Phạm Hồng-Lam
Lộ trình CỨU nước và DỰNG nước
trong „Chính Đề Việt Nam“ (1)
Năm 2009 tôi được một người bạn tặng cuốn
sách „Chính Đề Việt Nam“. Ngoài bìa ghi tác giả „Tùng Phong“, với phụ đề
„Tài liệu nghiên cứu dành cho cán bộ quốc gia“, nơi xuất bản: „Sài Gòn
Việt Nam“. Phiên bản 2009 này là bản chụp in lại từ bản chính do nhà
xuất bản Đồng Nai tại Sài Gòn in năm 1964.
Về tác phẩm và tác giả
Tác giả cuốn sách được ghi là Tùng Phong. Hầu hết những nhân chứng còn
sống đều bảo rằng, đây là nội dung do ông Ngô Đình Nhu và ban tham mưu
của ông biên soạn, để làm tài liệu huấn luyện cho cán bộ thời Đệ Nhất
Cộng Hoà (ĐNCH). Nguyên bản bằng tiếng Pháp, được ông Lê Văn Đồng, lúc
đó là Đổng Lí Văn Phòng Bộ Lao Động và cũng là một thành viên trong ban
tham mưu chung quanh ông Nhu, chuyển ra Việt ngữ và sau đó tự đứng ra in
và phổ biến. Cuốn sách ra đời năm 1964, nghĩa là sau khi chính thể ĐNCH
vừa bị lật đổ và tổng thống Ngô Đình Diệm cùng với người em Ngô Đình
Nhu bị thảm sát. Lúc này, các thế lực „cách mạng“ còn làm chủ đường phố
và dư luận. Hễ ai bị thế lực này đội cho chiếc nón „cần lao nhân vị“ là
có thể mất mạng. Vì thế, sách mang một cái tên lạ và phần viết về chính
sách Ấp Chiến Lược bị lược bỏ khỏi sách (theo thông tin của ông Đỗ La
Lam; ông cũng là một thành viên tham mưu thời đó) cũng là điều dễ hiểu.
Quả là may cho Đệ I Cộng Hoà mà cũng là cho lịch sử việt nam, khi ông Lê
Văn Đồng đã dám liều lĩnh cho ra đời cuốn sách. Nếu không, ngày nay
chúng ta có lẽ đã không có cơ hội gặp được một tác phẩm cho thấy sự sáng
suốt của các nhà lãnh đạo thời đó.
Hè năm 2014, tôi đã lấy hai tuần nghỉ việc, chỉ để làm việc với cuốn
sách. Trước hết là đọc lại cho thấm hơn nội dung. Thứ đến là muốn tóm
gọn nó lại, với ước ao muốn giới thiệu nó với thật nhiều người. Tôi
nghĩ, một cuốn sách tâm huyết và đầy viễn kiến như thế, phải làm sao cho
thật nhiều người có thể đọc được. Là vì cuốn sách với hơn 350 trang chữ
nhỏ quả không dễ đọc: Tư tưởng quá cô đọng, bốn chương sách lại quá dài
và không có mục lục rõ ràng, nên đầu óc dễ mệt mỏi, nhất là đối với
những người ít có duyên với văn chính luận. Nhưng nó xứng đáng trở thành
môn „Giáo Dục Công Dân“ trong các trường trung học mai sau. Vì càng
nhiều người tiếp cận và thấu hiểu nó, Đất Nước và Dân Tộc việt càng có
hi vọng sớm vượt thoát được tinh thần nô thuộc và tình trạng chậm tiến.
Trong bài này tôi không làm chuyện giới thiệu hay điểm sách. Nhưng muốn,
qua cuốn sách, cùng với quý vị tìm hiểu và trao đổi về một vài nội dung
quan trọng trong đó, hầu cùng nhau tìm một lối thoát cho tình trạng bế
tắc của Đất Nước hiện nay.
Nhưng trước hết, tôi muốn chia sẻ với quý vị một vài cảm nghĩ cá nhân về „CĐVN“.
Với tôi, cuốn sách lạ quá. Nó chuyên chở một kiến thức lịch sử bao la,
nhưng lại dính chặt vào thực tế của Đất Nước. Nó có cái nhìn tiên tri,
và những tiên tri của nó, sau hơn 50 năm, xẩy ra đúng mồn một.
