême-Orient) năm 1906. Đây là công trình nghiên cứu lịch sử đầu tay của Cadière đã được đánh giá cao. 3
           Sau khi ở xứ đạo Tam Tòa được một năm, tháng 10 năm 1896 linh mục Cadière được thuyên chuyển đến Cù Lạc là một vùng thuộc tổng Cao Lao, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng-Bình, nằm trên hữu ngạn nguồn Son (sông Gianh). Cù Lạc là một xứ đạo ở phía bắc địa phận Huế, là một vùng toàn rừng rậm và núi đá vôi, cả một vùng rộng lớn hầu như chưa có dấu tích khai phá. Chính nơi đây linh mục Cadière đã có dip phát hiện được những liên hệ rất chặt chẽ giữa tiếng Mường với một thứ tiếng mà linh mục De Rhodes đã biết đến ở Bắc Kỳ trong thế kỷ XVII. Linh mục Cadière cũng còn nhận thấy các phong tục và truyền thống ở Cù Lạc cũng là những chất liệu để giúp cho người  thực hiện các công trình biên khảo về ngữ học và dân tộc học. Ngoài ra thứ tiếng Việt mà linh mục đã học để nói và viết trước đó đều làthứ  tiếng Việt trong những cuốn kinh sách có ngữ pháp mô phỏng theo tiếng Pháp hay tiếng La-tinh 4 hoàn toàn khác với thứ tiếng ngoài dân gian. Do đó linh mục đã tìm mọi cơ hội đi ra ngoài dân chúng để học thứ tiếng Việt đó từ những người bán hàng rong, người tiều phu, dân làm ruộng v.v... và quyết công tìm ra những bí mật của thứ ngôn ngữ dân gian đó.
           Trong bài báo Đọc cuốn “Syntaxe de la langue Vietnamiennne”đăng trên Tạp chí Đại Học của Viện Đại Học Huế, Giáo sư Trương Văn Chình, một nhà ngữ học Việt Nam, đã viết rằng: “Linh mục Cadière cũng như nhiều nhà nghiên-cứu ngữ-pháp Việt-Nam, chẳng hạn như ông Trần Trọng Kim, hay gần đây như giáo sư Honey, nhận định rằng không thể rập theo ngữ-pháp Pháp mà viết ngữ-pháp Việt-Nam... Nghiên cứu ngữ-pháp Việt-Nam, linh-mục Cadière lấy tài liệu ở ngôn ngữ hàng ngày hoặc của người có học (gens lettrés) hoặc của người thất học (gens sans culture), chứ không căn cứ vào văn chương cổ vì văn chương cổ có nhiều từ ngữ Hán-Việt. Tuy thế, linh mục nhận định rất đúng dù rằng văn-chương hay ngôn-ngữ thông thường, thì tiếng Việt cũng theo cùng một ngữ pháp.” 5
           Nhờ sống ở giáo xứ Cù Lạc vốn trải dài trên nhiều cây số, cha Cadière phải đi lại thường xuyên trong các cuộc viếng thăm giáo dân ở những vùng chưa có ai bước chân tới và điều đó đã kích thích tính hiếu kỳ nơi ông. Qua các chuyến hành trình vất vả đó, linh mục Cadière đã khám phá động Phong-Nha nổi tiếng, ghi chú lại các dấu tích kỷ niệm về văn minh Chàm, tìm ra các giống thực vật lạ hiếm, khoái tìm hiểu dân Tắc-Củi vốn là tộc người còn rất mọi rợ với cuộc sống bí hiểm mà nhiều người cho là như giống dân Pygmées. Chính là tại Cù Lạc mà linh mục đã quen biết với Louis Finot, vị giám đốc đầu tiên của Trường Viễn Đông Bác Cổ. Năm 1901, vì lý do sức khỏe, sau 6 năm sống tại Cù Lạc, linh mục đã đi tĩnh dưỡng ở Hồng Kông. Xứ đạo Cù Lạc được cắt ra làm hai gồm xứ Bồ-Khê và Cù-Lạc. Khi đi Hồng Kông về, linh mục Cadière được bổ  làm cha xứ Bồ-Khê tức xã Thanh-Trạch, trên hữu ngạn sông Gianh sát bờ bể. Ông ở đó hai năm và sau đó được bổ làm cha xứ Cổ Vưu (Quảng Trị) kiêm hạt trưởng Hạt Dinh Cát. Trong sách Sông Gianh Đàng Trong, Giáo Hạt Quảng Bình  1615-1975, các tác giả Nguyễn Thế Hùng, Hoàng Đình Hiếu cho biết linh mục Léopold Cadière có làm cha xứ Mỹ-Hòa. Chúng tôi đã có dịp thảo luận lại với ông Hoàng Đình Hiếu và luận đoán rằng có lẽ giáo xứ Mỹ Hòa là một trong nhiều họ đạo được Linh mục Cadière kiêm nhiệm, và vì Mỹ-Hòa chỉ cách Bồ-Khê dòng sông Gianh nên đó là nơi linh mục Cadière hay đến làm công việc mục vụ, nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân gian 6.
Một điều cần chú ý là những nơi linh mục Cadière được bổ nhiệm đến hầu hết là những nơi có ít nhiều dấu tích lịch sử, chẳng hạn như ở Dinh Cát vốn là nơi khởi đầu bước  chân của Nguyễn Hoàng khi ông được Trịnh Kiểm cho vào trấn đất Thuận Hóa năm 1558 theo lời khuyên bí mật của Nguyễn Bỉnh Khiêm với câu nói để đời “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân...” , nơi đạo Công Giáo đã đi vào xứ An Nam với những người Công Giáo thuần thành tiên khởi đã có tiếng trong lịch sử như Minh Đức Vương Thái Phi, vợ của Nguyễn Hoàng và nơi còn để lại nhiều dấu tích của người Chhăm-pa như ở Trung Đơn (Hải Lăng), Dương Lệ (Triệu Phong)...
Cuối năm 1910, sau gần bảy năm làm mục vụ ở Cổ Vưu, xây nhà thờ, mở trường học, chăm sóc giáo dân, dạy dỗ trẻ em, linh mục cảm thấy sức khỏe suy sụp nên đã xin phép bề trên và được về nghỉ sức tại Pháp. Nhân chuyến này, ông tìm được các tài liệu bản thảo gốc cuốn từ điển của giáo sĩ Alexandre de Rhodes tại Rôma, thư từ trao đổi giữa chúa Nguyễn Ánh với các sĩ quan Pháp qua giúp ông ở Gia Định vào cuối thế kỷ XVIII. Từ năm 1913 đến 1918, sau khi trở về Huế, cha Cadière được Đức Cha Allys (Lý) cử làm tuyên úy trường Pellerin và chính trong thời này ngài  đã cộng tác với một số các nhà trí thức Pháp ở Huế thành lập Hội Đô Thành Hiếu Cổ, ấn hành tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin Des Amis Du Vieux Hué). Tháng 9 năm 1918 cha Cadière được bổ làm cha sở giáo xứ Di Loan, trong thời gian này ngài được cử làm Hội viên Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Di Loan là nơi, năm 1849, Giám mục Pellerin đã lập một chủng viện tọa lạc ở trung tâm làng Di Loan, tứ phía rừng tre bao bọc để bảo đảm an toàn cho chủng viện. Hệ thống báo động được tổ chức chặt chẽ dựa vào sự che chở của giáo dân. Ở Di Loan, linh mục Cadière đã để công sưu tầm được rất nhiều loại thực vật và chính ngài đã gửi những loại cây mẫu về cho Bảo tàng lịch sử thiên nhiên ở Paris. Năm 1928 ngài về Pháp chữa bệnh tim và năm 1930 trở lại tiếp tục công tác mục vụ ở Di Loan.
Chính linh mục Cadière là người phụ trách Tạp chí Sacerdos Indosinensis (Linh Mục Đông Dương) là cơ quan ngôn luận của giáo sĩ Việt-Nam. Sự thông minh uyên bác và tinh thần tích cực hoạt động của linh mục đã biến ngài trở nên hội viên nồng cốt của một số hiệp hội khoa học lúc bấy giờ như Hội Viễn Đông Bác Cổ, Hội Ngôn Ngữ Á Châu, Hội Địa lý học Hà Nội, Hội Bách Thảo Paris, Hàn Lâm Viện Axix, Hàn Lâm Viện Khoa Học Thuộc Địa, Hội Giáo dục Tinh thần và Luân lý Việt Nam, Hội Thuần dưỡng Paris, Hội Đông Dương Học Sài Gòn, Hội viên Trường Nhân chủng học Đông Dương v.v... Chính Louis Malleret khẳng định rằng linh mục Cadière là người sáng lập thực sự của ngành thiểu số học ở Việt Nam và trong lãnh vực này ngài không bao giờ trở thành lỗi thời. 7
Sau biến cố Nhật đảo chánh 9-3-1945, ngài bị Nhật quản thúc ở Huế và sau cuộc kháng chiến toàn quốc 19-12-1946, ngài bị chính quyền Việt Minh bắt cùng với 6 linh mục Pháp khác ra giam giữ tại Cầu Rầm (Vinh). Cuộc vây bắt linh mục Cadière tại giáo xứ Di-Loan diễn ra quyết liệt giữa công an Việt Minh và giáo dân vì giáo dân ở đây rất thương mến ngài nên đắp ụ đường chận xe công an từ phủ Vĩnh Linh xuống, kéo chuông nhà thờ, và đánh mõ, đánh trống huy động nhau ra ngăn cản và đã đánh trả quyết liệt với công an suốt ba lần tấn công vào giáo xứ, thật đúng với câu ca dao sau đây:

