Khai mạc Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc La Vang


Khai mạc Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc La Vang lần thứ 31

TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc La Vang diễn ra mỗi ba năm một lần tại Trung tâm hành hương toàn quốc Đức Mẹ La Vang, Tổng giáo phận Huế. Trong bối cảnh Giáo hội hoàn vũ kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Đại hội lần thứ 31 năm nay với chủ đề “Sống tinh thần Sứ điệp Fatima” đã chính thức khai mạc lúc 5g chiều Chúa nhật 13-08-2017.

Sau những âm thanh rộn rã tạo bầu khí cho Đại hội do đội kèn trống của giáo phận Bùi Chu và giáo phận Thái Bình phụ trách, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng giám mục Huế, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, đã đọc diễn văn khai mạc trước khoảng 50.000 người tham dự gồm các tín hữu Công giáo từ khắp nơi trong cả nước và cả những người ngoài Công giáo. Trước hết, Đức Tổng giám mục Giuse điểm qua lịch sử Đại hội từ thuở ban đầu, sau đó ngài giới thiệu các Đức giám mục hiện diện: ngoài Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục, còn có Đức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng giám mục Hà Nội; Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Toà thánh tại Việt Nam và 13 giám mục khác của nhiều giáo phận. Cuối cùng Đức cha Chủ tịch long trọng tuyên bố khai mạc Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc La Vang lần thứ 31 trong tiếng vỗ tay vang dậy của cộng đoàn.
Sau đó, Đức cha Chủ tịch cùng với Đức Tổng giám mục Girelli và Đức Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, nguyên Tổng giám mục Huế, cùng thả bong bóng tượng trưng cho ba miền đất nước lên bầu trời cao, như ước vọng của đoàn con toàn cõi đất Việt hướng lên Mẹ, để xin Mẹ cầu thay nguyện giúp và ban xuống muôn ơn lành.
Nối tiếp là vũ khúc chào mừng của Hội dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng với những cánh hoa rực rỡ sắc màu, diễn tả tâm tình hân hoan của đoàn con cái được về bên Mẹ.
Kết thúc vũ khúc, quý Đức cha và đoàn đồng tế gần 200 linh mục mặc lễ phục để chuẩn bị dâng Thánh lễ. Thánh lễ do Đức Tổng giám mục Girelli chủ tế.
Sau khi làm dấu Thánh Giá và ngỏ lời chào mừng, Đức Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng đã nói về ý nghĩa của Thánh lễ khai mạc này: Trước hết, nhiều đoàn con cái Mẹ từ khắp nơi cùng nô nức quy tụ về bên Mẹ, để cùng với Mẹ tạ ơn Chúa về những ơn lành đã lãnh nhận. Dịp Đại hội năm nay cũng trùng với sự kiện kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Với chủ đề của Đại hội “Sống tinh thần Sứ điệp Fatima”, đoàn con cái Mẹ đang hiện diện nơi đây cùng hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ để đáp lại lời Mẹ mời gọi năm xưa là: quyết tâm ăn năn đền tội và cải thiện đời sống; siêng năng lần hạt mỗi ngày; và tôn sùng trái tim Đức Mẹ.
Phụng vụ Lời Chúa gồm các bài đọc với nội dung kêu gọi người tín hữu giữ lòng ngay thẳng, kiên trì trước những khốn khổ và luôn bám chắc vào Chúa.
Sau bài Tin Mừng, Đức Tổng giám mục Girelli nhờ cha Đaminh Phan Văn Anh giúp chuyển ngữđã chia sẻ Lời Chúa với cộng đoàn như sau:
Tin mừng hôm nay nhắc chúng ta rằng Đức Maria vừa là người mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu vừa là khuôn mẫu thôi thúc chúng ta bước theo Con của Người. Tin Mừng tường thuật cảnh Đức Maria và Thánh Giuse tìm gặp Chúa Giêsu trong Đền Thờ; Người ngồi giữa các tiến sĩ, lắng nghe và hỏi họ. Tin Mừng giúp chúng ta khám phá ra rằng sứ vụ ưu tiên hàng đầu của Chúa Giêsu là thi hành ý muốn của Cha Người. Vì thế hôm nay, là những người hành hương, chúng ta quy tụ về Trung tâm Thánh mẫu toàn quốc La Vang để tìm sự chỉ bảo của Đức Mẹ, để hiểu được ý muốn của Thiên Chúa trong đời mình, đặc biệt trong năm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Trong những ngày hành hương này, qua Đức Mẹ, chúng ta hãy xin Chúa Giêsu mở lòng chúng ta trước quà tặng về sự hiện diện của Thiên Chúa khi cầu nguyện, xin Ngài chữa lành chúng ta với tặng phẩm bình an và lòng thương xót của Người, đồng thời biết chia sẻ niềm vui của mình cho những anh chị em khác.
