Một xã hội không có chút niềm tin có tồn tại được không?


Jan-Philipp Sendker*
Die Zeit, ngày 17.11.2016.
Chuyển ngữ: Phạm Hồng-Lam.

Trung-quốc:
Một xã hội không có chút niềm tin có tồn tại được không?

Không lâu trước đây Trung-quốc hãy còn là một đất nước đói ăn. Nay đùng một cái nó đang trở thành đại cường thế giới. Vậy mà càng ngày càng gia tăng người dân tìm cách bỏ nước. Tại sao?
Trung-quốc làm tôi choáng ngợp. Tôi vẫn qua lại dọc ngang trên đất nước này với chứng bệnh phức thị, một triệu chứng được Y Khoa định nghĩa là „nhìn một vật mà thấy ra hai hình“. Và càng ngày tôi càng không biết, mình nên tin vào hình nào trong hai hình trái ngược nhau đó.
Tôi thấy một xã hội hướng ngoại với một nhịp độ phát triển chóng mặt và triệt để; trong lịch sử chưa bao giờ có một trường hợp tương tự. Bốn mươi năm trước, Trung-quốc là một đất nước đói ăn, xe đạp, xe ngựa, xe trâu ngập đầy các thành phố. Ngày nay Trung-quốc là một thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Đất nước có nhiều toà nhà chọc trời nhất. Có những xe lửa chạy nhanh nhất. Những trung tâm mua bán vĩ đại nhất. Những phi trường tối tân nhất. Nó đang đẩy lùi vị trí đứng đầu của Hoa-kì về mặt kinh tế và chính trị địa dư.
Cùng lúc tôi thấy một đất nước không phải đang trên đường trở thành một cường quốc tự tin của thế giới, mà là đang trên đường tìm gặp hồn mình, tìm lại bản ngã và chỗ đứng của mình trong thế giới. Phân rã, ngờ vực, quá tải với nỗ lực muốn nhảy một lúc từ thế kỉ 19 sang thế kỉ 21. Một xã hội chỉ có một hằng số duy nhất là mâu thuẫn, một xã hội từ ngoài nhìn vào xem ra ổn định mà thực ra bên trong đầy phân rã.
Bữa ăn tối trong một nhà hàng lịch sự của Pháp ở Thẩm-trấn (Shengzhen). Tôi gặp người bạn của một cô bạn, một nhà kinh doanh; bốn mươi năm trước anh còn là một phu kéo hồ trên các công trường xây dựng, giờ đây là chủ sở hữu hàng ngàn căn hộ, nhiều trung tâm thương mại và nhiều toà nhà văn phòng. Đó là một trong muôn vàn câu truyện kinh tế trên đất nước này. Ông gọi rượu đỏ, một chai giá khoảng một ngàn Âu kim. Sau khi uống xong chai thứ hai, ông hỏi tôi có thể giúp ông sang Đức định cư được không. Tôi ngỡ mình không hiểu câu nói của ông. Trung-quốc mới chính là vùng đất mang cơ hội vô tận cho ông mà. Ông muốn gì ở Âu châu, nơi mọi chuyện đều được quy định hẳn hoi và nơi có tốc độ phát triển rất yếu? Ông nhìn tôi đăm đăm, mọi nét tự tin biết khỏi khuôn mặt. „Tôi có một vấn đề lớn“, ông bắt đầu kể về đứa con trai mắc bệnh tự bế (Autismus) của mình. Con ông 28 tuổi, hiện sống chung với bố mẹ. Cả hai ông bà đã ngoài 60 và không biết, sau khi họ chết, con mình sẽ ra sao. Chẳng có một viện mồ côi, chẳng có một định chế công hay tư nào trên toàn đất nước này khả dĩ có thể tin tưởng để ông bà gởi con vào đó. Ông bảo, nghe nói ở nước Đức có những viện chăm sóc rất tin tưởng.
