Linh Tiến Khải
Tệ nạn trẻ em lao động trên thế giới
12 tháng 6 hàng năm là Ngày quốc tế chống tệ nạn trẻ em lao động. Ngày này nhằm mục đích gây ý thức cho mọi người đối với số phận của hàng triệu trẻ em nô lệ lao động. Đây không phải là một hiện tượng mới mẻ gì, nhưng đã có từ rất lâu đời trong lịch sử nhân loại. Hiên nay trên thế giới có 264 triệu trẻ em lao động tuổi tử 5 đến 17. Thật ra không ai biết rõ trên thế giới có bao nhiêu trẻ em phải hàng ngày làm lụng vất vả như người lớn và bị khai thác bóc lột sức lao động.
Hiện tượng trẻ em lao động không chỉ thịnh hành tại các nước nghèo đang trên đường phát triển bên Phi châu, Á châu, và châu Mỹ Latinh, nhưng cũng hiện diện tại các nước kỹ nghệ giầu tây âu trong đó có các nước Đông Âu và cả Hoa Kỳ nữa. Bình thường nó là hậu qủa của cảnh nghèo túng: một gia đình đông con, cha mẹ đau yếu bệnh tật, cảnh nợ nần của gia đình vv.. tất cả đều có thể là lý do bắt buộc trẻ em phải lao động để giúp đỡ gia đình, để có miếng cơm manh áo và lăn lộn vào đời gánh vác các trách nhiệm nặng nề của người lớn trên đôi vai bé bỏng của các em.
Nếu trong quá khứ nạn trẻ em lao động và bị khai thác bóc lột dưới nhiều hình thức khác nhau gắn liền với hiện tượng nô lệ, hay công việc canh nông và chăn nuôi, thì sau cuộc cách mạng kỹ nghệ thứ nhất và thứ hai trẻ em bị khai thác lao động trên bình diện rộng rãi trong các nhà máy kỹ nghệ, nhất là kỹ nghệ dệt vải, trong đó các em phải làm việc mỗi ngày tới 15 giờ đồng hồ. Một trong các lý do khiến cho các trẻ em bị khai thác bóc lột là vì tay các em nhỏ và tháo vát, rất thích hợp cho nhiều công việc tế nhị như nghề dệt vải, dệt thảm, khâu bóng đá vv…
Trẻ em lại là loại công nhân không đuợc ai bênh đỡ, các chủ nhân có thể trả đồng lương rẻ mạt, mà các em không dám phản đối và không thể cưỡng chống lại. Không phải nói gì xa ở bên Đức cho tới thập niên 1920 và bên Thụy Sĩ cho tới thập niên 1980 có nhiều trường hợp khai thác lao động trẻ em với hiện tượng gọi là “trẻ em nô lệ”. Nghĩa là các trẻ em vị thành niên bị cưỡng bách xa gia đình vì cảnh nghèo túng hay vì các hoàn cảnh khó khăn rồi được giao cho các gia đình khác nuôi, và các gia đình này khai thác bóc lột sức lao động của các em, và rất thường khi các em bị đối xử rất tàn tệ.
** Nói chung các công việc làm của trẻ em lao động thuộc hai loại chính: thứ nhất là lãnh vực sản xuất như nông nghiệp, kỹ nghệ, đánh cá và thứ hai là lãnh vực cuộc sống thành thị. Trong lãnh vực nông nghiệp các em phải làm việc như công nhân trong các ruộng vườn của gia đình hay trong các đồn điền của các tổ chức đa quốc. Trong lãnh vực kỹ nghệ, trái lại, các trẻ em từ 7 tới 15 tuổi đuợc dùng như công nhân sản xuất các loại hàng dệt, may, chẳng hạn như may quần áo, dệt thảm, hay khâu bóng đá hoặc làm giầy. Nạn trẻ em lao động có thể là lý do chứ không phải chỉ là hậu quả của nghèo túng xã hội và cá nhân. Trong nhiều trường hợp một trẻ em lao động sẽ không có khả thể đi học hay học hết bậc tiểu học, và phải sống trong tình trạng mù chữ. Vì thế các em cũng sẽ không thể có tầm hiểu biết để bênh vực các quyền lợi của mình, cả khi các em sẽ là người lớn sau này. Vì mù chữ ngay cả khi lớn lên các em không biết chủ nhân bắt ký cái gì. Do đó các em dễ bị lừa, phải vâng lời chủ nhân trong nhiều năm hay có khi cả đời, vì đã ký nhận các điều kiện ấy.
