Chuyện gì đang xẩy ra tại Thổ-nhĩ-kì?

Can Dundar*

Giá Treo Cổ hay Tự Do – đó là vấn đề hiện nay.


Tháng ba năm ngoái Sehaltin Demirtas, Chủ Tịch đảng HDP (đảng lớn thứ ba trong Quốc Hội của Thổ-nhĩ-kì; đảng của người Kurden ở Thổ) bước lên bục diễn giả của Quốc Hội. Bài phát biểu của ông thường kéo dài ba mươi phút, nhưng hôm nay ông chỉ vỏn vẹn nói ba câu: „Này ông Erdogan! Bao lâu còn có HDP, bao lâu HDP còn thở, anh sẽ không thể nào trở thành tổng thống,. Chúng tôi sẽ không đưa anh lên làm tổng thống.“
Câu cuối được ông lập đi lập lại ba lần. Câu này trở thành khẩu hiệu của HDP cho cuộc bầu cử sau đó. Người Kurden quyết định không để cho giấc mơ của Erdogan trở thành sự thực.
Ba tháng sau, số phiếu của đảng AKP (đảng của Erdogan) trong cuộc bầu cử từ 50% sụt xuống chỉ còn 40%. Mất đa số nắm quyền. AKP quy thất bại này cho chủ trương hòa hoãn trở lại của mình đối với người Kurden và chấm dứt mọi cuộc thương thuyết tiếp tục. Tình hình trở lại sôi động, mạnh hơn trước.
Hậu quả: Dân âu lo trước những bạo động bất ổn và muốn có một quyền uy quốc gia mạnh, để tái lập ổn định. Trong vòng năm tháng, năm triệu cử tri thổ thay đổi í định, và Erdogan lại chiếm được 50% số phiếu và lại có thể nắm quyền một mình.
Tuần vừa qua, chủ tịch Demirtas bị bắt. Người ta lại nhớ tới câu nói của ông: „Bao lâu còn có HDP, bao lâu HDP còn thở…“ Vậy thì, phải bằng mọi cách xóa hẳn tên HDP, phải làm sao cho HDP hết thở.
Cú đánh vào HDP trong tuần qua là bước đầu trên con đường tiêu diệt đảng này. Ngay sau vụ đảo chánh hụt ngày 15 tháng 7 tôi đã viết: „Erdogan đang chuẩn bị cuộc phản đảo chánh“. Nay nó đã xuất hiện.
 Những người đảo chánh bỏ bom Quốc Hội. Phản đảo chánh ra tay bỏ tù dân biểu. Erdogan lợi dụng cuộc đảo chánh hụt, vốn được ông coi là một „quà tặng của Allah“, để thâu tóm và xây nền quyền lực cho mình. Ông muốn được ủng hộ để bước dần lên ngai mơ ước: được làm tổng thống trong một chế độ tổng thống chế.
Vai trò tổng thống, theo hiến pháp hiện hành của Thổ, chỉ có tính cách biểu trưng; quyền hành lãnh đạo quốc gia nằm nơi thủ tướng; Quốc Hội ra luật. Nhưng hai năm trước đây, Erdogan đã tuyên bố là chế độ chính trị của Thổ đã đương nhiên thay đổi.Quả thật ông đã làm mọi thủ đoạn, để qua mặt hiến pháp và Quốc Hội, khiến thủ tướng Davutoglu phải từ chức; sau đó Erdogan đã triệu nội các vào họp trong dinh mình. Ông đã có sẵn đa số ở Quốc Hội, đã gần như nắm trong tay quyền tư pháp. Ông muốn xóa cái „trở ngại của chúng ta“ là sự tam quyền phân lập, để trở thành một chúa tể toàn quyền cả hành, tư và lập pháp.
Giờ chỉ còn một vấn đề nữa là sửa đổi hiến pháp. Nhưng ông chưa có đủ túc số tại Quốc Hội, để làm chuyện này.
Muốn đưa được vấn đề ra để trưng cầu dân í, Erdogan cần 330 phiếu dân biểu, nhưng đảng AKP của ông hiện chỉ có 317 phiếu. Vì thế ông cần sự ủng hộ của 40 dân biểu MHP, đảng chủ trương chủ nghĩa dân tộc. MHP ra điều kiện: phải giải quyết vấn đề người Kurden bằng nòng súng, phải triệt tiêu đảng HDP và tử hình lãnh tụ Ökalan của người Kurden đang bị Thổ cầm tù từ hơn 15 năm nay.