Chính trị, và nhất là đề tài „phát triển quốc gia“, là những cái vốn
quyến rũ tôi cách đặc biệt. Vì thế, gặp được cuốn sách đưa ra một đường
lối phát triển cụ thể và đầy viễn kiến cho Dân Tộc như „Chính Đề Việt
Nam“, tôi như lân gặp pháo. Thời mới lớn, tôi thích thú tìm hiểu vấn đề
đó qua các bài viết trong các tạp chí Quê Hương xuất bản đầu thập niên
1960 ở miền Nam. Trong đó có một đề bài tôi còn nhớ rõ: Cần thay đổi chính thể trước hay thay đổi con người trước? Đầu
thập niên 70 thế kỉ trước, trong mấy năm ở Ban Chính Trị Xã Hội thuộc
Trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt, tôi cũng chỉ còn nhớ độc một môn
thích thú nhất, đó là giáo trình „Phát triển và xây dựng quốc gia“, qua
đó chúng tôi được hai giáo sư giới thiệu hai mô hình phát triển: chính
sách của tổng thống Sukarno ở Indonesia và lí thuyết của Karl
Marx-Lenin. Thời đó, tôi cứ mong sau này có dịp ra nước ngoài để đi
chuyên sâu vào nghành Xã Hội Học Phát Triển.
Trước tôi, cũng có một người mang tâm trạng và kinh nghiệm như tôi có,
đó là cố Giáo Sư Tôn Thất Thiện. GS Thiện từng học ở London School of
Econimics and Political Science, một đại học nổi tiếng nhất của cả Liên
Hiệp Anh với trọng điểm nghiên cứu về phát triển kinh tế và xã hội. Đây
là cảm tưởng của cố GS, sau khi đọc xong CĐVN:
„Trời!
Sao mình không được biết đến tài liệu này sớm hơn! Tất cả những gì mình
tìm kiếm đều có trong đó. Mình đã mất gần 50 năm (1960-2007) tìm kiếm
những gì mà đã có người Việt Nam viết lên rồi!“ (Một Viên Ngọc Quý, 2009, tr. 17). Và cũng chính Giáo Sư Thiện đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của Gs. Nguyễn Văn Lục: „Cộng
Sản việt nam đã chết, nhưng chưa chôn; còn Việt Nam Cộng Hoà đã chôn,
nhưng chưa chết: vì cái hồn còn sống của nó là cuốn „Chính Đề Việt Nam““!
CĐVN hàm chứa những gì khiến cho GS. Thiện ngỡ ngàng và mê say như thế?
CĐVN là một kho kinh nghiệm lịch sử lớn. Có rất nhiều điều chúng ta có
thể học hỏi hoặc khai thác trong đó. Ở đây, tôi chỉ đề cập tới một vài
nội dung bản lề của cuốn sách.
Phát triển Dân Tộc
Tựa sách „Chính Đề Việt Nam“ có nghĩa là „Vấn đề chính trị của Việt
Nam“. Mà cũng có thể hiểu là „Vấn đề chính, căn bản của Dân Tộc việt
nam“. Vậy đâu là vấn đề căn bản mà Dân Tộc việt nam cần phải ưu tiên
giải quyết?
Tùng Phong bắt đầu thiên chính luận của mình bằng tiền đề như sau:
„Việt
Nam là một nước nhỏ, nhỏ về dân số, nhỏ về lãnh thổ, nhỏ về kinh tế kém
phát triển và nhỏ về những đóng góp vào văn minh nhân loại…. Số phận
của các quốc gia nhỏ từ xưa đến nay vẫn không thay đổi… Lúc nào quốc gia
nhỏ cũng phải bị chi phối bởi những trận phong ba bão táp vô trách
nhiệm do các nước lớn gây ra. Và lúc nào cũng sống dưới sự đe doạ liên
tục của một cuộc xâm lăng“.
Và vô phúc thay, chúng ta lại nằm sát bên một anh khổng lồ luôn mang
tham vọng bành trướng, xưa nay vẫn coi Việt Nam chỉ là một vùng đất
phiên thuộc của họ. Suốt dọc dài lịch sử, Trung-quốc đã bảy, tám lần tìm
cách xoá sổ Việt Nam.
