Vụ Trịnh Xuân Thanh và những bí ẩn

Lữ Giang
 
Vụ Trịnh Xuân Thanh và những bí ẩn

Hiện nay, các cơ quan truyền thông quốc tế cũng như Việt ngữ đã bàn khá nhiều về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc từ Đức đưa về Hà Nội. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, chẳng hạn như: Tại sao Hà Nội không áp dụng thủ tục dẫn độ mà phải đi bắt cóc? Với lý do quan trọng nào khiến Hà Nội phải chấp nhận những hậu quả tai hại về ngoại giao, chính trị và kinh tế do bắt cóc để đổi lấy Trịnh Xuân Thanh? Phải chăng Hà Nội đã tính toán kỹ?
Image result for trịnh xuân thanh pictures
Nhìn lại con đường quan lộ của Trịnh Xuân Thanh, từ khi làm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PCV) năm 2007, rồi Chủ Tịch HĐQT tổng công ty này năm 2009 cho đến khi bỏ trốn ra nước ngoài và bị bắt cóc đưa trở về Việt Nam… chúng ta đều thấy chứa đựng nhiều bí ẩn khó hiểu.
KHÁI LƯỢC VỀ TRỊNH XUÂN THANH
Trịnh Xuân Thanh sinh ngày 13.2.1966 tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Bố là Trịnh Xuân Giới, sinh năm 1939, vào đảng năm 1962, Tiến Sĩ Sử học, Cựu Hiệu trưởng trường Đoàn Trung Ương, cựu Phó Trưởng ban Dân Vận Trung ương Đảng CSVN, hiện là Chủ tịch của Công ty TNHH Mai Phương.
1.- Thăng quan tiến chức
Thanh tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Quy hoạch đô thị tại Đại học Kiến trúc năm 1990, sau đó sang làm việc ở Cộng hòa Liên bang Đức. Năm 1995 Thanh về nước và từ năm 1996 đến năm 2000, ông làm Phó Giám đốc Công ty Detesco của Trung ương Đoàn. Từ năm 2000 – 2004 Thanh làm Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Tổng Công ty Sông Hồng, Việt Trì, Phú Thọ. Từ năm 2005 – 2007, Thanh làm Phó Tổng rồi Tổng giám đốc của Tổng Công ty Sông Hồng.
Năm 2007, Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được nâng lên thành Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam Construction – PVC), Thanh được chuyển về làm Phó Tổng giám đốc rồi sau đó năm 2009 là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty này và được phong danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2011.
2.- Những diễn biến khác thường
Đến năm 2013, khi PVC rơi vào tình cảnh thua lỗ trầm trọng trên 3.274 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD), và có nguy cơ mất vốn, Thanh được Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm làm Phó Chánh văn phòng Bộ Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng. Tháng 2 năm 2014, Thanh được Bộ trưởng Bộ Công thương bổ nhiệm lên chức vụ Vụ trưởng – Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương. Tháng 5/2015, Trịnh Xuân Thanh được luân chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Năm 2016, Thanh ứng cử ĐBQH khóa 14 tại Hậu Giang và trúng cử với tỷ lệ 75,28%. Nhưng ngày 15.7.2016, theo kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Hội đồng bầu cử quốc gia biểu quyết không xác nhận tư cách ĐBQH của Trịnh Xuân Thanh với 100% số phiếu.
3.- Mất chức và đi trốn
Ngày 6.9.2016, ông đã gửi đơn xin ra khỏi Đảng vì “không còn tin vào sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư”. Ngày 8.9.2016, Ban Bí thư Trung Ương Đảng họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã biểu quyết 100% bằng phiếu kín quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ Trịnh Xuân Thanh ra khỏi Đảng.
Ngày 16.9.2016, Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, ra Quyết định số 363/C46(P12) khởi tố Trịnh Xuân Thanh về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 165 Bộ luật Hình sự; đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và khám xét Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 15.9.2016, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 4 bị can thuộc Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam gồm: Vũ Đức Thuận , nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc;  Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc và Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC.