“ Văn chương Xuân-Mị,

Lý sự  Thị-Khê,
Làm thuê Cam-Phổ,
Ổ lỗ (truồng) làng Tùng,
Anh hùng Di-Loan.”

Một viên công an VM đeo súng lục, đi xe Traction màu đen có lẽ tịch thu được của người Pháp, chỉ huy cuộc vây bắt này. Trước khi cha Cadière bị bắt, ngài đã viết giấy để lại cho Dòng Thiên-An Huế toàn bộ sách vở của ngài tại Di-Loan, và khi Dòng này đưa ghe ra chở, giáo dân phải dùng xe bò chở sách từ nhà xứ xuống ghe đậu ngoài biển cửa Tùng mất đến ba ngày. Ngày 13-6-1953, cha được chính phủ Việt Minh trả tự do và ngài tình nguyện xin về lại giáo phận Huế. Chính phủ Việt Minh đưa ngài từ Quảng Bình vào Huế cùng với 14 linh mục ngoại quốc còn sống. Linh mục Cadière lưu lại tại Huế và mất ngày 10-7-1955, thọ 86 tuổi, an táng tại nghĩa trang Đại chủng viện Huế. 8
Trong thời gian còn bị Việt Minh quản chế ở Vinh, linh mục Cadière đã viết như sau: “Tôi đã hiểu người Việt vì tôi nghiên cứu những gì liên quan đến họ. Tôi đã nghiên cứu tiếng Việt ngay từ khi mới đến đây và tôi hiện nay vẫn nghiên cứu (...) Tôi đã nghiên cứu tín ngưỡng lễ nghi tôn giáo, phong tục người Việt, tôi yêu mến người Việt. Tôi yêu mến người Việt vì họ thông minh xuất sắc và tinh thần linh lợi (...) Tôi yêu mến người Việt cũng vì họ trải qua nhiều đau khổ.” 9 Trong Hồi ký , linh mục Cadière đã viết những câu rất cảm động: “Tôi cảm ơn Chúa đã cho tôi những năm tháng thoát khỏi mọi công việc để chuyên tâm cầu nguyện.” 10
Đó là cô đọng những lời tâm huyết mà linh mục Cadière sau thời gian 63 năm chung sống với người Việt đã quyết định gửi nắm xương tàn của ông ở lại Việt Nam cùng với tất cả cốt lỏi tinh hoa trong tinh thần của mình trải rộng qua biết bao tác phẩm và công trình nghiên cứu về Việt Nam, đặc biệt về ba tỉnh Bình Trị Thiên và Miền Trung mà ông đã bỏ công nghiên cứu và viết ra trên giấy trắng mực đen.
Một nhân chứng người giáo xứ Di Loan, ông Hoàng Hữu Hiền hiện sống tại New Jersey cho biết năm 1955 có gặp lại linh mục Cadière tại Tòa Giám Mục Huế (Nhà Chung) và lúc bấy giờ lưng ngài còng hẳn xuống, thấp lại, bận một bộ bà ba nâu của dân quê xứ Nghệ Tĩnh.
Có lẽ Tam Tòa nói riêng và đất Quảng Bình nói chung đã cho linh mục Cadière những dữ kiện tiên khởi để ông bắt đầu để tâm nghiên cứu ngôn ngữ và lịch sử Việt Nam. Nhờ nhận thấy trong tiếng Việt có những phương ngữ khác với thứ ngôn ngữ trong sách vở mình đã học trước kia nên linh mục đã viết được công trình Ngữ âm học Việt Nam gồm 2 cuốn: “Phương ngữ thượng du Trung Kỳ” xuất bản năm 1902, dày 113 trang, và “Phương ngữ trung du Trung Kỳ”xuất bản năm 1911, dày 44 trang. Chính Cadière cũng quan tâm đến ngôn ngữ Mường vùng thượng nguồn sông Gianh và là người đầu tiên nhấn mạnh đến mối quan hệ gần gũi giữa tiếng Mường với tiếng Việt vùng bắc Trung Kỳ 11(Phonétique annamite: dialecte du Haut-Annam, trong những tác phẩm đã xuất bản của Trường Viễn Đông Bác Cổ Vol. III. Paris Imprimerie Nationale, Ernest Leroux, rue Bonaparte, 28, 1902).
Theo Giáo sư Trương Văn Chình, “Linh mục Cadière phân biệt tiếng Bắc, tiếng Trung và tiếng Nam, và những tỉ dụ trong sách phần nhiều là tiếng Quảng Bình, nên ông đã định đặt tên sách là Syntaxe de la langue annamite suivant le dialecte du Haut-Annam (ngữ pháp Việt Nam theo thổ ngữ miền Bắc Trung-Việt) . Nhưng linh mục nhận ra rằng tiếng nói ba miền chỉ có rất ít từ ngữ thông thường khác nhau, nên không hại gì đến nền duy nhất của tiếng Việt, mà ngữ-pháp từ Bắc chí Nam, đâu cũng như nhau. Vậy người soạn ngữ-pháp Việt-Nam, có thể lấy tài liệu ở bất cứ một nơi nào trên đất Việt. Điều này, linh mục nhận định cũng rất đúng. Người Việt-Nam dù có tiếng phát âm khác nhau, dù có nơi dùng một số thổ ngữ, nhưng hễ cấu tạo tiếng nói thành câu, thì đâu đâu cũng phải theo cùng một ngữ-pháp.” 12
Tính từ năm 1898 khi linh mục Cadière đặt bút viết lá thư đề ngày 13-01-1898 nói về trận đói ở Quảng Bình gửi cho Tập san Missions Catholiques,Lyon 1898 cho đến năm 1955, trong vòng 57 năm, có cả thảy 245 tác phẩm của ngài được viết ra và ấn hành gồm rất nhiều sách, tập tham luận, bài nghiên cứu, bài sưu khảo từ l;ịch sử đến địa lý, địa lý học lịch sử, dân tộc học, ngôn ngữ học, khoa học tự nhiên, văn học và kiến thức tổng quát.
Riêng về tỉnh Quảng-Bình, linh mục Cadière đã viết khoảng 17 quyển sách và tập tham luận, bài nghiên cứu trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng là Le mur de Dông-Hới, Les lieux historiques du Quang-Binh, Phonétique annamite: dialecte du Haut-Annam, Coutumess populaires de la vallée du Ngiồn-Son, Géographie historique du Quang-Binh, Les Fougères du Quang-Binh v.v...
