GS Thái Công Tụng
Môi trường và sức khỏe người lớn tuổi
Thời tuổi trẻ thì giáo dục là trung tâm còn đến tuổi già thì trung tâm phải là sức khỏe . Hai vấn đề giáo dục và sức khỏe chính là bận tâm nhất của chính phủ Quebec hiện nay nên trong ngân sách hàng năm của Quebec, hai Bộ chiếm ngân sách nhà nước nhiều nhất chính là Bộ Giáo Dục và Bộ Y tế .
Xã hội Tây phương càng ngày càng lão hoá vì tuổi thọ càng ngày càng tăng do nhiều yếu tố như tiến bộ khoa học kỹ thuật nhưng người càng già thì chi phí y tế càng nhiều hơn vì người già thì dĩ nhiên hay đau ốm hơn. Đau ốm này không những thể chất mà còn tinh thần.
sức khỏe cơ th‹: khỏe mạnh;
sức khỏe tâm thần: vui đời, lạc quan;
sức khỏe xã hội: hòa hợp với xã hội, cộng đồng.
Nói khác đi, sức khỏe phụ thuộc nhiều vào môi trường. Môi trường không chỉ là môi trường thiên nhiên mà còn bao gồm cả môi trường nhân văn
1.Môi trường thiên nhiên
Nó bao gồm những yếu tố thiên nhiên như trái đất, khí hậu, mưa, gió, mặt trời, cây cỏ, chim muông v.v..
1.1.-Khí hậu tác động lên trồng trọt hoa màu đã đành mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người . Vài ví dụ : xứ Canada mỗi năm có bao nhiêu tháng nắng. Mùa lạnh kéo dài với băng tuyết ngoài đường khiến người già không những dễ đau nhức khớp xương, dễ té, dễ bổ mà người già càng dễ bị buồn rầu. Tại Pháp, cách đây 2 năm, có trên 25 000 cụ ông, cụ bà chết vào mùa hè vì nóng.. Đầu mùa đông, người lớn tuổi đều đi chích ngừa trị cảm cúm. Các danh từ thông dụng như cảm lạnh, cảm nóng vô hình chung cũng nói lên ảnh hưởng khí hậu đến sức khỏe con ngưòi .Các sự thay đổi khí hậu toàn cầu chỗ này gây lụt lội nhiều hơn, bão gió mạnh hơn, chỗ kia hạn hán gắt hơn, mùa màng bị thất bát, khiến nhiều nơi dân phải chọn di cư đi nơi khác tạo ra một thứ di dân mới được mệnh danh là di dân môi trường
1.2-Không khí ô nhiễm với khói xe, khói nhà máy làm các bụi lơ lửng trên không cũng nhiều, gây dị ứng và khó thở. Mỗi năm, vào đầu xuân, chúng ta dễ bị dị ứng với các phấn hoa với sổ mũi, chảy nước mắt . Đọc báo gần đây hơn, có nhiều cuộc tụ họp dân Quebec phản đối sự thiết lập các trại nuôi heo vì sợ không khí các vùng xung quanh bị hôi hám ô nhiễm, sợ dòng nước cuối nguồn bị ô nhiễm .Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Âu châu cho thấy các người dân sống trong các khu vực ô nhiễm thường bị mắc bệnh về đường hô hấp, phổi và ngoài ra, còn bị mắc bệnh tim mạch cao hơn 40% so với nhóm dân sống ở nơi có không khí trong lành.
1.3 Mặt trời cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người .Chẳng thế mà dân Canada hàng năm nhất là người già phải di chuyển xuống Florida ở 5-6 tháng để có bầu trời nắng ấm, tiêu pha hàng tỷ Mỹ kim, giúp cho nền kinh tế tiểu bang Florida . Nhiều người đi Cuba, Dominican Republic, Mexico như Cancun cũng chính là đi tìm nắng ấm mặt trời .
1.4. Nước cũng tác động lên sức khỏe con người .Trong thành ngữ dân gian Việt Nam có những danh từ như vùng nước độc, lam sơn chướng khí, vô hình chung cũng cho thấy nhận định người dân với tác động của môi trường. Đọc báo ta thấy gần đây, chính phủ Canada đã phải di chuyển nhiều làng thổ dân trên miền Bắc Ontario vì dòng nước uống bị ô nhiễm. Người da đỏ ở Canada hàng ngàn năm nay thường nói 'nước là dòng máu của Trái Đất', đủ thấy tầm quan trọng của nước.
