BS Nguyễn Đan Quế
Bàn về giáo dục nhân bản
Tôi muốn nói ‘chút xíu thôi’ về thế nào là một nền Giáo Dục Nhân bản. Tôi thật sự không muốn vì thấy chưa phải lúc. Khổ nỗi đây lại là cơ bản nhất.
Bàn về Giáo Dục Nhân Bản, chỉ nghe không thôi đã đủ thấy khó. Cho nên, theo tôi, người nghe phải là những người, không những trong nghành giáo dục, mà còn có những quan tâm, ưu tư đặc biệt về giáo dục và đang tìm tòi một hướng đi mới cho nền giáo dục Việt nam. Hướng này là xu thế tất yếu của thời đại, chứ không phải sản phẩm tưởng tượng của trí tuệ.
Sở dĩ tôi ngần ngại chưa bàn đến nền Giáo Dục Nhân Bản vào lúc này là ví chế độ cộng sản và những nhà lãnh đạo cộng sản còn ngồi tại vị đó. Trong khi chúng ta bàn một vấn đề mà vấn đề đó đòi phải có thay đổi toàn bộ cách điều hành xã hội từ kinh tế – văn hoá cho đến sinh hoạt chính trị ở tầm mức quốc gia.
Nhiều nhất, có thể nói trong lúc này là về một mơ ước. Nhưng không phải mơ có được nền giáo dục giống của Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô hay bất kỳ quốc gia nào khác.
Mà là giấc mơ của nhân loại về một nền Giáo Dục Nhân Bản.
Nói là mơ, nhưng lại không mơ đâu!
Mà chính là hướng đi tất yếu của giáo dục phổ quát cho nhân loại, mọi dân tộc trong tương lai. Thật vậy, khoa học hiện đại (cơ học lượng tử ra đời vào khoảng giữa thế kỷ 20) đã đưa nhân loại lần đầu tiên đến với quan niệm triết lý mới về con người: Tinh thân và vật chất là 2 mặt của sinh năng. Sinh năng là một phần của vũ trụ năng (từ vụ nổ Big Bang và vũ trụ hiện còn đang tiếp tục dãn nở). Tinh thần – vật chất hiện hữu cùng một lúc, hỗ tương tác động và có thể hoán chuyển qua sinh năng. Nói như thế, Đông – Tây đúng lý ra đã phải là 2 mặt của nền văn minh nhân loại (như 2 mặt của một đồng tiến). Do đó, Nhân Bản Hóa xã hội loài người là tất yếu, trong đó Giáo Dục Nhân Bản giữ vai trò cốt lõi.
Trước khi nói về nền Giáo Dục Nhân Bản, thiết tưởng cần nói qua nền giáo dục hiện nay.
Chủ nghĩa cộng sản theo đuổi nền giáo dục đào tạo công cụ cho chế độ và nền văn hoá nô dịch nhằm điều kiện hóa tối đa con người trong khuôn khổ duy vật của chủ nghĩa Mác.
Thứ giáo dục áp chế này khiến con người trở nên cứng nhắc với những giáo điều, làm mất tự do cũng như nhân phẩm, khiến không thể thay đổi hay tiến hoá được. Thứ giáo dục, đã đào tạo sai lạc nhiều thế hệ, hậu quả là văn hoá suy đồi, không có đức độ, thì làm sao xã hội không càng ngày càng xuống dốc, con người không càng ngày càng tha hoá, hư hỏng, chỉ biết tham lam, bóc lột lẫn nhau. Nhờ đảng cán bộ trở nên giầu có, chỉ có dân chúng thiệt thòi, nông dân – công nhân nai lưng bán sức lao động mà không đủ sống, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm.
Chủ nghĩa cộng sản kinh điển, hay tư tưởng (?) Hồ Chí minh chỉ là những xác chết, những thây ma. Trong khi đời sống xã hội luôn linh động, phát triển.
Bộ chính trị đảng cộng sản Việt nam nghĩ rằng họ sẽ tìm thấy câu trả lời cho những vấn nạn của xã hội trong kinh điển thì họ đã sai lầm lớn!