Một cuộc hành hương về La Vang phải luôn luôn là thời gian của cầu nguyện và dành cho việc cầu nguyện. Suốt hai ngày còn lại, tất cả chúng ta sẽ dành thời giờ cho việc cầu nguyện. Cầu nguyện là một cái gì rất dễ làm để Thiên Chúa hiện diện với chúng ta. Vì thế hãy xin Mẹ Maria dạy chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa khi cầu nguyện, cách riêng trong sự tĩnh lặng của tâm hồn, trong các bí tích, trong các cử hành phụng vụ, trong những người chúng ta cầu nguyện cho và cả những người chúng ta cùng cầu nguyện với họ…
Hành hương về La Vang còn là cơ hội cho việc chữa trị tâm hồn. Chúng ta ở lại trước nhan Đức Mẹ La Vang với những lắng lo yếu nhược và có thể với cả những bệnh tật của mình. Có thể chúng ta phải lo lắng cho sức khoẻ của mình hoặc sức khoẻ của một ai đó, có thể là người trong gia đình hay bạn bè. Hãy xin Đức Mẹ La Vang cầu bầu cho chúng ta để mỗi người sẽ được chúc lành với quà tặng bình an cứu chữa của Thiên Chúa vốn sẽ chữa trị tâm hồn chúng ta khỏi phải sờn lòng nản chí. Cuộc hành hương của chúng ta về La Vang còn là thời khắc sống trong niềm vui, chúng ta khát khao nhận biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa, vì “tâm hồn chúng con hỉ hoan khi được an nghỉ trong Chúa”. Chỉ khi dõi bước theo Chúa Giêsu và ở lại trong Người, chúng ta mới thực sự hạnh phúc.
Trình thuật tìm gặp Chúa Giêsu trong Đền Thờ khiến chúng ta nghĩ đến tình hình ở Việt Nam; nhất là trong một số tỉnh Việt Nam các nhà chức trách dân sự đang quan ngại và trách cứ những người Công giáo và các sinh hoạt của người Công giáo. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho cha mẹ Người sẽ làm sáng tỏ vấn đề: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Cũng những lời tương tự, chúng ta có thể nói như thánh Phêrô tồng đồ rằng: Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm; hoặc chúng ta có thể lặp lại câu nói thời danh của Chúa Giêsu: Của Cesar trả về Cesar, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa. Vì lý do đó tôi muốn ngỏ lời với các Cesar Việt Nam: Hãy trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Thật vậy, tự do tôn giáo không phải là một cái gì tuỳ tiện trong tay các nhà chức trách, nhưng tự do tôn giáo là một quyền trong tay của người dân. Nhiều người trên thế giới ước mong rằng quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam phải được tôn trọng hơn, phải được thực thi đầy đủ hơn, và Hội Thánh Công giáo phải được nhìn nhận như một nguồn thiện ích hơn là một vấn nạn cho đất nước.
Tuy nhiên, sự tùng phục và nhẫn nại cũng là giáo huấn của Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu đã tùng phục Cha trên trời của Người và còn vâng lời cả cha mẹ của Người nữa. Mỗi khi chúng ta tùng phục thẩm quyền hợp pháp của quốc gia chiếu theo hệ thống dân luật, cũng như mỗi khi vâng phục các mục tử trong Hội Thánh, chúng ta trở nên hình ảnh của Chúa Kitô, Đấng đã thi hành ý muốn của Chúa Cha.
Hơn nữa chúng ta có thể nhận ra rằng Thánh Giuse và Mẹ Maria trong Đền Thờ đã không hiểu những lời của Chúa Giêsu, nhưng các ngài đã nhẫn nhịn chấp nhận chúng trong đức tin và Đức Maria đã giữ các điều ấy và suy niệm trong lòng; về sau Đức Mẹ sẽ nhận ra sứ vụ của Con mình. Tương tự như thế, chúng ta hãy để tâm suy nghĩ về những hoàn cảnh và các biến cố. Thinh lặng và nhẫn nhịn là một phần trong cuộc sống người Kitô hữu. Khi phải chứng kiến bao điều khuất tất, chúng ta cứ ghi nhận chúng, và kiên tâm đợi cho đến ngày Thiên Chúa phơi bày ý nghĩa.