Tháng 7/2016, Thanh đã gửi đơn đến tỉnh uỷ Hậu Giang xin nghỉ phép từ 25 đến 29/7. Ngày 19/8, Thanh gửi đơn lần 2 xin nghỉ một tháng (3/8 – 2/9) để đi nước ngoài trị bệnh. Theo tài liệu của Bộ Công an, Thanh đã bỏ trốn ra nước ngoài ngày 16.9.2016 và đã qua trú ẩn ở Đức.
Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, cơ quan Cảnh sát điều tra ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.
TẠI SAO KHÔNG ÁP DỤNG THỦ TỤC DẪN ĐỘ?
Thủ thục dẫn độ theo quốc tế công pháp khá phức tạp, ở đây chúng tôi chỉ trình bày những khái niệm căn bản để tìm hiểu tại sao Hà Nội không yêu cầu áp dụng thủ tục dẫn độ đối với Trịnh Xuân Thanh ở Đức mà phải bắt cóc.
1.- Những quy định về dẫn độ khá phức tạp
Hiện nay, Việt Nam đã ký hiệp định song phương về chuyển giao người bị kết án với 5 nước là Anh, Nam Hàn, Úc, Thái Lan và Hungary. Việt Nam cũng đã ký hiệp định song phương về dẫn độ với 5 nước là Algeria, Ấn Độ, Nam Hàn, Indonesia và Hungary. Nhưng Việt Nam chưa có hiệp ước dẫn độ song phương với Đức. Tuy nhiên, cả Việt Nam lẫn Đức đều đã tham gia vào Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia được thông qua ngày 15.11.2000. Điều 16 của Công ước này có quy định về việc dẫn độ. Tại sao Hà Nội không căn cứ và điều 16 của Công Ước này để yêu cầu Đức cho dẫn độ Trịnh Xuân Thanh?
Điều 16 gồm 17 khoản quy định về dẫn độ. Điều này đòi hỏi điều kiện là hành vi phạm tội dẫn đến việc dẫn độ đáng bị trừng phạt theo pháp luật trong nước của cả quốc gia yêu cầu lẫn quốc gia được yêu cầu. Thành viên muốn dẫn độ sẽ phải chuyển ngay vụ việc này cho các cơ quan có thẩm quyền truy tố. Cơ quan có thẩm quyền đó sẽ đưa ra quyết định của họ và tiến hành tố tụng theo một trình tự thủ tục giống như đối với những hành vi phạm tội khác có cùng mức độ nghiêm trọng phù hợp với pháp luật trong nước của quốc gia thành viên nói trên. Các quốc gia thành viên hữu quan sẽ hợp tác với nhau trong quá trình tố tụng và về chứng cứ, để đảm bảo tính hiệu quả của việc truy tố. Khoản 15 còn quy định các quốc gia thành viên có thể từ chối yêu cầu dẫn độ với lý do hành vi phạm tội cũng liên quan đến vấn đề tài chính quốc gia.
Ngoài những quy định của điều 16, việc dẫn độ còn phải tuân thủ các nguyên tắc về dẫn độ được án định trong quốc tế công pháp nữa.
2.- Nguyên tắc “In dubio pro reo”
Cho đến nay, trong danh sách những người bị truy nã của Cảnh Sát Quốc Tế (Interpol), người ta không thấy tên Trịnh Xuân Thanh. Điều này cho thấy bằng chứng (evidence) về tội phạm của Trịnh Xuân Thanh mà cơ quan tư pháp Hà Nội đưa ra không thuyết phục được.
Donald Trump và nhóm cuồng Trump chẳng biết gì về luật pháp, thường coi những lời tố cáo đối phương đều là tội phạm, nhất là các tin được phổ biến trên Wikileak.  Nhưng với luật pháp, những lời tố cáo chỉ được coi là thông tin (information). Những thông tin đó nhiều khi không giúp tìm ra tội phạm mà chỉ là những lời mạ lỵ phỉ báng. Nguyên tắc của hình luật là “In dubio pro reo tức khi có nghi vấn, phải coi người bị tố cáo là không có tội.
