Truyện ngắn của Nguyễn Quang

Chỉ có văn hóa mà không có văn minh nên phải thua người?
Suối Tó, cái tên của một miền quê sát tận chân núi, nó phỏng theo âm thanh tự nhiên không êm đềm của tiếng nước chảy róc rách nhưng là tiếng nước dội ngược vào khe đá của con suối nhỏ tó tót tốc tốp… cũng là nét đặc trưng của một làng quê hẻo lánh như dân gian Việt Nam hay ví von xóm hóc bà Tó…
Nguyên thủy nơi đây là một quần thể dân cư của người dân tộc, có thể nói những người anh em ở đây văn minh hơn những bộ tộc còn sống rãi rác quanh vùng. Họ biết tìm về nơi thiên nhiên ưu đãi, có ruộng rẫy và nước từ các khe núi tạo thành con suối chảy quanh thung lũng suốt năm. Không ai biết rằng chính những khu rừng già trên các núi cao đang giữ nước cho buôn làng...
Nhưng mọi thứ ở thế gian như trước sự không ngờ, khi phong trào Cần Vương chống Pháp nổi lên nhiều gia đình người kinh đã chạy lên rừng trú ẩn, nhiều người dừng chân nơi đây làm nơi du trú. Yếu tố đầu tiên để họ quyết định đó là nước, theo quan niệm cổ Hy Lạp khi giải thích thế giới và nay với những người chạy loạn thật đúng vậy –Tất cả là nước! Nước là tất cả, nước trên hết! Các buôn làng đã che giấu họ, những thanh niên vạm vỡ, con gái thời đen đẹp, đen tròn như các câu hát dân ca của chính họ… ‘ai thương nhau thì nên vợ nên chồng… anh thương em vì em đẹp đen tròn…’
Cuộc sống thanh bình nơi thung lũng xa xôi trong hẻm núi nhờ sự tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài cho đến năm 1954, khi chính phủ mới ở miền Nam tự do hình thành, người kinh lần lượt về thành phố và họ đã tạo được một mối dây thân hảo với người dân tộc, nhiều gia đình là hôn nhân giữa các sắc dân. Họ rất hạnh phúc. Nhờ xe cộ đi lại từ tỉnh lỵ dù qua những con đường cheo leo, bây giờ khắp thôn làng nhà sàn nào cũng có muối ăn, cá khô… vốn là những món quý nhất trong các loại thực phẩm. Bên cạnh đó những đêm hội hè, những cuộc đâm trâu thường xuyên…gia đình nào cũng sinh thêm con cái, những người góa bụa cũng được sắp xếp có nơi nương tựa, không thấy có ai kiện tụng gì cả dù trong chế độ đa thê. Tất cả được các già làng thu xếp với sự đưa tay biểu quyết, trong những trường hợp ngoại lệ mới đến trưởng bộ tộc, thường là một già làng cao niên và uy tín nhất. Không có tòa án nơi đây chỉ có những cuộc họp hòa giải.
Nhưng không lâu sau khi hòa bình lập lại với Hiệp định Genève 1954, phong trào du kích lại nổi lên với những khẩu súng trường xuất hiện trong buôn làng và các loại lưu đạn thô sơ… Thế là ngôi làng cứ một đến hai người chết và không lâu sau vùng ven núi này bị ảnh hưởng của chiến tranh trong giai đoạn đầu cuộc chiến Việt Nam nhiều nhất. Hằng ngày có hàng loạt pháo đại bác nả vô tội vạ dưới chân núi nơi có con suối thường bị nghi là nơi tập kết quân của phe miền Bắc. Còn ban đêm Việt cộng nằm vùng tập họp dân làng lại tuyên truyền dọa nạt, khủng bố… những con người sống hiền lành chân chất gần như cả đời nay phải đối mặt với những mất mát hy sinh mà họ không biết từ đâu trên trời rớt xuống. Nó đổ xuống cho đến lụi tàn mà không ai có thể ngờ được.
Dòng suối nước vẫn chảy trong vắt, thỉnh thoảng pha lẫn một màu đen của tro than từ những nhà cửa bị đốt cháy trôi sông và rồi trong sự sàng lọc tự nhiên nó trở lại sự hiền hòa và tiếp tục theo sự tuần hoàn ‘nước đi ra biển lại mưa về nguồn’. Ngôi làng không còn đàn ông đó, chỉ sót lại một ít ông lão cùng phụ nữ và trẻ em. Không ai xác định được thời điểm nào là giờ chính thức của những tiếng phèng la báo tử buôn làng với kiểu nhà nước tự nhiên rất thịnh trị nhân hòa của nó.
