Steffen Dobbert
Người dịch: Phạm Hồng-Lam
Chiếc Ngai Đẫm Máu Của Putin
Putin có phải là con của người đàn bà trong hình này không? Bà cụ bảo, nó là con tôi. Putin chối. Nhưng tại sao lại chối? Phải chăng vì cái ngai vàng lôi cuốn. Một cái ngai đã nhuốm biết bao là máu kinh tởm. Tựa đề phóng sự này nguyên là „Bà Putina Mất Con“, đăng trong tuần báo Die Zeit, số 19/20/2015, tháng 5.2015 của Steffen Dobbert. Người dịch đổi tựa thành Ngai vàng nhuốm máu của Putin.
Ai muốn đọc bản tiếng Đức hay tiếng Anh và nghe Vera nói, vào: www.zeit.de/feature/wladimir-putin-mutter
Có những bí mật chẳng ai biết đó thật sự là bí mật. Có những bí mật chỉ có một số rất ít người biết. Và cũng có những bí mật chẳng còn chút bí ẩn nào nữa, nhưng chúng gắn liền với đôi chút cấm kị. Những cách nghe lén của cộng sản (Đông Đức) người dân nào mà chẳng biết, nhưng đã chẳng ai dám nói ra giữa công chúng.Tuổi trẻ của Putin cũng giống như thế. Nó bao trùm một màn đen bí ẩn dễ sợ.
Có người khẳng định, tổng thống Nga hiện nay đã sống 9 năm đầu đời trong một gia đình nào đó. Nhưng sự hiện diện của gia đình này không được Putin công nhận. Và họ cho biết, Putin đã trải qua một nửa tuổi trẻ không phải trên đất Nga, mà trên đất Georgien. Về sau, khi trở thành giám đốc cục tình báo đối nội của Liên-xô, ông đã cạo sửa tiểu sử và chối bỏ người mẹ đẻ, để có cơ hội thăng tiến quyền lực, để được bầu lên ghế tổng thống Nga vào kì tranh cử thứ nhất. Là vì nếu người ta biết được ông là đứa con ngoại giá thú và sinh trưởng ở Georgien, thì dân Nga sẽ không bầu cho ông.
Nếu quả thật bí mật này đúng và được bạch hoá sớm, thì có lẽ lịch sử thế giới đã khác. Wladimir Putin đã không phải là tổng thống Nga. Cuộc chiến ở Tschetschenien (một cộng hoà cũ của Liên-xô, vì muốn độc lập nên đã bị Putin đem quân đánh tơi tả – người dịch) có lẽ đã khác. Và cuộc chiến ở Georgien (cũng là một cộng hoà cũ, nay trở thành quốc gia độc lập thoát khỏi Nga, nhưng đã bị Nga cưỡng chiếm mất một phần đất – người dịch) cũng như ở Ukraine (cũng là một quốc gia thuộc Liên-xô xưa, nhưng nay đã độc lập, và mới đây bị Putin sát nhật một phần đất và đang cho quân sang gây chiến ở một vùng đất khác – người dịch) có lẽ đã không xẩy ra.
Ai cũng biết những lời dối trá của Putin, trễ nhất là từ khi ông cưỡng chiếm và sát nhập vùng Krim của Ukraine. Phải chăng Putin cũng dùng những phương cách chính trị đó đối với mẹ đẻ của ông? Hay là bà già kia hiện đang sống ở Georgien đã phao tin thất thiệt?
Bài phóng sự này là cuộc truy tìm sự thật, dựa trên những cuộc nói chuyện với những người chứng mắt thấy tai nghe, dựa trên những tin tức truyền thông và trên những cuốn phim quay, nó đã bắt đầu thực hiện từ 15 năm nay.
1 – Máy bay rớt: Moskau, tháng 3 năm 2000
Chết ngày 9. 3.2000: Sija Baschajew
Khi Sija Baschajew sáng hôm thứ năm đó bước nhanh trong phi trường Moskau-Scheremetjewo, còn đúng 17 ngày nữa là bầu cử tổng thống ở Nga. Baschjev là người Tschechenien và là giám đốc tập đoàn dầu khí Alliance Group của Nga. Bên cạnh ông là nhà báo nga Artjom Borowik. Kỉ giả này đã làm phóng sự về cuộc chiến của Nga ở Afghanistan, đã viết nhiều cuốn sách về quân đội nga tham chiến ở ngoại quốc và là người sáng lập hai tờ báo Sowerschenno Sekretno và Wersija, hai tờ báo chuyên viết về những phóng sự gây nhức nhối cho chính quyền nga. Trong một bài báo vừa xuất hiện trước đó, Borowik viết về Putin, lúc đó đang là người được Jelzin tạm thời trao quyền tổng thống cho tới khi có cuộc bầu cử, như sau: „Có ba cách để ảnh hưởng trên người khác: cưỡng bức, rượu và doạ giết“.