Vấn đề không phải là cải tổ nền giáo dục – văn hoá mác xít tai hại này, mà chúng ta phải đấu tranh đòi hủy bỏ toàn bộ, chấm dứt ngay việc nhồi nhét vào đầu học sinh sinh viên những quan niệm trừu tượng hay những mớ kiến thức chuyên môn.
Nền giáo dục mới mang tính Nhân Bản, Khoa Học, Đại Chúng, Khai Phóng và Sáng Tạo. Ngắn gọn ta có thể nói:
– Tính Nhân Bản
Phát triển đồng đều và tối đa có thể tiềm năng cá nhân về cả hai mặt tinh thần lẫn vật chất vì là hai mặt của sinh năng (‘đẻ’ ra sự sống). Phát triển cân bằng này mới là yếu tố quan trọng cho cá nhân mưu cầu hạnh phúc.
– Tính khoa học
Khoa học Tây phương giúp giải thích những hiện tượng của thế giới tự nhiên bên ngoài qua những thí nghiệm, những công thức toán học.
Khoa học Đông phương là sự tìm hiểu bản chất thực sự bên trong của con người, là sự tìm hiếu vào bản thể mình: “Tôi là ai?” qua những huấn luyên thực nghiệm, qua trải nghiệm.
– Tính đại chúng
Ngày nay với internet có thể phổ biến các bài giảng, bài huấn luyện đến quần chúng ở hang cùng ngõ hẻm trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng núi, hay hải đảo. Giáo dục không còn là chỉ dành riêng cho người có tiền, có quyền, con ông cháu cha.
– Tính khai phóng
Chúng ta thừa kế và hưởng thụ gia sản nhân loại truyền qua bao thế kỷ, nhưng hoàn toàn không bị bó hẹp trong những hiểu biết đó. Nền giáo dục Nhân Bản luôn luôn khai mở ra cho thế hệ trẻ những bệ phóng để có thể lao vào và hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng nhất trong một đời người. Đó là:
– Tính sáng tạo
Trong công việc hàng ngày, hay trong nghệ thuật hay cao cấp hơn trong khám phá đại vũ trụ cũng như tiểu vũ trụ (con người), mỗi hành động của chúng ta đều luôn luôn mang tính khám phá, chứ không phải máy móc. Thế giới ở trong ta (sống với xã hội), nhưng ta không ở trong thế giới (đời sống nội tâm riêng).
Tính sáng tạo sẽ đưa đến NHÂN LOẠI MỚI với NỀN VĂN MINH MỚI trên căn bản triết lý mới về con người.
Nền tảng giáo dục mới Nhân Bản là đào tạo giới trẻ thành những con người hiểu về mình và môi trường mình đang sống; ý thức tương quan giữa người với người và giữa người với môi trường ấy.
Mục đích của nền giáo dục Nhân Bản là khêu gợi và phát triển tính Nhân Bản tiềm ẩn có sẵn trong mỗi con người, sống phù hợp với các qui luật của thiên nhiên, và trở thành những người có lòng tốt, có lòng vị tha, biết cảm thông, biết hướng thượng. Không bao giờ khêu gợi, kích thích những nhược điểm hay tật xấu trong con người.
Phần lớn con người Việt Nam trải qua bao năm chinh chiến, lại chịu ảnh hưởng của một nền giáo dục đầy thù hận, nên rất khó thay đổi. Cho nên
Cần nhắm vào tuổi thơ dễ uốn nắn.
Dù cho đứa trẻ gặp bất hạnh nhưng nếu được giáo dục đúng thì chính khổ đau này giúp trẻ thêm kiên nhẫn, chịu đựng và thương những người cùng cảnh ngộ. Dù cho sinh ra trong nhung lụa sung sướng, trẻ cũng không trở thành một người ích kỷ, tự đắc hay dễ dãi với bản thân mình.
Nếu khi còn nhỏ, trẻ được giáo dục kỹ lưỡng về luân lý, đạo đức, được vun trồng săn sóc cẩn thận thì sau này khi trưởng thành, tiếp xúc với đủ mọi ảnh hưởng tốt xấu, có thể đương đầu với điều xấu vì biêt phân biệt và đủ sức chống lại những cám dỗ.