Họ đã theo chân những người miền Nam tự do ra thành phố hay chạy lên núi theo phe miền Bắc, nhiều trường hợp không theo bên nào nhưng cũng chạy vào núi. Tại tỉnh lỵ họ được tái định cư thành khu riêng trên những căn nhà sàn tạm bợ và cũng lãnh viện trợ Mỹ như mọi người kinh khác trong chế độ tái định cư thời chiến tranh. Những giàn tre nứa hình các vật thần cúng kiến thường được dựng lên trước các nhà sàn nho nhỏ vài đôi con lợn, con gà chạy bên dưới… Những thanh niên trai trẻ cũng vào quân đội của Quốc Gia hoặc gia nhập bộ đội cộng sản nếu vào rừng. Các cô đen đẹp thì vào các đội văn công Cộng sản, văn nghệ Quốc gia…
Cuộc chiến kéo dài hơn mười năm từ khi họ chính thức bỏ làng cho đến khi hòa bình được lập lại vào năm 1975. Tất cả người trong bộ lạc nhanh chóng từ thành phố hay từ trên núi ‘bay’ trở về trong vui mừng của ngày đoàn tụ, cũng có đôi người giở giọng tuyên truyền cách mạng…nhưng hầu hết với họ không mấy ai biết chữ và trong ý nghĩ từ những mất mát đau thương đã trải qua: những thứ đó chỉ làm tổn hại chết chóc, buôn làng đã ra tro…nên không mấy ai quan tâm, những người còn sống trở về thật là may mắn xem như thoát chết từ chiến tranh nên đâm lòng quý mến và thông cảm nhau hơn. Cho dù họ cũng bị tác động chung theo cái gọi phong trào cách mệnh, nhưng thâm sâu từ mỗi già làng đã chuyền tai khắp buôn làng những thứ ‘giáo điều Mác Lê Nin’ chỉ chém nhau thôi, bây giờ con người văn minh rồi không còn giết nhau nữa mà cho nhau ăn nhậu no say như họ đã chứng kiến khi ra ngoài những vùng tự do…
Nhiều người kinh cũng theo chân họ đến vùng này vì những quan hệ ít nhiều trong quá khứ và chuyện lên non một thời là thượng sách với những gia đình thuộc viên chức miền Nam khi chồng con phải vào các trại tập trung, đi tù, họ bị buộc phải đi kinh tế mới và những vùng núi hẻo lánh thiên nhiên ưu đãi hiền hòa quả là quá tuyệt vời. Chỉ mới một thập kỷ trôi qua nhưng giờ đây qua tiếp xúc với người thành phố dù họ sống rất đóng kín trong các khu riêng biệt của người dân tộc, nhưng mọi thứ cũng thay đổi trong cách sinh hoạt quan hệ theo kiểu người văn minh thị thành. Riêng thành phần từ chiến khu trở về, đúng là mang những mầm tai họa cho họ…các chiến binh không thiếu một thứ bệnh gì và điều kiện vệ sinh của mỗi cá nhân không tưởng tượng được về sự nhơ bẩn nhưng lúc nào cũng nói đến văn minh như nếp sống văn hóa mới tiến bộ.v.v…
Nhưng sự phân biệt biến thành một sự yên lặng khinh bỉ đến đáng sợ vì những du kích từ rừng nhơ nhớp kia bây giờ nắm chính quyền, họ thuộc phe chiến thắng… Và như bao nước kém phát triển khác không có con đường nào làm giàu nhanh chóng bằng việc nắm quyền lực trong tay. Tầng lớp mới dần dần biết đánh răng và đi vệ sinh trong các nhà cầu tự tiêu.v.v… Những căn nhà xây gạch mái ngói bắt đầu từ nhà cán bộ đảng viên cộng sản và người dân đa số vẫn chui vào trong những căn nhà tạm bợ. Buôn làng trở thành một xã nhỏ ở nông thôn, mọi quyền lực bây giờ không còn tập trung trong tay các già làng nhưng trong tay công an xã…
Nhiều năm trôi qua của một thời gọi là hòa bình, khoảng chừng hơn ba thập kỷ nhưng không có gì an bình, cuộc sống quá cơ cực của người dân trong buôn làng khiến ai cũng suy nghĩ về thời chế độ miền Nam Tự Do, một thời thái bình thịnh trị mổ trâu đều đều. Trong mỗi nhà bây giờ đều có treo hình của một vị lãnh tụ khác, nhưng chỉ có cán bộ đảng viên là phát lên giàu có trong buôn làng, cộng thêm với các người kinh khá giả nhờ cấu kết làm ăn với tầng lớp lãnh đạo mới ở địa phương. Người dân bị lừa bán đất đai, cây cối bị chặt phá, bao cây cổ thụ từ rừng râu bị đốn hạ và chở về miền trung du đến các thị thành, hoa màu làm ra cũng bị mua với giá rất rẻ, những già làng bây giờ không còn ai và tầng lớp thống trị mới luôn cấu kết với con buôn gọi là bọn ‘buôn mọi’ để lừa dối họ…
