Hiến pháp và Nhân quyền
LS Lê Trọng Quát
Hơn ba năm sau khi Thế chiến
thứ hai chấm dứt, hình ảnh kinh hoàng của những vụ tàn sát hàng triệu sinh mạng
trên gần khắp địa cầu đã thôi thúc mọi người phải xác quyết và khẳng định thượng
tôn quyền của con người: sống tự do, an toàn, phẩm cách được tôn trọng, sự phát
triển và thăng tiến cá nhân được khuyến khích.
Với sự đồng tình tuyệt đối,
ngày 10 tháng 12, 1948, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Bản Tuyên Ngôn
Quốc tế Nhân quyền. Quyền thiêng liêng của con người đã được thế giới chính
thưc công nhận. Và từ đấy, nhân quyền lần lượt hiện diện trong hiến pháp của
các quốc gia thành viên trước đấy chưa quan tâm đến nhân quyền. Tuy nhiên, vài
ngoại lệ còn tồn tại với 5 chế độ cộng sản còn sót lại. Bất hạnh thay, trong số
này có quốc gia Việt Nam
dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa (VNXHCN) !
Giữa lúc trong gần hai trăm
quốc gia lớn nhỏ, hiến pháp và nhân quyền khắn khít với nhau như hình và bóng
thì tại VNXHCN cái gọi là hiến pháp nhất định không chấp nhận nhân quyền, bị
xem như khí giới của « thế lực thù địch ». Đòi hỏi nhân quyền sẽ bị
trừng trị, đánh đập. Tranh đấu cho nhân quyền sẽ chắc chắn vào tù . Tách
riêng một thiểu số đảng viên cộng sản, 90 triệu người Việt còn lại bị xem là
« thế lực thù địch » và cảm tình viên của thế lực thù
địch, được canh chừng cẩn mật. Mới hai năm trước đây, thừa dịp Nhà Nước
cộng sản « cho » dân bày tỏ ý kiến tu chính hiến pháp, dân
chúng không mấy tin nhưng vẫn đề nghị một số tu chính nhằm công nhận một số dân
quyền và nhân quyến căn bản, họ đã hoàn toàn thất vọng.
Cộng sản còn, dân quyền và
nhân quyền thực sự không có chỗ đứng trong hiến pháp. Vì vậy, không có cách nào
hơn để dân quyền và rộng hơn quyền thiêng liêng của con người được công
nhận và triệt để tôn trọng, là tranh đấu, tranh đấu cho đến cùng chứ không
thể « xin cho ».
Một mai, trong sự thành lập
tân chế độ hậu cộng sản, nhân quyền đương nhiên là một mối quan tâm hàng đầu
của các nhà lập hiến đặng hoàn thành một hiến pháp trong đó nhân quyền và dân
quyền sẽ được khai triển và ghi khắc như một đảm bảo vững chắc cho các quyền tự
do của mọi công dân Việt Nam từ Bắc chí Nam và cho nền dân chủ của nước Việt
Nam tương lai, hòa bình, tiến bộ.
Hiến pháp và Nhân quyền sẽ
không còn là hai đối thủ như dưới thời VNXHCN.
Hiến pháp và Nhân quyền sẽ quyện lại với nhau thành
nền tảng chính trị của một thời đại mới huy hoàng của dân tộc Việt Nam.
- Hiến pháp và hiến pháp
Mọi quốc gia đều có hiến
pháp: một bản văn quan trọng nhất thông thường trình bày đúc kết nền tảng triết
lý chính trị của quốc gia, xác định tổ chức các lãnh vực hành pháp, lập pháp,
tư pháp qua các định chế liên hệ, các chính sách quốc gia căn bản về
chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, các quyền và bổn phận của công
dân, các nhân quyền phổ cập, sự điều hợp giữa các cơ cấu quốc gia…
Thế nhưng không phải hiến
pháp nào cũng giống nhau giữa các quốc gia. Qua giòng lịch sử thế giới,
chúng ta nhận thấy có hiến pháp của các quốc gia theo chế độ quân chủ chuyên
chế, quân chủ lập hiến, chế độ cộng hòa, chế độ cộng sản với những danh
xưng khác nhau ( Cộng Hòa Xã Hội Sô Viết gọi tắt Nga Sô, Cộng Hòa Nhân dân
Trung Hoa, Dân Chủ Nhân Dân các nước Đông Âu cũ và riêng Cộng sản Việt Nam với
hai danh xưng kế tiếp VN Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN ).
