Quan hệ giữa Biết và Tin

Quan hệ giữa Biết và Tin
                                                      
NGUYỄN văn Thành
                                                     
Lausanne, Thụy Sĩ

     Thông thường trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày, khi chúng ta tin vào ai, chúng ta sẵn sàng giao phó cho họ của cải, tiền tài hay là những công việc quan trọng... Chúng ta không ngại ngùng bộc lộ chia sẽ những tâm sự thầm kín, những trải nghiệm quí hóa về cuộc đời. Tin như vậy có nghĩa là yêu thương và coi trọng, như chúng ta có thể quan sát và ghi nhận trong những quan hệ vợ chồng, cha con, bạn bè tri kỹ... và khi hai người đã tin nhau thực sự và trọn vẹn như vậy, một cách nào đó họ đã đồng hóa với nhau. Họ giao sinh với nhau.


     "Mình với ta tuy hai là một.
     Ta với mình sao một mà hai!"

     Ngoài cặp song đôi "Tin và yêu" luôn luôn đối đãi, giao thoa chằng chịt với nhau, chúng ta còn ghi nhận một quan hệ thứ hai không thể vắng mặt: Đó là Tin và biết. Hẵn thực, khi chưa biết gì cả mà tin; hay là nhắm mắt mà tin... đó là thái độ của những người sống trong mê tín và dục vọng.

     Chính vì vậy, để khỏi tin một cách mù quáng, vào một người, một kiến thức, một chân lý hay một giáo điều... lý trí hoặc tư cách "làm người" đòi hỏi chúng ta phải bắt đầu tìm hiểu một số dữ kiện khai đạo, dẫn đường, nhằm tạo cơ sở vững chắc  cho lòng tin của chúng ta. Nói cách khác, để có thể tin mà không bị mê hoặc hay là trở thành ấu trĩ và lệ thuộc, điều kiện tiên quyết là thái độ kiểm chứng hay là rà soát lại những tin tức, trên sáu bình diện khác nhau có liên hệ đến lòng tin của chúng ta:
        
Một : Ai?
Người mà tôi tin có căn cước hoặc lý lịch như thế nào?

Hai : Để làm gì? Tại sao?
Cái gì là quan trọng, đâu là giá trị đang thúc đẩy lòng tin của tôi? Tôi tin vì mục đích gì?
     
Ba : Cách nào?
Tôi tin bằng cách nào? Đâu là phương thức và đường hướng tôi cần đeo đuổi khi tin? Cái gì sẽ xảy đến nếu tôi không tin? Tôi được gì  và mất gì?
     
Bốn : Điều gì?
Khi tin tôi có những hành vi cụ thể nào?

Năm : Môi trường và điều kiện?
Tôi tin khi nào, ở đâu, bao lâu, với điều kiện nào?

Sáu : Quan hệ thế nào giữa người tôi tin và bao nhiêu người khác? Ngoài tôi ra, còn có những ai tin vào người ấy?

     Mặc dù với bao nhiêu tìm kiếm, học hỏi một cách nghiêm túc và sáng suốt như vậy, chúng ta cần phân biệt rõ ràng: Tin không phải là biết. Để biết, chúng ta phải thường xuyên kiểm chứng và đánh giá những sự kiện khách quan, mắt có thể thấy, tai có thể nghe, tay chân có thể tiếp xúc và cảm nhận. Tin , trái lại là phó thác , buông xả, chấp nhận mình không thể kiểm soát một trăm phần trăm. Trong lăng kính và ý nghĩa nầy, khi tin chúng ta tin vào một người. Thậm chí khi chúng ta tin một điều gì, một cách mặc nhiên hoặc minh nhiên, chúng ta tìm nơi nương tựa vào một người có tư cách và giá trị đã làm chứng về điều ấy. Người ấy có thẩm quyền, có uy tín. Người ấy không bị lừa gạt và không đánh lừa chúng ta. Thêm vào đó người ấy trung thực, không nói một đường làm một nẽo.

