Cách Mạng Pháp 1789 và Việt Nam 1945

  Nguyễn Gia Kiểng

 

 Nhìn lại hai cuộc Cách Mạng Pháp 1789 và Việt Nam 1945

CHÚNG TA ở trong thời điểm kỷ niệm hai cuộc cách mạng, Cách Mạng Pháp 1789 và Cách Mạng Việt Nam 1945. Lý do để nhắc tới cùng một lúc trong bài này hai biến cố đó không phải vì chúng cùng xảy ra trong mùa hè mà vì chúng diễn ra dưới tác động của cùng một phong trào: phong trào lãng mạn (the romantic movement, le mouvement romantique). Phong trào này phải được nói tới vì ảnh hưởng quan trọng của nó trong lịch sử thế giới và nước ta. Chúng ta còn đang gánh chịu những hậu quả của nó.

      Phong trào lãng mạn, như một trào lưu tư tưởng đã bắt đầu tại Pháp trong thế kỷ 18, thế kỷ nở rộ của văn học, nghệ thuật và tư tưởng, và thường được gọi là Thế Kỷ Ánh Sáng.
      Khuynh hướng lãng mạn thời nào cũng có ở mọi quốc gia đã đạt tới một mức độ văn minh nào đó. Nó là phản xạ tự nhiên của con người trước những gò bó của xã hội, là một cố gắng vượt thoát khỏi thực tại và cũng là một động cơ của tiến bộ. Mọi nghệ sĩ lớn không nhiều thì ít đều lãng mạn. Nhưng nói chung tư tưởng lãng mạn chỉ đột xuất, chợt đến và qua đi, ở từng người, trong một số ít người. Nó đã chỉ trở thành một trào lưu tư tưởng mạnh, hướng dẫn cách suy nghĩ và hành động vào thế kỷ 18 tại Pháp rồi từ đó lan ra các nước khác. Sang thế kỷ 19 trung tâm phong trào lãng mạn chuyển sang nước Đức vừa thống nhất và trở thành một luồng tư tưởng chính trị mãnh liệt. Luồng tư tưởng này, phối hợp với các điều kiện lịch sử và văn hóa của mỗi nước châu Âu đã đẻ ra các chủ nghĩa quốc gia quá khích, cộng sản, phát xít và nazi.
      Người Pháp ngay từ thế kỷ 17 đã nâng niu một điều mà họ gọi là la sensibilité, tạm dịch là sự nhậy cảm, nhưng thực ra rất khó dịch vì là một đặc sản của tiếng Pháp. Nó có nghĩa là khả năng xúc động và cảm thương một cách dễ dàng và mãnh liệt không có sự can thiệp của lý trí. Một người lãng mạn có thể xúc động mạnh mẽ trước một cảnh đau lòng nhưng lại dửng dưng trước một kế hoạch  tỉ mỉ để cải thiện xã hội, cải thiện dân sinh. Lý luận phải vắng mặt để sự nhậy cảm, la sensibilité, được chân chính và toàn vẹn. Trái tim là tất cả.
      Con người đã đưa khuynh hướng lãng mạn lên thành một phong trào tư tưởng mãnh liệt tại Pháp, đồng thời biến nó từ một phong trào thơ văn thành một thái độ chính trị áp đảo là Jean-Jacques Rousseau (1712-1778). Ông sống bụi đời từ thời thơ ấu, đi bộ lang thang khắp đó đây, khi sống nhờ những gia đình giàu có, khi nhờ vả những người cũng nghèo khổ như ông và đáp lại một cách rất tệ bạc. Ông lấy một người vợ xấu xí, dốt nát, có được năm đứa con đem bỏ hết vào trại mồ côi và không bao giờ biết đến chúng nữa. Nói chung là một cuộc sống hoàn toàn thiếu cái thường được gọi là liêm sỉ và đạo đức. Nhưng điều này không làm Rousseau áy náy vì ông yên trí là đã có trái tim nhậy cảm. Rousseau cảm xúc thực tình và diễn tả cảm xúc của mình bằng những câu văn trác tuyệt. Rousseau là một nhà văn thiên tài. Văn chương của ông đã khiến người ta say mê, chấp nhận những ý kiến của ông và tạo ra cả một phong trào lãng mạn áp đảo mà ảnh hưởng kéo dài suốt hai thế kỷ, và ở một chừng mực nào đó còn kéo dài tới ngày nay.
      Rousseau chống lại văn minh, ông cho rằng văn minh làm hư hỏng con người; ông chống lại giáo dục, ông cho rằng con người hoang dại suy nghĩ đúng nhất vì suy nghĩ một cách trong sạch. Ông chủ trương phải hủy bỏ quyền tư hữu, hủy bỏ mọi tổ chức sinh hoạt kinh tế, chấm dứt cuộc cách mạng kỹ nghệ vừa bắt đầu lúc đó để trở lại với cuộc sống giản dị và thơ mộng của nông thôn. Những người lãng mạn theo Rousseau đặt cái đẹp và cảm xúc mạnh lên trên hết. Họ yêu con cọp xé xác họ vì nó đẹp và dữ tợn hơn là con bò cho họ sữa uống và thịt ăn vì con bò hiền lành và tầm thường. Đập phá hứng thú hơn xây dựng vì đập phá cho cảm xúc mạnh trong khi xây dựng đòi hỏi mồ hôi và sự nhẫn nại, những cái mà trường phái lãng mạn ghét nhất. Cái chết đáng yêu hơn sự sống vì cái chết bi đát và gợi cảm hơn cuộc sống đều dặn và tẻ nhạt, chết trong tuổi thanh xuân là rất thơ mộng.