Riêng Vương Quốc Anh,
một nước dân chủ kỳ cựu nhất thế giới, đã từ 800 năm nay phát triển những
qui tắc có tính cách hiến định và luật hành chánh khởi nguồn từ hiến chương The
Magna Carta (1215) mà nhà vua John của Anh quốc buộc phải ký dưới áp lực của
một số quí tộc chống lại chính sách của Nhà vua áp đặt sưu thuế nặng nề, hạn
chế tự do cá nhân. Hiến chương The Magna Carta ban hành những điều có thể gọi
là dân quyền và nhân quyền đầu tiên trong lịch sử Anh quốc. Các luật lệ kế tiếp
được nghị viện thông qua tạo thành một thứ « hiến pháp không
thành văn » (constitution non écrite) độc đáo.
Trong lúc ấy, tám thế kỷ
sau, còn có những hiến pháp « thành văn » rõ ràng, được công bố
long trọng, ghi chú đầy đủ các điều khoản và nguyên tắc dân chủ, nhân quyền,
nhưng lại không được áp dụng hoặc chỉ được áp dụng phần nào.
Nhưng trên tất cả các sự
khác biệt, hiến pháp Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN)
năm 2013 đã tự tạo thành một hiện tượng khác thường sánh với non hai trăm nước không
cộng sản, khác thường vì:
1. ngay trong « Lời
nói đầu » của bản hiến pháp, các nhà lập hiến đã không dè dặt xác quyết : «
…………………………Thể chế hóa Cương Lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội ………………….. » nghĩa là biến Cương Lĩnh của Đảng Cộng
sản Việt Nam
thành thể chế chính trị của quốc gia !
2. tiếp theo là điều 4 quái dị
đặt đảng cộng sản trên đầu quốc gia dân tộc : « Đảng
Cộng sản Việt Nam – đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng
thời là đội tiền phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, lấy chủ
nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng – là lực lượng
lãnh đạo Nhà nước và xã hội…………………………………………………………………………………………………….. ».
Nhân quyền và dân quyền
không thể và không còn chỗ đứng trong một hiến pháp như vậy, cưỡng đặt
một quốc gia dưới sự lãnh đạo của một đảng phái, lại còn tự nhận lệ thuộc một
chủ nghĩa ngọai lai và tệ hại hơn nữa, một chủ nghĩa đã bị đào thải ngay trong
hầu hết các nước đã áp dụng nó và phải trả giá đắt. Tổng cọng hơn một trăm
triệu sinh linh, theo tổng kết nghiêm chỉnh nhất của các tổ chức độc lập theo
dõi tiến trình phát triền của các quốc gia thuộc khối Cộng sản quốc tế kể từ
cuộc cách mạng bôn-sê-vít năm 1917 ở nước Nga và lan rộng nhiều vùng trên địa
cầu cho đến ngày Đế quốc Nga Sô và các chế độ chư hầu ở Đông Âu sụp đổ.
- Nhân quyền
Trước khi tóm lược lịch sử
của nhân quyền từ khi nhiều quốc gia đã thành hình trên địa cầu, thiết tưởng
cần nhắc lại rằng nhân quyền không phải là một ân huệ của bất cứ quyền
lực nào ban phát cho con người. Trong nhiều hệ thống luật pháp
hiện đại, ngay từ khi còn là một bào thai thành hình trong bụng mẹ, nó đã có
quyền trong di sản của người thân dành cho nó khi nó chào đời. Như từ ngữ đã rõ
ràng, nhân quyền hay quyền của con người, là một quyền tự nhiên, thiết
thân với con người. Từ mấy ngàn năm trước, các nhà triết học thời cổ La mã – Hy
lạp, Platon, Marc Aurèle… cũng như các văn bản tôn giáo, văn chương,
triết học qua các thời đại đều không nói khác.
Thế nhưng cần phải nhắc lại
vì vào thế kỷ thứ 21 này, vẫn có một số rất ít chế độ chính trị, đứng đầu là
các chế độ cộng sản còn sót lại sau cơn đại hồng thủy 1989-1991 quét sạch Khối
Cộng sản Nga Sô và Đông Âu, các chế độ cộng sản này tiếp tục xem nhân quyền như
một đặc quyền của họ mà dân chúng phải « xin cho ». Trước chính sách
bạo hành dân chúng mà Việt Nam XHCH là một trường hợp điển hình, có vài quốc
gia can thiệp một cách lịch sự nhưng gặp phải hoặc là lời hứa hẹn sẽ xem xét,
hoặc là phản đối và xem sự can thiệp như một hành vi xen lấn vào chủ
quyền của quốc gia, hay kỳ quái hơn nữa bảo rằng « nhân quyền của
nước tôi không phải như vậy nên không có gì phải quan tâm ……. » ! Lẽ
phải và lương tri không thể nào chấp nhận những luận cứ ngoan cố và vô ý thức
như vậy khi quyền của con người đã được công nhận từ nhiều ngàn năm lịch sử, kể
từ khi nhiều quốc gia và nhiều nền văn minh đã thành hình trên quả đất.
