TS Nguyễn Văn Thành
Lãnh Đạo
trong lòng Quê Hương :
những động
tác thiết yếu cần thực hiện…
Lời nói đầu
Sau khi bài chia sẻ « Tâm sự của người lái
đò… » đã xuất hiện đó đây trên các tờ Thông Tin Điện Tử, nhiều « người
em » đã có dịp tham dự các lớp hè ở Hà Nội và TP HCM, như Q và H, B
và Ch, Th và N … từ từ gửi điện thư về chất vấn tôi như sau : « Ông
ơi, thông thường khi dạy cho bọn em, về cách giáo dục và lắng nghe
các cháu có vấn đề nguy cơ Tự Kỷ, ông luôn luôn liệt kê những động
tác cụ thể hay là những bước đi lên và đi tới theo thứ tự, từ khởi
điểm… cho đến khi thâu đạt mục đích cuối cùng. Ông thường gọi đó là
Tư Duy Cấu Trúc (Systemsthinking).
Lần nầy, khi ông đề cập đến vấn
đề Lãnh Đạo trong lòng Đất Nước, sao ông không chọn lựa cách trình
bày « Những bước đi lên cụ thể » ? Nếu ông định nghĩa Lãnh Đạo, với
những ĐỘNG TÁC CỤ THỂ (définition opérationnelle), họa may bọn em
mai ngày sẽ dễ dàng biết cách làm việc tốt hơn và đúng hơn, khi tiếp
xúc với người dân, hay là với anh chị em đồng bào, ở cấp Trung Ương
cũng như trong các phường khóm. Thêm vào đó, có một câu hỏi « cơ bản»
bọn em không thể lẫn tránh : Ai là người anh chị em đồng bào thực sự ?
Phải chăng họ có mặt trong những người chủ trương hay là xúi giục
bạo động và hận thù ?
Nhằm trả lời cho các người em ấy –họ thích
gọi tôi là ông, thay mặt cho con cái- sau đây là lá thư trả lời,
được viết ra « với tất cả tấm lòng » theo lối nói của Cụ NGUYỄN TRÃI,
và gửi đi dưới dạng một bài chia sẻ.
***
Các bạn trẻ và các em thân mến,
Trước tiên, tôi xin cám ơn các em đã khiêm tốn đặt ra cho tôi những
câu hỏi về Lãnh Đạo, một cách rất đơn sơ, trực tiếp và chân thành.
Nếu trong nhiều tầng lớp cán bộ, ai ai cũng giống như các em, quyết
tâm thăng tiến cách làm và cách sống hằng ngày của mình, từ việc nhỏ
đến việc lớn, chẳng bao lâu Đất Nước của chúng ta sẽ đuổi bắt kịp
thời những bước đi khổng lồ của Thánh Gióng -hay là Phù Dổng Thiên
Vương- trên mọi nẻo đường ngang dọc, với mục đích xây dựng Quê Hương
và phục vụ anh chị em đồng bào.
Lẽ đương nhiên, trong khuôn khổ của một bài chia sẻ, tôi không thể
nào tát cạn hết tất cả mọi vấn nạn trọng yếu, có liên hệ đến trách
nhiệm của người Lãnh Đạo.
Thể theo cách phân biệt đã trở nên cổ điển về năm loại sinh hoạt tâm
lý và xã hội của con người :
-
sinh hoạt năm giác quan,
-
sinh hoạt tư duy,
-
sinh hoạt xúc động,
-
sinh hoạt ngôn ngữ,
-
sinh hoạt quan hệ tiếp xúc và trao đổi giữa người với người,
hôm nay tôi chỉ đặt trọng tâm vào việc trình bày năm bước đi lên cụ
thể và tất yếu, mỗi khi Người Lãnh Đạo có nhiệm vụ tiếp xúc và trao
đổi với người dân, trong bất cứ tình huống nào. Tôi hy vọng sẽ có
những dịp khác để trình bày cách rốt ráo và chi ly hơn về Lãnh Đạo,
trong một tác phẫm có chất lượng và kích thước quan trọng hơn.
Bước thứ nhất :
Trước hết, người Lãnh Đạo cần vận dụng năm giác quan của mình một
cách tinh tế. Mục đích tối hậu cần nhắm tới là THẤY và NGHE cũng như
TIẾP CẬN, một cách cụ thể và khách quan, những tin tức thiết yếu
xuất phát từ anh chị em đồng bào.
Hẳn thực, cũng như trên bình diện sức khỏe thể lý, chúng ta sẽ « khốn
nạn và tê liệt », đến chừng nào, nếu bộ não trên đầu không có khả
năng tiếp nhận những tin tức cần thiết từ mọi vùng ngoại vi của cơ
thể, lần lượt gửi về, trong từng phút từng giây của cuộc sống ?