      Không phải chỉ có người Pháp mà hầu như mọi nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng cuộc Cách Mạng Pháp 1789 đã chịu ảnh hưởng quyết định của trường phái lãng mạn mà Rousseau được coi là cha đẻ. Công bằng mà nói, cuộc cách mạng này là đứa con chung của hai người rất khác nhau, John Locke và Jean-Jacques Rousseau. John Locke (1632-1704), trước Rousseau gần một thế kỷ, là một con người thông thái, hiền hòa, cha đẻ của tư tưởng dân chủ và nhân quyền, bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ năm 1776 cũng như bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Pháp năm 1789 có nhiều câu gần như nguyên văn của ông. Lý trí của cuộc cách mạng này, thể hiện qua các văn bản và định chế, là của Locke nhưng tình cảm và động cơ của nó là của Rousseau. Nó đã là một cuộc cách mạng đẫm máu và kinh hoàng, trong đó người ta đập phá và chém giết thả cửa. Sau khi đã tiêu diệt giới quí tộc và hàng giáo phẩm, nó quay lại tàn sát chính người  đã hô hào chủ xướng nó như Danton, Condorcet, v.v. Sự tàn sát đã đạt tới cao điểm trong giai đoạn được gọi một cách chính xác là La Terreur (Kinh Hoàng) khi Robespierre và Saint Just cầm quyền. Quốc ca của nước Pháp ngày nay vẫn là bài La Marseillaise của Rouget de Lisle, nó kêu gọi :
      Công dân ơi, hãy cầm khí giới ! Hãy thành lập những đạo quân! Tiến lến! Tiến lên! Để máu tanh hôi tràn ngập ruộng đồng! (Aux armes, citoyens! Formez vos bataillons!Marchons, marchons! Qu’un sang impur abreuve nos sillons !).
      Trong biển máu tanh hôi đó suýt nữa có cả máu của Rouget de Lisle vì sau đó chính ông cũng suýt bị hành quyết.
      Nhưng ảnh hưởng của trường phái lãng mạn không dừng lại ở cuộc cách mạng này, tâm lý bạo lực và chém giết tiếp tục nuôi dưỡng các cuộc chiến tranh thảm khốc của Napoléon sau đó bởi vì giết chóc và chiến tranh không bị nguyền rủa mà còn được coi là hùng tráng. Trước 1789, Pháp là nước lớn nhất châu Âu, mạnh hơn tất cả phần còn lại của châu Âu cộng lại. Sau đó, nước Pháp kiệt quệ và không gượng dậy được. Pháp cho tới bây giờ vẫn còn là một bí ẩn : tại sao một nước có lãnh thổ lớn, khí hậu tốt, vị trí tuyệt vời, đất đai phì nhiêu, trí tuệ cao, văn hóa phong phú mà không vượt nổi các các nước châu Âu khác, không những thế còn thua sút ? Vết thương của cuộc Cách Mạng 1789 vẫn chưa lành.
      Chúng ta đã nói cuộc cách mạng này là sản phẩm của hai luồng tư tưởng rất trái ngược nhau,
John Locke (1632-1704)
“Mọi con người đều bình đẳng và độc lập, không một ai được làm hại cuộc đời, sức khỏe, tự do hoăc tư hữu của một người khác. (All mankind... being all equal and independent, no one ought to harm another in his life, health, liberty or possessions)
tiêu biểu bởi John Locke và Rousseau. Mới đầu sự trái ngược này không được ý thức, nhưng sau đó sự đối chọi của chúng trở thành rõ rệt không thể dung hòa. Chúng đã tách ra hai lối đi khác nhau. Hậu duệ của John Locke là những Washington, Jefferson, Churchill, de Tocqueville, v.v. và các chế độ dân chủ. Hậu duệ của Rousseau là những Karl Marx, Bakunin, Auguste Blanqui, Saint Simon, Nietzche, Schopenhauer, Hitler, Mussolini, Lenin, Stalin, v.v. và các chế độ cộng sản, phát xít, Nazi. Một đại lộ thênh thang và những ngõ cụt đẫm máu.
