Nguyên Nhân Cuộc Diệt Chủng Do-thái.
Barbara Zehnpfennig, Giáo Sư Chính Trị Học Đại Học Passau, CHLB Đức
Người dịch: Phạm Hồng-Lam.
Cho tới nay người ta vẫn còn tranh cãi
về nguyên do đưa tới cuộc diệt chủng do-thái tại Đức. Tuy nhiên, nếu
nghiên cứu kĩ diễn tiến tư tưởng của Hitler trong cuốn sách duy nhất của
ông để lại, như việc làm dưới đây của Barbara Zehnpfennig, Giáo Sư
Chính Trị Học Đại Học Passau, CHLB Đức, thì có lẽ câu trả lời cũng không
khó lắm.
Bài sau đây đăng trong Stimmen der Zeit, tập san nghiên cứu của Dòng Giê-su tại Đức số tháng 12.2015, có đầu đề là „Sehnsucht nach dem Absoluten. Hitlers
Erlösungsdenken in Mein Kampf“ (Ước vọng Tuyệt Đối. Suy Nghĩ Về Cứu Rỗi
của Hitler trong Mein Kampf). Một đôi chỗ chúng tôi chỉ lược dịch hoặc
cắt nghĩa thêm, để độc giả dễ lãnh hội hơn. Người dịch: Phạm Hồng-Lam.Cuối năm 2015 tác phẩm „Mein Kampf“ (Cuộc chiến đấu của tôi) của Hitler hết hạn bản quyền, nghĩa là từ đây ai muốn in nó cũng được. Cho tới lúc đó tiểu bang Bayern ở Cộng Hòa Liên bang Đức là người thừa kế bản quyền. Phía chính quyền, đặc biệt bang Bayern, người ta tìm cách tiếp tục ngăn cản việc tái bản[1], vì sợ rằng, quan điểm phân biệt chủng tộc trong sách của Hilter lại có dịp phát tán.
Nhưng cái sợ này có thực tế không và sẽ có thêm nhiều người đọc nó không, khi giờ đây sách có thể sẽ được bày bán tự do, điều này hoàn toàn không chắc. Vì dù đã hay chưa đọc, nhiều người cũng đã có một nhận định sẵn rồi về cuốn sách… Nhưng có lẽ cũng không nên vội vã quyết đoán. Và có lẽ cũng chẳng phải là chuyện vô ích, nếu ta bỏ chút thì giờ đưa mình vào thế giới suy tư của Hitler, cùng suy nghĩ và phân tích nó, để hiểu xem do đâu đương sự đã có thể mở ra một cuộc diệt chủng kinh hoàng như thế[2]. Là vì cho tới nay vẫn chưa có được một câu trả lời chung, có khả năng thuyết phục được đa số công luận về nguyên do gây ra Holocaust (cuộc tận diệt người do-thái của Quốc-xã Đức). Dĩ nhiên Hitler không phải là người trách nhiệm duy nhất trong cuộc diệt chủng này. Nhưng nếu không có đương sự, biến cố đó khó mà xẩy ra. Do đó việc tìm hiểu lí do nào đã khiến một con người tin rằng, mình phải tận diệt cả một chủng tộc, là điều cần làm. Và cuốn „Mein Kampf“ sẽ giúp ta rất nhiều trong nỗ lực này.
Một thứ Siêu Việt khác
Chẳng cần phải chờ lịch sử chứng minh ta mới thấy được tính triệt để quá khích nơi Hitler. Điểm này đã được nói ra trong sách ông rồi, song tiếc rằng thời đó ít ai quan tâm, nên đã không đánh giá đúng về con người của đương sự. Thời đó hầu hết mọi người đều nghĩ, rồi đương sự sẽ hòa dịu trở lại[3]. Họ tin rằng, một khi đã bước vào được chính quyền, thì cơ chế quốc hội và lề lối làm việc ở đó sẽ thuần hóa đương sự. Sinh hoạt quốc hội cần liên minh và cần những thỏa hiệp. Vì thế dù có mạnh miệng tới đâu đi nữa, thì rồi cũng phải cần tới những thỏa hiệp nhượng bộ trong các ủy ban. Ông ta sẽ học được ở đó cách ứng xử của một vị đại diện dân, để lần tới còn được bầu nữa chứ!
