TÒA ÁN LƯƠNG TÂM

 Trần Gia Phụng


TÒA ÁN LƯƠNG TÂM

 

Khi nhận xét mục đích cuộc chiến vừa qua, Lê Duẩn, bí thư thứ nhất đảng Lao Động, tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam(CSVN) ngày nay, đã nói ngắn gọn: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc...”  
Câu nói nầy được nhà văn Vũ Thư Hiên ghi lại trong sách Đêm giữa ban ngày (hồi ký chính trị của một người không làm chính trị), Nxb. Văn Nghệ, California, 1997, tr. 422, phần chú thích.  Sau đó, Nguyễn Mạnh Cầm, ngoại trưởng CSVN từ 1991 đến 2000, tiết lộ trong bài phỏng vấn của đài BBC ngày 24-1-2013 nhan đề là  “Một lần lầm lỡ thời cơ mất cả trăm năm”.


Nguyễn Mạnh Cầm nhắc lại lời Lê Duẩn hơi khác: "Ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên Xô.”  Đây chỉ là lời Lê Duẩn nói mà không viết thành văn bản, nên hai người trên đây thuật lại có phần khác nhau đôi chút.  Hoặc sự khác biệt nầy do Lê Duẩn nói hai lần khác nhau, từ ngữ khác nhau, nên nghe khác nhau, nhưng đại ý chung không khác nhau.

Lê Duẩn, người gốc tỉnh Quảng Trị, học đến năm nhất niên bậc trung học (tức lớp 6 ngày nay) thì bỏ học, xin đi làm công nhân sở Hỏa xa Đà Nẵng, rồi ra làm sở Hỏa xa Hà Nội.  Tại đây, Lê Duẩn gia nhập đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD), bị bắt đày ra Côn Đảo hai lần.  
Sau khi CS cướp chính quyền năm 1945, Lê Duẩn được thả ra và được CS cử làm Xứ uỷ Nam bộ năm 1946.  Ngày 20-1-1951, Hồ Chí Minh ra lệnh giải tán Xứ uỷ Nam bộ và thay bằng Trung ương cục miền Nam, cũng do Lê Duẩn đứng đầu.  
Trong khi đó, do những khó khăn khi mới cướp được chính quyền, Hồ Chí Minh tuyên bố giải tán đảng CSĐD ngày 11-11-1945 để hòa giải với các đảng phái và tổ chức chính trị khác.  Sau đó, do lệnh của Stalin, Hồ Chí Minh triệu tập Đại hội lần thứ hai đảng CSĐD tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ 11 đến 19-2-1951, tuyên bố đảng CSĐD ra hoạt động công khai trở lại và chia thành 3 đảng riêng biệt của ba nước Việt Nam, Lào và Miên.  Đảng CS Việt Nam từ nay lấy tên là đảng Lao Động.  Danh xưng nầy cũng do Stalin đặt. (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc hội, California, Nxb. Văn Nghệ, 1995, tr. 149.)
Trong dịp nầy, đảng Lao Động thành lập Bộ chính trị đầu tiên gồm có 7 ngưới là: Hồ Chí Minh (chủ tịch đảng LĐ), Trường Chinh (tổng bí thư), Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh.
Năm 1954, đất nước bị chia hai theo hiệp định Genève (20-7-1954).  Bắc Việt Nam do đảng Lao Động cai trị; Nam Việt Nam theo chính thể Quốc Gia.  Lê Duẩn cùng Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm... được CS bí mật cài lại ở Nam Việt Nam để chỉ huy Trung ương cục miền Nam (TƯCMN). (Huy Đức, Bên thắng cuộc, tập I: Giải phóng, New York: Osinbook, 2012, tt. 271-272).  Tháng 10-1954, Trung ương cục miền Nam đổi lại thành Xứ uỷ Nam bộ, và cũng do Lê Duẩn lãnh đạo.
Trong khi Lê Duẩn ở Nam Việt Nam, thì tại Bắc Việt Nam diễn ra cuộc Cải cách ruộng đất giai đoạn thứ 5, bắt đầu từ sắc luật ngày 14-6-1955 của Hồ Chí Minh.  Đây là cuộc CCRĐ “long trời lỡ đất”, đưa đến cái chết của 172,008 người bị quy là địa chủ. (Đặng Phong chủ biên, Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, tập II: 1955-1975, Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, tr. 85.)