      Tôi biết đến Jean-Jacques Rousseau lần đầu tiên khi học sử thế giới ở các trường trung học Việt Nam, các cuốn sách sử Việt Nam và các thầy giáo của tôi ca tụng cuộc Cách Mạng Pháp 1789 như là một cột mốc đánh dấu một bước tiến vĩ đại của nhân loại và Rousseau như là một ân nhân của nhân loại vì đã là người khai sáng ra cuộc cách mạng đó. Tôi ngưỡng mộ Rousseau như mọi thanh niên Việt Nam vì chúng tôi đã được dạy bảo để ngưỡng mộ ông. Tại Pháp tôi đọc các tác phẩm của Rousseau và rất thất vọng. Khi thấy Hegel và Karl Marx nằm trong luồng tư tưởng Rousseau, tôi cũng tìm đọc và cũng có cùng một thái độ. Cả Rousseau và Marx đều có đặc tính chung của trường phái lãng mạn : hời hợt, hồ đồ và mâu thuẫn trong lý luận nhưng lại quả quyết, tuyệt đối và quá khích trong các kết luận.
      Rousseau ca tụng nông dân nhưng ông chưa bao giờ làm nghề nông hay chia sẻ nếp sống của nông dân, ông chỉ là một người lang thang. Marx đề cao giai cấp công nhân và đưa ra cả một lý thuyết kinh tế, nhưng ông là một nhà báo và một học giả, không biết gì về cuộc sống công nhân và mù tịt về kinh tế. Tôi chưa bao giờ bị cám dỗ vì những gì họ đã nói và viết, hơn thế nữa còn bác bỏ một cách không nể nang trong mọi phát biểu, dù thập niên 1960, lúc tôi là sinh viên, là thời điểm mà tại Pháp người ta cho rằng một người trí thức đương nhiên phải theo chủ nghĩa Marx.
      Phải nhấn mạnh một điều: chính Rousseau chứ không phải Marx mới là cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản và các chế độ cộng sản. Rousseau hô hào một chế độ cộng sản nông dân, trong khi Marx coi giai cấp công nhân là nền tảng. Tất cả các chế độ cộng sản được thành lập - dù tại Nga, tại Trung Quốc, tại Cao Ly, tại Việt Nam, Cuba hay mọi nước khác - đều là chế độ cộng sản nông nghiệp lấy nông dân làm nền tảng. Cái ý kiến cho rằng chỉ những người nông dân mộc mạc vô học mới là những lãnh tụ tốt cũng là của Rousseau chứ không phải của Marx. Sở dĩ các chế độ cộng sản đề cao Marx thay vì Rousseau là vì Marx đưa ra cả một chủ nghĩa bề ngoài có vẻ hệ thống và mạch lạc, bao gồm cả lịch sử, triết học và kinh tế và do đó đem lại cho các chế độ cộng sản một hệ thống lý luận hào nhoáng trong cuộc tranh cãi ý thức hệ với phe dân chủ. Nhưng các chế độ cộng sản đã là con đẻ của Rousseau chứ không phải của Marx. Sự kiện các chế độ quốc gia chống cộng tại Việt Nam, với đầy rẫy những người có bằng cấp đại học, ái mộ Rousseau mà không có lấy một người nhận ra ông vừa bệnh hoạn vừa là cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản đang đe dọa tiêu diệt họ là một bằng chứng hùng hồn rằng người Việt Nam chỉ học để nhồi đầy đầu chứ không phải để biết suy nghĩ.
      Trở lại với cuộc Cách Mạng Tháng 8-1945. Ảnh hưởng của trường phái lãng mạn rất rõ rệt. Quá rõ rệt. Có lẽ vì Pháp đô hộ Việt Nam mà những thảm họa đã xảy ra cho Pháp một thế kỷ rưỡi trước đã được lập lại một cách gần như trọn vẹn. Cũng như tại Pháp, phong trào lãng mạn Việt Nam đã khởi đầu, từ thập niên 1930, từ thơ văn với cùng một tinh thần: tìm cảm giác mạnh, say mê sự dữ dội, xa lạ, rùng rợn và cuồng nhiệt, hành động để thỏa mãn cảm xúc, bất chấp kết quả và hậu quả.
      Thế Lữ có lẽ là người đại diện tiêu biểu nhất của trường phái lãng mạn tại Việt Nam trước Cách Mạng Tháng 8.
      Anh dù bảo tính tình tôi thay đổi
      Không chuyên tâm không chủ nghĩa nhưng cần chi
      Tôi chỉ là một khách tình si
      Ham vẻ đẹp của muôn hình muôn vẻ
      …
      Cảnh vĩ đại sóng nghiêng trời thác ngàn đổ
      Nét mong manh thấp thoáng cánh hoa bay
      Cảnh cơ hàn nơi nước đọng bùn lầy
      Thu xán lạn mơ hồ trong ảo mộng
      Cảnh nô nức ganh đua đời náo động
      Tôi đều yêu, đều kiếm, đều say mê
      Vẻ đẹp là tất cả, dù là "cảnh cơ hàn nơi nước đọng bùn lầy", miễn là tạo ra cảm xúc. Nên lưu ý là tác giả không hề bày tỏ một ý chí nào để chấm dứt cảnh cơ hàn đó, trái lại ông say mê nó. Lãng mạn và yêu cảm xúc mạnh tự nhiên dẫn tới sự say mê bạo lực và sự dữ tợn ; Thế Lữ cũng yêu con cọp hung dữ hơn con trâu hiền lành, như ông diễn tả trong bài Nhớ rừng, nói về con cọp :
      Với tiếng gió gào ngàn với giọng nguồn hét núi
      Với khi thét khúc trường ca dữ dội
      Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng
      Luợn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
      Vờn bóng âm thầm lá gai cỏ sắc
      Trong hang tối mắt thần khi đã quắc
      Là khiến cho mọi vật đều im hơi
      Ta biết ta chúa tể cả muôn loài.