Nhưng Hitler coi những suy nghĩ kiểu đó là thứ đáng tởm; điểm này ông cũng đã viết rõ trong sách. Những tường thuật sau lần viếng thăm Quốc Hội nước Áo [4] cho thấy ông dứt khoát chống lại định chế chính trị này và lối sống của các dân biểu. Theo ông, đó là lối sống hèn hạ nhỏ nhặt: cứ ẩn núp đằng sau đa số để trốn trách nhiệm; như thế thì làm sao có được những tư tưởng lớn; họ chỉ dám đưa ra một tư tưởng hay, chỉ khi nó có hi vọng được đa số chấp nhận mà thôi; đó là một lối sống chỉ biết loay hoay lo cho cuộc sống thảm thương của mình và vì thế hèn nhát tránh mọi thử thách.
Sự khinh miệt này Hitler đã kinh nghiệm ngay trong cuộc sống của mình. Cha ông muốn cho ông có một cuộc đời yên lành chắc chắn, nghĩa là cuộc đời của một công chức. Nhưng ông ghét cay ghét đắng lối sống đó, vì ông mang ước vọng về cái cao siêu vĩ đại. Ảnh hưởng triết học của Nietzsche có phảng phất nơi ông. Kẻ siêu nhân kinh tởm hạng „người sau rốt“[5], nghĩa là thứ người do chế độ dân chủ và xã hội chủ nghĩa muốn tạo ra: những con người nhỏ nhặt, tính toán, thiếu í chí và sợ phiêu lưu; đây là loại người Nietzsche coi là dấu chỉ của sa đọa, của cuộc sống đi xuống. Hitler cũng coi hạng người này là thứ nguy hiểm cho sự tồn vong của loài người. Bởi vì một hiện hữu mà chẳng có gì hơn ngoài việc chỉ biết lo cho sự an ninh bản thân là một thứ hiện hữu vô nghĩa, bất lực trong việc chiến đấu cho một cái gì cao đẹp hơn. Nếu không có một mục tiêu vượt lên trên chính mình, loài người sẽ không thể tồn tại:
„Trong trường kì chiến đấu nhân loại trở nên cao cả – trong hòa bình nhân loại sẽ bị tiêu vong“[6].
Thật rõ ràng. Và quan điểm này xuyên suốt cuốn sách: Đối với Hitler chính trị đồng thời mang tính hiện sinh. Chính trị không phải là việc giải quyết những chuyện thực tế hàng ngày, nhưng nó giúp con người trở nên cao thượng. Tư tưởng lớn, mục tiêu cao cả, đó là những đề tài lớn của chính trị, chứ không phải là việc bảo đảm cho danh lợi của mình hay chuyện lo lắng cho đám tay chân của mình. Vì thế Hitler coi những chiều hướng phát triển của thời đại tân thời, như việc lấy nguyên tắc đa số thay thế nguyên tắc cá nhân, sự thống trị của kinh tế và sự thắng thế ngày càng tăng của nguyên tắc bình đẳng, là những điều chướng tai gai mắt. Như thế thì con người sẽ chẳng làm nên được điều gì lớn lao cả!
Đâu là điều lớn lao? Con người cần vươn tới cái gì? Với Hitler, tôn giáo là thứ vứt đi. Lại nữa, ông cho rằng, Ki-tô Giáo là kẻ đặt nền tảng cho thứ Nhân Bản khó hiểu, theo đó chẳng hạn „phải cứu vớt bằng mọi giá những kẻ yếu nhất, ngay cả những kẻ bệnh hoạn nhất“[7]. Hitler coi Do-thái Giáo và con đẻ của nó là Ki-tô Giáo[8] là thứ làm biến chất con người, làm con người mất bản tính tự nhiên. Hai tôn giáo này đi ngược lại í chí của tự nhiên, khi chúng đả phá cuộc chiến đấu cần thiết để tạo ra giống người cao đẹp hơn, và đồng thời lại đưa cái yếu, cái thấp kém, cái bệnh hoạn lên hàng mẫu mực, những cái mà thiên nhiên muốn loại trừ một cách không thương tiếc. Như vậy chúng làm hại cho cả toàn nhân loại.