Có lẽ trong số những người viết về Quảng Bình nhiều người cảm thấy thân thiết, gần gũi với làng mạc ở đây, nhưng ít ai bằng linh mục Cadière khi chúng ta có cơ hội đọc lại những tác phẩm của ông như Les lieux historiques du Quang-Binh hay Le mur de Dong-Hoi. Cây đa đầu làng là một hình ảnh rất quen thuộc của nhiều làng quê Việt Nam, nhất là ở Quảng Bình cho nên đó cũng là hình ảnh ghi nhận rõ nét dưới ngòi bút của Cadière. Ông gọi các làng như làng Trung-Bính nay thuộc xã Bảo-Ninh là “làng của những cây đa” (village des banians). 13
Gốc tích của một làng, như làng Hữu Cung ở gần thị xã Đồng-Hới chẳng hạn, cũng được linh mục Cadière viết lại tương đối rõ ràng, có thể giúp cho giới nghiên cứu sử học sau này nhiều thẩm định chính xác, lợi ích: “(...) Trước khi đi đến Đồng Hới, cần phải chỉ ra một địa điểm quân sự hình thành ra cái làng hiện nay, đó là làng Hữu Cung. Những địa điểm quân sự này, ít thấy ở phần phía bắc Quảng Bình, nhưng rất nhiều ở miền nam tỉnh này, ví dụ như làng Dinh Ngói mà chúng ta đã thấy. Địa danh của nó tự giải nghĩa cho nó. Những đồn lũy rải rác trên lãnh thổ Quảng Bình trước đây có nguồn gốc do những binh lính canh giữ một con đường hay một vị trí chiến lược, hoặc nhằm đẩy lùi những trận tấn công đầu tiên của đối phương. Về sau, tôi không hiểu chính xác niên đại nào nhưng chắc chắn là vào thời Gia Long hoặc sau này Minh Mạng, những binh lính giải ngũ định cư lập ấp thì đất đai thường thường cắt xén của những làng xã chung quanh, đôi khi làm rối tung lên một cách thô bạo đối với những đất đai bao gồm dồn trại của họ trước đó. Những làng xóm này thường giữ nguyên, hoặc sửa đổi đôi chút, tên các đơn vị thuyền, hoặc đội, hoặc cơ, cấu thành từ trước (...). Ngôi làng Hữu Cung, xưa kia còn gọi là Hữu Cai, thổ ngữ biến thành Hồ Cai, nguyên do thuyền cùng tên, đóng quân trên đất làng Phú Xá. Từ những điểm cao ấy mà bao quát cả cánh đồng lớn của Đồng Hới và những gò đồi cao nguyên trải dài ở phía bắc, người ta có thể canh chừng được sự đột nhập của đối phương, kháng cự với đội tiên phong của họ khi cần thiết.” 14
Một số chiến lũy dưới thời Trịnh Nguyễn ngày trước cũng được linh mục Cadière khôi phục lại: “... Sách địa lý An Nam còn ghi chú rằng ở phía nam đồn Sa Phụ có một bức lũy dài chạy theo bờ biển đến làng Liêm Luật hiện nay còn nằm ở khoảng cửa sông Nhật Lệ và cửa sông Minh Linh, tức Cửa Tùng. Lũy này được gọi là lũy Trường Sa.” 15
Đối với linh mục Cadière, một góc thành, một khoảnh phế lũy trên đất nước Quảng Bình đều là dấu tích của lịch sử, và ông trân trọng đưa vào trong sách vở với những ghi chú đầy đủ và phân tích thận trọng. Trong tác phẩm Les lieux historiques du Quang-Binh, ông viết về Thành Lồi ở Mỹ Thổ, chùa Phật ở làng Uẩn-Áo, các di tích Dinh Mười và Dinh Mới, các làng Võ Xá, Thạch Xá v.v... 16
Những dữ kiện linh mục Cadière thu lượm được góp lại trong một số các ông trình sưu khảo về lịch sử trên đất nước Quảng-Bình nói chung đã giúp cho người đọc có dịp nhận định lại những điều do các sử sách trước đây đã viết, đối chiếu, suy luận để tiếp cận với sự thật lịch sử nhiều hơn.
Chính linh mục Cadière cũng cho một khái niệm khác biệt về đường biên giới phân chia Đàng Trong với Đàng Ngoài dưới thời Trịnh Nguyễn, không đơn thuần là một con sông như sông Gianh mà là cả vùng thung lũng sông Gianh. 17
Ngoài ra, linh mục Cadière cũng lưu tâm đến các hình thức tín ngưỡng dân gian hiện cònghi lại trong sách vở của ngài. Trong tác phẩm Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, linh mục viết rằng: “Ở tỉnh Quảng Bình, người ta tuồng như có thờ kính ông Trời. Trước mỗi nhà, đối diện với gian nhà giành để thờ kính tổ tiên, và trong sân, người ta trồng một trụ gỗ cao khoảng một mét đến hai mét, ở trên bày một tấm ván nhỏ làm thành một bàn thờ. Bàn thờ ấy thường được dựng vào chỗ đầu tiên nơi người ta muốn đặt, và có khi nhà cửa phá đi nhưng bàn thờ vẫn còn. Các nhà giàu có thường xây một trụ bằng vôi hồ trên một hốc tường. Trên bàn thờ luôn có một bát nhang bằng đất cắm mấy que nhang. Theo một vị tú tài ở làng Đặng-Đề thuộc tỉnh Quảng-Bình, người ta thờ ở đó Cửu Thiên Huyền Nữ. Người ta dâng đồ chúng ở đó cũng như ở trong nhà vào đêm giao thừa, ngày mồng năm tháng năm, ngày mười lăm tháng chín, và ngày rằm mỗi tháng. Tôi cho rằng, qua những tập tục lễ bái đó, dưới ảnh hưởng của Lão giáo, người ta muốn bày tỏ niềm tin đơn thuần của họ vào các vị thần linh hay vào ông Trời...” 18
Các truyền thuyết dân gian như chú Cuội, cũng được linh mục ghi lại qua các câu ca dao nghe được ở Quảng Bình:

