Trật Tự Thế Giới Mới Năm 2017

Robert J.  Samuelson

Trật Tự Thế Giới Mới Năm 2017 

Một câu hỏi thường được đặt ra là trước sự suy tàn của trật tự thế giới sau Thế Chiến Thứ Hai với Hoa Kỳ là siêu cường chế ngự thế giới về quân sự và kinh tế, rồi đây, những yếu tố nào sẽ hình thành trật tự thế giới mới vào năm 2017.
Sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991, người ta thường nói chỉ còn Hoa Kỳ là siêu cường đích thực của thế giới. Pax Americana -Liên Minh Mỹ- sẽ đem lại hòa bình và thịnh vượng cho thế giới. Trào lưu toàn cầu hóa, globalization, sẽ ràng buộc các nước lại với nhau. Mô hình kinh tế, chính trị của Hoa Kỳ, trong đó có sự pha trộn thị trường, chính phủ và tư nhân, với sự giám sát chút ít của chính phủ, sẽ thức đẩy cạnh tranh. Mức sống người dân được nâng cao, do đó, sẽ thúc đẩy, bồi dưỡng những tư tưởng, và định chế dân chủ.
Khi nói về sức mạnh quân sự thuần túy, không một nước nào có đủ sức mạnh để thách đố Hoa Kỳ.Cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1990-1991 chứng minh điều này là đúng. Dĩ nhiên, người ta cũng còn những lo sợ về vũ khí nguyên tử. Nhưng hầu như lo ngại đó đã được niêm phong an toàn. Chỉ có vài nước là có vũ khí nguyên tử, kho vũ khí lớn nhất là của Mỹ và Nga, đều đã được trung hòa, vô hiệu hóa, bởi vì cả hai nước đều hiểu rằng khi đụng độ bằng vũ khí nguyên tử mọi người đều thua. Tình hình thế giới khi đó được một nhà bình luận gọi là “Lịch sử coi như đã an bài, không còn gì để bàn nữa.”. Nhưng tình hình thực tế của thế giới không đúng như vậy. Trên tất cả các mặt trận, những gì sẽ xảy ra làm hỏng mất hình ảnh dự phóng cho tương lai.
Nền kinh tế trên khắp thế giới bị chậm phát triển. Hầu như ở tất cà các nước- kể cả Hoa Kỳ, Trung Hoa, Đức- tỉ lệ phát triển xuống thấp, khiến cho nền kinh tế thế giới cũng xuống thấp theo. Lẽ đương nhiên, những dự đoán về liên hệ kết nối giữa sự thịnh vượng với đường lối chính trị dân chủ cũng không thể thực hiện được.
Ảo vọng về đường lối dân chủ đưa đến những thất vọng về kinh tế. Trào lưu toàn cầu hóa và mậu dịch quốc tế bị mang tiếng xấu, bị kết tội là nguyên nhân khiến cho  công nhân ngành công nghiệp ở xã hội phát triển bị giảm tiền lương, và mất việc làm. Với khối dân số già nua, chính phủ các nước này lại hứa hẹn trợ cấp xã hội quá nhiều, họ kham không nổi. Chính phủ phải chật vật trong việc chi trả cho phúc lợi xã hội quá cao. Dư luận quần chúng lẽ ra phải ủng hộ đường lối dân chủ, ngày nay, họ quay sang xu hướng đề cao tinh thần quốc gia cực đoan, và chủ trương chính sách kinh tế bảo thủ, có lợi cho dân trong nước trước đã. Dân chúng hoan nghênh “Brexit” và bỏ phiếu bầu cho ông Trump lên làm tổng thống.
Ý niệm về siêu cường duy nhất còn lại, là Hoa Kỳ. Nhưng nước Mỹ cũng không khá gì hơn. Nếu định nghĩa “Cường quốc” là quốc gia có thể làm (hay lấy) bất cứ gì mình muốn, thì bây giờ, theo tiêu chuẩn này hai nước Trung Hoa và Nga cũng có thể leo lên hàng cường quốc. Thực vậy cụm từ “siêu cường” có lẽ nên bị phế thải, vì đưa đến hiểu lầm, sai lạc. Hoa kỳ không thể nào lấy được bất cứ những gì họ muốn bằng cách gửi lính Mỹ đến những điểm nóng trên thế giới.
Cuối cùng sự đồng thuận giữa các nước về vũ khí nguyên tử hiện đang lâm vào tình trạng rách nát te tua. Bắc Triều tiên có vũ khí nguyên tử, ít lâu nữa, Iran cũng sẽ có vũ khí này. Càng có nhiều nước có vũ khí nguyên tử, nguy cơ sử dụng vũ khí nguyên tử sẽ xảy ra khi một  nước nào đó nổi xung, sử dụng thiếu tính toán, hay tính toán sai lầm. Tai họa sẽ khủng khiếp không lường  được.