Như thế, tôn giáo là một trong những đối thủ quan trọng của Hitler. Nhưng ông đã đẩy lùi cuộc chiến chống tôn giáo lại, đợi tới sau ngày chiến thắng chung cuộc rồi mới tính, vì ông không muốn lặp lại kinh nghiệm trước đây của Otto von Bismarck và Phong Trào Toàn Dân Đức, mở ra hai mặt trận cùng một lúc[9]. Do-thái Giáo là đối thủ được ông dồn mọi công sức triệt hạ.
Nhưng càng quyết liệt chống tôn giáo, Hitler lại càng tạo cho nó những cấu trúc, cho dù dưới hình thức tiêu cực. Xuyên suốt cuốn sách là cuộc truy tìm về một căn nguyên, nhưng không phải căn nguyên của cái Thiện, mà là của cái Dữ. Ông mơ ước bản thân mình được thăng hoa, nghĩa là muốn được vươn tới siêu việt, nhưng không tìm nó nơi Thiên Chúa, mà nơi sự hi sinh bản thân cho người dân của ông. Vũ trụ quan của Hitler cũng có hình thái như nơi tư duy tôn giáo, nghĩa là cũng có tình trạng thiên đàng nguyên thủy, sau đó bị sa ngã và rồi trở về lại tình trạng tinh khiết ban đầu, nhưng mọi thứ ở đây đều mang tính cách đời: thiên đàng nguyên thủy là cuộc chiến tự nhiên giữa các chủng tộc, thời sa ngã là khi có sự trà trộn chủng tộc song song với nỗ lực tạo hòa bình, và tình trạng kết thúc mong muốn là việc tái lập cuộc đấu tranh chủng tộc vốn có ban đầu…
Hitler muốn tìm cho mình một nền tảng đỡ nâng cuộc sống và cuối cùng đã tìm thấy nó trong vũ trụ quan của mình. Và ông muốn trao đức tin mới này cho dân, sau khi quyết tâm triệt hạ các hệ thống niềm tin cũ của Ki-tô Giáo và nhất là của chủ nghĩa mác-xít.
Cuộc chiến vũ trụ quan
Hitler xác tín rằng, các cuộc cách mạng trong lịch sử chỉ có cơ hội thành công, khi chúng được cưu mang bởi „một tư tưởng mới và lớn“[10]. Bởi vì chỉ có thứ cách mạng đó mới tạo ra được „niềm tin cuồng nhiệt vào sự chiến thắng cần thiết của một trật tự đảo lộn mới của trái đất này“[11]. Hitler quyết tâm tạo một trật tự mới trên địa cầu. Vì theo mạch suy nghĩ trên đây của ông, thế giới hiện đang ở trong tình trạng băng hoại và nhân loại đang đứng trước hoạ diệt vong, vì kiếp sống hèn hạ vô ý chí dựa trên lí tưởng bình đẳng hiện đang trên đà thắng thế. Dưới con mắt của Hitler, tình trạng lại càng trở nên khẩn thiết, vì chủ nghĩa mác-xít, một phong trào lấy mục tiêu bình đẳng làm cờ hiệu cho mình, đang có cơ thống trị thế giới.
