MẸ

MẸ


Mạnh Bích


Tôi vừa đọc trong quyển Cổ học tinh hoa một câu chuyện có tựa đề là : « Phải giữ tấm lòng trong sạch ». Tấm lòng trong sạch này của một người phụ nữ, một người mẹ Tàu, đời xưa. Chuyện như thế này : 
Quân nuớc Tề kéo sang đánh nước Lỗ. Khi đến chỗ giáp giới, trông thấy một người đàn bà một tay bồng một đứa bé, một tay dắt một đứa nữa. Người đàn bà thấy quân kéo tới vội vàng bỏ đứa đang bồng trên tay xuống, mà bồng đứa đang dắt rồi chạy trốn vào trong núi. Đứa bé kia chạy theo khóc, người đàn bà cứ chạy không ngoảnh lại.
Một viên tướng nưóc Tề cho bắt đến hỏi :
- Đứa bé nàng bế trên tay là con ai ? Còn đưa nàng bỏ liều là con ai ?
Người đàn bàn thưa :
- Đứa tôi bế là con anh cả tôi, đứa bỏ lại là con tôi. Tôi thấy quân lính kéo đến, sức tôi không thể bảo toàn được cả hai đứa cho nên tôi đành phải bỏ con tôi lại.
Viên tướng nuớc Tề lại hỏi :
- Mẹ mà dứt tình yêu thương với con thì đau xót lắm. Nay bà bỏ con mình lại mà chạy lấy con anh là cớ làm sao ?
Người đàn bà thưa :
-Con tôi là tình riêng, con anh tôi là nghĩa công . Con đẻ tuy đau xót thật nhưng đối với việc nghĩa lý thì tính làm sao. Cho nên tôi đành bỏ liều con tôi mà làm việc « nghĩa ». Tôi không thể nào chịu tiếng vô nghĩa mà vác mặt sống ở với nước tôi được.
Viên tướng nước Tề dừng quân lại, sai người tâu với vua Tề rằng :
- Nước Lỗ chưa thể đánh bại được. Quân ta mới đến chỗ cương giới, đã thấy con mụ đàn bà xó rừng còn biết làm điều nghĩa, chẳng chịu đem tình riêng mà hại nghĩa công, huống chi là những bậc quan lại, sĩ phu trong nước. Xin kéo quân về.
Vua Tề cho là phải.