Thật vậy, năm 539 trước kỷ
nguyên Thiên Chúa, Cyrus Đại Đế (Cyrus le Grand) ở Ba –Tư (Perse) đã tạo nên
tiền lệ nhân quyền. Sau khi chiếm Babylone, bằng hành động rất ngoạn mục, Nhà
vua giải thoát tất cả người nô lệ và phán rằng tất cả mọi người đều có
quyền lựa chọn tôn giáo của mình, một thứ quyền rất quan trọng mà mãi đến
bây giờ, hơn hai mươi lăm thế kỷ sau, cộng sản vẫn không thực tình tôn trọng và
trên thực tế vẫn xử dụng mọi cách để chèn ép các tôn giáo, cướp đoạt tài sản
các giáo hội. Bản mẫu ghi khắc tuyên cáo của Cyrus Đại đế còn được lưu giữ và
quốc gia Iran tặng cho Liên Hiệp Quốc năm 1971 và LHQ đã chuyển ngữ ra tất cả các
ngôn ngữ chính thức.
Tuyên cáo của Cyrus Đại Đế
đã được công nhận là Tuyên ngôn Nhân Quyền đầu tiên của lịch sử loài người.
Mười tám thế kỷ sau, Hiến
chương The Magna Carta 1215 vừa là khuôn mẫu một hiến pháp như đã ghi trên,
đồng thời là một tuyên ngôn nhân quyền với sự ban bố những quyền đặc biệt tiến
bộ của con người vào thời bấy giờ như quyền của giáo hội (công giáo) sinh hoạt
tự do, chính quyền không được can thiệp vào sự sinh hoạt nội bộ của giáo hội,
quyền của mọi người dân tự do sở hữu tài sản và di sản và không bị đánh thuế
quá nặng, quyền của mọi người được xét xử đúng pháp luật và bình đẵng trước
công lý……..Đúng 800 năm sau hiến chương này, con người Việt Nam dưới chế độ xã
hội chủ nghĩa hiện thời có được hưởng những quyền thiết yếu ấy không ?!
Cũng tại Vương quốc Anh, năm
1628, Nghị Viện đã thông qua dưới triều vua Charles Đệ Nhất, một loạt các quyền
tự do dân sự làm nền tảng cho sự phát triển nhân quyền mà quan trọng nhất
là qui tắc habea corpus được thi hành năm 1679 dưới thời Charles Đệ
Nhị.Theo qui tắc quan trọng này, mọi sự giam giữ người phải được phép của vị(
thẩm phán để bảo đảm cho quyền tự do cá nhân. Qui tắc habea corpus
sẽ được liên tục áp dụng tại nhiều quốc gia cho đến bây giờ với vài chi tiết áp
dụng khác nhau mà thôi.
Một hế kỷ sau, nhân quyền
lại được thể hiện rõ nét trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 4 tháng 7, 1776 của
Hiệp- chủng -quốc Hoa Kỳ và trong hiến pháp 1787 của quốc gia này.
Cuộc cách mạng 1789 của Pháp
cũng đề cao nhân quyền trong bản « Tuyên ngôn nhân quyền và dân
quyền », khẳng định rằng : « Mọi người sinh ra và lớn lên
tự do và bình đẳng trước pháp luật » và nhân quyền là những quyền bất khả triệt
tiêu (droits imprescriptibles) của con người có giá trị phổ cập trên toàn cầu.
