ĐÔNG NAM Á giữa HOA KỲ và TRUNG CỘNG

Nguyễn Xuân Nghĩa & Kim Nhung

ĐÔNG NAM Á giữa HOA KỲ và TRUNG CỘNG

 KN: Kim Nhung xin kính chào quý khán thính giả của tiết mục Thời Sự Ngày Mai trong Kim Nhung Show trên hệ thống truyền hình SBTN với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Tiết mục này trình bày bối cảnh sâu xa của thời sự trước mắt hầu chúng ta cùng hiểu được những gì có thể xảy ra ngày mai. Kim Nhung xin kính chào ông Nghĩa và đi vào chủ đề kỳ này là quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng.

KN 1: Thưa quý KTG, trong Thượng đỉnh Mỹ-Hoa hồi Tháng Tư tại Mar-a-Lago của tiểu bang Florida, lãnh đạo hai nước là Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra thời hạn 100 ngày để giải quyết các mâu thuẫn trong quan hệ kinh tế giữa đôi bên. Thời hạn ấy đã chấm dứt và hôm Thứ Tư 19 tuần qua tại thủ đô Hoa Kỳ, khi Phó Thủ tướng Bắc Kinh là Uông Dương gặp Tổng trưởng Ngân khố là Steve Mnuchin và Tổng trưởng Thương mại Wilbur Ross trong khuôn khổ “Đối thoại Chiến lược”, hai bên cũng không đạt một thỏa thuận nào, dù chỉ là bản thông cáo chung. Như vậy, thưa ông Nghĩa, thời sự ngày mai về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng sẽ là những gì, có trận chiến mậu dịch hay không?
NXN 1: - Đầu tiên, truyền thông dòng chính của Mỹ mải tấn công ông Trump nên đưa ra thông tin sai lạc. Về mối quan hệ với Trung Cộng, thông tin sai lạc là Donald Trump chỉ là con buôn nên vì quyền lợi kinh tế mà thỏa hiệp với Bắc Kinh. Sự thật là Chính quyền Trump không hề nhượng bộ Bắc Kinh về kinh tế nên phiên họp tuần qua với Uông Dương đã tan vỡ, ông ta ra về mà tránh gặp báo chí để giải thích. Chúng ta cần biết Uông Dương là Ủy viên Bộ Chính Trị, từng là Bí thư thành phố Trùng Khánh có 30 triệu dân rồi Bí thư tỉnh Quảng Đông, với lập trường khá cởi mở chứ không giáo điều mà sau đó không thuyết phục nổi phái bộ Mỹ. Trong khi đó, phía Hoa Kỳ lại đưa ra nhiều đòi hỏi cụ thể, như về ngành thép mà chúng ta sẽ thấy là một màn nói thách.
- Thứ hai, Chính quyền Trump lại chấp thuận đề nghị của Bộ Quốc Phòng là tăng cường độ bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông khác hẳn Chính quyền Barack Obama chỉ nói là không làm gì trước sự bành trướng của Trung Cộng. Thiết thực là từ đầu Tháng Năm, khu trục hạm USS Dewey tiến vào vùng 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn (Mischief) ở Trường Sa. Qua đầu Tháng Bảy đến lượt khu trục hạm USS Stethem áp sát đảo Tri Tôn tại Hoàng Sa và hai oanh tạc cơ B-1B “Lancer” bay tuần tra ngang không phận Biển Đông và Biển Hoa Đông.

KN 2: Ông Nghĩa giải thích thế nào về lập trường cứng rắn đó của Chính quyền Donald Trump?
NXN 2: - Ít ai chú ý là từ Tháng Tư đến gần đây ông Trump giàng vấn đề an ninh vào quan hệ ngoại thương, như kéo vụ hỏa tiễn Bắc Hàn vào việc mua bán với Trung Cộng, nêu vấn đề quân sự và phần đóng góp cho Minh ước NATO vào luồng giao dịch với Đức, rồi vừa qua là hứa hẹn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và các nước Đông Âu để họ khỏi bị Nga bắt chẹt trong khi tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, ông Trump nhắc lại điều 5 của Hiến chương NATO là phải bảo vệ các thành viên chứ ông không đòi xóa bỏ Minh ước NATO.
- Khi an ninh quốc gia là một vế của ngoại thương thì bài toán thành rắc rối hơn. Chính là do yếu tố an ninh mà trong nội các Donald Trump tiếng nói bảo hộ mậu dịch như của Giáo sư Peter Navarro, lại có vẻ lu mờ và thiên về nghiên cứu trước lối tính toán thực tiễn của các nhân vật có trách nhiệm hành động như Tổng trưởng Ngân Khố và Thương Mại hay Cố vấn Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia. Điển hình là việc tái xét Hiệp ước NAFTA đang tiến hành và việc Mỹ gay gắt đàm phán với Trung Cộng sau 100 ngày hưu chiến.