Theo thống kê năm 2012 của tổ chức UNICEF vùng Á châu Thái Bình Dương có nhiều trẻ em lao động từ 5 tới 17 tuổi nhất khoảng 78 triệu, so với 59 triệu bên các nước Phi châu miền nam sa mạc Sahara, và 13 triệu tại châu Mỹ Latinh và quần đảo Caraibi. Vùng nam sa mạc Sahara có nhiều tai nạn lao động nhất một phần năm. Tính theo lãnh vực lao động có 59% trẻ em làm việc trong nông nghiệp, 32% làm việc phục dịch trong đó có 7% làm việc trong nhà và 7,2% trong lãnh vực kỹ nghệ. Các trẻ nam bị liên lụy trong các hoạt động nguy hiểm lên tới 55 triệu, các trẻ nữ hơn 30 triệu. Số trẻ em lao động trong các lãnh vực nguy hiểm lứa tuổi 15-17 chiếm 55%, tức hơn 47 triệu.
Trong số các nước có nạn trẻ em lao động đáng báo động nhất có Burundi, vì một phần năm trẻ em bị khác thác bóc lột trong nông nghiệp và công việc nhà. Trong thủ đô Bujumbura có tổ chức AVSI và hiệp hội Giryuja địa phương tranh đấu cho quyền của các trẻ em được học hành giáo dục, qua các phát động trên các đài phát thanh, truyền hình và báo chí, các lớp dậy chữ cho các trẻ em làm việc trong nhà và các trẻ em trong lứa tuổi 16-18. Có 4,5 triệu trẻ em bị khai thác bóc lột trong kỹ nghệ xây cất và lượm rác. Ông Giacomo Guerrera, giám đốc UNICEF Italia, cho biết tất cả các công việc này có các hậu quả tàn phá sức khoẻ và sự sống còn của các em.
** Tính theo quốc gia Ấn Độ đứng đầu với 60 triệu trẻ em lao động. Tiếp đến là Trung Quốc với hàng chục triệu, Bangladesh 15 triệu, Nigeria 10 triệu, Pakistan 8 triệu, Brasil 7 triệu, Philippines 6 triệu, Thái Lan 5 triệu, Ai Cập 1,5 triệu. Nhưng đây chỉ là các con số tượng trưng của một vài nước trên tổng số hàng trăm quốc gia có tệ nạn trẻ em lao động.
Ngay tại các nước kỹ nghệ tân tiến như Italia cũng có tới 5,2% trẻ em trong lứa tuổi 7-15 lao động, tức khoảng 260.000 em. Tuy luật số 977 ban hành ngày 17 tháng 10 năm 1967 cấm trẻ em lao động, nhưng Văn phòng thống kê quốc gia năm 2001 cho biết có khoảng 140.000 trẻ em lao động trong lứa tuổi 7 tới 14.
Một bản tường trình của Văn phòng lao động Liên Hiêp Quốc cho biết ngay tại Hoa Kỳ là quốc gia tân tiến nhất thế giới cũng có 28% trẻ em dưới 15 tuổi làm việc.
Cuối năm 1994 tại Ấn Độ có tới 60 triệu trẻ em lao động. Nói chung các em thuộc các gia đình nông dân không ruộng đất, và sản xuất một phần năm tổng sản lượng quốc nội trong các lãnh vực nông nghiệp, quặng mỏ, hầm đá, lò nướng, da thuộc, các nhà máy dệt, tơ sợi, dệt thảm và trong lãnh vực việc làm khổng lồ không hình thức vùng thành thị, lượm rác, vận chuyển vật dụng nặng và thương mại nhỏ. Cũng có ít nhất 5 triệu em bị khai thác như nô lệ để trả các nợ nần cho gia đình, hay vì cha mẹ đã được trả một số tiền trước.