Các thế hệ nối tiếp nhau, người kinh có nhiều phương tiện hơn và lên xứ Thượng để tìm cách buôn bán trao đổi, còn chính họ phần lớn không ra khỏi buôn làng kể cả thành phần ra tỉnh lỵ định cư năm xưa nay đã lớn tuổi, họ dần trở lại cuộc sống cùng nếp sinh hoạt của một bộ tộc thuần chủng với nền văn hóa riêng dưới sự chỉ dạy của các già làng. Càng giữ truyền thống khép kín bao nhiêu, với công việc hằng ngày ngoài mương rẫy cuộc sống càng thêm cơ cực như khi ruộng lúa của cán bộ dùng thuốc trừ sâu nhưng họ lấy tiền đâu và cũng không ai trợ giúp nên đám ruộng bên cạnh trở thành mồi ngon cho côn trùng. Sự cách biệt giữa giàu nghèo nay thấy rõ với những nhà xây kiên cố chung quanh các Ủy Ban Nhân Dân, đó là nhà của các cấp chính quyền và xa xa đến mãi tận sâu trong núi có cuộc sống cùng cực, đó là sự tồn tại của những người bộ tộc chân chất quanh năm với ruộng rẫy truyền thống.
Nhưng nét đẹp của  của những người con gái cũng như những chàng trai vạm vỡ này nay vẫn còn. Một ngày kia  những mối lái thay vì buôn cá khô, mắm muối…họ nghĩ đến chuyện buôn người. Những cô gái đen đẹp và chân chất được dịp làm quen với nhiều người lạ trong sự quen biết như vô tình. Từ những con cá mắm để làm quà mỗi khi có dịp ngang qua rồi vải vóc quần áo…khiến các cô thích thay đổi đời, trước là chuyển nghề, không ai muốn làm nghề nông nữa, khổ quá…Những chiếc cần câu từ những người phương xa nhấp dụ con mồi từ từ, các cô gái được những người lạ nay trở thành thân quen làm biến đổi hẳn vốn đã đẹp một cách tự nhiên…Những chuyến rủ nhau về thành phố cũng đã xảy ra và không ai thấy mất mát gì ngoài niềm vui…
Những bà mẹ tiếp tục nhận quà và bây giờ trong họ với niềm mong ước các con mình không còn lam lũ, nghe nói thằng K’Nông chạy núi ngày nào, nay làm Bí thư và con nó đã có tiền qua Mỹ học, cả con của thằng K’Đu Chủ Tịch cũng có con sang Singapore để học nghề…Trước khi nhắm mắt xuôi tay mong sao các con được sung sướng, các già làng nay nơi chín suối cũng yên lòng hả dạ.
Một trong những cô gái đẹp con bà Mo đã lên đường gọi là để phụ giúp bà bạn mấy lúc nay hay đến cho quà, cô gái ra đi theo lời hứa hẹn chỉ phụ việc nhà và mỗi tháng sẽ có tiền gởi về cho bà Mo, thôi thì nó cũng giống như một vài người từ làng định cư năm xưa đã di tản sang Mỹ và nay có tiền gởi về, trong làng nay được đôi người. Sướng thật!
Đúng như vậy tiền đã được gởi cho bà Mo đều đều, nhưng bà không thấy cô con gái trở về, bà có ra thị trấn gọi điện thoại cho con nhưng bà chủ báo cho biết cháu chưa thể về được. Đã nhiều lần như vậy nên bà Mo đâm lo, lần này bà đích thân ra thành phố… Những con đường mấy chục năm trước hầu như vẫn còn hiện ra trong trí nhớ của bà, mọi nẻo đường đều phải nhớ lúc đó cho đến đoạn cuối về đến cái nhà sàn ở trại tỵ nạn…ngày ấy chiến tranh mà sao mình dung dăng dung dẻ quá, thật là ngây thơ và mình cũng nhan sắc như con gái bây giờ nhưng chỉ có một người chồng…lâu lâu đi hành quân lại trở về thật tuyệt vời và mình đã sinh ra một đàn con…Cô gái út này đã lâu lắm sau hòa bình, sau ngày cha nó ra khỏi trại tập trung và cũng qua đời không lâu sau khi về nhà.