KN 3: Quả thật là nếu không cặn kẽ theo dõi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng thì người ta dễ có ấn tượng sai lạc, rằng nước Mỹ đang nhượng bộ Bắc Kinh và có thể hy sinh quyền lợi của các nước Đông Nam Á, vốn dĩ cũng là khu vực trọng yếu về an ninh theo quan điểm của Chính quyền Trump.
NXN 3: - Trên diễn đàn này, từ nhiều tháng trước, tôi đã trình bày các lý do khiến mình nên hoài nghi khả năng cải cách kinh tế của Chính quyền Trump, như với đạo luật thuế khóa hay bảo dưỡng y tế. Quả nhiên là sắp hết Tháng Bảy mà mọi sự vẫn bế tắc chưa thể khai thông. Chúng ta không nên mù quáng bênh ông Trump hay ngả theo truyền thông dòng chính mà mạt sát ông ta. Không nên là con vẹt nhắc lại tin vịt mà nên nhìn vào thực tế!
- Cũng nói về yếu tố an ninh, ít ai chú ý là Trung Cộng đang ra sức xuất cảng nạn ô nhiễm môi sinh khi ào ạt đầu tư vào các nước Trung Nam Mỹ. Dư luận cứ chửi Chính quyền Trump là đòi bàn lại Hiệp ước Chống Khí Thải tại Paris mà cho rằng Hoa Kỳ nhường Trung Cộng vai trò lãnh đạo việc hạn chế khí thải. Sự thật thì Trung Cộng là vô địch thế giới về việc hủy hoại môi trường sinh sống bên trong lãnh thổ và sau khi hứa hẹn tung ra hơn 360 tỷ đô la để sản xuất năng lượng sạch vào năm 2020 thì lại tung tiền vào các nước Trung Nam Mỹ để thực hiện các dự án thủy điện, khai thác dầu khí hay than đá, vốn dĩ gây họa cho môi sinh nên đã bị cư dân tại địa phương biểu tình phản đối. Sự kiện Bắc Kinh xuất cảng sự ô nhiễm ngay tại miền Nam của nước Mỹ cũng là một vấn đề về an ninh mà Chính quyền Trump không thể không quan tâm!

KN: Càng ngày Kim Nhung càng hiểu vì sao ông Nghĩa cứ nhấn mạnh là nên nhìn vào bối cảnh với giác độ mở rộng thay vì chỉ tập trung vào vài chuyện trước mắt mà không thấy ra toàn cảnh. Sau ít phút thông tin thương mại, Kim Nhung xin được trở lại để yêu cầu ông Nghĩa phân tách cho quan hệ giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ trong một khu vực chiến lược cho Việt Nam là vùng Đông Nam Á.
Thông tin Thương mại
KN: Kim Nhung xin cảm tạ quý vị tiếp tục theo dõi tiết mục Thời Sự Ngày Mai của Kim Nhung Show với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa và xin bước ngay vào đề tài.