Đảng Lao Động thành công trong cuộc CCRĐ lần nầy, cào bằng xã hội nông thôn, tiêu diệt tận gốc giới “trí phú địa hào (trí thức, phú thương, địa chủ, cường hào) và các thành phần bị CS nghi ngờ.  Từ đây đảng Lao Động làm chủ đất đai và nền nông nghiệp Bắc Việt Nam, nhưng ngược lại gây bao nhiêu thảm cảnh đau thương cho nông dân và cho cả toàn dân Bắc Việt Nam.
Trước sự oán thán và bất mãn của dân chúng Bắc Việt Nam, tại hội nghị Trung ương đảng lần thứ 10, đảng Lao Động giả vờ sửa sai.  Ngày 29-10-1956 trong cuộc mít-tinh lớn trước Nhà Hát Nhân Dân tại Hà Nội. Võ Nguyên Giáp thay mặt Hồ Chí Minh và Trung ương đảng Lao Động chính thức thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng trong cuộc CCRĐ. (Nguyễn Minh Cần, “Xin đừng quên! Nửa thế kỷ trước”, điện báo Ánh Dương, ngày 3-2-2006.)
Nghị quyết của hội nghị Trung ưởng đảng LĐ lần thứ 10 được đăng lên báo Nhân Dân ngày 30-10-1956, theo đó Trường Chinh Đặng Xuân Khu mất chức tổng bí thư tuy vẫn còn trong Bộ chính trị đảng LĐ; Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương ra khỏi Bộ chính trị,;  Lê Văn Lương thôi giữ chức trưởng ban Tổ chức TƯĐ.  Hồ Chí Minh, chủ tịch đảng kiêm luôn tổng bí thư, Lê Đức Thọ (được vào Bộ chính trị từ 1955) giữ chức trưởng ban Tổ chức TƯĐ, bổ sung thêm Phạm Hùng, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị vào Bộ chính trị đảng LĐ.
Khi cuộc CCRĐ lần thứ 5 xảy ra, Lê Duẩn là thành viên Bộ chính trị đảng Lao Động, nhưng không có mặt ở Hà Nội, mà đang nằm vùng ở Nam Việt Nam.  Từ giữa tháng 6-1956, Lê Duẩn ẩn trốn ở Sài Gòn và soạn thảo bản “Đề cương cách mạng miền Nam”.  
Khi Trường Chinh rời chức tổng bí thư, Hồ Chí Minh cho gọi Lê Duẩn ra Hà Nội.  Trong Bộ chính trị đầu tiên từ năm 1951, Lê Duẩn đứng thứ 3 sau Hồ Chí Minh và Trường Chinh.  Lê Duẩn về đến Hà Nội ngày 4-6-1957. (Huy Đức, sđd., tr.274.)  Lê Duẩn được triệu tập ra Hà Nội phụ tá cho Hồ Chí Minh có thể vì hai lý do:
Thứ nhứt, lúc xảy ra cuộc CCRĐ bị dân chúng bất mãn, oán thán, Lê Duẩn đang ở Nam Việt Nam, không có mặt ở Hà Nội, nghĩa là không tham dự tại chỗ vào những quyết định của cuộc CCRĐ.  Điều đó chứng tỏ cho dân chúng Bắc Việt Nam thấy rằng tuy Lê Duẩn ở trong Bộ chính trị đảng LĐ, nhưng Lê Duẩn là người ngoại phạm, hay ít nhất là “vô can” trong những sai lầm lớn lao của cuộc CCRĐ, nên lúc đó Lê Duẩn được xem là chưa bị dân chúng phản đối.  Vì vậy HCM gọi Lê Duẩn trở ra Bắc để củng cố lại Bộ chính trị đảng CS.
Thứ hai, trước khi ký kết hiệp định Genève, Châu Ân Lai cùng Hồ Chí Minh hội họp ở Liễu Châu (Quảng Tây) từ 3 đến 5-7-1954, quyết định CSVN sẽ gài người ở lại Nam Việt Nam sau khi Việt Nam bị chia hai, nhằm trường kỳ mai phục, chờ đợi thời cơ tiếp tục chiến tranh.  Muốn tái chiến ở Nam Việt Nam, Hồ Chí Minh phải gọi Lê Duẩn ra Bắc để bàn thảo kế hoạch tấn công Nam Việt Nam, vì Lê Duẩn nằm vùng lâu nay ở miền Nam, hiểu rõ tình hình miền Nam và đã từng soạn “Đề cương cách mạng miền Nam” từ năm 1956.