Chết ngày 9.3.2000: kí giả nga Artjom Borowik
Một năm trước đó, Putin là một nhân viên vô danh của cơ quan mật vụ. Rồi, tháng 8.1999, tổng thống già bệnh Jelzin cử ông làm thủ tướng. Chiều tối hôm giao thừa Jelzin tuyên bố rút khỏi chính trường và tạm trao quyền tổng thống lại cho đương kim thủ tướng.
Nhiều tháng trước đó, Putin đã ra lệnh cho quân đội tiến vào Cộng Hoà Tschechenien, để dẹp dân này đang đòi độc lập. Cuộc chiến Tschechenien lần thứ hai bắt đầu.
Giờ đây, Putin sẽ ra ứng cử chức vị tổng thống Nga vào ngày 26 tháng 6. Ông sẽ là tổng thống Nga trẻ nhất, 47 tuổi, kể từ Stalin.
Nhà quản trị dầu khí Baschajew và kí giả Borowik cả hai đều 39 tuổi và quen biết nhau từ nhiều năm. Hôm đó, cả hai muốn tới thủ đô Tbilissi của Georgien. Baschajew thuê riêng cho mình một chiếc máy bay loại Jak-40.
Bên cạnh hai người, còn có hai vệ sĩ của Baschajew đi theo. Ngoài ra, trên máy bay không còn hành khách nào khác. Phi hành đoàn gồm 4 người và một phi công chính dày dạn kinh nghiệm với 7000 giờ bay. Nhiệt độ ngoài trời ở mức xấp xỉ dưới Zero, quá ấm so với thời tiết bình thường của mùa này.
Một người Tschechenien tên Rustam Daudow – nhân viên cao cấp làm việc trong toà đại diện nước Tschechenien tại Tbilissi, cách đấy vài tuần đã liên lạc điện thoại cho Baschjew. Ông bảo qua điện thoại, Baschajew và Borowik phải đích thân tới Tbilissi, ông muốn cho hai người xem một phim video và muốn trao cho họ một phiên bản phim đó. Daudow nói, phim này sẽ khiến Putin không được bầu lên ghế tổng thống, với điều kiện nó được kịp thời công chiếu ở Nga.
Kí giả Borowik trước đó chưa bao giờ nói chuyện với Daudow. Nhưng Baschajew đã biết ông qua một người quen và tin Daudow là một người cho tin khả tín.
8 giờ 45 chiếc Jak-40 khởi động ba máy phản lực. Phi cơ lăn trên phi đạo, tăng tốc và cất cánh sau khoảng một cây số lăn bánh. Tới độ cao 50 mét, phi cơ chao nghiêng về phía trái, mất cao độ và nổ tung khi rơi xuống vùng phi đạo. Chết không còn ai.
Vài ngày sau, bản tường trình điều tra cho hay, nguyên nhân tai nạn có lẽ là do các kĩ thuật viên quên đổ chất chống băng vào cơ phận ở cánh. Nắp van ở cánh trái vì thể chỉ mở được khi nhiệt độ lên 10 độ. Nhưng trời hôm đó chỉ xấp xỉ dưới không độ, với nhiệt độ đó, mọi cơ phận có thể hoạt động bình thường không cần chất chống băng. Bố của Borowik cho rằng, mật vụ nga là kẻ giết con mình. Ông nói, con ông chết khi nó đang đi điều tra phóng sự.
Hôm sau ngày tai nạn, Daudow ngồi uống trà trong phòng làm việc trên lầu ba của một toà nhà trong trung tâm thủ đô Tbilissi. Truyền hình đang cho tin về cái chết của Baschajew và Borowik. Cuộn phim ông muốn trao cho hai người đang nằm trong ngăn bàn làm việc của ông.
2 – Mất con: Metechi, tháng 1.2000
Khoảng hai tháng trước vụ tai nạn máy bay, một người đàn ông bước vào văn phòng của Daudow. Người này tự xưng mình trước đây làm việc cho mật vụ Georgien. Ông nói, ông biết Daudow có liên hệ gần gũi với những người lãnh đạo Tschechenien đang chống lại Nga để đòi độc lập. Ông đặt lên bàn tấm hình một bà già và nói, đây là mẹ thật của Putin.
Ông ra giá cho Daudow: 500.000 đô-la, tiền mặt. Nếu chấp nhận, ông sẽ bắt cóc bà này và trao cho quân Tschechenien. Với sự đe doạ sẽ giết bà, nếu Putin tiến hành chiến tranh, hi vọng Tschechenien sẽ buộc được Putin rút quân khỏi Tschechenien.
Với 39 tuổi đầu, Daudow hiểu cách làm việc của các mật vụ. Giữa thập niên 90, trong cuộc chiến lần thứ nhất chống lại Nga, ông là cố vấn của chính phủ Tschechenien. Ông đứng cách xe của tổng thống Teschchenien có mấy mét, đang hút thuốc, chiếc xe nổ tung. Mật vụ nga đã dùng điện thoại vệ tinh để định vị chiếc xe và bắn hoả tiễn vào xe. Màng nhĩ tai trái của Daudow vỡ. Mảnh hoả tiễn khoan vào lưng, nhưng Daudow thoát chết. Từ đó, ông tin nhiều vào khả năng của mật vụ.