Thằng móc thằng mách,
đứng trửa mặt trăng,
cầm rừa cầm rạ
đốn săng kiền kiền,
làm nốc làm thuyền,
cho thuê cho mượn,
 té tiền mua ăn. 19

Điệu hát ru con sau đây ở Quảng Bình cũng không thoát khỏi sự chú ý của linh mục Cadière:

Xít tù và !
Qua năm mới.- tới năm cũ;
Đào lỗ mà chôn, - Con chồn nhảy ra;
Con ma nhảy lại, - Mu Đại đạp đi;
Mụ Nhị mần thịt;- Mụ Chịt nấu ăn ! 20

Những hòn đá thiêng được gọi là Bụt mà linh mục Cadière đã gặp được ở Ròn, vùng bắc Quảng Bình, hay không xa chỗ đó có một nơi gọi là Mả Cô (le tombeau de la demoiselle) hoặc tảng đá Quán Bụt (Auberges du Buddha) ở làng Thủy-liên-hạ tục gọi Sen-hạ ở huyện Lệ Thủy, những chuyện ma và các tập tục mê tín của vùng thung lũng nguồn Son – sông Gianh, những câu hát đồng dao do các trẻ mục đồng cất lên trong buổi chiều lùa trâu về chuồng như:

Mê bẹ mê mê !
Con đi dọi mạ,
Cá đi dọi bầy.
Chớ lạc bầy ai,
Ăn ló ăn khoai !
Chặt tlốc chặt tai,
Vày vô nồi hai,
Tiêu hành nác mắm !
Mê bẹ mê mê ! 21