Như
vậy, phải làm sao thoát ra khỏi những phong ba bão táp, những đe doạ
xâm lăng triền miên đó? Nói khác đi, làm sao để giữ gìn và bảo vệ nền
độc lập? Tắt lại, làm sao để CỨU nước và DỰNG nước?
Và câu trả lời của „CĐVN“: Phát Triển dân tộc và đào tạo Lãnh Đạo.
Vấn đề căn bản cần phải giải quyết của Dân Tộc là đó.
Nói tới Phát Triển cũng là nói tới Lãnh Đạo. Muốn quốc gia phát triển
đúng, cần phải có kế hoạch hay. Kế hoạch hay đòi hỏi Lãnh Đạo giỏi.
Không có Lãnh Đạo có tâm và biết nhìn xa, không thể có Phát Triển.
Nhưng đào tạo Lãnh Đạo như thế nào và Phát Triển đất nước bằng cách nào?
Đào tạo Lãnh Đạo
Trước hết, cần phân biệt „lãnh đạo“ với „cai trị“.
„Cai
trị là hành vi dùng sức mạnh để kiểm soát những người bị trị, để giữ
nguyên tình trạng hiện có. Nói cách khác, cai trị là nỗ lực kéo dài một
quá khứ. Lãnh đạo thì khác: Lãnh đạo hướng tới tương lai. Lãnh đạo là
dẫn dắt một tập thể hướng tới một chân trời mới trong tương lai. Cai trị
cần sự vâng phục trong khi lãnh đạo cần sự đồng thuận. Cai trị được xây
dựng trên bạo lực và áp chế trong khi lãnh đạo được xây dựng trên sự
khai sáng và tin tưởng. Cai trị cần ngục tù và súng đạn trong khi lãnh
đạo cần ánh sáng và trí tuệ“. (Nguyễn Hưng Quốc, ĐCS khước từ vai trò lãnh đạo đất nước).
Cộng sản cai trị chứ không lãnh đạo.
Tại sao cần lãnh đạo và lãnh đạo phải như thế nào?
CĐVN: „Đối
với một quốc gia mà nền độc lập đã mất hay đang bị đe doạ, thì việc
nuôi dưỡng và phát triển lãnh đạo là phương pháp hữu hiệu nhất và điều
kiện thiết yếu nhất để chống ngoại xâm“. Ngoại xâm như thực dân tàu
và pháp trước đây hay nội xâm như việt cộng hiện nay, tất cả đều luôn
nhắm tới hai đích: diệt tầng lớp lãnh đạo của Dân Tộc và bóc lột kinh
tế. Về mặt kinh tế, đôi lúc chúng vẫn chừa cho một khoảng phát triển nào
đó, nhưng cũng không ngoài để phục vụ quyền lợi của chúng. Còn về mặt
lãnh đạo, chúng ra sức tận diệt bằng mọi cách, vì đó là nguy cơ thách
thức quyền lực và quyền lợi của chúng lớn nhất. Đối với dân tộc bị trị,
kém phát triển kinh tế thì còn có thể xoay xở bằng cách đi vay mượn, chứ
thiếu tầng lớp lãnh đạo thì hết thuốc chữa. Có của mà không cò người
biết quản trị cũng bằng thừa. Đất nước như một Robot khoẻ mạnh, nhưng
không có bộ óc điều khiển.
Tùng Phong nói tới một tầng lớp „lãnh đạo xứng danh“. Theo tác giả, đó phải là những người có 4 yếu tố chính:
- Có đạo đức. Nghĩa là có „Nhân“ theo cổ nhân.
- Có đủ khả năng vật chất, lí trí và tinh thần để ứng phó với các tính thế. Nghĩa là có „Dũng“ và „Lược“ theo cổ nhân.
- Thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của tập thể. Nghĩa là có „Trí“ theo cổ nhân.
