Tư Duy và Hành Động

Nguyễn Văn Thành

Tư Duy và Hành Động

Nội Dung


Lời mở đường : Quan hệ giữa tư duy và hành động                        
Phần thứ Nhất : Tư tưởng của R. Fisher                                        
Chương 1.1- Xác định phương hướng hành động                         
Chương 1.2- Tư duy khoa học                                                        
Chương 1.3- Học bằng hành động                                                  
Chương 1.4- Nhiệt tình và hăng say                                               
Chương 1.5- Phản hồi
                                                                                                           

Phần thứ Hai : Tư tưởng của Ed. De Bono                                    
Chương 2.1- Nhận định tổng quát                                                  
Chương 2.2- Mục đích yêu cầu                                                      
Chương 2.3-Thu lượm tin tức                                                         
Chương 2.4- Tìm ra những chọn lựa                                              
Chương 2.5- Quyết định                                                                 
Chương 2.6- Lên đường
                                                                                                           
Lời nói cuối : Lãnh đạo chiều ngang                                               
1- Lãnh đạo cổ điển đang bị phá sản                                               
2- Lãnh đạo chiều ngang
                                                                                                           
Sách Tham khảo
                                                                                                           
Phụ trương                                                                                       

********** 
Lời mở đường 

 Quan hệ giữa tư duy và hành động

Khi nói đến quan hệ giữa tư duy và hành động, chúng ta đề cập nhiều tầng lớp ý nghĩa cùng một lúc :
Thứ nhất, tư duy có phần vụ đầu tiên là tìm hiểu những gì đang xảy ra trong môi trường sinh sống hiện tại. Sau khi thu lượm một số tin tức và dữ kiện, chúng ta tìm cách tác động trở lại trên môi trường, nhằm thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của chúng ta ; hay là giải quyết những vấn đề do cuộc sống đặt ra.
Thứ hai, sau khi đã trải qua một thời gian khá dài, trong một môi trường nhất định, chúng ta không cần lập đi lập lại những gì đã tiếp thu, ghi nhận và tích lũy trong quá khứ. Bao nhiêu kinh nghiệm được giữ lại trong tư duy có khả năng thu tóm và giản lược những gì chúng ta đã biết về thực tại bao la bao quanh chúng ta. Các nhà tâm lý người Mỹ quen gọi bản tóm lược ấy là một bản đồ tâm lý. Trong ngành địa lý, bản đồ cung cấp cho chúng ta những tin tức về một xứ sở thế nào, thì bản đồ tâm lý cũng có phần vụ phản ảnh tương tự, đối với môi trường sinh thái bao quanh chúng ta. Bởi vì môi trường thay đổi thường xuyên, chúng ta phải cập nhật hóa chiếc bản đồ tâm lý mỗi ngày : kiểm chứng, đổi mới, rà soát lại những tin tức đã được khám phá và tàng trữ trong nội tâm. Lúc bấy giờ, những chương trình tác động của chúng ta mới có thể đáp ứng những đòi hỏi của môi trường và mang lại những thành quả mà chúng ta mong ước.
Thứ ba, ngoài hai phần vụ là gây tác động - tạo ra ảnh hưởng - và tàng trữ, tư duy cũng cho phép chúng ta dự phóng hay là tiên liệu về tương lai xa gần có liên hệ đến cuộc sống. Có khả năng tư duy hữu hiệu, những ai biết chuyển biến giấc mơ làm người, dần dần thành hiện thực. Nói khác đi, nhờ ánh sáng của tư duy soi đường chỉ lối, chúng ta nhận thức mình đang ở đâu ; muốn hướng đến một cùng đích nào, sử dụng những con đường và phương tiện như thế nào. Đặc biệt nhất là khi một chướng ngại xuất hiện, ngăn chận bước tiến của chúng ta, tư duy lúc bấy giờ huy động, vận dụng một lối nhìn sáng tạo cho phép chúng ta làm chủ, kiểm soát mọi tình huống xảy đến trong lòng cuộc đời. Ngược lại, nếu không tôi luyện, học tập và ngày ngày thao tác một lối tư duy sắc bén, kiên cường, sẵn sàng đối đầu với mọi thách đố, chúng ta sẽ mang tâm lý của nạn nhân, phản ứng cách bị động, trước mọi kích thích và đến từ bên ngoài, do hoàn cảnh hoặc người khác áp đặt, khống chế.
Tư duy trong lăng kính được xác định như vậy, là một tiến trình liên lỉ, không bao giờ có điểm “dừng chân”, “đã tới nơi”. Nói cách khác, khi vận dụng tư duy, chúng ta luôn luôn mở mắt để nhìn, lắng tai để nghe ngóng, mở rộng lòng để đón nhận, tiếp xúc, học hỏi. Bắt tay vào việc, không chần chừ, hẹn rày hẹn mai. Đánh giá công việc, trong mỗi giai đoạn thành hình, cho đến hồi kết thúc thành tựu.
Hăng say, nhiệt tình phải chăng là một tên tuổi khác, một bộ mặt khác của con người có khả năng tư duy ĐỂ hành động và BẰNG hành động ? Dựa vào những tiêu chuẩn được xác định một cách cụ thể, khách quan và khoa học, sẵn sàng và can đảm xét lại mọi chương trình và kế hoạch. Rút lui, khi thấy mình sai lầm. Điều chỉnh lập tức, khi có những dấu hiệu sai lệch. Có khả năng đảm nhiệm mình như vậy là một tư cách làm người, thành người.
Tiêu chuẩn đánh giá tuyệt vời và hữu hiệu hơn tất cả, là những nhận xét, những đóng góp phản hồi của những người cùng có mặt, cùng làm việc với chúng ta, thuộc mọi tầng lớp và cấp bậc khác nhau. Tuy nhiên, mấy ai trong chúng ta đã học hỏi về phương pháp phản hồi ? Mấy ai trong các giới lãnh đạo cho phép người khác phản hồi về cách lãnh đạo của mình ? Không những hoan hô, đón nhận mọi loại đóng góp, chúng ta còn phải tạo ra những điều kiện thuận lợi, khuyến khích mọi cộng sự viên phản ảnh những nhiệt độ lên xuống trong những tổ chức và sinh hoạt của chúng ta.
Để quãng diễn những chủ đề vừa được phác họa trên đây tôi sẽ lần lượt giới thiệu tư tưởng của hai tác giả là R. Fisher và Ed. De Bono. Phương pháp tư duy của hai bậc thầy nầy có mục đích cung ứng cho giới trẻ ngày nay những con đường làm người có nhân cách và bản lãnh kiên cường, lành mạnh. Một đàng họ không ngừng vươn tới một ý thức sáng suốt về mình : tôi là ai trong lòng cuộc đời. Đàng khác trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi, vai trò của người khác được khẳng định và nhìn nhận một cách đứng đắn : Tôi chỉ làm người thực sự và trọn vẹn, khi tôi tôn trọng tư cách làm người của kẻ khác. Đồng  thời tạo mọi điều kiện tích cực, cần thiết và thuận lợi cho phép kẻ khác làm người như tôi, với tôi, ngang hàng tôi. Trong ý thức mới này, tư duy có nghĩa là ĐỒNG HÀNH và CHIA SẺ. Chúng ta không thể tư duy một mình. Không thể làm người một mình. Không thể kiến dựng đất nước và xã hội loài người một mình.
Hẳn thực, vào những năm 50 và 60 của thế kỷ 20, “khẩu hiệu” kêu gọi làm người do Tự lực văn đoàn khởi xướng là “Anh phải sống”. Đó là lời trăn trối của người mẹ và người vợ : “Anh phải sống”, để cho con cái có thể sống, vượt qua những thác lũ bão táp của cuộc đời.
Vào thời đại Nghìn năm thứ ba, “khẩu hiệu” không còn lay chuyển được ai. Mọi tầng lớp quần chúng nghi kỵ và xa lánh những ai chỉ biết hô hào, tuyên bố, đứng nhìn từ xa, từ trên, từ ngoài. Lại gần, ở giữa ... họ sợ “bị bẩn tay”, lấm bùn, liên lụy. Cho nên dần dần họ trở nên xa lạ đối với thế giới làm người. Rốt cuộc, họ là những con người “ngoại cầu”, thuộc về những hành tinh xa xôi, không dính dấp gì với cuộc sống chân lấm tay bùn của quần chúng.
Để trở về với con người, với dân tộc, với đất nước, chúng ta hãy học lại một lối nhìn. Hãy nghe lại với vành tai xôn xao. Hãy xóa bỏ những thiên kiến, những định kiến hay là những thành kiến đã đóng lớp rêu phong từ bao nhiêu đời chồng chất lên nhau. Bao lâu chưa nhổ tận gốc rễ những tin tưởng già cỗi đã biến thành những yêu tinh ma quái, theo câu chuyện huyền sử về Lạc Long Quân, chúng ta không thể đón nhận những dòng tư duy mới, mang đến cho chúng ta những sinh khí mới, những cách làm mới, những lối nhìn mới, những quan hệ mới.
Đổi mới tận gốc rễ như vậy, có người gọi đó là con đường cách mạng. Người khác đặt tên đó là cuộc trở về với mặt mũi uyên nguyên, đích thực. Ngôn từ chỉ là ngôn từ. Không có tình thương làm động cơ thúc đẩy từ bên trong, tất cả mọi công trình của chúng ta chỉ là “Ngư tinh mộc tinh và hồ tinh” trong lòng quê hương đất nước, ngày ngày gieo vãi chết chóc và tàn hoại cho anh chị em đồng bào.
*
*         *
1.- Phần thứ nhất : tư tưởng của R. Fisher

Làm thế nào để chuyển biến những ước mơ và dự liệu của chúng ta thành hiện thực hay là những thành tựu cụ thể và khách quan ?
1.1 Thứ nhất là xác định phương hướng hành động,
1.2 Thứ hai là thao tác hay là lên kế hoạch một lối tư duy khoa học,
1.3 Thứ ba là học hỏi, tìm kiếm trước, trong lúc hành động và sau mỗi giai đoạn thực hiện.
1.4 Thứ bốn là bắt tay vào việc mỗi ngày một cách hăng say và nhiệt tình.
1.5 Thứ năm là mở mắt quan sát, ghi nhận, mở tai lắng nghe, tìm hiểu và khiêm tốn mở miệng yêu cầu người khác cung ứng cho mình những đóng góp, nhận xét phản hồi.
Thay vì chỉ đưa ra những lý thuyết tổng quát, trừu tượng và xa vời, tác giả R. Fisher giới thiệu cho chúng ta những kỹ thuật cụ thể và nhất là những động tác thuộc tầm tay thực hiện của chúng ta ngày hôm nay, “ở đây và bây giờ”*

Chương 1.1 Xác định phương hướng hành động

Công việc của chúng ta, cho dù thuộc lãnh vực nào, không bao giờ có tính khoa học, hệ thống, đồng bộ và hợp lý, nếu chúng ta không xác định rõ rệt đối tượng mà chúng ta ước muốn, cố quyết thực hiện hay la thành tựu trong công việc.
Khi một con tàu lênh đênh trên biển cả, không nhắm đến một bến bờ nào nhất định, không một con nước hay một chiều gió nào nói được là thuận lợi cho cuộc hành trình của nó. Phương hướng hành động là đích điểm chúng ta nhắm tới, từ khi bắt tay vào công việc cho tới lúc hoàn thành mỹ mãn.
Tôi dùng lối nói “Phương hướng hành động”, đương khi các tác giả đó đây có thể sử dụng nhiều lối nói khác nhau như mục đích cuối cùng, mục tiêu hoạt động, chí hướng, lý tưởng, thành quả... Để vạch ra cho mình những định chuẩn khách quan, những điểm móc rõ ràng, chắc chắn, trên con đường hành động, chúng ta cần phân biệt ba giai tầng trong mỗi chương trình dự án hay là kế hoạch.
Giai tầng thứ nhất : Động tác cụ thể : Hôm nay tôi làm gì, theo chương trình mà tôi đã hoạch định ? Động tác cụ thể cần được tôi thực hiện gồm có những bước tiến như thế nào ? Khi không bắt tay vào việc mỗi ngày như vậy, tất cả dự án của tôi chỉ là quảng cáo, tuyên truyền láo khoét. Hay đó chỉ là những viễn mơ thiếu gốc rể bám sát vào mảnh đất thực tế.
Giai tầng thứ hai : Mục tiêu ngắn và dài hạn. Trong một thời hạn được xác định cách cụ thể tôi sẽ thực hiện hay là sản xuất được những thành quả nào. Mục tiêu tôi đề xuất như vậy, cho một khoảng thời gian ngắn như 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng ... được gọi là mục tiêu ngắn hạn. Khi thời gian trải dài trong nhiều năm, đó là những chương trình, dự án, kế hoạch với những mục tiêu dài hạn.
Khi đề xuất những mục tiêu như vậy, tôi chọn lựa một lãnh vực cụ thể, rõ ràng, khách quan. Dựa vào những tiêu chuẩn đã được ấn định, khi lập dự án hoặc lên kế hoạch, tôi có thể đánh giá thành quả, nghĩa là khẳng định với những dữ kiện chứng rằng : Tôi đạt hay là không đạt chỉ tiêu, trong khoảng thời gian được ấn định.
Giai tầng thứ ba : Giá trị hay là viễn ảnh thúc giục, động viên, kêu mời chúng ta đi tới.
Để ngày ngày kiên trì trong công việc, cũng như để vượt qua bao nhiêu chướng ngại chận đường tiến tới, ở sẵn bên trong chúng ta hay là có mặt trong môi trường, chúng ta phải tìm ra cho mình những viển ảnh tương lai kỳ hùng, cao thượng, trọng đại. Đó là những giá trị có khả năng làm cho cuộc đòi chúng ta trở thành quan trọng, đáng sống. Nhiều giá trị quyện sát, tập hợp với nhau, lập thành một lý tưởng của cuộc đời. Vì lý tưởng ấy, tôi sẵn sàng sống chết, chấp nhận mọi hy sinh, vượt qua bao nhiêu gian khổ.

*   *
*
Để thiết lập những dự án có đầy đủ ba giai tầng hoạt động như vừa được trình bày phương pháp “Chương trình sinh hoạt thần ngữ” (Programing neuro-linguistic thường được viết tắt là PNL) đề nghị chúng ta hãy lần lượt khảo sát những loại trọng điểm sau đây.
Trọng điểm một : Khởi điểm
Khởi diểm là điểm xuất phát của dự án. Có thể đây là một trẻ em chúng ta cần dạy dỗ, một tổ chức cần thăng hóa chất lượng sản xuất hay là một môi trường, một khu phố cần được cải tiến trong vấn đề vệ sinh, sạch sẽ ...
Điều cần làm trước tiên là thu lượm những tin tức, những sự kiện hoàn toàn khách quan đang có mặt ở điểm xuất phát mà chúng ta đang quan sát, nghiên cứu, học hỏi, tìm hiểu.
Nói cách chung, sự kiện là tất cả những hiện tượng đang xảy ra, được ghi nhận bằng các giác quan, như mắt thấy, tai nghe, tay chân có thể đụng đến, tiếp xúc ...
Khi sự kiện có thể mang lại lợi ích, năng động cho công việc của chúng ta, đó là sự kiện tích cực. Ngược lại, khi sự kiện tạo khó khăn cho chương trình hành động, đó là sự kiện tiêu cực.
Sự kiện là một hiện tượng đã hay là đang xảy ra một cách khách quan cụ thể, chúng ta có thể mô tả. Xúc động trái lại là những hiện tượng hoàn toàn chủ quan, thuộc nội tâm của mỗi cá nhân, thay đổi thường xuyên, ít khi cố định, bám chặt vào một tâm trạng duy nhất. Sợ, lo, buồn, khổ, tức giận, thất vọng... quyện sát vào nhau, chồng chéo lên nhau, tác động lẫn nhau. Thậm chí chính chủ thể ở trong cuộc nhiều khi không thể phân biệt minh thi hay là gọi tên đứng đắn loại xúc động nào đang tràn ngập tâm tư của mình. Vì thiếu ý thức rõ rệt, sáng suốt, chúng ta chỉ mô tả một cách mơ hồ, đại loại như : tôi khó chịu trong mình, tôi đứng ngồi không yên, tâm hồn tôi nặng nề...
Để phân biệt ba loại sự kiện khác nhau, cũng như tách rời xúc động hoàn toàn chủ quan khỏi những hiện tượng khách quan, tác giả Ed. De Bono đề nghị sử dụng “kỹ thuật những chiếc mũ” :

Mũ trắng : sự kiện nói chung
Mũ đen : sự kiện tiêu cực
Mũ vàng mặt trời : sự kiện tích cực
Mũ đỏ : xúc động làm tê liệt hay là tạo năng động, hứng khởi.

Trọng điểm hai : Đích điểm hay là tận điểm.
Khi trả lời những câu hỏi như :

-         Tôi muốn gì ?
-         Tôi đi đến đâu ?
-         Tôi nhắm thành đạt những gì ?
-         Điều tôi muốn thực hiện bao gồm những điểm nào ?
-         Mục đích của công việc tôi làm là gì ?
-         Giá trị nào thúc đẩy tôi dấn thân hết mình vào công việc.
-         Trong dự án này, mục tiêu cần thành tựu, thành quả cần gặt hái là những gì cụ thể.

Tôi đang trình bày, diễn tả đích điểm mà tôi muốn nhắm tới, thành đạt, trong kế hoạch hành động của tôi.
Trong tiếng Anh cũng như trong tiếng Việt, mỗi tác giả dùng một cách nói khác nhau. Purpose là mục đích. Objective là mục tiêu. Goal hay là target : đích điểm. Outcome hay là resuet: kết quả. Achievement : thành tựu, thành tích. Value là giá trị.
Để đon giản hóa vấn đề, chúng ta chỉ cầm phân biệt hai đường hướng hoạt động:
- Khi chúng ta nhắm tới một viễn ảnh, viễn tượng cao cả, kỳ hùng, trọng đại khả dỉ mang lại ý nghĩa và hứng khởi cho cuộc đời, đó là những giá trị bao quát, trừu tượng tạo nên lý tưởng hoặc chí hướng cho cuộc đời. Tiếng Anh có hai từ Vision, viễn ảnh và Ideal, lý tưởng, chí hướng.
- Trong lãnh vực khoa học, chúng ta phải nhắm tới những thành tựu cụ thể, khách quan, có thể đánh giá dựa vào những tiêu chuẩn được xác định một cách rõ ràng, khi chúng ta thiết lập dự án. Từ được dùng trong tiếng Anh là Objective, mục tiêu hoạt động hay là Outcome, kết quả cụ thể.
Nhằm tìm kiếm và thiết định đích điểm của chương trình hoạt động, Ed. de Bono đề nghị sử dụng những chiếc mũ sau đây:
Mũ đỏ: Cái gì tạo hứng khởi, thúc đẩy bạn đi tới? Đây là những tâm tình xúc động tạo nên sức đẩy bật cho chúng ta.
Mũ vàng: sự kiện tích cực nào sẽ là một hào quang cho đời bạn?
Mũ xanh da trời: Đời bạn thực sự có ý nghĩa khi bạn thành tựu những gì?
Mũ xanh lá cây: Công việc nào do chính bàn tay bạn sản xuất sẽ mang lại sức khỏe, tuổi trẻ cho con người của bạn? Bạn không bao giờ mệt mỏi, khi làm những gì?
Theo ý kiến của tác giả Ed. de Bono, để thành tựu mỹ mãn công việc thiết định đích điểm, chúng ta hãy vận dụng không những khả năng sáng tạo, mà còn biết khai thác tinh thần thách đố và mạo hiểm, nghĩa là dám thấy, dám làm, dám đương đầu ở chỗ mà mọi người đã rút lui, bỏ cuộc. Cả gan đứng thẳng trở thành bất khuất bất diệt khi mà đoàn lũ, đám đông đã chạy làng, tan rã hàng ngũ, sụp lạy trước những chiêu bài danh vọng, giàu sang, quyền thế...
Trọng điểm ba: sáng suốt liệt kê những chướng ngại và mở mắt nhận cho ra những hạt mầm trọng đại và cao cả đã có mặt, còn được gọi là “những chủng tử Rồng Tiên” trong nền văn hóa Việt Nam.
Bao lâu các tôn giáo khác nhau cũng như những phương pháp sư phạm giáo dục không thay đổi lối nhìn về những gì mang tên là “tội lỗi, sai lầm, hư đốn, cám dỗ...”, chúng ta còn cỗ võ những phương thức trừng trị, khai trừ, loại thải, tố cáo, phê phán, sửa phạt... trong những chương trình hoạt động của chúng ta. Não trạng nhị nguyên còn, thì kỳ thị, chiến tranh vẫn ăn đời ở kiếp chính trong quả tim của chúng ta. Freud cũng đã sử dụng một lối nói tương tự với những thuật ngữ như siêu ngã, dồn nén, vô thức. Bao lâu trong chính con người của chúng ta, một cơ cấu đại diện “đường ngay lẽ phải” mang tên là siêu ngã, sẵn sàng trừng phạt, áp chế, tố cáo, phê phán một đứa bé muốn học, bằng cách “cái gì cũng muốn thấy, muốn nghe, muốn đưa tay sờ mó...” Rốt cuộc, vì bị la rầy, cấm cản, roi đòn, nhiếc mắng, nghĩa là “bị kiểm duyệt và dồn nén” khắp mọi nơi, theo kiểu nói của Phân tâm học, đứa bé bị thúc ép chọn lựa một kế hoạch “không thấy, không nghe, không sờ mó lộn xộn”, nghĩa là không còn học. Và khi không học, thì nó không làm chủ, không chủ động. Khi nó không học làm người thì nó trở thành đồ vật, hay là “đầu trâu mặt ngựa” ngang tàng trên đường phố như tưới xăng đốt xe cộ, chỉa súng cướp tiền khách bộ hành, chơi tò hãm hiếp phụ nữ, trẻ em. Nó không học làm người thì nó trở thành nạn nhân bị vô thức lèo lái, khống chế. Vô thức là tranh ảnh đầy bạo động trên màn bạc, là những cuốn phim mô tả khói lửa ở Trung Đông, ở A-phú-hản, ở khắp nơi trên mặt địa cầu.
Đi ngược lại với phương pháp trừng trị, dồn nén nầy, ở Âu Mỹ nhiều bậc cha mẹ trong hai thập niên 60 và 70 của thế kỷ 20 đã đề cao “phương pháp cho phép tất cả”, “không cấm cản, không dồn nén, không đóng vai trò siêu ngã”.
Kết quả là số lượng trẻ em và thanh thiếu niên “phạm pháp, cao bồi, du đảng, bụi đời” càng ngày càng gia tăng trong những đô thị đông dân cư và thuộc diện đại công nghiệp hóa.
Trong đường hướng giáo dục thuộc nghìn năm thứ ba, làm người có nghĩa là làm chủ bản thân và cuộc đời của mình. Cho nên nhà giáo dục, trong tinh thần phục vụ và tôn trọng con người, vận dụng tối đa những tình huống trong đó đứa bé, từ lúc lọt lòng mẹ, đã chủ động, đã làm chủ thể, cho dù hiện tượng chỉ kéo dài trong vòng hai, ba giây đồng hồ.

Trẻ em chủ động khi từ chối,
Trẻ em chủ động khi bi bô, bập bẹ, phát ra những âm thanh trầm bổng,
Trẻ em chủ động khi ngoảnh mặt, không còn muốn nhìn,
Trẻ em chủ động, khi khóc la ...

Một bà mẹ, một giáo viên hay một người cha có kỹ năng giáo dục tinh nhuệ là những ai nhạy bén, chớp thời cơ những lúc trẻ em đang lam chủ thể như vậy, để tạo quan hệ tiếp xúc, trao đổi qua lại. Và khi trẻ em rút lui, chúng ta biết tôn trọng, không cưỡng chế, thúc ép.
Trong tinh thần và chiều hướng giáo dục như vậy, hạt giống làm người đã có sẵn đó, từ khi đứa bé sinh ra. Chúng ta tìm cách trông nom, vun tưới, phát huy. Cách làm nầy mang một danh hiệu rất tuyệt vời và sâu sắc bằng tiếng Anh là “Pacing and Leading”.  Pacing có nghĩa là bước đi theo nhịp độ của trẻ em, không đi trước. Không lẽo đẽo, chậm chạp theo ở đằng sau. Là đồng hành, chia sẻ. Vui niềm vui của trẻ em. Khổ nỗi khổ của trẻ em, nhất là khi nó khóc la inh ỏi, hay là sợ sệt, cúi mặt xuống, không dám nhìn theo. Từ thứ hai là AND, có nghĩa đầu tiên là “và”. Nhưng trong mạch văn của câu nói, duy từ “and” mà thôi đã cung ứng cho chúng ta nhiều đường hướng :

-         Bước đi theo để hướng dẫn
-         Vừa bước theo, vừa hướng dẫn
-         Bước theo làm quen với trẻ em, rồi mới từ từ tìm cách hướng dẫn
-         Cùng bước theo đã là hướng dẫn.

Bước theo và hướng dẫn là một hơi thở có ra có vào. Giữa chúng ta và trẻ em có qua, có lại. Giáo dục không phải là con đường độc lộ, một chiều, từ trên rót xuống. Từ ngoài tống cửa xông vào !
Nói như vậy, chúng ta đã định nghĩa từ thứ ba: Leading, hướng dẫn, soi sáng, nâng đỡ, tạo quan hệ tiếp xúc và trao đổi qua lại hai chiều, ngang nhau. Không có trên có dưới, theo nghĩa một bên áp đặt, độc tài, bên kia cúi đầu, tuân phục, bị động, không có tiếng nói đóng góp, phản hồi, “nuôi lại”, cơ hồ đứa con dạy lại cho mẹ mình cách thức nuôi con.
Trong một quan hệ qua lại, hai chiều như vậy, không có kẻ hơn, người thua. Cả hai đều thắng với nhau trên một mặt trận làm người, làm chủ thể. Theo lối nói của tác giả Step. R. Cover, đây là loại quan hệ đóng góp, xây dựng cho nhau giữa hai chủ thể làm người với nhau, nhờ nhau. Từ được dùng trong tiếng Anh là Synergizing. Syn là qua lại, gây ảnh hưởng cho nhau, trên nhau. Ergizing là tạo ra năng lượng, biến thành chủ động, kiến dựng một chủ thể.
Energizing, trong tinh thần ấy và theo lối chuyển dịch của tôi là sinh ra nhau, mẹ sinh con, con sinh mẹ. Và tác thành cho nhau nên người có chủ quyền thực sự và đứng đắn. Tóm tắt lại, synergizing có nghĩa là tương sinh, tương thành.
Trong cùng một con người duy nhất hay là trong cung lòng của xã hội, quan hệ tương sinh, tương thành có mặt, khi hai thành viên khác biệt nhau như ngày và đêm, Rồng và Tiên, âm và dương, thậm chí xấu và tốt, tiêu cực và tích cực... bồi đáp, bù trừ cho nhau có nghĩa là bổ túc, kiện toàn cho nhau, thay vì loại trừ, tiêu diệt lẫn nhau.
Trong các tôn giáo như Phật giáo hoặc Kitô giáo, cũng có những giáo lý tương tự như : tội lỗi mang lại hồng ân, phiền não tạo bồ đề. Chỗ nào tội lỗi lan tràn, chỗ ấy ân phúc cũng chứa chan lai láng.
Trong các dự án hoặc phương pháp giáo dục ngày nay, giải quyết vấn đề và phát huy bản sắc làm người không phải và không còn là hai loại can thiệp khác nhau. Cả hai lập nên một tiến trình duy nhất, như một nhịp thở ra vào, tác động lẫn nhau, nhờ nhau. Cách làm nầy, như tôi đã nhấn mạnh trước đây, được tác giả Ed. De Bono đặt tên là Thách đố : khám phá năng động vươn tới chính khi vấn đề và khó khăn có xu thế áp đảo chúng ta. Tỉnh thức dự liệu đề phòng những hiểm họa của bệnh hoạn, chính lúc chúng ta đầy tràn sức sống “ăn ngon, ngủ khỏe”. Đạo đức và điều độ, chừng mực gần như đồng nghĩa trong nền văn hóa Việt Nam. Cho nên, đức độ là một lối sống tự nhiên của con người có văn hóa, trước khi nói đến những con đường tu luyện trong các loại tôn giáo khác nhau.
Trọng điểm bốn : những bước đi tới cụ thể, trong chương trình thực hiện từng ngày.
Trọng điểm này là mỗi ngày rút ngắn lại đoạn đường phân cách từ khởi điểm đến đích điểm, trong kế hoạch hoạt động của chúng ta. Trong mỗi chương trình hoặc dự án có tính khoa học, đích điểm phải được hiểu là mục tiêu cần phải thành đạt trong một thời hạn ngắn hay dài, đã được tiên liệu từ lúc khởi đầu. Trong nỗ lực sống và làm chứng lý tưởng hoặc số mệnh của mình, chúng ta làm ngược lại : Đem lý tưởng cao cả và trọng đại vào trong từng lời nói và cử chỉ nhỏ nhặt hằng ngày. Tuy nhiên cả trong hai lãnh vực khoa học và lý tưởng chúng ta rút ngắn đoạn đường dài giữa khỏi điểm và đích điểm bằng cách mỗi ngày, thực hiện và thành tựu một động tác rất nhỏ thuộc tầm tay và khả năng hiện hữu của chúng ta. Theo kế hoạch “kiến tha lâu đầy tổ” hay là “cháo nóng húp quanh” chúng ta dần dần “góp gió thành bão”, làm nên những thành quả khác thường, với những công việc bình thường mỗi ngày.
Trong giai đoạn nầy của chương trình hoạt động, chúng ta thiết định những công việc cụ thể phải làm mỗi ngày. Làm như vậy là biến giấc mơ vĩ đại cho toàn thể cuộc đời thành hiện thực từng giây từng phút ở đây, trong điều kiện cụ thể thuộc tầm tay.
Để xây dựng ngôi giáo đường chánh tòa nguy nga lộng lẫy, công việc ở đây và bây giờ của người thợ xây cất chánh tòa là xẻ cắt những tảng đá đồ sộ thành những viên đá có kích thước của một viên gạch xây tường.
Đối với người công nhân viên làm phu quét chợ Đông Ba ở Huế, xây dựng đất nước, yêu thương anh chị em đồng bào là cống hiến cho khách hàng vào chợ một con đường sạch, một khu chợ sạch thuộc trách nhiệm hằng ngày của mình.
Đối với giáo lý Phật giáo, sở dĩ cái nầy có, là vì cái kia có. Cái nầy không có, thì cái kia cũng sẽ không bao giờ thành. Một người phu ở chợ Đông Ba chưa được tôn trọng, trong tư cách làm người của mình, thì ông chủ tịch Nhà Nước hay là ông Thủ tướng Chính phủ cũng chưa “làm người” thực sự và trọn vẹn. Chưa có số một ở đầu mỗi con số, những số ức, số triệu chỉ là một dãy số không mà thôi.
Trọng điểm năm : Đánh giá kết quả
Đánh giá kết quả là kiểm soát vị trí hoặc chỗ đứng hiện tại của mình, trên con đường thực hiện một dự án, từ khởi điểm đến đích điểm. Tại chỗ đứng nầy, tôi trả lời những câu hỏi sau đây :

-         Tôi thực sự đi đúng đường, nhắm đúng hướng hay là bị lệch ra ngoài những điểm mốc đã được thiết định ?
-         Tôi cần tiếp tục hay là thay đổi phương hướng ?
-         Điều nào cần bổ túc, điểm nào cần kiện toàn, độ lệch nào nên điều chỉnh sửa sai?