Tóm lại nền Giáo Dục Nhân Bản làm cho con người phát triển toàn diện trong môi trường đang sống.
Một vị thầy theo đúng nghĩa không phải là người có nhiều kiến thức hay ăn nói lưu loát; mà phải là người dìu dắt đứa trẻ như bạn đồng hành, thích nghi với sự nẩy nở của trẻ, dậy bảo đúng với khả năng tiếp nhận của trẻ, không ỷ vào uy quyền để áp chế. Con người ai cũng ghét điều làm họ sợ, nên mệnh lệnh, đe doạ không bao giờ là giáo dục chân chính được.
Vì giáo dục là một nghệ thuật nên nhà giáo dục còn phải có tâm hồn của một nghệ sĩ, rộng mở với thiên nhiên, vui buồn với thế thái nhân tình, biết hoà nhịp cùng thời đại.
Nhà giáo dục phải có tự do trong việc đào tạo, huấn luyện những tâm hồn còn non dại, ngây thơ này. Chỉ những người có đức hạnh cao mới nên theo nghề thầy.
Giáo dục dự phần quan trọng trong phát triển xã hội. Con người nhìn cuộc đời ra sao tuỳ thuộc rất nhiều ở sự giáo dục của người đó.
Giáo dục không phải là bức rào ngăn cách con người, mà là một cây cầu nối liền con người với nhau.
Giáo dục là khai mở trái tim cũng như khối óc, tiềm lực con người được khai phóng, khả năng sáng tạo của con người có thể tuôn chẩy góp phần xây dựng một nền văn minh mới toả rộng khắp nơi.
Nếu con người biết sống đúng ý nghĩa của một con người, thì tương lai nhân loại ắt phải huy hoàng chứ không thể nào khác đi được.
HIỆN TẠI Khó khăn nhất nằm ở chỗ:
Lực lượng giáo chức Việt Nam phải nhận biết nền giáo dục Mác – Lê là vũng bùn lầy, mới ngừng không tranh đua nữa và nhất là muốn bước ra, rời bỏ nó. Đại đa số giáo chức ở chỗ riêng tư đều nói: nền giáo dục hiện tại là gàn dở, nghĩa là các vị đó còn không gàn dở. Chính lực lượng giáo chức phải làm cuộc cách mạng giáo dục Nhân Bản này, chứ không phải ai khác.
Lực lượng giáo chức phối hợp cùng hàng triệu sinh viên nạn nhân là động lực chính yếu chống lại và lật đổ bọn cán bộ quản lý giáo dục: Đó là hướng đấu tranh để cho ra đời nền giáo dục Nhân Bản tại Việt Nam.
Nói như thế đã tạm đủ những nét chính của nền giáo dục mới.
Tóm lại, Giáo Dục Nhân bản nhằm rèn luyện thân thể cũng như tinh thần, để con người có thể nhận biết, tỉnh thức và trưởng thành qua mỗi kinh nghiệm sống. Từ đó, khai phóng mọi khổ đau và vui sướng của cuộc đời.
Chúng ta cũng nên nhớ rằng cuộc sống mang tính biện chứng, nó tồn tại qua hai mặt đối lập. Không hạnh phúc nào mãi mãi, bằng không hạnh phúc sẽ mất hết ý nghĩa. Bất hạnh kế liền hạnh phúc như ngày và đêm. Mọi vui sướng đều có nỗi đau riêng của nó, và mọi nỗi đau đều có vui sướng riêng của nó.
Thế nên “ngay bây giờ và ngay tại đây”, bất cứ ở đâu bất cứ lúc nào, con người Nhân Bản luôn sống chính xác một cách mãnh liệt, vì biết rõ quá khứ là chuyện đã xẩy ra rồi, và khoảnh khắc tới không ai có thể biết là gì.
Sau những giấc mơ thật đẹp như thế về giáo dục, chúng ta đành trở lại thực tế phũ phàng đang ngự trị trên quê hương mình để cùng nhau chiến đấu cho một thể chế mới với nền giáo dục Nhân Bản.