1.5. Rừng cây cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người . Như vậy là vì rừng toả ra oxy trong lành và cũng hút bớt khí cacbonic độc hại, giúp cho hô hấp. Rừng là buồng phổi thứ hai con người .Rừng giúp bảo vệ đất mà nếu đất mất phì nhiêu do xói mòn thì không có thực phẩm, gây ra nạn đói kém.
Rừng không phải chỉ là tài nguyên hay môi trường vật lý mà rừng là tâm linh, là cõi vĩnh hằng, là cõi sâu thẳm của nội tâm, là 'một cõi đi về' .
1.6. Đất là một yếu tố quan trọng trong môi trường thiên nhiên vì đất là nơi nuôi dưỡng loài người, cây cỏ, muông thú . Nếu ta bảo vệ đất, chăm sóc thì đất sẽ giúp nhân loại khỏi đói, khỏi khát. Nếu ta làm hư đất như phá rừng thì đồi núi sẽ trọc, hoa màu sẽ thiệt hại, gây ra đói kém .Động đất, núi lửa cũng làm chết hàng chục, hàng trăm ngàn người .
Trên kia là những yếu tố quan trọng của môi trường thiên nhiên. Với cảnh phố phường chật hẹp, người đông đúc, với sự đô thị hoá, con người hầu như đã sống trong một môi trường giả tạo, với các nhà ximăng, với các toà cao ốc mênh mông nên không có cơ hội tiếp xúc với mặt đất . Thành phố thiếu không gian xanh, không khí ngột ngạt sau một ngày làm việc, về nhà lại ở trong 4 bức tường, với ánh sáng đèn điện, với máy điều hoà không khí, quạt điện ..tạo ra con người mệt mỏi, mất năng lượng, chán nản ..Trong các đô thị lớn thì đâu đâu cũng có hiện tượng BMW (Bus, Metro, Work) nên lại càng ít vận động. Con người miệt mài phố thị với cát bụi đô thành chẳng bao giờ nghe được tiếng ve, cảnh mặt trời lặn, những con đường lẫn vào mây, quờ tay là hái được sương mù, 'người ngồi xuống mây ngang đầu ', không còn được nghe tiếng sáo diều trong đồng vắng, không còn thấy trăng lên với cảnh 'đêm qua ra đứng bờ ao, trông cá cá lặn, trông sao sao mờ', không còn cảm nhận các cảnh 'sông dài trời rộng bến cô liêu ' và cuộc sống đô thị, thì nhà nào biết nhà đó, chỉ lo bon chen, tiêu thụ qúa sá, mà không nhận ra cái kiếp mong manh của kiếp người, cái mong manh của hạnh phúc thoáng qua 'đời sao im vắng, như đồng lúa gặt xong, người về soi bóng mình, giữa tường vắng lặng câm ' .
Do đó, muốn lấy lại thăng bằng, con người ngày nay lại càng cần đi tìm những khu rừng, những nọn núi cao vì chỉ ở đó, họ mới cảm thấy mình tan biến trong cái tĩnh lặng uyên nguyên. :
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Chính vì sống xa rời thiên nhiên là nơi cưu mang của con người nên thân tâm biến loạn do đó, ta cần tìm lại mối liên hệ chân chính với thiên nhiên, tìm lại niềm yêu thương lặng lẽ của đất, những khoảnh khắc đầy phù sa của dòng sông đang trôi khuất, những giọt sương mai lấp lánh, những dòng sông hiền hoà, những cánh dồng ngào ngạt đơm bông, để tinh thần được thảnh thơi như Nguyễn Công Trứ đã viết:
Người ta ở trong phù thế
Chũ vô cầu là chữ thiên nhiên
do đó chúng ta nên tiếp xúc với thiên nhiên như rừng cây, suối nước, màu xanh của bầu trời vì thiên nhiên là bà mẹ của ta.