Nhưng bước đột phá cuối cùng
mang tính chính thức là bản « Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền » ( la
Déclaration des Droits de l’Homme – The Universal Declaration of Human Rights )
được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp nhận ngày 10 tháng 12, 1948. Từ đấy,
hai Công ước quốc tế được sọan thảo và chấp thuận, kết hợp với bản Tuyên ngôn
quốc tế nhân quyền thành Bộ Luật quốc tế Nhân quyền ( Intrnational Bill of
Human Rights) :
1. Công ước quốc tế về các
quyền kinh tế, xã hội và văn hóa
2. Công ước quốc tế về các
quyền dân sự và chính trị
Hai công ước này được thông
qua năm 1966 và có hiệu lực thi hành năm 1976 sau khi được một số quốc gia chấp
nhận và phê chuẩn. Nhiều quốc gia còn tiếp tục phê chuẩn và rất nhiều văn kiện
kế tiếp khai triển các công ước trong nhiều lãnh vực từ những quyền tự do cá
nhân căn bản cho đến quyền dân tộc tự quyết, quyền lao động, sự cấm chỉ tra
tấn. v.v…
Nếu quả thật mục đích của
các tác giả đa-quốc gia và đầy thiện chí của Bộ Luật quốc tế nhân quyền đáng
kính phục vì lý tưởng tự do, dân chủ, vì sự tôn trọng giá trị siêu việt của con
người, vì lòng mong muốn xây dựng một thế giới an lạc hòa bình sau hai cuộc thế
chiến gây tang tóc cho một phần nhân loại thì tiếc thay, thực tế lại khá phủ
phàng. Một số quốc gia vẫn không áp dụng các quyền tự do căn bản của con người
dù đã ký kết vào tất cả ba văn bản ghi trên của Bộ Luật quốc tế Nhân Quyền.
Thậm chí có thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền, cơ quan tối cao của Liên Hiệp
Quốc về nhân quyền, lại là quốc gia vi phạm nhân quyền công khai và trắng trợn:
trường hợp Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa là một !
Vượt quá các quốc gia, quyền
của con người lại đang phải trải qua một thử thách mới do sự mù quáng của một
số tín đồ cực đoan của đạo Hồi, một tôn giáo lớn có mặt gần khắp địa cầu. Quyền
tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng đang bị đe dọa nghiêm trọng
ngay trong lòng các quốc gia Tây phương như vụ tàn sát các ký giả của tờ báo
Charlies Hebdo ở Pháp vừa qua và tiếp theo, tại thủ đô Đan Mạch với thiệt hại
nhẹ hơn vì hung thủ không dột nhập được vào hội trường, nơi đang diễn ra
một buổi thảo luận về quyền tự do phát biểu, tự do báo chi qua vụ Charlies
Hebdo ở Pháp.
Nhân quyền còn bị vùi đạp
man rợ hơn nữa tại vùng ranh giới Irak và Syrie. Một nhóm cực đoan chiếm cứ một
vùng ở đây, lợi dụng cuộc chiến chống chính quyền Syrie tại vùng tranh chấp này,
đã thành lập một « Quốc gia Hồi giáo Irak- Syrie » ( Islamic State of
Irak and Syria) áp dụng những cực hình làm lu mờ những cực hình của thời Trung
Cổ, như chặt đầu, thiêu sống nạn nhân mà một số bị chúng kết tội « tà
đạo » vì không cùng một tôn giáo với chúng.
Thiết tưởng trong những vụ
được gọi là khủng bố của hồi giáo cực đoạn đã và đang xẩy ra ở nhiều nơi, đặc
biệt ở Trung Đông, Phi Châu, Âu Châu, Úc, Gia nã đại, phần lớn nguyên do
bắt nguồn từ thái độ hận thù của khuynh hướng Hồi giáo cực đoan đối với
đạo Do Thái và Thiên Chúa giáo, trở thành đố kỵ và dị ứng với văn minh Tây
phương. Vụ quốc gia Israel
chiếm cứ lãnh thổ của Palestine
mà đa số dân chúng theo đạo Hồi, kéo dài hơn nữa thế kỷ nay trước sự bất lực
của cộng đồng thế giới càng khiến cho tâm lý hận thù thêm nặng nề. Tính mạng
của con người, quyền sống tự do, mưu cầu hạnh phúc bị thường xuyên đe dọa. Nhân
quyền không còn được coi trọng nữa trong bối cảnh của hận thù tập thể, của
cuồng tín mù quáng làm lu mờ lý trí, đánh mất lương tâm và lòng nhân đạo.
- Hiến Pháp và Nhân Quyền
Nếu lịch sử của nhân quyền
đang còn bị hoen ố bởi một số chế độ chính trị lỗi thời, lạc hậu đi ngược trào
lưu dân chủ tự do của thế giới và bởi sự cuồng tín mù quáng của một số quần
chúng trong vài quốc gia kém mở mang thì ngược lại, nhân quyền, nói chung, có
một vị trí đáng kể trong hiến pháp của đại đa số quốc gia và ngay cả trong sinh
hoạt dân chúng qua những tổ chức xã hội dân sự.
