ĐỜI SỐNG TRONG CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ

ĐỜI SỐNG TRONG CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ

73. Đời sống công cộng ngày nay

Thời đại chúng ta đã được đánh dấu bằng những biến đổi sâu rộng ngay trong cơ cấu và các tổ
 chức của các dân tộc, song song với những tiến triển về văn hóa, kinh tế và xã hội; những
 thay đổi này ảnh  hưởng nhiều đến đời sống của cộng đồng chính trị, nhất là trong những vấn
 đề liên quan tới quyền lợi và bổn phận của mọi người trong việc hành xử quyền tự do công
dân và theo đuổi công ích, cũng như trong việc điều hợp những mối tương quan giữa các
công dân với nhau và với chính quyền.
Nhờ ý thức mãnh liệt hơn về phẩm giá con người, ngày nay tại nhiều miền trên thế giới, người

ta nỗ lực thiết lập một thể chế chính trị pháp lý để bảo vệ hữu hiệu hơn quyền lợi của cá nhân

trong đời sống công cộng, chẳng hạn quyền được tự do hội họp, tự do lập hội, tự do phát biểu ý

kiến và tự do tuyên xưng tín ngưỡng cách riêng tư hoặc công khai. Thật vậy, việc đảm bảo

những quyền lợi của con người là điều kiện cần thiết để người công dân, với tư cách cá nhân hay

đoàn thể, có thể tham gia cách tích cực vào đời sống và vào guồng máy quốc gia.

Cùng lúc với sự tiến bộ về văn hóa, kinh tế và xã hội, ý định muốn đảm nhận hơn nữa phần

trách nhiệm trong việc tổ chức cộng đồng chính trị cũng đã nảy sinh nơi nhiều công dân. Một số

đông người đã ý thức phải quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ quyền lợi của các sắc tộc thiểu

số trong cùng một quốc gia, trong khi chính các thành phần thiểu số ấy cũng không được xao

lãng bổn phận của họ đối với cộng đồng chính trị; hơn nữa, sự tôn trọng đối với những người

không cùng quan điểm hay tôn giáo đã được thể hiện ngày càng rõ rệt hơn; đồng thời cũng đã

có được sự cộng tác rộng rãi hơn để tất cả mọi công dân, chứ không phải chỉ một số người nào

đó được ưu đãi, có thể thực sự được hưởng những quyền lợi của con người.

Trái lại, bất cứ thể chế chính trị nào cũng đều bị lên án, nếu thể chế đó, như hiện có ở một

vài nơi, ngăn chặn tự do công dân hoặc tôn giáo, làm gia tăng con số nạn nhân của tham vọng

và tội phạm chính trị, hay lạm dụng quyền lực để phục vụ cho một tập đoàn hay chính những

người cầm quyền, thay vì mưu cầu công ích.

Để xây dựng một đời sống chính trị thực sự mang tính nhân bản, không gì tốt hơn là khơi dậy

nơi thâm tâm mỗi người ý thức về công bình, lòng nhân ái, và tinh thần phục vụ công ích, đồng

thời củng cố nơi mọi người những xác tín căn bản về bản chất đích thực của cộng đồng chính trị

cũng như về mục đích, về phương thức hành quyền chính đáng và về những giới hạn của công

quyền.

74. Bản chất và mục đích của cộng đồng chính trị

4

Cá nhân, gia đình và tập thể, tức là mọi thành phần của cộng đồng công dân đều ý thức

rằng, tự sức mình không một thành phần nào có thể xây dựng được một đời sống thực sự nhân

bản, và đều nhận thấy cần phải có một cộng đồng rộng lớn hơn, trong đó tất cả mọi người hằng

ngày hợp lực để mưu cầu công ích mỗi lúc một tốt đẹp hơn 1 . Do đó họ thành lập nên cộng đồng

chính trị dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì thế cộng đồng chính trị chỉ hiện hữu là vì công ích,

chính công ích là lý do tồn tại, mang lại ý nghĩa và là cơ sở cho các đặc quyền của cộng đồng

chính trị. Công ích nói đây bao gồm tất cả những điều kiện của đời sống xã hội, nhờ đó cá

nhân, gia đình và đoàn thể có thể triển nở cách trọn vẹn và dễ dàng hơn 2 .

Tuy nhiên, một cộng đồng chính trị lại gồm nhiều người thuộc nhiều thành phần khác biệt, và

họ được phép có nhiều quan điểm khác nhau. Vì thế, để tránh cho cộng đồng chính trị khỏi bị

chia rẽ, khi mà mỗi cá nhân đều bênh vực quan điểm riêng của mình, cần phải có một quyền

bính để qui hướng nỗ lực của mọi công dân nhằm tới công ích, không phải cách máy móc hay

độc đoán, nhưng trên hết như một sức mạnh tinh thần dựa trên tự do và ý thức về nghĩa vụ và

trách nhiệm.