vốn là những tư liệu văn hóa dân tộc đầy ắp trong các sách vở của linh mục ghi lại, và cần thiết biết bao cho những ai muốn tìm về cội nguồn của đất nước thân yêu.
           Thật ra tấm lòng của linh mục Cadière không chỉ dàn trải với non sông Quảng Bình mà còn bao quát khắp mọi vùng đất nước Việt Nam. Tác phẩm của ông đề cập đến nhiều vấn đề, sâu sắc, uyên bác trong từng chủ đề, từng lãnh vực tri thức, có giá trị không những nhiều thập kỷ trước đây mà còn mãi cho tới bây giờ.
           Ngày nay, đã có những nhận định về linh mục Léopold-Michel Cadière được viết ra ở trong nước cũng như ở hải ngoại, một việc làm rất đáng hoan nghênh để vinh danh những công lao vô giá của linh mục Cadière đối với nền văn hóa Việt Nam.
           Trên tuần báo Công Giáo và Dân Tộc (số 854, ngày 26.4.1992), Võ Xuân Trang có viết một bài tựa đề “Léopold Cadière, một linh mục, một nhà khoa học, một con người gắn bó với Huế”, với đoạn kết rằng: “Một số tài liệu di khảo chưa công bố, linh mục đã trối lại cho Dòng Thiên An cất giữ để hậu thế sử dụng, nhưng tiếc thay năm 1968 bom Mỹ đã đánh trúng thư viện Dòng Thiên An (...)” 22
           Trong bài “Tưởng nhớ nhà Huế học quá cố Léopold Cadière” đăng trong báo Lao Động (số  75/94 4016) ra ngày 23.6.1994, Nguyễn Đắc Xuân đã viết: “Huế đã được công nhận di sản thế giới. Để có được sự công nhận ấy một thế kỷ qua, nhiều nhà Huế học, nhà văn, nhà nghiên cứu đã đóng góp biết bao công trình để giới thiệu Huế với thế giới. Người được tôn là bậc thầy trong công việc này là Léopold Cadière (...) Duy có “một điều lạ” là không có mấy người biết về cuộc đời Léopold Cadière. Nguyên nhân vì đức khiêm tốn, lúc sinh thời ông cho rằng những gì nói về ông là không cần thiết.” 23
           Trên Tạp chí Xưa và Nay số 6 năm 1995, cơ quan của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, dưới bài viết nhan đề “Linh mục Cadière, một trong những người mở đầu môn Việt Nam học”, Đào Hùng đã tổng kết rằng: “Có thể nói tư tưởng của linh mục Cadière đã mở đường cho những người nghiên cứu Việt Nam đầu thế kỷ. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đáng cho tất cả những ai quan tâm đến môn Việt Nam học, dù là người Việt hay người nước ngoài, phải kính cẩn suy ngẫm. Ông đã đem lại những hiểu biết sâu sắc về dân tộc Việt Nam, một dân tộc mà nhiều nhà nghiên cứu trước đây từng nghĩ rằng đã hoàn toàn Hán hóa, không có cá tính...” 24
           Trong một tác phẩm có tên Nhân vật giáo phận Huế, Lê Ngọc Bích đã dành 14 trang sách lớn để viết về linh mục Léopold-Michel Cadière với những nghiên cứu chi tiết và giá trị để thiết lập một bản tiểu sử khá đầy đủ về linh mục Cadière. Trong phần kết luận, Lê Ngọc Bích đã viết rằng: “Léopold Cadière, một con người suốt đời gắn bó với Huế, nhà Huế học kiệt xuất bậc thầy, nhà Việt Nam học. Công lao của Cadière trong việc nghiên cứu về Huế hẳn nhiên nhiều người công nhận và trân trọng. Tuy nhiên, có một điều lạ là Huế chưa có con đường nào được mang tên Léopold Cadière, con người đã giới thiệu Huế với Thế giới.” 25
           Trên Tập san Định Hướng số 31 ra Mùa Hè năm 2002, Nguyễn Lý Tưởng đã viết một bài nhan đề “Léopold-Michel Cadière và những công trình nghiên cứu văn hóa Việt Nam”. Mở đầu bài viết này, Nguyễn Lý Tưởng cho biết một chi tiết khá đặc thù như sau: “Trước năm 1945, xe lửa chạy suốt Sài Gòn ra Hà Nội theo thông lệ, chỉ dừng lại ở các ga lớn của các thành phố, tỉnh lỵ quan trọng chứ không ngừng ở các trạm nhỏ. Nhưng có một làng nằm giữa đoạn đường Đông Hà (Quảng Trị) và Đồng Hới (Quảng Bình) là làng Di Loan, thuộc phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã được Toàn Quyền Đông Dương cho phép thiết lập một ga tạm nhỏ và xe lửa chạy suốt bắt buộc phải dừng lại đó trong 5 phút để cho một nhà thông thái. một nhà văn hóa kiêm sử gia và cũng là nhà ngôn ngữ học, bước lên tàu để ra Hà Nội họp tại trường Viễn Đông Bác Cổ (École Francaise d’Extrême-Orient) hàng tháng: Đó là linh mục Léopold-Michel Cadière thường gọi là Cố Cả.” 26 Bài viết của Nguyễn Lý Tưởng cô đọng tất cả những nét chính trong công tác mục vụ và sự nghiệp văn hóa của linh mục Cadière trong suốt 57 năm sống trên đất Việt Nam.
           Trong tập san “Pháp-Á” (France-Asie) số 112 tháng 5 năm 1955, Maurice Durand viết về linh mục Cadière rằng: “Những công cuộc khảo cứu của ngàichỉ là một phương tiện để tìm hiểu và yêu mến những linh hồn mà ngài có bổn phận chăn dắt.” 27
           Một linh mục Dòng Tên, Bernard Maitre đã ghi lại vài nét về quan điểm của cha Cadière khi sống và tiếp xúc với hàng giáo sĩ Việt Nam trong cuộc đời truyền giáo của ngài: “Khi tôi tiếp nhận một vị linh mục Việt Nam, tôi nói với vị ấy: Hỡi cha thân mến, chúng ta sẽ chung sống năm hạoc sáu năm, chúng ta không muốn mà sẽ cùng nhau đau khổ, chỉ vì cha là người Việt và tôi là người Pháp; chúng ta hãy cố gắng tha thứ cho nhau những điều khốn đốn ấy, để sống cho bằng an. Thật thế, linh mục truyền giáo sống giữa một dân tộc khác hẳn về ngôn ngữ, phong tục, tư tưởng không phải là không đau khổ về tinh thần, không phải là không đau khổ nhiều. Nhưng những niềm đau khổ hằng ngày ấy, lâu rồi ta cũng quen đi. Có một niềm đau khổ khó lòng mà quên được, ấy là khi lòng hăng hái của ta bị tê liệt, khi nmhững cố gắng của ta trở nên vô hiệu vì thiếu thốn phương kế.” 28