Cũng y hệt như vậy, Đất Nước sẽ đi vào con đường bế tắc, nếu người
Lãnh Đạo chỉ « rót xuống », từ trên những mệnh lệnh, hay là áp đặt
từ ngoài những chương trình, những đường lối, những kế hoạch…Và
người dân chỉ được phép trả lời « dạ dạ, vâng vâng ».
Thể theo lối nhìn của tác giả người Anh, Edward DE BONO, dù muốn dù
không, nhân loại cần dấn bước trên con đường văn minh và tiến bộ,
vào thiên niên kỷ thứ ba. Do đó, thể thức Lãnh Đạo hàng dọc, độc lộ
và một chiều –từ trên ban phát xuống dưới- phải sáng suốt nhường
bước cho cách Lãnh Đạo chiều ngang.
Loại lãnh đạo thứ hai nầy đặt nền tảng trên những quan hệ tiếp xúc
và trao đổi qua lại hai chiều, giữa những người bình đẳng có giá trị
làm người, giống như nhau, ngang hàng nhau, tuy dù họ có những chức
vụ và địa vị khác nhau. Khác nhau, nhưng bổ túc cho nhau một cách
mật thiết.
Trong tinh thần và lăng kính ấy, không ai có thể lãnh đạo một Đất
Nước, nếu người ấy không đi lại con đường của Bồ Tát Quan Thế Âm :
Nhìn Đất Nước với một trăm con mắt, lắng nghe anh chị em đồng bào
với một trăm lỗ tai, phục vụ mọi người dân với một trăm cánh tay,
yêu thương mỗi người dân với một trăm quả tim. Sẵn sàng sử dụng một
trăm đôi chân, để tìm đến với những thành phần nghèo đói, đang còn
thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu một mái nhà… trên mọi nẻo đường của Quê
Hương, từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau.
Không đồng cảm và chia sẻ ngọt, bùi, đắng, cay với từng người dân,
giàu cũng như nghèo, Bắc cũng như Nam, trong nhiều lãnh vực khác
nhau như chính trị và tôn giáo, giáo dục cũng như kinh tế…làm sao
chúng ta có thể phục vụ và xây dựng Đất Nước.
Không lắng nghe, trao đổi qua lại với mỗi người anh chị em đồng bào,
công việc mà chúng ta gọi tên là Lãnh Đạo, chỉ là xu thế « vơ đũa cả
nắm, bóp méo xuyên tạc hay là suy bụng ta ra bụng người… ». Trong
lãnh vực khoa học, những cách làm ấy mang tên là cơ chế tổng quát
hóa, chủ quan hóa và gạn lọc một chiều. Với ba cơ chế nầy, chúng ta
dập tắt mọi tiếng nói và đàn áp nguyện vọng của người anh chị em
đồng bào, thay vì phục vụ và xây dựng Quê Hương, thể theo mẫu thức
của những người cha ông đi trước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…
Bước
thứ hai :
Người Lãnh Đạo quyết tâm khẳng định
lối nhìn của mình với tất cả niềm xác tín cần thiết, thay vì lượn
lẹo, ba phải, ve vãn, làm vừa lòng « cấp trên », đàn áp « cấp dưới ».
Đồng thời, họ có khả năng trân trọng, ghi nhận và phản ánh quan điểm
cũng như lập trường của mỗi người dân,
mà họ tìm đến, gặp gỡ, tham khảo, lắng
nghe…trên mỗi nẻo đường của Non Sông.
Nói khác đi, người Lãnh Đạo vừa làm ngọn hải đăng sáng soi con đường
đi của người dân, trong những giai đọan bão bùng, sấm sét. Đồng thời,
Lãnh Đạo là gì, nếu không phải là tạo điều kiện thuận lợi, để mỗi
anh chị em đồng bào tham gia và đóng góp phần tinh túy của mình,
trong công việc dựng Nước và giữ Nước, nghĩa là mang lại ấm no và
hạnh phúc cho mỗi người dân cùng chung sống trong môi trường, không
loại trừ một ai.