Đánh giá như vậy, không phải là đánh giá một ai khác, ngoài tôi. Hay là đánh giá một sự kiện, một hiện tượng không dính dấp tới con người của tôi. Trái lại, đó là một cách so sánh giữa lối nhìn của tôi trong dự án và lối nhìn hiện tại của tôi trong thực tế cụ thể và khách quan. Hai lối nhìn ấy có ăn khớp với nhau hay là đang chưởi bới nhau ?
Chính vì lý do nầy, khi thiết lập dự án, chúng ta đã phải tiên liệu một bảng thang đánh giá bao gồm những tiêu chuẩn cụ thể, khách quan còn được gọi là điểm mốc nhằm đánh dấu con đường đi tới. Nói đến tiêu chuẩn khách quan, cụ thể là khi chúng ta có thể trả lời một cách chính xác cho những câu hỏi như sau :

-         Tôi sẽ thấy gì trước mắt tôi ?
-         Tôi sẽ nghe gì với lỗ tai của tôi ?
-         Tôi sẽ đưa tay đụng đến cái gì ?
-         Tôi sẽ đếm : mấy đơn vị ?
-         Tôi sẽ đo : bao nhiêu mét ?
-         Tôi sẽ cân lường : nặng mấy ki-lô ?

Nói cách chung, tôi trình bày những sự kiện, những con số và người khác có thể kiểm chứng.
Để đánh giá những tiến bộ của một trẻ em chẳng hạn, chúng ta cũng thường sử dụng những nấc thang tương tự :
Nụ cười : 3 tháng
Phân biệt người quen - kẻ lạ : 9 tháng
Đi : 9 tháng - 15 tháng
Nói một số từ quen thuộc : 18 tháng
Bập bẹ, trao đổi bi bô : 2- 3 tháng.
Thông thường khi ba người khác nhau cũng đều ghi nhận một sự kiện giống nhau, chúng ta có thể khẳng định rằng : đó là một sự kiện khách quan.
Trong mỗi dự án dạy dỗ trẻ chậm phát triển, thuộc bất cứ diện nào, người giáo viên cần thực hiện ba loại đánh giá khác nhau :
Thứ nhất là đánh giá mỗi ngày
Hôm nay trẻ em làm được gì ?
Hôm nay trẻ em có vấn đề gì ?
Sau mỗi tuần, người giáo viên đúc kết nhận xét của mình để rút ra những mẫu số chung, những nét được lặp đi lặp lại còn được gọi là cấu trúc thường trực.
Thứ hai là đánh giá giai đoạn giữa đường
Sau mỗi giai doạn 3 hoặc 6 tháng, một cuộc đánh giá cần được tổ chức, để điều chỉnh những sai lệch trong lối nhìn ban đầu, nhất là khi trẻ em không diễn đạt một số tiến bộ được tiên liệu hoặc dự phóng.
Khi có những trì trệ như vậy, người giáo viên cần đánh giá, xét lại những điểm then chốt sau đây :
-         Lối nhìn của tôi về trẻ em ?
-         Quan hệ của tôi với trẻ em.
-         Tôi chấp nhận trẻ em như thế nào ?
-         Cách thức làm việc của tôi : chuẩn bị lớp, sáng tạo học cụ, các loại sinh hoạt ...
Cuộc đánh giá nầy được tổ chức với nhóm thu hẹp vào 3 người.
Thứ ba là đánh giá kết thúc dự án
Hai vấn đề cần được nêu lên và thảo luận trong nhóm mở rộng cho toàn đội ngũ giáo viên :
-         Trẻ em đã tiến bộ chỗ nào ? Nhờ vào đâu ?
-         Đâu là vấn đề tồn đọng ? Giải thích tại sao ?
-         Dự án cho giai đoạn mới

Mỗi khi có vấn đề tồn đọng, toàn cả nhóm trở lại khảo xét 4 tiêu chuẩn được nói tới trong lần đánh giá giai đoạn.
Vấn đề chuyển lớp của trẻ cũng được bàn tới trong lần đánh giá kết thúc giai đoạn nầy.

       *
*
Một tiêu chuẩn đánh giá có tính thời đại
Ngày nay, vào thời đại Nghìn Năm thứ ba, chúng ta không thể đánh giá một công trình hoặc một dự án, mà không đề cập yếu tố hòa hợp môi sinh.
Như trước đây tôi đã nói tới, chúng ta không thể và không có quyền làm người một mình, mà không lưu tâm đến quyền sống và quyền làm người của bao nhiêu người đang cùng chung sống với chúng ta. Đồng hành và chia sẻ là bổn phận, trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng quê hương, đất nước và nhân loại. Tôi không thể đon phương xài phí, tiệc tùng, xây cất đồ sộ, ăn uống no say, khi biết rằng trước cửa ngõ, trong khu phố có người đang chết đói, đi ăn xin hay là đang thất nghiệp... Chúng ta không thể bình tâm khoán trắng trách nhiệm chia sẻ và đồng hành cho người khác. Chúng ta không thể thinh lặng đồng lõa về số kiếp bất hạnh của những người mà chúng ta gọi là đồng bào, đồng loại.
Trong tinh thần và đường hướng hòa hợp môi sinh khi thiết kế những dự án, khi tiên liệu những thực hiện, những thành tựu, những công trình, chúng ta cần nêu ra câu hỏi : Cái lợi cho tôi sẽ có thể gây hại cho ai ? Nếu có, tôi bồi đắp bằng cách nào cho hợp lý, hợp tình. Tình lý được nêu ra ở đây là tư cách, chất lượng làm người của tôi, cũng như của bao nhiêu người khác có quan hệ xa gần với tôi.
Cũng trong chiều hướng hòa hợp môi sinh tôi muốn nêu lên ở đây, vấn đề diễn tả ra ngoài và cách thức hóa giải những xúc động và tình cảm khả dĩ làm tê liệt mọi năng lực hoạt động của những thành viên cùng trực thuộc một đội ngũ và ngày ngày cùng làm việc với nhau.
Tranh chấp, xung đột, bất mãn, ganh tỵ, những nhận xét gây tổn thương... những cuộc bình bầu thiếu tiêu chuẩn khách quan, những lời khen thưởng quý tùy tiện, không công bằng... đó là bao nhiêu “con sâu làm rầu nồi canh”. Bao nhiêu kế hoạch, dự án bị tan vỡ hay là mang tính chất “đầu voi đuôi chuột” chỉ vì vấn đề xúc động và tình cảm đang xói mòn, đục khoét trong nội tâm sâu thẳm của mọi người. Không có một khung gian được thiết kế cho phép vô thức đi ra vùng ánh sáng! Trong đội ngũ không có một thành viên có đầy đủ chuyên môn và kinh nghiệm có khả năng tạo điều kiện thuận lợi và an toàn. Nhờ đó, mỗi người cảm thấy mình có chỗ đứng, được tôn trọng và có giá trị trong quan hệ hài hòa với mọi người.
Nếu trên bình diện vật chất và của cải, chúng ta chưa có đủ điều kiện tối thiểu để chia sẻ và đồng hành với anh chị em đồng bào... Ít nhất trong lãnh vực xúc động và tình cảm, những người dang thuộc về một đội ngũ hoạt động biết ngồi lại với nhau, học hỏi với nhau về cách thức “nhiểu điều phủ lấy giá gương”.


Chương 1.2 : Tư duy khoa học

Tư duy nội dung và tư duy tiến trình :
Nói đến tư duy, chúng ta vừa nói đến một nội dung đã thành hình và có mặt trong nội tâm. Nội dung nầy phản ảnh cách tổ chức, thứ tự hay là cấu trúc của thực tại bên ngoài đang bao quanh chúng ta. Đó là môi trường sinh hoạt hằng ngày của con người từ lúc sinh ra cho đến ngày giã biệt cuộc sống.
Đồng thời khi nói đến tư duy, chúng ta cũng đang khảo sát một tiến trình hoạt động của nội tâm. Tiến trình nầy có phần vụ thường xuyên PHÁC HỌA, chế tạo, sản xuất một chiếc bản đồ ở bên trong nội tâm phản ảnh một cách sơ lược, đại loại tất cả những gì có mặt trong thực tại bên ngoài. Bởi vì thực tại khách quan biến chuyển thường xuyên, tư duy là một tiến trình không bao giờ ngưng lại, luôn luôn tìm cách đổi mới, kiểm chứng, điều chỉnh, rà soát lại những tin tức đã thu lượm được về môi trường sinh thái chung quanh.
Tư duy - xét về mặt tiến trình - được so sánh như một dòng sông luôn luôn đổi thay, di động, luân chuyển. Nước ở cầu Trường Tiền, Huế, ngày hôm nay, không phải là nước ngày hôm qua. Vì lý do đó, chúng ta có thể phát biểu, giống nhu một triết gia người Hy-lạp, “không ai tắm hai lần ở một chỗ nhất định của dòng sông”.
Để nhận thức về tiến trình luân chuyển thường xuyên của tư duy, chúng ta chỉ cần khảo sát sơ đồ nội tâm, với năm cấu trúc hoàn toàn khác biệt, nhưng có khả năng tác động qua lại, lui tới trên nhau. Không cấu trúc nào chỉ làm nhân. Làm nhân xong rồi, cũng cấu trúc ấy trở lại làm quả cho các cấu trúc khác. Nhân quả giao thoa chằng chịt, chồng chéo lên nhau. Rốt cuộc trong nhân có quả và trong quả có nhân.
Cấu trúc thứ nhất là Cửa vào bao gồm năm giác quan có phần vụ tiếp thu, ghi nhận, chọn lựa, sắp xếp những tin tức khách quan hay là sự kiện do môi trường thực tại cung ứng.
Cấu trúc thứ hai mang tên là bản đồ tâm lý có phần vụ thuyên giải thực tại được tiếp thu, ghi nhận xuyên qua năm cánh cửa giác quan.
Thuyên giải là khoác vào một ý nghĩa hay là gọi tên. Gọi tên ai là Binh, là Thư, la Vân, là Hồng, là Khánh, trước mắt tôi, đó không phải chỉ là tấm hình khô khan, vô hồn, nằm chết cứng trong một cuốn tập lưu niệm phủ đầy bụi bặm, trên một kệ sách. Danh tánh của người ấy có thể chiếu lên trên màn ảnh nội tâm cả một cuốn phim tràn đầy muôn màu sắc. Co khi cũng đậm nét thương đau, kinh hoàng, khổ lụy ...
Cấu trúc thứ ba nằm kề sát vùng thuyên giải : Đó là sào huyệt của tham, hận, sân, si, sỉ, nộ, ai, cụ ái, ố, dục. Đó là cung đền của Tình Thương, Thứ Tha, bao dung. Đó là chiến khu của Thù hận, bạo động, kỳ thị, chiến tranh. Tôi giác ngộ thành Phật cũng nhờ những động cơ thúc đẩy, phát xuất từ nơi đây. Tôi trỏ thành tay sai cho ác quỉ, cũng do những áp lực đầy quyền uy khống chế có mặt trong những hang động âm u ở đây.
Theo Phân tâm học, nhu cầu làm người cao cả và đại lượng cũng ở nơi đây. Đồng thời sức ép và sức nặng trì trề, ù lì làm cho tôi trầm luân trong ngục tù khốn khổ cũng ở nơi đây.
Để giải thích cho sinh viên hiểu được một phần nào tính lưỡng năng của xúc động và tình cảm, tôi thường dùng hình ảnh chai rượu đối với người nghiện rượu. Chai rượu vừa là thiên đàng, vừa là hỏa ngục cùng một lúc. Tổ chức “bảo vệ người nghiện rượu” ở Thụy sĩ đề nghị một kế sách rất đơn sơ hữu hiệu nhưng rất khó thực hiện : Vào giây phút đầu tiên, khi nhìn thấy chai rượu, nếu người nghiện rượu biết thú nhận và diễn tả ra ngoài : “Hỡi chai rượu, ta biết ngươi mạnh hơn ta gấp ngàn lần. Ta rút lui, không dám đấu tranh tay đôi với ngươi”. Thú nhận xong, người nghiện rượu rút lui, xa lánh, rời khỏi địa điểm.
Trái lại, người nghiện rượu nào “sôi máu anh hùng hào kiệt” hãnh diện về tửu lượng của mình, và coi thường chai rượu như chai nước lã, người ấy đã ngã quị khi nâng ly rượu đầu tiên lên đến miệng của mình. Ở ly thứ nhất, họ tận hưởng thiên đàng. Nhưng khi tỉnh dậy, tìm lại ý thức của mình, họ mới biết họ đang ngụp lặn trong đáy sâu của hỏa ngục. Đáy chai rượu chính là đáy hỏa ngục.
Đức Kitô đối với quỉ Sa-tan cũng như Đúc Phật đối với Ma Vương Ba Tuần luôn luôn có thái độ khiêm cung, từ tốn, giữ khoảng cách. Ở vườn Cây Dầu Ngài con lo sợ, cầu cứu với Cha Ngài, bởi vì Ngài đo lường được sức mạnh quyến rủ của Tiền tài, Danh vọng và Uy quyền. Đức Phật còn dùng cách xưng hô “Ngài” để gọi Ma Vương và đối đãi với Ma Vương như một thượng khách chỉ dám “nhìn từ xa xa”. Không lại gần. Không kết bạn. Không so sánh hơn thua.
Nói tóm lại, trước sức mạnh lớn lao của xúc động và tình cảm, cách thức đối phó tuyệt vời nhất là nhìn nhận, đón nhận, coi trọng, bằng cách khám phá những nhu cầu cơ bản ở bên dưới và tìm cách trao đổi, đáp ứng tùy theo điều kiện hiện hữu của mình.
Cấu trúc thứ bốn là cửa ra bao gồm những thể thức tiếp xúc, trao đổi, thiết lập những quan hệ hài hòa với người khác, với chính mình, với trời đất, núi sông, khí và nước.
Chúng ta dùng lời nói, việc làm để đáp ứng lời yêu cầu, phát xuất từ mọi thành viên hay cấu trúc của môi trường. Đồng thời môi trường là kho tàng vô tận có khả năng đáp ứng va thỏa mãn mọi yêu cầu của chúng ta, miễn là chúng ta khiêm tốn xin, biết cách xin và tìm nơi để xin. Giữa sa mạc nắng cháy, mto giọt nước sẽ quí giá hơn trăm ngàn lượng vàng.
Xin chứ không phải đòi hỏi, cưỡng bức, áp chế. Trong thái độ xin, luôn luôn có ý nghĩa tôn trọng, chờ đợi, lắng nghe, nhìn nhận, đón nhận và cám ơn.
Có bao giờ chúng ta mở lời cám ơn mặt trời, cám ơn nước, cám ơn sông ... để hai bàn tay biết dừng lại không làm ô nhiễm trời đất.
Khi biết đối đãi với trời đất như vậy, chúng ta sẽ có khả năng đối đãi với tha nhân, với chính mình.
Người mẹ nào cũng đã có lần nhắn nhủ đứa con của mình : Hãy giữ thân cho mẹ, cho trời đất, núi sông, quê hương, đồng bào ...
Cấu trúc thứ năm là vô thức: một kho tàng trữ vô hình có khả năng xuất hiện ở khắp nơi.
Ai lắng mà không nghe đâu đó tiếng côn trùng nỉ non. Tiếng trời đất trở mình. Tiếng thét gào vô âm của tình yêu bị mạ lị.
Vô thức có mặt trong ngôn ngữ hằng ngày.
Vô thức hiện hình trong lối nhìn, trong cách suy luận, trong những kết luận mà chúng ta rút tỉa ra từ một số tin tức sự kiện.
Khi chúng ta lắng nghe mình, lắng nghe người, chúng ta sẽ nhận ra tiếng nói của vô thức đang lưu tâm cho chúng ta nhận ra sự khác biệt giữa mình và người. Chúng ta khai thác làm sao sự khác biệt ấy ? Tìm cách bổ túc hay là gồng mình muốn hơn thua?

(Trang 39bis
Sơ đồ nội tâm)

Tư duy là một tiến trình vòng tròn xoáy ốc, phát triển luôn mãi.
Dựa vào cấu trúc của nội tâm, chúng ta sẽ dễ dàng phát hiện tiến trình của tư duy trải dài từ quá khứ bao trùm luôn tương lai, khởi đầu từ những sự kiện cụ thể, khách quan được ghi nhận lên tới những phương hướng tổng quát, để cuối cùng kết thúc bằng những tác động cụ thể cần thực hiện mỗi ngày.
Tiến trình tư duy nầy bao gồm bốn giai đoạn :
Giai doạn một : sự kiện
Giai doạn hai : ý nghĩa
Giai doạn ba : phương hướng hành động
Giai doạn bốn : tác động cụ thể hay là cần thực hiện hôm nay.
Bốn giai doạn, cơ hồ bốn mùa xuân hạ thu đông, kết thành một chu kỳ diễn biến và đi tới thường xuyên cũng như ngày ngày đổi mới và trở lại điều chỉnh, thanh lọc những gì đã hiện hữu


(Sơ đồ trang 41)

Giai đoạn một : Mô tả và ghi nhận một cách khách quan và chính xác những sự kiện.
Để có khả năng mang tính khoa học, tư duy phải bắt đầu với giai đoạn đầu tiên : mô tả một cách khách quan và chính xác những sự kiện do giác quan ghi nhận trực tiếp :
Kỹ thuật 1 : sử dụng các từ thuộc giác quan : tôi thấy, tôi nghe, tôi tiếp xúc, đưa tay đụng vào ...
Kỹ thuật 2 : môi trường hóa tin tức bằng cách nỗ lực trả lời: ai, cái gì, ở đâu, khi nào, cách nào, bao lâu, bao nhiêu, để làm gì ...
Kỹ thuật 3 : Ngôn ngữ chính xác, để phát huy tư duy khách quan khoa học.
Kỹ thuật 4 : Thay đổi hay là hoán chuyển ba vị trí đứng nhìn :
-         Chủ thể : Tôi
-         Khách thể : Bạn
-         Liên chủ thể : Chúng ta
Kỹ thuật 5 : sử dụng những bản liệt kê các đề mục quan sát có sẵn, do các tác giả đề nghị hay là do chính chúng ta soạn thảo trước khi đi quan sát thực trường.

(Ngôn ngữ chính xác
trang 44-46)
4. Một vài ví dụ :
1.- Anh B không bao giờ nghe tôi nói !
“Thực sự không bao giờ ? ”
2.- Mọi người phải đến đây trước 8 giờ sáng !
-         “Ai đưa ra quyết định ấy ? ”
-         “Nếu tôi không đến kịp trước 8 giờ thì sao ? Cái gì xảy ra ? ”
3.- Thái độ nóng nảy của anh rất tai hại cho học sinh.
  “Anh cho biết thêm : tai hại ở chỗ nào ?
  “Đó là ý kiến riêng tư của anh ?
  “Căn cứ vào đâu, anh đã đánh giá như vậy ? ”
4.- Điều quan trọng nhất người giáo viên phải làm là yêu thương trẻ em.
  “ - Yêu thương thế nào ? Phải làm gì cụ thể ? ”
5.- Bạn cho tôi biết ý kiến, sau khi tôi về đây thứ hai tuần tới.
Giả định 1 : Vậy anh sẽ vắng mặt cho tới thứ hai ?
Giả định 2 : Tôi có nhiệm vụ nói ra ý kiến của tôi cho anh?
5. Ngôn ngữ và kinh nghiệm
1.- Chúng ta cần phân biệt hai loại kinh nghiệm :
-         Trực tiếp : khi chính chúng ta đã sống trong cuộc, chứng kiến những gì xảy ra.
Đây là những kinh nghiệm đinh chuẩn.
-         Gián tiếp : Kẻ khác kể lại, trình bày... và chúng ta dựa vào kinh nghiệm bản thân, cố gắng hình dung, xây dựng lại trong ta kinh nghiệm ấy.
Để có thể hình dung như vậy, ít nhất chúng ta đã có những kinh nghiệm tương tự.
Thiếu những yếu tố tương tự như vậy, chúng ta không thể đặt mình vào vị trí của người để cố gắng hiểu biết kinh nghiệm riêng tư của họ.
Kinh nghiệm định chuẩn là yếu tố rất quan trọng trong tiến trình hiểu biết.
2.- Yếu tố thứ hai là cách thức chúng ta diễn tả bằng ngôn ngữ kinh nghiệm chủ quan và cá biệt ấy.
Hình thức diễn tả kế cận với kinh nghiệm, khi nó có khả năng mô tả và trình bày mọi chi tiết quan trọng liên hệ đến kinh nghiệm.
Đó là cấu trúc ngôn ngữ chiều sâu : Bằng các từ giác quan, cấu trúc nầy cho ta thấy lại, nghe lại, cảm lại những gì đã xảy ra. Nó cố gắng phản ảnh một cách trung thực. Tuy nhiên, cấu trúc ngôn ngữ ấy không thể nào diễn tả trọn vẹn 100% kinh nghiệm cụ thể còn gọi là định chuẩn.
3.- Yếu tố thứ ba : là các cấu trúc bề mặt.
Càng “tam sao”, càng “thất bổn”. Nguyên bản của kinh nghiệm định chuẩn càng lâu càng đánh mất nhiều yếu tố quan trọng. Rốt cùng cấu trúc ngôn ngữ bề mặt hiện tại chỉ diễn tả một khía cạnh rất hạn chế của kinh nghiệm uyên nguyên.
Khám phá ngôn ngữ chính xác là bắt đầu từ co cấu ngôn ngữ bề mặt ấy để tìm lại những tin tức đã thất lạc.
·        Cơ cấu ngôn ngữ bề mặt 1,2,3...
·        Cơ cấu ngôn ngữ cơ bản = chiều sâu
·        Kinh nghiệm uyên nguyên = định chuẩn
6. Những hiện tượng của cơ cấu bề mặt
1.- Giả định : Đây là hình thức ngôn ngữ rút gọn, “con đường tắt” hay còn gọi là giản lược, bao gồm nhiều mệnh đề ẩn núp ở bên dưới.
“Tôi không đồng ý về bản báo cáo tháng vừa rồi của anh”
Giả định 1 : Giữa 2 người A và B có những liên hệ : Bản chất của liên hệ ấy là gì ? Cấp trên, cấp dưới ? Chiều ngang ?
Giả định 2 : B đã làm bản báo cáo. Nội dung ? Báo cáo hằng tháng ?
Giả định 3 : A đã biết (đọc, nghe) về bản báo cáo.
Giả định 4 : Giữa A và B, có những khác biệt về lối nhìn : Tranh chấp ? Lý do ?
2.- Phỏng đoán : Đây là những nhận thức dựa vào trực giác. Giữa trực giác chủ quan và thực tế khách quan, có sự trùng hợp không ? Đó là điều cần được tìm hiểu.
3.- Quan hệ nhân quả : ảnh hưởng của các sự kiện, biến cố trên phản ứng tình cảm.
Sự kiện : anh nói
Kết quả : cô B khóc
Sự kiện : cô B khóc
Kết quả : co B buồn ? Tức ?
Có hai cách thức khảo sát mối quan hệ ấy.
a.- Chấp nhận và kiểm chứng mức độ chính xác, bản chất của quan hệ.
-         “Anh nói điều đó làm cô B khóc.
-         “Vâng, tôi cũng thấy như vậy. Nhưng khóc như vậy :
- vì tôi nói ?
- vì cách tôi nói ?
- vì điều tôi nói ?
- vì cách cô B hiểu ? ”
b.- Tìm hiểu mối quan hệ ấy : có hay không ?
Dựa vào đâu mà anh thấy mối quan hệ ấy.
Hôm qua cô B cũng đã khóc. Tôi có nói gì đâu !
Lắm lúc trong câu nói, liên hệ nhân quả được che giấu dưới những cách nói nối câu như “nhưng mà, tuy nhiên, trong lúc, từ khi, và hay là ... ”
Ví dụ : Tôi muốn giúp đỡ bạn. Nhưng tôi không có thời giờ.
4.- Những từ ngữ ấn định qui tắc, bổn phận : Nên, phải, cần ...
5.- Những từ ngữ mơ hồ, đưa ra những dữ kiện hoặc tin tức thiếu sót.
7. Kết luận : Mục đích và yêu cầu của Kỹ thuật “Đặt câu hỏi”
Kỹ thuật “đặt câu hỏi” nhằm tái lập những tin tức đã thất lạc.
Mục đích của chúng ta là giúp đỡ người phát biểu tìm cách diễn tả và trao đổi. Không có tinh thần nầy, cách làm của chúng ta có thể trở thành một hình thức tra vấn và tạo nên những xung đột hoặc những phản ứng co rút, tự vệ.
Giai đoạn hai : Thuyên giải hay là khám phá, phát hiện ý hướng của sự kiện
Thuyên giải khác với giải thích
Sau khi đã thu lượm đầy đủ những tin tức hoặc sự kiện khách quan, công việc của chúng ta là thuyên giải, nghĩa là tìm ra ý hướng.
Khác với giải thích, có nghĩa là tìm ra nguyên nhân của những hiện tượng đang xảy ra; thuyên giải một tin tức, một sự kiện, trong những địa hạt có liên hệ đến con người, là khám phá, phát hiện một sứ điệp : Biến cố ấy muốn nói gì với chúng ta ? Những hiện tượng xảy ra đang thông đạt nghĩa là trình bày ra một yêu cầu, một nhu cầu nào đây ?
Khi giải thích, tôi phân tích, mổ xẻ, thiết lập quan hệ nhân quả.
Khi thuyên giải, tôi lắng nghe tìm hiểu, khám phá một nhu cầu, một lời yêu cầu, một tiếng nói đang xin tôi một điều gì.
Đặc biệt, trong quan hệ giữa người với người, chúng ta thuyên giải lời nói hay là hành vi của người đối diện, thay vì giải thích. Chúng ta tìm hiểu người ấy cần gì, xin gì, với mục đích hay là ý hướng trả lời, đáp ứng, bổ túc, kiện toàn.
Hơn ai hết, thi sĩ Xuân Diệu đã cảm thức được sự khác biệt giữa hai động tác giải thích và thuyên giải, trong những câu thơ sau đây :
“Ai đem phân chất một mùi hương
Hay bản cầm ca ! Tôi chỉ thương
Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc,
Như thuyền ngư phủ lạc trong sương.
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu !
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều,
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu.
Cô hãy là nơi mấy khóm dừa
Dầm chân trong nước đứng say sưa,
Để tôi là kẻ qua sa mạc
Tạm lánh hè gay - thế cũng vừa”.*
Xuân Diệu đã bày tỏ Nhu Cầu khao khát của mình và đã biết chuyển biến nhu cầu ấy thành lời xin.
Thuyên giải một cách khoa học
Về mặt khoa học, để thực thi động tác thuyên giải một cách đúng tiêu chuẩn, C. Argyris đề nghị một bảng thang thuyên giải, với ba cấp bậc hay ba nấc bước :
-         Nấc một : Thu lượm sự kiện từ môi trường.
-         Nấc hai : Đề xuất giả thuyết và Kiểm chứng giả thuyết
-         Nấc ba : Rút ra Kết luận.