Nhân
Dũng Lược là những điều kiện chủ quan, những đức tính Trời cho, nếu gặp
cơ hội thuận tiện, được rèn luyện, sẽ phát triển, nếu không sẽ thui
chột hoặc dừng lại ở cấp yếu. Những đức tính này cần cho người tham
chính. Nhưng không đủ. Hơn nữa, nếu thiếu, cũng không nhất thiết tai
hại, nếu có „Trí“ theo nghĩa để thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết
của dân tộc… Một sự lãnh đạo có đủ Nhân Dũng Lược, nhưng không thấu
triệt vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng (nghĩa là thiếu „Trí“),
không thể đưa con thuyền cộng đồng đến chiến thắng. Một sự lãnh đạo, dù
thiếu Nhân Dũng Lược, nhưng lại thấu triệt vấn đề của cộng đồng, vẫn có
hi vọng mang thắng lợi về cho cộng đồng, dù rằng thắng lợi đó phải trả
bằng những gian lao và tang tóc“ (tr. 10t)
Tùng Phong dùng hình ảnh một người lái xe làm thí dụ: Một người lái xe
giỏi, nhưng không biết lộ trình phải đến, nghĩa là thiếu sự nhìn xa
(trí), thì sẽ không bao giờ đưa xe tới đích được. Trái lại, một người
lái xe dở, nhưng nắm rõ đích đến, thì thế nào, nhanh hay chậm, người đó
cũng sẽ đưa hành khách tới bến (tr. 10t).
Cũng cần phân biệt chính trị với văn hoá, tôn giáo. Người làm văn hoá
cần lí tưởng. Nhà tôn giáo cần đức độ. Nhà chính trị chỉ có lí tưởng và
đức độ thôi, không đủ; vì người dân không đòi hỏi nơi họ trước hết lòng
đức độ, mà là sự thành công trong việc giải quyết những vấn đề thiết
thực trong một hoàn cảnh cụ thể. Mà muốn giải quyết vấn đề, thì phải có
„Trí“ để nhìn ra vấn đề. Trí này gồm một phần rất nhỏ là trực giác bẩm
sinh, còn đa phần là do tập thành, do cọ xát với thực tế, qua việc sưu
tầm, khảo cứu, phân tích cứu tài liệu bên ngoài.
Ở đây, tôi chỉ nhắc tóm tắt về nhu cầu đào tạo lãnh đạo cũng như những
đức tính cần có của họ. Còn câu hỏi: làm sao để có được những nhà „lãnh
đạo xứng danh“ cho đất nước mai này, chúng ta sẽ trao đổi trong phần
thảo luận nhóm.
Lộ trình CỨU nước và DỰNG nước trong „Chính Đề Việt Nam“ (2)
Phát triển dân tộc
Ở đây cần nêu lên một câu hỏi. Tại sao vấn đề sống chết của đất nước
chúng ta, theo Tùng Phong, không phải là „Độc Lập“, mà lại là chuyện
„Phát Triển“? Lẽ ra, sau hàng ngàn năm nô thuộc ngoại bang, và hiện nửa
nước đang nô lệ Cộng sản quốc tế (sách viết đầu thập niên 1960), Độc Lập
phải là nỗi khao khát nóng bỏng và thiêng liêng của người Việt. Nhưng
tác giả đã đặt Phát Triển lên ưu tiên, với lí luận như sau: Độc Lập
không phải là cứu cánh, mà nó chỉ là phương tiện cho công cuộc phát
triển đất nước. Cùng đích của việc đánh đuổi ngoại xâm và hiện nay là
đánh đuổi nội xâm cộng sản chẳng phải là Độc Lập, mà là để Dân Tộc nhờ
đó có được cơ hội tự do phát triển đất nước.
Cứ nhìn vào nền Độc Lập mà Đảng Lao Động trước đây ở miền Bắc và Đảng
Cộng Sản hiện nay trên cả nước đang rêu rao, thì hiểu được ngay lập luận
của Tùng Phong. Độc Lập mà không Phát Triển, thì Độc Lập chỉ là bánh
vẽ, giả hiệu. Ai dám bảo, Việt Nam hiện nay dưới sự cai trị của việt
cộng là một quốc gia thực sự độc lập?
Vậy, để về lâu về dài thoát ra hoặc hoá giải được áp lực khủng khiếp từ
phương bắc, hầu giữ được độc lập và chủ quyền, theo Tùng Phong, chúng ta
chỉ có một con đường duy nhất: Phát Triển dân tộc. Nghĩa là phải làm
sao để dân giàu nước mạnh, có như vậy ta mới giữ được nền độc lập đúng
nghĩa.
Nhưng Phát Triển bằng cách nào hay theo mô thức nào?
Trong một trăm năm qua, thế giới có hai mô hình phát triển: Cộng Sản và Tự Do Dân Chủ.