      Dù con cọp đây chỉ là con cọp trong cũi, đã bị con người nhỏ bé tầm thường bắt nhốt để "làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi".
      Chắc chắn Thế Lữ chịu ảnh hưởng sâu đậm của Rousseau. Ông tự giới thiệu "tôi là người bộ hành phiêu lãng" như hình ảnh của Rousseau. Chỉ khác một điều Rousseau đích thực là một người bộ hành phiêu lãng, trong khi Thế Lữ chỉ là một khách bộ hành phiêu lãng trong trí tưởng tượng. Ông sống ở thành phố. Cảm hứng tuy vay mượn nhưng cũng rất mãnh liệt. Ảnh hưởng của Thế Lữ và trào lưu thi ca lãng mạn rất lớn. Nguyễn Ngọc Huy, một nhà cách mạng kiên trì phấn đấu cho tới hơi thở cuối cùng, cũng chịu ảnh hưởng lớn của Thế Lữ. Những bài thơ của Nguyễn Ngọc Huy, dưới bút hiệu Đằng Phương, mượn nhiều của Thế Lữ cả về cả âm điệu lẫn hình ảnh và cách dùng từ. Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), một nhà cách mạng nổi tiếng, cũng lãng mạn. Nhân vật Dũng trong Đôi Bạn của ông, không cần biết đi làm cách mạng để làm gì và phải làm thế nào để thành công, chỉ thích cuộc đời gian lao, mưa gió. Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng không khác bao nhiêu, làm cách mạng một cách lãng mạn, say mê bạo lực dù không có phương tiện của bạo lực để rồi ngã gục trước bạo lực.
      Cũng như Cách Mạng 1789 tại Pháp, Cách Mạng Tháng 8 tại Việt Nam đã xảy ra trong một bối cảnh mà phong trào lãng mạn đã đạt tới cao điểm. Phong trào này với bản chất phóng đãng không chuyên tâm, không chủ nghĩa, không tổ chức và không tham vọng không thể tự nó gây ra một cuộc cách mạng nào nhưng đã tạo ra một tâm lý. Và khi một cuộc cách mạng xảy ra vì những lý do khác thì chính tâm lý này sẽ trở thành động cơ chính, sẽ nhào nặn, sẽ quyết định cách mà nó sẽ diễn ra, cũng như các kết quả và hậu quả của nó.
      Cũng như Cách Mạng Pháp 1789, Cách Mạng Tháng 8-1945 đã diễn ra trong sự suy sụp của quyền lực chính trị. Tại Pháp năm 1789, ngân sách nhà nước cạn kiệt, vua Louis 16 phải triệu tập hội đồng quốc dân (états généraux) để đòi hỏi nhân dân những hy sinh mới vào giữa lúc mà tư tưởng dân chủ đã chín muồi sau hơn một thế kỷ thai nghén. Hội đồng quốc dân đã nhanh chóng trở thành hội đồng cách mạng lật đổ chế độ quân chủ. Tại Việt Nam, chính quyền thuộc địa Pháp bị Nhật lật đổ, rồi Nhật cũng thua trận và phải đầu hàng trong khi nguyện vọng độc lập đã lên cao. Đảng cộng sản dù lực lượng nhỏ, chỉ vài trăm người với kiến thức thô sơ và rất ít vũ khí, đã nắm được chính quyền vì là lực lượng duy nhất có tổ chức vào lúc đó. Phong trào lãng mạn đã đóng góp một cách quyết định vào thắng lợi của đảng cộng sản và, quan trọng hơn nữa, đã biện minh cho chính sách khủng bố tàn bạo mà nó áp dụng lúc đó và sau này trong suốt hai cuộc chiến được gọi là chống Pháp và chống Mỹ nhưng chủ yếu là những cuộc nội chiến, bởi vì bạo lực, phá hoại và giết chóc không những không bị lên án mà còn được say mê. Những bài ca kháng chiến một thời làm nức lòng người nói lên rất rõ tâm lý này.
      Phạm Duy :
      Lúc phá hết phố phường biệt ly đời gấm hoa
      Người vui đời áo nâu quên hết ưu sầu
      Đúng là các thành phố đã bị phá hủy trong chính sách tiêu thổ kháng chiến, nhưng làm gì có "đời gấm hoa"? Lúc đó Việt Nam còn nghèo lắm, nhất là trước đó chỉ vài tháng đã có hai triệu người chết đói. Lúc Phạm Duy viết những câu này vẫn còn nhiều người lang thang xin ăn, vẫn còn những người tiếp tục chết đói.
