Vi Anh
Nội Các Trump Chia Rẽ?
Còn hai nhân vật cốt lõi của nội các được TT đắc cử Trump chọn lựa và mời tham chánh làm Bộ trưởng Ngoại Giao, và Bộ Trưởng Quốc Phòng khi ra hai Ủy ban Thượng Viện điều trần, thì coi Nga là mối nguy, một đe doạ Mỹ.
Ô. Tillerson được báo chí cho là bạn của TT Putin của Nga, khi làm CEO của đại công ty Exxon Mobil sang Nga lo kinh doanh như đi chợ, được TT Putin ân thưởng huy chương. Khi TT Trump chọn Ông ấy làm Ngoại Trưởng, không ít chánh trị gia Mỹ lo ngại về mối thân tình của Ông Tillerson với TT Putin.
Cựu Đại Tướng Thủy Quân Lục Chiến Mattis lừng danh nơi chiến trận, khi được TT Trump chọn làm Bô Trưởng Quốc Phòng, cũng dấy lên tranh luận. Rằng truyền thống bất thành văn Mỹ, tổng trưởng quốc phòng đa số là giới chức dân sự. Rằng theo luật Mỹ tướng hồi hưu phải bảy năm sau mới được đảm nhận chức Bộ Trưởng Quốc Phòng, trong khi Tướng Mattis mới giải ngũ về hưu mới 5 năm, Quốc hội phải làm luật đặc cách miễn cho Ông.
Và Dân biểu Mike Pompeo Hạ viện Liên bang được TT Trump mời làm Giám đốc CIA, tai mắt hải ngoại của Mỹ cũng là một cựu quân nhân, xuất thân thủ khoa Trường Võ bị trứ danh thế giới là West Point, trong cuộc điều trần chuẩn nhận cũng bày tỏ lập trường chống Nga.
Cả ba vị được TT Trump chỉ định làm Bộ Trưởng Ngoại Giao, Quốc Phòng và Giám đốc CIA, riêng rẽ ra ba Uỷ Ban Thượng Viện, Uỷ Ban Đối Ngoại, Uỷ Ban Quân vụ, và Uỷ Ban Tình Báo, tường trình hữu thệ đều coi TT Putin và Nga là chế độ nguy hại cho Mỹ.
Tiêu biểu như Ông Rex Tillerson trả lời cho Uỷ Ban Đối Ngoại hôm 11/01/2017, rằng nước Nga ngày nay là một nguy cơ, và giữa Washington với Moscow, rất có thể là hai bên sẽ không bao giờ là bạn, do việc «hệ thống giá trị của hai bên rõ ràng là khác nhau».
Tướng Mattis từng là Tư lịnh liên quân của NATO ở Liên Âu, nói tại Uỷ Ban Quân vụ, nhấn mạnh đến kinh nghiệm trong quá khứ: "Nước Mỹ từng nhiều lần cố gắng thiết lập một mối liên hệ tích cực với nước Nga, nhưng rất ít khi thành công, bởi vì ông Putin đã tìm cách chia rẽ liên minh Đại Tây Dương".
DB Mike Pompeo cũng chống Nga, Ông điều trần, nói Nga đã "can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hồi tháng 11.2016, can thiệp vào tình hình Ukraine, đe doạ châu Âu và "gần như chẳng làm gì để tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.”
Nhưng kể cả TT Trump và cả ba vị chống Nga hậu CS đều chống TC hiện CS. TT Trump chống TC khi tranh cử và khi đắc cử. TT Trump chống công khai bằng cuộc điện đàm với TT Thái anh Văn của Đài Loan, bất chấp nguyên tắc “Một Quốc” mà TC áp đặt thế giới phải theo. Mỹ suốt 40 năm chưa một tổng thống nào điện thoại cho TT Đài Loan.