Thật ra, con đường Cộng Sản hay Tự Do chung quy cũng là con đường Tây
Phương Hoá. Trước đây Tùng Phong gọi „Tây Phương Hoá“, ngày nay mang tên
là „Toàn Cầu Hoá“. Đó là nỗ lực bước theo văn minh âu mĩ để có tiến bộ,
thịnh vượng và hùng mạnh. Chỉ khác một điều: Cộng Sản tây phương hoá
bằng bạo lực trấn áp, bằng nhân danh quyền lợi của tập thể (mà thực chất
là của nhóm lãnh đạo đảng của họ) để triệt tiêu quyền lợi cá nhân; Tự
Do tây phương hoá bằng đường lối kêu gọi thuyết phục và bằng cố gắng cân
bằng quyền lợi cá nhân và tập thể. Và như ta thấy, con đường phát triển
theo mô thức Cộng Sản đã hoàn toàn thất bại.
Dù có í thức hay không, thì chúng ta trước sau vẫn đang ở trong tình
trạng tây phương hoá. Từ cách ăn mặc, nhà ở, xe cộ, các phương tiện
truyền thông, ngay cả cảm thức nghệ thuật… tất cả đều là của „tây“ hết
rồi. Không biết từ lúc nào, „ăn cơm tàu, lấy vợ nhật, ở nhà tây“ vẫn là
giấc mơ để đời của người mình.
Tây Phương Hoá, như vậy, là điều đương nhiên, không thể tránh khỏi. Ngăn
chặn cũng không được. Mà chần chừ thì bị nó cuốn phăng. Vậy chỉ còn
việc phải chọn thái độ nào trước cơn lũ tây phương hoá mà thôi.
Trước đây, vì chống lại cơn lũ đó, dân Da Đỏ ở Mĩ châu đã bị tiêu diệt,
Ấn-độ và các nước phi châu bị rơi vào ách thuộc địa, Trung-hoa và
Thái-lan rơi vào tình trạng bán thuộc địa, còn Nhật thì đã giữ được độc
lập vì biết chủ động thích ứng với cơn lũ đó.
Còn Việt Nam? Vì đã không có một chính sách nào, chỉ biết thụ động trước
số phận, chúng ta rơi vào lệ thuộc hàng trăm năm dài; đất nước mất chủ
quyền, xã hội tan rã trước văn minh kĩ thuật từ ngoài ồ ạt tràn vào theo
chân kẻ chiến thắng. Những giá trị cổ truyền bị phá sản và khinh miệt.
Một cuộc duy tân diễn ra hỗn độn, không mục đích, không đường hướng.
Tùng Phong nhận định:
„Xã hội chia làm hai khối: Một
bên cố gắng ôm lấy các giá trị cổ truyền đã chết thành thây ma, một bên
duy tân nhưng không biết duy tân để làm gì và đi theo hướng nào, chỉ
bắt chước cử chỉ như khỉ và lời nói như sáo. Hai bên tân, cựu khinh miệt
nhau, hiện tượng rõ rệt của một xã hội đang tan rã. Tình trạng càng trở
nên bi thảm, khi chính phái “mới“, với sự ủng hộ của kẻ xâm lăng đã
thắng phái “cũ”. Các giá trị cũ, tuy đã chết như cây khô vì không người
vun tưới, nhưng đó là những tiêu chuản giá trị thật, có thời đã đào tạo
được những thế hệ người gồm nhiều đức tính cao cả. Với sự sụp đổ của
những giá trị đó, tiết tháo và tính khí của người xưa cũng mất luôn. Lớp
người mới lại không biết duy tân để làm gì ngoài sự hưởng thụ vật chất”
(tr.)
Như vậy, chỉ còn cách là chúng ta phải „chủ động“ một cuộc TPH có í thức, có mục đích, có đường lối. Với í thức và chủ động, chúng ta có thể điều hướng và điều hoà được giòng lũ.