Đi bộ trong các công viên, thiền hành tìm được sự yên tĩnh, thanh thản nội tâm, giữ được trạng thái tâm lý cân bằng trong nhịp sống xô bồ căng thẳng, mệt mỏi nhờ vậy an định nội tâm, an lạc . Nó giúp đẩy lùi và làm chậm lại tiến trình suy thoái cơ thể : bớt bệnh vì có không khí thở, bớt đau nhức, bớt phì nộn là điều kiện dẫn đến các bệnh khác như tiểu đường, cao huyết áp...
Đi bộ ra đi khi trời vừa sáng, đi bộ dưới vòm cây, trong công viên giúp điều hoà hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hoá, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm hồn, cả Thân lẫn Tâm.. Ngoài đi bộ, người lớn tuổi phải vận động cơ thể như tập thể dục, tập Tai Chi, tập khí công v.v.
Chính vì con người càng xa rời Thiên Nhiên nên hiện nay trào lưu trở về với Thiên Nhiên càng mạnh:
Các tu viện Thiền, các làng Thiền, các môn phái sử dụng Thiền như là trọng tâm sinh hoạt nẩy nở càng ngày càng nhiều, chính là để phản ứng lại với nếp sống xa rời các chuẩn mực của thiên nhiên. Các môn yoga, tập thở, y khoa mềm (médecine douce), các sách về tâm linh, nói về sự tu dưỡng tinh thần cho vững chãi trước những vòng xoáy của cuộc đời đầy cung bậc ngọt bùi cay đắng, đầy chuỗi vui, buồn, yêu thương, giận hờn .. bán rất chạy. Thiền hành trong những chốn âm u tĩnh mịch, du lịch sinh thái giúp con người tìm lại mối liên hệ với thiên nhiên.
Nếu 'người buồn cảnh có vui đâu bao giờ'' thì ngược lại ngoại cảnh nghĩa là môi trường sống xung quanh ta cũng ảnh hưởng đến con người, không những về tinh thần mà còn thể chất.
Ngoại cảnh không bị ô nhiễm, với không khí trong lành, nước chảy, thông reo giúp cho tâm an bình, tạo điều kiện giúp con người thoát tục dễ dàng hơn, tâm hồn không khuấy động, không tà kiến, buông xả được các bụi bặm phù du phiền muộn của cái tôi để hoà mình vào nhịp sống bao la của vũ trụ, giúp ta dễ đồng nhất với vũ trụ, cảm nghiệm lẽ trời trong tĩnh lặng để buông xả, để phá chấp và giúp con người tìm về bản tâm thanh tịnh của mình, tìm lại được thăng bằng thảnh thơi và nhờ vậy, giúp con người bớt ưu phiền, bớt căng thẳng. Thế nhưng, với sự gia tăng dân số, với kỹ nghệ hoá, thăng bằng thiên nhiên mà Tạo hóa đã phú cho Trời Đất càng ngày càng bị thương tổn nên tạo ra các biến đổi khí hậu toàn cầu, gây các hậu quả như ngày nay với các trận bão nối tiếp nhau không dứt, rồi hạn hán, sa mạc hoá v.v tạo ra một 'en-trô-pi sinh thái '. (ecological entropy)
2. Môi trường nhân văn
Vẽ những vòng tròn đồng tâm, môi trường nhân văn từ trong ra ngoài có thể kể con cháu, bạn bè, người đồng hương, láng giềng, hội đoàn v.v.
Người lớn tuổi thường cô đơn thể chất (vợ chết/chồng chết) và cô đơn tinh thần (buồn phiền, bi quan), chưa kể đến bệnh già, nên càng dễ bị tổn thương. Các nỗi cô đơn này vừa là cái nhân, vừa là cái quả của nhiều đau khổ. Con cái hoặc ở xa hoặc không có thì giờ chăm sóc cha mẹ .Người già mà ở nhà già, gặp toàn người bản xứ không cùng cảm thông vì văn hoá khác, ngôn ngữ khác thì tinh thần lại càng xuống mà tinh thần xuống thì cơ thể cùng xuống theo .