Chuyện ấy là chuyện đời xưa của Tàu, xẩy ra trong thời chiến tranh hỗn loạn, đạo lý thường bị dao động, suy đồi. Người đời sau kể lại để suy gẫm về cái tinh hoa của đạo lý Trung Hoa nhưng cái lối đề cập đến tam cương ngũ thường của Khổng giáo ấy làm cho tôi thấy hơi... khó chịu. Tôi không đồng ý với lối dùng « tình nghĩa mẹ con » để tôn vinh « điều nghĩa » như vậy. Tôi thấy có một cái gì đấy không ổn. Còn đối đạo lý Việt Nam thì không hợp tí nào cả.
Không ổn vì đem « tình mẹ con » ra để nói chuyện cương thường theo khuôn phép tôn quân phong kiến. « Điều nghĩa » trong câu chuyện kể trên nằm trong khuôn phép tư duy của sĩ phu, quan lại liên quan mật thiết với tinh thần tôn quân. Điều nghĩa ấy có lẽ chưa phải là « điều nghĩa » trong tâm lý người dân thường Á Đông. Không ổn vì « tình mẹ con » là một thứ tình cảm thiêng liêng, riêng biệt, không nên xem thường, không thể nào đem « đặt thành vấn đề » trong một trường hợp đặc biệt phong kiến tôn quân như vậy.
Đối với đạo lý Việt Nam, chuyện « chẳng chịu đem tình riêng mà hại nghĩa công » này không thuận hợp tí nào cả. Đạo lý Việt Nam, dù có chịu ảnh hưởng Tàu thật đấy, nhưng không bao giờ đặt « tình mẹ con » vào những tình huống như vậy để tôn vinh « việc nghĩa ». Khi nói đến « điều nghĩa », người Việt Nam có nói đến tình nhà nợ nước, có nói đến tình sâu nghĩa nặng. Trong vấn đề « tình nhà nợ nước », ta có nói đến tình nhà chứ không động đến tình mẹ con. Trong vấn đề « tình sâu nghĩa nặng », có tình vợ chồng với nguồn ân bể ái, tình nghĩa mặn nồng chứ không động đến nghĩa mẹ. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Cái « nghĩa  mẹ » ấy nằm trong « đạo » trời đất của Việt Nam ta. Nó nằm trong những điều kiện tất yếu để bảo tồn giống người. Không có cái « nghĩa mẹ » ấy thì đứa con chết lập tức. Đứa con không biết đến « nghĩa mẹ » thì sẽ đi đến chỗ tuyệt vong. Đấy là lẽ uyên nguyên trong đạo lý Việt Nam.
Đem so sánh chuyện tình riêngnghĩa công trong đạo lý Tàu với đạo đức Việt Nam có liên quan đến « tình mẹ con », tôi xin mời quí Vị nghiệm xét cái bản sắc của « tình mẹ Việt Nam » qua chuyện Hoàng Sầm do tiền bối Lãng Nhân kể lại trong tập « Giai thoại Làng Nho »
Thời Mạc Đăng Dung. Nguyễn doãn Dịch làm tới chức thượng thư, cáo lão về trí sĩ. Theo lệ, quan địa phương các xã cho dân phu đi đón rước. Hoàng Sầm, nhà nghèo, mồ côi cha, sinh sống bằng nghề cày thuê cuốc mướn, là dân phu « được » chỉ định việc khiêng võng cho cô gái út của quan Thượng.
« Trong lúc khiêng phải gò lưng rụt cổ, Sầm vô tình nhìn vào trong võng, thấy tiểu thư là một giai nhân kiều diễm, lòng thấy nao nao... Khi đám rước về tới làng, quan thượng cho mọi người giải tán, Sầm lủi thủi về nhà, nỗi riêng tự dưng canh cánh. Rồi từ đó biếng ăn mất ngủ, chẳng bao lâu đã phải nằm liệt giường.
Bà mẹ thấy con ốm nặng tưởng bị ma làm nên sắm lễ cúng giải nhưng bệnh tình Sầm không thuyên giảm chút nào. Bà mẹ rất lấy làm lo. Sầm bèn thú thực là vì tương tư cô con gái quan Thương mà thành bệnh, chỉ có làm thế nào lấy được cô ấy thì mới mong khỏi.
Nghe sự lạ lùng, nghĩ con nói mê, bà mẹ lúc đầu còn ừ ào cho qua chuyện, nhưng sau đó, luôn mấy hôm, hễ mở mắt lúc nào, Sầm lại hỏi mẹ xem đã đem trầu cau đi chưa. Thấy mẹ nấn ná mãi, Sầm liền vùng dậy, trèo lên cây cau, cắt một buồng đem xuống, khẩn khoản xin mẹ đưa sang nhà quan Thượng dạm hỏi.
- Con ơi, đũa mốc chực chòi mâm son, không được đâu, chẳng bõ mua cười vói làng xóm.
Bà mẹ kiếm lời an ủi thêm nhưng Sầm vẫn nằng nặc nài nỉ :
- Việc vợ chồng là hệ trọng, mẹ đi thì mới xong được. Con tin tưởng thế nào quan Thượng cũng ưng cho.
Vừa thương con, vừa thực thà, bà cụ phải chiều lòng, kệ nệ tay xách buồng cau sang nhà quan Thượng. Tới nơi, cứ đứng rụt rè ở ngoài cổng suốt buổi không dám tiến bước. Mãi quá trưa, người nhà thấy lạ chạy ra hỏi, bà mới ấp úng nói là có việc xin trình. Cụ Thượng cho gọi vào. Bà đặt buồng cau trên án, vái chào và ngập ngừng kể rõ nguồn cơn :
- Chúng tôi phận hèn, khi nào dám làm chuyện vượt bực như thế này. Chỉ vì chồng không may mất sớm, được một mụn con, nay nó lại dở hơi. Nhưng thương quá phải chiều ý, xin Cụ-Lớn soi xét.
Tưởng thế nào quan Thương cũng quở mắng, không ngờ nghe xong, quan lại vui vẻ nói :
- Không hề chi. Con gái ta gả cho con trai bà cũng đưọc nhưng cốt nhất con bà phải là người có học. Vậy bà hãy dẫn nó sang đây để ta coi xem thế nào đã.
Bà cụ vái tạ lui về. Hôm sau đưa Sầm sang. Ngồi trên sập trong mành trông ra, thấy Sầm mặc áo ngắn, đóng khố, người đen xấu song hai mắt sáng như sao, lại ra vẻ hiên ngang, cụ thượng có thiện cảm ngay. Nhưng đến khi hỏi đến sức học thì chữ nhất Sầm cũng chưa biết. Cụ Thượng liền bảo :
- Con gái một quan đại thần khó có thể sánh đôi cùng một tên dốt nát. Vậy anh hãy về, cố gắng học tập, lập được công danh rồi trở lại đây ta sẽ chu toàn.
Sầm sụp lạy thưa « Kính vâng lời dạy ».
Sầm hết lòng học tập, ba năm sau đỗ thủ khoa kỳ Thi Hương, đến khoa Mậu Tuất (1538) đỗ Thám Hoa (mới 27 tuổi). Quan Thượng, như đã hứa, chấp nhận Sầm làm con rể ».