Daudow cảm nhận người đàn ông gốc Georgien trước mặt mình khó tin. Ông không nhận doanh vụ này, và mời ông ta rời phòng.
Những ngày tiếp đó, Daudow nghe ngóng, hỏi han đồng nghiệp và người quen. Chẳng bao lâu, nhờ các kí giả người Gerogien, ông biết được chỗ ở của bà già được cho là mẹ thật của Putin.
“Dĩ nhiên tôi thương con trai tôi.” Kí giả đài phát thanh tư nhân Rustawi 2 của Georgien thăm bà Vera Putina trong tháng 10. 2006 và trong tháng 9. 2008 tại Metechi.
Tháng 1.2000 Rustan Daudow lái một chiếc xe tải nhỏ tới làng Metechi, cách Tbilissi khoảng 60 cây số, trên xe có bột, đường, thịt hộp làm quà tặng khách.
Vera Putina là một người đàn bà nhỏ thon, đầu luôn quấn một chiếc khăn, mỗi khi ra khỏi nhà. Khi biết có khách, bà bước ra sân, đi qua một mảnh vườn trồng nho tới gặp khách. Daudow tư giới thiệu và nói về Wladimir Putin. Bà già, lúc đó 73 tuổi, cho hay: „Tôi khẳng định nó là Wowa của tôi!“. Daudow bật máy quay phim. Vera Putina ngồi xuống và kể.
Bà kể, bà sinh ngày 6.9.1926 trong làng Otschor thuộc một tỉnh nhỏ của Nga trong miền núi Ural. Bà tới trường 8 năm, tốt nghiệp nghề thợ máy nông cơ và sau tiếp thêm một khoá tu nghiệp nữa. Trong khoá tu nghiệp, bà gặp ông Platon Privalow. Hai người yêu nhau và bà mang thai. Khi biết Platon đã có gia đình, bà bỏ ông và trở về sống với bố mẹ. Bà sinh con trai ngày 7.10.1950 tại làng quê của bà, đặt tên rửa tội cho nó là Wladimir, nhưng vẫn thường gọi nó là Wowa. Chưa bao giờ bà nói với con về tên người bố thật của nó.
Vera kể, khi Wowa lên hai, bà phải đi thực tập ở Taschkent cách xa cả ngàn cây số để hoàn thành phần thực hành của khoá tu nghiệp. Bà để con lại cho ông bà ngoại chăm sóc. Ở Taschkent, bà lại quen một người đàn ông khác tên Georgi Osepaschewili, một người gốc Georgien, vốn là một quân nhân đang đóng trại gần chỗ bà học. Khi xong thực tập, bà theo Georgi về Georgien, sống tại làng Metechi và họ cưới nhau. Bà mang Wowi, đứa con ngoài giá thú, theo về Metechi. Bà cho hay, chồng mới của bà chẳng phản đối gì, nhất là lúc ban đầu.
Về sau hai người bắt đầu cãi nhau về Wowa. „Ông ta không muốn Wowa sống chung trong nhà“, bà nói. Đôi vợ chồng nghèo, lúc này có thêm một con gái, và Osepaschwili không muốn phải nuôi ăn cho thêm một miệng ăn không phải con mình. Gia đình trải qua nhiều năm sống lục đục. Có lần cô em chồng mang Wowa giao cho một ông thiếu tá lạ hoắc nuôi, ông này không có con. Khi có lại được con, Vera quyết định „phải đưa Wowa về lại cho ông bà ngoại“.
Nhưng Wowa chẳng ở được lâu với ông bà. Ông ngoại đau nặng. “Cha mẹ tôi phải giao Wowa cho một bố mẹ nuôi“. Wowa lúc đó khoảng 9 tuổi. Bà thêm, từ đó bà luôn „cảm thấy có tội, nhưng bà không có cách nào khác hơn“.
Đó là câu chuyện Daudow ghi lại trong lần gặp thứ nhất. Đó chỉ là câu chuyện của một cậu bé, mà theo lời người mẹ, vốn thích câu cá và môn vật Judo và một cách tình cờ mang tên Wladimir Putin. Chưa có một liên hệ trực tiếp gì tới ông thủ tướng Nga lúc đó cả.
Vera Putina, 89, thợ máy nông cơ. Wladimir Putin, 62, tổng thống
Dawdow trở đi trở lại Metechi nhiều lần. Vera Putin kể cho ông nghe những gì tiếp đó xẩy ra cho con mình, sau khi về sống với cha mẹ nuôi.
Bà kể, bố mẹ nuôi của Wowa không có con, đó là người họ hàng xa của bà: Wladimir Spiridonowitsch Putin và Maria Iwanowna Putina. Hai ông bà này được tổng thống Putin hiện nay coi là bố mẹ ruột.
Ông bà đưa Wowa về sống tại thành phố trước đây gọi là Leningrad. Ở đó, họ làm lại giấy khai sinh cho Wowa và khai sụt đúng hai tuổi, sinh ngày 7.10.1952. Nhờ đó, vì chính thức chưa đủ 8 tuổi, Wowa có thể nhập học trường mới tại Leningrad ngày 1.9.1960. Ở Georgien nó đã học ở trường làng 3 năm, nhưng ở đây Wowa đã không học được đầy đủ tiếng Nga.
