HÃY TRẢ SỰ THẬT LẠI CHO LỊCH SỬ

Lâm Lễ Trinh


HÃY TRẢ SỰ THẬT LẠI CHO LỊCH SỬ


(Đây là một tài liệu giá trị nhận định về một khiá cạnh của biến cố lịch sử đưa đến sự cáo chung của chế độ VNCH. Tài liệu này đã được tiến sĩ Lâm Lễ Trinh trình bầy trong một chương trình phát thanh năm ngoái, tuy nhiên vẫn còn có giá trị lâu dài. Vì thế tiến sĩ Lâm Lễ Trinh đã có nhã ý dành cho VNN loan tải lại, và xin qúy độc giả vui lòng cập nhật một vài con số trong bài cho phù hợp với thời gian tính của năm nay, 2001. Trân trọng cảm tạ tiến sĩ Lâm Lễ Trinh và qúy độc giả. VNN)

Từ trên hai thập niên nay, mỗi khi tháng tư trở lại, thì giới truyền thông Hoa kỳ, khối diaspora Việt và chính phủ Hà nội đều đồng thanh nhắc đến cuộc chiến Việt Nam với những nhận xét khác biệt và không thay đổi. Năm 2001 đánh dấu kỷ niệm thứ 26 ngày Miền Nam thất thủ, vì thế khơi lại - gay gắt hơn lúc nào hết - vết thương của quá khứ. Các đài truyền hình trên thế giới, nhân dịp này, cho chiếu lại các phim thương mãi và giả tưởng Deer Hunter, Platoon, Apocalypse Now, Full Metal Jacket...Ngoài ra, một số tài liệu gọi là “quân sử” cũng được họ xử dụng để bình phẩm về 15 năm thảm kịch ở Đông Dương,từ 1961 đến 1975, gây thiệt mạng cho 58.000 lính Mỹ và trên 3 triệu người Việt.
Nhà cầm quyền Bắc Việt dựng ra Mặt trận Giải phóng Miền Nam ngày 20.12.1960, lối sáu tuần lễ sau khi John F. Kennedy đắc cử Tổng thống. Qua năm sau, các lực lượng đặc biệt Hoa kỳ tham chiến. Và sau đó, cuối thập niên 60, dưới thời Lyndon B. Johnson, chiến tranh leo thang với vụ oanh tạc Miền Bắc và Hà nội. Tiếp theo là kế hoạch Richard Nixon “Việt nam hóa” chiến tranh, Hiệp ước Paris và bi kịch Miền Nam sụp đổ ngày 30.4.1975.
Chiến tranh Việt Nam là đề tài được Hollywood khai thác lâu nhứt trong lịch sử truyền hình Hoa kỳ. Tạp chí Journal of Broadcasting có đăng một bài khá tường tận của nhà xã hội học George Baylay nghiên cứu về phương thức của ba hệ thống ti- vi Mỹ ABC, CBS và NBC trình bày cuộc chiến này từ 1965 cho đến 1970. Theo ông, gần phân nửa tài liệu chiến tranh liên hệ đến hoạt động của bộ binh và không lực trên chiến trường; lối 12% gồm có các bản văn tuyên bố của chính quyền Hoa Thịnh Đốn và Sài gòn; và sau hết, 3% dành cho tin tức lấy từ đối phương Bắc Việt. Ảnh hưởng của chiến tranh đối với quần chúng Mỹ và những vụ đi bộ cổ võ cho hòa bình, dân chúng xuống đường, sinh viên biểu tình. v.v... của phong trào phản chiến tại Hoa kỳ được trình bày giới hạn, với tài liệu phát xuất phần lớn từ Ngũ Giác Đài. Chỉ trong năm 1971, chi phí dể hình thành kho “sử liệu” loại này lên đến gần 200 triệu mỹ kim.
Từ đầu tháng tư đến nay, cũng như mọi năm, trong khi công luận Hoa kỳ cố quên đi giặc giã, một loạt phim tài liệu xuất hiện trên truyền hình Mỹ dưới tên “Viet Nam, A Televised History”, đề cao chiến thắng của Cộng sản Hà nội và nhai đi nhai lại các tội ác chiến tranh của Hoa kỳ và Quân đội VNCH, căn cứ vào những lời tường thuật sặc mùi xã hội chủ nghĩa của một số nhân chứng và cán bộ gốc Miền Bắc. Đòn tuyên truyền cũ rích này không làm cho chính quyền Hoa Thịnh Đốn thay đổi cảm nghĩ đối với chiến tranh Việt Nam.