     Trong thực tế, tuy dù khác biệt nhau về bản chất và giá trị, hai động tác "Tin" và "biết" phải nương tựa vào nhau, nuôi dưỡng lẫn nhau và cũng cố cho nhau. Tin mà không đặt cơ sở trên hiểu biết, như trên đây tôi đã nhấn mạnh, đó là mê tín, dị đoan. Đó là lòng tin mê muội, mù quáng xuất phát từ dục vọng hoặc tình trạng ấu trĩ. Trái lại, cho dù ở trong lãnh vực khoa học khách quan chính xác, chúng ta vẫn còn có nhiều lãnh vực tranh tối, tranh sáng. Vẫn có bao nhiêu câu hỏi chưa được khai sáng. Trong nhiều chủ thuyết tự hào là khoa học, như hệ thống Mác-Lê, có bao nhiêu định đề hoặc tiền đề  được coi là hiển nhiên không cần chứng minh. Nhưng thực ra đó là những giả định, giả thuyết mà chúng ta phải chấp nhận, như điều kiện tiên quyết, như chân lý ban đầu. Như cửa ngõ cần thiết để đi vào bên trong một tòa nhà cần thăm viếng, hoặc cư ngụ.

     Phải chăng, yêu xã hội chủ nghĩa có thể đồng hòa với yêu đất nước, yêu quê hương và dân tộc?

     Dựa vào đâu tôi có thể xác tín: giai cấp vô sản phải chuyên chính, độc tài nghĩa là có quyền tiêu diệt những giai cấp khác không chịu đầu hàng, đầu thú? Nếu đó là lý luận "lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng", đâu là nét khác biệt giữa chế độ độc tài với một tôn giáo bảo căn cực đoan? Phải chăng cả hai đều hô hào "thánh chiến" nhằm diệt trừ đối phương bị đồng hóa với "loại côn đồ vô đạo và vô luân"?

     Trên cơ sở nào tôi có thể rêu rao, rĩ rã: tôn giáo tôi đạt 80%, là thuần túy dân tộc và văn hoá? Và cho dù 80% thực sự, một đoàn lũ gào thét, hô hào, la ó… có chứng minh được gì! Chân lý của một người vẫn là chân lý, đang khi sai lạc của hàng triệu người vẫn là sai lạc, từ trong căn đế của nó mà thôi!

     Bao nhiêu phân tích chi ly  và cặn kẽ ấy  nhằm chứng minh và nhấn mạnh rằng: Tin không thể thiếu vắng trong cuộc đời làm người và nhất là trong quan hệ giữa người với người, cũng như trong địa hạt hoạt động và dấn thân.

     Trọng mỗi quyết định và chọn lựa hằng ngày, con người không bao giờ biết chắc chắn một trăm phần trăm  là "mình có lý, có lẽ phải và đi đúng đường". Những ai ngồi chờ cho đến khi có đầy đủ mọi lý lẽ, mới bắt tay vào việc ... người ấy sẽ hẹn nay hẹn mai, bất định, tê liệt và bất động. Nói cách khác, tin cho phép hoặc thúc đẩy  hành động. Tin không đóng khung trong địa hạt tình cảm. Tin không quanh quẩn, vòng vo trong một lối nhìn, một kiến giải hay một quan niệm hoàn toàn trừu tượng và lý thuyết. Tin đi đôi với hành động. Nghĩa là phải kết thúc và được diễn tả bằng việc làm cụ thể, hằng ngày.

     Nói cách khác một cách rõ ràng và khúc chiết hơn, động tác "Tin" - cho dù thuộc bình diện nào: tin vào một người, tin vào Thần Phật, tin vào Thượng Đế... tin vào một chủ thuyết vô thần hoặc hữu thần - là một tiến trình phát triển liên tục, từ trong ra ngoài và bao gồm bốn yếu tố then chốt :

- Một là lối nhìn hay là kiến giải. 
- Hai là yêu thương hoặc coi trọng. 
- Ba là quyết định và hành động. 
- Bốn là đánh giá hoặc kiểm chứng lối nhìn lúc ban đầu, bằng cách dựa vào  những thành quả cụ thể của hành động.