Daudow thu lại đầy đủ những gì Vera kể, nhiều giờ liền ông ngồi lắng nghe bà nói. Ông bắt chuyện với nhiều người trong làng có biết rõ Wowa. Một người bạn đồng lớp với Wowa hiện là hiệu trưởng ngôi trường làng Metechi.
Daudow một lúc nào đó đã hỏi Vera về những chứng cứ cho lời kể của bà. Bà cười và lắc đầu. „Wowa vẫn luôn mang tên họ của tôi, nhưng không nhận tôi là mẹ. Những người của KGB vì thế đã tới nhà tôi. Họ lấy đi tất cả hình ảnh gia đình và bắt tôi không được kể cho ai nghe về Putin“ Tất cả, toàn bộ câu chuyện này là chuyện bí mật, bà kể.
8 năm sau, các kí giả báo Anh The Daily Telegraph đã lục trong văn khố thành phố gần đó và đã tìm được tài liệu trong thập niên 1950 chứng minh có một em bé tên Wladimir Putin thật sự có đi học tại trường làng Metechi.
3 – Kết qủa bầu cử: Istanbul, tháng 3.2000
Trước ngày bầu cử, vài tờ báo Georgien đăng câu truyện vể mẹ thật của Putin. Sau cái chết của Baschajew và Borowik, các kí giả người Nga không nghĩ tới chuyện tới Tbilissi để gặp Daudow nữa. Còn 7 ngày tới ngày bầu.
Daudow thấy cơ hội cuối cùng cho mình là công ti Ihlas ở Thổ-nhĩ-kì. Công ti này có nhiều tờ báo và đài truyền hình, ngoài ra công ti còn chuyên về ngành xây dựng, thương mại và năng lượng. Daudow nghĩ, nếu công ti này nhảy vào cuộc, thì hi vọng các hãng truyền thông nga cũng sẽ đăng theo.
Lần này Daudow không dùng điện thoại nữa. Ông bay sang Istanbul và gặp Murat Arvas, phụ tá của giám đốc hãng Ihlas. Họ đồng í với nhau. Câu chuyện Vera Putina trước hết sẽ được đăng trên nhật báo lớn Türkiye. Sau đó cuộn phim của Daudow sẽ được trình chiếu trên đài truyền hình lớn nhất của Ihlas.
Bài báo xuất hiện. Nhưng cùng ngày hôm đó nhân viên toà đại sứ nga gọi cho Türkiye. Họ muốn biết những tin tức này xuất phát từ đâu. Cuốn phim không được chiếu nữa. Tại sao? Murar Arvas trả lời cho Daudow: vì Blue Stream.
Blue Stream là tên đường ống ga, một hệ thống sẽ giải quyết vấn đề khí đốt cho Thổ. Qua hệ thống này, mỗi năm sẽ có tới 19 tỉ mét khối khí đốt chạy từ Nga sang Thổ.
Nga doạ sẽ ngừng dự án chưa khởi công này, nếu Thổ tiếp tục cho phát những tin tức kia, đó là những tin tức chống lại quyền lợi của Nga.
Khuya ngày 26.3.2000, ngày bầu cử, Daudow ngồi trước màn truyền hình trong một khách sạn ở Istanbul. Cuộn phim nằm trong ngăn trong của chiếc rương hành lí. Ông theo dỏi kết quả. Wladimur Putin đang dẫn đầu số phiếu. Cuối cùng, Putin đạt số phiếu 52,9%, một đa số tuyệt đối đưa ông lên ghế tổng thống.
4 – Ám sát: Tbilissi, tháng 10.2000
Về lại Georgien, bà vợ Daudow hỏi chồng, bài báo đã xuất hiện ở Thổ, liệu gia đình có còn yên ổn nữa không. Bà lo cho mấy đứa con. Ông nói bà cứ yên tâm, và tiếp tục tìm cách phổ biến câu chuyện Vera. Daudow tin vào câu truyện Metechi là thật. Ông nghĩ, thế giới phải biết sự thật về con người đang cai trị nước Nga.
Bị giết ngày 15.10.2000: Nhà báo người Í Antonio Russo
Nhưng thế giới không muốn nghe Daudow. Quân Nga vẫn đang chiếm đóng Grosny, thủ đô của Tschechenien. Một lần, người liên lạc ở Thổ đã nói với Daudow: ông đang làm công việc tuyên truyền cho Tschechenien.
Trong tháng 10, một đồng nghiệp Tschechenien trong toà đại diện nói với Daudow, ông ta biết một nhà báo nhiều kinh nghiệm người Í. Anh này đã tường thuật về cuộc chiến ở Ruanda, ở Bosnien, Kosovo và lúc này đây đang tìm phóng sự về Tschechenien. Nhà báo có tên Antonio Russo, anh ta sẵn sàng tới Georgien để xem cuộn phim của Daudow.