Vì cộng đồng chính trị và công quyền đặt nền tảng trên bản tính con người, nên cũng nằm

trong trật tự Chúa đã an bài, nhưng việc định đoạt một thể chế chính trị hay lựa chọn người

cầm quyền vẫn là quyền tự do của mọi công dân 3 .

Cũng thế, việc hành xử quyền bính chính trị trong chính cộng đồng hoặc trong các cơ quan đại

diện cho quốc gia, luôn phải được triển khai trong giới hạn của trật tự luân lý để hoạt động có

hiệu quả, để mưu cầu công ích - công ích ở đây phải hiểu theo nghĩa năng động - tùy theo trật tự

pháp lý đã hoặc sẽ được thiết lập cách hợp pháp. Khi ấy, mọi công dân buộc phải theo lương tâm

mà tuân phục 4 . Điều đó hiển nhiên cho thấy trách nhiệm, thế giá và quyền lực của những người

lãnh đạo cộng đồng.

Tuy nhiên, nơi nào công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp công dân, thì người

dân đừng từ chối không làm những gì khách quan xét thấy phù hợp với đòi hỏi của công ích; họ

được phép bênh vực quyền lợi của riêng mình cũng như của đồng bào chống lại những lạm

dụng của công quyền, nhưng đừng vượt quá những giới hạn của luật tự nhiên cũng như luật

Tin Mừng.

Những phương thức cụ thể mà mỗi cộng đồng chính trị áp dụng để tổ chức cơ cấu và phân

phối quyền hành có thể khác nhau tùy đặc tính và bước tiến lịch sử của mỗi dân tộc; dù vậy,

những phương thức này phải luôn hướng đến việc đào tạo con người có văn hóa, yêu chuộng

hòa bình và có lòng yêu thương đối với mọi người, để giúp ích cho toàn thể gia đình nhân loại.

75. Sự cộng tác của mọi người trong đời sống công cộng

Thiết lập những cơ cấu chính trị pháp lý là điều phù hợp với bản tính con người, nhờ đó tất

cả mọi công dân có được khả năng thiết thực và không hề bị kỳ thị để có thể tham gia cách tự

do và tích cực vào việc thiết lập nền tảng pháp lý của cộng đồng chính trị, hoặc tham gia vào

việc điều hành quốc gia, xác định phạm vi hoạt động và mục tiêu của những cơ quan khác

nhau, cũng như tham gia vào việc lựa chọn người cầm quyền 5 . Vì thế mọi công dân cần phải

1 x. GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 417.

2 x. GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 417.

3 x. Rm 13,1-5.

4 x. Rm 13,5.

5 x. PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh 24.12.1942: AAS 35 (1943), tr. 9-24; 24.12.1944: AAS 37 (1945), tr. 11-17; GIOAN

XXIII, Thông điệp Pacem in terris: AAS 55 (1963), tr. 263, 271, 277-278.

5

nhớ rằng họ có quyền lợi và bổn phận trong việc tự do sử dụng lá phiếu của mình để mưu cầu

công ích. Giáo Hội ca ngợi và quí trọng việc làm của những người đang dấn thân lo việc quốc

gia và tự nguyện gánh vác trách nhiệm nặng nề đó để phục vụ con người.

Để việc cộng tác trong ý thức trách nhiệm của các công dân đem lại kết quả tốt đẹp trong đời

sống chính trị thường ngày, cần phải có một định chế pháp lý thiết thực, trong đó qui định cách

thức phân bổ hợp lý các nhiệm vụ và các cơ quan công quyền, đồng thời thiết lập một hệ thống

bảo vệ hữu hiệu và độc lập cho những quyền lợi của người công dân. Phải nhìn nhận, tôn trọng

và cổ võ các quyền lợi của cá nhân, gia đình và đoàn thể cũng như việc sử dụng những quyền

lợi đó, đồng thời cả những bổn phận mà tất cả mọi công dân buộc phải thi hành 6 . Trong số

những bổn phận công dân, cần nhắc tới việc phải thi hành nghĩa vụ đối với quốc gia trong

những đóng góp về tài lực cũng như nhân lực mà công ích đòi hỏi. Chính quyền không nên

ngăn cản những hiệp hội có tính cách gia đình, xã hội hay văn hóa, những đoàn thể hay tổ

chức trung gian, cũng không nên cấm chế những hoạt động hữu hiệu và chính đáng của các tổ

chức ấy, nhưng tốt hơn nên tạo điều kiện thuận lợi và có qui định rõ ràng cho các hoạt động ấy.