Hitler coi chủ nghĩa mác-xít là nơi hội tụ tất cả những gì ông ghét cay ghét đắng: Chủ nghĩa này coi con người trỗi vượt hơn thiên nhiên, tôn thờ kinh tế, có cái nhìn định luận (deterministisch) về con người, chủ trương tập thể hoá biến con người thành đoàn lũ, làm rỗng ruột nền tảng cá nhân, đề cao ý thức hệ bình đẳng để cào bằng mọi khác biệt giữa các cá nhân, các dân tộc, các chủng tộc và các nền văn hoá, chỉ quan tâm tới mặt nhu cầu của con người mà thôi, hứa hẹn về một vương quốc đại đồng trong đó chấm dứt mọi thống trị và khó nhọc, tắt lại: hứa hẹn về một cuộc sống không còn tranh đấu. Chủ nghĩa mác-xít lúc đó, theo ông, đang hiện thân nơi Đảng Xã Hội Đức (SPD: đảng này cho đến 1960 vẫn đi theo chủ trương mác-xít. Chú của người dịch) và nơi phong trào bôn-xê-vích tại Nga.
Cái hứa hẹn mác-xít vốn làm mê hoặc nhiều con người đó phải được chống lại bằng một „học thuyết chân thực hơn và không kém tàn bạo trong thực hành“[12]. Nhưng muốn chống, trước hết phải chiếm được đầu óc con người đã, rồi mới có thể tiến hành trận chiến thể lí. Trong „Mein Kampf“ Hitler cho hay, ông cũng nhắm đến cùng một giới khách hàng như đám mác-xít đeo đuổi: đó là các đám đông (vô sản). Còn hạng tiểu tư sản, theo ông, là thứ chết tiệt. Hạng này chỉ biết bằng lòng với những gì mình có, chỉ biết cầu an, chẳng còn lương tâm xã hội, nên không còn đóng được vai trò lịch sử nữa. Đám đông phải là nơi châm ngòi tư tưởng mới này. Và phương pháp có thể đánh dậy ngọn lửa đó nơi họ là cải thiện tình trạng xã hội của họ. Vì thế ông đề ra một chính sách xã hội triệt để sẽ thực hiện sau khi chiếm được chính quyền, đó là „dân tộc hoá quần chúng“[13]. Theo ông, phải có một Chủ Nghĩa Dân Tộc triệt để mới đối lại được với Quốc Tế Xã Hội Chủ Nghĩa, và chỉ có Dân Tộc nào biết lo cho nhân dân họ thì mới chấp nhận chính sách đó.
Do đó mà phong trào của Hitler có tên là „nationalsozialistisch“; tên đảng đầy đủ: Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei (NSDAP = Đảng Công Nhân Dân Tộc Xã Hội Chủ Nghĩa Đức. Không biết ai đã dịch chữ „nationalsozialistisch“ là „quốc-xã“: quốc gia – xã hội chủ nghĩa. Nhưng dịch như vậy không đúng. „National“ là „dân tộc“, chứ không phải „quốc gia“. Đúng ra phải dịch là „Dân tộc – Xã hội chủ nghĩa“; và thay vì gọi tắt là „Quốc-xã“ như xưa nay vẫn gọi, giờ nên đổi thành „Tộc-xã“ thì đúng hơn. Chữ „Tộc“ ở đây còn gợi lên khái niệm „chủng tộc“, một chủ trương bản lề của Hitler. Chú của người dịch). Dĩ nhiên, Hitler cố tình chiếm từ „sozialistisch“ là để gây gỗ với đám tả phái. Khi kết hợp hai yếu tố „dân tộc“ và „xã hội“ ông muốn nhấn mạnh yếu tố „xã hội“ hơn, vì „xã hội“ là dụng cụ để đánh thức tinh thần dân tộc chủ nghĩa …
Vì chống lại chủ nghĩa mác-xít, nên vũ trụ quan của Hitler có đủ các yếu tố phản lại những điểm quan trọng nhất của chủ nghĩa mác-xít. Mác-xít hô hào bình đẳng ư, Tộc-xã hô hào bất bình đẳng. Mác-xít nhìn con người trước hết dưới khía cạnh thoả mãn các nhu cầu, Tộc-xã nhấn mạnh tới bản chất ý chí nơi con người. Mác-xít coi con người là sản phẩm của các tương giao xã hội, Tộc-xã coi họ là kẻ thiết lập tương giao. Con người mác-xít tìm được giải thoát trong hoà bình, con người tộc-xã tìm được trong chiến đấu.