Chiều ngày 15 tháng 10 Russo xuất hiện, như đã hẹn, trong phòng làm việc của Daudow. Đó là một ngày chủ nhật, đồng nghiệp của Daudow cũng có mặt, khi hai người nói chuyện với nhau về thời niên thiếu của Putin. Russo 40 tuổi, da đậm, tóc búi tó sau ót. Sau hai tiếng đồng hồ, Daudow trao cuộn phim cho Russo. Russo cám ơn, chào từ giã.
Sáng sớm hôm sau, xác Russo được tìm thấy cách phía đông Tbilissi 35 cây số. Ông nằm ở bìa đường, hai tay bị trói, gần làng Ujarma. Khám nghiệm tử thi cho thấy, ông chết lúc khoảng 2 giờ sáng. Nguyên do: phổi bị chấn thương vì nhiều xương vè bị gẫy. „Ông bị bắt cóc và một xe tải đã đằn qua người ông, một cuộc ám sát thiện nghệ“. Những kẻ bắt cóc biết rõ các dự định của Russo. Ông đang trên đường về đưa cho các đồng nghiệp xem kết quả thu hoạch của mình, một nghị sĩ người Í trong Quốc Hội Âu Châu nói như thế. Trong phòng khách sạn của ông, mấy dụng cụ của ông như máy điện toán, điện thoại di động và cuộn băng đều mất tích.
Cái chết của Russo chưa bao giờ được làm sáng tỏ đầy đủ. Hai nhân viên điều tra người Í, chỉ sau hai tuần, đã bị đẩy ra khỏi Georgien về lại Í. Một công chức có liên hệ trong cuộc điều tra này cho một hãng truyền thanh Í biết, có thể mật vụ nga đã nhúng tay trong việc giết người này. Hai cảnh sát người Georgien điều tra vụ Russo cũng chết: một người tự tử, một người bị đầu độc.
5 – Thời học sinh: Leningrad, tháng 9.1960
“Tôi biết về quê hương của cha tôi nhiều hơn của mẹ tôi.” Cuốn tự truyện của Putin có tên „Chứng từ trực tiếp. Các trao đổi với Wladimir Putin“, mở đầu với câu như thế. Tự truyện này được phổ biến đầu năm 2000, sau khi ông lên làm tổng thống. Đây là một cuộc trao đổi dài giữa Putin và ba nhà báo. Putin cho hay, ông „lớn lên trong một gia cảnh đơn nghèo thật sự“.
Cha mẹ nuôi hay cha mẹ thật? Putin và ông Wladimir Spiridonowitsch Putin cùng bà Maria Iwanowa Putina năm 1985
Một mặt, sách viết, cha mẹ Putin „đã chẳng bao giờ kể cho con nghe về họ“, đặc biệt là người cha. „Ông là một người ít nói“. Mặt khác, Putin kể, cha ông là một chiến sĩ rất gan dạ trong chiến tranh thế giới lần II. Ông nội của Putin còn là người nấu ăn cho Lenin và Stalin nữa cơ. Cuốn sách giống như một cuốn truyện bằng tranh rõ ràng, đẹp.
Nhưng trong sách Putin chỉ kể chi tiết tuổi trẻ mình từ ngày đi học ở Leningrad 1.10.1960 mà thôi, sau khi, theo lời kể của Vera Putina, ông đã rời làng Metechi.
Wladimir Spiridonowitsch Putin và Maria Iwanowna Putina được Putin khai là cha mẹ đẻ. Trước đó, ông bà đã có hai người con trai, nhưng cả hai đã chết trước khi chiến tranh chấm dứt.
Khi cuốn tự truyện ra mắt, thì ông bà này đã chết. Cha chính thức của Putin mất tháng 8.1999, mẹ chính thức của ông chết một năm trước đó. Trong sách, Putin để cho bà giáo trước đây của mình ở Leningrad, Vera Gurewitsch, làm nhân chứng nói về tuổi trẻ của ông: „Cha mẹ của Wowa phải trải qua một thời kì thật khó khăn. Quý vị thử tưởng tượng, bà mẹ đã can đảm ngần nào, khi đã 41 tuổi mới sinh Wowa“.
Đúng là không bình thường khi một phụ nữ qua tuổi 40 mà vẫn còn sinh con, đối với hoàn cảnh sống thực tế của Liên-xô thời đó. Bà giáo còn nói, lúc đó bà đã cảm được „tiềm lực, nghị lực và tính khí“ trong cậu bé. Bà nghĩ „sẽ có một cái gì đó tốt đẹp phát sinh từ cậu“. Trong sách còn nói, Putin thích thể thao, đặc biệt môn võ Judo và câu cá.
Sách chẳng đề cập gì tới Vera Putina và làng Metechi.
Giờ đây, hỏi văn phòng tổng thống ở Kreml cho í kiến về những gì bà Vera Putina phát biểu, thì một nữ nhân viên đặc trách trả lời: „Ơ, chuyện này không dễ trả lời“. Rồi cô bảo, điều này may ra chỉ có phát ngôn viên riêng của tổng thống là Dimitri Peskow mới trả lời được. Hỏi Peskow về thời niên thiếu của Putin và về khả năng nhúng tay của Nga trong cái chết của Baschjew/Borowik và Russo, đợi hoài vẫn chẳng có một câu trả lời nào. Qua một nữ nhân viên, Peskow cho hay, muốn biết về Putin thì chỉ việc xem những gì đã phổ biến trên trang mạng chính thức của Kreml.