KN 4: Thưa ông Nghĩa, hôm 14 Tháng Bảy vừa qua, xứ Indonesia mà ngày xưa ta gọi là Nam Dương đã có một quyết định rất đáng chú ý là đặt tên vùng biển vây quanh quần đảo Natuna trong phạm vi đặc quyền kinh tế của mình là “Biển Bắc Natuna. Điều ấy khiến dư luận các nước Đông Nam Á chú ý vì vùng biển này cũng nằm trong khu vực mà Trung Cộng gọi là thuộc chủ quyền của mình với cái lưỡi bò chín khúc mà họ gọi là Cửu Đoạn Tuyến. Ông Nghĩa nghĩ sao về quyết định này của Indonesia?
NXN 4: - Trong thời gian gần đây, Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo tại Indonesia có nhiều biện pháp chống lại việc Trung Quốc lấn lướt tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna, mà một phần bị Trung Quốc đưa vào trong đường lưỡi bò trên Biển Đông do Bắc Kinh dùng làm cơ sở đòi chủ quyền. Thí dụ như Jakarta đã tăng cường lực lượng võ trang, ráo riết tuần tra và thực thi luật pháp trong vùng. Tổng thống Jokowi cũng hai lần thăm căn cứ quân sự của Indonesia tại Natuna để tỏ quyết tâm bảo vệ quyền lợi trên vùng đặc quyền kinh tế của Natuna. Trong khi ấy, ta còn thấy Indonesia cùng Malaysia và Philippines tăng cường hợp tác quân sự chống lại quân khủng bố Hồi giáo trong khu vực với sự yểm trợ kín đáo của Hoa Kỳ. Vì vậy, quả thật là các nước Đông Nam Á đang là đối tượng tranh thủ của hai cường quốc tại hai bờ Thái Bình Dương.
- Nói về đổi tên biển thì tôi xin được nhắc lại như thế này. Sau các nhà địa dư học Âu Châu kể từ thời Comumbus vào năm 1492 trở đi, các nước trên thế giới đều quen gọi vùng biển tiếp cận với Trung Quốc là East China Sea, mà Bắc Kinh dịch là Biển Hoa Đông. Còn vùng biển Đông Nam Á được dân ta gọi là Đông Hải thì họ gọi là Biển Hoa Nam, South China Sea. Điều ấy không hề có nghĩa hai vùng biển ấy thuộc về Trung Quốc như Trung Cộng ngày nay vẫn đòi, cũng như biển Ấn Độ Dương không thuộc về xứ Ấn Độ. Nhân đây, tôi xin giới thiệu một kiến nghị và kêu gọi mọi người cùng tham dự là đề nghị đổi tên vùng Biển Hoa Nam thành Biển Đông Nam Á trên trang điện tử sau đây:
https://www.change.org/p/change-the-name-south-china-sea-…/w
KN 5: Kim Nhung xin cảm tạ ông Nghĩa giới thiệu cho một nơi có thể vận động việc đổi tên biển để trả lại sự thật cho cả khu vực, chứ không thể để Bắc Kinh nhập nhằng nhận vơ. Bây giờ, khi nói về mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng trong khu vực Đông Nam Á thì ông thấy rằng thời sự ngày mai sẽ là những gì?
NXN 5: - Tôi xin nói trước hết về các mâu thuẫn và nghịch lý của 10 nước Đông Nam Á, thành viên của Hiệp hội ASEAN ra đời đúng nửa thế kỷ, 50 năm trước, vào năm 1967. Trước hết, các nước có quá nhiều khác biệt chứ không thuần nhất.
- Về địa dư thì có các nước quần đảo, với lãnh thổ tản mác qua bảy ngàn đảo như Philippines, hay 17 ngàn đảo như Indonesia trải ngang 500 cây số trên biển, còn Malaysia thì lại chia làm hai. Bên trong các quốc gia quần đảo này có rất nhiều sắc tộc hay tôn giáo và nói vài trăm thứ thổ ngữ. Làm sao thống nhất để cai trị một quốc gia như vậy là bài toán sinh tử.
- Cũng về địa dư, ta có các nước nằm trong lục địa Á Châu như những bán đảo, thí dụ là ba nước Việt, Mên, Lào trên bán đảo Đông Dương, hay Thái Lan và Miến Điện, thì lại bị núi rừng chia cắt, từ rặng Hy Mã Lạp Sơn tới dãy Trường Sơn, và có dòng Mekong chạy ngang thì lại bị Trung Cộng phá hủy từ đầu nguồn, từ thượng nguồn.
- Các quốc gia này từng có tranh chấp với nhau và thường tập trung chú ý vào an ninh ở bên trong sau khi cố giành lại nền độc lập từ sau Thế chiến II. Nhưng nghịch lý ở đây là ngần ấy nước, dù là quần đảo hay bán đảo – yếu tố chính là “đảo” - đều thiếu lực lượng hải quân tương xứng cho yêu cầu bảo vệ an ninh của họ! Ngoại lệ là Singapore, một quốc đảo nhỏ xíu có sức mạnh hải quân khả dĩ tự vệ nhưng không thể lãnh đạo cả khối!
- Đâm ra một khu vực trải rộng trên một diện tích là hơn bốn triệu cây số vuông, với hơn 650 triệu dân sản xuất được ba ngàn tỷ đô la, và sống nhờ buôn bán với nhau ở ngoài biển lại chỉ là một câu lạc bộ kinh tế không có khả năng bảo vệ an ninh, thí dụ như có một Minh ước Quân sự như NATO bên Âu Châu. Xứ nào cũng muốn làm ăn với Tầu mà trên đầu lại cần lá chắn của Mỹ và mong được Nhật Bản, Úc và Ấn Độ yểm trợ để khỏi bị Trung Cộng bắt nạt!