Những điểm mâu thuẫn này không đơn giản xuất phát từ ý chí đối kháng của Hitler. Nhưng đúng hơn đó là hệ quả của một liên quan tư tưởng bao quát hơn. Và rất nhiều những viên gạch Hitler dùng để xây vũ trụ quan của mình thật ra đã có từ trước rồi – chủ trương bài chủng tộc, bài Do-thái, chính trị địa lí, tâm lí quần chúng, các thuyết gia tăng dân số, dân tộc chủ nghĩa v.v…, nhưng Hitler đã có công sắp xếp chúng lại vào trong một bức tranh có đầu có đuôi. Phải cần nhiều nghị lực ghê gớm mới làm nổi được điều đó, và ông đã có được nghị lực này vì ông tin rằng, thế giới đang đứng trước ngã ba đường.
Nhưng cái lực phát động cơ bản nhất nơi ông là sự hận thù, điều này tiềm tàng trong cả cuốn sách. Ông hận thù cái nếp sống tân thời mà ông khinh bỉ và cố tìm cho được nguyên nhân đồi truỵ đó do đâu. Và đâu là cái nguyên nhân tận cùng, rốt ráo nhất, của bệnh hủi đó? Ai đứng đàng sau chủ nghĩa mác-xít, một chủ nghĩa „bao gồm ích kỉ và hận thù, nó có thể đạt thắng lợi theo quy luật toán học, nhưng như thế cũng có nghĩa là nhân loại sẽ bị tiêu vong“[14]? Khi tìm được cái gọi là lời giải, Hitler cảm thấy như đất trời mở ra cho mình (ngộ!).
„Vừa khi nhận ra tay Do-thái là lãnh tụ của (Đảng) Dân Chủ Xã Hội, mắt tôi bắt đầu sáng ra như được giải thoát khỏi cái màn che khuất. Trận chiến tinh thần dai dẳng trong tôi kết thúc“[15]
Sự dữ tuyệt đối
Trong tư duy ý thức hệ, sự dữ là tâm điểm tuyệt đối của suy tư, chứ không phải sự thiện; cuối cùng thì các ý hệ đều mang tính phản ứng; chúng phản ứng lại những gì mà chúng coi là xấu xa trầm trọng; và để có thể tẩy đi tình trạng đó phải cần đến những phương tiện triệt để nhất. Điều này đặc biệt hoàn toàn đúng cho các tôn giáo chính trị[16], nghĩa là các giáo huấn cứu rỗi trần tục như chủ nghĩa mác-xít hay chủ nghĩa tộc-xã. Thiên Chúa siêu việt bị loại ra khỏi những hứa hẹn cứu rỗi trần thế gần như mang tính tôn giáo của chúng. Ngược lại trong chúng lại toả ra quyền lực của sự dữ. Và vì kẻ thù luôn được truy tìm ở đâu đó bên ngoài, chứ không phải từ bên trong mình, chẳng hạn như từ sự yếu đuối đạo đức của mình, nên kẻ thù này có thể mang một hình hài và tên gọi rõ ràng. Nạn nhân của các ý hệ luôn luôn là những nhóm dân nào đó. Người ta cần họ, để đặt tên cho hận thù. Đó là cái giá phải trả của sự tục hoá các cấu trúc tôn giáo: sự dữ trở thành thực tế chân thực và những con người thực hữu bằng xương bằng thịt được nhận diện theo nguyên tắc ma quỷ.