Anh em hay cùng một chú bé? Theo sách Tiểu Sử, Putin hình phải ngồi trên lòng mẹ, chú bé bên trái được cho là người anh đã chết.
Thêm vào những thông tin được ghi trong tiểu sử chính thức, trong sách còn có một tấm hình chụp một trẻ sơ sinh và hai người đàn bà không ghi tên tuổi gì cả. Sách bảo đó là hình sơ sinh Putin. Thêm vào đó còn có tấm hình được cho là Putin đang ngồi trong lòng mẹ chính thức của mình. Cậu bé trong hình độ 6 tới 8 tuổi, nghĩa là trẻ hơn Putin, khi cậu, theo lời bà Vera Putina, được chuyển tới cho cha mẹ nuôi. Nếu quả thật đây là hình Putin thật, thì hẳn những lời khai của Vera Putina là không đúng.
Nhưng điều lạ lùng, là trong sách cũng có thêm một tấm hình chụp một cậu bé mặt mũi giống hệt như cậu bé ngồi trong lòng mẹ, và ghi chú dưới hình cho biết, đây không phải là Putin, mà là một trong hai con trai của ông bà Wladimir Spiridonowitsch Putin và Maria Iwanowna Putina và cậu này đã chết trong thế chiến thứ hai, khi Lenigrad bị quân Đức bao vây. Trong một cuốn tiểu sử chính thức mới ra sau đó, bức hình cậu bè này không còn xuất hiện trong sách.
Đúng 10 ngày sau khi tuần báo ZEIT đặt câu hỏi về thời niên thiếu của Putin, trên tạp chí Russki Pionier xuất hiện một bài dài của Putin. Russki Pionier là một tờ nguyệt san chuyên viết về các đề tài phong cách sống (Lifestyle). Đã nhiều năm Putin không còn nói nhiều gì nữa về chuyện gia đình. Giờ đây trong bài báo này, ông trình bày chi tiết về cha mẹ của ông. Đây có thể là là một nỗ lực kích dộng dân Nga hướng về dịp kỉ niệm 70 năm chấm dứt chiến tranh đang tới gần. Đồng thời xem ra ông đang cố gắng phản biện lại những ngờ vực chung quanh tiểu sử của ông.
Ông viết, mẹ ông là một người tình cảm và nhân ái. Cha ông trước khi chiến tranh nổ ra đang làm việc trong một nhà máy quân đội, sau đó ông tự nguyện ra chiến trường. Ông và các chiến hữu đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Quân phát-xít „truy đuổi ông suốt cánh rừng“. Ông thoát chết, „nhờ trốn dưới đầm, ngồi trong đó suốt mấy tiếng đồng hồ và thở bằng một ống sậy“. Rồi tiếp: „Ở đó, ông nghe tiếng của lính quốc-xã đang chạy qua, chỉ cách ông vài mét“.
6 – Lấy máu: Metechi, tháng 2.2015
Một ga xép bỏ hoang, một trạm xăng bỏ không, vài trăm mái nhà dân quê, một ngôi nhà thờ đã trăm tuổi: Đó là làng Metechi. Một ngày mùa đông có nắng, những ngọn tuyết phủ của rặng Tiểu Kaukasus ngăn cách chân trời. Chạy theo con lộ là dòng sông Kura, dòng sông dài nhất ở Georgien.
Vera Putina vẫn sống trong ngôi nhà cũ kĩ với khuôn vườn nhỏ trồng nho. Gần cả đời bà sống nơi đây. Một phần hàng rào đã đổ nghiêng, cổng rỉ sét.
Bà mở cửa, những nét da nhăn ôm lấy đôi mắt. Giờ đây bà đã 89 tuổi. Bà bước lại gần khách vài bước, khách nhận ra được cái đau nhức trong xương và các khớp xương của bà. Bà ngạc nhiên, khi khách hỏi về con trai bà. Và trước khi bà cất tiếng trả lời, thì Ljuba, một trong ba con gái bà, mình bận áo ấm mùa đông màu xám từ trong nhà đi ra, bước tới đứng trước chắn người bà. Hôm nay Ljuba lấy xe bút đi từ nhà mình ở Tbilissi tới đây. Chồng bà Vera, ông Georgi Osepaschwili đã mất từ nhiều năm nay. Các con gái chăm sóc mẹ già. Ljuba mang thuốc tới cho mẹ và lát nữa đây cô sẽ giết vài con gà để làm sẵn thức ăn cho mẹ.
Lối vào nhà từ đường lộ: vườn nho trước nhà bà Vera Putina tháng 2. 2015
Các gia đình hàng xóm đã sửa nhà cho Vera Putina vào đầu năm 2015
Trường làng: Nơi đây Putin đi học cho tới năm 1960
Con sông uốn quanh Metechi: Nơi Putin học câu cá
“Ông không được nói gì cả với mẹ tôi”, Ljuba nói. “Bà cụ không được phép kể thêm gì cả. Người ta cấm bà nói chuyện với các kí giả. Người ta gây sợ hãi cho mọi người trong làng. Họ là mật vụ“.