Bảng thang suy luận khoa học (trang 55)
Để bổ túc bảng thang suy luận khoa học của Chris Argyris, chúng ta còn phải thêm :
1.- Thứ nhất, khi thu lượm tin tức, chúng ta thường sử dụng một cách vô thức ba cơ chế :
-         Cơ chế 1 là xu thế chuyển biến một số sự kiện lẻ tẻ thành qui luật tổng quát, thường hằng, thường trụ.
Ví dụ, một đôi khi ở lớp học, em A khóc nhớ mẹ. Từ đó, trong bản báo cáo chúng ta viết : “ở lớp học, thay vì chơi với bạn bè, em A thường sống một mình, hay khóc nhó mẹ”.
-         Cơ chế 2 là xu thế chắt lọc, chỉ ghi nhận những sự kiện khả dĩ chứng minh giả thuyết đã có sẵn trong nội tâm.
Có lẽ suốt ngày, em A cũng có khi chơi đùa, tiếp xúc sau khi đã khóc nhớ mẹ. Nhưng vì chúng ta có sẵn lối nhìn là “Em A khép kín”, nên chúng ta chỉ ghi nhận sự kiện khóc, giữa bao nhiêu sự kiện khác cũng có mặt.
-         Cơ chế 3 là xu thế bóp méo, xuyên tạc một cách chủ quan.
Em A thuộc môi trường nghèo, áo quần luộm thuộm bẩn thỉu. Bạn bè của em A ở lớp học thuộc môi trường khá giả hơn, mặt mũi sáng sủa và đễ thương. Do đó, cô giáo tiếp xúc nhiều hơn với các em khác và bỏ quên em A. Không có ai lưu tâm, tiếp xúc, vui đùa, em A cảm thấy mình lẻ loi, cho nên trở thành “khép kín”, trước con mắt của cô giáo.
2.- Thứ hai, khi đưa ra giả thuyết nhằm thuyên giải nhu cấu và yêu cầu của một học sinh hay là của người đối diện, thường thường chúng ta đã cưu mang trong nội tâm nhiều ý kiến đã có sẵn đó rồi từ bao nhiêu năm tháng, có lẽ từ những ngày thơ ấu, vừa ra khỏi lòng mẹ, phát xuất từ những bài học đầu đời trong quan hệ mẹ con.
Các nhà tâm lý đương đại gọi những thành kiến, đinh kiến, thiên kiến ấy là một hệ thống tin tưởng đã đóng lớp rêu phong tù bao nhiêu đời và bây giờ ngự trị, tác động như một hệ thống giáo điều, tự cho mình độc quyền về chân lý và không cho phép ai “xét lại” hay là “đi lạc ra ngoài con đường mòn chính thống”.
Vậy khi thuyên giải, chúng ta hãy sáng suốt tự vấn : Tôi chủ động hay bị động ? Tôi đang làm chủ thể sáng tạo, hay là đồ vật, công cụ, chỉ phản ứng máy móc, dưới quyền lực của một ai khác đang lèo lái, khống chế, áp đặt ?
Khi bạn làm công tác khoa học, bạn hãy dành quyền làm chủ cho mình !
3.- Thứ ba, ở vào giai đoạn kết luận thuộc nấc thứ ba trong bảng thang của Chris Argyris, tôi rút ra những chương trình hành động, những kế hoạch, những đường hướng kiến dựng tương lai, xa và gần, thậm chí những công việc cụ thể, trước mặt cần được bắt tay vào làm, thực hiện ngày hôm nay nhưng có tác dụng “làm gió, làm mưa trong nhiều thế hệ sau nầy”.
Hôm nay tôi “rút giây”, ngờ đâu, tôi động cả khu rừng, một ngàn năm sau ! Hôm nay, tôi đốt lên một que diêm. Ngờ đâu tôi đang thiêu rụi cả dãy núi Trường Sơn, gây ra lụt lội, chết chóc, điêu tàn cho từng từng, lớp lớp thế hệ về sau. Tôi bán đứng một vài mẫu đất ở biên giới, một vài cây số bờ biển, ngờ đâu cháu chắt chúng ta vì đó phải sống nô lệ suốt đời!
Để rút ra chương trình hoặc kế sách hành động, Freud đề xuất ba động cơ thúc đẩy hay ldà ba nhu cầu thiết yếu :
Nhu cầu thứ nhất là tình thương (eros). Khi thuyên giải bất cứ vấn đề gì, phải chăng tình thương là câu trả lời đầu tiên và cuối cùng ? Hay là hận thù, tiền tài, danh vọng, đam mê... đang ngự trị trong tâm hồn ?
Nhu cầu thứ hai là thực tế (Ananké), là tất yếu, là qui luật. Đối với Lý Thường Kiệt, tất yếu là “Nam quốc sơn hà, nam đế cư” : Nước Nam sâong núi, Vua Nam ở, Sách Trời phân giới định rạch ròi, giặc dữ vì sao tới xâm phạm, tan tành lập tức hãy chờ coi.
Nhờ thấy được thực tế tất yếu ấy, vào thời Lý chúng ta đã đánh thắng quân Tống.
Đối với Nguyễn Trãi, trong lời mở đầu “Bình Ngô Đại Cao”, thực tế là :
“Sơn Xuyên chi cương vực ký thù”, có nghĩa là :
Nước Non lãnh thổ của Nước Nam đã được phân chia, ngăn cách bằng dãy núi đành rành rõ ràng, khỏi đế quốc Phương Bắc.
Nhờ ý thức được sự khác biệt tất yếu ấy, chúng ta đã xua đuổi quân Minh ra khỏi đất nước Đại Việt, sau hai mươi năm bị đô hộ một cách tàn bạo và dã man (1407-1427).
Nhu cầu thứ ba là từ bỏ, hy sinh. Tiếng Hi-lạp là Thanatos, có nghĩa là chết nghĩa là rũ bỏ những bụi bặm, rác rưởi. Và chọn lựa cái gì được xếp đặt là ưu tiên số một.
Tất cả những gì chúng ta tiên liệu, dự phóng để đáp ứng ba nhu cầu ấy, mang tên là kế hoạch hành động.
Nói tóm lại, thuyên giải là khám phá nhu cầu, để đáp ứng và thỏa mãn một cách thích hợp, đứng đắn và hữu hiệu.

Giai đoạn Ba : Kế hoạch hành động

Ở cuối giai đoạn thuyên giải, khi chúng ta rút tỉa những kết luận, chúng ta sẽ có ý hướng rõ ràng cho công việc sắp tới của chúng ta.
Ý hướng có nghĩa là chúng ta đã khám phá những định luật của thực tế, khả dĩ soi sáng và hướng dẫn những chọn lựa và quyết định của chúng ta trong lãnh vực hành động.
Ý hướng có nghĩa là chúng ta tìm ra đường đi, lối tiến.
Trong lãnh vực dạy dỗ trẻ em, khi nắm vững ý hướng hành động, chúng ta biết :
-         Trẻ em đang có những nhu cầu nào ?
-         Trẻ em đang ở đâu : cấp độ phát triển được xác định là gì ?
-         Chúng ta cần giúp đỡ, hướng dẫn thế nào, can thiệp làm sao, dạy dỗ những điều gì cho trẻ em ?
Trong ngôn ngữ của Freud đó là nguyên lý thực tế và vui thích : Trẻ em có khả năng nào ? Nó có ý thích và hứng thú làm gì, vào giai đoạn hiện tại và cụ thể của nó ?
Trong lối nói của tâm lý đương đại, đó là cấu trúc tâm lý và xúc động hiện thời của nó, bao gồm trong đó nhiều yếu tố :
-         Cấp độ phát triển
-         Nhu cầu hiện tại
-         Sở thích, mong muốn
-         Thực tế (sở trường và sở đoản)
Qua cách xác định về cấu trúc hiện tại của trẻ em, trong lãnh vực thựchúng taế tâm lý và năng động tình cảm, chúng ta gặp lại 5 trong điểm mà chúng ta đã khảo sát trong chương 1,1. Đó là :
-         Khởi điểm
-         Tận điểm
-         Năng và bị động
-         Những bước đi tới cụ thể
-         Cách đánh giá.
*    *
*
Về nhu cầu cơ bản của trẻ em, trong lãnh vực phát triển và xúc động, hai tác giả T.B. Brazelton và St. I Greenspan đã liệt kê và trình bày bảy thể loại trọng yếu :
Thứ nhất : Nhu cầu được thiết lập những quan hệ hài hòa, thân mật, ổn định với một số người lớn.
Thứ hai : Nhu cầu được nâng đõ mặt thể lý : có những điều kiện sinh sống an toàn và được điều hướng về mặt kích thích và phát triển các giác quan.
Thứ ba : Nhu cầu được sinh sống và phát triển trong những điều kiện thích hợp với cá tính riêng biệt của mình.
Thứ bốn : Nhu cầu được sinh sống và phát triển trong những điều kiện thích ứng với cấp độ phát triển của mình.
Thứ năm : Nhu cầu được có người dạy cho mình biết những qui luật, giới hạn, thứ tự, cấu trúc và biết chờ đợi, khi ước muốm một điều gì.
Thứ sáu : Nhu cầu được sống và lớn lên với sự nâng đỡ của một cộng đoàn có những quan hệ văn hóa ổn định.
Thứ bảy : Nhu cầu có kế sách hoàn cầu coi trọng và nhằm bênh vực trẻ em như là tương lai của nhân loại, nhất là trong vấn đề lưu tâm và kính trọng kẻ khác như là nền tảng của nền giáo dục và giáo tiếp.[1]
*   *
*
Những điểm trọng yếu cần lưu tâm và phát huy trong ba năm đầu đời theo T.B. Brazelton
1.- Lúc đứa con còn trong bào thai, nâng đỡ người mẹ về mọi mặt thể lý và tâm thần.
2.- Lúc đứa bé sinh ra :
Coi trọng những xúc động và tình cảm giữa hai mẹ con.
3.- Thời kỳ ba tuần, một tháng
-         Vấn đề kiệt sức vì quá lo lắng,
-         Vấn đề trầm cảm của người mẹ,
-         Vấn đề bồi dưỡng của hai mẹ con,
-         Quan hệ vợ chồng : vị trí của người chồng giữa hai mẹ con.
4.- Từ 6 đến 8 tuần lễ ( 2 tháng )
-         Đứa trẻ từ từ kéo dài thời gian tỉnh thức, để nhìn, để chơi...
-         Người mẹ đi làm trở lại. Vấn đề cần đặt ra : ai lo cho đứa bé ?
5.- Từ 4 tháng
-         Quan hệ gắn bó
-         Đứa bé lưu tâm đến thế giới bên ngoài
-         Vai trò của người cha đại diện qui luật. Đứa bé bắt đầu kêu la, đòi hỏi.
6.- Từ 7 tháng :
-         Vận động phát triển,
-         Đứa bé quan sát, sử dụng hai tay
-         Khám phá tính chất thường hằng thường trụ của sự vật: sự vật không phải thuộc tay chân, chi thể của mình, không biến mất, khi không còn thấy !
7.- Từ 9 tháng :
-         Khả năng di động tăng dần.
-         Phân biệt cha và mẹ như hai chủ thể khác biệt.
-         Ý thức đến ý định bên trong và tính thường hằng của cha mẹ...
8.- 12 tháng :
-         Quan hệ gắn bó càng gia tăng
-         Khám phá môi trường
-         Càng có quan hệ an toàn càng phát huy khả năng khám phá, học hỏi, mạo hiểm...
-         Đi, thay thế bò.
-         Tính tình tức giận, bực bội.
9.- 15 tháng :
-         Khả năng tự lập - Nhưng cần có người tạo an toàn - dạy tôn trọng giới hạn, qui luật
-         Trò chơi khám phá
-         Vận động “tinh” bắt đầu
-         Sợ người lạ mặt
-         Nói một số từ
10.- 18 tháng :
-         Tư duy, hiểu biết bắt đầu.
-         Tiến bộ về ngôn ngữ.
-         Trò chơi tưởng tượng.
-         Đồng cảm với kẻ khác.
-         Xung đột bắt đầu.
-         Dùng ngôn ngữ để điều hợp thay vì nắm tay, xô đẩy, kéo trẻ em đi như “đồ vật”.
-         Thích tiếp xúc.
11.- 2 năm :
-         Trò chơi tưởng tượng
-         Dùng động từ trong các câu nói,
-         Hiểu và diễn tả bằng ngôn ngữ
-         Ngoan cố vì có ý định riêng
-         Leo trèo đễ dàng - Coi chừng tai nạn té ngã.
12.- 3 năm :
-         Tưởng tượng dồi dào
-         Sợ : Chưa phân biệt rõ rệt giữa thực và tưởng tượng.
-         Ngôn ngữ trao đổi - hình dung
-         Quan hệ tiếp xúc với các trẻ khác.
-         Học chia sẻ
-         Hiểu những dấu hiệu
-         Biết lợi dụng sự bất đồng giữa cha mẹ.[2]

*    *
*

Những cấp độ phát triển theo S. I. Greenspan
1.- Lúc lên 3 tháng, trẻ em đưa mắt nhìn, theo dõi, tỏ ra thích các sự vật chung quanh, và lắng nghe các loại âm thanh.
Cấp độ I.- Khả năng chú ý điều hợp giác quan.
2.- Lúc lên 5 tháng :
-         Trẻ em tỏ ra nỗi niềm vui thích, bằng lòng khi thấy người thương yêu =bà mẹ).
-         Nhìn và mỉm cười
-         Phát âm bi bô, bập bẹ
-         Làm những cử điệu, cử động tỏ ý vui thích.
Cấp độ II.- Khả năng tạo quan hệ với người lớn : người mẹ.
3.- Lúc lên 9 tháng :
-         Đưa tay chỉ vật mong muốn
-         Đưa tay ra muốn được bồng bế, nâng lên.
-         Phát ra âm thanh có ý định rõ rệt
-         Đối đáp qua lại bằng âm thanh, làm điệu bộ, cử chỉ, khi có người cùng chơi, cùng bi bô, trò chuyện.
Cấp độ III.- Trao đổi, tác động qua lại hai chiều.
4.- Từ 14 - 18 tháng :
-         Đưa tay chỉ : muốn gì, cần gì.
-         Dùng những động tác như cầm tay dẫn đi, mở cửa... để tỏ ra muốn điều gì.
-         Lên tới 18 tháng, biết kết hợp nhiều động tác, để tỏ ra ý muốn.
-         Bắt chước điệu bộ, âm thanh ...
Cấp độ IV.- Khả năng tổ chức, kết hợp nhiều động tác để giải quyết một vấn đề.
5.- Từ 24 - 30 tháng :
-         Trả lời khi kẻ khác đặt câu hỏi,
-         Bắt chước, giả bộ cho búp bê ăn, ngủ, tắm ...
-         Diễn tả điều mình cần, với nhiều từ hay là đồng ý, hiểu các từ do người lớn dùng để hỏi ...
-         Biết thực hiện lời chỉ dẫn của người lớn : tới hôn mẹ đi...
-         Chung quanh 30 tháng :
Trò chơi tưởng tượng
Trao đổi qua lại với người lớn, hay là với bạn bè, tổ chức trò chơi mở tiệc, hội hè ...
-         Dùng ngôn ngữ trình bày ý thích của mình.
-         Dùng ngôn ngữ, hình ảnh, trò chơi có qui luật để trao đổi tiếp xúc với bạn bè (khả năng dùng hình tượng).
Cấp độ V.- Khả năng sử dụng ý tưởng (ngôn ngữ, hình tượng) để trao đổi về ý định và tâm tình của mình (tư duy hình tượng phát triển).
6.- Từ 36 - 48 tháng :
-         Dùng ngôn ngữ để tỏ ra điều muốn hay không muốn.
-         Chơi trò chơi tưởng tượng với một người khác : Chơi với nhau, thực hiện một câu chuyện có ý nghĩa, và các diễn biên ăn khớp với nhau : Những con gấu đi thăm bà ngoại và làm đám giỗ với nhau ...
-         Giải thích mình muốn gì, cần gì : Ban đầu nhờ cách đặt câu hỏi của người lớn, dần dần tự mình diễn tả.
-         Đưa ra những lý do : vì ...
-         Đưa ra những tâm tình để giải thích : vì buồn, giận ...
-         Chơi với bạn bè những trò chơi tưởng tượng có nhiều diễn biên khác nhau nhưng hợp lý, ăn khớp với nhau.
-         Có thể chuyện trò trao đổi qua lại, biết thương lượng về món ăn, giờ đi ngủ hay là đưa ra nhận xét về bạn bè.
Cấp độ VI.- Biết suy tư, lập luận với nhiều ý kiến và ý tưởng khác nhau (tư tưởng trừu tượng)
7.- Từ 4 - 7 tuổi :
-         Kết bạn
-         Biết thương lượng
-         Biết so sánh và giải thích những ý thích của mình.
-         Biết kiểm soát chế ngự hành vi, tâm tình của mình, ban đầu nhờ ý kiến giúp đỡ của người lớn.
8.- Chung quanh 9 tuổi.
-         Có khả năng hóa giải những bất mãn và thất vọng mà không mất tự chủ.
-         Biết cân nhắc, so sánh.
-         Biết viết ra những gì mình đã suy nghĩ.
9.- Chung quanh 12 tuổi.
-         Có ý kiến riêng tư và diễn tả
-         Biết phân biệt đúng sai.
-         Tư duy trừu tượng tăng trưởng.
-         Hóa giải đời sống xúc động, có khả năng tự chủ.[3]
Giai đoạn Bốn : Động tác cụ thể
Chuyển dịch kế hoạch hay là đường hướng hành động tổng quát thành động tác cụ thể cần thực hiện mỗi ngày, đó là nội dung của giai đoạn Bốn thuộc tiến trình tư duy.
Để hiểu rõ ý nghĩa và đo lường được tất cả tầm quan trọng của giai đoạn thực hiện này, chúng ta hãy ý thức và làm cho người khác ý thức rằng : Đây là thành quả của toàn bộ tư duy mà chúng ta đang thực hiện, với tất cả con người và giá trị của chúng ta, chứ không phải là một hành vi rời rạc, lẻ tẻ, vô nghĩa, vô vị.
Trong giai đoạn một, câu hỏi được đặt ra là : “Thực tế là gì?”
Trong giai đoạn hai : “Ý nghĩa của việc làm và đời sống tôi là gì ?”
Trong giai đoạn ba : “Động cơ nào thúc đẩy tôi ?”
Trong giai đoạn bốn : “Tôi là ai ?”
Bao lâu một đứa con chưa thấy mình là “nhân vật quan trọng” trong ánh mắt, bàn tay và nụ hôn của bà mẹ, nó cằn cỗi, không triển nở.
Bao lâu một người vợ chỉ thấy mình là người “giúp việc” ngày ngày có bổn phận “phục vụ” chồng con, người vợ ấy không hạnh phúc.
Bao lâu một người chồng chỉ thấy mình là người “phải làm ra tiền” để nuôi sống vợ con, người chồng ấy thấy mình “hết nhiệm vụ” khi trở về nhà.
Bao lâu một người công dân trong một đất nước chỉ thấy mình là “công cụ”, đất nước ấy đã bị ngoại bang đô hộ.
Bao lâu một giáo viên chưa thấy mình đang ngày ngày góp công gầy dựng những thế hệ Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cho quê hương, làm sao người ấy trân trọng mto đứa bé chỉ thích vui đùa hơn là ê, a một cách vô nghĩa trong lớp học.
Chính vì lý do “mình đang đào tạo những con người có nhân phẩm và giá trị”, người giáo viên hãy tìm ra những động tác tương đương cụ thể có khả năng đáp ứng bảy nhu cầu, hay là thể hiện sáu cấp độ phát triển mà tôi đã trình bày trên đây. Nói cách khác, soạn thảo giáo án là tìm ra nhiều câu hỏi và nhiều cách trả lời cho những câu hỏi như sau :
-         Tôi làm gì để trẻ em đưa mắt theo dõi từ mặt qua trái, từ dưới lên trên ?
-         Lời tôi nói, trẻ chậm phát triển có hiểu, để lắng nghe và làm không ?
-         Để thực hiện cấp II trên đây, hôm nay vào lớp, tôi làm gì để bé Dung có những quan hệ lại gần chơi với tôi, thay vì co ro một mình trong xó lớp ?
-         Bé Thúy mấy bữa nay cứ ngồi khóc, nhớ mẹ ... hôm nay tôi làm gì để có những trao đổi qua lại giữa Thúy và tôi (cấp III).
Sáng tạo được nhiều câu trả lời như vậy, cho mỗi cấp độ từ I đến VI, đó là tư duy. Đó là cách soạn thảo giáo án.
                                     
                                      1 tác động cụ thể
                                      2 tác động
  Cấp I                           3 tác động


*  * *

Chương 1.3 Học bằng và trong hành động

Học có nghĩa là gì ? (ý nghĩa)
Học gì ? (Đối tượng)
Học thế nào, cách nào ? Phương pháp)
Học ở đâu, khi nào ? (Môi trường)
Học như vậy có giá trị gì ? (Mục đích)
Với cách học nầy, con người tôi sẽ thành gì ? (Bản sắc)
Việc học được khảo sát trong chương nầy có nghĩa là kết hợp một cách hài hòa, chặt chẽ và liên tục :
-         Kết hợp Năm cấu trúc khác nhau của nội tâm : Cửa vào, Thuyên giải, Xúc động, cửa ra và Vô thức.
-         Kết hợp Năm trọng điểm trong tiến trình xác định phương hướng hoạt động :
* Khảo sát hiện tình hay là khởi điểm
* Mô tả tận điểm
* Liệt kê đầy đủ những sở trường và sở đoản hay là những ưu điểm và khuyết điểm.
* Sáng tạo những bước đi tới cụ thể và hằng ngày
* Đánh giá kết quả, rút ngắn lại dầu khoảng cách giữa khởi điểm và tận điểm.
Không ngày ngày làm công việc kết hợp ấy một cách liên tục và nghiêm chỉnh; về mặt bản sắc, chúng ta sẽ thoái hóa thành những con người bị phân thân, không đồng nhất, nghĩa là bao gồm nhiều thành phần rời rạc mâu thuẩn, chửi bới nhau trong cùng một cá vị.
Những hiện tượng phân hóa và rời rạc ấy được quan sát và ghi nhận như sau :
1.- Tôi nói rất hay nhưng tôi không có những thực hiện cụ thể những kết quả khách quan. Theo ngôn ngữ của P. Senge, tôi "rao giảng" và "tuyên bố" ở đầu môi chót lưỡi, nhưng tôi không "bắt tay làm việc". Tôi không chuyển dịch lý tưởng đường hướng hành động tổng quát thành nhũng động tác cụ thể, hằng ngày.
2.- Tôi không chuẩn bị một cách nghiêm chỉnh những động tác cụ thể hằng ngày. Điều tôi làm không ăn khớp với toàn bộ kế hoạch hoạt động. "Nước lên trôn mới nhảy". Cho nên tôi làm "tùy hứng hay tùy tiện"; ứng khẩu, ứng tác, dựa vào thói quen tập tục hơn là sáng tạo theo nhu cầu và điều kiện của thực tại.
3.- Tôi chủ động bằng cách đi theo một tiến trình như sau :
a-      Tìm hiểu điều kiện của môi trường,
b-     Đề xuất một lối nhìn, một ý hướng,
c-     Chuyển biến lối nhìn thành ý định và quyết tâm đáp ứng một nhu cầu cơ bản.
d-     Sáng chế những tác động cụ thể để thỏa mãn nhu cầu ấy ...
Đó là cách làm có lý có tình nghĩa là vừa có một đường lối rõ rệt để soi sáng và hướng dẫn, vừa xuất phát từ một động cơ thúc đẩy tạo năng động đi tới, vượt qua mọi chướng ngại.
Không có ánh sáng vá sức mạnh trong hành động, chúng ta chỉ "chầm chày may rủi" hay là bị những sức ép của vô thức lèo lái, xô đẩy, khống chế. Lúc bấy giờ, chúng ta trở thành nạn nhân, tay sai công cụ, bị động. Nói tóm lại, tôi làm chủ thể, bằng cách sáng tạo cuộc đời làm người của mình.
Theo lối nhìn của phân tâm học, trong những tình huống bị vô thức nghĩa là dục vọng, khổ đau khống chế, thúc ép, chúng ta "tác hành", nghĩa là bị đẩy xô, cưỡng bức đi vào con đường bạo hành, bạo động. Từ chuyên môn được dùng trong tiếng Anh để diễn tả tình huống tâm lý nầy, là "Acting out". Thay vì sáng tạo, chủ động, chúng ta "tác hành", nghĩa là thừa hành một cách máy móc một mệnh lệnh, một sức ép của vô thức đang thôi miên, ức chế chúng ta.
Trong các tình huống phạm pháp như chúng ta thường nghe, biết qua báo chí, truyền thanh, truyền hình ... Các phạm nhân đã tác hành những vụ bạo động, bạo hành với khách bộ hành. Trong những lúc quá khổ đau, trầm cảm tức giận, cha mẹ cũng có thể tác hành những vụ bạo động, bạo hành trên con cái, người thân của mình. Nhu sau nầy, tôi sẽ bàn đến, để thoát ra khỏi tình huống bạo hành, chúng ta hãy học diễn tả, bộc lộ ra ngoài bằng lời nói. Đó là con đường hóa giải nội tâm.

*
*   *
Trong tinh thần và lăng kính vừa được trình bày, Học trong lúc hành động, học bằng hành động bao gồm bằng một số thái độ vừa khiêm cung, vừa can trường sau đây :
Thứ nhất, ý thức sáng suốt mình không thể thâu đạt mọi tin tức về thực tại. Cho nên trong lối nhìn, lối thuyên giải về thực tại, tôi có thể đang sai lầm. Người khác, bất kể là ai, dù đó là một đứa bé có thể làm thầy dạy tôi. Tôi cần lắng nghe, ghi nhận, coi trọng ý kiến của kẻ khác. Tôi không thể, không bao giờ "chiếm độc quyền" về chân lý.
 Học trong tinh thần nầy là ngày ngày xét lại toàn bộ những tin tức về thực tại và tìm mọi cách để kiểm chứng, bổ túc, kiện toàn, sửa sai.
Thứ hai, khi đến giai đoạn kết luận, chúng ta rút tỉa những phương hướng hành động. Đồng thời chấp nhận còn có nhiều phương hướng hành động khác. Phương hướng hành động do tôi phát hiện và đề xuất chưa hẳn là tốt nhất, đúng nhất, hữu hiệu nhất.
Học vào giai đoạn nầy là tìm phương pháp gọi ra ánh sáng ý thức tất cả những hệ tin tưởng nằm sâu trong nội tâm, nhất là khi có người đưa ra những lối nhìn khác với chúng ta. Chính hệ tin tưởng đã lỗi thời, còn tiếp tục lèo lái, đánh lạc hướng chúng ta.
Thứ ba, bao lâu phương hướng hành động không thích hợp với tâm tình và xúc động của chúng ta, chúng ta có hướng, nhưng còn thiếu HỨNG nghĩa là động cơ thúc đẩy. Để tìm ra động cơ trong phương hướng hành động, chúng ta cần nêu ra cho chính mình câu hỏi :
Khi thành đạt kết quả cuối cùng, hành động ấy mang đến cho tôi những gì ? Tôi trở thành cái gì, so với hoàn cảnh trước đây ? Nói cách khác, bao nhiêu ước mơ trọng đại của tôi có trở thành hiện thực hay không ?
Học trong ý nghĩa nầy là khám phá cho bằng được chiều kích làm người cao cả, làm chủ thể nắm vững vận mệnh của mình, trong mỗi một tác động cụ thể hằng ngày.
Nếu khám phá không có, hãy can trường bỏ đi, làm lại cuộc đời nơi khác, cách khác thích hợp với lối nhìn của mình.
Nếu bỏ đi không được, vì nhiều lý do khác nhau, hãy khám phá cho kỳ được chiều kích độc đáo và cao thượng, trong những điều tầm thường đang ở dưới tầm tay của mình. Đừng đứng núi nầy trông núi nọ. Cũng đừng ở lại mà chết khô chết héo. Lẽ sống có mặt khắp nơi : Trong ngọn lá, đã có càn khôn, vũ trụ. Chính tôi tạo ra ý nghĩa cho cuộc đời.
Cũng trong chiều hướng nầy, học có nghĩa là chuyển biến những xúc động tê liệt, hạn chế tiêu cực, bằng cách diễn tả ra ngoài, đừng giam hãm ở bên trong. Từ đó khám phá nhu cầu và nói lên lời yêu cầu
Tôi thấy, tôi nghe ... (sự kiện)
Tôi cảm ... (xúc động)
Tôi cần ... (nhu cầu)
Tôi xin ... (yêu cầu)
Lời yêu cầu được gói ghém trong từ "Hãy ...".
Đó là lời xin, khi tôi nói với người khác.
Đó là lời sáng tạo, khi tôi nói với chính mình.