Ngày nay, đô thị hoá, kỷ nghệ hoá giúp con người thoát khỏi cảnh lam lũ đồng áng, đầu tắt mặt tối ở chốn bùn lầy nước đọng, đem đến cho ta nhiều tiện nghi văn minh: liên lạc nhanh hơn, thông tin nhanh hơn. Con người ở thời đại công nghiệp này có tâm trí luôn luôn bị động như robot suốt ngày, làm việc lắp ráp các bộ phận trong dây chuyền sản xuất từ máy điện toán đến ráp xe hơi, máy bay, mọi công đoạn đều lớp lang, có thời lượng quy định. Sự tiến bộ kỹ thuật từ nhiều thập niên gần đây với sự tăng tốc, cái gì cũng Express, nào là ExpressPost, Fast food, Café Express.. làm phá vỡ cấu trúc các xã hội cổ truyền làm con người không có thì giờ rãnh rổi tìm lại mình, tra vấn về cuộc đời mình .
Và chính sự phát triển này lại cũng manh mún hoá những cá nhân.
Cuộc sống xô bồ ngày nay làm con người cứ chạy đua theo vật chất, theo tiêu thụ, y như người cứ uống nước mặn ngoài biển khơí, mà càng uống thì càng khát:
Chúng ta ngày nay sống thọ hơn nhưng sống ít ý nghĩa hơn
Chúng ta chinh phục được vũ trụ nhưng không thắng được cõi lòng
Giải trí thì nhiều mà niềm vui thì ít
Đây là thời đại của thu nhập gấp đôi nhưng chia ly thì lại nhiều
Cuộc sống tiện nghi hơn nhưng ít thời gian nhàn rỗi hơn
Và đó chính là nghịch lý của thời đại ta đang sống, hôm nay và bây giờ . Phát triển kỷ thuật cũng có nghĩa là thời gian bị đo lường, chắt bóp làm biến đi nhịp sống an nhiên tự tại. Sự gia tăng các phuơng tiện truyền thông đi cùng với sự nghèo nàn về truyền thông giữa các cá nhân: con người sống bên cạnh nhau nhưng không sống với nhau. Hai giới từ 'bên cạnh' và 'với' nghe tuy đơn giản biết bao nhưng lại có tầm quan trọng biết bao !
Bữa cơm sum họp trong gia đình vắng dần, vì người về trước, kẻ về sau, các người cùng gia đình không có dịp trò chuyện để chia sẻ. Người già ít được trò chuyện với con cái, ở trong không gian nhỏ hẹp không mấy khoáng đảng, làm xuất hiện bệnh mất trí, lú lẩn sớm.
Trong các làng mạc xưa kia, do điều kiện sống cần tương trợ lẫn nhau nên tối lửa tắt đèn có nhau, họ xem nhau như người trong một gia đình .Họ cùng nhau thực hiện trồng trọt, cấy cày . Ngày nay, đô thị hoá, hàng triệu người chen chúc trong các thành phố lớn, họ sống để làm việc cho có tiền; gặp gỡ, thảo luận, chuyện trò cũng xem như mất thời gian. Với các phương tiện hiện đại với điện thoại, truyền hình, xe hơi riêng, con người càng cá nhân hơn, phát triển tính nghi ngờ ngay cả với người ở 'ấp' bên cạnh rồi từ đó tăng thêm nỗi cô đơn.
Do đó xã hội ngày nay ngày càng đánh mất tình người và cuộc sống hoạt động như một cỗ máy vô tri .
Tiếp xúc với môi trường nhân văn: chuyện trò, giải khuây, cười vui có thể hoá giải buồn và cô đơn, tìm an lạc tâm hồn. Đó là sức khoẻ tinh thần. Người lớn tuổi cảm thấy hạnh phúc khi còn có thể giúp đỡ cho con cháu : giữ cháu, đưa cháu đi học về, dạy dỗ cho cháu học thêm Việt ngữ giúp người già giảm bớt căng thẳng vì thấy nụ cười của đứa bé, trao tình thương. Đến đây, người viết nhớ lại chuyện có thực 100% ở Phi Châu .Năm 1987, tôi có dịp đi làm ghé qua thủ đô Dakar xứ Senegal. Đang lướt qua tờ báo địa phương ngày đó (hình như báo đó tên là Le Soleil), tự nhiên tôi thấy các dòng chữ Saigon, Gia Định, Lăng Ông, Dalat v.v.Bèn hỏi lân la thêm thì biết tác giả truyện ngắn đó là một phụ nữ lai hai dòng máu : Sénégal và Việt . Tôi có phone hỏi thăm bà ấy thì bà kể qua lai lịch và nói đưọc tiếng Việt nhờ bà ngoại và chính nhờ bà ngoại kể các chuyện củ nên mới vận dụng trí tưởng tượng để viết !!Tập truyện ngắn của bà này sau đó được giải thưởng văn học Sénégal .