Vào cuối năm 1958, Lê Duẩn được bí mật gởi vào Nam Việt Nam lần nữa để nghiên cứu thêm tình hình tại chỗ.  Khi trở ra Bắc Việt Nam, Lê Duẩn viết bản báo cáo, đề nghị đánh chiếm Nam Việt Nam bằng võ lực. (Stanley Karnow, Vietnam A History, New York: The Viking Press, 1983, tt 237-238.)
Bản báo cáo của Lê Duẩn là nền tảng của quyết định quan trọng của hội nghị Trung ương đảng LĐ lần thứ 15 ở Hà Nội.  Tại hội nghị nầy, ngày 13-5-1959, ban chấp hành Trung ương đảng LĐ đưa ra hai nghị quyết:  Thống nhứt đất nước tức đánh chiếm miền Nam bằng võ lực và đưa miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa.  Nghị quyết đăng trên báo Nhân Dân ngày 14-5-1959.
Vào năm sau, tại Hà Nội, từ 5-9 đến 10-9-1960, diễn ra Đại hội đảng LĐ lần thứ III, chính thức xác nhận hai mục tiêu lớn trên đây của đảng LĐ là:  Xây dựng BVN tiến lên xã hội chủ nghĩa và “giải phóng” NVN bằng võ lực.  Cuối Đại hội nầy, Hồ Chí Minh được bầu là chủ tịch đảng LĐ; Lê Duẩn được bầu làm bí thư thứ nhứt (không phải là tổng bí thư), thay Trường Chinh vì những sai lầm của Trường Chinh trong cuộc CCRĐ.  Bộ chính trị mới của đảng LĐ gồm 11 uỷ viên chính thức và 2 uỷ viên dự khuyết.
Như thế, sự rút lui của Trường Chinh ra khỏi chức tổng bí thư đảng Lao Động sau cuộc CCRĐ đã mở đường cho Lê Duẩn bước lên nắm quyền lãnh đạo đảng LĐ và từ đây thăng tiến trong sự nghiệp chính trị.  Đó là một hệ quả quan trọng của cuộc CCRĐ mà ít được chú ý đến.
Diễn tiến chiến tranh từ 1960 đến 1975 hầu như ai cũng biết.  Chỉ xin lưu ý là sau hội nghị Liễu Châu với Châu Ân Lai từ ngày 3 đến ngày 5-7-1954, thì tại hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương đảng LĐ khóa II ngày 15-7-1954, Hồ Chí Minh đưa ra chủ trương: “Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt Nam, Lào.  Mũi nhọn của ta cũng như mũi nhọn của thế giới đều chĩa vào Mỹ.  Chính sách của Mỹ là mở rộng và quốc tế hóa chiến tranh Đông Dương.  Chính sách của ta là tranh thủ hòa bình để chống lại chính sách chiến tranh của Mỹ…” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7:1953-1955, xuất bản lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tt. 313-315.)  
Khai mạc Đại hội III đảng LĐ tại Hà Nội ngày 5-9-1960, Hồ Chí Minh  nhấn mạnh: "Ngày nào chưa đuổi được đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chưa giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của Mỹ-Diệm, thì nhân dân ta vẫn chưa thể ăn ngon, ngủ yên.  Bởi vậy không thể nào tách rời cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình, thống nhất nước nhà với cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ.” ( Hồ Chí Minh toàn tập tập 10 1960-1962, Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, xuất bản lần thứ hai, 2000, tr. 200.)  Sau đó, vào cuối hội nghị, Hồ Chí Minh đưa ra kết luận: "Hiện nay, đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống Mỹ…” (Hố Chí Minh, sđd. tr.319.)
Như thế rõ ràng trong cuộc khởi binh tấn công Nam Việt Nam năm 1960, CSVN chống Mỹ không phải để “cứu nước”, mà để chống lại “kẻ thù chính của nhân dân thế giới”.  Ở đây “kẻ thù chính của nhân dân thế giới”, với CS có nghĩa là kẻ thù của phong trào CS quốc tế do Liên Xô và Trung Quốc đứng đầu.  Mà kẻ thù của Liên Xô và Trung Quốc lúc đó không ai khác hơn là Mỹ hay Hoa Kỳ.  Vì vậy, Lê Duẩn mới tóm lược cụ thể “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc”.