           Đối với các chế độ mà ông phải sống và tiếp xúc với dân chúng trong đó để hoàn tất các nhiệm vụ tôn giáo và tâm linh của mình, linh mục Léopold-Michel Cadière cũng đã có những ý hướng rõ ràng được bày tỏ lại qua nhận xét của Bernard Maitre, như sau: “Rất kín đáo đối với các chính quyền được thiết lập, ngài [Cadière] đã tự nêu gương chứng minh rằng một vị linh mục truyền giáo có thể bảo toàn phẩm cách dưới bất cứ chế độ nào, đôi khi lại biết giúp chế độ đó nhận thức một vài thực tại mà linh mục có thể cảm nhận sâu sắc nhờ có dịp gần gũi người đời. Như ta đã thấy điều đó cũng không hề ngăn trở linh mục cương quyết đứng trong cương vị bênh vực hơn nữa phục hồi mọi giá trị thật sự của các văn hóa cổ truyền, trong công việc này, đứng trong cương vị thừa kế của Giáo hội.” 29
           Năm 1992, cơ quan Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Paris đã cho in lại rất nhiều tác phẩm của linh mục Léopold-Michel Cadière, trong đó có bộCroyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens của ngài gồm ba tập hơn 850 trang sách khổ lớn, mà qua đó linh mục đã gửi gắm tất cả những công sức trí tuệ của ngài. Georges Coedès, một học giả mà những công trình nghiên cứu của ông về Đông Dương được đánh giá là rất có giá trị cho nhiều thế hệ, có lẽ là người cũng đã từng cộng tác với linh mục trong một số lãnh vực nghiên cứu, đã viết rằng: “Tôi tin rằng không hề gặp một lần nào ngài viết một từ có vẻ miệt thị là từ “ngoại giáo” để chỉ những người mà ngài mô tả các tín ngưỡng tôn giáo và các nghi thức thần bí. Nếu đối với vị linh mục truyền giáo, người Việt Nam chưa chịu phép thánh tẩy theo đúng nghĩa là người ngoại giáo, thì đối với nhà xã hội học, họ là những người bẩm sinh có phẩm cách nhân vị mà mọi người Kitô hữu tôn trọng, không phân biệt màu da, tín ngưỡng.” 30
Đối với sự nghiệp văn hóa mà linh mục Léopold-Michel Cadière đã tận tụy một đời dâng hiến với hơn 245 công trình biên khảo dài có ngắn có, thuộc đủ mọi lãnh vực tri thức sử học, ngôn ngữ học, địa lý, dân tộc học v.v... đã giúp ích rất nhiều cho học giới suốt mấy chục năm qua, chính ngài đã khiêm tốn nói rằng: “Chúng tôi không có tham vọng viết sử, chúng tôi chỉ có lôi ra ánh sáng và thu thập cho thật nhiều tài liệu vững để giành cho các sử gia về sau.” 31
Các công trình viết về Quảng Bình của linh mục Léopold-Michel Cadière xuất hiện trong các Tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ từ năm 1902 và sự gắn bó của ngài đối với cơ quan ngôn luận này cũng như sự tận tụy trong 30 năm để lo cho Tập san Đô Thành Hiếu Cổ từ năm 1914 đến 1944, cùng thông qua các ấn phẩm của ngài do các nơi khác in ấn, đã nói lên tất cả tấm lòng của ngài đối với đất nước Việt Nam. Ngày nay các công trình đó không những là các tư liệu vô cùng quý giá mà còn có khả năng soi sáng những vấn đề tồn đọng của lịch sử, văn học, địa lý rất có ích cho công tác nghiên cứu, học hỏi của nhiều thế hệ Việt Nam trước đây hàng mấy chục năm, bây giờ và cả sau này nữa.
Suy nghĩ về những đóng góp rất giá trị và nhiệt tình của linh mục Cadière đối với nền văn hóa Việt Nam, Giáo sư Trương Văn Chình đã viết: “Dẫu sao chăng nữa, chúng ta cũng phải cảm ơn linh mục Cadière đã góp công vào môn ngữ học Việt Nam, không phải là nhỏ. Cuốn Syntaxe de la langue vietnamienne sẽ giúp ích rất nhiều cho người ngoại quốc nào biết tiếng Pháp, để học tiếng Việt, vì có nhiều tiết như tiết dạy về “thuộc tính của thể từ” (genre dans les substantifs), trang 12/14; dạy về cách dùng tiếng xưng hô, trang 47/51; dạy về cách dùng số đếm, trang 23/27; v.v... tuy không ích gì cho chúng ta, nhưng rất quý cho những người ấy.
Chúng ta còn phải cảm ơn linh mục, vì linh mục hiểu chân giá trị của tiếng Việt, và đã nói ra cái giá-trị ấy thế nào. Theo Paul Boudet 32, thì trong bữa tiệc mừng linh-mục sang Việt-Nam được 50 năm (1942), linh mục có nói rằng sở dĩ ông hiểu người Việt-Nam, là vì ông đã nghiên cứu ngôn ngữ, phong tục, v.v... của người Việt-Nam. Linh mục nhận rằng cách cấu tạo tiếng Việt rất tinh vi, tế nhị, từ ngữ Việt-Nam rất phong phú, dồi dào; vậy không nên khinh miệt tiếng Việt như thường thấy 33. Cảm động thay, những lời vàng ngọc ấy! Linh mục nói đến những kẻ khinh miệt tiếng Việt, là ông ám chỉ số đông người Pháp ở đây hồi đó. Những người Pháp ấy, có người học tiếng Việt chăng, thì phần nhiều họ học những bồi bếp của họ, chứ ít có người để công nghiên cứu tiếng Việt như linh mục Cadière. Vậy thì họ khinh miệt tiếng Việt chăng nữa, tưởng rằng cũng không lấy gì làm lạ. “ 34
           Riêng với giới nghiên cứu sử học, những công trình nghiên cứu của linh mục Léopold-Michel Cadière về lịch sử Việt Nam vốn là những mách bảo quý giá, thận trọng và uyên bác. Ngoài ra đối với tỉnh Quảng Bình, sự hiện diện của linh mục tại đây chính là một cơ duyên quý báu để giúp cho nhiều người tìm được ánh sáng chân lý Phúc Âm và để những chứng tích lịch sử được ngài chịu khó ghi lại trở nên hữu ích cho rất nhiều thế hệ trước kia và sau này.