      Văn Cao còn dữ dội hơn nữa, bài Tiến quân ca, được lấy làm quốc ca, trong lời nguyên thủy của nó thôi thúc: "thề phanh thây uống máu quân thù". Quân thù đây không nhất thiết phải là quân ngoại xâm mà có thể là những người bị coi là Việt gian phản động vì Văn Cao là đội trưởng đội ám sát; theo chỗ tôi biết tất cả những người ông đã giết đều là người Việt.
      Bài Chiến sĩ Việt Nam của Văn Cao có lẽ là bài hát tiêu biểu nhất cho tâm lý lãng mạn của thanh niên thời đó, nó là một trong những bài ca kháng chiến được coi là hay nhất và được hát nhiều nhất.
      Là trang nam nhi quyết đến sa trường
      Sống thác coi thường, mong xác da ngựa bọc thân thể trai.
      Bừng nghe dư âm mênh mông khúc anh hùng ca reo nơi biên cương, bao chiến mã lên đường!
      Không những không sợ chết mà còn mong được chết ! Nhưng cần lưu ý một đặc tính rất Việt Nam ở đây là sự ước lệ, vay mượn và giả tạo. "Trang nam nhi", "sa trường" là những khái niệm cổ điển từ một thời rất xa xưa. Vả lại làm gì còn có "da ngựa bọc thây" và "chiến mã"?
      Cuộc chiến cũng đâu có diễn ra ngoài biên cương! Giả tạo và ước lệ như thế nhưng cũng đủ để say máu. Chính sách khủng bố trong giai đoạn kế tiếp Cách Mạng Tháng 8 đã diễn ra trên cả nước một cách cực kỳ rùng rợn. Một người lạ mặt đi qua một làng có thể bị giết oan vì bị nghi là gián điệp. Không thể kể hết những nhân vật có tên tuổi bị sát hại. Các đảng viên, hoặc những người bị nghi ngờ là đảng viên, của Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Đệ Tứ, v.v. bị tàn sát thẳng tay. Và đại đa số thanh niên Việt Nam ủng hộ Việt Minh vừa vì sợ vừa vì mê bạo lực.
      Phải ý thức rằng lãng mạn và bạo lực đi đôi với nhau như cặp tình nhân mới hiểu tại sao một người bạc nhược và ham vui như Xuân Diệu có thể viết trong đợt Cải Cách Ruộng Đất câu thơ kinh khủng "lôi cổ bọn chúng ra đây, bắt chúng quì xuống đọa đầy chết thôi". Giải thích thông thường là Xuân Diệu bợ đỡ và hèn nhát, nhưng người ta vẫn có thể bợ đỡ và hèn nhát một cách khác.
“...phương pháp của đảng cộng sản là khủng bố, phá hủy, ám sát, thủ tiêu...”
Về mặt tâm lý, những gì giả tạo và vay mượn thường có sức sống dai dẳng hơn những cảm xúc chân thật vì chúng không được thấu hiểu và do đó khó bị phê phán. Trong suốt hai cuộc chiến, phương pháp của đảng cộng sản là khủng bố, phá hủy, ám sát, thủ tiêu nhưng trí thức Việt Nam nói chung không lên án đảng cộng sản vì thế. Những người chống cộng thường chống vì những lý do khác. Tôi đã gặp nhiều trí thức, trong đó có những bạn tôi, có cha mẹ bị cộng sản giết oan nhưng vẫn ngưỡng mộ đảng cộng sản, có khi còn theo cả phe cộng sản. Họ bị thu hút vì sự lãng mạn của bạo lực và cũng vì dư luận thế giới cho đến giữa thập niên 1970 ủng hộ đảng cộng sản. Sau này nhiều người trong họ quay lại chống chế độ. Tôi nghĩ một phần cũng vì dư luận thế giới đã lên án chủ nghĩa và các chế độ cộng sản ; người trí thức Việt Nam không quen suy nghĩ bằng cái đầu của chính mình.
      Nước Pháp không gượng dậy được sau Cách Mạng 1789; từ một cường quốc mạnh nhất thế giới họ trở thành một cường quốc trung bình, trước khi trở thành một nước trung bình. Bạo lực cách mạng xuất phát từ chủ nghĩa lãng mạn và được nuôi dưỡng bởi chủ nghĩa lãng mạn đã chiếm giữ tâm hồn người Pháp và khiến Cách Mạng 1789 và giai đoạn Kinh Hoàng được nối tiếp bởi những cuộc chiến tranh chinh phục thảm khốc của Napoléon. Cuối cùng nước Pháp bại trận, kiệt quệ, chia rẽ và liên tục suy thoái.
      Cũng thế, Cách Mạng Tháng 8 đã được nối tiếp bằng 30 năm chiến tranh với kết quả là chế độ cộng sản. Và người Việt Nam cũng đã quá kiệt quệ đến nỗi không còn đủ nghị lực và ý chí để tự giải phóng.