Tôi đề nghị: „Còn việc chăm sóc tại nhà thì thế nào?“
Ông lắc đầu. „Tôi có đủ tiền, để thuê người chăm sóc suốt 24 giờ ngày đêm, cho đến khi con tôi mất. Trong một căn nhà có những vòi nước bằng vàng. Nhưng tôi không có một ai để mình tin tưởng.“
„Nó không có anh, chị hay em nào ư? Chúng có thể…“
Ông ngắt lời tôi: „Không. Mà dù có thì tôi cũng không tin chúng được. Chẳng biết rồi chúng sẽ lập gia đình với ai.“
Ông nhìn tôi van xin; tôi tránh ánh mắt ông, bảo nên hỏi ở toà sứ Đức ở Pê-kinh và nói tới những tiêu chuẩn để được định cư, nhưng đồng thời cho hay, tôi không nắm vững vấn đề này lắm. Chúng tôi im lặng. Tôi cảm được sự thất vọng nơi ông. Người chạy bàn đổ tiếp rượu vào li.
Sau một lúc im tiếng lâu, ông bảo: „Chúng ta phải rời nơi đây. Chúng tôi tự cho mình mười năm nữa. Sau đó nếu không đi đâu được, chúng tôi sẽ giết nó.“
Một số phận buồn thảm đơn lẻ? Không. Đây chỉ là một biến thái của những câu truyện bi thảm mà tôi vẫn nghe gần như mỗi ngày, ở đây.
Một câu hỏi mà tôi luôn đặt ra cho hầu hết mọi người mình gặp, khi lang thang xuôi ngược trên đất nước này: Ông/Bà, Anh/Chị tin ai, tin điều gì? Chưa bao giờ tôi nghe được người nào bảo, là họ tin vào người nào – trừ thân nhân gia đình -, tin vào một định chế công hay tư nào.
Có thể nào một xã hội, trong đó thiếu vắng sự tin tưởng tối thiểu, về lâu về dài có thể tồn tại?
Trung-quốc là một đế quốc, trong đó các giá trị cũ đã mất, nhưng chưa có được những giá trị mới định hình thay thế. Một đất nước thấy vậy mà không phải vậy.
„Chúng tôi là một dân tộc bị chấn thương tinh thần“, đó là câu tôi vẫn rất thường nghe.
Một trong những nghịch lí của Trung-quốc ngày nay là Đảng Cộng Sản, vốn là thủ phạm gây ra chấn thương, ngày nay vẫn tiếp tục vững vàng nắm quyền. Qua bao nhiêu chiến dịch được phát động với hàng triệu nạn nhân, trong mấy chục năm qua người dân đã cạn kiệt mọi tin tưởng vào đảng này. Vậy mà lúc này nó có gần 90 triệu đảng viên, danh sách người xin vào còn dài lắm. Đặc biệt lớp trẻ muốn vào đảng, vì đây là nơi hứa hẹn cho cuộc đời cán bộ, cho địa vị ăn trên ngồi trốc, cho an toàn và quyền lực bản thân. Lẽ ra như vậy thì đảng rất được lòng người. Nhưng đây lại có hai hình ảnh không thể nào ăn khớp với nhau. Tôi luôn luôn được nghe qua những câu chuyện và gặp gỡ, là đảng cộng sản bắt con người phải sống giả.
Tôi ngồi trong quán cà-phê của Mĩ (Starbucks) với một bí thư chi bộ của một nhà xuất bản lớn ở Pê-kinh. Anh nói, „Nếu như chiều nay có một cuộc họp chi bộ, thì anh chẳng còn nhận ra tôi nữa.“ Anh được đảng đưa vào, vì lúc đó anh là một sinh viên giỏi nhất niên khoá. „Giọng nói của tôi, cách nói của tôi, câu cú của tôi. Tất cả mọi thứ sẽ khác hẳn với những gì tôi đang nói, khác với tôi đang là mình lúc này. Tôi mang nhiều mặt nạ. Tôi phải có nhiều nhân cách, thì mới sống sót được về mặt chính trị. Những gì tôi nói hoàn toàn tuỳ vào tôi đang nói với ai, chứ chẳng bao giờ nói theo điều tôi nghĩ hoặc cảm nhận. Đôi khi điều này làm tôi xấu hổ. Đôi khi nó làm tôi sinh bệnh. Lắm khi tôi lợm mình buồn nôn về chính tôi.“
Một cuộc du hành tới Thành-đô (Chengdu) mùa đông năm 2015. Thủ phủ 5 triệu dân của tỉnh Tứ-xuyên (Sichuan) là một trong những thành phố tôi tới thăm trong chuyến đi Trung-quốc đầu tiên vào năm 1995. Tôi vẫn thích đến trong những năm sau đó, nay thì tôi hoàn toàn chẳng còn nhận ra nó nữa. Những khu dân cư cũ với những sân sau, nơi có những người đàn ông bận quần áo ngủ tụ tập chơi bài, giờ đây gần như hoàn toàn được thay thế bởi những toà nhà bốn năm chục tầng. Hàng hàng lớp lớp xe đạp, những con hẻm với những quán trà, cửa tiệm và quán mì nhỏ biến sạch. Thay vào đó là những con lộ xuyên thành phố. Có đường đi bộ lớn được chăm sóc sạch sẽ; chẳng còn một chiếc xe đạp nào nữa, mà thay vào đó là những chiếc xe hơi loại trung và cao cấp ngập đầy đường phố. Trong những vùng đi bộ các thứ bảng quảng cáo những loại hàng sang chớp sáng bên cạnh các cửa hiệu H&M và Zara. Trước những khách sạn sang nhất có các tài xế ngồi trong những chiếc Limousine chờ đón chủ. Có cả những cửa hàng bán xe Bentley và Ferrari.