Trong trường hợp Hitler, việc đổ tội cho Do-thái Giáo bắt nguồn từ tinh thần bài do-thái vốn âm ỉ rất mạnh ở Áo – quê hương của ông – lúc đó. Thành kiến chống Do-thái cũng dính liền với những biến chuyển tân thời đang diễn ra, những diễn biến được Hitler coi là hiểm hoạ của thời đại. Thêm nữa, đúng là người Do-thái đang lãnh đạo các phong trào: xã hội chủ nghĩa, bôn-xê-vích, các cộng hoà hội đồng (Räterepublik) và họ cũng là những đại biểu hàng đầu trong các lãnh vực: báo chí, các cơ quan văn hoá, thương mại và ngân hàng; đây là những lãnh vực được Hitler coi là thủ phạm quan trọng của sự đồi truỵ đương thời. Sở dĩ những người Do-thái đã bước được vào những vị trí xã hội quan yếu có thể là nhờ vào đường lối giáo dục của họ. Và các thuyết âm mưu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bài Do-thái, trong đó tài liệu „Biên bản của các nhà hiền triết ở Zion“[17] (một tài liệu giả tạo xuất phát từ Nga và đã ảnh hưởng rất mạnh ở Âu châu đề cập tới một âm mưu thống trị thế giới của người Do-thái. Chú của người dịch) là nền tảng.
Cấu trúc chống Do-thái nơi Hitler dựa chủ yếu trên những đặc tính cơ bản được gán cho dân Do-thái. Theo đó, bản chất của dân tộc này là vật chất và vị kỉ (điểm này cho thấy sự liên hệ với chủ nghĩa mác-xít); vật chất và vị kỉ đã đưa họ vào thế giới, để họ tìm kiếm thoả mãn những của cải trần thế, nhưng họ lại chẳng chịu hi sinh đóng góp một chút gì cho thế giới cả. Nghĩa là: Người Do-thái yêu sách một cách nhưng không cho mình của cải trần thế, mà chẳng phải nỗ lực tranh đấu gì cả và như vậy việc sở hữu của họ là bất chính. Họ đòi sở hữu cả toàn trái đất. Và Hitler âu lo tự hỏi: Phải chăng cái dân tộc được (Chúa) chọn „vốn sống muôn đời nhờ trái đất này, nhưng lại được thưởng cả trái đất“[18] hay sao? Theo ông, đây là điều trái với í chí tự nhiên, như sau đây cho thấy.
Hành vi của dân Do-thái phá vỡ trật tự tự nhiên. Theo Hitler, vì dân này muốn có một cuộc sống chẳng cần phải lao động hoặc tranh đấu, nên họ không có khả năng tạo cho mình một quốc gia. Do đó họ len lỏi vào trong các dân tộc khác và tìm cách bóc lột. Để bảo đảm cho sự thống trị của họ, một sự thống trị có được chẳng cần qua đấu tranh, họ dùng những vũ khí sẵn có của mình: đầu óc và tiền. Với sức mạnh đồng tiền họ tìm cách quy phục đặc biệt các thế lực mạnh trong lịch sử. Chẳng hạn như dùng các khoản cho vay để lấy lòng các ông hoàng và mua tước quý tộc để tìm sự công nhận của xã hội.
Một mặt tìm cách quy phục các thế lực thế giới về mặt kinh tế. Nhưng thứ vũ khí còn nguy hiểm hơn: khả năng đầu óc của họ. Nhờ khả năng này họ tạo ra những í thức hệ, để qua đó có thể tiến hành kế hoạch thống trị thế giới một cách có hệ thống, mà chẳng cần phải lo lắng cho tính mạng mình. Mưu chước của họ là tạo cho đối phương mất tinh thần, đến độ chẳng còn muốn đấu tranh gì nữa. Họ đã thành công với nhiều lí thuyết. Chẳng hạn với chủ nghĩa tự do (Liberalismus) họ đưa việc ganh đua kinh tế và lối sống thoải mái vào thế chỗ cho sự tranh đấu; với chủ nghĩa quốc tế (Internationalismus) họ cào bằng tinh thần chiến đấu khác nhau giữa các dân tộc và với khí giới cuối cùng và nguy hiểm nhất, chủ nghĩa mác-xít, họ muốn loại hẳn mọi đấu tranh ra khỏi thế giới.