Tháng vừa qua bắt đầu có những đưa đẩy giữa hai đảng. Chủ tịch của MHP, Devlef Bahceli, cho hay, sẽ chấp nhận chế độ tổng thống; còn thủ tướng Binali Yildirim bảo, tiến trình rất „khả quan“. Chủ tịch Ủy Ban Hiến Pháp của đảng AKP tuyên bố, cuộc trưng cầu dân í có thể sẽ diễn ra đầu năm tới. 
Ngày 3 tháng 11 diễn ra cuộc họp thượng đỉnh giữa Erdogan và Bahceli. Được biết chương trình nghị sự gồm hai điểm: chế độ tổng thống và án tử hình. Qua cuộc trưng cầu, án tử hình sẽ được tái lập và Erdogan sẽ được đưa lên làm tổng thống. Ngay đêm hôm đó Erdogan khai mở tiến dịch phản đảo chánh.
Ba ngày trước khi diễn ra cuộc bắt tay giữa hai chủ tịch đảng, nhật báo Cumhuriyet, một trong những cản trở lớn nhất cho tham vọng tổng thống của Erdogan, bị tấn công khi tờ mờ sáng. 9 người trong ban lãnh đạo tờ báo bị bắt. Cumhuriyet là tiếng nói phản kháng quyết liệt nhất trong không khí đàn áp mọi tiếng nói truyền thông hiện nay. Những ai, như tôi, „không bị bắt tại gia“ đều bị lệnh truy nã. 
Cuộc thẩm vấn các kí giả chưa xong, thì một rào cản chống lại con đường tổng thống chế nữa bị san bằng: Chín vị lãnh đạo đảng HDP bị bắt trong một chiến dịch lùng diệt ban đêm. Quân vũ trang phá cửa xông vào tư gia bắt bà đồng chủ tịch đảng Figen Yüksekdag. Toà ra trát bắt giam. Quân vũ trang được phép dùng súng thẳng tay dẹp tan mọi chống cự. 
Trong vòng năm ngày cả hai thành luỹ đối lập bị tấn công. Như vậy hai vật cản quan trọng chặn tham vọng tổng thống chế bị san bằng. 
Công tố viện của Erdogan chẳng dấu diếm gì lí do tấn công và bắt người. Họ cáo buộc các dân biểu HDP đã không tuân thủ trát toà mời tới điều tra về âm mưu yểm trợ khủng bố, vì thế nên ra lệnh bắt họ. 
Cumhuriyet bị cáo buộc tội ủng hộ PKK (lực lượng vũ trang của người Thổ gốc kurden) và ủng hộ những người theo đạo trưởng Gülen (hiện đang tị nạn tại Hoa-kì). PKK và Gülen bị Erdogan coi là thế lực đứng đàng sau cuộc đảo chánh hụt.
Khoảng hai ngày trước vụ đảo chánh, kỉ giả Aydin Engin của Cumhuriyet nhắc tới câu nói của Atatürk trước đây: „Hoà bình trên đất nước“; nhóm cầm đầu đảo chánh giờ cũng nói tới câu „Hoà bình trên đất nước“. Vì thế bài báo của Engin bị coi là „thông điệp đảo chánh“.
Kí giả Kadri Gürsel bị cáo buộc tội yểm trợ đảo chánh vì một bài báo viết về Erdogan. Sau khi đề cập chuyện Erdogan muốn mọi người bỏ hút thuốc lá, ông viết: „Ông ấy muốn trở thành cha già của chúng ta. Cái cần cho nước Thổ, là có một đứa con biết phản kháng“. 
Trong hồ sơ „Hợp tác với quân đảo chánh“ có cả bài viết khui vụ tình báo của Thổ mật chuyển vũ khí sang Siri, bài báo khiến tôi bị bắt vào tù. Sau ba tháng giam điều tra, Viện Bảo Hiến đã ra lệnh thả chúng tôi; toà cho rằng, chúng tôi đã chu toàn một nghiệp vụ báo chí quan trọng và việc giam giữ chúng tôi là một vi phạm tự do báo chí và ngôn luận. Nhưng Erdogan có lẽ coi đó là một bản án chống lại mình, ông nói: „Tôi không tôn trọng phán quyết; tôi không công nhận nó; nó chẳng trói buộc tôi gì cả.“ 
Các dân biểu đảng HDP cũng nói như thế đối với công tố viện, khi họ bị mời đi thẩm vấn, nhưng họ đã chẳng có chút quyền gì như Erdogan. Giờ đây họ đang ngồi tù.  Cả í muốn của sáu triệu cử tri cũng bị tù luôn. Hai thị trưởng của thành phố người kurden Diyarbakir , nơi họ được bầu lên với đa số 55% số phiếu, cũng bị bỏ tù. Những đài truyền hình và truyền thanh mà họ hàng ngày theo dõi, những báo chí mà họ đọc, tất thảy lần lượt bị đóng cửa. Để dân này không còn giao tiếp được với nhau và không còn nhận được tin tức nào, Erdogan cho cắt đứt mạng lưới internet trong vùng, cho chận ngõ Facebook và Twitter. Và cuối cùng, các dân biểu thuộc vùng đông nam, nơi có người trong họ đạt được số phiếu bầu 80%, đều bị đẩy vào tù.