Về phía người công dân, cá nhân hay đoàn thể, không nên dành cho nhà chức trách một quyền

hành quá lớn, nhưng cũng đừng đòi hỏi ở chính quyền những giúp đỡ cũng như những đặc ân

quá đáng và không phải lúc, vì như thế là làm giảm trách nhiệm của cá nhân, gia đình và cả các

đoàn thể xã hội.

Hiện nay, do hoàn cảnh ngày càng phức tạp, chính quyền buộc phải can thiệp thường xuyên

hơn vào các vấn đề xã hội, kinh tế và cả lãnh vực văn hóa, để tạo điều kiện thuận lợi cho các

công dân cũng như các đoàn thể được tự do phát triển toàn diện con người cách hữu hiệu hơn.

Dĩ nhiên, tùy địa phương và tùy sự tiến hóa của mỗi dân tộc, mối tương quan giữa việc xã hội

hóa 7 và sự tự lập cũng như sự phát triển của cá nhân có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau.

Nhưng nếu vì công ích mà phải tạm thời hạn chế việc sử dụng các quyền công dân, thì khi hoàn

cảnh đã thay đổi, cần phải tái lập tự do sớm hết sức có thể. Tuy nhiên, chính quyền sẽ trở thành

vô nhân đạo nếu rơi vào những hình thức chuyên chế hoặc độc tài xâm phạm đến quyền lợi cá

nhân hay các đoàn thể.

Người công dân phải nung nấu lòng yêu nước trong tinh thần cao thượng và trung kiên chứ

không hẹp hòi ích kỷ, nghĩa là làm sao để đồng thời vẫn quan tâm đến ích lợi của toàn thể gia

đình nhân loại, một gia đình được liên kết lại bằng nhiều ràng buộc giữa các nòi giống, chủng

tộc và quốc gia.

Tất cả mọi Kitô hữu phải ý thức về ơn gọi đặc biệt của mình trong cộng đồng chính trị. Họ

phải nêu gương sáng bằng cách làm tăng triển nơi chính mình ý thức trách nhiệm và thái độ tận

tâm phục vụ công ích, để cho thấy rằng trong thực tế, người ta vẫn có cách hoà hợp quyền bính

với tự do, sáng kiến cá nhân với sự liên đới và những đòi hỏi của toàn thể xã hội, lợi thế của sự

hiệp nhất với kết quả phong phú của những dị biệt. Trong lãnh vực hoạt động trần thế, họ phải

nhìn nhận rằng có những quan điểm chính đáng và cả những quan điểm đối nghịch nhau, và họ

phải biết tôn trọng các công dân hay các đoàn thể khác, khi những người này bênh vực quan

điểm của mình cách trung thực. Những đảng phái chính trị có bổn phận cổ võ những gì họ xét

thấy cần cho công ích, chứ không bao giờ được đặt quyền lợi riêng lên trên công ích.

Cần phải quan tâm thực hiện việc giáo dục về tư cách công dân và chính trị, điều này hiện

nay rất cần thiết cho mọi người, nhất là giới trẻ, để mọi công dân có thể hành xử đúng vai trò

của mình trong đời sống cộng đồng chính trị. Những ai đang hoặc có thể sẽ hoạt động chính trị,

một công việc khó khăn nhưng cũng rất đáng quí trọng 8 , cần được chuẩn bị trước và phải hăng

6 x. PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh, 1.6.1941: AAS 33 (1941), tr. 200; GIOAN XXIII, Thông điệp Pacem in terris: 1. c., tr.

273-274.

7 x. GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), tr. 415-418.

6

say hoạt động mà không màng tới tư lợi hay bổng lộc vật chất. Họ phải dùng nếp sống liêm chính

và sự khôn ngoan để chống lại bất công và áp bức, để phản kháng sự cai trị độc tài và bạo quyền

của một cá nhân hay một đảng phái chính trị; họ phải có lòng chân thành và chính trực, nhất là

tình thương và lòng dũng cảm cần phải có trong hoạt động chính trị, để tận tâm phục vụ ích lợi

của mọi người.

76. Cộng đồng chính trị và Giáo Hội

Điều rất quan trọng là cần nhận thức chính xác về mối tương quan giữa cộng đồng chính trị

và Giáo Hội, nhất là trong một xã hội đa nguyên, đồng thời cũng cần phải phân biệt minh bạch

giữa hoạt động của cá nhân hoặc đoàn thể các Kitô hữu, với tư cách là công dân dưới sự

hướng dẫn của lương tâm Kitô giáo, và những hành động của các tín hữu khi họ nhân danh

Giáo Hội và hợp nhất với các vị chủ chăn của họ.