Thứ bốn, cách học cuối cùng bằng hành động và trong hành động là thiết lập những quan hệ đồng hành, chia sẻ, bổ túc, kiện toàn, đóng góp cho nhau, với những người cùng có mặt trong môi trường, với những cọng sự viên. Với anh chị em đồng bào, đồng loại ...
Trên đây, khi nói đến những ai muốn làm người thực sự và tr5on vẹn, tôi đã nêu ra một dấu hiệu làm tiêu chuẩn đánh giá khách quan : Đó là tác phong kính trọng tư cách làm n gười của người khác, ban5 bè, cọng sự, nhất là những người thuộc hạ "bề dưới", những trẻ em, những "vị thành niên".
Học trong lãnh vực tiếp xúc, trao đổi, tạo quan hệ bao gồm một số thực tập, tôi luyện như sau :
a-      Tôi chủ động và đơn phương tìm cách sống trưởng thành, không đòi hỏi chờ đợi kẻ khác phải làm như tôi. Trái lại, khi tôi chờ đợi, đòi hỏi kẻ khác phải làm, rồi tôi mới làm, đó là thái độ bị động, phản ứng, lệ thuộc.
b-     Trong mỗi quan hệ tiếp xúc và trao đổi, tôi cưu mang, nuôi dưỡng cùng đích có sẵn trong nội tâm là tạo hạnh phúc. Tôi quyết tâm thể hiện cùng đích ấy trong từng hành vi và từng lời nói. Tôi đang hạnh phúc vì tôi làm cho kẻ khác hạnh phúc với tôi.
c-     Trong lối nhìn của tôi, dù kẻ khác là ai, đang làm gì, có những quan hệ thế nào với tôi chăng nữa, họ là con người toàn phần, có phẩm giá, có quyền lợi, có tư cách như tôi, ngang hàng tôi.
Dù họ là một tội phạm hay là một trẻ em thuộc diện chậm phát triển loại nặng, lối nhìn về con người không n ao núng, chao đảo ...
Khi tôi học và cố quyết hội nhập những bài học ấy một cách thuần thục, nhuần nhuyễn, tôi đang tư duy. Và khi tư duy như vậy, tôi hiện hữu, với tư cách làm người có giá trị, có nhân phẩm. Theo Descartes "Cogito ergo sum", có nghĩa là chính khi tôi tư duy, tôi hiện hữu, tôi có khả năng làm người, làm chủ thể. Còn hơn thế nữa, "tôi làm Thượng Đế". Khi tư duy, tôi sáng tạo đời tôi. Tôi biến không thành có. Tôi chuyển Đen thành Trắng. Tôi hóa giải sức nặng ù lì dìm sâu tôi xuống thành năng động vươn lên.
Khi đi qua con đường tư duy, đời sống xúc động và tình cảm - tự nó là một sức mạnh mù quáng - được soi sáng, hướng dẫn, biến thành năng động và hứng khởi cho cuộc đời. Trái lại, khi tư duy vắng mặt, xúc động có thể trở nên bạo động, bạo hành, thù hận và chiến tranh.

 *  *  *
Chương 1.4     Nhiệt tình và hăng say
Khi tư duy đồng hóa với nghiên cứu, học hỏi, thực tập, tôi luyện con người có khả năng biến ước mơ thành hiện thực, trọng đại và cao cả vào trong cuộc sống và công việc hằng ngày. Không có hiện tượng giằng co, căng thẳng giữa chí hướng huy hoàng xán lạn ợ một bên và bên kia là thực tế bê bối, thối nát, láo khoét, bịp bợm, cá lớn nuốt cá bé ...
Người phu quét đường chỉ ý thức mình là người công dân đang "xây dựng đất nước và phục vụ đồng bào", khi có những điều kiện sau đây :
-Thứ nhất, người ấy thấy mình quan trọng, cần thiết và có ích; với công việc hằng ngày của mình. Trái lại, khi não trạng "không mợ chợ cũng đông" len lõi, nằm vùng trong mọi tầng lớp quần chúng, từ trên xuống dưới, đất nước đã bắt đầu suy vong, "hồn nước" đã ở trên giường hấp hối.
-Thứ hai, người ấy ý thức mình đang "là người có phẩm giá" với cây chỗi quét đường của mình. Nói khác đi, người ấy có đồng lương tối thiểu, để không cần đi ăn xin hay là đi ăn cướp, ngoài công việc hằng ngày của mình. Đồng lương cho phép người ấy sống, về phẩm giá của người ấy là biểu tượng cụ thể.
-Thứ ba, người ấy được bao bọc, thương yêu, có ý thức trưục thuộc một cộng đoàn, một nhóm cùng chia sẻ những lối nhìn và giá trị chung. Trong tập thể hay là cộng đoàn, người ấy có một chỗ đứng; một tiếng nói; cơ hồ một cây tươi bám rễ sâu vào lòng một khu vườn, mới có thể lớn lên, phát triển, sinh hoa kết trái.
Với ba ý thức "mình được kẻ khác cần đến, mình là một chủ thể, mình có quan hệ chặt chẽ với những người hai bên cạnh", tự khắc người ấy là con người "nhiệt tình và hăng say" trong cuộc sống làm người và trong công việc sinh sống hằng ngày. Người ấy triển nở trong công việc và nhờ công việc. Thêm vào đó, người ấy kiện  toàn và phát huy công việc mỗi ngày, với khả năng tư duy của mình.
Nói tóm lại, công việc phát triển, sinh lợi nhờ người ấy. Và người ấy đầu tư vào công việc hết tất cả khả năng của mình.
Bí quyết của một xứ sở phồn vinh, thịnh vượng, thanh bình về mặt vật chất của cải, cũng như trên bình diện tinh thần, văn hóa, hệ tại mức độ nhiệt tình và hăng say mà tôi vừa định nghĩa, với những động tác cụ thể. Tiếng Anh có hai từ khác nhau để diễn tả tình trạng ấy là "engagement và involvement". Từ tương đương trong tiếng Việt là "Dấn thân, nhập cuộc, thề nguyền, cam kết".
Đứng trước cả hai từ Engagement và Involvement, có yếu tố xác định là EN va IN. Cả hai đều có nghĩa là ở trong, thuộc về. Đây là điều kiện tiên quyết, tất yếu để một người có thể đầu tư hết mình vào công việc, một cách nhiệt tình và hăng say. Công việc, và nghề nghiệp tạo nên một môi trường : ở đó họ tận dụng mọi khả năng. Ở đó "như cá trong nước", họ bọc lộ toàn diện bản sắc làm người. Ở đó công việc càng khó khăn, phức tạp, họ càng mài nhọn và đánh sáng tư duy của họ.
Sở dĩ được vậy là vì người ấy thực sự ở TRONG. Không có chân trong chân ngoài. Họ không "đứng núi nầy trông núi nọ". Họ không "bắt cá hai tay".
Khi một người "Hăng say và nhiệt tình" trong công việc, và nghề nghiệp, trên đây tôi đã liệt kê nhiều lý do, cơ bản khả dĩ sáng soi tình huớng ấy.
Về mặt bản sắc làm n gười, người ấy được nhìn nhận như một chủ thể có lời ăn tiếng n ói, có giá trị, được coi trọng trong môi trường nghề nghiệp.
Về mặt khả năng, họ có dịp thao tác tư duy khoa học để sáng tạo, đóng góp phần tinh nhuệ của mình cho môi trường và bạn bè ...
Về mặt phương tiện sinh sống và vật chất, công việc mang lại cho họ đầy đủ tiện nghi xứng đáng, ít nhất ngang tầm công lao, mồ hôi và nước mắt của họ, do công việc đòi hỏi.
Về mặt quan hệ, người ấy được thương yêu, bao bọc. Giữa họ và những bạn bè đồng nghiệp, có những gắn bó, nâng đỡ. Đạc biệt nhất, môi trường nghề nghiệp tạo nên và phát huy nơi họ ý thức trực thuộc một cộng đồng văn hóa đặt nền móng trên hiểu biết và tình thương.
Về mặt thăng tiến bản thân, người ấy nhờ vào công việc và nghề nghiệp, có dịp học hỏi những cách làm mới, những lối nhìn mới, những khung trời mới. Nghề nghiệp không phải là nơi "để lặp lui lặp tới" một động tác nhàm chán, vô nghĩa, máy móc. Không phải là chỗ "xưa bày nay làm". Nhưng đó là nơi, tôi vừa thừa kế một gia tài phong phú từ người đi trước. Đồng thời, đó cũng là nơi tôi xây dựng một con đường thênh thang, xán lạn cho các thế hệ đến sau tôi, tiếp tục và kiện toàn những gì tôi đã đặt nền móng.
Nói tóm lại, nhiệt tình hăng say là những ai có lý tưởng cao cả rạng ngời trong cuộc đời, và ngày ngày sống lý tưởng ấy, một cách cụ thể, với những thực hiện thuộc tầm tay lao động của mình. Đồng thời, những thực hiện nho nhỏ ấy mang ấn chứng một bộ óc sáng tạo và một con tim bao la.
Có lẽ người ấy đang chỉ làm công việc quét đường phố, nhưng họ biết họ làm một công việc mà các Vua Hùng đã làm trước đây mấy nghìn thế kỷ, và các cháu chắt của Vua Hùng vẫn tiếp tục, trong nhiều thế hệ sau nầy.
Quét rác khỏi đường phố, quét sạch ngoại bang đô hộ khỏi biên giới, hay là tẩy xóa hết óc nô lệ khỏi tâm hồn ... Cả ba có cùng một ý nghĩa giống nhau.

 *  *  *

Chương 1.5. Nhận xét xây dựng và đóng góp phản hồi
Không một ai trong chúng ta có trăm con mắt, giống nhu Bồ Tát Quan Thế Âm : Nhìn thấy mọi khía cạnh của cuộc đời xấu tốt, trắng đen, đúng sai, luôn luôn trộn lẫn với nhau ... để rồi khỏi sa vào cạm bẫy, đá đảo bên nầy và ủng hộ bên kia.
Không một ai trong chúng ta có tầm cở gan lì như Bồ Tát Địa Tạng : Tìm đến với anh chị em đang khổ đau, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chừng nào địa ngục chưa trống không .. Ông vẫn đóng lều ở đó, đồng hành chia sẻ với mọi người, nhất là những ai không có tiếng nói, không biết đêm nay ngã lưng ở chốn nào ...
Không một ai trong chúng ta có khả năng của Bồ Tát Thường Bất Kinh : đến đâu, làm việc tại chỗ nào, cũng nhẹ nhàng rỉ tai cho mọi người : Hãy can trường đứng lên và bước tới. Bạn có dư thừa mọi tư cách, để đánh sáng cuộc đời và làm đẹp que hương.
Không một ai trong chúng ta có hai cánh tay khéo léo và dịu dàng giống n hư Bồ Tát Trì Địa : chuyên môn đi khắp mọi nơi, nối lại những chiếc cầu gãy, đắp lại những con đường hư ... giữa người với người, trong lòng đất nước.
Thông thường, hoặc là chúng ta thinh lặng đồng lõa với bao nhiêu đổ nát và tang thương, hận thù và chia rẽ. Hoặc là chúng ta mở lời tố cáo, phê phán, qui lỗi, chụp mũ. Nói cách chung, chúng ta chỉ "thêm dầu vào lửa". Cho nên, chỗ nào đã hận thù, bạo động càng bốc cháy lớn hơn. Chỗ nào đã xung đột, máu chảy thành sông, xương chất thành núi. Chỗ nào con người bị bốc lột, đàn áp, chúng ta nhắm mắt để không thấy, bịt tai để không nghe, đóng cửa lòng lại, để không còn thổn thức. Tệ hại hơn nữa, chỗ nào chiến tranh đã bùng nổ, như hiện thời giữa Israel và Palestine ... Chúng ta đứng vỗ  tay hoan hô bên nầy; hay là chúng ta tuyên bố rùm beng ủng hộ phe bên kia.
*
*   *
Trong chiều hướng chung sống hòa bình và tương trợ lẫn nhau, cha ông chúng ta đã dạy :
"Lời nói chẳng mất tiền mua,
"Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau "
Đành rằng, phải nói để đưa ra những nhận xét và đóng góp xây dựng. Phản ảnh như vậy là một cách "cho ăn, nuôi sống". Là "feed-back" trong lối nói của tiếng Anh. Từ tương đương trong tiếng Việt ngày nay là phản hồi, hồi tố. Tuy nhiên, để có thể phản hồi một cách đứng đắn, chúng ta hãy khảo sát hai vấn đề :
-         Phản hồi là làm gì ?
-         Chúng ta phải phản hồi thế nào, để có thể thâu đạt những thành quả mong muốn ?

*
*   *
1.- Phản hồi là gì ?
Trong một cuộc trao đổi bàn cải, đối thoại giữa hai người, khi người nầy trình một ý kiến, đưa ra một tin tức, nêu lên một sự kiện, công việc của người kia là "phản hồi" sau khi lắng nghe và tìm hiểu.
Một cách cụ thể, khi phản hồi như vậy, chúng ta trả lời bằng hai cách khác nhau :
a-      Tôi chưa hiểu điều bạn nói. Xin nói lại cho tôi một cách dễ hiểu hơn theo mức độ hiểu biết của tôi.
b-     Tôi nói ra điều tôi hiểu sau khi lắng nghe bạn. Tôi hiểu như vậy có đúng ý bạn nói không ?
Và cứ như vậy, trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi, hai người vừa gửi đi, vừa nhận lại những tin tức, cho đến khi hai n gười hiểu nhau, không còn bóp méo, xuyên tạc, ngộ nhận ý kiến của nhau.
Phản hồi là một phương tiện khá hữu hiệu, để tránh tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt".
Trong một tập thể, cộng đoàn hay là nhóm sinh hoạt, nhờ phản hồi, mọi thành viên hiểu biết, nhìn nhận, nâng đỡ. Và thăng tiến nhau. Trên đây, nhân dịp giải thích ý nghĩa của từ "synergizing" trong tiếng Anh, tôi đã nhấn mạnh rằng : khi hai người chung sống với nhau, làm việc với nhau, họ có thể "tương sinh, tương thành", xây dựng và đóng góp cho nhau. Bổ túc và kiện toàn nhau. Khi hai người hợp tác và xây dựng cho nhau như thế, đó là tài nguyên lớn lao của một đất nước, vượt trổi mọi tài nguyên khác như dầu khí, quặng sản, rừng núi, biển sông ...
Tuy nhiên, trong chương nầy, tôi cần thêm rằng : hai người chỉ tương sinh tuơng thành, khi họ biết phản hồi cho nhau một cách học :
Vậy phản hồi là gì ?
Có ba loại phản hồi khác nhau :
-Thứ nhất, phản hồi là nhìn nhận, coi trọng giá trị của người ấy, động viên tinh thần, xác định chỗ đứng của họ trong đời sống của Nhóm. Khi được nhìn nhận như vậy, những thành viên của một tập thể được củng cố vững mạnh trong niềm tự tin của mình. Họ sẽ có khả năng vượt qua những khó khăn, trở ngại trong công việc và trách nhiệm hiện thời của họ.
"Ở thành phố, hiện thời mỗi giáo viên dạy trẻ chậm phát triển phải đứng lớp với 10 em học sinh. Theo tôi hiểu, tiêu chuẩn ấy quá nặng. Thế mà Cô 101 vẫn bình tĩnh, dịu dàng với trẻ em. Trẻ em rất chăm chỉ, theo dõi. Tôi phải nói gì để thán phục Cô một cách đứng đắn ?"
-Thứ hai, phản hồi là hướng dẫn, soi sáng, đề nghị những cách làm thích hợp hơn, hữu hiệu hơn.
Phản hồi trong ý nghĩa thứ hai nhằm mục đích thăng tiến, điều hướng hoặc đổi mới cách làm của một người trong n hiệm vụ và công việc hằng ngày.
"Tôi nhận thấy trên đường đi, mọi người đều lái xe ở bên mặt. Còn bạn, bạn lái xe ở phía trái. Bạn có thể giải thích cho tôi hiểu qui luật hay là cách lái xe ở đây".
"Suốt 15 phút đúng lớp của Cô, tôi nhận thấy em A vẫn trò chuyện chơi đùa với em B, không theo dõi sinh hoạt do Cô tổ chức. Phải chăng Cô cố tình không can thiệp, vì một lý do mà tôi chưa hiểu ?"
-Thứ ba, khi cần phải đánh giá, khen thưởng, bình bầu, thăng cấp, hoặc giới thiệu người vào những chức vụ lãnh đạo .... Phản hồi là đưa ra một cách rõ ràng và chính thức; không úp mở, một bảng tiêu chuẩn khách quan. Cho phép mọi người đóng góp, đề xuất những tiêu chuẩn ấy với đầy đủ lý luận chứng minh.
"Công việc giám đốc quá nặng. Tôi cần một phụ tá với bốn tiêu chuẩn sau đây :
Tiêu chuẩn một : trẻ trung, dưới 35 tuổi.
Tiêu chuẩn hai : Học vấn cấp cử nhân sư phạm hay có văn bằng tương đương.
Tiêu chuẩn ba : Kinh n ghiệm nghề nghiệp, ở trong nghề ít nhất đã 5 năm.
Tiêu chuẩn bốn : Kỳ cựu, đã có mặt trong trường sở nầy từ hai năm trở lên.
Vậy yêu cầu tập thể cho hay ai là người có thể được chọn vào chức vụ ấy.
"Nhân dịp Tết Nguyên Đán, Hãng X đã biếu nhà trường 15 ký thịt heo. 10 ký đưọc dùng vào bữa tiệc liên hoan. Còn 5 ký tôi muốn bồi dưỡng năm bà mẹ giáo viên có con dại từ tuổi nhỏ nhất, kể cả những đứa con còn ở trong bào thai mà mọi người đều thấy".

*
*   *
2.- Phản hồi thế nào ?
2.1. Mỗi khi phản hồi, chúng ta cần rõ ràng về mục đích của công việc phản hồi. Khi động viên và xác định giá trị của một người, chúng ta không ôm thêm mục đích nâng cao chất lượng của công việc. Cũng vậy, trong lúc hướng dẫn đề nghị cách làm mới, chúng ta không đánh giá cùng một lúc.
2.2. Thay vì áp đặt cách nhận xét và đóng góp phản hồi của chúng ta, chúng ta hãy bắt đầu tham khảo ý kiến của chính đương sự :
"Hiện thời bạn cần tôi đóng góp thêm những gì cho công việc và bản thân của bạn?"
Nếu họ trả lời :"Tôi cảm thấy kiệt sức, không biết dạy những gì cho hai em A và B lăng xăng tối ngày", lúc đó chúng ta tìm cách phản hồi loại 2 là nâng cao chất lượng.
Nếu Cô giáo viên vừa nói vừa khóc, đó là dấu hiệu Cô ấy cần nâng đỡ, động viên về mặt tự tin (loại 1).
Nếu Cô giáo đề nghị chuyển lớp cho em C, chúng ta nêu ý kiến : Tiêu chuẩn đánh giá em C.
2.3. Nếu sáng kiến phản hồi phát xuất từ phía chúng ta, chúng ta xin phép, trước khi làm :
"Mấy bữa nay Chị đã thu lượm một số tin tức về học sinh của em là Em D. Chị muốn trao đổi với em về cách em dạy D và chương trình em đề xuất. Em cho phép Chị đến thăm lớp em và tham khảo ý kiến của em, sau đó trong thời hạn chừng một tiếng đồng hồ. Chị chờ em trả lời".
2.4. Về mục tiêu thứ 1 là động viên tinh thần
Cảm thấy mình lẻ loi, cô đơn, phân vân, lo sợ, không "ngang tầm" với những đòi hỏi của nhiệm vụ ... Đó là những tâm tình rất thường có mặt trong nội tâm của người giáo viên. Nhu cầu của họ là được động viên, nâng đỡ, nhất là về mặt tâm tình, xúc động, để họ ý thức rằng :
-         Họ trực thuộc một tập thể và tập thể ấy đang yêu mến họ, coi trọng việc làm và vai trò của họ.
-         Những đóng góp của họ được nhìn nhận.
Để củng cố lòng tự tin cho họ, chúng ta càng phản hồi bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Càng sớm càng hay.
Phản hồi trong lãnh vực thể loại nầy là bộc lộ ra ngoài chính tâm tình và xúc động tích cực của chúng ta về người ấy.
"Chị phục em : làm việc suốt ngày mà nụ cười vẫn tươi thắm. Chị đang đầy âu lo vì phải tính toán những chi phí ... thế mà khi thấy em cười, lòng chị tìm lại được thư thái, bình yên ...".
Chúng ta cần mở mắt nhìn, lại gần ... thế nào cũng tìm ra những khía cạnh tích cực, đóng góp ẩn núp ở đâu đó ...
2.5. Về mục tiêu thứ 2 là hướng dẫn, đề nghị một cách làm có chất lượng cao hơn.
Điều được nhắm tới ở đây là kỹ năng, chứ không phải là nâng đỡ tinh thần. Cho nên chúng ta cần xác định kỹ năng nào và thể thức thay đổi cách làm hiện tại.
Thêm vào đó, chúng ta nên ghi nhận rằng công việc phản hồi loại 2 nầy chỉ đem lại kết quả khả quan, chừng nào người đón nhận tỏ ra có sở thích thực sự. Cho nên, trong cách làm chúng ta nên rà soát kỹ lưỡng những điều kiện then chốt sau đây :
-         Trao đổi, chuyện trò thân mật, chia sẻ, thay vì "len lớp". Khởi đầu bằng những câu hỏi về cách làm hiện tại của đương sự. Thu lượm những tin tức chính xác. Tìm hiểu kỹ càng ý định, mục đích, yêu cầu của họ. Khuyến khích, thúc giục người ấy nói về chính mình : Sở thích, những điều họ coi trọng, đề cao, sở trường ... Chỉ khi nào chính n gười trong cuộc quyết định thăng tiến, đổi mới, kết quả nâng cao chất lượng của công việc mới vững bền. "Chị muốn nghe em trình bày những gì em cho là quan trọng, là sở trường của em. Sau đó, nếu chị thấy có điều gì cần thêm bớt, chị sẽ chia sẻ với em".
-         Điều gì đã có chất lượng cao, chúng ta nên nêu ra để củng cố. Cho nên khi phản hồi, chúng ta cần phân biệt : Cách làm nào đã khá hoàn chỉnh và hữu hiệu, cách làm nào cần đổi mới. Thay vì lý thuyết quanh co, đưa ra những ví dụ cụ thể. Từ tác động cụ thể, khám phá làm nổi bật nguyên lý, qui luật hành động. "Gieo trồng, vun tuới hơn là nhổ cỏ": Khuyến khích kiện toàn những kỹ năng đã có mặt, hơn là vạch lá tìm sâu, chỉ trích một vài sơ hở nhỏ nhặt.
-         Điều cần cải thiện. Chỉ nêu ra tối đa ba điều là quá nhiều. Chờ lần sau để đề cập những điểm còn lại. Chỉ trích, phê bình "chung chung" chỉ gây tổn hại, và phát sinh những hậu quả ngược chiều. Khi đề nghị thay đổi, nêu lên những động tác cụ thể dễ nhìn nhận.
-         Khi trao đổi, chia sẻ, nêu lên một cách rõ ràng, rành mạch những sự kiện cụ thể khách quan, cũng như trình bày lý luận theo hệ thống ba nấc thang của Chris Argyris. Khi cần, làm nổi bật một cách suy luận khác, rút ra một kết luận khác. Tuy nhiên, điều thiết yếu không phải là chứng minh ai đúng ai sai. Nhưng là cùng nhau tìm ra một lối nhìn soi sáng, một phương pháp làm việc mang lại nhiều thành quả mỹ mãn.
2.5. Về mục tiêu thứ 3 là đánh giá, để quyết định và chọn lựa.
Nói đến đánh giá là nói đến một bảng tiêu chuẩn cụ thể và khách quan, dựa vào đó, mọi người biết được mình phải làm thế nào mình cần phải thay đổi hành vi ở chỗ nào; vị trí của mình ở  đâu, so với vị trí của nhiều người khác.
Trong mọi tổ chức hoặc đời sống xã hội, có trên có dưới, có trước có sau, có cao có thấp, có nhiều có ít. Tuy dù về mặt nhân phẩm, chúng ta bình đẳng, đời sống xã hội không thể không có những bậc thang khác nhau. Ai ai cũng chấp nhận dễ dàng tình trạng ấy, miễn là công việc đánh giá được tổ chức một cách quang minh, cjính trực. Không luộm thuộm. Không nhá nhem. Không tùy tiện, thiên vị ... Không áp đặt từ ngoài, từ trên.

*
*         *
Với tinh thần và cách làm vừa được tôi trình bày, ai ai cũng cần lãnh nhận những đóng góp phản hồi của những người khác ở mọi cấp bậc khác nhau. Một cách đặc biệt, ở địa vị lãnh đạo, chúng ta phải sáng suốt yêu cầu, khuyến khích tất cả những người ở cấp dưới đưa ra những nhận xét phản hồi về thể thức lãnh đạo của chúng ta. Phải chăng đó là dấu hiệu cụ thể, rõ ràng của một người có khả năng lãnh đạo thực sự và tuyệt vời ?
Ai ai cũng cần đưọc nâng đỡ về mặt tinh thần, để ý thức mình có giá trị.
Ai ai cũng cần được kẻ khác thuộc cấp trên cũng như cấp dưới chia sẻ cho mình những lời chỉ dẫn, đề nghị. Mỗi người đều có thể là vị thầy cao quí, thậm chí đó là một em bé mới lọt lòng mẹ ... cho mình những bài học tiến thân.
Ai ai cũng cần được đánh giá, để ý thức mình trực thuộc một cộng đoàn người đang nuôi dưỡng "cho mình ăn", bằng nhiều của ăn khác nhau. Không nghe được giọng nói của loài người ngày ngày ấp ũ, nâng niu tôi, làm sao tôi có thể thành người ? Không nắm vững những qui luật đi đường, không xác định được ưu tiên thuộc về ai, trước khi qua mặt, cần báo hiệu, mở đèn thế nào ... tôi sẽ gây ra tai nạn cho tôi và nhiều người khác cùng đi với tôi.

 *
*        *

2. Phần thứ hai :
Tư tưởng của Ed. De Bono [4]
Trong một cuốn sách trước đây với tựa đề " Tư duy sáu màu", tôi đã trình bày một vài chân trời tu duy rất phong phú của tác gỉa người Anh Ed. De Bono. Trong khuôn khổ của cuốn sách n ầy, tôi không có tham vọng trình bày toàn bộ tư tưởng của tác giả nầy. Tôi chỉ tham khảo để bổ túc những gì chưa được đề cập trong phần thứ nhất khi tôi trình bày tư tưởng của R. Fisher.
Tư duy đối với tác giả nầy là một tiến trình bao gồm năm cấu trúc có thứ tự từ dưới đi lên. Tuy nhiên, nếu cần chúng ta cũng có thể trở lại để kiện toàn bổ túc những gì chúng ta đã thiết lập, trong những giai đoạn trước đó.
Cấu trúc Một có liên hệ đến mục tiêu hành động
" Tôi muốn làm gì ? Tạo ra thành quả nào ? Tôi muốn đi đến đâu ?
Cấu trúc Hai : Tôi cần có những tin tức, sự kiện nào ? Tìm ở đâu ?
Cấu trúc Ba : Để gặt hái thành quả, tôi tìm ra nhiều con đường hoặc phương tiện khác nhau để chọn lựa ?
Cấu trúc Bốn :  Trước bao nhiêu con đường khác nhau ấy, tôi quyết định đi con đường nào ? Chọn lối thoát nào ? Sử dụng phương sách nào ?
Cấu trúc Năm : Tôi thực hiện thế nào cuộc hành trình được dự phóng.
Để giúp chúng ta dễ ghi nhớ Năm loại cấu trúc nầy, Ed. De Bono đề nghị 5 tín hiệu và 5 sơ đồ :
TO : Mục tiêu ( Where to )
LO : Tin tức ( looking )
PO : Tìm đường ( possibilities )
SO : Quyết định ( Sorting-sortie )
GO : lên đường ( going )

Sơ đồ trình bày To ( trang 113 )

Chương 2.1. Những nhận định tổng quát sơ khởi.