Trong năm nay và hai năm kế tiếp, các giám mục Việt Nam mời gọi chúng ta suy tư về đời sống gia đình và cầu nguyện cho sự sống gia đình. Vì thế, chúng ta hãy học những bài học từ Thánh Gia. Chân phước giáo hoàng Phaolô VI gọi ngôi nhà của Thánh gia là một trường học; nơi đó, chúng ta có thể học biết ba giá trị hệ trọng. Giá trị thứ nhất là sự thinh lặng, như một điều kiện không thể thiếu của việc tư duy. Ngôi nhà phải là một nơi ở đó có sự riêng tư, an bình và đủ tĩnh lặng cho việc trầm tư, suy niệm và cầu nguyện. Giá trị thứ hai là đời sống gia đình như một sự thông hiệp của tình yêu. Gia đình là nơi ưu tiên trong đó cha mẹ và con cái học biết yêu thương. Giá trị thứ ba là làm việc, như là thực hành trọn vẹn giao ước ban đầu mà Thiên Chúa đã thiết lập với con người, rằng hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và làm chủ thống trị nó. Vậy, chúng ta hãy đem sự tĩnh lặng, sự hiệp nhất và những nỗ lực vào cuộc sống gia đình mình, để với tư cách là những người Công giáo, chính chúng ta có thể làm nên một sự khác biệt như những người khôn ngoan, đầy yêu mến và cần mẫn cho Giáo hội Việt Nam cũng như cho lợi ích của đất nước.
Về với Đức Mẹ La Vang, chúng ta lòng đầy tin yêu và hân hoan. Nơi đây chúng ta trở nên mạnh mẽ; được như thế là nhờ tình mẫu tử của Đức Mẹ. Rất thánh Trinh nữ Maria là người mẹ đồng hành với chúng ta trên hành trình đức tin. Đức Mẹ ban cho chúng ta niềm hy vọng, chúng ta vui mừng tôn vinh Mẹ tại La Vang này, cùng nhau xây cho Mẹ một Vương cung thánh đường lộng lẫy tại nơi đây.
Lạy Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ La Vang, con xin phó thác Giáo hội Việt Nam, các giáo hội tại Á châu và Giáo hội hoàn vũ cho Mẹ. Mẹ đến với chúng con như chúng con từng cảm nhận điều đó bao lần trong đời mình. Xin Mẹ mang Chúa Giêsu đến cho chúng con. Xin Mẹ mang Chúa Giêsu đến cho gia đình chúng con. Xin Mẹ mang tất cả mọi gia đình Việt Nam đến với Chúa Giêsu. Xin giúp mọi gia đình nhận biết Chúa Giêsu Con của Mẹ, Đấng đang đến, là Chúa và là Vị Mục tử đầy yêu thương.
Sau phần tuyên xưng đức tin, cộng đoàn cùng hiệp lòng trong lời nguyện tín hữu, cầu xin cho Đức Thánh Cha Phanxicô được ơn khôn ngoan để lãnh đạo dân Chúa, cầu cho hòa bình thế giới, cho những người đau khổ bệnh tật thể xác và tinh thần, và cầu cho mọi người về hành hương được thêm lòng bác ái, yêu thương.
Cuối cùng, trước khi ban phép lành Toà Thánh, Đức Tổng giám mục Girelli bày tỏ niềm vui khi được cử hành Thánh Lễ khai mạc Đại hội Thánh Mẫu cùng với các giám mục và  cộng đoàn hành hương rất đông đảo. Ngài cũng mời gọi mỗi người hãy luôn tin tưởng, tiếp tục cậy trông vào Đức Mẹ.
Đại hội tiếp tục với nghi thức rước kiệu Thánh Thể vào lúc 8g tối, sau đó chầu Thánh Thể suốt đêm cùng với việc sám hối, xưng tội.
***
Ngày thứ hai của Đại hội bắt đầu với Thánh lễ kính Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu lúc 5g sáng tại lễ đài trước Vương cung thánh đường. Buổi sáng dành cho bài thuyết trình về kỷ niệm 100 Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Lúc 15g chiều có buổi đọc kinh Lòng Chúa Thương xót tại Linh đài Đức Mẹ và dâng hoa cho Đức Mẹ, Thánh lễ vọng kính Đức Mẹ hồn xác lên trời tại lễ đài lúc 17g. Kết thúc ngày thứ hai, sau phần diễn nguyện tại Linh đài lúc 20g là Thánh lễ kính Lòng Chúa Thương xót tại Đài Lòng Chúa Thương xót vào lúc 21g30.
Ngày thứ ba là cao điểm của Đại hội với Thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ hồn xác lên trời tại lễ đài trước Vương cung thánh đường vào lúc 5g sáng. Đại hội sẽ bế mạc sau Thánh lễ.



















(Theo tonggiaophanhue.net)