Và công cuộc TPH có í thức này phải „toàn diện“,
nghĩa là nó diễn ra trên mọi lãnh vực: kĩ thuật, kinh tế, chính trị,
pháp luật, văn học… Không thể nói, chúng ta chỉ đổi mới quân đội hay cải
tiến kinh tế là đủ; hay chỉ cần nhập cảng máy móc, vũ khí của tây
phương để phát triển và bảo vệ đất nước là đủ. Không. Đã có máy móc,
phải tổ chức đội ngũ công nhân; có công nhân, phải tổ chức công đoàn,
phải có luật pháp bảo vệ lao động, phải có những biện pháp cải tiến i tế
dân sinh, phải huấn luyện văn hoá tay nghề cho họ v.v. Như một dây
chuyền, các lãnh vực nối kết liên thuộc với nhau. Cũng như khi quyết
định xả lũ, chúng ta hiểu rằng, nước lũ trước sau sẽ tràn khắp mặt đất,
chứ không chỉ hạn chế trong một vài vùng nào đó mà thôi.
Và công cuộc TPH chủ động này phải đạt tới một „mức độ đủ cao“, nói cách khác, phảitriệt để. Tác giả muốn nói gì ở đây?
Văn minh tây phương đã chinh phục thế giới bằng khoa học kĩ thuật; muốn
tồn tại, đương nhiên phải chế ngự được thứ khí giới đã đem lại chiến
thắng cho họ. Họ có nền sản xuất cao ư, vậy ta mua máy móc của họ; họ có
khí giới tối tân ư, ta mua khí giới của họ; xe hơi họ tốt, ta nhập xe
của họ… Nhưng chỉ có mua kĩ thuật của Tây Phương, thì chúng ta mãi mãi
cũng chỉ là chạy theo và mãi mãi lệ thuộc Phương Tây. Hết lệ thuộc
Phương Bắc, giờ lại chuyển sang lệ thuộc Phương Tây.
Khi nói „TPH đến mức độ đủ cao“, tác giả muốn nói việc TPH bắt buộc phải trải qua hai giai đoạn: „Trong
giai đoạn thứ nhất, các nỗ lực đều hướng vào sự hấp thụ các kĩ thuật
tây phương (gđ. mua sắm máy móc, vũ khí, xe cộ…). Giai đoạn thứ hai bắt
đầu, khi nào cộng đồng đã chế ngự được các kĩ thuật đã hấp thụ và dùng
nó làm dụng cụ sáng tạo“.
Nói cách khác, giai đoạn thứ nhất là giai đoạn LÀM THEO Tây Phương;
giai đoạn thứ hai là giai đoạn sáng tạo – LÀM NHƯ – họ. Đây là giai đoạn
chúng ta đã học được, đã nắm được Khoa Học của họ và rồi dùng nó sáng
tạo ra cái riêng của mình. Nắm được Khoa Học của họ, ta sẽ có khả năng
sáng chế kĩ thuật như họ.
Mà sở dĩ Phương Tây có được nền Khoa Học kì diệu như ngày nay, là vì họ có được hai đức tính: đó là đầu óc chính xác và óc tổ chức minh bạch ngăn nắp – nói cách khác là cóđầu óc khoa học.
Hai đức tính này là bà mẹ đẻ ra Khoa Học, chứ không phải ngược lại. Đây
là hai đức tính thuộc gia sản truyền thừa của văn minh hi-lạp và rô-ma.
Qua nhiều trăm năm, chúng đã hun đúc cho các dân tộc phương tây có được
một lối suy nghĩ chính xác và một khả năng tổ chức đâu vào đấy như ta
thấy ngày nay. Nhờ đó, họ mới phát triển lên được nền Khoa Học tân tiến
ngày nay. Tinh thần chính xác, minh bạch và ngăn nắp này thể hiện ra
không chỉ trong tư duy và tổ chức, mà cả trong nếp sống thường ngày,
trong tính khí, qua câu văn, qua cách viết, qua từ ngữ xử dụng của họ.
Muốn rèn luyện hai đức tính này, Tùng Phong có một vài đề nghị cụ thể:
„Chúng
ta phải chỉnh đốn đời sống hàng ngày cho ngăn nắp và minh bạch, và ngôn
ngữ của chúng ta cũng phải được chỉnh đốn cho ngăn nắp và minh bạch…;
đời sống hàng ngày của chúng ta và ngôn ngữ hàng ngày của chúng ta sẽ
trở thành những dụng cụ sắc bén để giúp cho chúng ta rèn luyện chính xác
về lí trí và ngăn nắp lẫn minh bạch trong tổ chức. Và ngôn ngữ đã chỉnh
đốn lại trở thành một khí cụ suy luận để chúng ta soi thấu vũ trụ vật
chất và vũ trụ tinh thần“ (tr. 329)
Rất nhiều sáng kiến và sáng chế kĩ thuật đã xuất hiện ở Phương Đông từ
rất xa trước Phương Tây. Nhưng những phát kiến này đã không phát triển
tiếp được, vì các dân tộc phương đông không có được „óc khoa học“. Mà
„óc khoa học“ cũng có nghĩa là biết thắc mắc, muốn tìm cho ra lẽ, để đưa cái lẽ đó áp dụng vào thực tế hầu phục vụ cho cuộc sống mình.