Trước khi từng bước thao tác tư duy khoa học một cách bài bản và thuần thành, theo cách  hướng dẫn của Ed. De Bono, chúng ta hãy nhuần nhuyễn về những bước đi cơ bản đầu tiên.
1.- Đưa thoi qua lại, lên xuống, lui tới từ chi tiết đến đại cương, tưù cụ thể đến tổng quát. Đó là một khả năng của tư duy.
Nói một cách hình tượng, chúng ta nhìn cây để biết rừng và có khả năng thấy toàn khu rừng từ khi bắt đầu ương trồng một thân cây đầu tiên. Con đường di chuyển từ chi tiết đến toàn thể hay là đại cương còn được gọi là tư duy trừu tượng. Tuy nhiên, nhiều khi vì quá bám sát vào từ ngữ  bên ngoài, chúng ta trở nên mơ hồ và mông lung lộn xộn, không rõ ràng phải làm gì một cách rõ ràng, không biết phân biệt một cách chính xác đâu là nguồn, đâu là sông, đâu là biển.
2.- Dự phóng
Dự phóng là một trong những động tác quan trọng của tư duy. Nhưng dự phóng là gì ? Chúng ta làm gì khi dự phóng?  Để dự phóng, chúng ta vận dụng bộ phận nào của nội tâm ?
Khi dự phóng, chúng ta tiên liệu, sắp xếp chuẩn bị trong nội tâm một việc sắp làm, sắp xảy đến trong tương lai gần hoặc xa.
Khi dự phóng, chúng ta tưởng tượng, vận dụng  khả năng tạo ra hình ảnh. Một cách nào đó, chúng ta chiếu lên màn ảnh trong nội tâm những gì sắp xảy đến hay là do chúng ta trù liệu.
Dự phóng còn có nghĩa là hình dung, thấy trước với con mát của tư duy.
Nói một cách chính xác hơn, dự phóng là nhìn vào bên trong nội tâm, thấy các sự vật hoặc biến cố sắp hoặc có thể xảy ra theo cách chúng ta phỏng đoán, trù liệu trước khi chúng nó xảy ra thực sự trong môi trường bên ngoài.
Tuy nhiên, tất cả những gì chúng ta dự phóng, tiên liệu, phỏng đoán chưa hẳn sẽ xảy ra đúng y nguyên như chúng ta hình dung. Tôi có thể bỏ sót một sự việc quan trọng. Hay là tôi chỉ có một kiến thức hoặc kinh nghiệm rất thô thiển về sự việc. Vì lý do nầy, tôi không thể  ngoan cố cho rằng điều tôi dự phóng là chân lý một trăm phần trăm. Ngoài những chi tiết đúng, còn có rất nhiều chỗ sai hay là chỉ tương tự ở một khía cạnh n ào đó mà thôi.
Óc giáo điều cho mình là không thể sai lầm khi dự phóng  những điều sẽ xảy ra trong tương lai xa hoặc gần ... đó là dấu chỉ của  một tâm hồn tự cao, tự đại, tự mãn nghĩa là không ý thức về thực chất hoặc bản sắc của mình.
3. Lưu tâm, chú ý, đặt trọng tâm vào ..., coi trọng.
Khi tôi đặt câu hỏi về một vấn đề, bất kể dưới hình thức nào, một cách nào đó, tôi đang lưu tâm đến vấn đề ấy, tôi có nhũng thắc mắc cần được soi sáng, tháo mở ... Và khi tôi đặt ra câu hỏi cho một người, tôi xin người ấy coi trọng một vấn đề đang được tôi chú ý.
Để gây chú ý chúng ta có thể xử dụng nhiều phương tiện khác nhau, ví dụ như đặt một vấn đề vào trong một cái khung, làm cho vấn đề ấy nổi bật lên, thu hút, gia tăng khả năng lưu tâm của những ai lại gần. Trong cách dùng từ, ngày nay, khung còn được gọi là bộ sườn, một cấu trúc ...
Thông thường, chúng ta chú ý, vì ba lý do :
-         Thứ nhất, vì chúng ta có sở thích về điều ấy.
-         Thứ hai, kinh nghiệm và thực tập tạo ra cho chúng ta tập quán chú ý một cách đặc biệt về một điều nhất định.
-         Thứ ba, tình cờ một điều kéo lôi chú ý của tôi hôm ấy. Nhưng hôm sau cũng một điều ấy không còn hấp dẫn. Vì điều ấy thay đổi ? Hay là tôi hôm nay không giống tôi hôm qua ?
Trong địa hạt tư duy, mỗi lần chúng ta đi vào tiến trình phân tích, mổ xẻ, chúng ta sẽ đặt trọng tâm vào một trong những yếu tố sau đây :
-         Thành phần cấu tạo,
-         Những nguồn hay những nguyên nhân gây tác động, tạo ảnh hưởng,
-         Những yếu tố có mặt làm cho công việc trở nên hữu hiệu,
-         Những thành tố trong một cơ quan tập thể ...
-         Những nội dung làm nên một vật liệu.
Khi so sánh, tự khắc chúng ta phải lưu tâm đến những yếu tố tương đồng và khác biệt. Hay là chúng ta cần phải cân nhắc những lợi ích và những tai hại ...
Chính bản thân tác gỉa Ed. De Bono đã sáng chế nhiều dụng cụ có hiệu năng gây chú ý một cách tự nhiên dễ dàng. Kỹ thuật "sáu chiếc mũ" chẳng hạn, tự nhiên tạo điều kiện thuận lợi và không khí cởi mở, để chúng ta có thể nói ra những điều khó nói do tập quán, văn hóa. Với sáu chiếc mũ có sáu màu khác nhau, tự nhiên chúng ta đón nhận một lối nhìn đa năng đa diện, thay vào tư tưởng nhị nguyên đòi hỏi chúng ta phân biệt bạn thù, trắng đen, xấu tốt ...
4.- Nhận biết và thích ứng .
Trò chơi lắp ráp đòi hỏi trẻ em  nhận biết hình nào là vuông, hình nào là tròn, hình nào chữ nhật, ở diện hình nổi  chìm cũng như ở diện hình khung. Có khả năng nhận biết như vậy, trẻ em mới có thể lắp ráp, nghĩa là sắp xếp hình nào thích ứng với khung nào.
Lúc trẻ em vừa mới bắt đầu học tư duy, trò chơi nầy rất hữu ích, có khả năng kích thích nhiều cách làm cùng một lúc : so sánh, sắp xếp, chọn lựa quyết định cái hình nổi nào thích hợp với khung chìm nào. Khi chưa tư duy, trẻ em chỉ chầm chày may rủi, thử cái nầy rồi thử cái khác. Đôi khi, trẻ em còn tức tối, muốn cưỡng ép hình vuông đi vào hình tròn. Dần dần khi tư duy xuất hiện trong nội tâm của trẻ em, chúng ta có thể ghi nhận trong cách giải quyết vấn đề của trẻ em, những giai đoạn khác nhau sau đây :
-         Thứ nhất, trẻ em đưa mắt nhìn
-         Thứ hai, trẻ em vừa nhìn vừa tìm, cừa so sánh bằng liếc nhìn di chuyển qua lại. Hai tay chưa "làm". Trong chính lúc ấy, tư duy đã hoạt động : so sánh, phê phán, quyết định.
-         Thứ ba, trẻ em đưa tay chọn hình thích hợp với khung. Việc làm ấy do tư duy điều động từ bên trong nội tâm. Đó là giai đoạn thực hiện. Tu duy biến thành hành động.
Tuy nhiên, sau khi thành tựu, một vài trẻ em, nhất là những em thuộc diện Ô-ti-xơm ( tự bế ) thỏa mãn về sự thành công của mình, cho nên cứ lặp đi lặp lại "thành tích" ấy suốt ngày và từ chối mạo hiểm học chuyện khác.. Trẻ không dám làm chuyện khác, vì phải thất bại trước khi làm được một "thành tích mới". Theo thuật ngữ của tâm lý, trẻ em "quá thích nghi, siêu thích nghi", cho nên giam hảm mình trong thành tích. Thành tích trở thành một "ngục tù vàng son" mà trẻ em không dám mở cửa đi ra. Khi "siêu thích nghi" như vậy, tư duy bị khô cứng, không còn phát triển nghĩa là không thể học chuyện khác.
Ngoài lớp dạy trẻ em chậm phát triển, cũng có những hiện tượng "siêu thích nghi" như vậy trong mọi xã hội, trong mọi ngành nghề. Tư duy siêu thích nghi là tư duy độc lộ, một chiều. Loại người ấy cho mình là số một, hơn hết mọi người, là đỉnh cao trí tuệ, vì họ không biết số hai là gì, giống như một trẻ em tự bế.
Bạo động, hận thù, chiến tranh cũng là một loại tư duy siêu thích nghi, cho nên bài học thứ tha quá khó cho những người có nội tâm một chiều, số một. Họ chỉ biết bạo hành, thay vì ngồi lại cùng nhau tìm ra một lối thoát chung.

5.- Chuyển động một cách "mềm dẽo", tìm ra những con đường mới, những con đường khác những con đường chưa thành đường mòn.
Chuyển động là đi tới đằng trước, ra khỏi vị trí hiện thời mà chúng ta đang đứng.
Để có thể di chuyển, di động như vậy, trong địa hạt tư duy theo Ed. De Bono, chúng ta phải có khả năng "Thách Đố". Trong thách đố vừa có thách thức, dám làm điều chưa ai làm, ngược đời, lạ đời. Vừa có Đố,  nghĩa là đấu trí, khai mở một bí mật, dám đương đầu với thần linh, như nhân vật mang tên là Prométhé leo lên tận thiên đình, lấy trộm lửa thần, đem về sưởi ấm và soi sáng trần gian.
Khi đi vào địa hạt tư duy thách đố, chúng ta sử dụng một số kỷ thuật như sau :
-         Liên tưởng tự do, kết ráp nhũng gì xuất hiện trong đầu óc, không tính toán, không kiểm duyệt, không sợ sệt.
-         Đi vào thế giới mộng mơ với hai con mắt mở to, đứng nhìn vũ trụ : Cứ để cho mình lượn bay nhởn nhơ như cánh bướm, cứ cho phép mình thành gì thì thành, ước gì cũng được, giấc mơ nào cũng có thể thành sự thật. Đi trên nước cũng đắm chìm. Bay lên trời cũng thấy đó là nhà của mình, vì mình là con cháu của Bà Âu Cơ. Xuống hỏa ngục cũng không sợ: Mình sẽ làm Địa Tạng truyền lệnh cho Ma Vương mở cửa, phóng thích mọi tù nhân từ ngàn xưa cho đến ngày hôm nay. Thả họ ra, cho họ nhà cửa, lương thực, tự khắc họ trở thành lương thiện, giống như ngày họ ra khỏi lòng mẹ, còn đơn sơ trong trắng. Thách đố hỏa ngục là cho phép con người trở lui vào địa đàng. Thách đố như vậy là tìm ra nhiều con đường xuôi ngược chưa một ai nghĩ tới. Trước khi máy bay được sáng chế, có ai đã nghĩ ra : Bầu trời là nơi đưa thoi của hàng triệu con đường phát xuất từ muôn phương, tìm trở về muôn hướng.
Trong tinh thần thách đố, khi tôi lấy trứng đổ chả, tôi tự đặt ra câu hỏi : nếu tôi là người ngoại cầu, đến từ sao Mộc Tinh, tôi sẽ dùng quả trứng làm món ăn thế nào đây ?
Con đường tìm ra bằng thách đố chưa hẳn là con đường hay nhất, đẹp nhất, hữu hiệu nhất ... Điều tôi nhắm tới với tư duy thách đố là có trước mặt rất nhiều con đường khác nhau, tha hồ so sánh, đánh giá, thủ nghiệm để cuối cùng mới chọn lựa con đường nào mang lại "Thương yêu, hiểu biết và hạnh phúc" cho đời tôi và cho nhiều người khác đang chung sống với tôi trên mặt địa cầu nầy.
6.- Những dụng cụ tư duy.
Suốt cuộc đời, đi vòng quanh thế giới dạy tư duy cho trẻ, Ed. de Bono đã sáng chế nhiều dụng cụ tư duy. Cơ hồ nhìn qua kính hiển vi, chúng ta có thể thấy những điều trước đó chúng ta không thể thấy vì quá nhỏ, các dụng cụ tư duy của Ed. de Bono cũng tạo ra cho chúng ta nhiều điều kiện thuận lợi và dễ dàng, để mài nhọn, đánh sáng tư duy của chúng ta.
6.1. Khi lần lượt đội "Sáu chiếc mũ có sáu màu khác nhau" lên đầu, tự khắc chúng ta nhảy ra khỏi những con đường mòn của tư duy cổ điển, cổ truyền từ các triết gia Hy lạp như  Socrate, Aristote, Platon hay là từ Khổng Tử để rồi vào thế kỷ 20, đa số học giả chỉ biết ngày đêm tụng niệm "Khổng viết" mà khinh che cuốc đấ trồng khoai, không còn khả năng gieo trồng lúa gạo, sắn khoai đẻ nuôi dân và dạy dân phát huy tinh thần tự lập, tự chủ.
Với sáu chiếc mũ của Ed. de Bono, tôi không còn bị kẹt cứng trong biên cương giới hạn "Đông là Đông, Tây là Tây".
Với sáu chiếc mũ, chúng ta không tham lam ôm đồm, lẫn lộn "mang rau ông nọ đặt cằm bà kia". Khi đội mũ trắng, tôi làm công việc mở rộng đôi mắt để nhìn ra ngoài và chung quanh thấy gà nói gà, thấy vịt nói vịt, nghe làm sao thì lặp lại, trước khi thú nhận mình hiểu như thế nào, có ăn khớp với ý người nói không.
Với sáu chiếc mũ, tôi dám nói về tôi một cách rõ rang, đơn sơ, minh bạch. Tôi can đảm vén chiếc màn sợ sệt, giấu giếm, để bộc lộ nôĩ niềm lo sợ, tức giận, buồn chán. Nhờ đó tôi trung thực, không thêu thùa, làm ra vẻe ta đây, cũng không hạn chế, dồn nén, kiểm duyệt chính mình. Không tự ti mà cũng không tự tôn.
Kỹ thuật nầy rất sau sắc, bén nhạy, nhưng đơn sơ, dễ dàng, dễ dạy cho kẻ khác, dễ dùng và dễ học cho đời của mình.

6.2.- Những dụng cụ khác viết bằng chữ lớn trong tiếng Anh :
PMI    : Plus, minus and Interesting
              Nhìn một vấn đề, tôi phát biểu một cách hồn nhiên : Cái gì cộng, tích cực
Cái gì trừ tiêu cực
Cái gì thích thú, đáng chú ý.
CAF    : Consider All Factors
              Khảo sát mọi yếu tố, tát cạn hết nước, kéo ra mọi thứ cá lớn và nhỏ.
   Nói hết ý. Thấy gì nói ra.
C&S    : Mọi hậu qủa và vết tích, âm hưởng của công việc
Consequences and sequels of the action
Có nghĩa là khảo sát tất cả những gì sẽ xảy đến sau nầy; tiên liệu và tiên phong.
AGO   Aim, Goal, Objective
            Đích điểm là điều tôi cố làm
            Mục đích là điều tôi cần thành đạt
            Mục tiêu là nơi tôi nhắm đến tận chỗ.
FIP      First important priorities
            Những ưu tiên quan trọng nhất sắp xếp theo thứ tự, từ 1 trở xuống.
APC    Alternatives, possibilities, choices
            Những con đường khác
            Những khả năng khác
            Những chọn lựa khác
            Điều đang làm
            Điều có thể làm
            Điều cần chọn làm.
OPV    Other people's views
            Kẻ khác thấy vấn đề thế nào ?
            Ý kiến của những người không phải là tôi.
            Lối nhìn quan điểm, khung qui chiếu, cách thuyên giải của mọi người, không ai bị loại trừ.
Đứng trước bất kỳ một vấn đề gì, bảy dụng cụ trên đây cho phép chúng ta tát cạn những gì cần tát, nghĩa là cân nhắc, khảo sát, phân tích, mổ xẻ, nghiên cứu, tìm hiểu, lên kế hoạch hành động. Chúng ta có thể phân biệt sáu lãnh vực :
-         Tầm quan trọng
-         Cách tổ chức
-         Quan hệ tác động, ảnh hưởng qua lại
-         Sáng tạo
-         Tin tức, dữ kiện, xúc động
-         Hành động
Nói được, bảy dụng cụ cho phép chúng ta triển khai tư duy trong sáu chiều hướng khác nhau, để không một khía cạnh nào của vấn đề bị lãng quên và bỏ sót.

 *  *  *

Chương 2.2    Mục đích yêu cầu.

Trong phần 1, chương 1.1 tôi đã nhấn mạnh rằng: Đối với R. Fisher, chúng ta xác định mục đích càng rõ ràng bao nhiêu, vấn đề thực hiện hoặc thể hiện mục đích, nghĩa là chuyển biến mục đích thành thực tế cụ thể, khách quan trong cuộc sống hằng n gày, càng dễ dàng bấy nhiêu.
Đối với Ed. de Bono, trái lại, xác định mục đích một cách rõ ràng và chính xác là điều hy hữu, hiếm có. Tuy nhiên cả hai tác giả đều đồng ý khẳng định : Không biết mình muốn đi đâu, chúng ta khó có thể thành đạt điều mong muốn.
Chính vì lý do vừa nêu lên, đối với Ed. de Bono, cốt lõi của Tư duy là Xác định mục đích của chúng ta, bằng nhiều cách khác nhau :
-         Trước hết xác định mục đích ở đây và bây giờ : "Trong khoảnh khắc nầy, mục dích của tôi là ...".
-         Kế tiếp, chúng ta hãy xác định lại, một cách khác : "Tôi có thể xác định mục đích mà tôi đã nêu ra bằng một cách nào khác không ?"
Xác định lại như vậy là diễn tả, trình bày cùng một mục đích ấy với một hình thức mới, một ngôn ngữ mới. Lối nói của Ed. de Bono là tìm ra một lối xác định "song song". Có chăng một con đường thứ hai để thay thế, cơ hồ khi đi xe Ô-tô, chúng ta chuẩn bị sẵn một bánh xe, lỡ ra bánh xe đang được dùng, bị hỏng đi, vì một lý do ngoài ý muốn.
Bánh xe thứ hai, bánh xe trừ bị được gọi là "Alternative" trong tiếng anh rất khó chuyển dịch ra tiếng Việt với tất cả ý nghĩa độc đáo của nó. Tiếng Anh chỉ có một từ. Trong tiếng Việt, chúng ta phải xoay thành nhiều cách, mới lột tả hết nội dung.
n      Khi xác định lại, chúng ta có thể đi xuống : thu hẹp lại, cụ thể hóa; cơ hồ từ rừng đi xuống cây.
Xác định sơ khởi : Tôi muốn sống hạnh phúc.
Xác định thu hẹp : Tôi muốn thừa hưởng trọn vẹn những ngày nghỉ cuối tuần.
n      Thay vì đi xuống, chúng ta có thể đi lên. Từ rừng núi, chúng ta hướng đến non sông, đất nước, quê hương. Làm như vậy là thay đổi trọng tâm, thay đổi điểm tập trung chú ý.
Tôi muốn hai em A và B ngồi sát nhau.
Tôi muốn hai em A và B kết bạn với nhau.
n      Không đi lên, không đi xuống, chúng ta cắt chia ra nhiều phần như trong ngày lễ mừng sinh nhật của tôi, bạn bè ngôì bàn và tôi, tất cả 10 người. Tôi chia chiếc bánh ngọt thành 10 phần.  Khi chuẩn bị kỳ nghỉ hè, vào năm tôi được 65 tuổi, tôi khảo sát nhiều thành tố :
* Vào thời gian nào : ttháng nào, từ ngày nào tới     ngày nào ?
* Ngân khoản bao niêu : tối thiểu ? Tối đa ?
* Loại nào : Viếng nước Mỹ, du lịch ở các nước Bắc Âu. Trung quốc, về Việt Nam.
* Hiện thời các hãng tổ chức du lịch, có những chương trình nào thích hợp ?
Đây là một cách PHÂN TICH vấn đề hay là đối tượng : Tôi sẽ thành tựu những "khoản" nào, những phần nào trong toàn bộ nội dung của mục đích.
n      Thay vì xoay quanh mục đích sơ khởi, khi xác định lại, tôi có thể xóa hết, làm lại, nghĩa là chọn lựa một mục đích hoàn toàn mới, không có liên hệ gì cả với mục đích ban đầu.
n      Thế nào là xác định mục đích một cách đúng đắn ?
Tôi CHỈ biết mục đích tôi đề xuất có thực sự đúng đắn, thích hợp hay không, sau khi tôi hoàn thành công việc thực hiện hay là giải quyết vấn đề, một cách mỹ mãn, từ đầu chí cuối, theo lịch trình mà tôi đã dự phóng.
Ví dụ, mục đích của tôi là hiểu biết về Trung quốc, bằng một chuyến du lịch có người hướng dẫn trong vòng 10 ngày.
Tháng sáu vừa qua, tôi đã sống trên đất Trung quốc, có một cán bộ hướng dẫn cặn kẽ, khi di chuyển từ chỗ nầy qua chỗ khác. Sau 10 ngày, tôi về lại nhà, mang bảng đánh giá ra, với những tiêu chuẩn khách quan cụ thể đã được dự phóng trước chuyến du lịch. Chừng đó tôi mới trả lời được câu hỏi : Tôi đã thành đạt mục tiêu đề xuất hay không ?
Nếu cần phải thực hiện một lần thứ hai chuyến du lịch sang Trung quốc, tôi cần thêm gì, bớt gì ?
Nói tóm lại, chỉ sau cuộc đánh giá cuối cùng, vào lúc kết thúc, tôi mới khẳng định được : Mục tiêu mà tôi xác định, đề xuất dự phóng có thích hợp hay không ? Thích hợp có nghĩa là giữa điều được dự phóng và những thành tựu cuối cùng, có sự trùng hợp, ăn khớp với nhau.
Trong rất nhiều trường hợp, tôi phải thú nhận "Đầu voi, đuôi chuột". Chương trình dự phóng "To lớn, đồ sộ như con voi". Thành quả cuối cùng chỉ là con chuột bé tí, còn nhỏ hơn chóp đuôi của con voi. Tuy nhiên, mấy ai thú nhận và chấp nhận điều ấy một cách khoa học ? Phần đông trong bản báo cáo cuối cùng, để khỏi "mất mặt", ai ai cũng hô hào về thành tích vẻ vang.
--Nhằm xác định mục đích một cách khoa học, như nội dung chương 1.2 đã trình bày và nhấn mạnh, chúng ta cần phân biệt thật rõ ràng : Đường Hướng tổng quát và thực hiện hay là thành quả cụ thể.
Ví dụ: Bên cạnh nhà tôi, người láng giềng thường chơi đàn Piano từ 10 giờ đến 11 giờ đêm. Vào giờ ấy, tôi cần đi ngủ sớm, để thức dậy sớm, có mặt ở sở làm lúc 7 giờ sáng mai.
Nói về mục tiêu cụ thể, cần thực hiện, tôi có rất nhiều chọn lựa ở đây :
1.      Chính tôi trực tiếp gặp người láng giềng yêu cầu chơi piano vào giờ khác, sớm hon 10 giờ đêm.
2.      Tôi nhờ bà chủ cho thuê nhà trình bày lời yêu cầu của tôi.
3.      Tôi tìm cách xin bà láng giềng chơi những bài nhạc thư giản vào giờ ấy.
4.      Tôi nhớ lại câu thơ : "Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường". Người láng giềng là một cô gái vào trạc tuổi của tôi. Thôi tôi tìm cách làm như thi sĩ Nguyên Sa đề nghị : Yêu âm nhạc.
5.      Tại sai phải nghe để bực mình ? Ngày nay ở tiệm bán thuốc có những dụng cụ "hãm thanh". Tôi chỉ cần mua và dùng phương tiện ấy!
6.      Tâm lý đương đại dạy rằng : Nguyên nhân gây ra bực bội cho tôi là chính tôi, chứ không phải bà láng giềng. Nhiều đêm tôi mất ngủ vì quá cô đơn, thanh vắng. Phải chăng tiếng nhạc cũng tạo cho tôi một cảm giác an toàn ... Vậy tôi chỉ cần thay đổi tôi. Bà láng giềng với tiếng nhạc ít ra biểu hiện một sự có mặt của nhân loại, trong cuộc đời tôi.
7.      Tôi qua gõ cửa bà láng giềng, dạy cho bà một bài học về lịch sự, xã giao, tôn trọng người "thân cận" ở căn phòng kế bên.
Trong bảy "Con đường" cụ thể khác nhau, nếu tôi sắp xếp lại, tôi có thể phân biệt bốn đường hướng tổng quát hay là bốn phương thức lý thuyết để hành động :
Một     : Ngưng chơi nhạc
Hai      : Thay đổi loại nhạc
Ba       : Không nghe, bịt tai.
Bốn     : Tiếng nhạc không còn quấy rầy.

--Về mặt phương pháp, tác gỉa Ed. de Bono đề nghị chúng ta hai cách xác định mục tiêu.
-         Cách thứ nhất : Cánh quạt. Mỗi chiếc quạt có nhiều cọng sườn. Mỗi cọng sườn có nhiều loại khác nhau: bằng tre, bằng kẻm, bằng ngà voi ... Và cứ như vậy, chúng ta đi xuống từ từ. Đi xuống để tìm nhũng trường hợp cụ thể. Đi lên để khám phá những đường hướng tổng quát.
-         Cách thứ hai : Đặt câu hỏi "Tại sao? Để làm gì ?". Ví dụ: Trẻ em học, để làm gì ? - Để biết - Biết để làm gì ? - Để sống. - Sống để làm gì? - Làm người ...
Tóm lược :
Về mặt tù ngữ, chúng ta có nhiều lối nói khác nhau : Mục đích, mục tiêu, kết quả, thành tích ... Để đơn giản hóa vấn đề, chúng ta cần đặt ra câu hỏi : "Tôi muốn đến đâu, thành đạt gì ?"
Khi trả lời tôi cần phân biệt 2 điều :
Thứù nhất : Cây hay rừng ? Rừng là những gì bao la tổng quát. Cây là kết quả cụ thể, khách quan, mắt có thể thấy, tay có thể đụng đến, tiếp xúc, tai có thể ghi nhận âm thanh trầm bổng ... Cây là điểm nhắm tới. Rừng là cả một khu vực được lưu tâm.
Thứ hai : Trồng hay nhổ. Nhổ là giải quyết vấn đề, cất đi nhũng chướng ngại. Tư duy còn nhắm tới nhiều mục tiêu tích cực khác như thương lượng, tổ chức, thông đạt, khám phá học hỏi ...
Về mặt làm người, đi hay là đến ? Tôi xin trả lời : Có đi thì có đến. Nhưng bao lâu chúng ta còn làm người, Đi mỗi n gày là quan trọng. Điểm chúng ta dừng chân cốt là chuẩn bị cho chúng ta đi lại ngày hôm sau. Điểm hẹn cuối cùng ở đâu, khi nào, ... Vượt khỏi tầm nhìn của chúng ta.
Trong vấn đề dạy trẻ em chậm phát triển, đi mỗi ngày là điều thiết yếu. Mỗi ngày chúng ta vun trồng. Mặt trời sưởi ấm. Nước mưa làm mát dịu. Không khí tạo đôỉ thay. Mặt đất cho ăn nuôi sống. Trời trên cao là mái nhà để chúng ta trở về ...
Nếu ngày mai tiếng tôi hòa tan vào thinh lặng ?
Bầu trời trên cao vẫn còn đó với trăng sao,
Với côn trùng ni nỏn, Với tiếng gió rì rào ...
Nhắc cho em : sau ngày mưa, lòng tràn ánh nắng!

*
*        *
Nếu ngày mai, mùa xuân trở lại trên vườn đào?
Bầy Sơn ca thánh thót, tiếng họa mi mờ2i gọi ...
Giữa vườn đầy hương hoa, muôn màu sắc chào hỏi,
Tôi có mặt đợi chờ ... như trời đất nôn nao.
Nếu ngày mai, một trẻ em đến gần gõ cửa.
Đừng quát tháo :"Hết giờ, tan học, về ăn trưa!"
Hãy lắng nghe:" Em đói, cho em ăn một bữa!"
Em là gạo, là đường, nắng ấm và cơn mưa ...
Nếu ngày mai, xác thân tôi hóa thành cát bụi,
Đời con người như lá rụng nuôi lại mầm non.
Tôi vẫn sống, hoa tình yêu mãi mãi vuông tròn.
Em thương nhớ ? Hẹn nhau trong hồn thiêng Sông Núi !