Sau Thế Chiến Thứ Hai, Hoa Kỳ đưa ra một chiến lược toàn cầu. Theo đó, Mỹ sẽ bảo vệ các nước đồng minh về quân sự và hy vọng rằng hòa bình sẽ giúp đem lại nhiều xã hội dân chủ, ổn định và thịnh vượng. Giáo điều hấp dẫn về kinh tế và chính trị của Chủ Nghĩa Cộng sản sẽ bị từ khước. Tuy có một vài trường hợp thất bại, song chiến lược toàn cầu của Mỹ nhìn chung khá thành công. Âu châu và Nhật được tái thiết; Liên bang Xô Viết bị thất bại, và chủ nghĩa cộng sản bị mất uy tín ở khắp nơi.
Dựa trên hình hình vừa miêu tả ở trên, Hoa Kỳ tìm cách dự phóng xây dựng một trật tự quốc tế thời kỳ sau Chiên Tranh Lạnh. Nhưng điều mà chúng ta không ngờ nó xảy ra là phản ứng của nhiều nước, cũng như sự phức tạp của lịch sử.
Trật tự quốc tế ngày nay đang ở tình trạng có nhiều yếu tố mới nổi lên vì nhiều lý do khác nhau. Đầu tiên phải nói đến là thái độ chống lại vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ từ phía Trung Hoa, Nga và nhiều nước khác. Ngay chính người Mỹ cũng nhiều khi họ cũng cảm thấy mệt mỏi về vai trò lãnh đạo thế giới. Kỹ thuật mới (như buôn bán trên mạng, và những cuộc chiến tranh trên mạng) tạo ra sự tái phân phối quyền lực và ảnh hưởng.
Điều hơi lạ là chính một số nhà lãnh đạo Mỹ đôi khi cũng đóng góp vào việc làm suy giảm sức mạnh của Mỹ. Thái độ không ưa dùng sức mạnh quân sự của ông Barack Obama được cả đồng minh của Mỹ, cũng như kẻ thù thấy rõ, khiến cho tiềm năng chiến đấu của Mỹ bị mất uy tín. Lấy trường hợp những gì xảy ra ở Syria đủ thấy rõ, người Mỹ hết sức dè dặt khi phải dùng sức mạnh quân sự. Sự mất tín nhiệm đó đưa đến hậu quả như đồng nghiệp của tôi, ông Richard Cohen viết về việc này như sau: “Kể từ ngày Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, vai trò lãnh đạo của Mỹ chủ yếu là duy trì hòa bình thế giới. Dù muốn, hay không, người Mỹ đã đóng vai trò cảnh sát quốc tế. Ngày nay không còn người cảnh sát đó đi tuần nữa, thì lẽ đương nhiên hòa bình sẽ không còn nữa.” .
Ông Trump có những ý kiến riêng của ông làm cho trật tự quốc tế bị suy yếu. Địa bàn ông chọn là mậu  dịch. Ông hăm dọa sẽ đặt ra quan thuế biểu đánh vào hàng nhập cảng từ Trung Cộng và Mễ Tây Cơ. Nếu việc này khiến gây ra chiến tranh mậu dịch, e rằng những hậu quả tai hại sẽ đánh ngược trở lại vào các công ty Hoa Kỳ và công nhân Mỹ. Lần cuối cùng người ta dùng chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch để thúc đẩy kinh tế xảy ra vào thời thập niên 1930’s, thử nghiệm đó không đem lại kết quả tốt. Hiện nay đang có một vấn đề rất lớn xảy ra. Trong cuốn sách mới nhất của ông Henry Kissinger, mang tựa đề:World Order”- “Trật Tự Thế Giới”, ông Tiến sĩ này lý luận rằng thế giới đang ở trong một tình trạng hết sức nguy hiểm khi trật tự quốc tế di chuyển từ một hệ thống này sang một hệ thống khác. Ông viết như sau: “Sự tự chế, dằn lòng tham, không còn nữa, sân chơi được mở bung cho ai muốn nhảy vào chiếm cũng được, phần thắng sẽ về tay kẻ nào hung hăng đòi nhiều nhất, hay mạnh bạo nhất, không ai thay thế được.  Khi đó, xáo trộn sẽ theo sau, cho đến khi nào hệ thống trật tự được thiết lập.”. Theo tôi đây là một lời cảnh cáo nghiêm túc, không phải chuyện đùa. 

Bài phân tích của Robert J.  Samuelson Trên Washington Post ngày 1/1/2017

Nguyễn Minh Tâm  dịch