Bên Brasil mang danh là cường quốc kinh tế đang lên nhưng bất công ngập đầu với 2% tổng số dân kiểm soát 60% đất đai toàn nước, và hàng chục triệu công nhân phải lao động 10 giờ mỗi ngày. Brasil không chỉ có 10 triệu trẻ em bụi đời, nhưng trong các thành phố lớn có tới 35%, tức khoảng 2 triệu trẻ em từ 5 tới 9 tuổi phải lao động, vì thuộc các gia đình quá nghèo, Trái lại trong các vùng quê thì có 7 triệu trẻ em dưới 17 tuổi phải làm việc trong các đồn điền trồng mía. Năm 1994 Liên đoàn nông dân cũng tố cáo có 40.000 trẻ em nô lệ vì các nợ nần của gia đình. Một phần làm việc với gia đình trong các hãng làm than Carajas. Em nào dám bỏ trốn sẽ bị cchủ nhân giết chết.
** Ngược dòng lịch sử ta thấy năm 1924 đã có Bản tuyên ngôn các quyền của trẻ em. Và ngày 20 tháng 11 năm 1989 Liên Hiệp Quốc đã thông qua Hiệp định quốc tế về các quyền của trẻ em, nhằm loại bỏ hiện tượng trẻ em lao động và tệ nạn khai thác bóc lột lao động trẻ em. Hiệp định khẳng định rằng các trẻ em có quyền được che chở khỏi mọi hình thức khai thác bóc lột và lạm dụng. Tại Italia có một hiệp hội bảo vệ trẻ em là hiệp hội “Meter Onlus” của Linh Mục Fortunao di Noto, và tổ chức Nhi Đồng Quốc Tế UNICEF.
Nhân Ngày quốc tế chống nạn trẻ em lao động 12 tháng 6 năm 2016 tổ chức Giang Tay Italia đã phát động phong trào có khẩu hiệu là “Tôi hiện hữu” nhằm gây ý thức cho dân chúng toàn nước Italia liên quan tới hình thức nô lệ đáng ghét nhất của thế kỷ 21. Bà Chiara Cattaneo, giám đốc điều hành chiến dịch “Tôi hiện hữu- Hãy nói không với nạn nô lệ tân tiến”, cho biết có một sự phối hợp các yếu tố kinh tế, xã hội và văn hóa khiến cho hàng triệu trẻ em không chỉ không thể thực thi quyền của các em là được giáo dục, nuôi nấng dậy dỗ tới nơi tới chốn, như nêu bật trong Tuyên ngôn đại đồng về các quyền con người và nhiều luật lệ quốc gia, mà khiến cho các em bị bó buộc làm việc nặng nhọc trong các điều kiện nguy hiểm và thường khi bị khai thác bóc lộc bất công và vô nhân, khiến cho các em phải gánh chịu các hậu quả vô cùng tai hại cho sức khoẻ tâm sinh vật thể lý và tương lai của các em. Tổ chức Giang Tay đã phát động chiến dịch chống tệ nạn trẻ em lao động trong mọi thành phố lớn toàn nước Italia. Mọi tham dự viên được mời gọi thay thế một kỷ niệm đau buồn của các trẻ em lao động bằng một kỷ niệm đẹp. Tất cả sau đó sẽ được góp lại và ghép hình một trẻ em tươi cười. Song song là tham dự các bữa tiệc do tổ chức Giang Tay phối hợp để gây quỹ trợ giúp các trẻ em nô lệ kỹ nghệ dệt trong bang Tamil Nadu miền nam Ấn Độ
Để ngăn chặn việc khai thác bóc lột sức lao động của trẻ em cũng đã có nhiều sáng kiến được đề ra chẳng hạn như bắt buộc các sản phẩm phải ghi rõ không do các trẻ em làm. Tuy có ý hướng tốt nhưng các sáng kiến này cũng không trợ giúp được bao nhiêu, vì không có ai có thể kiểm soát được sự thật.
Ngoài nỗi vất vả cực nhọc và cuộc sống khốn khổ mỗi ngày để lại hậu quả tiêu cực trầm trọng trên tình trạng sức khoẻ tâm sinh vật thể lý của các em, rất thường khi các em phải làm việc trong các điều kiện nguy hiểm, không an ninh, phải hằng ngày tiếp xúc với các chất độc hại về lâu về dài gây bệnh cho các em. Đặc biệt có 85 triệu trẻ em, phải làm các việc nguy hiểm. Một số đông sống tại các nước châu Mỹ Latinh phải làm việc trong các hầm mỏ, như mỏ than đá chẳng hạn. Chỉ sau một thời gian các em sẽ bị bệnh lao phổi hay các bệnh khác và chết trẻ.
Linh Tiến Khải