Người lớn tuổi cũng phải có niềm tin, niềm tin vào các bậc tối cao như Phật, như Chúa, như Thượng đế v.v.Những con mắt buồn phiền, xin cấy lại niềm tin vì mất nìềm tin là mất tất cả. Có niềm tin, giúp ta chuyển hoá các loạn tâm, loạn tưởng giúp tâm an nhiên tự tại trước các cơn bão tố trong cuộc đời.
Tiếp xúc với bạn bè, với người đồng hương cũng giúp ta có những hoài niệm chung, giải toả căng thẳng, hoá giải nỗi buồn. Làm thiện nguyện giúp trẻ em, trò chuyện với người già cô đơn trong khu phố mình ở, chở người cần đi bệnh viện, đi xin tiền già cũng giúp ta phát triển tâm Từ, tâm Bi.
Từ là hiến tặng hạnh phúc. Bi là làm cho người ta bớt khổ.Về phương diện tâm thần, ta nhận thấy khi ta từ bi hơn thì tâm ta dễ bình an hơn . Nên nhớ muốn gia đình hạnh phúc thì trước tiên mình phải hạnh phúc trước đã vì nếu người lớn tuổi cảm thấy luôn luôn mệt mỏi, bất an, cáu kỉnh, hạnh phúc sẽ không bao giờ đậu ở bậc thềm nhà bạn.
Đau khổ đi liền với kiếp nhân sinh. Chẳng thế mà nhà Phật thường nói: đời là biển khổ . Bác sĩ trị được cái đau, còn cái khổ chỉ cá nhân ta mới tự chữa lấy.
Sống trên đời như trong một quán trọ, sống gửi thác về, đúng như các câu hát:
-Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trên khe nước nguồn
-Chiều nay em đi phố về
thấy đời mình là những quán không
Bàn im hơi bên ghế ngồi
-Em đi qua chuyến đò ơi a thấy con trăng đang nằm ngủ
Con sông là quán trọ mà trăng tên lãng du
Em đi qua chuyến đò ới a vui như ngày hội
Tôi xin làm quán đợi buồn chân em ghé chơi
-Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời ( Ở trọ )
Biết cuộc đời chỉ là một quán trọ, sống gửi thác về nên xin cứ thanh thản như mây, xin đừng quá vui cũng chẳng quá buồn, rắc rối làm chi những điều đơn giản, nên buông xả, phá chấp, an nhiên tự tại, giúp thân và tâm cả an lẫn lạc. Tâm an là yếu tố quan trọng để ta khoẻ mạnh.
Khi chúc nhau sức khỏe, có nghĩa không những sức khỏe thể chất mà còn sức khỏe tinh thần. Sức khỏe tinh thần có nghĩa tinh thần lạc quan, thoải mái, thư giãn. Bác sĩ cần cái lạc quan của mình thì dễ chữa trị hơn vì lạc quan tinh thần giúp cơ thể đề kháng với bệnh tật dễ dàng hơn .
Trong Phật học, ta thường nghe Từ, Bi, Hỉ, Xả .Trên kia đã nói về Từ và Bi . Còn Hỉ là có niềm vui trong lòng .
Xả trong cụm từ Từ, Bi, Hỉ, Xả. Xả tuy là chữ cuối cùng trong cụm từ đó nhưng không có nghĩa là không quan trọng. Không chấp ngã, không cố chấp mà phải phá chấp, nghĩa là Xả, xả bớt các sân hận, tị hiềm. từ đó nẩy sinh thái độ phóng khoáng.