Như vậy, Hitler nhìn toàn bộ lịch sử là một diễn tiến, trong đó tay Do-thái phá hoại tìm cách phá đổ trật tự tự nhiên, để tiến hành có kế hoạch âm mưu thống trị thế giới của mình. Vậy thì trật tự tự nhiên là gì? Thiên nhiên, vốn là kẻ chi phối đời sống con người và mọi sinh vật khác, theo Hitler là một chiến trường tranh đấu. Thiên nhiên muốn có cuộc tranh đấu này, vì hai lẽ. Qua đấu tranh, cái mạnh và cái yếu tỏ hiện – Hitler đồng hoá chúng với cái tốt hơn và cái xấu hơn -, và nhờ tranh đấu các tương quan cai trị – nghĩa là các cơ cấu cũng như trật tự – hình thành. Mà trật tự là thứ buộc phải có cho sự tồn tại của một hệ thống; hệ thống sẽ tiêu tan, nếu nó rơi vào hỗn loạn. Vậy thì nhiệm vụ đầu tiên của đấu tranh là để bảo đảm cho sự sống còn, sống còn không nhất thiết cho một cá nhân, mà cả cho một chủng loại. Nhiệm vụ thứ hai của đấu tranh là tiến bộ. Chỉ ai đấu tranh, người đó mới lớn lên, mới vươn lên khỏi mình. Thêm nữa, đấu tranh giúp sàng lọc cái tốt hơn, làm cho tất cả được nâng cao. Sáng tạo là một kết quả của đấu tranh chống lại các ngăn trở. Như vậy, văn hoá cũng là một hệ quả của đấu tranh.
Như thế, đấu tranh luôn luôn là nguyên tắc của cuộc sống. Ở đây Hitler muốn nói tới mọi loại tranh đấu: tranh đấu cho cuộc sống hàng ngày, tranh đấu chống lại các nhược điểm của chính mình, đấu tranh ngoài chiến trường. Toàn bộ tương lai sống còn sẽ lâm nguy, nếu nguyên tắc đấu tranh bị ghét bỏ, bị khinh bỉ, bị coi là lỗi thời trước việc đánh đổi một cuộc sống thoải mái, chẳng cần phải chiến đấu. Là vì thiếu đấu tranh mọi sự sẽ ngưng đọng, đổ vỡ và cuối cùng đi tới tiêu tan. Theo Hitler, vì chối bỏ đấu tranh, thiên đường cộng sản chẳng mang tính sáng tạo gì cả và nó chỉ biết tiêu xài lãng phí những gì đã có được mà thôi. Rốt cuộc nó kéo mọi sự xuống vực thẳm.
Và Hitler cũng tin rằng, sự bình đẳng do chủ nghĩa mác-xít hứa hẹn thật ra sẽ dẫn đến một đoàn quân nô lệ dưới sự thống trị vô hậu của đám Do-thái bóc lột. Theo ông, sự bình đẳng này chỉ áp dụng cho những người không phải do-thái mà thôi; họ bị í thức hệ mác-xít làm cho mất hết í chí đấu tranh và do đó trở thành những con cừu ngoan ngoãn của kẻ thống trị. Từ cái nhìn này Hitler nhận ra sứ mạng của mình.
Sứ mạng
„Nước Đức ngày nay là đích nhắm quan trọng của chủ nghĩa bôn-xê-vích“[19]: Hitler xác tín, nước Đức đóng một vai trò bản lề trong việc ngăn chặn làn sóng chủ nghĩa cộng sản trên thế giới. Điểm này không phải là không thực tế, vì quả thật trong chiến lược xuất cảng cách mạng ở Nga ra Âu châu Lenin nhắm sẽ cho phát động trước hết ở Đức[20]. Vì Hitler coi chủ nghĩa mác-xít và chủ nghĩa bôn-xê-vích là một dụng cụ của Do-thái, nên ông xem chính mình và nước Đức có sứ mạng phải là một đối lực chống lại Do-thái và „qua những trận đấu khủng khiếp sẽ quẳng những tên đánh phá trời xuống trở lại với Luzifer“[21].