Cô than, gia đình cô đã phải chịu bao nhiêu khổ sở vì cái ông tổng thống Nga. Cháu của Ljuba một lần trong lớp học đã nói đùa, nó sẽ mang bom ném vào trường. Nó đang học lớp 1, một câu nói đùa gây tai tiếng. Nghe thế, cô giáo lên tiếng, thằng nhỏ này cũng đúng là một tên tội phạm như cậu Wladimir của nó – lúc đó là tổng thống Nga và là người cho quân sang đánh chiếm Georgien năm 2008.
Cô kể tiếp, cách đây vài năm, hai người đàn ông và hai người đàn bà tới nhà mẹ bà lúc đã khuya. Một trong hai người đàn ông tự xưng là công an, còn hai cô thì bảo họ là i tá. Họ lấy máu của bà cụ đang run sợ. Rồi họ biến mất.
Putin thích chụp hình lúc đang câu cá: hình chụp trong năm 2007 ở Sibirien
Ljuba tin chắc, bọn họ là người của mật vụ gởi tới. Cô chẳng biết gì về kết quả cuộc khám nghiệm máu. Nhưng với cô, cô chẳng cần gì chứng cứ. Cô nói: „Chẳng ai ở đây nghi ngờ chuyện Putin là con của mẹ tôi“.
Rồi hai mẹ con chấm dứt câu truyện. Họ không muốn nói gì về Putin nữa.
Đi học trường làng chung với Putin: Dali Gsirischwili tháng 2. 2015 ở Metechi
Cách đó vài mét, có một phụ nữ đang quyét đường trước nhà bà. Bà tên là Dali Gsirischwili và cũng trạc tuổi như Putin. Nghe tới tên ông tổng thống Nga, bà cho hay, bà chẳng đồng í chút nào với chính sách của Putin. Rồi bà mỉm cười. Bà nói, bà cùng đi học chung với Putin. Vào mùa hè, bà thường chơi với Wowa ở bờ sông. Bà còn cho biết, Wowa đặc biệt thích câu cá.
7– Ám sát lầm: tháng 9.2003
Sau cái chết của Russo, Rustam Daudow nghĩ rằng, mật vụ của Nga tự do tung hoành ở Georgien. Để giữ an ninh, trong năm 2001 và 2002 gia đình ông thay đổi chỗ ở hàng tuần. Đứa con trai 16 tuổi của Daudow bị một người ngồi trong xe hơi theo dõi, khi cậu trên đường từ trường về nhà. Khi cậu con thứ hai cũng kể chuyện như thế, ông bà cấm con cái từ nay không được ra khỏi nhà một mình nữa.
Hai ông bà tính rời khỏi Georgien. Nhưng đi đâu bây giờ? Về Tschechenien đang trong chiến tranh ư?
Vài tuần sau, nhân viên của chính quyền Georgien bước vào văn phòng đại diện của Tschechenien ở Tbilissi. Họ yêu cầu các đại diện của Georgien phải dọn đi trong vòng vài tuần tới. Georgien không muốn Tschechenien có văn phòng đại diện nơi thủ đô của họ nữa.
Ban đầu Daudow và gia đình ở lại Tbilissi. Lúc này, ông bay đều đều tới Baku, thủ đô của Aserbaidschan. Tschechenien vẫn còn một văn phòng tại nước này, để điều hợp cuộc chiến giành độc lập của dân Tschechenien. Mỗi lần Daudow lái xe ra phi trường, bà vợ ở nhà ngồi tính từng ngày cho tới khi chồng về. Bà sợ phải sống một mình với mấy đứa con.
Ngày 7.9.2003 khoảng 1.30 giờ sáng cảnh sát Baku khám phá ra một xác chết trong nội thành. Nạn nhân là một người đàn ông, bị bắn 5 phát súng thật gần. Gần bên xác chết nằm gần cầu thời đó có tên là cầu Gagarin, cảnh sát tìm thấy nhiều vỏ đạn súng lục hiệu Makarow. Có lẽ nạn nhân bị bắn trong lúc đang đi dạo.
„Có lẽ đây là một cuộc giết người có chủ mưu. Nhưng chúng tôi chẳng biết gì về lí do hành động“, một cảnh sát cho hay như thế.
Nạn nhân là một người Tschchenien có tên là Rustam Daudow. Truyền hình Nga thông báo về cái chết và đưa một tấm hình của Daudow lên màn ảnh.