Với những quy định chặt chẽ của luật dẫn độ, Hà Nội thấy khó vượt qua được. Ngoài ra, trong một chế độ thường coi “miệng tao là luật”, những người thi hành luật pháp thường không được huấn luyện đầy đủ, nên khó tiến hành các cuộc tranh tụng quốc tế. Hà Nội nhận ra những yếu kém đó nên đã không cho tiến hành thủ tục dẫn độ đối với Trịnh Xuân Thanh mà cho đi bắt cóc!
MỘT VỤ BẮT CÓC NGANG NGƯỢC
Chiều ngày 31.7.2017, bà Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo: “Thông báo ngày 31.7.2017 của Bộ Công an và đã được báo chí đăng tải, theo đó ngày 31.7.2017 Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra.”
1.- Diễn biến của vụ bắt cóc
Trong một cuộc họp báo, Văn phòng Công Tố Đức tại Berlin cho biết Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc ngay trước Khách Sạn Sheraton Berlin Grand Hotel Esplanade ở quận Tiergarten, Berlin, hôm 23/7 trong lúc ông đang ngồi trên ghế công viên ở sát bên cạnh dòng sông trên đường Lützowufer. Camera trên đường phố và Camera của Sheraton Hotel đã ghi lại rõ hình ảnh bọn bắt cóc và luôn cả chiếc xe van màu đen, mang bản số Cộng Hòa  Szech. Cảnh sát đã nắm chắc sự kiện bắt cóc qua hình ảnh video – chiếc xe van đen mang bản số Cộng Hòa Szech đã chạy sang Pháp qua ngả Belgium.
 alt
Chiếc xe bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức
Sở Cảnh sát Đức cho biết ở Berlin có tổng cộng hơn 15.000 CCTV cameras, trong số này có 3.200 cameras chuyển hình ảnh thẳng về Trung Tâm Chống Khủng bố của Cảnh sát. Theo Cảnh sát Đức, An ninh sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức đã phối hợp cùng một băng đảng xã hội đen tại Cộng Hòa Szech để thực hiện vụ bắt cóc này. Bí Thư Thứ Nhất Đại Sứ Quán Việt Nam tại CHLB Đức là Nguyễn Đức Thoa đã có hình trong video an ninh tại Khách Sạn Sheraton Berlin Grand Hotel trong thời điểm bọn bắt cóc vũ trang áp tải Trịnh Xuân Thanh lên chiếc xe đậu trước khách sạn này. Ông Thoa đã bị Cảnh sát Đức áp tải lên Phi Trường Schönefeld ở Berlin và trục xuất trong một chuyến bay gần nhất.
Tối thứ tư ngày 3.8.2017. chương trình Heute Journal của Đài truyền hình quốc gia Đức ZDF, một trong 2 đài truyền hình lớn nhất nước Đức, đã dành hơn 3 phút tường thuật về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin rồi áp tải đến phi trường ở một nước Đông Âu (phi trường Prague ở Szech). Tại đây đã có một chiếc máy bay chờ sẵn, Trịnh Xuân Thanh được đặt trong một chiếc cáng thương, và các nhân viên mật vụ ngụy trang người chăm sóc bệnh nhân đã đem ông lên máy bay và đưa về Việt Nam. Cộng Hòa Szech đang mở cuộc điều tra.
2.- Nhận diện ra người phụ nữ cùng bị bắt
Video cũng giúp nhiều người nhận diện ra người phụ nữ cùng ngồi với Trịnh Xuân Thanh trên ghế công viên bên bờ sông khi bị bắt, đó là cô Tô Linh Hương, con của ông Tô Huy Rứa, Ủ̉y viên Bộ Chính tri, cựu Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, một nhân vật đầy quyền lực trước đây.