      Một điều khác biệt giữa Cách Mạng 1789 và Cách Mạng Tháng 8: nếu Cách Mạng 1789 chỉ lãng mạn một cách ngây thơ và bồng bột thì Cách Mạng Tháng 8 lại do một nhóm người chuyên nghiệp được huấn luyện theo kỹ thuật khủng bố của Nga, tổ quốc của đam mê, tàn bạo và khủng bố. Những người này không lãng mạn, họ lợi dụng phong trào lãng mạn cho tham vọng quyền lực và thống trị.
      Đến đây cần trả lời một câu hỏi: tại sao chủ nghĩa lãng mạn - chủ nghĩa hiểu theo nghĩa rộng như là một cách sống - lại có thể sản sinh ra những chế độ toàn trị cộng sản, phát xít và Nazi?
      Cần hiểu rõ tiến trình của sự chuyển hóa này vì nó không giản dị. Về cội nguồn và bản chất của nó, chủ nghĩa lãng mạn là sự nổi loạn đối với các tiêu chuẩn đạo đức và thẩm mỹ sẵn có. Như vậy nó nằm trong chiều hướng giải phóng cá nhân, nghĩa là tự do và dân chủ. Nhưng nó đã thiếu sự kiểm soát của lý trí và đã lạc hướng. Một chiếc xe mạnh có thể đưa tới nhanh điểm hẹn nhưng cũng có thể lao xuống vực thẳm. Phong trào lãng mạn đã có ít nhất hai tật nguyền khiến nó đã sản sinh ra những đứa con hung bạo.
      Một là vì không đặt lại những vấn đề triết học, nó vẫn nằm trong triết lý cố hữu của loài người kể từ khi nền văn minh ló dạng: triết lý nhất nguyên. Phải hiểu rằng từ thời thượng cổ cho đến thế kỷ 20 triết lý duy nhất của thế giới là nhất nguyên, và ngay cả bây giờ tư tưởng nhất nguyên vẫn còn rất mạnh. Đó là niềm tin rằng với mọi câu hỏi đích thực luôn luôn có một và chỉ có một giải đáp đúng. Giải đáp có thể chưa tìm ra nhưng vẫn có và chỉ có một, trừ khi chính câu hỏi được đặt sai. Nếu ta không tìm ra là vì ta kém, hay không đúng phương pháp. Ta không tìm ra thì sẽ có những vĩ nhân được trí tuệ soi sáng, những thánh nhân được sự mặc khải Thượng đế tìm ra, và nếu chính họ cũng chưa biết thì Thượng đế cũng biết. Nhưng giải đáp đích thực luôn luôn có và chỉ có một. Có Chân, Thiện, Mỹ. Và khi mọi giải đáp đúng cho mọi vấn đề lớn của nhân loại đã tìm thấy thì xã hội lý tưởng đã tìm được và kỷ nguyên của hạnh phúc toàn diện bắt đầu. Có thiên đường.
      Triết lý nhất nguyên đã là cội nguồn của mọi tôn giáo lớn. Nó cũng là lý do khiến cho đến giữa thế kỷ 20 người ta đã vật vã tìm kiếm những ý thức hệ giải quyết tất cả mọi vấn đề của loài người. Các tôn giáo khiêm tốn hơn, cho rằng thiên đường chỉ có ở đời sau, nhưng các nhà tư tưởng  chính trị lại lạc quan hơn cho rằng có thể thực hiện ngay trên mặt đất này. Hegel và Marx tin rằng có một qui luật lịch sử khách quan, qui luật biện chứng, dẫn đến xã hội toàn hảo, dù mỗi người một cách, Hegel qua sự xung đột giữa các quốc gia, Marx qua đấu tranh giai cấp. Trước đó Rousseau tin rằng chỉ có tâm hồn trong sáng của người nông dân mới tìm ra được chân lý. Người Do Thái và tín đồ Thiên Chúa giáo cho rằng phải tìm chân lý trong kinh thánh. Plato cho rằng toán là con đường, các "vua hiền triết" (philosopher king) là người dẫn đường. Phương pháp khác nhau nhưng triết lý vẫn chỉ là một : triết lý nhất nguyên với niềm tin là có và chỉ có một giải đáp cho mỗi vấn đề. Có chân lý và chân lý chỉ có một.
      Và nếu chân lý đã chỉ có một thì sự hy sinh chỉ có ý nghĩa khi nó đúng hướng. Kẻ hy sinh tính mạng để chống lại cách mạng vô sản, hay để chống lại quyền lãnh đạo tất yếu của dân tộc Aryen, v.v. tùy theo cách nhìn của mỗi người, chỉ là hy sinh một cách ngu xuẩn. Hơn nữa khi đường đi tới chân lý đã tìm được - và nhiều người nghĩ là họ đã tìm được dù những giải đáp của họ rất khác nhau - thì kẻ nào chống lại chỉ là kẻ cản trở đà tiến phải có của nhân loại và do đó phải bị tiêu diệt, hoặc ít là vô hiệu hóa. Triết lý nhất nguyên tự nó đã bất dung, nó còn bất dung hơn ở phương pháp lý luận nhị nguyên(dualism) của nó. Cái gì cũng chỉ phân biệt hai khả năng, thẩm mỹ có đẹp và xấu, đạo đức có thiện và ác, lý luận có đúng và sai, chính trị có ta và địch, bạn và thù.