Điều gì sẽ xẩy ra tiếp? Thật căng thẳng, chờ xem.
Vụ nổ ở Diyarbakar khiến 11 người tử thương, xẩy ra ngay sau khi có các vụ bắt bớ các dân biểu, được chính quyền đổ cho PKK gây ra. Nhưng sau đó khủng bố IS loan báo, chính họ là tác giả. Vụ nổ xẩy ra ngay sau khi các đồng chủ tịch đảng HDP vừa rời khỏi căn nhà; vì vậy người ta đồn đó là một vụ khủng bố do phía Erdogan dàn dựng. Mọi người vì thế giờ như đang ngồi trên đống lửa. 
Qua kết quả của hai cuộc bầu cử vừa rồi, ta thấy chính quyền dùng việc gia tăng bạo lực để hưởng lợi. Tình hình càng bất ổn chừng nào, Erdogan càng được thêm phiếu. Để có thể thực hiện được giấc mơ chế độ tổng thống, ông cần những kẻ thù mới. Có lẽ cần cả một cuộc chiến tranh ngoài biên giới nữa. Ông tính sẽ triệt tiêu được hoàn toàn mọi đối lập trong mấy tháng mùa đông này. Và ra xuân ông sẽ có thể nương bóng giá treo cổ một mình một cõi tổ chức trưng cầu dân í. 
Erdogan sẽ thành công? Thổ-nhĩ-kì, thành viên của Hội Đồng Âu Châu, sẽ tái lập được án tử hình, một án vốn bị Âu châu lên án? Thổ sẽ nhất quyết bước vào chế độ chuyên chế và cắt đứt hoàn toàn với tây phương, một quan hệ vốn đã yếu ớt? Nó có thể chấm dứt mọi cuộc thương thảo vốn có? Ai biết Erdogan, người đó tất hiểu, mọi chuyện đều có thể xẩy ra.
 Erdogan chẳng quan tâm gì tới việc chấm dứt thương thảo. Yếu tố Trump là chìa khoá để ông đi tới các biên giới; với chìa khoá này ông sẽ nắm giữ ba triệu người tị nạn trên đất nước mình, để bịt miệng Âu châu. Ông biết cách dùng con bài tị nạn này để bắt Âu châu lần lữa trong việc tường trình về những tiến bộ pháp lí và chính trị ở Thổ. Erdogan tin vào khả năng im tiếng của Âu châu.
Còn việc cấm vận kinh tế? Thổ là một bạn hàng quan trọng của Liên Hiệp Âu Châu. Khối hàng hoá trao đổi giữa Thổ và Đức lên gần 40 tỉ Âu kim. Thổ đứng hàng thứ 14 trong danh sách các nước nhập khẩu của Đức. 
Một con số quan trọng khác cũng vừa được báo chí bật mí. Lượng vũ khí Đức bán cho Thổ trong sáu tháng qua gia tăng rất lớn. Lượng vũ khí mua của Đức trên dưới 76,4 triệu Âu kim đã đưa Thổ từ vị trí thứ 25 tiến lên hạng thứ 8 của danh sách các quốc gia bạn hàng. 
Trong nhóm hàng đầu của danh sách cũng có các lực lượng người kurden ở I-rắc. Nếu Thổ tấn công vào I-rắc, quân đội thổ và các lực lượng kurden sẽ đánh nhau bằng vũ khí của Đức. 
Số phận của Thổ sẽ thay đổi trong mùa đông này. 
Mùa xuân tới sẽ cho ta thấy xuất hiện giá treo cổ hay tự do và hoà bình.
Tất cả hoàn toàn tuỳ thuộc vào nỗ lực dấn thân chúng ta.


* Can Dündar nguyên là chủ bút của nhật báo Cumhuriyet. Vì dám khui vụ tình báo thổ cung cấp vũ khí cho phiến quân bảo căn ở Si-ri, ông bị bắt. Được Toà tối cao thả, nhưng lại bị Erdogan bắt toà án cấp dưới ra án 5 năm tù. Dündar hiện lánh nạn tại Đức và viết cho tuần báo Die Zeit. Chuyển ngữ: Phạm Hồng-Lam.