 Image result for Tô Linh Hương Picture
Cô Tô Linh Hương
Tô Huy Rứa là người đỡ đầu cho Trịnh Xuân Thanh. Ngày 14.4.2012, ông Rứa đã đưa cô Hương mới 24 tuổi vào làm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex do Trịnh Xuân Thanh thành lập. Nhưng công ty này lại quá tai tiếng về lỗ lã và liên tục làm vỡ đường ống nước Sông Đà nên ít tháng sau ông Rứa phải rút cô Hương ra. Những người đỡ đầu cho Trịnh Xuân Thanh đã bị cất chức và điều tra, nhưng ông Rứa chưa bị đụng đến vì là “người đồng hành” với Nguyễn Phú Trọng. Cô Hương đã qua tị nạn ở Đức và được nói là bồ nhí của Thanh. Nhiều người tin rằng Công an đã dùng Tô Linh Hương làm “chim mồi” để bắt Trịnh Xuân Thanh. Không ai biết cô Hương hiện đang ở dâu.
3.- Phản ứng của chính quyền Đức
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức ra hôm 2/8 cho biết chính phủ Đức “không nghi ngờ” gì việc Bộ Ngoại giao Việt Nam và mật vụ có dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hôm 23/7, và việc này “vi phạm luật pháp Đức và quốc tế.” Ông Martin Schaefer, phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức, nói rằng vụ việc này “có khả năng ảnh hưởng nặng nề tới các mối quan hệ (giữa 2 nước).” Ông gọi đây là “một sự bội ước lòng tin vô cùng lớn.” Chính quyền Berlin cũng nói rằng Việt Nam đã “bội tín” sau khi từng yêu cầu dẫn độ ông Thanh về nước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị G20 ở Đức hồi đầu tháng trước. Ông nhấn mạnh:
“Chính phủ Liên bang Đức yêu cầu phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ đề nghị dẫn độ và đơn xin tị nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý.”
4.- Dùng trò cãi chày cãi cối
Tối 3/9, đài truyền hình VTV của Việt Nam đã cho chiếu đoạn phim được nói là đã quay ngày 31/7. Trong phim, Trịnh Xuân Thanh ngồi ở địa điểm không xác định, nói ông đã “suy nghĩ không chín chắn” và “đành phải về để đối diện sự thật”. Ông nói “cần về gặp lại mọi người, đặc biệt là những lãnh đạo để báo cáo nhận khuyết điểm, xin lỗi”. VTV cũng đưa hình về “đơn xin tự thú” viết tay ghi ngày 31/7 tại Hà Nội, được nói là của ông Thanh.
 Image result for Tô Linh Hương Picture
Trịnh Xuân Thanh trên đài truyền hình VTV
Bà Petra Schlagenhauf, luật sư của Trịnh Xuân Thanh ở Đức, nói với BBC sau khi xem đoạn phim: “Đây là ‘tự thú’ ép buộc. Ông ấy bị bắt cóc. Chúng tôi biết, cảnh sát Đức biết, chính phủ Đức biết.” Bà nói thêm: “Tôi lo ngại cho sức khỏe thân chủ. Ông ấy trông rất tệ.”
Hôm thứ Sáu 4.8.2017, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tuyên bố Đức đang cân nhắc các biện pháp trả đũa Việt Nam vì cáo buộc Hà Nội bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin. Ông nhắc lại Đức đã yêu cầu một sĩ quan tình báo Việt Nam rời Berlin vì tin rằng ông này liên quan đến việc bắt cóc. Ông nói: “Chúng tôi đòi hỏi ông ta ra đi vì chúng tôi rất tin rằng ông ta liên quan vụ bắt cóc,”.
Ông nói thêm ông Trịnh Xuân Thanh “bị đưa ra khỏi Đức, bằng các biện pháp mà chúng tôi tin rằng người ta xem trong các phim hình sự về Chiến tranh Lạnh. Đây là điều chúng tôi không thể chấp nhận.”
Cả thế giới chẳng ai tin vào những lời biện bác của nhà cầm quyền Hà Nội nên mọi kịch bản cãi chày cãi cố đều vô ích.
TẠI SAO HÀ NỘI PHẢI XỬ DỤNG HÀNH ĐỘNG TỒI TỆ NÀY?
Đã có rất nhiều nhận xét khác nhau về việc Đảng CSVN phải cho bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đưa về nước, nhưng giả thuyết được coi là thuyết phục nhất là vấn đề thanh toán nội bộ: Phe Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phải thanh toán xong phe Nguyễn Tấn Dũng, một nhóm được coi là có quyền lực và tham nhũng lớn nhất trong Đảng CSVN từ trước đến nay, để trừ hậu họa.