Tôi xin kính tặng bài thơ "Nếu ngày mai" nầy cho những ai đang làm Mẹ, làm Cô giáo, đồng thời sẵn sàng "làm gạo, làm đường, làm nắng ấm, làm cơn mưa". Và giúp kẻ khác cũng "TRỞ THÀNH" như mình. Phải chăng đó là cũng ý nghĩa thâm trầm và lớn lao của việc dạy học ?
Nếu ngày mai, từ bên kia, tôi được trở về. Em còn đó ? Phục vụ hăng say ? Hay ra đi ? Dù ở chân trời xó biển nào, đang làm gì ? Hãy cho biết tin tức về Đất Cha Quê Mẹ : Vườn Tình Thương nở hoa, hạt thứ tha gieo vãi ? Phải chăng con ngươì xích lại gần nhau đối thoại

 *  *  *
Chương 2.3 Thu lượm tin tức
Nhìn bốn phương, quan sát tứ phía : Dằng trước, đàng sau, ở trên, ở dưới, bên trong nội tâm, ở ngoài môi trường bao quanh chúng ta, nhằm thu lượm mọi tin tức dữ kiện cần thiết cho công việc tư duy, đó là trọng tâm cần được khảo sát tường tận trong chương nầy.
Trước đây, khi bàn về việc học bằng hành động, trong lúc hành động, R. Fisher đã đề nghị chúng ta hãy tức khắc đi vào thực tế, ngụp lặn, bơi lội trong công việc. Từ đó và nhờ đó, chúng ta cân đo, xem xét lại , khảo sát những gì nên sửa sai, bổ túc, kiện toàn hay là đổi hướng.
Đối với Ed. de Bono, thâu lượm tin tức đã là đi vào tiến trình tư duy. Tuy nhiên, nếu tư duy bị bế tắc ở đó, tin tức chỉ là một đốùng nguyên liệu còn ở thể quặng sản hỗn mang, lộn xộn. Với tư duy, nhờ tư duy, quặng sản trở thành chất liệu quí hóa, vật liệu xây cất, nhiên liệu tạo năng lượng cho bản thân và cuộc đời. Nói khác đi, không có tin tức, tư duy không xây dựng được gì, vì thiếu vật tư. Nhưng không có tư duy,
-         Chúng ta không biết tìm tin tức ở đâu,
-         Chúng ta không biết tin tức nào đáng giữ lại, tin tức nào nên loại ra.
1.- Cách đặt câu hỏi, để kiếm tìm tin tức.
Trong đoạn nói về "ngôn ngữ chính xác", thuộc chương 1,2 mang tựa đề "Tư duy khoa học", chúng ta đã học rất nhiều cách đặt câu hỏi, để tìm lại những tin tức bị cắt xén, loại trừ, bỏ sót hoặc kiểm duyệt ... hay là rơi rụng, cùn mòn vì ảnh hưởng của ngày tháng đã trôi qua.
Ở đây, trong chương nầy Ed. de Bono lưu tâm chúng ta đến hai loại câu hỏi tìm kiếm tin tức :
Loại thứ nhất : Câu hỏi cành câu
Chúng ta không biết tin tức nằm ở đâu, chúng ta chỉ đặt câu hỏi dò xét, mang tên là "câu hỏi mở" (còn đưọc gọi là câu hỏi WH trong tiếng Anh : When, Who, Where, What ... ai, ở đâu, khi nào, thế nào, bao lâu ...), chính người trả lời bộc lộ cho chúng ta những tin tức mà chúng ta cần dùng sau khi chắt lọc hoặc đào bới sâu hơn, rộng hơn.
Loại thứ hai : Câu hỏi mũi tên
Đsy là câu hỏi nhắm mục tiêu điểm nhất định. Người trả lời đồng ý :"Vâng, có, phải" hay là phủ nhận :" Không!". Loại câu hỏi nầy nhằm kiểm soát "Đúng hoặc sai".
Khi đi tìm những tin tức, chúng ta thường hay lầm tưởng rằng chỉ có giá trị những tin tức nào sẵn có chất lượng cao : rõ ràng, chính xác, đầy đủ. Và do đó, chúng ta có xu thế bỏ qua, loại ra những tin tức nghèo nàn, bao gồm trong mình nhiều lổ hổng, nhiều chỗ đứt đọan. Thực tế và kinh nghiệm trong mọi ngành nghề, đều chứng minh ngược lại. Chẳng hạn, trong những phụ điều tra phạm pháp, máu đổ, nhà cháy, thây ma chất hằng loạt và bao nhiêu hiện tượng động trời khác... không mang lại những tin tức nào khả dĩ tìm ra tội nhân. Trái lại, nhữnt chi tiết vụn vặt như một sợi tóc, một con tem dán trên bì thơ còn thấm chút nước bọt đã khô từ nhiều năm tháng ... có thể trở nên những dấu hiệu rất đáng tin cậy. Dựa vào đó, công an tìm ra ai là thủ phạm thực sự trong vụ án. Trong lăng kính ấy giá trị của tin tức không hoàn toàn tùy vào số lượng hoặc chất lượng ở mặt nổi, mặt bì phu, mặt trình diễn bề ngoài. Điều quan trọng chỉ xuất hiện, nếu chúng ta có khả năng KHAI THÁC TIN TỨC.

2.- Tin tức nằm ở đâu ?
Tin tức không nằm sẵn trong thực tại, hoặc môi trường sinh thái, cơ hồ trái cây nằm sẵn trên thân cây, chúng ta chỉ cần đưa tay hái nhặt và bỏ vào miệng. Để tin tức, sự kiện có thể dùng được cho tư duy, chúng ta phải sửa soạn "kho nấu", nghĩa là xếp đặt, thanh lọc, chọn làm của mình...
2.1.-Nhận thức
Xuyên qua năm giác quan, chúng ta làm công việc tiếp thu, ghi nhận. Và như trên đây, tôi đã nhấn mạnh lui tới nhiều lần, chúng ta không ghi nhận một cách máy móc, tự động, cơ  hồ chiếc máy ghi hình, ghi âm.
Từ lúc khởi đầu, khi mở mắt, mở tai, tiếp xúc với làn da, chúng ta đã nhận thức. Thức có nghĩa là biết. Và chỗ nào có biết, chỗ ấy tư duy đã có mặt, hoạt động bằng ba cách khác nhau :
a- Chúng ta sắp xếp thành thứ tự, chuyển biến những gì lặp đi lặp lại thành qui luật tổng quát.
Khi một em bé chậm phát triển, nhìn thấy con chó biết phát âm "vâu vâu"; em ấy đã bắt đầu tư duy, bắt đầu xếp loại, bắt đầu phân biệt, khám phá dị điểm, đồng điểm. Nhờ đó, vài phút sau thấy con mèo nó phát âm "meo", bắt chước tiếng mèo. Ý thức về qui luật phát sinh từ khả năng phân biệt ấy : Chó thì vâu vâu. Mèo thì meo. Vịt thì cạp cạp. Gà mẹ thì quạc quạc. Gà trống thì co cồ. Gà con thì chít chít. Heo thì éc éc.
Ngôn ngữ là dụng cụ của tư duy. Tư duy hoạt động thì ngôn ngữ xuất hiện. Ngôn ngữ tôi muốn nói ở đây là phương tiện diễn tả tư duy. Khi trẻ em biết gì, thì nó tìm mọi cách để cho kẻ khác thấy là nó biết. Trước khi nói bằng lời nói, ngôn ngữ, trẻ em đã nói với con mắt, với cánh tay, với ngón tay. Ngôn ngữ không lời cũng quan trọng giống ngôn ngữ có lời.
Tập trẻ em tư duy, dạy trẻ em nói, chúng ta hãy bắt đầu rất sớm, khai thác tối đa năm giác quan của trẻ em, từ khi nó mở mắt nhìn mẹ, sau ha ba ngày từ nhà hộ sinh trở về.
b - Chúng ta chắt lọc, sàng lọc, chọn lọc. Đây là đầu dây mối nhợ của sở thích, của khả năng học làm chủ thể. Tôi muốn tôi thích. Và cái muốn cái thích của tôi chưa hẳn là cái muốn, cái thích của Mẹ, của Cha ...
Cho phép ai bày tỏ tha hồ cái muốn, cái thích của mình là chúng ta tạo ra mọi điều kiện thuận lợi để người ấy thành "Mình", thành chủ thể độc đáo. Ép ai làm theo ý mình, cưỡng chế trẻ em "Nhắm mắt vâng lời, dạ dạ, vâng vâng ..., là chúng ta nuôi vẹt, nuôi sáo, nuôi kỳ nhông, thay vì dạy làm người.
"Mình" trong tiếng Việt có ý nghĩa tương đương với Self trong tiếng Anh : Myself là chính tôi đây, không ai khác. Nói được "chính tôi đây", trẻ em đã ý thức mình là chủ thể có khả năng tư duy độc lập, độc đáo.
c- Chúng ta có ý định riêng biệt, có chủ quyền. Cho nên, khi nhận thức, chúng ta đã bày tỏ ra n goài tất cả những gì mang sắc thái đặc biệt của chính mình.
     Một cô bé sinh đôi vừa bốn tuôỉ đã tìm ra được cách chải tóc theo ý mình, khác với cách của chị.
Sau nầy vì quá nhấn mạnh nét khác biệt của mình, chúng ta lại có xu thế lập dị, làm ngược đời. Đó là xu thế bóp méo, xuyên tạc, chủ quan hóa.

Ba nhận thức nầy đã thành hình rất sớm, từ ngày một đứa bé sơ sinh ngủ ít lại, kéo dài từ từ thời gian thức tĩnh, để chơi, để nhìn mẹ, để nghe mẹ bi bô và trả lời mẹ bằng những phát âm "rờ rờ", để khóc cố tình làm cho mẹ hiểu mình muốn được bồng đi chơi nhìn, nhìn đất, nhìn cây cối ... Và từ khi đi vào thế giới tiếp xúc quan hệ, trẻ em sẽ phải học qui luật : Cái gì làm được, cái gì phải xin, phải đợi ...
2.2. Xúc động
Khai thác tin tức ở địa hạt nhận thức là xếp đặt, chọn lựa, sở hữu hóa, nhận làm của mình, tổ chức theo cách riêng của mình, chấp nhận một số qui luật xã hội.
Ở địa hạt xúc động, tư duy can thiệp vào, tác động, khám phá :
-         Cái gì là giá trị thúc đẩy tôi thành tựu một kết quả.
-         Tin tức, dữ kiện nào đáp ứng nhu cầu hiện tại của tôi.
-         Ai, cái gì có thể đáp lại, thỏa mãn lời yêu cầu của tôi.
Tóm lược lại, trên con đường thực hiện mục tiêu, tư duy soi sáng, vạch ra đường lối với bao tin tức do thực tại cung ứng. Nhưng tư duy dựa vào xúc động, để có đủ hứng khởi, năng động để thành đạt những điều mình ước mong, có ý định thực hiện.
Nói khác đi, thu lượm tin tức ở vào giai đọan kết hợp với xúc động, để thực hiện mục tiêu, là trả lời một cách rốt ráo cho hai câu hỏi :
Câu hỏi Một : Tôi có cảm tình xúc động nào đối với mục tiêu hoạt động nầy ? Tích cực ? Tiêu cực ? Nếu cần hóa giải, chuyển biến, tôi cần ai, tôi cần nhũng gì ?
Câu hỏi Hai : Tình cảm và xúc động của những người chung sống và hợp tác với tôi là nhữõng gì ?
Câu hỏi thứ hai nầy rất thường bị chúng ta coi thường. Và đó là nguyên nhân của bao nhiêu thất bại, bỏ cuộc ở giữa đường. Khi tư duy không coi trọng tình cảm, chúng ta đánh mất tính người và tình người. Chúng ta trở nên những bộ máy vi tính vô tâm và bất nhân. Nói khác đi thiếu đồng cảm, chúng ta chưa thực sự làm người, và giúp kẻ khác làm người.

 *  *  *
2.3. Phân tích
1.- Phân tích và thuyên giải :
So với số đông thuộc giới trí thức và suy tư Ed. de Bono, đi trước thời đại, vượt qua mặt hình như trong mọi chiều kích có liên hệ chặt chẽ với Tư duy. Riêng ở lãnh vực nầy, tác giả còn mang một lối nhìn cổ điển. Phân tích là mổ xẻ, khám phá những thành tố làm nên đại thể và có sẵn trong đại thể. Phân tích là làm công việc tháo gở ra từng phần một, cơ hồ thợ sửa xe, tháo chiếc xe đạp ra thành nhiều bộ phận rời rạc, để tìm cho ra cho chỗ nào hỏng, chỗ nào thiếu dầu nhớt.
Khi tìm hiểu thực tại, khi đi tìm tin tức, như trên, tôi đã nhấn mạnh theo lối nhìn của tâm lý đương đại, tư duy là thuyên giải.
Tôi đặt tên, gọi con tôi là Thành An. Hẳn rằng đã có người mang tên Thành An, trước khi con tôi chào đời. Nhưng đồng thời cũng có bao nhiêu tên khác không kém phần duyên dáng, ý nghĩa. Nhưng tên Thành An, đối với tôi chỉ phát xuất từ con tim của tôi. Thành An ấy đã cho tôi hạnh phúc. Hạnh phúc ấy pha trộn nhiều lo âu, khổ đau. "Loại" Thành An ấy chỉ có một đơn vị duy nhất, trong trời đất nầy. Lối nói rất khó diễn tả, trong tiếng Latinh là "Sui generis". Độc đáo, độc nhất, vô nhị. Không có đơn vị thứ hai "Alternative", như trước đây tôi đã trình bày khá tỉ mỉ.
Thay vì "phân tích, phân chất", cái điều mà Xuân Diệu đã khước từ, chúng ta chỉ có thể tìm ra ý nghĩa, thuyên giải. Có một quan hệ qua lại hai chiều. Tôi ghi nhận thực tại. Nhưng đồng thời thực tại tác động trên tôi. Cho nên, cách thuyên giải của tôi mang dấu vết đậm nét của Tư duy, tâm hồn và bản sắc của tôi.
*
      *
2.- Ý nghĩa của phân tích.
Sau khi khẳng định nét khác biệt cơ bản ấy, tôi trở lại tiến trình của Tư duy, ở giai đoạn Phân tích tin tức, phân tích thực tại, phân tích môi trường sinh thái.
Ý nghĩa thứ nhất là tháo ra thành từng bộ phận đơn vị nhỏ, so với toàn bộ, toàn thể to lớn. Nhờ vậy, tôi biết tôi phải làm gì. Và nhờ biết, tôi chủ động. Tôi làm chủ tình hình. Tôi có cách đối phó.
Ý nghĩa thứ hai là nhận biết, quen thuộc..
Đứng trước một đám đông to lớn, tôi chỉ có một hình ảnh rất mập mờ về những người có mặt. Đến gần bắt tay từng người, tôi nhận ra những bộ mặt qquen thuộc. Cho nên tôi nắm vững tình thế. Tôi không còn lo sợ. Tôi hiểu nhu cầu của từng người. Nhờ vậy tôi phát biểu dễ dàng, biết mình cần nói những gì. Hai vị Tổng thống người Pháp là De Gaule và Chirac thường thích đi vào đám đông, bắt tay từng người, vì lý do nầy.
Ý nghĩa thứ Ba là hiểu.
Ý nghĩa biến thành của mình. Tôi chỉ hiểu điều gì tôi đã biết, đã quen.
Hiểu là đỉnh cao tôí thượng của Tư duy.
Hiểu như vậy có nghĩa là thoải mái bơi lội trong đối tượng tư duy của tôi, cơ hồ con cá bơi lội trong nước. Khi tôi hiểu môi trường thực tại, môi trường trở thành ngôi nhà tôi sinh ra. Đi đâu, ở đâu, làm gì ... tôi đều có khả năng tìm ra lối đi ngỏ về.
Cái nguy hại lớn lao trong lối nhìn cổ điển nầy là tôi sẽ không bao giờ chấp nhận có người không giống tôi, không hiểu như tôi, không làm như tôi. Từ đó, tôi tố cáo, phê phán, chụp mũ, gắn nhãn hiệu như "ngu dốt, ngoan cố, thiển cận, vô học ..."
Trái lại, khi thuyên giải, tôi biết rằng n gười khác, bất kể là ai, có cách làm riêng biệt, độc đáo của họ. Cho nên tôi tôn trọng chủ quyền của họ. Có tôn trọng nhau mới có chung sống hòa bình thực sự
 *  *  *
2.4.- Tổng hợp
Sau khi phân tích,  nghĩa là tháo ra từng phần, bây giờ chúng ta kết ráp lại. Công việc nầy mang tên là tổng hợp.
Chúng ta gặp lại ở đây bảng thang ba nấc của Chris Argyris. Xin xem lại đoạn nói về "Thuyên giải một cách khoa học" thuộc chương 1.2 "Tư duy khoa học" thuộc phần Một.

Chương 2.4  Tìm ra những chọn lựa hoàn toàn khác lạ.

1.- PO là gì ?
Chúng ta đã khảo sát hai giai đoạn trong tiến trình tư duy do Ed. de Bono đề nghị :
Giai đoạn thứ nhất là TO : Đi về đâu ?
Giai đoạn thứ hai là LO : Tìm ở đâu ?
Trong chương nầy chúng ta sẽ khảo sát giai đoạn thứ ba là PO. Trong tiếng Anh, ký hiệu nầy gợi lên những từ như Possibilities. Nguyên nghĩa đầu tiên là : những điều có thể xảy ra, những điều có thể hình dung, tưởng tượng hoặc thực hiện.
Từ thứ hai được hàm ngụ trong ký hiệu PO là Provocation, thách đố.
Từ thứ ba là Progress, tiến tới, đi lên đằng trước, tiến bộ.
Từ thứ bốn là Proactivity, chủ động, sáng tạo, đối diện, nhìn thẳng thay vì phản ứng, bị động, lệ thuộc.
Từ thứ năm la Poetry, thi phú, khả năng làm thơ, có lối nhìn như  thi sĩ nhìn, nghĩa là thấy được những gì người phàm không thấy, nghe được những điều vô thanh, gặp được ý nghĩa ở chỗ mà kẻ khác chỉ thấy đồng khô, cỏ cháy.
Từ thứ sáu là Process. Nghĩa của từ nầy cũng rất phong phú : tiến trình băo gồm nhiều giai đoạn, biến chế, biến thể, nhu công việc chúng ta thường làm khi kho nấu.
*
*   *

2.- Tư duy ở giai đoạn PO
Tất cả sáu cách làm, được gói ghém trong sáu từ khác nhau trên đây đều được chúng ta sử dụng, mỗi lần chúng ta đi vào tiến trình tư duy. Chẳng hạn khi xác định mục tiêu, định hướng cuộc đời, khám phá những giá trị của một dự tính ... như chúng ta đã trình bày trước đây, chúng ta có trước mặt hai điểm : Khởi điểm là điểm chúng ta đang ở hiện thời và tận điểm là điểm chúng ta muốn tới.
Giữa hai điểm ấy, chúng ta có thể tổ chức cuộc hành trình bằng những con đường nào, bao nhiêu, thế nào ...?
Khám phá, hình dung, mơ mộng, sáng tạo, biến chế ... những con đường "khả thể" ấy, ở nhiều mức độ hiện thực khác nhau, đó là công việc của tư duy ở vào giai đoạn "Tìm Đường". Vào giai đoạn PO, theo ý của Ed. de Bono, điều kiện quan trọng, ắt có, để có thể đi tới, làm việc là chúng ta phải "đóng  ngoặc", tạm thời nhốt lại, không cho phép đi lang thang quấy rầy, tất cả nhũng tập quán phê phán, đánh giá, cân nhắc, so đo hơn thiệt. Xin đừng thả lỏng ra những lời tố cáo nhị nguyên "tốt xấu, đúng sai...". Ví dụ, để  đi  từ Lausanne về thành phố Hồ Chí Minh, tôi có thể đề nghị dùng chiếc chổi phù thủy của Harry Potter để bay. Phương tiện quen thuộc nhất là máy bay hãng hàng không Pháp, Singapour, Việt Nam. Nhưng ai có thể cấm cản tôi biến thành một lá thư có ghi địa chỉ của Trung tâm 108 Lý Chánh Thắng, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Và nhờ một người bạn gửi bảo đảm và cấp tốc bằng đường Bưu điện.
Hay là tôi leo lên một tia sáng mặt trời, bám chặt vào đó. Mặt trời cứ tuần tự đi quanh mặt đất. Đúng 12 giờ trưa thuộc múi giờ của Việt Nam, mặt trời cho phép tôi từ trên trời cao tuột xuống theo tia sáng và vào Trung Tâm trình diện, ghi tên.

*
*   *
3.- Bốn phương thức
Trong thực tế ngày nay, khoa học đề nghị chúng ta bốn phương thức tìm đường :
Phương thức thứ nhất là tập quán, thói quen "Xưa bày nay làm", "đi một buổi chợ học một mớ khôn".
Với phương thức nầy, tôi sử dụng kinh nghiệm của mình và của người trong quá khứ, để đề xuất những điều cần thực hiện.
Ví dụ trong cách dạy trẻ em chậm phát triển, tôi trình bày, đề nghị những gì mà tôi đã làm trong vòng 20 năm hành nghề đã qua.
Cách khác là đi tham quan đó đây và thử áp dụng lại, trong những trường hợp tương tự. Sau đó, tôi đánh giá, chỉ giữ lại những cách làm có kết quả và loại bỏ những gì không thích hợp. Tuy nhiên, tôi không thể bắt chước một cách máy móc, bằng cách giữ lại toàn bộ. Chính tôi phải thử nghiệm trực tiếp, mới có thể quyết định, sau đó cái gì thích hợp, thích hợp ở đâu ...
Nói tóm lại, cho dù sử dụng lần thứ hai những kinh nghiệm quen thuộc, tôi cũng phải phân tích, tìm ra trong hoàn cảnh cụ thể nào, những kinh nghiệm ấy vẫn còn có giá trị.

Phương thức thứ hai là chuyển biến từ tổng quát thành cụ thể.
Trong vấn đề dạy trẻ em, thiết lập dự án đứng lớp, chúng ta bắt đầu bằng câu hỏi : Trẻ em cần gì ?
Khi đã xác định nhu cầu tổng quát, chúng ta khám phá những tương đương cụ thể, những điều cần thực hiện môĩ ngày.
Và như trước đây tôi đã nhấn mạnh, nhu cầu ấy không phải do tôi quyết đoán. Sau khi quan sát ghi nhận những hành vi cụ thể của trẻ em. Đó là những sự kiện. Từ sự kiện tôi đề xuất giả thuyết. Sau khi kiểm chứng giả thuyết tôi mới kết luận : rút tỉa, khám phá những nhu cầu của trẻ em.

Phương thức thứ ba là sáng tạo, tìm ra những con đường mới bên cạnh những con đường mòn, có sẵn, cổ điển.
Trước những con đường "xưa bày nay làm", một cách nào đó đã trở thành qui luật, tập quán, tất yếu, với tư duy thách đố, chúng ta nêu lên ba câu hỏi :
-         Động lực nào thúc ép tôi làm điều ấy ? Động lực ấy là gì ? Từ đâu đến ? mang lại lợi ích gì ?
-         Tại sao phải làm cách ấy ?
-         Có cách nào khác cũng mang lại kết quả tương tự ?

Phương thức thứ bốn là thiết kế.
Chúng ta kết hợp lại với nhau nhiều yếu tố khác nhau xuất phát từ nhiều nguồn gốc, kinh nghiệm hay là phương pháp.
Khi một trẻ em bị tổn thương ở não bộ, lúc mới sinh ra, đường dây thần kinh theo hệ thống phát lệnh từ trên xuống và thâu nhận tin tức từ toàn thân gửi về Trung ương - gồm thân não (gần cổ) hệ Viền ở sâu giữa não bộ và Tân vô não Đỉnh trán, Thái Dương, Chẩm - bị tê liệt.
Tuy nhiên, trong đường giây chưa hẳn mọi sợi giây bé tí đều bị đứt đoạn. Thêm vào đó, ngoài đường dọc, còn có bao nhiêu đường ngang quanh co, chằng chịt. Khi trục đường chính từ Tân Định ra chợ Bến Thành bị phong tỏa, những ai ở Gia định mượn những đoạn đường quanh co khác để vào Trung tâm thành phố.
Nếu chúng ta cứ tiếp tục "thách đố" hệ thần kinh của trẻ em bại não, sớm được chừng nào hay chừng ấy, một con đường phụ sẽ từ từ thành hình, thay thế con đường chính. Đó là con đường đi ngang, đi quanh. Nhưng đó vẫn là con đường có ích, thay thế trục đường chính bị ngăn trở.
Lẽ đương nhiên, khi làm công việc kích thích, can thiệp sớm mà tôi gọi "thách đố sớm", chúng ta cần tôn trọng những qui luật về các ngưỡng và các cấp độ phát triển và vùng học tập.
 *  *  *
Chương 2.5.- Quyết định.
Khi tìm đường, chúng ta khảo sát kinh nghiệm quá khứ, khám phá các cách tực hiện cụ thể, khai mở nhiều lối nhìn mới lạ và tổng hợp, liên kết rất nhiều ý kiến thu lượm từ đó đây. Thách đố là phương pháp tư duy được Ed. de Bono rất coi tr5ong, khả dĩ giúp chúng ta tìm ra những con đường mới ngang tầm với bao nhiêu vấn đề đang đe dọa thế giới  ngày hôm nay.
Vào giai đoạn thanh lọc và quyết định, chúng ta có bốn công việc phải làm :
-         Triển khai
-         Đánh giá
-         Chọn lựa
-         Quyết định

*
*        *
Triển khai là gì ?
Chúng ta đã tìm ra nhiều cách làm, nhiều con đường, nhiều dự án khác nhau. Nhưng con đường nào thích hợp nhất với những điều kiện hiện hữu của thực tế hoặc môi trường.
Nói đến điều kiện, chúng ta đã phân biệt những tài nguyên năng động về mặt tinh thần cũng như thể lý, và những hạn chế có thể cản trở bước tiến của chúng ta. Từ những sở trường, sở đoản ấy, điều cần làm là :
1-     Uốn nắn và thích nghi ý kiến cho phù hợp với thực tại. Một phương pháp nhập khẩu từ Âu Mỹ có đi vào khuôn mẫu của phong hóa Việt Nam không ?- Hôm ấy một đoàn giáo viên từ Nam Phi đến thăm viếng trường tôi ở Thụy Sĩ. Phòng học nào cũng tràn đầy đồ chơi, học cụ, và hai hoặc ba bộ máy vi tính
Các người khách Phi châu, sau 15 phút đã đua ra nhận xét với ông Giám đốc của trường : các ông quá giàu quá sang, phục vụ trẻ em hết mình. Chúng tôi, con nhà nghèo, chỉ biết nhìn ngắm thán phục thèm thuồng. Nhưng về lại nhà, chúng tôi sẽ bị bó tay, không bắt chước được gì.
Ông Giám đốc đáp lại : Tôi sẽ dẫn các ông đến thăm một đứa con nhà nghèo.
Phái đoàn đã vào lớp tôi. Thay vào bộ trống kèn, tôi đã lượm soong, chảo, nồi ... do người dân loại ra, để cho học sinh của tôi tha hồ sản xuất âm thanh và âm nhạc. Học cụ của lớp tôi gồm có giấy báo hằng ngày, để cho học tha hồ xé rồi vo tròn lại làm thành những trái banh. Một chồng sách có bìa cứng, cũng được tôi thu lượm trong những đống rác hằng tuần. Học sinh tôi sắp xếp những cuốn sách ấy thành chồng cao, rồi can đảm đưa tay xô ngã ra, tạo nên tiếng động. Tiếp đó chúng nó sắp xếp lại cho có thứ tự.
Phái đoàn đã hỏi tôi ý nghĩa của bao nhiêu công việc ấy, tôi áp dụng phương pháp chủ thuyết nào, tôi đã giải thích cho họ về Winnicott, về Vygotski, về Freud ...
Khi chúng ta nghèo về mặt của cải, vật chất ... chúng ta vẫn có thể trở nên rất giàu về mặt trí tuệ và con tim.

2.- Phong phú hóa những ý kiến bề ngoài có vẻ đơn sơ nhưng có tác dụng mạnh, trong thực tế, trên học sinh mà chúng ta dạy dỗ.
Những lý thuyết về "ngưỡng" về khả năng " điều hợp các giác quan", về "quan hệ hai chiều tương sinh và tương thành" được tôi ngày ngày xoáy đi xoáy lại với những công việc ... Khi tôi tận dụng tối đa, áp dụng cho tới lúc thoải mái, tự nhiên và nhuần nhuyễn ... Tự khắc, trẻ em tiến bộ, nhờ được đối xử như một chủ thể, theo lối nhìn của Winnicott.