 Thiếu một trong bốn thành tố căn bản ấy , chữ Tín trong quan hệ giữa người với người  cũng như giữa con người với một thực thể Tâm Linh như Trời, Phật, Thượng-đế, Đấng Kitô, Đạo... không còn là "chánh tín". Nhưng là ngụy tín, một lòng tin thui chột, bất thụ, không sinh sản hoa trái.

     
                                                      ***

      
     Bốn yếu tố, mà chúng ta vừa xác định, phải có mặt trong bối cảnh tư duy, khi chúng ta muốn khảo sát vấn đề Tự tin và vai trò của nó trong cuộc sống làm người. Hẵn thực, đây cũng là một loại lòng tin, như chúng ta vừa nói tới. Nhưng đặc biệt trong lãnh vực nầy, chủ thể và đối tượng của lòng tin là một người duy nhất: Tôi Tin vào tôi.

     Tuy nhiên, đàng sau mệnh đề có vẽ đơn sơ, dễ hiểu ấy, nếu biết đào bới, chúng ta sẽ khai quật lên bao nhiêu câu hỏi phức tạp và phiền toái:

     Thứ nhất : Đành rằng, Tin vào mình là chìa khoá vàng có khả năng mở ra mọi kho tàng, vốn liếng cho phép tôi thành tựu cuộc đời. Nhưng kho tàng, vốn liếng ấy  là gì ? Có mặt hay không? Dựa vào những tiêu điểm nào, tôi vừa biết và vừa  tin là tôi có sẵn những gia tài và gia sản ấy ? Nói cách khác, "Tin vào mình" có nghĩa là gì? Đâu là những động tác cụ thể diễn tả và bộc lộ ra ngoài lòng Tự Tin của tôi. Đó là nội dung của chương I với tựa đề "Tôi Tin Tôi".

     Thứ hai : Cái gì sẽ xảy ra, đâu là những mất mát, thiệt thòi khi tôi không tin vào tôi? Thắc mắc nầy sẽ được khai mở trong chương hai: "Những triệu chứng của con người thiếu tự tin".

     Thứ ba : Đâu là "Những kỹ thuật hóa giải" nhằm thay đổi tâm trạng thiếu tự tin ? Nội dung nầy sẽ được thảo luận trong chương ba.

     Thứ bốn : Phải chăng "phòng bệnh" có ích lợi và hữu hiệu hơn "chữa bệnh" ?

Để phác họa một kế hoạch hướng lai, nhằm đào tạo những con người "Tự Tin", trong chương bốn với tựa đề "Hướng về tương lai", chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu và giải đáp nhiều vấn đề giáo dục:

     - Nguyên nhân sâu xa nào đưa đến tình trạng tâm lý: "Thiếu tự tin"?
     - Làm sao để học lại một lối nhìn tích cực?
     - Làm sao biết nghe với vành tai xôn xao, đầy kính trọng?
     - Làm sao ăn nói môt cách khách quan và tránh những giọng điệu cha chú, khã dĩ làm  thui chột lòng tự tin của người khác, nhất là của các em bé ở tuổi lớn khôn và phát triển?

     Sau cùng, trong lời kết thúc, thể theo lời mời gọi của Giáo Chủ Gioan Phaolô II, mỗi người trong chúng ta, trước ngưỡng cửa của Nghìn Năm Thứ Ba, đang phải dứt khoát chọn lựa giữa hai con đường: Một bên là văn minh Tình Thương làm bằng chất liệu tương thân tương ái, tương kính và tương sinh. Bên kia là tương hoại tương tàn, chết chóc và nghĩa địa. Đó là loại văn minh chiến tranh, bom đạn, kỳ thị, chia rẽ và hận thù.

     Vậy, hỡi người độc giả, bạn chọn lựa "con đường nào", nếu bạn tin chắc rằng: "Bản sắc của con người làm bằng chất liệu Tình Thương và Lòng Tha Thứ" ?