Xả là tập sống trong sự bao dung, bao dung rộng lượng với mọi người vì nhận thức đuợc là :
Thôi về đi, đường trần đâu có gì
Tóc xanh mấy mùa
Có nhiều khi, từ vườn khuya bước về
Bàn chân ai rất nhẹ, tưởng hồn những năm xưa (Phôi pha )
Đường trần đâu có gì ! 'Đâu có gì' vì :
Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi
để một mai tôi về làm cát bụi
'Đâu có gì' vì: mọi vật trên thế gian này đều vô thường, trống rỗng, không có thực thể . 'Đâu có gì' vì : cuộc đời như một giấc chiêm bao:
và rất ngắn:
'Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già, một ngày kia đến bờ, đời người như gió qua', một câu trong bài hát nhan đề Phôi Pha . Đời người như gió qua nên lại càng phải buông xả, tâm không bám vào sự vật để dần dần tâm được thanh tịnh, mà tâm thanh tịnh, sống an nhiên tự tại chính là vectơ đến giải thoát .Tâm thanh tịnh giúp tránh các ô nhiễm của tâm hồn
Ngày nay, những người sống ở chốn ít ô nhiễm về bụi bặm, về tiếng động, về nước, về không khí thì bớt căng thẳng và sống lâu hơn người sống trong môi trường đầy các loại ô nhiễm trên. Như vậy cũng có nghĩa là phần lớn các bệnh hoạn không phải chỉ có uống thật nhiều thuốc để trị bệnh mà thể dục, thư giản, ăn uống cũng góp phần vào sự lành bệnh . Như vậy, có sự tương quan giữa phương thức sống (mode de vie) và sức khỏe. Các phương thức sống như không hút thuốc, tránh phì nộn, thư giãn .. giúp bớt các bệnh tim mạch và các bệnh do stress đem đến.
*
* *
Xin tóm lược các điều vừa nói trong công thức sau cho dễ nhớ :
1 trung tâm: sức khÕe;
5 phải: phải vận động, phải có niềm tin, phải lạc quan, phải buông xả, phải hoà ái;
3 quên: quên tuổi tác, quên bệnh tật, quên quá khứ (mà chỉ sống trong hiện tại)
Chúng ta đang may mắn ở Canada là xứ đất rộng, người thưa, rừng vàng, bạc biển.
Dù biết xứ này lạnh lẽo, nhưng lại không có bão nhiệt đới như Florida, Louisiana, Mexico với các lụt lội hư hại nhà cửa.
Dù biết lạnh nhưng xứ này không nằm trên vòng đai núi lửa, động đất như Pakistan, Turkey v.v. .
Dù lạnh lẽo nhưng nhờ cái lạnh mà chu kỳ lây lan của các muỗi mòng, chuột bị gián đoạn.
Canada là nước giàu nhất trong G8. Canada tiếp nhận di dân 9 lần nhiều hơn Pháp, 3 lần nhiều hơn Đức .Nói ra đây là để vinh danh xứ Canada đã đành nhưng cũng muốn nói là ta không nên than vãn vì xứ này đất lành chim đậu nên mọi sắc dân từ A (A như Angola) đến Z (Z như Zimbawe) đều sinh sống bình đẳng ở xứ này.
Trong sinh hoạt người lớn tuổi ngày nay, cần kiếm thăng bằng giữa người và người trong xã hội : đó là nhân quyển ; giữa người và thiên nhiên : đó là sinh quyển và có đời sống tâm linh sung mãn : đó là tâm quyển . Nếu xã hội đạt được sự thăng bằng của ba phạm trù vừa kể, thì chính đó là cõi cực lạc của môi sinh và cõi cực lạc của tâm hồn. Tiền bạc không tạo nên hạnh phúc vì có tiền mà đau ốm, có tiền mà môi sinh ô nhiễm, cướp bóc bạo hành tràn lan, thì đó không phải an lạc .Bài hát Tôi muốn của cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà cũng nói lên các điều vừa kể :
.. Tôi muốn mình tìm đến thiên nhiên, Tôi muốn sống như loài hoa hiền,Tôi muốn làm một thứ cỏ cây, Vui trong gió và không ưu phiền. Tôi muốn mọi người biết thương nhau, Không oán ghét không gây hận sầu v.v.
Thái Công Tụng