Trước cảnh TT Trump nói gà về Nga, còn hai bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng và giám đốc CIA do chính TT Trump chọn lựa nói vịt, có người bình luận bình loạn lên. Hai bộ trưởng cởi áo qua cầu Thượng Viện. Cái áo của Ô Tillerson có đậm màu thân TT Nga, cái áo của Tướng Mattis lợt màu thâm niên hưu để được làm bộ trưởng quốc phòng theo luật định. Nên tương kế tựu kế hai vị tạm cởi để qua đò phê chuẩn của Thượng Viện.
Lý luận này không phù hợp với hai nhân vật được TT Trump chỉ định. Một nhà kinh doanh, từng quản trị 70.000 người, Exxon tưởng thưởng 180 triệu khi thôi việc sang làm ngoại trưởng Mỹ, từng đi đàm phán cho quyền lợi dầu khí của một đại công ty Mỹ không bao giờ sợ bóng, sợ gió một tương quan cá nhân mà phản bội đạo lý, lương tâm con người như vậy. Qua làm bộ trưởng ngoại giao lương bổng của Ông còn ít hơn làm cho Exxon nhiều.
Một vị tướng tài ba, thao lược, xông pha trận mạc vì trách nhiệm và danh dự đối với Tổ Quốc, Quân đội, và sanh mạng đồng đội dưới quyền chỉ huy mình không bao giờ bá đạo như vậy.
Quí vị này không trả lời trả vốn gì những bình luận bình loạn, những nhận định, nhận đầu người tài như vậy.
Chính TT Trump người đã mời, ngồi nói chuyện hàng giờ, hàng buổi, sâu sắc, khó khăn còn hơn phỏng vấn tuyển dụng nữa, lên tiếng nhận trách nhiệm cho mình và ủng hộ những lời lẽ thành khẩn của quí vị ấy. TT Trump nói, “Tôi muốn nội các mà tôi tuyển chọn bày tỏ ý kiến riêng của những vị ấy, chớ không phải ý kiến của tôi.” Ông viết trên Twitter của Ông, “Tất cả những người được chỉ định vào nội các của tôi là tốt và làm việc hay. Tôi muốn quý vị ấy là chính mình và bày tỏ suy nghĩ của chính quý vị ấy, chớ không phải của tôi.”
Đạo lý chánh trị cũng là đạo lý sống, tiếp nhân xử thế của người Mỹ. Ấy là tôn trọng cái khác nhau trong niềm tương kính, tôn trọng tính độc lập của con người. Coi bạn là người với bản tánh người ấy, chớ không phải theo ý mình. Nhờ vậy mà văn hoá Mỹ cởi mở, phát huy sáng kiến, và làm việc theo ê kíp, liên kết nhiều cái khác nhau out of many one, để có kiến thức tổng hợp, sức mạnh tổng hợp.
Thành ra những suy nghĩ và hành động của tổng thống Trump và ba vị nòng cốt trong ngoại giao, quốc phòng và tình báo không phải là bất hòa, bất đồng, đối lập, chia rẽ. Quan niệm, suy nghĩ, lời nói chưa phải, không nhất thiết là hành động, là kế hoạch, chiến thuật chiến lược. Quốc gia là đại sự, chánh phủ là nội các, không phải chuyện một người, một bộ. Tổng Thống là người quyết định sau cùng, nhưng không phải là người đơn phương quyết định, ý kiến của phụ tá, bộ tham mưu, phần hành là căn bản để tổng thống quyết định. Đó là chưa nói yếu tố tình hình cũng rất quan trọng, tình hình mới thì nhiệm vụ phải mới, mới sát và thích hợp. Thí dụ TT Bush đắc cử là người chủ hoà, cuộc khủng bố 911 biến Ông thành chủ chiến quyết bắt quân khủng bố đưa ra ánh sáng chết hay sống. TT Obama tranh cử chống Chiến tranh Iraq, Afghanistan mạnh vô cùng, nhưng khi nhậm chức được bộ tham mưu và nội các thuyết trình, nắm vững tình hình, Ông Obama là người tăng cho Afghanistan 50.000 quân, bây giờ vẫn còn một số bằng 1/10./.(VA)