Ở đây, thiết tưởng không phải chỗ để bàn về cái « siêu đẳng tuyệt cú » của áng văn này của vị tiền bối thâm nho Lãng Nhân. Với câu chuyện Hoàng Sầm, kỹ thuật diễn đạt tinh hoa của Việt Nho quả thật là xuất sắc khó có người sánh kịp. Chỉ cần mấy giòng nhận định ngắn gọn về « đầu óc » của bà mẹ và mấy câu đối đáp giữa một « người mẹ » và một « người cha », vị túc nho Lãng Nhân đã giải cho chúng ta hiểu được cái uyên thâm của đạo lý Việt Nam. Trước cái « tin tưởng » của con mình (Hoàng Sầm tin rằng việc được chỉ định khiêng võng cho « nàng » tiểu thư là duyên số đã đưa hai sinh linh lại gần nhau, là sợi tơ hồng của ông Tơ bà Nguyệt trói buộc hai con người với nhau), bà mẹ « vừa thương con, vừa thực thà »  chỉ biết làm theo đòi hỏi của nó. Câu nói để bộc bạch tình thương con « thương quá phải chiều ý » của người-mẹ (bà mẹ quê thường dân) làm cho người-cha (vị thượng thư) xúc động. Ông rất cảm kích bởi cái hoàn cảnh « chồng không may mất sớm, nó lại dở hơi » của người đàn bà tầm thường kia. Bà chính là người mẹ Việt Nam biết hành động theo nghĩa cương thường « phu tử tòng tử, chồng chết theo con » của Việt Nho. Chữ tòng của bà có cái ý nghĩa đơn thuần chất phác làm theo « tiếng nói của tình mẹ thương con » hay nói cho rắc rối hơn, làm theo « tiếng gọi của lương tâm ».
Về phần bà-mẹ đã vậy, còn về phía ông-con Hoàng Sầm thì sao? Trong cái « nghĩa mẹ » Việt Nam, có « lòng biết ơn mẹ » của người con. Đấy là tình nghĩa Việt Nam. Việt Nam ta luôn luôn ghép tình nghĩa với nhau. Tất cả đạo lý, đạo đức Việt Nam được xây dựng trên hai nguyên tắc « tình » và « nghĩa » này. Cho nên Hoàng Sầm, vì thương mẹ đã không sợ « mua cười với làng xóm » hoặc « quan Thượng quở mắng », « hết lòng học tập » ba năm sau đỗ thủ khoa kỳ thi cử nhân (thi hương), bảy năm sau đỗ thám hoa (thi hội).

Nhưng cái đẹp, cái hay của bài này vẫn chưa nói lên được trọn vẹn, sâu sắc « tình mẹ con » thuần túy, chính thống Việt Nam bằng bài hát dân gian « Con cò mà đi ăn đêm ». Bài ca dao đã được đem giảng dạy cho lớp tuổi đồng ấu, trong quyển Quốc văn Giáo khoa thư để gọi là vỡ lòng, khai trí cho tuổi ấu thơ. Bài ấy vỏn vẹn có mấy câu này :

Con đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
« Ông ơi, Ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