Hậu quả của cuộc chiến là quân đội Việt Nam Cộng Hòa mất 224,000 người, bị thương trên 1 triệu người (Webter’s New World Dictionary of the Vietnam War, New York: 1999, tr. 58.)  Về phía quân đội CS,  theo số liệu do nhà cầm quyền CS Hà Nội công bố ngày 4-4-1995 với thông tấn xã AFP (Agence France Press) thì CS Bắc Việt Nam và CS Nam Việt Nam chết 1,100,000 người, bị thương 600, 000 người. (Google:  Vietnam War Casualities.)   Cũng theo tiết lộ của CS Hà Nội với AFP ngày 4-4-1995, thì số lượng thường dân chết trong chiến tranh lên đến 4 triệu người, chia đều cho hai miền Bắc Việt Nam và NamViệt Nam, nghĩa là mỗi miền 2 triệu người.  
Một số tài liệu khác cho thấy số lượng thương vong ở cả hai bên Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam hơi khác.  Tuy nhiên, căn cứ theo số lượng thương vong do nhà cầm quyền Hà Nội cho biết, thì thử hỏi tiêu hao 4 triệu sinh linh người Việt để “đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc” là công hay tội?
Trong lich sử các nước trên thế giới, chưa có một nước nào tự nguyện sử dụng 4 triệu sinh linh đồng bào của mình để phục vụ chiến tranh cho một nước khác.  Chưa có ai khen những kẻ sử dụng xương máu đồng bào mình để phục vụ nước ngoài là những người yêu nước, mà ai cũng liệt những tên nầy vào loại tay sai hay lính đánh thuê, đã “tiêu máu của dân, / Như tiêu giấy bạc giả!” (Thơ của Phùng Quán, “Chống tham ô lãng phí”.)
Chỉ có đảng CSVN mới vinh danh lãnh tụ của họ, dùng tiền của dân làm lăng cho Hồ Chí Minh tại Hà Nội và làm đền thờ Lê Duẩn.  Vì Lê Duẩn là người Quảng Trị nên được đảng bộ Quảng Trị làm đền thờ.  Thế mà đảng bộ Quảng Bình cũng làm thêm một đền thờ nữa, viện cớ ông tổ ba đời của Lê Duẩn là người Quảng Bình.
Dân Nghệ An-Hà Tĩnh (Nghệ Tĩnh) vốn nổi tiếng là thâm nho.  Trình độ thâm nho của tỉnh đảng bộ CS Hà Tĩnh thể hiện trong việc trưng bày một tấm bảng lớn, trên có ghi lại câu nói của Lê Duẩn: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”.
Mới xem qua, thì người ta tưởng là tỉnh đảng bộ CS Hà Tĩnh vinh danh Lê Duẩn.  Tuy nhiên, suy nghĩ cho thật kỹ, thật sâu sắc thì rõ ràng tỉnh đảng bộ CS Hà Tĩnh kết tội Lê Duẩn phản quốc, dùng xương máu của dân Việt, bốn triệu người chứ ít chi, để đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc.  Như thế thì có thể gọi là yêu nước không?  Chẳng qua đó là hành động phản quốc, phản quốc hạng nặng
Tuy nhiên nếu nói Lê Duẩn phản quốc, thì tỉnh đảng bộ CS Hà Tĩnh sẽ bị đảng CSVN kỷ luật, nên họ treo câu nầy lên, để kín đáo nhắc nhở người đời nhớ lấy thành tích của Lê Duẩn và của tập đoàn CS.  “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc.”  Thâm thúy lắm.  Đúng là thâm nho lắm, hay nói theo ngôn ngữ bình dân là đểu quá là đểu.  Treo cả một cái bảng to tướng kể tội Lê Duẩn, mà qua mặt luôn cả nhà cầm quyền CSVN nữa, đâu phải là chuyện dễ!
Sau năm 1975, tại Sài Gòn, mà CS đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh, tại trường Thánh Thomas tức trường Nhà Thờ Ba Chuông (Nhà thờ Thánh Thomas d’Aquin) trên đường Trương Minh Ký (sau năm 1975, CS đổi thành đường Lê Văn Sỹ), ở lớp 10, diễn ra một vụ án đặc biệt.  Các em học sinh khép cửa lớp lại, lập một tòa án đặc biệt gồm có ba học sinh giữ ba vai trò: một chánh án, một biện lý và một luật sư biện hộ.  Người bị đưa ra xét xử là Hồ Chí Minh.  