      Chủ nghĩa lãng mạn vẫn nằm trong tinh thần nhất nguyên, nhưng nó làm gia tăng sự bất dung do bản chất ưa cảm xúc mạnh, bạo lực và sự đập phá của nó.
      Lý do thứ hai nằm ngay trong bản chất của phong trào lãng mạn. Lập trường của những người lãng mạn là phủ nhận mọi giá trị phổ cập hiện có. Họ nói: tôi hoàn toàn tự do, tôi tự tìm lấy và sống các giá trị của riêng tôi, tôi tự quyết định lấy tất cả. Nhưng Tôi là ai? Và tôi có thể hoàn toàn tự do được không? Trong thâm tâm con người tự biết mình ngu dốt, yếu kém, hèn nhát, thèm muốn, nhỏ mọn không thể đảm nhận được cái tự do tuyệt đối đó, càng không thể chịu hậu quả. Trừ khi chấp nhận làm kẻ phiêu lưu điên dại sống ngoài lề xã hội, ngoài vòng pháp luật và sau cùng bị đào thải như Byron, con người mau chóng tìm chỗ trú ẩn trong một cái tôi siêu hình và tập thể. Cái tôi lớn đó là một dân tộc, một giai cấp, một giáo hội, một đảng, v.v., trong đó cái tôi nhỏ - cá nhân - chỉ là một phần tử trong một tổng thể, một viên gạch trong một lâu đài, một tế bào trong một cơ thể, nghĩa là không đáng kể.
      Rousseau, vẫn ông này, đã minh họa một cách rõ rệt tiến trình tha hóa này. Thúc đẩy bởi danh tiếng đã nổi như cồn vào lúc đó, ông cũng đua đòi muốn đưa ra một học thuyết chính trị và đã viết cuốn Du contrat social (Về khế ước xã hội). Kết luận của Rousseau, sau một hồi lý luận, là muốn được hoàn toàn tự do, con người phải từ bỏ tất cả mọi tự do, phải chấp nhận tha hóa một cách tuyệt đối, tuân phục một cách tuyệt đối Ý Chí Chung (La Volonté générale). Nhưng ý chí chung là gì nếu không phải là ý chí của kẻ cầm quyền? Khởi hành từ sự tìm kiếm tự do cá nhân, Rousseau đã đi đến kết luận là phải hủy bỏ toàn bộ tự do cá nhân. Quả là một sự phá sản trí thức toàn diện. Chỉ có người Pháp mới coi Rousseau là một nhà tư tưởng chính trị lớn. (Họ nói Rousseau đã khởi xướng ra khái niệm khế ước xã hội. Điều này hoàn toàn sai, khái niệm khế ước xã hội đã được đưa ra một thế kỷ trước đó một cách hùng hồn bởi Thomas Hobbes và John Locke).
      Khi đã chấp nhận hội nhập và đánh mất mình trong cái tôi tập thể đó, cá nhân mất mọi ý chí, chỉ còn tổ quốc, đảng, giai cấp và lãnh tụ. Tổ quốc trên hết, nước tôi đúng hay sai vẫn là nước tôi, tôi vẫn phải tuân hành mệnh lệnh của tổ quốc. Tôi làm như vậy không phải vì tôi thấy là đúng hay vì tôi thích mà vì đảng muốn, vì đó là quyền lợi của giai cấp, đảng và giai cấp nghĩ thay cho tôi. Còn những người lãnh đạo? Họ thể hiện chủ nghĩa lãng mạn của kẻ cầm quyền. Họ lãng mạn theo cách của kẻ cầm quyền. Họ tự cho phép hủy bỏ những giá trị phổ cập và đặt ra những giá trị và chuẩn mực. Và để những giá trị và chuẩn mực này không bị phản bác, tốt hơn hết những người khác không được có ý kiến.
      Sự từ chối các giá trị phổ cập của loài người đã là một sự điên dại với hậu quả cực kỳ tai hại. Nó đã thả lỏng những bản năng, gây ra những thảm kịch chưa từng thấy và cuối cùng loại bỏ chính con người. Các giá trị phổ cập : sự sống, gia đình, tình bạn, tình yêu, sự nhường nhịn, thỏa hiệp, lòng bác ái, giữ lời hứa, không nói dối, không cướp của, không giết người, v.v. là thành quả của hàng triệu năm tiến hóa của loài người. Chúng định nghĩa giống người và cho phép loài người sống chung hòa bình với nhau. Chúng có thể được cảm nhận khác nhau theo từng nơi và từng thời đại nhưng trong chiều sâu chúng vẫn có cùng ý nghĩa và cho phép người nước này hiểu người nước khác, người hôm nay giải thích được những việc làm của người ngày xưa. Quả là một sự ngông cuồng khi những người lãng mạn nghĩ rằng họ có thể gạt bỏ tất cả để tự tạo ra trong chốc lát những giá trị cho riêng mình. Cái giá mà thế giới, và Việt Nam, phải trả cho sự cuồng dại này đã quá đắt.