Về phương diện văn chương, tưởng không có bài thơ lục bát nào tuyệt hảo đến vậy. Lời đã đẹp mà ý thì quá hay vì nó vừa thi vị, vừa chất chứa đầy đủ ý nghĩa đạo đức, triết lý cổ truyền Việt Nam. Người đàn bà đơn côi (ở đây được biểu tượng bằng hình ảnh « con cò ») trong cái tâm cảnh phải thay chồng nuôi con, giữa những hệ lụy, gian truân, thử thách của cuộc đời (trong bài này được tóm gọn trong ba chữ « đi ăn đêm » gợi lên trong tâm trí người nghe lắm xót xa, bi thảm) được đem dùng làm tiền đề. Nếu không may, số phận run rủi, xô đẩy Bà rơi xuống hố lầm lỗi – xa rời nghĩa mẹ - thì Bà sẽ gọi Ông (Trời) giải cứu. Giải nỗi oan khiên, cứu khỏi ô nhục. Bà sẵn sàng chịu mọi sự trừng phạt - dù sự lỗi lầm mà bà đã phạm phải là do sự yếu mềm tự nhiên hoặc vì hoàn cảnh trớ trêu - nhưng Bà xin Ông (Trời) hãy thương xót đàn con của Bà. Thân của Bà không đáng kể, chỉ có đàn con của Bà là quan trọng.
Đấy là nghĩa mẹ. Nó « như nước trong nguồn chảy ra » mãi mãi, vô tận, không lúc nào vơi cạn, không bao giờ bị một trở ngại nào ngăn chặn ; « nước » ấy là « nước mắt chảy xuôi xuống » của các bậc mẹ cha ; nước ấy vừa là nguồn sống tinh thần bất diệt kết nối người-mẹ với người-con, vừa là mối tình cảm trong suốt, đậm đà, triền miên nhất giữa hai con-người. Đấy là tình mẹ con Việt Nam, thứ tình cảm thiêng liêng trói buộc người phụ nữ Việt Nam vào cái sinh linh mà mình đã chịu trách nhiệm nuôi nấng sau khi đã đưa nó vào cuộc sống giữa Trời.
« Nghĩa mẹ » ấy được nuôi dưỡng từ lúc mầm sống của người con bắt đầu sinh động cho đến khi đứa con đã thành nhân. Nhiệm vụ thiêng liêng « chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau » phải được chu toàn vì « nghĩa mẹ» phải được thể hiện bằng sự ước muốn « mẹ tròn con vuông » và được biểu lộ bằng những qui luật của việc thai giáo :
Khi thai mới có, mẹ phải giữ giang
Ăn chớ ăn phàm, nói chớ nói tục
Sách hay mẹ đọc, truyện hay mẹ xem...
Ngoài sự tâm niệm ấy, trong mọi sinh hoạt hằng ngày, bà-mẹ cũng phải nhớ nằm lòng bổn phận của mình đối với cái bào thai :
Chớ vin cao cũng đừng mang nặng...
Đừng ăn đồ cay đắng canh riêu
Đừng ăn ít, chớ ăn nhiều
Nuôi từ trong dạ khỏi điều lo sau...
Nhưng chưa đủ. Khi hình ảnh người-con đã hiện thực, « nghĩa mẹ » còn nặng nề hơn :
Con thơ dại sớm hôm săn sóc
Cặn kẽ từng sợi tóc đường tơ...
Nuôi con rút ruột con tằm
Ấp ôm bú mớm tháng ngày đầy vơi
Nghĩ đến cái « nghĩa mẹ » bao la, cao dày như vậy, tất nhiên người–con Việt Nam phải tự nguyện « thờ Mẹ kính Cha » để tròn « đạo con ».