Tôi được mời đi ăn tối. Chúng tôi mười hai người ngồi quanh một bàn tròn lớn trong một phòng được ngăn cách riêng. Nồi lẫu bốc khói đặt giữa bàn. Mùi tiêu, hành tỏi và rau mùi ngào ngạt. Đây là một nhóm hỗ lốn gồm các quản trị gia, chuyên viên địa ốc và các kĩ nghệ gia, những người đàn ông đàn bà ở độ tuổi bốn mươi đến năm mươi, tự tin, lịch thiệp và thành công. Chúng tôi nâng li liên tục, thoải mái, tiếng cười nổ vang. Bạn tôi ngồi bên cạnh. Anh ta thầm thì vào tai tôi „Đây là Trung-quốc mới“, rồi nâng li của mình lên.
Một í nghĩ thoáng qua đầu tôi, tôi hơi ngại nói ra. Nhưng hai chúng tôi đã quen nhau lâu rồi. Đã có một phong trào tẩy não chính trị trong tỉnh này trong mấy tháng vừa qua, và hai người bạn của anh đã bị bắt vào tù. „Nếu bị thất sủng, các anh sẽ mất sạch vào tay chính quyền trong vòng một đêm, chẳng ai có thể làm gì chống lại được. Có đúng vậy không, hay là tôi quá phóng đại?“
Anh giật mình. Tôi nghĩ mình có lẽ đã đi quá xa. Rồi anh gật đầu trong suy nghĩ: „Đúng. Việc làm của chúng tôi, công ti của chúng tôi, nhà cửa của chúng tôi, tài sản của chúng tôi, chẳng có gì thật sự chắc chắn cả.“ Anh nghiêng người sát tôi hơn, để những người khác không nghe được. „Cái khốn hơn nữa: Nếu họ muốn, họ có thể đẩy chúng tôi sát phạt nhau, và chỉ trong tích tắc người này sẽ tố giác người kia, chỉ để mình được sống còn. Những chuyện này cha tôi đã trải qua trong thời cách mạng văn hoá, ông nội tôi đã trải qua trong chiến dịch đánh những người khác chính kiến.“
Ăn xong, trên đường đi bộ về khách sạn, tôi rơi vào một cơn phức thị mạnh. Đùng một cái tôi nhận ra cơn cuồng xây cất và nhịp độ biến đổi kinh hoàng ở đây là một thứ nỗ lực tuyệt vọng trốn chạy lịch sử, và những toà cao ốc mới, những xa lộ, phi trường, xưởng máy mới chả phải là dấu chỉ của tiến bộ, mà đúng hơn chúng là những đài tưởng niệm khổng lồ cho sự dồn nén. Như thể chạy cho nhanh để trốn cái bóng của mình.
Suốt đêm tôi khó ngủ. Tôi nhớ tới một người bạn nhà văn ở Nam-kinh (Nanking); nhiều năm trước anh đã cho tôi hay, Trung-quốc chỉ thay đổi bằng cách mạng, chứ không bằng chuyển hoá. „Chúng tôi nhấn vào nút tái khởi động, trước đây luôn luôn cũng đã như thế. Triều đại này đánh triều đại kia và chiến thắng. Cũng chẳng có thứ chủ nghĩa khổng-tử cải cách nào cả.“
Con người có thể chịu đựng những mâu thuẫn, những bất an pháp lí, những sợ hãi đến bao lâu? Cho đến lúc này đảng cộng sản tự hợp pháp hoá mình bằng cách nâng cao đời sống. Từ năm 1981 có 600 triệu người dân trung-quốc thoát ra khỏi vòng nghèo đói, một giới trung lưu đã hình thành. 25 năm vừa qua là thời vàng son của những người tự lập kinh doanh, một thời mà mỗi người cố nắm lấy cơ hội để ôm vào cho mình được chừng nào có thể. Một giai đoạn mà hầu như mọi cường quốc đều trải qua ít nhất một lần trong lịch sử của mình.