3.- Khi có một sai lầm, lập tức sửa sai, không vịn vào một lý do gì để giam hãm mình trong đó. Ví dụ nạt la trẻ em, chưỏi mắng, dùng những nhãn hiệu thiếu kính trọng như "đồ ngu như bò" hay là "mầy ăn bẩn như heo".
Khi nghe mình thốt lên những lời như vậy, biết giật mình lập tức. Không nêu lên một lý do biện hộ mình như :"hôm nay tôi mệt", hay là "những câu nói ấy quá bình thường, ai ai cũng nói".
4.- Khai thác một ý kiến là làm cho ý kiến ấy thành thực tiễn, dùng được tức thì.
5.- Tìm ra những lối ứng dụng đơn sơ, dễ làm, để trình bày cho kẻ khác cùng làm.

*
*        *
Đánh giá
Khi đánh giá một giải pháp mà chúng ta đã hình dung, sáng tạo ... hãy t2im cách trả lời mấy vấn nạn  sau đây :
-         Có đáng làm không ?
-         Có thể làm được không ?
-         Giá trị có mặt trong giải pháp ấy là gì ? Giải pháp ấy mang lại lợi ích nào cho học sinh ? Và cho tôi ?
-         Khó khăn nào cản trở tôi ? Có nguy hiểm gì khi áp dụng ?
-         Ai dùng giải pháp ấy ? Họ dùng cho ai ?

*
*        *
Chọn lựa
Hai tiêu chuẩn để chọn lựa hay loại bỏ :
-         Ưu tiên càng cao, càng nên chọn lựa.
-         Năng động : Càng tạo năng động, hứng thú, vui tươi cho người sử dụng, giải pháp càng được chọn lựa.

Quyết định
1.      Ai quyết định ? Người ấy có khả năng không ? Phải chăng người ấy là người quyết định cuối cùng ?
2.      Nhu cầu : Cần không ?
3.      Áp lực : Tự do quyết định ?
4.      Thể thức cần tôn trọng : Ai cần được tham khảo ?
5.      Nguy cơ : Có tai hại nào cần tiên liệu ? Nếu có, giải quyết làm sao ?
6.      Thành quả sẽ là gì, phát xuất từ quyết định ấy ?

Để kết thúc quyết định, chúng ta hãy đội lên đầu chiếc mũ đỏ để diễn tả xúc động :
Tôi có xúc động nào với quyết định nầy ?
Tôi có thực sự hạnh phúc với quyết định nầy không ?
Hay là tôi còn e ngại, sợ sệt ở một mức độ nào đó ?
Chương 2.6 Lên đường hay là "bắt tay vào việc"

Một lầm tưởng
Xuyên qua bao nhiêu nhận định trước đây, mục đích của tư duy là :
-         Thu lượm tin tức sự kiện,
-         Khảo sát toàn diện một vấn đề, một biến cố.
-         Phân tích một đại thể để tìm hiểu nghĩa là nhận ra những yếu tố quen thuộc.
-         Giải quyết một thắc mắc trong nội tâm,
-         Viết ra một bản báo cáo,
-         Thiết kế một chương trình và thông đạt cho một nhóm để họ thực hiện ...
Luôn luôn , giai đoạn cuối cùng của tư duy là hành động. Có người lầm tưởng, khi đồng hóa hành động và cách giải quyết một khó khăn, một vấn đề.
Giải quyết chỉ là một trường hợp giữa bao nhiêu mục tiêu khác nhau.
Lầm tưởng quan trọng thứ hai là tách rời hành động khỏi tiến trình tư duy. Tư duy hoàn tất xong xuôi rồi mới đến hoạt động. Hay là người nầy đặc trách tư duy cho đến hồi viên mãn. Khi đó một số người khác đặc trách chương trình hành động. Có hai loại người khác nhau trong một nhóm hay một tập thể : loại người tư duy và loại ngừơi hoạt động, hai loại hoàn toàn khác nhau. Tệ hại hơn nữa là chúng ta phân chia tập thể thành hai cấp. Cấp trên tư duy và ra lệnh. Cấp dưới thừa hành, thực hiện.

*
*         *
Thế nào là hành động
-         Đưa ra sáng kiến,
-         Thu lượm tin tức,
-         Sáng chế những cách làm mới lạ, bên cạnh một cách làm đã quen thuộc, hay là khám phá những lối nhìn về một biến cố. Có thể bao nhiêu lối nhìn ấy không ăn khớp với nhau, tương khắc với nhau ...
-         Quyết định
-         Thực hiện
Tôi chỉ nêu lên một vài kỷ năng và biết rằng còn hơn hằng chục kỷ năng khác cũng đang được sử dụng trong nhiều môi trường khác nhau. Nói cách vắn gọn biến ước vọng, ý kiến, nhu cầu thành hiện thực, đó là hành động.
Sơ đồ đầu tiên của Ed. de Bono đã trình bày ý nghĩa thiết yếu của hành động :
A------------------------>B
Hẳn thực chúng ta bắt đầu từ khởi điểm A. Ở đó chúng ta đề xuất, dự tưởng một ước vọng : "Tôi muốn có một thành tích rõ rệt là giải quyết đến nơi đến chốn vấn đề ..."

Trong khi vận dụng tư duy để hình dung phác họa, lý luận, so sánh, tìm ra sở trường, sở đoản, tôi dần dần dự phóng một mục tiêu. Đó là điểm đến B.
Cách giải quyết của tôi bao gồm nhiều bước đi cần đem ra thực hiện. Cách giải quyết vấn đề ấy phải thực tiễn nghĩa là bao gồm nhiều động tác cụ thể trong tầm khả năng hiện tại của tôi.
Việc thực hiện ấy là giai đoạn cuối cùng của Tư duy mang ký hiệu là " GO " : Tôi lên đường, tôi bắt tay vào việc, biến ước vọng thành hiện thực.

*
       *
Nhiều điều cần khảo sát khi thiết kế chương trình thực hiện :
-         Những tập quán cần thiết do kinh nghiệm nghề nghiệp mang lại. Tôi có bao nhiêu năm kinh nghiệm, tôi đã có những công trình nào ?
-         Những giới hạn tồn tại : tôi chưa nắm vững, quen thuộc những gì ?
-         Cùng với tôi, ai sẽ làm việc. Vấn đề xúc động của họ đối với công việc và đối với con người của tôi có gì cần hóa giải ?
-         Vai trò của chuyên viên bên cạnh tôi ?
-         Hứng khởi và nhiệt tình của những người trong cuộc ?
-         Kế hoạch hoặc chương trình với những thời điểm đánh giá; tham khảo ý kiến, nghe ngóng những nhận xét phản hồ.
Qua bao nhiêu điểm cần khảo sát, theo lối nhìn của Ed. de Bono, chúng ta gặp lại nhiều ý kiến và kinh nghiệm của R. Fisher.

Lời nói cuối : Lãnh đạo chiều ngang


Tư duy với rất nhiều dụng cụ thiết yếu, đơn sơ và thực tiễn, do hai tác gỉa R. Fisher và Ed. de Bono đề nghị và trình bày, có khả năng giúp chúng ta làm NGƯỜI và THÀNH NHÂN. Nhờ đó chúng ta biết : MÌNH là ai trong trới đất nầy ? Chúng ta có những giá trị tự tại nào ? Chúng ta đi về đâu, đeo đuổi những nục đích trọng đại nào trong cuộc đời ? Chúng ta làm gì và làm cách nào, chính ngày hôm nay, ở đây và bây giờ, để lý tưởng, mộng mơ, chí hướng và bao nhiêu dự phóng khác trong cuộc đời BIẾN THÀNH HIỆN THỰC TRONG LÒNG BÀN TAY, QỦA TIM và TRÍ TUỆ ?
Xuyên qua con đường tư duy, chúng ta làm người, nghĩa là biết sống  biết làm và biết nuôi dưỡng những quan hệ hài hòa giữa người với người.
Trái lại, khi chúng ta coi thường hoặc loại thải tư duy ra khỏi hành vi và ngôn ngữ, bạo động, bạo hành sẽ thay chỗ của tư duy. Chúng ta trở thành muông sói, thay vì làm người.
Nói khác đi, tư duy soi sáng và hướng dẫn chúng ta làm người. Tuy nhien, chúng ta không thể làm người một mình. Chúng ta liên đới, có trách nhiệm về anh chị em cùng chung sống với chúng ta trong lòng xã hội và quê hương. Khi làm ăn bê bối, chẳng hạn công trình của chúng ta sụp đổ, thất bại. Không chỉ một mình chúng ta phải đón nhận bao nhiêu hậu quả tai hại. Nhiều người mất công ăn việc làm. Hàng loạt công nhân bị sa thãi. Vợ con sống nheo nhóc lầm than.

*
*   *
Trong tinh thần và chiều hướng ấy, R. Fisher kêu mới những ai làm n gười, ngày ngày thao tác một lối tư duy thực sự có tính khoa học để đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của mình đối với những người chung sống và cùng làm việc trong lòng xã hội, môi trường nghề nghiệp và quê hương.
Lãnh đạo, trong lời kêu mời khuyến khích của R. Fisher, không phải là từ trên rót xuống. Không phải là từ ngoài áp đặt vào. Không phải là "tác hành" dưới sức cưỡng ép của vô thức, dục vọng và khổ đau, nghĩa là trong lúc chúng ta mù quáng, không "thấy", sống ngụp lặn trong vô minh.
Trái lại, lãnh đạo theo ý nghĩa cao đẹp của nó là từ trong ra ngoài. Chúng ta tràn đầy, thấm nhuần tự khắc chúng ta cho : chia sẻ, đồng hành. Đó là cách lãnh đạo chiều ngang, cách lãnh đạo liên đới, tương sinh tương thành.
Lãnh đạo chiều ngang hay là lãnh đạo chia sẻ, đồng hành, là trách nhiệm của môĩ người sinh ra trong trời đất nầy. Thoái thác hay khoán trắng cho kẻ khác "làm sao thì làm" là chối từ trách nhiệm và bản sắc làm người của mình.
Để thấm nhuần và nhận làm của mình cũng n hư để tôi luyện, hội nhập kỷ năng lãnh đạo chiều ngang, chúng ta sẽ khảo sát hai trọng điểm :
Thứ nhất , vì sao lãnh đạo cổ điển "từ trên rót xuống" đang ngày ngày bị phá sản trong thế giới ngày hôm nay.
Thứ hai, khi áp dụng lãnh đạo chiều ngang, chúng ta thực thi những động tác cụ thể nào ?

*
*   *
1.- Lãnh đạo cổ điển "áp đặt từ trên" đang bị phá sản khắp nơi.
Hiện tượng giới trẻ ở trong các đô thị đông dân cư và đại công nghiệp hóa đang lăn xả một cách quay cuồng vào con đường trác táng, nghiện ngập, hút xách, cao bồi, phạm pháp ... là một tệ hại, tệ đoan khách quan trong mỗi xứ sở, đông cũng như tây, nam cũng nhu bắc, không còn ai phủ nhận.
Hiện tượng các tổ chức xí nghiệp bị phá sản vì lổ lả, vì cách làm ăn thiếu khoa học như tiêu nhiều thu ít ... cũng là một vết thương nhức nhối xảy ra ở khắp nơi, thậm chí trong các nước có "nề nếp lâu đời" nhu Thụy Sĩ. Cả một hãng hàng không Thụy Sĩ đã từng là niềm kiêu hãnh, hãnh diện của dân Thụy Sĩ, một sáng một chiều phải đóng cửa, tất cả những máy bay Thụy Sĩ, đậu ở trên các sân bay ở các nước ngoài, không còn tiền mua xăng nhớt để trở về. Khi nhận được tin tức về vụ thất bại "động trời" và đột ngột nầy, toàn dân Thụy Sĩ kinh hoàng, mất định hướng, cơ hồ mọi thành phố Thụy Sĩ bị ném bom khinh khí hoặc nguyên tử.
Khẩu hiệu đã từng tạo nên nếp sống có qui cũ, biết làm ăn, được tổ chức một cách khoa học, trong mọi giai tầng xã hội của Thụy Sĩ là "trăm người như một, một người như trăm" hình như không còn thu hút, động viên được ai.
Lãnh đạo đang bị phá giá, phá sản. Người ra lệnh điều khiển thì nhiều, nhưng mấy ai thực thi mệnh lệnh một cách nghiêm chỉnh. Hội thảo, hội nghị được tổ chức ở khắp nơi nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế vũ khí. Nhưng vũ khí vẫn được bán ở khắp nơi, vì đó là cách làm ăn có lợi. Ngư dân người Nhật vẫn ngang tàng săn giết cá voi; đương khi những phong trào, tổ chức như "Green peace" (Hòa bình màu xanh lá cây) vẫn la lối nhấn mạnh, nhắc lui nhắc tới nhũng nghị ước toàn cầu được chính phủ Nhật ký kết đồng ý là "bảo vệ các giống vật có nguy cơ biến mất".
Trong địa hạt sinh hoạt tôn giáo, nói và làm còn đang "chưởi bới", mâu thuẩn với nhau.
Nếu phân tích một cách rốt ráo, đến nơi đến chốn, chúng ta phải đối đầu với một kết luận có mặt trong mọi môi trường sinh hoạt và hoạt động của con người : Con người khó làm việc với nhau:
Làm sao huy động bạn đồng nghiệp chấp nhận làm việc với mình ?
Làm sao cho kẻ khác thay đổi tác phong tê liệt, tiêu cực của mình ?
Nguyên nhân nào có thể giải thích những sự kiện "anh đi đường anh tôi đi đường tôi" trong lòng một tổ chức, một tập thể, một xã hội, một đất nước, một giống nòi ?

*
*       *
Lý do "bị phá sản"
Theo cách thuyên giải của R. Fisher, trong cuộ sống làm người, chúng ta - bất kể là ai, thuộc giai tầng xã hội nào - cần người khác, ngay từ khi có mặt trong cung lòng của mẹ, cho đến ngày lìa đời.
Chúng ta cần kẻ khác để soi sáng, hướng dẫn, động viên chúng ta trong mỗi công tác thường ngày. Người khác cũng cần chúng ta, để mọi công việc được tiến hành một các liên tục và đều đặn.
Tuy nhiên, ngày nay trong thời đại thuộc nghìn năm thứ ba, hướng dẫn soi sáng, động viên bằng lời nói suông, từ trên rót xuống, từ ngoài gây ảnh hưởng, tác động vào ... đã bị lỗi thời. Cách lãnh đạo bằng lời nói và ngôn ngữ không còn hữu hiệu  như trong quá khứ, vì mấy lý do chủ yếu sau đây :
Lý do 1 : Khi có người "ra lệnh", tự khắc phải có người "nhận lệnh" để thừa hành. Và khi thừa lệnh do một người ở trên, ở ngoài, tôi có xu thế coi mình là "ở dưới", bị thua thiệt, không có giá trị bằng người trên.
Lý do 2 : Khi người ra lệnh đưa ra những nhận xét về những thiếu sót, sai lầm, chậm trễ trong công việc, tôi cảm thấy bị phê phán, tố cáo, qui lỗi. Một cách nào đó, tôi cảm thấy "bị loại trừ", bị khinh thường.
Lý do 3 : Khi nhận lãnh từ ngoài một mệnh lệnh, tôi không phải là người đã tham gia vào tiến trình tư duy, từ giai đoạn thu lượm tin tức, đến giai đoạn kết luận, rút ra những động tác cụ thể cần thực hiện. Cho nên tôi không hiểu tại sao, vì mục đích gì tôi phải thực hiện thừa hành. Khi đã không hiểu, tôi không có xác tín đầy đủ về sự cần thiết của công việc. Vì không có xác tín, tôi không có động cơ thúc đẩy, động viên từ bên trong. Cho nên, nếu người lãnh đạo không có mặt để thúc đẩy từ n goài, kiểm soát nghiêm  nhặt, tôi sẽ buông thả, buông xuôi, vắng mặt.
Lý do sau cùng : Khi bị khiển trách, tôi không ý thức về thiếu sót của chính mình, để thay đổi tác phong và tìm ra cách làm khác hữu hiệu hơn. Thay vào đó, tôi cảm thấy mình "bị chèn ép", cho nên phản loạn, chống đời.
Hình thức lãnh đạo cổ điển từ trên rớt xuống, từ ngoài áp đặt vào, đang bị phá giá, vì chủ trương phân biệt hai loại người, hai giai cấp : một nhóm thiểu số có quyền lực, đặc  trách giai đoạn tư duy, thiết kế, vạch ra đường đi. Nhóm kia, đại đa số có nhiệm vụ thừa hành, thực hiện. Nhóm thiểu số có quyền "ăn nói, rao giảng". Nhóm thừa hành phải "thầm lặng thực hiện, vâng theo thánh ý nhiệm mầu của cấp trên".
Chính vì lý do cột trụ nầy, chỗ nào có con người bắt đầu ý thức về giá trị và trách nhiệm làm người, ở đó con người vùng dậy, nổi lên bằng nhiều cách khác nhau, để tham gia, để đảm nhiệm, để chủ động. Tắt một lời, để làm n gười có quyền đóng góp vào tiến trình tư duy, để xây dựng, phát huy đời sống làm người, trong nhiều lãnh vực khác nhau.
Quyền đóng góp ấy mang một tên tuổi khác là "lãnh đạo chiều ngang, chia sẻ, đồng hành".

*
        *
2.- Lãnh đạo chiều ngang : những động tác cụ thể hằng ngày.

Trái với lối nhìn  của lãnh đạo cổ điển, lãnh đạo chiều ngang vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của từng người sinh ra trong trời đất nầy.
Làm người tôi có mặt với bao nhiêu người khác, trên cùng một chuyến tàu. Họ chết, tôi chết. Họ sống, tôi sống. Chúng ta đồng trách nhiệm. Chúng ta liên đới. Cho nên, chúng ta hãy ngồi lại, cùng nhau tìm ra cách thức và ngôn ngữ thích ứng để hướng dẫn, soi sáng nhau, động viên nhau, đề nghị cho nhau những cách làm khoa học và hữu hiệu hơn. Khi cần phải đánh giá, chúng ta cùng tham gia vào công việc định chuẩn nghĩa là tìm ra một bảng thang với những tiêu chuẩn khách      quan, cụ thể, thuộc tầm hiểu biết và thực hiện của mọi người.
Trong khuôn khổ của lời kết luận nầy, tôi chỉ phác họa một vài kế sách như sau :
Thứ nhất, khi có một vấn đề đang có mặt giữa chúng ta, công việc của mọi người thành viên là góp công tìm ra một giải pháp. Khi chúng ta gọi tên một người, một phe hay một bên và qui lỗi cho họ, cách làm ấy chỉ tạo thêm vấn đề, đổ dầu vào lửa, hơn là sáng tạo câu trả lởi.
-         Mục đích của chúng ta tất cả là ngày cải tiến cuộc sống làm người hơn là đổ lỗi người nầy, tố cáo người kia. Giặc cần tiêu hủy là nghèo đói, chia rẽ, hận thù, bạo động, chứ không phải là người anh chị em.
-         Những ai là thành viên, bất luận nam nữ, lớn nhỏ, giàu nghèo ... có quyền đóng góp ý kiến. Và mỗi ý kiến được lắng nghe coi trọng.
Thứ hai, trong tập thể, ai ai cũng có một vai trò rõ ràng, theo cách tổ chức đã được thiết lập từ trước.
Mỗi vai trò đều có giá trị,
Mỗi vai trò đều hữu ích,
Mỗi vai trò đều có trách nhiệm,
Tuy dù trong mỗi tổ chức luôn luôn có thứ tự trên dưới, trước sau, theo bảng phân phối công việc.
Thứ ba, nếu có một thay đổi cần thực hiện, người có nhiệm vụ theo dõi cũng đồng thời là người tham dự vào tiến trình thay đổi.
Thứ bốn, mỗi thành viên có tiếng nói, có quyền phát biểu. Ý kiến phát biểu được lắng nghe, coi trông.
Mỗi thành viên được kêu mời đóng góp phần tinh túy của mình. Phần tinh túy ấy là phản hồi cho người khác có cơ hội và điều kiện ý thức về giá trị của mình.

Từ những nguyên lý điều hướng ấy, người có vai trò lãnh đạo chính thức trong một tập thể cần thực thi nững động tác cụ thể sau đây :
1.- Tham khảo ý kiến của mọi người, đặt ra những câu hỏi rõ ràng để yêu cầu kẻ khác phản hồi về bất cứ điều gì có liên hệ đến tập thể.
2.- Đặt câu hỏi tham khảo ý kiến chưa đủ. Người lãnh đạo chia sẻ tin tức, ý kiến ... toàn bộ tiến trình tư duy của mình cho cộng sự viên cho thành viên của tập thể.
Họ có thể chất vấn, phản hồi thách đố toàn bộ tư duy của người lãnh đạo.
3.- Cách chia sẻ hữu hiệu nhất là ở giữa, cùng làm một số công việc phản hồi về phía mình cho cọng sự viên, tạo cho họ có dịp trình bày con người của họ, kỷ năng của họ cũng như mọi thao thức mơ mộng của họ về đời sống của tập thể, của tổ chức.
Nói tóm lại, người có khả năng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của một cộng đoàn là những ai có khả năng kêu mời, khuyến khích tạo cơ hội để mọi cọng sự viên, mọi thành viên cũng có khả năng chia sẻ đồng hành như mình, nghĩa là đảm nhiệm vai trò lãnh đạo chiều ngang ở vị trí của họ, trong vai trò của họ.
Nếu mỗi người cha mẹ trong lòng quê  hương có khả năng soi sáng, hướng dẫn và động viên con cái của mình trong tinh thần và đường hướng như vậy, mai ngày chúng ta sẽ có những thế hệ Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Ỷ Lan, Nguyễn Trãi ... trên mọi nẻo đường của Đất Nước.

Lausanne, 10 - 4 - 2002


Sách Tham Khảo
1-     T.B. Brazelton, B.Cramer - Les premiers liens - Slock, Paris 1991, 301 tr.
2-     T.B. Brazelton - Points forts - Stock, Paris 1993, 514 tr.
3-     T.B. Brazelton, S.I. Greenspan - Ce qu'un enfant doit avoir - Stock, Paris 2001, 317 tr.
4-     Ed. de Bono - Six Thinking hats - Penguin Books, London 1986, 207 tr.
5-     Ed. de Bono - Teach yourself to think - Viking, London 1995, 254 tr.
6-     Ed. de Bono - Teach your Child how to think - Penguin Books, London 1992, 313 tr.
7-     D. Goleman - Emotional intelligence - Bantam Books, New York 1995, 413 tr.
8-     D. Goleman - Working with emotional intelligence - Bantam books, New York 1998, 464 tr.
9-     R. Fisher - Getting it done - Harper Business, New York, 1998, 219 tr.

 ***********

Phụ Trương

Công tác nghiên cứu

 Nguyễn Văn Thành


            Công tác nghiên cứu

            Công tác nghiên cứu thường bao gồm 3 giai đoạn sau :
            Giai đoạn 1 : Chuẩn bị việc nghiên cứu
1.1.           chọn đề tài theo những điều kiện hiện hữu
1.2.           Thiết lập một dự án nghiên cứu


1.2.1.     Xác lập bối cảnh, dùng làm khung để nêu bật lên đề tài nghiên cứu.
1.2.2.     Đặt vấn đề và dàn dựng vấn đề, có liên quan cơ hữu với đề tài nghiên cứu.
1.2.3.     Đề xướng những đối tượng nhắm đến trong khuôn khổ của đề tài nghiên cứu.
1.2.4.     Thiết lập giả thuyết và trình bày những đặc điểm thiết yếu của giả thuyết.
1.2.5.     Chuyển hóa gỉa thuyết thành một "cấu trúc tương đương cụt thể".
1.2.6.     Trình bày kế hoạch kiểm chứng, các phương tiện và kỹ thuật thu góp dữ kiện.
1.2.7.     Trình bày chương trình công tác nghiên cứu.
Giai đoạn 2 : Thực hiện công tác nghiên cứu
2.1.           Thiết lập một chương trình làm việc.
2.2.           Áp d5ung kế hoạch kiểm chứng và thực hiện việc thu góp dữ kiện.
2.3.           Khai thác các dữ kiện và kiểm chứng các giả thuyết.
Giai đoạn 3 : Viết bài luận án nghiên cứu
3.1      Trình bày kết quả của công trình nghiên cứu, và kết luận với những vấn đề tồn tại và những viễn ảnh mới ..
3.2      Trình bày những tài liệu và những sách đã được tham cứu.


Chương 1 : Chọn đề tài nghiên cứu theo những điều kiện hiện hữu

Nghiên cứu là một công tác có tính khoa học. Tiên khởi, chúng ta cần xác định rõ là chúng ta muốn nghiên cứu cái gì. Cái đó được gọi là chủ đề nghiên cứu, và cũng có thể gọi nôm na là đề tài nghiên cứu. Đề tài, dầu vậy, cũng mới cho thấy một cách khái quát mục tiêu của công cuộc nghiên cứu, được xác định trong  một bối cảnh giới hạn. Vì thế, khi chọn đề tài nghiên cứu, chúng ta cần nghĩ ngay đến các đối tượng cần nghiên cứu trong phạm vi giới hạn hơn và cụ thể hơn.
Để có thể chọn lựa đề tài và đối tượng nghiên cứu, - hay nói một cách tổng quát là để có thể thực hiện nghiêm chỉnh một công trình nghiên cứu, - chúng ta cần lưu tâm một cách đặc biệt đến 4 điều kiện chủ chốt sau đây :
Điều kiện 1 : Đề tài nghiên cứu phải nằm trong địa hạt các sở thích của chúng ta.
Thật vậy, nghiên cứu là một công trình khó khăn, lâu dài, đòi hỏi nơi chúng ta nhiều nghị lực, thời giờ và công sức. Do đó, nếu đề tài nghiên cứu không thuộc sở thích thực sự của chúng ta, chúng ta không thể hoàn thành công việc một cách tốt đẹp được.
Điều kiện 2 : Nắùm vững nhũng kết quả điều nghiên đã qua của đề tài nghiên cứu của chúng ta.
Khi chọn đề tài nghiên cứu, chúng ta đã biết có bao nhiêu công trình nghiên cứu có trước đó. Vừa khi dứt khoát chọn một đề tài (hay chủ đề) nghiên cứu, chúng ta ưu tiên tham khảo kỹ lưỡng và nghiêm túc các công trình ấy, để ghi nhận những thành quả tốt đẹp và để dựa vào đấy mà tiến lên trong công cuộc điều nghiên của chúng ta. Bao lâu chưa nắm vững tình hình nghiên cứu trong quá khứ như vậy, chúng ta không thể xác định một cách chính xác đối tượng nghiên cứu của chúng ta.
Thật vậy, trong tiến trình tham cứu ấy, chúng ta nhận thấy có những tồn tại chưa được bàn đến. Có những thiếu sót về mặt phương pháp sử dụng. Có chăng những kết luận chưa được hoàn chỉnh, hoặc là đã vi phạm những khuyết điểm nào ? Từ những nhận định ấy, chúng ta sẽ có khả năng xác định đối tượng nghiên cứu của riêng mình.
Điều kiện 3 : Để xúc tiến công trình nghiên cứu, chúng ta cần có điều kiện thu lượm tin tức, dữ kiện.
Các cuộc nghiên cứu có tính khoa học thực dụng đều đòi hỏi phải có một công trình khảo sát và kiểm chứng những giả thuyết đề ra. Tức là cần phải chứng nghiệm bằng những tin tức chính xác, những sự kiện và dữ kiện được khảo sát và có thể được kiểm tra bời bất luận ai khác. Nói nôm na là cần phải có những bằng chứng cụ thể, khách quan.
Nếu vì lý do an ninh quốc phòng hay bí mật nghề nghiệp mà chúng ta không có điều kiện để thu nhận tin tức, dữ kiện được khảo sát, điều tra, chúng ta chắc chắn không thể thực hiện công trình nghiên cứu của chúng ta.
Điều kiện 4 : Để thu nhận, phân tích và đúc kết các dữ kiện, cần có một số tư liệu, dụng cụ và phương tiện.
Dĩ nhiên,  trước nhất là phương tiện tài chánh, tương ứng với công việc điều nghiên. Thứ đến là các phương tiện di chuyển, ghi âm, máy đánh bài, và các tư liệu cần thiết, v.v... Những cái ấy có sẵn để sử dụng chưa ? Nếu tôi chưa có hoặc chưa biết cần thứ gì, loại gì, tôi có thể nhờ ai đó giúp đỡ không ?
Chừng nào chúng ta chưa dự liệu những điều kiện làm việc ấy, chúng ta chắc chắn sẽ phải đương đầu với những chướng ngại lớn lao khó thể khắc phục sau nầy, khi đã tra tay vào công cuộc nghiên cứu.