Vài thí dụ.
- Thuốc nổ là thứ người Trung-hoa đã tìm ra từ nhiều trăm năm trước, nhưng vì không có óc khoa học, họ đã không biến được chúng thành vũ khí, như người phương tây đã làm.
- Bao nhiêu năm nay người việt nam chỉ biết cuốn chả dò thủ công; chỉ khi nó theo chân người tị nạn ra hải ngoại, nó mới được người tây phương phân tích và cơ giới hoá việc sản xuất, nhờ đó mới có được những vua chả dò, triệu phú chả dò như ông Trịnh Vỉnh Bình ở Hoà-lan.
- Những ai trước đây học chương trình Pháp hầu hết đều là những người viết văn gẫy gọn, biết chấm câu rõ ràng; còn học sinh trường Việt đa số gặp khó khăn khi viết văn, chấm câu. Các học sinh, sinh viên ở Việt Nam hiện nay cũng vậy. Tại sao? Vì thầy cô thiếu trách nhiệm trong việc dạy? Vì người ta coi thường Việt ngữ? Hay vì tiếng Việt vốn thiếu lo-gic? Ai đã từng dịch các văn bản tiếng Việt, đều kinh nghiệm được sự thiếu chính xác của từ ngữ và thiếu mạch lạc của câu văn việt ngữ.
- Một trong những nét ưu việt nhất nói lên tinh thần khoa học của người tây phương là lối học ở đại học. Không có cảnh thầy đọc – trò chép như ở Việt Nam. Cái học đại học ở đây không chủ yếu cung cấp lời giải (để học thuộc!), mà là nhắm cung ứng cho học viên thật nhiều chìa khoá, để họ có thể tự lựa chọn hay tổng hợp thành một giải pháp mới thích hợp cho việc giải quyết vấn đề của mình. Cũng như ta có thể đi từ A đến B bằng nhiều cách. Và người ta chỉ cho ta một lô phương tiện: đi bộ, xe đạp, phi ngựa, xe gắn máy, xe hơi, hàng không, đường thuỷ…; đồng thời giúp ta nhận ra được những khả thể về mặt lưu thông và những thuận lợi, trắc trở có thể gặp trên đường. Việc của ta là phải cân nhắc, chọn lựa hay tự tính toán kết hợp tạo cho mình một phương án mới, để đạt mục tiêu cách tối ưu nhất. Nghĩa là cái học này bắt mình động não, giúp mình phải sáng tạo.
Nghĩa là nó đòi hỏi học viên phải tập biết SUY NGHĨ CHÍNH XÁC và biết TỔ CHỨC MINH BẠCH NGĂN NẮP.
Và điểm đó – theo cái nhìn của Tùng Phong – cũng chính là hai
cái chìa khoá quyết định, mà người Việt chúng ta phải làm sao thủ đắc
cho được, thì mới có thể sáng tạo được như người phương tây.
Tắt lại, vấn đề căn bản mà Dân Tộc và Đất Nước chúng ta phải giải quyết,
hầu tranh được hoạ xâm lăng và áp lực từ phương bắc, đó là:
- Phát triển và đào tạo Lãnh Đạo, vì đây là phương pháp hữu hiệu nhất và điều kiện thiết yếu nhất để giúp một quốc gia mà nền độc lập đang bị đe doạ tranh được hoạ ngoại xâm.
- Phát triển Đất Nước bằng cách chủ động tây phương hoá một cách có í thức, triệt để và toàn diện.
- Để có thể phát triển được bằng người và hơn người, chúng ta phải thủ đắc nền Khoa Học của họ. Muốn vậy, trên hết phải học và tập hai đức tính nền tảng của họ: suy nghĩ chính xác và sự tổ chức minh bạch và ngăn nắp, vì đây là bà mẹ sinh ra khoa học tây phương.
Phạm Hồng-Lam