      Tóm lại, triết lý nhất nguyên và sự phủ nhận các giá trị phổ cập của loài người đã phối hợp với nhau để biến phong trào lãng mạn từ một phong trào khai phóng lúc ban đầu thành lò sản xuất ra những chủ nghĩa độc hại và chế độ toàn trị hung bạo. Các chủ nghĩa cộng sản, phát xít và Nazi là những anh em ruột.
      Cuộc Cách Mạng Tháng 8-1945 tại Việt Nam, cũng như cuộc Cách Mạng Pháp 1789 đã xảy ra với cùng một não trạng. Phong trào lãng mạn không khởi động ra hai cuộc cách mạng này, nhưng nó đã nhào nặn và uốn nắn hai cuộc cách mạng này và khiến chúng đã xảy ra như thế.
      Chúng ta đã không may bị mất chủ quyền vào tay người phương Tây và chúng ta càng không may bị người Pháp đô hộ. Họ đem đến cho chúng ta những tật nguyền tâm lý của họ. Ở một mức độ nào đó, Cách Mạng Tháng 8 là một sản phẩm của Pháp.
      Trong lịch sử, điều quan trọng nhất không phải là biết những biến cố đã xảy ra mà là hiểu được tại sao chúng đã xảy ra và đã xảy ra như thế. Phải hiểu lịch sử để những thảm kịch đừng tái diễn.
      Thời điểm tháng 8-1945 đã là một cơ may lớn cho nước ta, đã có thể giúp ta giành lại độc lập ở một mức độ phát triển và phồn vinh cao hơn mức trung bình thế giới và với một tiềm năng địa lý và nhân văn lớn. Giờ này chúng ta đã có thể là một trong những nước văn minh và giàu mạnh hàng đầu của thế giới. Nhưng cơ may đã biến thành thảm kịch bởi vì Cách Mạng Tháng 8 đã diễn ra như thế và đã là khởi điểm của 30 năm chiến tranh kết thúc bằng cái ách cộng sản mà chúng ta vì quá kiệt quệ vẫn chưa đủ sức để tháo gỡ. Thiếu trí tuệ và sự sáng suốt thì một cơ may cũng có thể trở thành một họa lớn. Đó đã là trường hợp của Cách Mạng Tháng 8.
      Nhìn lại giai đoạn Cách Mạng Tháng 8, chúng ta không thấy một nhà tư tưởng nào và cũng không thấy một người nào chứng tỏ sự hiểu biết tạm được về những triển vọng và nguy cơ đang chờ đợi đất nước lúc đó. Chúng ta không hề thấy một dự án chính trị nào. Thanh niên hăm hở lên đường nhưng lên đường để đi đến đâu thì không biết, chỉ tin là "đi hiên ngang tới phương trời tươi sáng". Rất thơ mộng nhưng không phải giải đáp. Thanh niên thế hệ 1945 thực không may. Sự thiếu sót này đến nay hình như vẫn chưa ý thức đầy đủ. Vẫn còn rất nhiều người nghĩ rằng không cần lý thuyết, chỉ cần hành động, không cần nói mà chỉ cần làm. Vẫn còn rất  nhiều người nghĩ rằng có thể tranh đấu mà không cần có tư tưởng. Vẫn có những người cho rằng họ có tư tưởng chỉ vì họ không hiểu thế nào là tư tưởng. Và quần chúng, kể cả quần chúng tốt nghiệp đại học, thì nhìn mọi người và mọi tổ chức như nhau.
      Cách Mạng Tháng 8 đã là một thời điểm hừng hực khí thế. Chưa bao giờ mà dân tộc Việt Nam được động viên tới mức độ đó. Cuộc cách mạng dân chủ sắp tới sẽ là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam và cũng sẽ là cuộc cách mạng thông minh nhất và đáng có nhất, nhưng chắc chắn nó sẽ không sôi động như Cách Mạng Tháng 8 vì nó sẽ diễn ra dưới sự kiểm soát  của lý trí. Nhưng muốn có cuộc cách mạng này thì trí thức Việt Nam phải đầu tư hơn nữa vào tư tưởng. Họ phải ý thức ít nhất hai điều. Một là trí thức bao giờ cũng phải là người phát ngôn của đất nước, tư tưởng của trí thức cũng là tư tưởng của quần chúng. Hai là không có dân tộc nào không có triết lý cả, dân tộc nào cũng có triết lý của mình và hành động theo triết lý đó. Khi không có một triết lý đúng và lành mạnh là người ta có một triết lý sai và bệnh hoạn, và bị dẫn dắt vào thảm kịch.
Nguyễn Gia Kiểng

Nguon: https://to-quoc.blogspot.de/2016/08/nhin-lai-hai-cuoc-cach-mang-phap-1789.html#more