Làm sao có thể thành tựu hai hơi thở ra vào nầy, nếu người Lãnh Đạo
không ngày ngày mài nhọn và đánh sáng khả năng Tư Duy của mình ? Thể
theo phương pháp do tác giả Edward DE BONO đề nghị, người Lãnh Đạo
cần quyết tâm thường xuyên học tập, bắng cách đội lên đầu sáu chiếc
mũ có sáu màu sắc khác nhau :
-
Chiếc mũ màu trắng thúc giục người Lãnh Đạo đi tìm những sự
kiện cụ thể và khách quan, trước khi đưa ra một nhận định về mình và
về người khác,
-
Chiếc mũ màu đen gọi mời người Lãnh Đạo hãy can đảm nhìn nhận
những khuyết điểm, trong lời ăn tiếng nói và nhất là trong tác phong
của mình, cũng như trong mọi chương trình họat động, do mình đề xuất
và được đánh giá sau mỗi giai đoạn thực hiện.
-
Chiếc mũ màu vàng mặt trời khuyến khích người Lãnh Đạo hãy
phát huy một cách cụ thể những tiềm năng phong phú của Đất Nước trên
cả hai bình diện vật chất và tinh thần. Một cách đặc biệt, giới trẻ
từ 15 đến 35 tuổi, được họ chuẩn bị và đào tạo, một cách kỹ lưỡng,
để mai ngày thay thế họ trong những vị trí trọng yếu, theo tinh thần
« Con hơn cha là nhà có phúc »,
-
Chiếc mũ màu đỏ ngày ngày gây ý thức cho họ về vai trò và tầm
quan trọng của xúc động, trong mỗi quan hệ giữa người với người. Chỉ
cần một phút giây thiếu thức tỉnh, xúc động đã biến thành bạo động,
khả dĩ gieo mầm mống hoang tàn, hận thù và chiến tranh, trong bao
nhiêu tâm hồn của bà con xa gần.
-
Chiếc mũ màu xanh da trời có chức năng nhắc nhủ cho mỗi người
trong chúng ta :
Ánh mắt con là cả một bầu trời,
Bàn tay con huyền nhiệm thấu tầng mây,
Bước chân con gieo hạnh phúc cho đời,
Quả tim con là nguồn suối không bao giờ cạn vơi .
-
Sau hết, chiếc mũ màu xanh lá cây kêu mời người Lãnh Đạo hãy
dốc toàn tâm và toàn lực, để tạo nên mùa xuân an bình và hạnh phúc,
trong tâm hồn của mỗi người anh chị em đồng bào, cũng như trên từng
tấc đất của Quê Hương.
Nhờ sức tác động của tất cả sáu chiếc mũ nầy, mỗi người Lãnh Đạo sẽ
biết dừng lại, không thả mình trôi theo những phản ứng so sánh và
phân biệt :
-
Tao tốt mày xấu,
-
Tao đúng mày sai,
-
Tao hơn mày thua,
-
Tao chính mày ngụy,
-
Tao yêu Nước mày bán Nước,
-
Tao là loại người hạng nhất mày là loại người hạng hai…
Chính vì loại tư duy nhị nguyên hay là lưỡng năng, lưỡng cực nầy,
con người Việt Nam, qua bao nhiêu thế hệ, vẫn tiếp tục làm « gà một
nhà bôi mặt đá nhau ». Nói khác đi, hai phe « Sơn Tinh và Thủy Tinh »,
với những nhãn hiệu và mặt nạ « đổi mới », vẫn tiếp tục tìm cách
sát hại lẫn nhau, trên những vùng đất thuộc Văn Hóa Sông Hồng.
Bước thứ ba :
Không kêu tên và gọi ra vùng ánh sáng của ý thức, cũng như tìm
cách hóa giải những xúc động như Lo Sợ, Đau Buồn và Tức Giận, người
Lãnh Đạo sẽ lặp lại y hệt hành vi của Vua Thục An Dương Vương : Rút
thanh gươm cứu Nước cứu Nhà -quà tặng của Thần Kim Qui tại Đền Cổ
Loa- để chém đứt đầu đứa con gái độc nhất của mình.
Nhằm phát huy với tha nhân những quan hệ đồng cảm và chia sẻ, hiểu
biết và bất bạo động, người Lãnh Đạo cũng như tất cả những ai cố
quyết sống cuộc đời « làm người », hãy học tập lắng nghe người anh
chị em và chọn làm của mình, bốn giai đoạn đi tới của tác giả M. B.
ROSENBERG, vừa khi cảm nhận một xúc động đang hiện hình và bắt đầu
tác yêu tác quái, trong nội tâm :
-
Giai đoạn thứ nhất là ghi nhận và phản ánh bằng ngôn ngữ
chính xác, những gì đang xảy ra một cách cụ thể trong hành vi của
chính mình, hay là trong tác phong của người đang có mặt với mình,
-
Giai đoạn thứ hai là gọi tên hay là đặt tên cho xúc động đang
từ từ xuất hiện.