Trong mọi hiến pháp của các
nước tự do dân chủ, hầu hết các chương mục quan trọng đều thể hiện ý niệm nhân
quyền, từ nền tảng triết lý chính trị đến các chính sách quốc gia văn hóa, giáo
dục, xả hội, dân sinh, kinh tế, chính trị. Tất cả đều phải đồng qui về một mục
tiêu: phục vụ người dân, vì có dân mới có quốc gia, Nhà Nước, một nguyên lý đã
được đề cao gần 2400 năm trước : « Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân
vi khinh » (Mạnh Tử), chứ không phải đợi đến các chính khách, các luật gia hiến
pháp học bây giờ. Và quyền công dân chỉ là quyền của con người, một nhân quyền
được kiến trúc trong khuôn khổ một xã hội đã được tổ chức thành một quốc gia.
Sự hiện diện của đầy đủ nhân
quyền trong một hiến pháp chứng tỏ mức độ cao của nền dân chủ của quốc
gia ấy. Ngược lại, sự vắng bóng nhân quyền hay sự thiếu sót bảo đảm một cách
minh thị nhân quyền trong một hiến pháp tố cáo một chế độ chính trị mờ ám nếu
không phải là độc đoán, độc tài.
Các hiến pháp của các quốc
gia dân chủ có thể khác nhau về mô hình của thể chế nhưng nội dung về chất
lượng dân chủ, tự do, nhân quyền không khác biệt nhau đáng kể. Riêng về Việt Nam Cộng Hòa
trước 1975, chúng ta có hai hiến pháp của Đệ Nhất và Đệ nhị Cộng Hòa, 1956 và
1967, đều theo tổng thống chế (régime présidentiel). Dù trong hoàn cảnh bạo
loạn và chiến tranh do cộng sản phát động, hai hiến pháp vẫn thể hiện đúng mức
dân chủ và nhân quyền. Vài hạn chế vì lý do an ninh và chống Cọng thực ra quá
ít so với tình thế lúc bấy giờ.
Nói chung, dù ở trong mô
hình nào kể trên, hiến pháp của các nước dân chủ hiện đại cũng dành cho nhân
quyền một vị trí hàng đầu thể hiện trong các quyền công dân căn bản bên cạnh những điều khoản
khác về thể chế chính trị, các chính sách quốc gia, tổ chức công quyền, sự hoạt
động của các định chế quốc gia .v.v…
Mọi đạo luật của cơ quan lập
pháp, mọi quyết định của hành pháp như sắc lệnh, nghị định .v.v… có thể bị Viện
Bảo Hiến hủy bỏ nếu vi phạm một điều khoản hay ngay cả tinh thần của hiến pháp.
Tại Hoa Kỳ, Tối cao Pháp viện Liên bang hành sử thẩm quyền của Viện Bảo Hiến
như vừa kể trên, nước Pháp và Việt Nam Cộng Hòa đều có một Viện Bảo Hiến riêng
biệt mà tổ chúc gần giống nhau. Một điều khỏan luật lệ vi phạm nhân quyền trái
với hiến pháp đều bị xem là vi hiến, phải bị hủy bỏ.
- Nhân quyền và quyền dân tộc tự quyết
Nhân quyền cũng là lẽ sống
của một con người. Tôn trọng nhân quyền là nhìn nhận giá trị siêu việt của con
người mà không một thế nhân nào, không một quyền bính nào có thể tước đoạt.
Nhân quyền không phải là một vật « xin, cho ». Ròng rã bốn mươi năm
nay, cuộc tranh đấu đòi lại nhân quyền không lúc nào ngưng nghỉ, chỉ khi yếu,
khi mạnh nhưng khí thế mãnh liệt hơn với thời gian. Vì sự sợ hãi cá nhân đã
nhường bước cho lòng can đảm tập thể. Vì phần lớn cộng đồng quốc tế đã can
thiệp với chính quyền cộng sản.
Nhưng tiếc thay, cộng sản
Việt Nam
vẫn ngoan cố chối cãi hoặc giải quyết vài trường hợp để khỏi làm mất mặt một
vài quốc gia mà chúng mang ơn. Kinh nghiệm ê chề này chắc chắc sẽ kéo dài vô
tận. Tiềm lực quốc gia suy yếu giữa lúc hiểm họa ngoại xâm ngày càng gia tăng.
Trước thế nước như vậy,
chiến lược tranh đấu cho nhân quyền phải thay đổi và phải lồng vào trong cuộc
tranh đấu giành lại quyền tự quyết của dân tộc. Vì sự sống chung nhân quyền với
một chế độ độc tài toàn trị là một nghịch lý tuyệt đối. Vì chỉ khi nào dân tộc
đã giành lại được quyền tự quyết của mình để thiết lập một thể chế chính trị
dân chủ, tự do thực sự thì nhân quyền mới được áp dụng và tôn trọng đúng mức,
thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của con người, thể chất và tâm linh.
LS Lê Trọng Quát