                                                                                  Nguyễn Đức Cung

(Trích trong Quảng-Bình, chín trăm năm nhìn lại (1075-1975), tác phẩm sắp xuất bản).

________________

CHÚ THÍCH

    1.-  Tạp chí MEP, số 92, tr. 497, theo Lê Ngọc Bích, Nhân vật giáo phận Huế, tập hai, 2000, tr. 49.
      2.- Léopold Cadière, Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens, Tome III, Nxb. École Francaise d’Extrême-Orient, 1992, tr. 6.
      3.- Louis Malleret, Notice sur la vie et les travaux du R.P.Léopold Cadière (1869- 1955),in trong bộ Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens (gồm 3 quyển), Sđd, tr. 8.
      4.- Louis Malleret, Sđd, tr. 8.
      5.- Trương Văn Chình, Đọc cuốn “Syntaxe de la langue Vietnamienne”, Đại Học, Tạp chí nghiên cứu của Viện Đại Học Huế, Số 12, Tháng 11 năm 1959, tr. 15.
      6.- Nguyễn Thế Hùng – Hoàng Đình Hiếu, Sông Gianh Đàng Trong, Giáo hạt Quảng Bình, 1615-1975, Tủ sách Sông Gianh, Quê Hương Bọ Mạ xb., 2004, tr. 51. Trong Quê Hương Bọ Mạ tập 2, qua bài viết Người đã nạm vàng một chữ trung, tác giả Hoàng Đình Hiếu viết về linh mục Nguyễn Viết Cư, Tiến sĩ Triết học, Giáo sư Đại chủng viện, và qua câu chuyện được biết linh mục Nguyễn Viết Cư cũng đã có những liên hệ rất mật thiết với linh mục Cadière trong thời gian ngài bị Việt Minh giam giữ ở Vinh.
      7.- Louis Malleret, Sđd, tr. 14.
      8.- Về ngày mất của linh mục Léopold-Michel Cadière, có nhiều tài liệu viết khác nhau. Tác giả Lê Ngọc Bích cho biết ngày 6.7.1955 linh mục đau nặng nằm liệt giường và ngày 10.71955 thì qua đời, căn cứ theo “Lịch sử giáo phận Huế” tập 3, tr. 82 của LM Nguyễn Văn Hội viết theo hồ sơ văn phòng Tòa Tổng Giám Mục Huế. (Lê Ngọc Bích, Sđd, tr. 46, 47). Hai tác giả khác như Louis Malleret trong Notice sur la vie et les travaux du R.P. Léopold Cadière, ghi ngày mất của linh mục Cadière là ngày 6.7.1955; Georges Lefas trong bài viết về cha Cadière trong “Tạp chí Truyền giáo Nước ngoài Paris” (chú thích tr. 5) cũng ghi ngày mất là 6.7.1955.
      9.- Ngọc Quỳnh, “Hoài niệm Cố Cả”, Nguyệt san Nguồn Sống, Địa phận Huế, số 1 ngày 15.7.1958, tr. 45, dẫn theo Lê Ngọc Bích, Sđd. tr. 44.
      10.- Lê Ngọc Bích, Sđd, tr. 44.
      11.- Louis Malleret, Sđd, tr. 9.
      12.- Trương Văn Chình, Bđd, tr. 16.
      13.- L. Cadière, Les lieux historiques du Quang-Binh, Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient, 1903, tr. 186.
      14.- L. Cadière, Sđd, tr. 179.
      15.- L. Cadière, Sđd, tr. 185.
      16.- L. Cadière, Sđd, tr. 194.
      17.- L. Cadière, Sđd, tr. 173.
      18.- L. Cadière, Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens, École francaise d’Extrême-Orient, Tome III, 1992, tr. 53.
      19.- L. Cadière, Sđd, tr. 73.
      20.- L. Cadière, Sđd, tr. 188.
      21.- L. Cadière, Sđd, Tome II, tr. 215.
      22.- Lê Ngọc Bích, Sđd, tr. 52. Tác giả Nguyễn Lý Tưởng trong bài “ LM Léopold-Michel Cadière (1869-1955): Nhà Huế học và là người có công lớn đối với sử học và ngôn ngữ học Việt Nam” trên nguyệt san Hiệp Nhất số 123, tháng 03-2003, tr. 66, đẫ có viết: “Trong biến cố Tết Mậu Thân (1968), Việt Cộng vào chiếm Dòng Thiên An, đặt súng phòng không trên nóc nhà thờ để bắn máy bay Mỹ và VNCH đến giải tỏa quân Bắc Việt chiếm đóng thành phố Huế. Máy bay Mỹ đã ném bom tiêu diệt ổ phòng không của Việt Cộng tại Thiên An, làm thiêu hủy thư viện tại đây.”
      23.- Lê Ngọc Bích, Sđd, tr. 52.
      24.- Lê Ngọc Bích, Sđd, tr. 52.
      25.- Lê Ngọc Bích, Sđd, tr. 52.
      26.- Nguyễn Lý Tưởng, Tài liệu đã dẫn, tr. 60.
      27.- Lê Ngọc Bích, Sđd, tr. 51.
      28.- “Missions de Hué” trong “Annalesde la Société des Missions Étrangères”, 1911, tr. 14, tr. 307. Trong tập san MEP, bài của LM. Bernard Maitre, SJ, tr. 38-39, dẫn lại theo Lê Ngọc Bích, Sđd, tr. 47.
      29.- Bernard Maitre, Tlđd, theo Lê Ngọc Bích, Sđd, tr. 47.
      30.- Tạp chí MEP, số 92, tr. 497, dẫn theo Lê Ngọc Bích, Sđd, tr. 50.
      31.- Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt-Nam, Xuân Thu xuất bản, tr. 71.
      32.- Xem bài tựa của Paul Boudet viết trên đầu cuốn Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, Publications de la Société des Etudes indochinoises; Imprimerie nouvelle d’Extrême-Orient Saigon, 1958.
      33.- Nguyên văn: “J’ai compris les Annamites parce que j’ai étudié ce qui les concerne. J’ai étudié leur langue, dès mon arrivée ici, et je continue à le faire à l’heure actuelle, et je me suis rendu compte que la langue annamite est d’une grande finesse au point de vue de la construction et que sa richesse au point de vue du vocabulaire ne doit pas être dédaignée, comme on le fait trop souvent.”
      34.- Trương Văn Chình, Bđd, tr. 46.