Một phần tư thế kỷ đã trôi qua. Hoa Thịnh Đốn vẫn bị ám ảnh bởi “Hội chứng Việt Nam” và Hà nội tiếp tục sống phập phồng trong ác mộng “diễn biến hòa bình”. Hai căn bịnh trầm kha này - nói gì thì nói - không giúp họ hoàn toàn gột bỏ các thành kiến đối với đối phương cũ và cả hai cố gắng giải thích cuộc tranh chấp xưa theo nhãn quan riêng: Cộng sản cho rằng họ đã thắng lớn năm 1975 nhờ Mác, Lê và Hồ. Phía Hoa kỳ thì lại xem cuộc chiến tại Đông Dương chỉ là giai đoạn chuẩn bị sự sụp đổ toàn diện của xã hội chủ nghĩa mà xứ Cờ Hoa chủ trương từ đầu. Để đánh dấu 26 năm thống nhứt đất nước, tướng về hưu Võ Nguyên Giáp, nay trên 88 tuổi, kêu gọi thảm thiết Hoa Kỳ giúp Việt Nam xây dựng lại. Như thế, trong hậu trường cuộc chiến Việt Nam, còn nhiều bí mật chưa được tiết lộ. Nhà cầm quyền Mỹ và Việt sẽ không được bình ổn tâm thần và hơn thế, khó thể tìm ra giải pháp thích hợp và bền vững cho đến khi cả hai có đủ can đảm nhận và nói ra sự thật đã và đang phân cách họ.
Đến nay tại Hoa kỳ, đã có một số người liên hệ mật thiết đến chiến tranh Việt Nam và thức giả lương thiện mổ xẻ thẳng thắn vấn đề. Thí dụ, nhiều cộng tác viên với chính quyền Mỹ trước 1975 không ngại dùng những danh từ như “lừng khừng, nóng nảy, vô năng” để phê bình chính sách của Kennedy và Johnson. Paul Kattenburg, cựu Chủ tịch Khối Nghiên cứu về Việt Nam, VN Task Force, kể lại: Trong phiên nhóm Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 31.8.1963, do TT Kennedy chủ tọa, ông đã đề nghị, nhưng vô hiệu quả, Hoa kỳ rút khỏi VN “trong danh dự”. Bị mất chức tháng giêng 1964, Kattenburg nhận định chua chát như sau về Bộ Tham mưu chiến tranh của Kennedy: “Không có một người nào trong nhóm nắm vững những vấn đề thảo luận. Họ không biết gì về Việt Nam. Họ không thấu triệt quá khứ. Họ quên hết lịch sử. Họ không hiểu sự phân biệt giữa chủ thuyết quốc gia và chủ nghĩa Cộng sản. Tôi tự nhủ: “Trời ơi, chúng ta đang đi vào nguy nan to lớn!”. Trong hồi ký muộn màng “In Retrospect'', cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Mc Namara thú nhận rằng các “đỉnh cao trí tuệ” của nước Cờ Hoa - trong số này tác giả được dư luận xếp vào hàng đầu! - đều mù tịt về Việt Nam được xem như một “vùng đất lạ, terra incognita” và họ “không nhận diện nổi để phân biệt chủ thuyết quốc gia và chủ thuyết cọng sản.”(!). Trong phiên họp ngày 31.8.1963, tại Bộ Ngoại giao, Hoa Thịnh Đốn, khi biết tin âm mưu lật đổ TT Diệm thất bại tuần lễ trước, Phó Tổng thống Lyndon Johnson bộc trực tuyên bố: “Chúng ta nên chấm dứt cái trò vừa la làng, vừa ăn cướp!”
Ngay từ đầu cuộc chiến, chính phủ HK và Việt Nam Cộng hòa đều quan niệm sai lầm liên hệ đồng minh giữa hai nước. Từ đó sinh ra những bất đồng dẫn đến bất hòa và sự bức tử oan uổng của Miền Nam. Thật vậy, quyền lợi của Mỹ và Việt Nam không tương quan: Miền Nam chủ trương chống Bắc Việt để tồn tại như một quốc gia dân chủ và độc lập, trong khi HK muốn dùng VNCH như con cờ thí để thực hiện quân bình chiến lược tại Á châu bằng cách ngăn Bắc Kinh bành trướng thế lực và đồng thời, chia rẽ Nga sô và Trung cộng. Hoa Thịnh Đốn bỏ rơi VNCH không luyến tiếc sau khi Nixon hội kiến với Mao năm 1972. Hoa kỳ không bao giờ chủ trương cho phép (hay giúp) Miền Nam tấn công Bắc Việt để tránh làm phật lòng Bắc kinh và Mạc tư khoa. Hoa kỳ cũng không phản ứng khi Hà nội vi phạm trắng trợn Hiệp ước Bá lê sau 1973. Hoa kỳ còn ép chính phủ Nguyễn Văn Thiệu ký văn kiện này để có lý do rút quân dưới chiêu bài “Việt nam hóa chiến tranh”. Vả chăng, Hoa kỳ không coi sự thất trận của Pháp tại Điên Biện Phủ như một tai biến đối với Thế giới tự do, căn cứ vào những tài liệu ngoại giao của nguyên Đại sứ Pháp tại Sài gòn Jacques de Folin.
Vì quyền lợi tương phản, Mỹ đã giành hết trách nhiệm trong cuộc chiến để dễ bề thao túng. Quyền lợi và trách nhiệm trở nên quá chênh lệch nên sự tương cẩn và tương kính không còn nữa. Hai đồng minh như “đôi đũa lệch”. Cảnh đồng sàn dị mộng chấm dứt thê thảm.