KN 6: Ông Nghĩa vừa nhắc đến vài sự kiện bất ngờ. Liên hiệp Âu châu với hơn 500 triệu dân, sản xuất khoảng hai chục ngàn tỷ đô la và còn có Minh ước NATO để bảo vệ. Hiệp hội ASEAN có hơn 650 triệu dân, sản xuất được ba ngàn tỷ nhưng thiếu cơ chế an ninh thống nhất để tự vệ và không thể có lực lượng hải quân hỗn hợp khả dĩ ngăn được sự bành trướng của Trung Cộng nên phải trông vào Mỹ.
NXN 6: - Nhưng địa dư phân tán của khu vực Đông Nam Á cũng là bài toán cho Bắc Kinh. Khu vực này có đường hàng hải sinh tử cho ba nền kinh tế có sức xuất cảng rất cao là Trung Cộng, Nhật Bản và Nam Hàn, để bán hàng qua Âu Châu và Bắc Mỹ hoặc để mua nguyên nhiên vật liệu từ Úc và Trung Đông. Các đường hàng hải ấy phải đi qua năm eo biển chiến lược mà Bắc Kinh không kiểm soát nổi vì do Hoa Kỳ bảo vệ với sức mạnh của một siêu cường độc bá.
- Do đó, bài toán của ASEAN là làm sao cân bằng được sức ép của các cường quốc ở vòng ngoài và tìm cách dung hòa quan điểm với Hoa Kỳ để được bảo vệ. Khi Chính quyền Donald Trump có lập trường quyết liệt bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực chứ chẳng dễ thỏa hiệp với Bắc Kinh thì đấy là một cơ may cho Đông Nam Á. Các nước sẽ phải cân nhắc và rà soát lại quyền lợi kinh tế khi đi với Trung Cộng để kiếm ăn, nhưng vẫn cần sự yểm trợ quân sự của Hoa Kỳ để khỏi bị bóp cổ ngoài biển. Nửa thế kỷ sau khi thành lập và canh tân kinh tế, Hiệp hội ASEAN đang đối diện với thực tế phũ phàng đó mà không nước nào đủ mạnh để lãnh đạo toàn khối, hoặc ít ra là có tiếng nói của một trưởng tràng.
- Ngẫm lại thì Việt Nam ngày nay có 90 triệu dân đã hụt cơ hội đó từ năm 1945, khi có hy vọng giành lại độc lập thì lại lao vào chiến tranh trong 40 năm vì chủ thuyết cộng sản. Ngày nay, xứ này đang mất độc lập vì Trung Cộng, tới độ không dám khai thác giếng dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của mình như chúng ta vừa thấy tuần qua!

KN: Thưa quý KTG, KN cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa xin chào tạm biệt với nhận xét chua chát đó của ông Nghĩa và xin hẹn lại kỳ tới của Thời Sự Ngày Mai cũng vào ngày giờ này.
 
Nguồn:
Tiết mục Thời Sự Ngày Mai trên SBTN, tối Thứ Ba 25 Tháng Bảy