Chúng tôi xin nhắc lại rằng khi Nguyễn Tấn Dũng được tái đắc cử Thủ Tướng nhiệm kỳ thứ 2 vào ngày 25.7. 2011, lúc đó Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (2011 – 2015) có 175 ghế Ủy viên Trung Ương chính thức thì phe Dũng chiếm đến 70%, còn 30% thuộc về các phe khác, nên Dũng làm mưa làm gió. Nay Nguyễn Tấn Dũng đã bị mất chức, nhưng còn khoảng 50% những người theo Dũng vẫn liên kết với nhau chống Nguyễn Phú Trọng vì sợ bị thanh toán, mất cả chì lẫn chài.
Vụ tham nhũng điển hình nhất của tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng vẫn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam phụ thuộc. Trong thư tố cáo được phổ biến trên Facebook vào tháng 3 năm 2017, Trịnh Xuân Thanh đã tố cáo các cán bộ bán dầu gồm Công an, Hải Quan, Dầu khí… đã ăn trộm dầu ở các mỏ dầu ngoài khơi Vũng Tàu và bán cho nước ngoài. Ví dụ xuất bán 100.000 tấn dầu thì tàu mua chỉ trả 70.000 tấn qua ngân hàng có hoá đơn, còn 30.000 tấn thì họ trả bằng tiền mặt ngay trên tàu với giá chỉ bằng 50% giá thị trường và khoản tiền này không được đưa vào sổ sách. Thư tố cáo nói rõ từ ngày Nguyễn Tấn Dũng lên làm Thủ tướng và Đinh La Thăng làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí, thì khách hàng mua dầu khoảng 70% là Trung Quốc… Chỉ tính trong 10 năm Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, mỗi năm Việt Nam xuất bán 20 triệu tấn dầu thô với lượng dầu thô ăn cắp khoảng 30% tức là khoảng 6 triệu tấn/năm. Mỗi tấn tính rẻ 600 đô, như vậy là băng đảng Nguyễn Tấn Dũng và Đinh La Thăng đã ăn gọn là 10 x 6 x 600 = 36 tỷ đô. Đó là chưa kể đến hàng trăm khoản tham nhũng khác từ ngành Dầu khí như mua sắm thiết bị, vật tư, chi phí khai thác, mua sắm tàu bè…
Sau khi bị mất chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam vì tổng công ty này bị thua lỗ trầm trọng trên 3.274 tỷ đồng, Thanh vẫn được thăng chức nhờ chạy chọt. Cuộc điều tra của Bộ Công An cho biết Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã nhận 3 triệu USD cho việc khen thưởng, tuyển dụng, trình Thủ tướng phê chuẩn bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Hai Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ khác là bà Trần Thị Hà và Nguyễn Duy Thăng cũng được chia chác. Bà Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa vừa bị cách chức cũng vì dính vào vụ ăn tiền của Trịnh Xuân Thanh. Chuyện Trịnh Xuân Thanh đi trốn một cách dễ dàng cũng là do sự sắp xếp của nhóm viên chức tham nhũng.
Với một vài sự kiện được trình bày trên, chúng ta thấy Trịnh Xuân Thanh là một trong các thủ phạm chính và là một nhân chứng quan trọng trong các vụ án tham nhũng thời Nguyễn Tấn Dũng. Nếu bắt được Trịnh Xuân Thanh, có thể dùng Thanh để thanh toán tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng.
Tập đoàn Nguyễn Phú Trọng biết rất rõ tác hại do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây ra sẽ rất nghiêm trọng, nhưng nó không bằng những tác hại do sự vùng dậy của tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng. Nếu Tập đoàn này vùng dậy được, tập đoàn Nguyễn Phú Trọng sẽ bị tan vỡ ngay. Còn những quan hệ với Đức dù bị mất đi, trong khoản năm hay mười năm sau vẫn có thể phục hồi lại được. Đó là lý do khiến tập đoàn Nguyễn Phủ Trọng chọn giải pháp bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 10.8.2017
Lữ Giang