Do sứ vụ và thẩm quyền của mình, Giáo Hội hoàn toàn không thể nào là một cộng đồng

chính trị, và cũng không hề bị trói buộc vào bất cứ hệ thống chính trị nào, nhưng Giáo Hội vừa

là dấu chỉ vừa đảm bảo cho tính cách siêu việt của con người.

Cộng đồng chính trị và Giáo Hội, mỗi bên với lãnh vực riêng của mình, đều độc lập và tự trị.

Tuy nhiên, dù dưới danh hiệu khác nhau, cả hai đều cùng phục vụ cho ơn gọi cá nhân và xã hội

của con người. Việc phục vụ đó sẽ hữu hiệu hơn cho thiện ích của nhân loại, nếu cả hai duy trì

được sự cộng tác tốt đẹp với nhau, thích ứng với từng thời điểm và từng địa phương. Thật vậy,

con người không chỉ thuộc về thế giới chóng qua này, trái lại, tuy sống trong lịch sử nhân loại,

con người vẫn luôn hướng đến ơn gọi vĩnh cửu của mình. Được thiết lập trong tình yêu của

Chúa Cứu Thế, Giáo Hội có sứ mệnh làm cho công bình và bác ái ngự trị bền vững nơi từng

dân tộc và giữa các dân tộc. Trong khi rao giảng chân lý Tin Mừng và dùng giáo lý cũng như

chứng tá cuộc sống của các Kitô hữu để soi sáng mọi lãnh vực của sinh hoạt con người, Giáo

Hội vẫn luôn tôn trọng và cổ võ cho tự do cũng như trách nhiệm của các công dân trong phạm

vi chính trị.

Các Tông đồ và các Đấng kế vị cũng như những cộng tác viên của các ngài, khi được sai đi

để loan báo Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế cho mọi người, luôn phó thác việc tông đồ của mình

cho quyền lực của Thiên Chúa, Đấng vẫn thường tỏ rõ sức mạnh của Tin Mừng trong chính sự

yếu hèn của các chứng nhân. Thật vậy, bất cứ ai hiến thân phục vụ lời Chúa đều phải sử dụng

đường lối cũng như phương thế riêng của Tin Mừng, vốn có nhiều khác biệt với những cách

thức thế gian thường làm.

Đã hẳn, các thực tại trần thế và những thực tại siêu phàm nơi con người đều liên kết mật

thiết với nhau, và chính Giáo Hội cũng sử dụng các thực tại trần thế trong mức độ mà sứ mệnh

riêng của mình đòi hỏi. Tuy nhiên, Giáo Hội không cậy nhờ vào những đặc ân của thế quyền;

hơn nữa, Giáo Hội cũng sẽ từ chối việc sử dụng một số quyền lợi đã thủ đắc một cách chính

đáng, nếu thấy rằng việc đó làm cho người ta nghi ngờ về tính chân thực trong chứng từ của

Giáo Hội, hoặc khi những hoàn cảnh mới đòi hỏi phải xử sự cách khác. Tuy nhiên, bất cứ ở

đâu và bất cứ thời nào Giáo Hội cũng phải được tự do rao giảng đức tin, truyền bá học thuyết

xã hội của mình cũng như được dễ dàng chu toàn sứ mệnh của mình giữa loài người; Giáo Hội

cũng phải được tự do nói lên nhận định luân lý của mình về cả những vấn đề liên quan đến

lãnh vực chính trị, khi quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi, bằng

cách chỉ sử dụng những phương tiện nào phù hợp với Tin Mừng và lợi ích của mọi người,

được thích nghi tùy theo thời đại và hoàn cảnh khác nhau.

8 x. PIÔ XI, Huấn từ cho các vị lãnh đạo Hiệp hội Đại học Công giáo: Discorsi di Pio XI: xb. Bertetto, Torino, q.I (1960), tr.

743.

7

Trung thành theo sát Tin Mừng và trong khi thi hành sứ mệnh của mình trong thế giới, Giáo

Hội có bổn phận cổ võ và làm thăng tiến bất cứ điều gì là chân, thiện, mỹ trong cộng đồng nhân

loại 9 , nhờ đó xây dựng hòa bình cho con người để làm vinh danh Thiên Chúa 10 .

* HIẾN CHẾ MỤC VỤ VỀ GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY - GAUDIUM ET SPES