Nạn nhân trực tiếp trong thảm kịch trên đây là gần ba triệu người Việt di cư hiện tản lạc khắp nơi trên thế giới. Đồng thời, họ cũng là chứng nhân lịch sử mang trên thân xác và trong tâm tư mối hờn vong quốc. Khối diaspora này - dù thành công đến đâu ở hải ngoại - vẫn hướng về Đất Mẹ. Thành phần lớn tuổi - sắp giã từ cuộc đời - có trách nhiệm nói lên kịp thời, và nói lớn, cho thế giới biết những sự thật không tô điểm, không phấn son, về cuộc chiến gian khổ của Nhân dân và Quân đội Việt nam Cộng hòa vì chính nghĩa. Đúng thế, một số rất đông trong lớp người này từng nắm giữ vai trò then chốt trong các chế độ đã qua. Họ cần nói sự thật, không phải để tự đề cao mà để vinh danh những anh hùng đã hy sinh và tuẫn tiết trong bóng tối, chống Cộng sản, Độc tài và Thực dân.
Cuộc chiến gian khổ tại VN đã dạy chúng ta biết bao kinh nghiệm bổ ích. Về bạn và thù. Về Điểm và Diện trong chiến lược đấu tranh. Về nhân tình thế thái và vô số vần đề khác.
Chúng ta sẽ ghi mãi trong tâm khảm một điều chán chường là “không một xứ nào sẵn sàng sống chết vì mục tiêu chiến đấu để tồn tại của một nước khác. Không ai thương tổ quốc của chúng ta hơn chúng ta. Dân chủ và nhân quyền là thành quả của một sự tự lực tranh thủ kiên trì, quả cảm và có kế hoạch của một dân tộc bất khuất”. Một điều không thể quên khác là “Sự liên minh với bất luận một đại cường nào, dù mạnh đến đâu, rồi cũng sẽ đưa đất nước vào ngõ cụt nếu không có dân tộc hậu thuẩn. Cái thế dân tộc vô địch và vô song. Không tin, không tạo và không xử dụng triệt để “thế dân tộc” thì thất bại đương nhiên, thất bại thê thảm.
Bởi thế, để dựng lại nước, cần lắng nghe rất nhiều nhân chứng trung thực. Điều này hệ trọng hơn là đốt đuốc đi tìm lãnh tụ giữa ban ngày. Thật vậy, lãnh đạo là gì nếu không phải là tìm cách thấu triệt ý muốn của đại chúng và phục vụ hết lòng nhu cầu chính đáng của dân?
Nếu không nhằm mục tiêu đào sâu thêm hố hận thù thì sự thật có phép lạ nhiệm mầu: Sự thật giải thoát, Sự thật hàn gắn và Sự thật hòa giải. Và nếu biết sám hối và tránh tái phạm lỗi lầm thì Dĩ vãng là một trường đời dạy nhiều bài học vô giá. Theo lời của học giả George Santayana, “Kẻ nào không thể nhớ dĩ vãng, bị phạt dựng lại quá khứ.” Kinh nghiệm, vả chăng, từng chứng minh: Chính trị hủy diệt nhiều hơn đơm hoa. Các thời đại chứng nhân trong lịch sử nhân loại thường tạo nên những nhà lãnh tụ xuất chúng vì họ được trui rèn trong thử thách. Trước khi chỉ huy, họ đã là nạn nhân và nhân chứng.
Năm 1975, CSVN đã thắng. Bằng võ lực, bằng đàn áp. Năm 2001, CSVN đang thua - và thua đậm - một trận chiến mới: trận chiến thu phục nhân tâm và giải quyết nạn nghèo đói, kém phát triển của dân tộc. CS xa dân, phản dân và mất dân. CS thất bại. Người công bộc xã hội chủ nghĩa thoái hóa đã biến dạng thành chủ nhân ông chễm chệ. CS có thể gạt một số người nhẹ dạ trong một thới gian nhưng không thể gạt mãi mãi tất cả mọi người.

Vì thế, phải nói sự thật. Để giúp ý và mở mắt các lãnh tụ sắp đến của một nước Việt tiến bộ và dân chủ. Nói sự thật để hướng dẫn lớp trẻ Việt Nam, chất xám quý hóa và hy vọng cuối cùng trong kế hoạch phục hồi xứ sở. Để tránh những lỗi lầm và vấp ngã của các thế hệ trước. Để xóa cái nhục chậm tiến mà Hồ Chí Minh và bè đảng trong Chính trị bộ Hà nội đang phủ lên giang sơn gấm vóc Việt Nam từ trên nửa thế kỷ nay. Chúng ta không còn một chọn lựa nào khác.