Suy nghĩ mông lung, chiếc xe ôm đưa bà đến đúng địa chỉ lúc nào không hay. Bà Mo đã gặp con, thấy nó buồn mặt mày xanh xao, nói chuyện một lúc lại ngủ gục, cô gái không nói gì chỉ bảo hỏi thăm mẹ khỏe không và muốn về nhà…Bà chủ nhà mang biếu bà Mo một số tiền khoảng 3 triệu đồng và hẹn lần sau sẽ cho cháu về vì công việc gia đình đang bận rộn…
Trên đường về cầm nắm bạc trong tay như linh cảm của người mẹ với thân phận con gái, bà Mo nghỉ nhà vài hôm rồi trở lại với lý do xin về giỗ cha cháu gái.  Chủ nhà thấy vậy biết là chuyện chẳng lành nên vội gởi thêm tiền để về làm giỗ, nhưng bà Mo nhất quyết không nhận chỉ muốn đưa con về thăm nhà rồi hẳng hay. Cuộc thương lượng bất thành, bà Mo rời khỏi nhà, bây giờ chỉ còn biết chạy đến cơ quan quyền lực nhất như tại địa phương của bà. Một trạm công an Phường gần đó và bà trình bày sự việc, họ lấy lời khai và cùng đưa bà Mo đến để giải cứu con gái…Có điều kỳ lạ bà không nói con gái bị bắt làm đĩ, nhưng các anh công an này lại như đã biết rồi ‘con bé ấy đang hành nghề mãi dâm trong một đường dây rất kín…’!
Họ cùng đến địa điểm, cả ông chủ tú ông và tú bà đều rất vồn vã sẵn sàng cho cháu về theo yêu cầu của công an…Nhưng lúc đưa cô gái ra đi họ đã cùng sắp xếp cho cô lên xe taxi, còn bà Mo đã có một chiếc xe ôm đợi sẵn…Bà cố nài cùng đưa con về nhưng họ bảo cô ấy đã đi trước…Trong linh cảm của người mẹ một lần nữa bà chạy đến công an và kêu ‘cứu tôi với với…’ Nhưng tất cả như tiếc rẻ về cô gái xinh đẹp sẽ không còn nữa, họ đồng thanh bảo ‘chúng tôi đã chứng kiến họ giao con cho bà rồi cơ mà...’
Người Mẹ bây giờ có thể khẳng định chắc một điều, đó là sự chẳng lành cho cô con gái. Bà không cần công an nữa, bây giờ bà nằm lăn giữa đường ngay trước nhà con bé đã ra đi dưới danh nghĩa làm ô sin… ‘Cứu tôi với làng nước ơi… hãy cho con tôi về… Cứu tôi với…’ Và thế là sợ đứt dây sẽ động rừng nên tú ông và tú bà phải sắp xếp êm thắm để hai mẹ con bà dân tộc ‘đen đẹp, đen tròn’ trở về buôn làng.
Trên chuyến xe ôm hai mẹ con ngồi ôm chặt vào nhau có hơi chật với chiếc xe máy chở ba người, bà quá sợ mất con nên nhất quyết phải cùng xe…Bây giờ thì bà Mo đã hiểu rõ con bà đã sa vào cạm bẫy như thế nào…Trong lo toan của bà cũng như bao dân làng khác, mỗi khi gặp tai biến đều thường nghĩ đến các già làng…Bà nghĩ về Cái Nhà Làng nơi đó bà sẽ cúng tế hầu rửa sạch mọi thứ để con bà có cơ hội làm lại cuộc đời, trên đường đi bà cũng nhìn quanh vì nghe nói từ thưở còn thơ người Kinh có cái Đình và cả triết lý Cái Đình, khi gặp khốn dân làng có thể chạy đến Đình làng, nhưng nay tìm mãi không thấy đâu hết…
Bây giờ thì Chùa Chiền, Nhà Thờ… xây nhiều lộng lẫy quá, ôi chế độ này thật là tự do tôn giáo, đạo đức được chấn hưng ? Nhưng riêng hoàn cảnh mẹ con bà và nhiều gia đình khác từ nông thôn muốn lên thành thị để thay đổi đời, nghĩ đến đó bà Mo chua xót vô cùng trước thảm cảnh con gái bà phải lọt vào ổ mãi dâm… cổ bà Mo muốn nghẹn cứng trong uất hận: người dân tộc của mình có tục đa thê, nhưng người phụ nữ khỏe hơn chỉ chiều một chồng, có khi nhiều ngày mới chiều một lần, còn nền văn minh kia có luật hôn nhân một vợ một chồng hoặc cả việc tận hiến không vợ không chồng, nhưng biết bao phụ nữ trong đó có con gái mình phải rơi vào hệ lụy phục vụ nhiều đàn ông có khi quá nhiều đàn ông trong một ngày. Như vậy nghĩa là làm sao…Ôi mình chỉ có văn hóa mà không có văn minh nên phải thua người?
***