Chương 2 : Thiết lập một dự án nghiên cứu

1.- Dự án nghiên cứu
Trước khi bắt tay vào một công việc nghiên cứu, chúng ta cần thiết lập một dự án nghiên cứu.
Dự án nghiên cứu một đề tài là một bản dự kiến các giai đoạn và các công tác phải điều nghiên, tra cứu, chứng thực để có thể đi đến kết luận rằng giả thuyết đề ra đã được chứng nghiệm là sát hay không sát, với thực tại khách quan...
Nó cho thấy công việc nghiên cứu có kế hoạch khai phá và xử lý một cách có hệ thống những yếu tố liên quan đến các vấn đề được nêu lên, và nhờ đó mà đề tài nghiên cứu được khai quang và có được những giải đáp tương đối chấp nhận đưọc.
2.- Chức năng của một dự án nghiên cứu
Để cho công cuộc nghiên cứu tiến hành một cách bảo đảm, chúng ta cần thiết lập một dự án nghiên cứu với ba chức năng chính yếu sau đây :
1.      Xác định đối tượng nghiên cứu.
2.      Xác định phương pháp nghiên cứu
3.      Dự định những giai đoạn thực hiện.
            3.- Đối tượng nghiên cứu
            Dự án nghiên cứu không thể tiến hành, nếu chúng ta không nhắm một cách dứt khoát một hay nhiều đối tượng để nghiên cứu trong chính đề tài nghiên cứu.
            3.1.Đề tài nghiên cứu
Dĩ nhiên, một dự án nghiên cứu đã phải có một đề tài nghiên cứu. Đề tài nầy phải được xác định và minh họa trong một bối cảnh nhất định được trình bày ở phần 1 của dự án nghiên cứu (và của bài luận án nghiên cứu). Tuy nhiên, đề tài nghhiên cứu chỉ cho thấy một cách tổng quát lãnh vực và mục tiêu chính của công cuộc nghiên cứu mà thôi.
3.2.Đối tựơng nghiên cứu
Bởi thế, ở phần 2 của dự án nghiên cứu (và của bài luận án nghiên cứu), chúng ta cần xác định một cách minh bạch và chính xác một hay nhiều đối tượng nghiên cứu trong cái lãnh vực nhiên cứu ấy. Có thế, công cuộc điều nghiên mới có thể tiến hành một cách khoa học được.
Bởi lẽ mỗi đối tượng nghiên cứu là một vấn đề nêu lên để chúng ta nhắm vào đó mà xem xét. Và cũng vì đó, chúng ta cần phân đ5inh giới hạn của từng vấn đề một, để dễ tập trung công việc tra cứu và học hỏi của chúng ta.
Hơn nữa, bằng cách phân định vấn đề dưới một gốc độ nào đó, chúng ta có thể làm nổi bật lên khía cạnh đặc thù của vấn đề, hoặc chưa bao giờ được khai phá, hoặc đã được khai phá rồi mà chưa làm sáng tỏ hết mọi yếu tố của vấn đề.
Nói cách toàn diện hơn, chúng ta cần xác định xem chúng ta nhằm đặc biệt khám phá cái gì cụ thể rõ ràng khi kết thúc công trình nghiên cứu. Chính cái đó sẽ giúp chúng ta đặt ra giả thuyết cho vấn đề. Những giả thuyết nầy vạch cho ta con đường sưu tầm và định đoạt các bước đường nghiên cứu của chúng ta vậy.
Ví dụ :
            ( Xem tr. 7 Phụ trương)

            Vấn đề được đặt ra như thế cho sự việc trẻ em phạm pháp
            xảy ra chủ yếu ở thành thị,
            không do bẩm sinh,
            mà do ảnh hửong của xã hôị
            và một cách đặc biệt hơn là gia đình.
            Nó xác định bối cảnh trong đó nổi bật lên đề tài nghiên cứu là " Trẻ em phạm pháp hạng nặng tại thành thị".
            Vì đề tài nhấn mạnh đến khía cạnh "phạm pháp nặng", chúng ta có thể chọn ba đối tượng trẻ em sau đây, thu gọn lại trong một đối tượng đặc thù và đưa ra giả thuyết như trình bày dưới đây :

            ( Có khuôn  tr. 7- 8 )

            4.- Phương pháp nghiên cứu
          Khi thiết lập một dự án nghiên cứu, chúng ta cần chọn lựa và minh định phương pháp sử dụng trong công trình nghiên cứu. Chúng ta không những chỉ trình bày, mà còn phải bình phẩm, biện minh phương thức điều nghiên của mình. Vì đó, dự án nghiên cứu không chỉ là một sơ đồ, mặt bằng hay là một bản tóm lược. Trái lại, nó xác định rõ rệt: chúng ta chọn lựa đi về phương hướng nào ? Lý do nào biện minh lập trường ấy ?
          Ví dụ :
           (Khuôn tr. 8 - 9)

          5.- Những giai đoạn thực hiện
          Thiết lập một dự án nghiên cứu đòi buộc chúng ta dự kiến một chương trình làm việc rõ ràng :
·             Tiến trình nghiên cứu sẽ đi qua những giai đoạn nào?
·             Ở mỗi giai đoạn, chúng ta nhằm thu đạt mục tiêu nào ?
·             Thời gian cần cho công tác điều nghiên là bao nhiêu?
Nói cách khác, chúng ta cần thảo ra một khung chương trình làm việc chi tiết và hợp lý.
Ví dụ :
(Khuôn tr. 9)

Chương 3 : Cách đặt vấn đề để xác định đề tài và đối tượng nghiên cứu.

Biết đặt vấn đề và diễn tả vấn đề dưới những khía cạnh chủ yếu là một khâu rất quan trọng trong mọi công trình nghiên cứu. Người ta có nói, biết đặt vấn đề cho đúng cách là coi như đã giải quyết được một nửa vấn đề rồi vậy.
Thông thường, trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong lãnh vực nghề nghiệp, chúng ta có xu hường đề xuất giải pháp quá sớm, nghĩa là trước khi khảo sát vấn đề dưới mọi khía cạnh cần thiết. Thêm vào đó, giải pháp mà chúng ta vội đưa ra lắm khi chỉ có thể đáp ứng một phần rất phụ thuộc của vấn đề, đương khi cơ bản của vấn đề không được chúng ta dòm ngó đến, huống hồ là đào sâu và phân tích một cách rốt ráo và kỹ lưỡng.
Chính vì lý do đó, khi đặt vấn đề cho một đề tài nghiên cứu, chúng ta cần lưu tâm đến hai phần vụ chủ yếu sau :
Phần vụ thứ nhất : Nêu lên thắc mắc để tìm phương giải đáp.
Dối với một đề tài nghiên cứu (hay bất luận một đề tài nào) đặt vấn đề tức là nêu lên thắc mắc cần được giải quyết và khắc phục. Nói cách khác, là chỉ cho thấy có một khỏang cách giữa tình trạng hiện tại và tình trạng mong muốn.
Như vậy, đặt vấn đề là khảo sát chi ly, cặn kẽ mục tiêu nghiên cứu của chúng ta và nói lên được những thắc mắc cơ bản cần được làm sáng tỏ. Hiện bây giờ chúng ta ở đâu trong chính đề tài nghiên cứu ? Và chúng ta muốn đạt cái gì sau khi kết thúc công cuộc nghiên cứu ? Vậy cái chính yếu cần được khảo sát, điều nghiên nằm ở chỗ nào ?
Không khảo sát tường tận vấn đề như vậy, chúng ta sẽ có thể vi phạm hai lỗi lầm sau đây :
Trường hợp thứ nhất : câu trả lời đã có sẵn mà không biết. Chúng ta mất công mất của đi lại con đường mà người khác đã đi. Tệ hơn nữa là khi con đường ấy đã trở nên một đại lộ có tên tuổi, nhưng chúng ta không có một chút kiến thức nào về sự có mặt của đại lộ ấy!
Trường hợp thứ hai : nêu lên những câu hỏi vô ích.
Vô ích là vì câu trả lời sẽ không mang lại một lợi ích nào hết cho chúng ta và cho nhiều người khác.
Ví dụ :
"Tình hình 'đau răng' của cử tri và tỷ lệ những lá phiếu ủng hộ đảng cầm quyền có những liên hệ hoặc tương quan nào ?"
Đặt vấn đề như thế để rồi :
"Tiếc công đan giỏ bỏ cà,
Giỏ thưa cà lọt công đà uổng công!"
*
*          *
Để tránh những sai lầm ấy, chúng ta cần đi qua ba giai đoạn chính yếu sau (Xin xem lại chương 1, điều kiện 2) :
Giai đoạn 1 : Tham khảo những tài liệu có sẵn để liệt kê tất cả mọi khía cạnh đã được khảo sát từ trước tới nay trong lãnh vực có liên hệ đến đề tài nghiên cứu của chúng ta. Dĩ nhiên là đã có những thắc mắc đã được nêu ra và đã được giải đáp. Và đã có rất nhiều đối tượng nghiên cứu đã được đề cập đến một cách khá triệt để. Nhờ đó, chúng ta tiếp thu được một cái nhìn toàn bộ về đề tài nghiên cứu đã được khai thác cho đến lúc đó, cũng như có được những phân biệt rõ rệt về những vấn đề nầy khác. Hơn nữa, chúng ta còn thấy những khoảng bỏ trống chưa được đề cập đến, hoặc những đối tượng nghiên cứu mới được đề xuất mà chưa được điều nghiên rốt ráo, v.v...
Thực vậy, những người đi trước đã khai phá rất nhiều trong lãnh vực hiểu biết và phương pháp thực nghiệm. Từ ngữ có thể thay đổi tùy tác giả; nhưng thực tại, được nhiều tác giả khảo sát, đôi khi chỉ khác biệt nhau trong vài chi tiết rất nhỏ nhặt. Do đó, vấn đề định nghĩa từ ngữ đóng một vai trò rất quan trọng trong giai đoạn nầy.

Giai đoạn 2 : Bình phẩm những thành quả nghiên cứu đã có trước đó.
Công tác tham khảo và liệt kê nói trên cung cấp cho chúng ta rất nhiều dữ kiện giá trị. Muốn đặt vấn đề rốt ráo về một khía cạnh mới nào, chúng ta cần vận dụng óc bình phẩm một cách triệt để.
·             Trong những công trình nghiên cứu trước đây, có những kẽ hở nào ? Chúng ta cần bổ túc ở đâu ?
·             So với đà tiến bộ hiện nay, kiến thức nào còn thiếu sót ?
·             Trong tình trạng hiện tại, chúng ta cần có những loại phân tích nào ?
·             Trên bình diện phương pháp, những kết luận nào cần được xét lại ?
·             Những tin tức, sự kiện, dữ kiện nào còn khiếm khuyết ?
·             Thể thức áp dụng một vài kỹ thuật điều nghiên cần được cập nhật hóa ở điểm nào ?
·             Những kết luận nào đã trở nên mâu thuẫn với nhau cần được chúng ta kiểm chứng ? v.v...
Giai đoạn 3 : Đề ra những chất vấn cơ bản, thiết yếu. Neu lên những thắc mắc triệt để hơn.
Đặt vấn để là nêu rõ những câu hỏi cơ bản và thiết yếu, những thắc mắc triệt để, và loại trừ những câu hỏi ngoại vi, phụ thuộc, không quan trọng. Muốn được như thế, chúng ta phải biết phân biệt chánh và phụ, cơ bản và tùy tùng, thiết yếu và tạm bợ.
Thiếu vắng những phân định ấy, chúng ta không thể nào xác định một cách rốt ráo bối cảnh và đề tài nghiên cứu đặc biệt, cũng như đối tượng đặc thù của công trình nghiên cứu của chúng ta. Và nhờ câu hỏi chủ chốt ấy, chúng ta có thể tìm phương giải đáp bằng cách kết nạp nhiều sự kiện lẻ tẻ để lập thành một cấu trúc có ý nghĩa và đường hướng.
*
*       *
Phần vụ thứ hai : Nêu lên thắc mắc để xác đ5inh rõ đề tài và đối tượng nghiên cứu.
Như đã nói trên đây, khi chúng ta biết nêu lên những chất vấn cơ bản và thiết yếu, những thắc mắc có tính thách đố và triệt để, thì coi như chúng ta cầm chắc phương hướng tìm ra giải đáp.
Ngược lại, khi biết đặt vấn đề và giàn dựng vấn đề một cách có hệ thống, chúng ta làm sáng tỏ hơn bối cảnh của đề tài, phân định một cách triệt để hơn mục tiêu chủ yếu của đề tài nghiên cứu của chúng ta.
Lại nữa, từ cái chỗ biết đặt và dàn dựng vấn đề ấy, chúng ta mới có thể qui định những đối tượng nghiên cứu của chúng ta một cách gãy gọn, chính xác, khúc chiết được.
Thêm một bước nữa, trong cách đặt vấn đề, chúng ta đã cho thấy cái cách chúng ta đặt ra những giả thuyết cho vấn đề rồi vậy.

Chương 4 : Thiét lập giả thuyết

Không có những giải đáp đúng và những giải đáp sai, cũng không có những giải pháp hoàn hảo và dứt khoát cho các vấn đề của con người.
Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể đề ra một cách giải thích tình hình, một cách hình dung những giải pháp  cho vấn đề được nêu lên. Những cái đó được gọi là những giả thuyết được đề ra để làm chuẩn cho việc nghiên cứu. Công cuộc nghiên cứu nhằm xác nhận, minh định, cân nhắc thiệt hơn cái phần xác thực đến đâu của giả thuyết.
Bởi đó, chúng ta không làm công việc chứng minh (prouver) giả thuyết, mà chỉ làm công việc kiểm nghiệm (vérifier) hay chứng thực giả thuyết mà thôi.
Như vậy, chúng ta có thể nhìn giả thuyết dưới những khía cạnh, hay đặc điểm sau đây :
1-     Giả thuyết là câu trả lời dự phóng tạm bợ cho câu hỏi mà chúng ta đã nêu ra, sau khi chúng ta xác định đối tượng nghiên cứu. N.B: Nói cho cùng, bất luận câu quả quyết nào cũng nên được xem là một giả thuyết hơn là một chân lý! Đây không phải là một câu trả lời dứt khoát, có tính quyết định. Nhưng chỉ là một dự đoán, tiên đoán, cần được kiểm chứng hay chứng thực. Câu trả lời ấy có thể xác thực và cũng có thể không xác thực, ở một chừng mực nào đó.
2-     Giả thuyết là một loại trả lời nhằm thiết lập liên hệ thường hằng, cố định giữa hai loại sự kiện. Hiện thời mối liên hệ ấy chỉ là một dự phóng, cần được chứnh thực.
3-     Giả thuyết là một cách giải thích thuộc bình diện khái niệm (trừu tượng) bằng cách dự tưởng là một tương quan nhân quả giữa những yếu tố hiện hữu với những hệ quả xảy ra. Để có thể kiểm nghiệm tính chất "xác thực đến đâu" của lối giải thích trừu tượng ấy, chúng ta cần phải chuyển hóa giả thuyết thành những cái tương đương cụ thể.
4-     Già thuyết là kết quả của một tiến trình giải thích trên bình diện lý thuyết là khởi điểm của công tác kiểm chứng, thử nghiệm trên bình diện cụ thể.
5-     Giả thuyết xác định hướng đi cho giai đoạn chứng thực, bằng cách chuyển biến một cấu trúc trừu tượng thành một cấu trúc  cụ thể tương đương. Cấu trúc cụ thể nầy được thể hiện bằng một phương trình gồm hai biến số : y ------> x
y là biến số độc lập và x là biến số phụ thuộc
6-     Giả thuyết bao gồm bốn đặc điểm cơ bản sau đây : - sát gần thực tế - có thể kiểm nghiệm - chính xác - có thể truyền đạt, để một người khác có thể kiểm chứng. Nói cách khác, giả thuyết có thể được xem như một bản đồ trình bày xứ sở. Nhưng bản đồ không phải là xứ sở.
7-     Kiểm chứng giả thuyết là chứng n ghiệm tính xác thực của giả thuyết bằng những sự kiện cụ thể, khách quan. Khi ấy giả thuyết có thể được xác nhận là "đúng" hoặc "sai". Đúng hoặc sai, hoặc có chỗ đúng chỗ sai là những kết luận chỉ có giá trị khi công tác kiểm nghiệm có tính khoa học, nghĩa là có phương  pháp chính xác. Tinh thần khoa học cho phép người ta "bới lông tìm vết", mổ xẻ vấn đề, phát hiện những ưu và khuyết điểm của giả thuyết. Nói cách khác, tinh thần khoa học là nỗ lực khám phá những nghịch thuyết, khảo sát những chứng minh đảo nghịch, cũng như là nỗ lực tìm kiếm những lý chứng thuận lợi, thuận chiều.

Chương 5 : Phương pháp   nghiên cứu một cách khoa học.
5.1.Thế nào là nghiên cứu khoa học ?
Công trình nghiên cứu khoa học bao gồm hai loại cấu trúc, hỗ tương hỗ trợ cho nhau :
·        Cấu trúc lý thuyết, (khái niệm)
·        Cấu trúc tương đương cụ thể (thực tiễn).
(Khuôn tr. 16)

Thực vậy, những sự kiện cụ thể thu lượm đó đây chỉ là một đống gạch hỗn độn, ngổn ngang. Lý thuyết cho phép chúng ta xếp đặt, tổ chức, tổng hợp, đúc kết, biến chuyển đống gạch thành một ngôi nhà hữu ích và hữu dụng.
Từ những sự kiện cụ thể, chúng ta kiến dụng một cấu trúc lý thuyết. Khi một lý thuyết đã hình thành và được kiểm chứng, chúng ta dựa vào nó để tiếp xúc với thực tế, tổ chức thực tế, tìm hiểu thực tế, để mở ra những con đường hoạt động.
Khi nghiên cứu khoa học, chúng ta phải đi qua con đường thực nghiệm với hai khâu sau đây :
·        thiết lập giả thuyết,
·        kiểm chứng giả thuyết.
Để có thể làm công việc kiểm chứng giả thuyết, chúng ta phải chuyển hóa cấu trúc khái niệm - hay là giả thuyết - thành cấu trúc hành động thực tiễn - hay là những tương đương cụ thể.
Không có hai loại cấu trúc nầy kết hợp với nhau và bổ túc cho nhau, công trình nghiên cứu chỉ là ngôi nhà không nền tảng, trở nên vô ích, vô dụng. Đây là hai cơ sở làm nên mọi công trình nghiên cứu khoa học.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu có nhiều thể thức và thể loại khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng hai hình thức nghiên cứu chủ yếu sau đây :
5.2.1.Nghiên cứu thí nghiệm
Khi chuyển biến từ giai đoạn "giả thuyết" qua giai đoạn thiết lập một "cấu trúc tương đương cụ thể", công việc của chúng ta là phát hiện một cách chính xác hai loại biến số :
  . biến số độc lập và
  . biến số tùy thuộc.
Ví dụ :
Hút thuốc phát sinh bệnh ung thư.
."Hút thuốc"      : biến số độc lập
."bệnh ung thư" : biến số tùy thuộc
Chúng ta có thể thay đổi biến số độc lập bằng cách thay đổi những điều kiện sinh hoạt của "mẫu thí   nghiệm" (ở đây là người hút thuốc). Khi thay đổi biến số độc lập như vậy, chúng ta quan sát và ghi nhận những thay đổi đã và đang xảy ra cho biến số tùy thuộc.
Nghiên cứu thí nghiệm ở đây là xét trên "mẫu thí nghiệm" để xem có biến chuyển nào của bệnh ung thư khi tình trạng "hút thuốc" bị thay đổi :
.tình trạng "hút thuốc" thay đổi,
.tình trạng "bệnh ung thư" thay đổi ?
5.2.2.Nghiên cứu thực trường (còn gọi là tham tác)
Nhiều lãnh vực liên hệ đến đời sống của con người không cho phép chúng ta tùy tiện thay đổi thực tại, với lý do là để làm việc nghiên cứu thí nghiệm. Chẳng hạn, chúng ta không có quyền dùng kỹ thuật rất thời trang của y khoa để tạo ra một em bé mang hội chứng "Down" để xem cha mẹ nó bị khủng hoảng ra sao.
Trong những trường hợp như vậy, thay vì nghiên cứu thí nghiệm, chúng ta có thể thực hiện công tác nghiên cứu của chúng ta bằng cách xem xét thực tại có sẵn, quan sát thực tế tại chỗ. Theo từ ngữ chuyên môn, đó là cách nghiên cứu thực trường, nghĩa là nghiên cứu bằng cách khám phá tất cả những gì đang xảy ra trong những điều kiện hiện thực.
Ví dụ :
Quan sát tại chỗ một gai đình có con mang  hội chứng "Down" với giả thuyết đề ra là :
(Khuôn tr. 18)

Hội chứng "Down" --------> khủng hoảng.

Chương 6 : Cấu trúc tương đương : Hành động cụ thể

Trên đây chúng ta đã đề cập đến cấu trúc lý thuyết bao gồm hai giai đoạn quan trọng : một là "đặt vấn đề" tức là nêu lên những câu chất vấn chính yếu, hai là "thiết lập giả thuyết" tức là đề xuất câu trả lời được dự đoán. Cấu trúc lý thuyết thuộc bình diện khái niệm.
Trái lại, cấu trúc tương đương với giả thuyết, tức là cấu trúc hành động cụ thể được khảo sát ở đây, thì thuộc bình diện thực tiễn, hay là thuộc khâu kiểm nghiệm. Dĩ nhiên, kiểm nghiệm phải theo phương pháp thực nghiệm.
Trong giai đoạn nầy, công việc nghiên cứu của chúng ta là thiết lập một cấu trúc tương đương cụ thể, bằng cách tìm ra một phương trình chứng  nghiệm bao gồm những biến số cụ thể.
Biến số loại 1 : được mang tên là biến số độc lập, do chính chúng ta có khả năng kiểm soát, điều chỉnh tùy nghi.
Biến số loại 2 : được mang tên là biến số tùy thuộc, vì nó đổi thay theo biến số độc lập được chúng ta thay đổi và kiểm soát.
Trong một vài trường hợp đặc biệt, biến số độc lập không thể hội đủ những yếu tố cần thiết để tác động và gây ảnh hưởng trên biến số tùy thuộc. Lúc bấy giờ, chúng ta phải tìm thêm một biến số độc lập bổ túc, còn gọi là biến số trung gian.
Ví dụ :
(Khuôn  tr. 20)
Sau khi khảo sát kết quả, chúng ta nhận thấy cần phải phân biệt thêm ảnh hưởng của văn hóa Âu Mỹ. Ảnh hưởng nầy là
(Khuôn tr. 20)
Lúc bấy giờ, chúng ta nhận thấy có ảnh hưởng của trình độ học vấn trên số lượng con cái trong gia đình.
Như vậy, cấu trúc hành động cụ thể là lãnh vực tập trung tất cả nỗ lực nghiên cứu của chúng ta. Chúng ta phải phân tích mỗi một thành tố cụ thể ở đây để kiểm  nghiệm giả thuyết, hay là chứng thực cho câu trả lời đã được dự đoán.
Mỗi biến số tùy thuộc phải được phân tích thành nhiều chỉ hiệu, chỉ tố khác nhau. Tiêu chuẩn phân loại các chỉ tố có thể là một tình trạng tự nhiên có sẵn trong thực tế, hay là một ước định được chấp nhận.
Ví dụ :
(Khuôn tr. 21)
Chỉ tố phải đáp ứng ba tiêu chuẩn :
.Chính xác : chúng ta biết rõ thể thức áp dụng.
.Ổn định : kết quả giống n hau trong những điều kiện bất biến.
.Hiệu năng : cung ứng cho ta những điều chúng ta cần phân tích và khảo cứu.
Để minh họa thế nào là một cấu trúc tương đương cụ thể, ta thử khảo sát ví dụ sau đây :
(Khuôn tr. 21)
Tóm lại, giai đoạn kiến dựng một cấu trúc hành động cụ thể đòi hỏi chúng ta thực hiện ba điều :
.Chọn lựa biến số và chỉ tố (hay là chỉ hiệu).
.Biện minh lý do chọn lựa.
.Trình bày thể thức chuyển biến năng động của biến số và chỉ tố.

Chương 7 : Kế hoạch kiểm chứng
Kế hoạch là những quyết định mang tính cách toàn diện bao quát đường hướng và mục đích hành động.
Mưu lược, trái lại, là một quyết định đặc trưng, tùy thuộc vào từng giai đoạn và phương tiện hoạt động.
Kế hoạch kiểm chứng trình bày thể thức sử dụng phương pháp và phương tiện trong việc áp dụng cấu trúc hành động cụ thể :
.Số lượng cần được nghiên cứu;
.Phương pháp nghiên cứu.
Kế hoạch kiểm chứng nhằm tạo khả năng kiểm soát biến số.
Trong mỗi kế hoạch kiểm chứng, chúng ta cần xác định hai yếu tố :
.Thời gian kiểm chứng : bao lâu ?
.Không gian kiểm chứng : ở đâu ?

Chương 8 : Thu góp dữ kiện
Chúng ta cần khảo sát vấn đề chọn lựa phương tiện và dụng cụ thích hợp để góp thu những dữ kiện cần thiết cho công cuộc nghiên cứu của chúng ta.
Có nhiều loại phương tiện và dụng cụ :
.Tham khảo tài liệu đã có sẵn.
.Tiếp xúc, phỏng vấn, điều tra.
.Quan sát, tham quan.
Khi đã chọn lựa một dụng cụ nghiên cứu, chúng ta cần giải thích sự lựa chọn ấy :
.Số lượng đơn vị làm nên "mẫu nghiên cứu".
.Thể thức phỏng vấn : đề tài ? bảng câu hỏi ?
.Thể thức điều tra : trực tiếp, gián tiếp, thứ tự ...?
.Thể thức quan sát ?

Chương 9 : Đúc kết các dữ kiện
Mỗi công trình điều nghiên và kiểm n ghiệm bao gồm ba phần :
Phần 1 : Thu lượm sự kiện.
Phần 2 : Đúc kết, khám phá ý nghĩa.
Phần 3 : Truyền đạt những kết luận, kết quả nghiên cứu.
Khi đúc kết các dữ kiện đã thu lượm được, chúng ta cần làm hai công việc :
1.- Công việc xếp loại :
Công việc nầy nhằm chuyển biến những sự kiện hỗn độn thành những dữ kiện có liên hệ vào nhau.
2.- Phân tích các dữ kiện :
Phân tích là làm nổi bật lên, khám phá ra những quan hệ ổn định bất biến giữa hai loại sự kiện.
Để phân tích như vậy, chúng ta có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như :
.đối chiếu,
.phân tích nội dung,
.phân tích số lượng.
Những phương pháp ấy cần được dự liệu và chuẩn bị trước khi thu lượm tin tức, sự kiện.
Chương 10 : Đề xuất những kết luận được dự đoán
Trong giai đoạn nầy, chúng ta phải hoàn thành hai công việc :
1.- Dựa vào hai cấu trúc lý thuyết và hành động, đưa ra những kết luận được dự trù.
2.- Đồng thời, chúng ta cũng tiên liệu những khó khăn và trình bày những phương thức khắc phục.

Chương 11 : Tài liệu tham khảo
Bản tài liệu tham khảo cho người ta biết những tư liệu đã giúp chúng ta hoàn thành công trình nghiên cứu.
Đồng thời, chúng ta xác định bản chất và thể loại của các tư liệu đã có từ trước đến nay.
Trên nguyên tắc, chúng ta cần trình bày các chi tiết thiết yếu sau đây :
. Tác giả. (Theo thứ tự A, B, C ...)
. Đề tài, đề mục.
. Cơ quan xuất bản.
. Năm xuất bản.
. Xuất bản lần thứ mấy.
. Sách, báo ...
. Trang ...
. Tên sách phải gạch ở dưới; hoặc tên báo.

Kết luận
1- Mặc dù bao nhiêu cố gắng, lý thuyết không bao giờ có thể phản ảnh thực tế một cách hoàn toàn.
Lý thuyết không bao giờ là thực tế !
Chính vì lý do đó, nỗ lực kiện toàn lý thuyết là công việc không bao giờ chấm dứt.
2- Công trình n ghiên cứu là một kiến trúc lâu dài, bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Mỗi giai đoạn được xem là một viên gạch được sử dụng để kiến tạo một ngôi nhà. Nếu từng viên gạch có khuyết điểm, toàn thể ngôi nhà không thể nào đứng vững.
3- Công trình nghiên cứu phản ảnh chính con người của chúng ta, đặc biệt trong hai lãnh vực :
. cách thế nhìn đời,
. khả năng tiếp xúc với người khác.
4- Một công trình nghiên cứu có giá trị khi nào nó có khả năng tạo cho ta điều kiện để kết hợp một cách hài hoà thực hành và lý thuyết.


Nguyễn Văn Thành




 


* R. Fisher, A Sharp - Lateral leadership : Getting things done when you are not the boss - Harper Collins Business, London 1998. 219p.
* 100 bài thơ tình chọn lọc - nhà xuất bản Giáo dục Hà nội 1993 tr. 9
[1] T. Berry Brazelton, Stanley I. Greenspan - Ce qu’un enfant doit avoir - Stock / Laurence Pernoud Paris, 2001 p. 319
[2] sđd tr. 267-281
[3] sđd tr. 282-290.
[4] Ed. De Bono - Teach yourself to think - Viking Tenquin Books - London 1995 , 254 p.