Gần 15 năm đã trôi qua sau ngày gặp Vera Putina lần đầu tiên. Rustam Daudow ngồi trên ghế da trong phòng khách tại nhà mình, cách xa Georgien nhiều ngàn cây số. Trong đêm mùng 6 rạng mùng 7.9.2003, khi cuộc ám sát xẩy ra, Daudow đang ngồi trên phi cơ từ Baku trở lại Tbilissi. Sau khi đáp xuống phi trường, ông đã phải trấn an nhiều bạn bè và bà con, vì họ đã nghe tin về cái chết và thấy hình ông trên truyền hình của Nga. Nhưng ông Rustam Daudow ở Tbilissi vẫn sống. Truyền hình trưng lên hình ông, nhưng những tay súng đã lầm ông với một người khác, cũng cùng tên và cùng quốc tịch.
Sau cuộc ám sát đó, Daudow đã có thể rời Georgien. Liên Hiệp Quốc đã lo liệu giấy tờ xuất cảnh cho ông và gia đình sang làm lại cuộc đời mới ở Tây Âu.
Cả tuần lễ Daudow cứ suy nghĩ, không biết có nên gặp kí giả của báo ZEIT hay không. Vợ ông phản đối, nhưng ông cuối cùng ưng thuận. Lúc này đây, bà vợ đứng trong bếp hỏi chồng, tại sao nhà báo lại biết được tên của chồng. Bà vẫn luôn sợ cho an ninh gia đình. Thành ra trong phóng sự này ông vẫn không nêu tên thật của mình.
Trên tấm thảm trước mặt ông, tấm hình của Putin và cuộn băng video vẫn còn đó. Daudow vẫn luôn coi cuộn băng và những nội dung ghi lại trong đó là chứng từ ruột cho thấy Putin vẫn nói dối về gia cảnh cùa mình. Daudow nói, vì Vera Putina là mẹ đẻ ra mình, nên Putin đã không dám giết bà, thế thôi.
8 – Một tấm hình duy nhất
Nếu những điều trên đây không đúng sự thực, nếu Putin không nói dối về đời tư để leo thang danh vọng chính trị, mà đây là một người khác? Nếu Daudow và Vera Putina tin vào điều không đúng sự thực? Nếu chẳng hạn Vera đã có một đứa con cũng tên là Wladimir và đã giao con cho ông bà ngoại, nhưng đó không phải là tổng thống Nga hiện nay?
Nếu quả thật như vậy, thì cuộn video là một lầm lẫn tạo ra bao nhiêu cái chết đầy bí ẩn. Như vậy thì bà cụ Vera bị chứng hoang tưởng. Và như vậy thì Daudow tung ra sự dối trá này chỉ vì mỗi một mục tiêu: cuộc chiến mà Nga đang tiến hành trên quê hương ông.
Chẳng có một bằng chứng nào biện minh cho cả hai phía.
Bức hình độc nhất cho rằng đây là Putin lúc ba tuổi ở Georgien
Rustam Daudow chỉ có một tấm ảnh gốc duy nhất về đứa bé lên ba được cho là hình chụp Putin. Daudow cho hay, hình này do em của chồng bà Vera trao cho ông vào năm 2000. Tấm ảnh may mắn còn sót lại được sau cuộc khám xét nhà của KGB. Ảnh cho thấy một cậu bé má phính tóc che trán. Nhưng Daudow chẳng có được minh chứng nào bảo đảm cậu bé trong hình là con của bà Vera cả.
Putin lúc 14 tuổi, hình trong cuốn tiểu sử chính thức của ông © Heyne Verlag
Trong cuốn tiểu sử chính thức có một tấm hình chụp lúc Putin 14 tuổi. Hình này đúng là của Putin hiện nay. Nếu đặt hai tấm hình cạnh nhau, thật khó thấy những nét tương đồng giữa hai khuôn mặt.
Nhà nhân chủng học Andrea Voigt, một chuyên viên so hình của toà án Đức, đưa ra nhận xét như sau: độ sáng, tuổi và phối cảnh của hai tấm hình quá khác nhau, nên không thể đưa ra được một dự đoán đứng đắn nào cả. Nhưng „có những dấu chỉ cho thấy hai nhân dạng trong hình không phải là của cùng một người. Lông mày và hình dạng con mắt khác nhau“. Nhìn hình, bà Voigt „có chiều hướng coi đây là hai người khác nhau“. Bà thêm, nhưng vẫn còn những khả năng cho thấy đó cùng là một người.
Rustam Daudow không thể hiểu nổi nhận xét của bà chuyên viên người Đức. Ông nói, „Toàn bộ cuộc đời tôi đã biến đổi vì cái bí mật này“. Ông cho rằng, đương nhiên có một chút sự thật nào đó ở đây.
Cuối cuộc gặp gỡ, trước khi chia tay quay trở lại bếp với vợ, Daudow đặt ra ba câu hỏi: „Thứ nhất: Tại sao KGB lại tới nhà bà Vera nhiều lần, dân làng Metechi có thể làm chứng điều này? Thứ hai: Nếu ông ta không phải là con của bà, tại sao Putin ở Nga đã chẳng bao giờ cho điều tra tìm hiểu đứa con của bà Vera là ai? Thứ ba: Tại sao mật vụ nga không bạch hoá kết quả thử nghiệm DNA của bà Vera Putina?
Chỉ có mình Wladimir Putin có thể trả lời các câu hỏi này mà thôi.
Người dịch: Phạm Hồng-Lam