Người ta đã có thể tin rằng, cuộc sống của họ và con cháu họ sẽ luôn khá hơn trong tương lai. Nhưng sự thật này không còn đúng nữa.
Kinh tế phát triển chậm hơn trước. Đảng không còn nói tới mức phát triển 10% nữa, mà chỉ hi vọng tới 7%, càng ngày càng giảm xuất khẩu, giảm nhập khẩu, giảm công ăn việc làm. Đâu là í nghĩa của biến chuyển này đối với một quốc gia hàng năm có tám triệu học sinh và sinh viên ra trường tìm việc làm? Tôi trao đổi với đứa con trai 24 tuổi đang học năm cuối của một chị bạn ở Thượng-hải (Shanghai), nơi quán nước trong một khu cũ trước đây của Pháp. Nó kể, „Đây là thời đáng lẽ nên lạc quan, nhưng tất cả mọi bạn đồng học của em đều lo. Thời của những phát triển kinh tế mạnh đã qua. Rất khó mà tìm được một việc làm. Tụi em phải vào các công ti nhà nước hoặc phải chia nhau một công việc trong một cơ quan nhà nước, dĩ nhiên phải chịu giảm lương. Giá nhà đất cao quá, em và các bạn sẽ không bao giờ mua nổi một căn hộ đâu. Em đang bị sức ép nặng nề, vì em là con một và cha mẹ trông mong mọi chuyện nơi em. Em phải một mình lo cho cha mẹ. Ông bà muốn em một lúc nào đó phải lập gia đình, nhưng không có nhà thì làm sao lấy được vợ.“
Người Trung-quốc gần như mang nỗi cuồng sợ trước sự bất ổn. Ai hiểu lịch sử hiện đại của Trung-quốc, một lịch sử đầy đói rách, nội chiến, cách mạng và những chiến dịch cũng như những cuộc truy nã chính trị, người đó tất hiểu tại sao.
Và ai hiểu được khối lượng vấn nạn chất chứa ở Trung-quốc, người đó tất hiểu cơ nguy bạo loạn có thể xẩy đến bất cứ lúc nào trên đất nước này. Mỗi năm có hàng chục ngàn cuộc chống đối ở cấp địa phương, con số dự đoán nằm giữa ba chục đến hai trăm ngàn vụ, nhà nước từ lâu vốn giữ kín những con số này. Lúc nào thì một cuộc chống đối hàng loạt sẽ nổ ra, ai biết được trước?
Trong chuyến đi cuối cùng tìm tài liệu cho cuốn tiểu thuyết, suốt gần ba tuần liền tôi chu du ngang dọc khắp Trung-quốc, và đâu đâu hầu như mọi người tôi gặp đều nói tới chuyện ra đi hoặc đã gởi con vào nội trú hoặc nhà người thân tại ngoại quốc rồi. Cả điều này cũng không trùng hợp với hình ảnh của một Trung-quốc mới, tân tiến và xem ra cường lực.
Tôi chứng kiến một đất nước, trong đó những người cầm quyền trước công chúng tỏ ra là những vị lãnh đạo tự tin của một cường quốc, nhưng thật ra là những cái máy. Đó là những người sợ dân mình đến nỗi hàng năm không ngừng gia tăng chi tiền cho an ninh đối nội, nhằm kiểm soát người dân, nhiều hơn là chi cho nền anh ninh quốc phòng bên ngoài. Nỗi sợ nội thù lớn hơn ngoại thù. Tôi hiểu ra, tại sao.

* Jan-Philipp Sendker là một trong những tác giả người đức có nhiều thành công quốc tế nhất. Hơn hai mươi năm ông chu du Trung-quốc, để viết lên một bộ tiểu thuyết ba tập về con người của đất nước này. Cuốn thứ ba „Bờ bên  kia của đêm“ (Am anderen Ende der Nacht) vừa phát hành dịp tháng tám vửa qua.