Vi Anh
TC Quân Sự Hóa Ngư Dân
Tình hình Biển Đông cho thấy TC không những quân sự hoá các bãi đá, các đảo, mà còn quân sự hoá ngư dân để tung ra khắp Biển Đông. Để giành biển chiếm đảo, để xác lập, bảo vệ chủ quyền của TC. Để TC khi cần mở cuộc chiến tranh biển tàu như chiến tranh biển người trên bộ thời Mao Trạch Đông đánh Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên.
Đó là sách lược của Chủ Tịch TC Tập cận Bình coi biển đảo ở Biển Đông là do tổ tiên TQ để lại, «không để bất kỳ ai» tranh giành chủ quyền biển đảo và lợi ích hàng hải của Trung Quốc, mà Ông mới đây đã lập lại nữa trong thông điệp năm mới Dương Lịch hôm 31/12/2016.
Trước đó hôm 29/12/2016, ông Hình Cẩm Trình (Xing Jincheng) chính ủy lực lượng võ trang Trung Quốc trên đảo Hải Nam, chịu trách nhiệm quản lý Biển Đông, cũng đã tái khẳng định nhiệm vụ của Dân Quân Biển Trung Quốc là thực hiện các «chiến dịch chủ quyền dân quân» và bảo vệ các «vùng biển của tổ tiên», tức là những vùng lãnh hải «vốn thuộc về Trung Quốc từ ngàn xưa».
Chiến lược quân sự hoá ngư dân không còn lạ gì nữa, TC đã làm từ lâu, không dấu diếm gì cả. Dân quân trên biển của TC là một trong ba thứ quân của TC trên Biển Đông, gồm Hải Quân và Hải Cảnh và Dân quân. Dân quân do Đảng Nhà Nước TC tuyển dụng quân số, huấn luyện, đào tạo và cung cấp trang bị để trở thành một lực lượng bảo vệ biển thứ ba của Bắc Kinh, phối họp với hai lực lượng chính qui là Hải Quân và Hải Cảnh. TC thành lập quân chủng này từ những năm 1970, lực lượng này không ngừng được phát huy quân số, tàu bè, mở rộng vùng hoạt động. Năm 1978 Dân Quân Biển Trung Quốc quân số đã lên 750.000 người và 140.000 tàu. Năm 2012 Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO cho biết Trung Quốc có khoảng 439.000 tàu đánh cá chạy bằng động cơ. Năm 2013 Trung Quốc có khoảng 21 triệu ngư dân, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác.
TC đã tổ chức «những cuộc tập huấn thực tế trên biển cho các dân quân địa phương để tăng cường khả năng chiến đấu của họ,» cho phép «dân quân biển đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc tập trận do Hải Quân tổ chức».
Trong một phiên điều trần của Quốc Hội Mỹ tháng 09/2016, tiến sĩ Andrew Erickson, một chuyên gia hàng đầu về Dân Quân Biển Trung Quốc thẩm định: «Không nên ngộ nhận: đó là một lực lượng được Nhà Nước thành lập, phát triển và kiểm soát, hoạt động dưới quyền chỉ huy trực tiếp của quân đội». Đó là “một lực lượng mà nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là hoạt động bán quân sự, còn đánh cá chỉ là thứ yếu».
TC sử dụng lực lượng dân quân như lực lượng quân sự khi chiếm cứ, khiêu khích, chống đối tàu chiến của các nước đối phương, đánh đuổi, phá hoại tàu đánh cá của các nước trong vùng như VN, Mã Lai, Nam dương. Dùng ngư dân giả trang thành dân quân, TC có cái lợi là có thể thoái thác trách nhiệm nếu bị chỉ trích thì đổ lỗi cho hành vi của ngư dân hay tàu cá. Còn nếu các nước chống lại dân quân TC thì TC lớn tiếng đả kích việc dùng quân đội đàn áp «dân thường».
Cái trò chiến thuật nghi binh, lập lờ đánh lận con đen này lâu nay qua mắt được các chính phủ ngoại quốc, các tổ chức quốc tế thường chỉ chú ý đến các hành động của hai lực lượng chính quy trên biển của Trung Quốc là Hải Quân và Hải Cảnh, còn những hành vi tai hại không kém của lực lượng Dân Quân Biển lại ít được quan tâm.