* * *

               GIỚI THIỆU MỘT TÁC PHẨM BIÊN KHẢO SỬ HỌC MỚI

QUẢNG-BÌNH, CHÍN TRĂM NĂM NHÌN LẠI
(1075-1975)

TẬP I

                             Tác giả: NGUYỄN ĐỨC CUNG


Quảng-Bình đã thức dậy! Quảng-Bình đang lên tiếng!

- Một tác phẩm biên khảo sử học lần đầu tiên viết rất đầy đủ về tỉnh QUẢNG BÌNH, quê hương của những nhân vật lịch sử thời hiện đại nổi tiếng như Ngô Đình Diệm, Võ Nguyên Giáp, Thích Trí Quang.
- Một vùng đất lịch sử đã khiến các sử gia ngoại quốc như Léopold Cadière, Joseph Buttinger, Li Tana, Keith Taylor phải lưu ý đề cập đến rất nhiều qua các công trình nghiên cứu giá trị của họ.

- Một công trình biên khảo có khả năng dẫn đưa độc giả tiếp cận một cách thích thú với các bài học địa lý, một môn học mà giới trí thức thường coi nhẹ trước đây, như  nhận xét của Nguyễn Gia Kiểng trong Tổ Quốc Ăn Năn, và với các bài học lịch sử thấu đáo, cặn kẽ.

- Một tập tư liệu bề thế, công phu nhằm giải quyết nhiều vấn đề lịch sử của đất nước như: vùng tiếp cận giữa hai nền văn minh tiền sử Sa Huỳnh và Đông Sơn hình thành như thế nào? Đất nước Chăm-Pa với những thách đố lịch sử trên đất Quảng-Bình; biên giới giữa hai họ Trịnh Nguyễn nằm ở đâu? Tìm lại hệ thống Lũy Thầy qua tư liệu lịch sử và các công tác điền dã; Ý thức hệ Đàng Trong là ý thức hệ Nho giáo hay Phật Giáo? Kinh tế Quảng Bình và cuộc nam tiến có những mối liên hệ ra sao? Những hạt giống đầu mùa của đạo Công Giáo nẩy mầm và sinh hoa kết quả như thế nào trên đất Quảng Bình?

- Luận điểm của sử gia nổi tiếng người Anh, Arnold Toynbee, cho rằng: “ Những vùng đất nằm trên vùng biên cương đều có sinh lực mạnh mẽ”, áp dụng vào trường hợp Quảng Bình đã được minh chứng ra sao với mức độ chính xác ?
-  Một tác phẩm biên soạn cẩn trọng, ấn loát tuyệt hảo gần 700 trang, hơn 100 hình ảnh với hàng ngàn chú thích cẩn thận, tỉ mỉ, thấu đáo chắt lọc từ các nguồn thư tịch dồi dào với hàng trăm tư liệu Việt, Anh, Pháp, Hán, gồm tác phẩm sách, báo chí, báo điện tử, CD dưới một ngòi bút được đào tạo chuyên ngành sử học cấp đại học trước năm 1975 tại VNCH.
Xin bạn đọc các giới và đồng châu Quảng Bình hỗ trợ mua sách mới.

-  Sách do tác giả Nguyễn Đức Cung biên soạn, Nhà xuất bản Nhật-Lệ ấn loát và phát hành vào đầu tháng 5-2006, giá 25 Mỹ Kim (kể cả cước phí), ngoài Hoa Kỳ 30 Mỹ Kim.

Địa chỉ liên lạc:
Nguyễn Đức Cung
257 Kearny Ave, 1st Floor
Kearny, NJ 07032
201-736-5108                 
Email: cungdnguyen @ aol.com