Sau khi tranh cãi, học sinh chánh án tuyên bố tử hình Hồ Chí Minh.  Các em đem hình Hồ Chí Minh treo trên tường xuống, cho nổ một trái pháo, tan tành hình Hồ Chí Minh.  Ngay sau đó, cả ba học sinh đều bị công an CS bắt.  Em học sinh giữ vai luật sư biện hộ cho Hồ Chí Minh được công an thả ra vì bênh vực Hồ Chí Minh.  Còn hai em giữ vai chánh án và vai biện lý, bị bắt giam, bị đưa đi học tập.  Hai em bị đưa ra tận ngoài Cao Bằng tại trại giam Ma Thiên Lãnh.  Khi Trung Cộng tấn công vùng biên giới năm 1979, trại tù Cao Bằng phải di chuyển.  Hai em bị chuyển về trại Thanh Cẩm ở Thanh Hóa, và cuối cùng được thả ra sau năm 1990.
Ngay từ năm 1975, các em học sinh Trường Nhà Thờ Ba Chuông ở Sài Gòn đã can đảm thiết lập tòa án xét xử Hồ Chí Minh.  Tòa án của các em làm cho mọi người nhớ đến toà án Nuremberg (Đức) và toà án Bertrand Roussel.
Tòa án Nuremberg ở Đức xét xử các viên chức Đức Quốc Xã từ tháng 11-1945, sau thế chiến thứ hai và kéo dài trong nhiều năm.  Trong khi đó, trong thời gian chiến tranh Việt Nam, một nhà triết học Anh là Bertrand Roussell đã thành lập Tòa án Quốc tế ngày 15-11-1966 để xét xử Hoa Kỳ về “tội ác” chiến tranh ở Việt Nam trong khi Hoa Kỳ giúp Việt Nam Cộng Hòa chống cộng sản.  Tòa án nầy họp hai lần.  Lần đầu tại  Stockholm (Thụy Điển) từ 2 đến 13-5-1967 và lần thứ hai tại Copenhagen (Đan Mạch) từ 20-11 đến 1-12-1967.  
Thế mà từ năm 1930 là năm đảng CSVN được thành lập cho đến ngày nay, chỉ có những quyển sách, những bài báo đưa ra những vụ án lớn, phê phán CSVN, mà không hiểu vì sao lại chưa có một tòa án lương tâm nào được thiết lập để công khai xét xử tội ác của Hồ Chí Minh, Lê Duẩn và đảng CSVN.  Tạp chí Polska Times tức Thời báo Ba Lan ngày 5/3/2013 đưa ra một bản xếp hạng 13 nhà độc tài đẫm máu nhất thế kỉ 20, trong đó có Hồ Chí Minh. Theo báo nầy, trong 24 năm cầm quyền của mình, Hồ Chí Minh đã gây ra cái chết của 1,7 triệu người Việt qua cuộc chiến tranh đẫm máu.  Chắc chắn sau khi chế độ CSVN sụp đổ, sẽ có tòa án xét xử các lãnh tụ CS như các tòa án ở Đông Âu.  
Trong khi chờ đợi thời khắc lịch sử sẽ đến, ngay từ bây giờ người Việt có thể thiết lập một tòa án lương tâm ở một trong ba nơi sau đây:
Ở trong nước: rất khó thực hiện dưới sự đàn áp của CSVN.
Ở hải ngoại.  Có thể thực hiện được.  Ban tổ chức phiên tòa sẽ mời tất cả các bên: 1) Bên phía những người phản đối Hồ Chí Minh và CSVN. 2) Phía nhà cầm quyền CS trong nước, hoặc những người ủng hộ CS, nhất là những người hay về nước giao lưu với CS. 3) Phía trung lập, vô cảm với tình trạng đất nước.  Tòa án nầy có thể thiết lập được nếu có một tổ chức đứng ra lo liệu.  Xin lưu ý đừng quyên tiền bạc vì việc quyên tiền bạc rất dễ làm mất uy tín phiên tòa và những nhân vật tham gia việc xét xử.
Nếu hai nơi trên đây không tổ chức được, có thể nhờ một tạp chí, nhất là tạp chí điện tử, đứng ra tổ chức phiên tòa, gồm đầy đủ các thành phần của tòa án, thu thập và trình bày đầy hồ sơ từ các phía (phía chống cộng, phía cộng sản, phía trung lập), công bố đầy đủ tài liệu công khai trên báo chí, rồi cuối cùng mời độc giả bỏ phiếu cho ý kiến để kết luận.
Quý vị độc giả nghĩ sao về sự thiết lập một tòa án lương tâm như thế?
TRẦN GIA PHỤNG