Báo Libération của Pháp ngày 24-5-2016 có một phóng sự, như thí dụ điển hình: «Ngư dân đảo Hải Nam – cánh tay sắt của Bắc Kinh tại biển Đông». Bài phóng sự cho biết chỉ một ngôi làng Tanmen trên đảo Hải Nam thôi đã có 30.000 cư dân trong đó có đến 8.000 ngư dân với 300 tàu tới lui các đảo nằm trong quần đảo Trường Sa, như cơm bữa.
Lâu nay TC quân sự hoá ngư dân bằng tàu đánh cá, dùng chiến thuật “biển ngư dân” tràn ngập Biển Đông. Ngư dân trở thành dân quân. Hải quân TC huấn luyện quân sự cho tất cả ngư dân nơi đây. Chính phủ hỗ trợ kinh phí đóng các loại tàu trọng tải 500 tấn, vỏ kim loại, có hệ thống liên lạc bằng vệ tinh hoạt động liên tục trên 2.000 dặm. Tàu được tổ chức thành đội, mỗi đội lên đến gần một trăm tàu. Ngư dân quân sự hoá như dân quân, tịnh vi dân, động vi binh. Trên các đảo đã chiếm đóng TC biến thành tiền đồn, căn cứ để bảo vệ ngư dân.
TC đã biến Hoàng Sa, Trường sa và Biển Đông của VN thành như tiền đồn, căn cứ địa, sân sau, ao nhà của TC như chỗ không người Việt. TC lập thành những căn cứ cho chiến lược thực hiện Con Đường Tơ Lụa trên Biển ở thế kỷ 21 của TC. Công dụng đa năng, đáp ứng đa hiệu các nhu cầu quân sự là các tiền đồn, căn cứ và dân sự tiếp tế cho ngư dân, các công ty khai thác tài nguyên biển, du lịch. Còn ngoại giao để chứng tỏ thế mạnh công pháp chứng minh chủ quyền công pháp của TC. Và sớm muộn gì sau khi củng cố được phía dưới, TC sẽ lập vùng nhận dạng phòng không để kiểm soát toàn diện vùng trời, vùng biển vùng này.
Bây giờ TC không cần dùng chiến tranh qui ước để đánh chiếm biển đảo của các nước nữa, để tránh bị chống đối bằng quân sự như khi TC dùng Hải Quân tấn công Hoàng sa của VN Cộng Hoà năm 1974 và VNCS năm 1988.
TC thời nay dùng phương thức khác không bạo lực, lại có vẻ xây dựng nhưng làm tê liệt sự chống trả của các đối thủ. Khi TC làm những đảo nhơn tạo, từ TT Mỹ đến Tư Lịnh Lực Lượng Mỹ ở Thái bình dương và Tư Lịnh Đệ Thất Hạm đội ở Thái Bình Dương đều lên tiếng chống, nhưng chỉ bằng miệng thôi. Vì TC có dùng võ lực quân sự đâu mà đáp trả bằng quân sự dù TC chiếm Biển Đông và làm các đảo thành tiền đồn là kiểm soát con đường hàng hải huyết mạch từ Eo Biển Mã Lai đi lên, vi phạm tự do hàng hải mà Mỹ coi là quyền lợi quốc gia của mình. Không tự hành động cụ thể chống lại TC, Mỹ còn khuyên các nước trong đó có TC hãy kềm chế không dùng biện pháp quân sự mà chỉ dùng biện pháp ngoại giao theo luật pháp quốc tế. TC chỉ cần có thế, chỉ cần chống đối bằng miệng riết rồi cũng mỏi miệng để TC làm và làm cái chuyện chiếm Biển Đông bằng nhiều hình thức dân sự với quyền lực mềm nhưng vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là các nước bị TC chiếm cứ biển đảo không thể đòi lại.(VA)
- https://vietbao.com/a262892/tc-quan-su-hoa-ngu-dan