Tiếp theo, để làm sáng tỏ ý nghĩa chữ « Mẹ » trong tâm linh người Việt, xin được bàn rộng thêm.
Ý thức « Mẹ » gọi lên nghĩa vụ sinh sản của người-nữ để tiếp nối giòng giống của Sự Vật và Con Người. Chữ Mẹ được nhắc đến trong bất cứ tín ngưỡng nào :
- Thần đạo Nhật tôn vinh Thái dương thần nữ để củng cố lòng tự hào dân tộc
- vũ trụ quan của Tàu dùng bà Nữ Oa « đội đá vá trời » để nói đến vai trò người-nữ bên cạnh bào huynh Phục Hi trong công cuộc tạo dựng giang sơn, cơ đồ 
- Ấn độ có Nữ thần Shiva chủ động việc sinh hóa của con-người
- Ai cập có bà Isis (có vùng gọi là Osiris hoặc Seth)
- phương Tây có Đức Mẹ Maria v.v.
Tất cả các tín ngưỡng ấy đều muốn xác định nguồn gốc và sự sinh sản của giống người bằng hình ảnh của Người-Mẹ.
Đức Hồng-y de Cabrières nhận định rằng : « Cái nôi đích thực của Con-Người là trái tim của Bà-Mẹ - le vrai berceau de l’Homme, c’est le coeur de la Mère ». Trong Đạo giáo, Lão-tử cũng xem Đạo (nguồn gốc của Sự Vật) là huyền tẫn, người-nữ tạo sinh mầu nhiệm.
Về tâm linh, Việt Nam ta cũng nghĩ gần như vậy. Chữ « Mẹ » được đem vào tâm linh bằng huyền thoại Bà Âu-Cơ. Bà là Tiên, Bà là bạn đời, bạn đường của Lạc Long quân (?), điều ấy không quan trọng. Điều cần hiểu, cần nhớ là Bà Âu Cơ « sinh ra một bọc có trăm trứng ». Trăm trứng ấy đến đời bây giờ sinh sôi ra thành cả trăm triệu người. Trăm trứng ấy nằm trong một cái bọc, cho nên tất cả người Việt chúng ta xem nhau là « đồng bào ». Huyền thoại Bà Âu Cơ nhắc nhở cho chúng ta nhớ rằng dân tộc Việt có một Bà Mẹ. Bà Âu Cơ là Mẹ Việt Nam, là quốc mẫu. Tư duy cận đại đã truy xét nhân dạng đích thực của Bà và Bà có thể được đứng vào hàng khai quốc công thần của dân tộc Việt Nam.

Nhưng vấn đề đặt ra trong bài này không hẳn như vậy. Chúng ta đang nghiệm xét « tình mẹ con ». Vậy chữ Mẹ trong tâm lý người Việt có ý nghĩa gì ?
Hình ảnh của Bà Âu Cơ với danh hiệu « Mẹ Việt Nam » trong con tim, trong tâm hồn của người Việt Nam biểu tượng cho cái gì, cho việc gì ? Như trên đã nói : Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Nghĩa mẹ là lý đương nhiên hoàn toàn thuận hợp với Đạo Trời. Nếu ý thức Lão-giáo xem Cội Nguồn của Sự Sống (Đạo = con đường = sự sinh biến của sự vật) là huyền tẫn, trong khi văn chương Khổng-giáo gọi bà-mẹ là Từ Mẫu và lý thuyết Phật giáo tôn Đức Phật Quan Âm lên hàng một Đức Mẹ Từ Bi Cứu Khổ Cứu Nạn thì giữa vùng tâm linh, trong tâm tưởng của người Việt Nam, chữ « Mẹ » được nói đến một cách thường xuyên, được quyện vào từng câu ngạn ngữ, từng lời ca dao, từng bài đồng dao dưới dạng « nghĩa mẹ ».
Và trong tinh thần này, « nghĩa mẹ » trở thành vấn đề « tình mẹ con ». Tình mẹ con là một thứ tình cảm thiêng liêng ràng buộc, gắn bó bà-mẹ vào người-con. Nghĩa mẹ là vấn đề nhiệm vụ của người-mẹ đối với cái sinh linh mà mình có trách nhiệm đưa vào cuộc sống giữa Trời, cho nên nghĩa mẹ đặt vấn đtiếng gọi lương tâm của người-con.
Do đấy ca dao Việt Nam hát :
Một lòng « thờ mẹ » kính cha
Cho tròn chữ hi ếu mới l à đạo con
Do đấy đạo lý của ta xác định rằng cái « nghĩa mẹ » nó vừa bao trùm trọn khắp đời sống của ta vừa đưa ta về với đạo Trời huyền nhiệm.
Ngoài ra, hơn nữa những chữ thờ mẹ kính chađạo con còn làm chúng ta liên tưởng đến Mẹ Việt Nam, đến vị Quốc tổ Hùng vương, đến Đất Nước Việt Nam. Vậy đối với Mẹ Việt Nam, ta có nên tỏ lòng tôn thờ không ? Đối với Tổ quốc Việt Nam, ta cần phải tôn quí không? Đối với giống giòng của ta, ta có nên trân trọng không? Câu trả lời có sẵn trong lòng, trong tâm khảm của bất cứ người Việt Nam nào còn muốn tôn vinh giòng giống của mình.

Belleville, Paris tiết mãn thu

13-12-2004