Cụ thể ra sao? Để có thể đánh Do-thái, là kẻ vốn tránh né mọi đấu tranh trực diện và tìm cách ẩn núp nguỵ trang nơi các dân tộc chủ trọ, hầu tiếp tục công trình phá hoại của mình, trước hết phải làm sao phân biệt được bạn thù rõ ràng. Ở đây quan niệm chủng tộc sẽ giúp ông.
Đối với Hitler, người Do-thái không phải là một cộng đồng tôn giáo, mà là một cộng đồng dân tộc. Tôn giáo của họ chẳng có chút gì là siêu việt thật sự, mà chỉ là tấm bình phong để che đậy những quyền lợi dân tộc và để đoàn kết với nhau trong cuộc sống rải rác trên khắp thế giới. Hitler khẳng định, người Do-thái là một chủng tộc. Một chủng tộc với bản chất muốn thống trị, vì thế luôn luôn tìm mọi cách giữ cho được sự tinh khiết nội tại, và cũng nhờ đó mà chủng tộc này có một í chí mạnh. Hitler coi í chí là đặc điểm quan trọng nhất của một chủng tộc: Nó giúp cho sự „thống nhất tinh thần“[22] của một dân tộc, nghĩa là cho sự thống nhất í chí của họ. Chỉ có sự thuần nhất chủng tộc mới tạo ra được „cảm thức liên thuộc với nhau trên cùng một bản thể và trên cùng một loại“, và từ cảm thức này họ có được tinh thần sẵn sàng „sử dụng mọi phương tiện“[23] cho chính dân tộc mình.
Như vậy tinh khiết chủng tộc là điều kiện căn bản, khiến người ta sẵn sàng chiến đấu cho cái riêng của mình. Người ta chết cho cái của mình, chứ không chết cho cái của người. Thuyết chủng tộc của Hitler là một phần của í thức hệ chiến đấu của ông. Do đó để thúc đẩy tinh thần chiến đấu nơi dân mình, phải làm sao tạo cho được sự thuần khiết chủng tộc: bằng khoa vệ sinh di truyền (Eugenik), bằng một luật quốc tịch mới, bằng các luật về chủng tộc. Tất cả mọi thứ này đều đã có trong „Mein Kampf“. Thêm nữa chủng tộc cũng sẽ là yếu tố giúp nhận dạng người Do-thái. Người ta có thể thay đổi quốc tịch và tôn giáo. Nhưng cái mà người ta không thể tạo thay đổi được, đó là các đặc tính cơ thể. Qua chủng tộc, Hitler tin rằng, ông đã tìm ra được đặc điểm giúp ông xác định kẻ thù và giúp kiến tạo bè bạn.
Và như vậy giờ đây chỉ còn là trận chiến cuối cùng: Người Arier, giống dân cao đẹp nhất của loài người, được kết tinh bởi mọi nền văn hoá lớn, giờ đây mang sứ mạng chận đứng giống dân phá hoại văn hoá là Do-thái. Theo Hitler, sứ mạng này, vốn được giao đặc biệt cho người Đức là thành phần cao cả nhất của giống Arier, không phải là để rồi đây chẳng hạn lập nên một thế giới hoà bình phổ quát sau khi tiêu diệt được người Do-thái. Mà hoàn toàn ngược lại: đây là trận chiến để tẩy trừ đi một chủng tộc muốn cản lại í chí của tự nhiên, một í chí luôn muốn có sự đấu tranh giữa các dân tộc và các chủng tộc. Trận chiến chủng tộc vốn có trong lịch sử, sau khi đã diệt trừ được vật cản do-thái, sẽ phải được tái tục và tiếp nối. Chỉ có như thế toàn thể nhân loại mới trường tồn, chỉ có như thế văn hoá mới tiến bộ.
Khi bám sát các tư duy trong „Mein Kampf“ ta có cảm tưởng, là mình đã nhận ra căn nguyên thực sự của Holocaust. Hitler tin rằng, người Do-thái chỉ có thể thoả mãn í chí thống trị của mình qua việc làm suy yếu kẻ mạnh, cái này thuộc bản chất của họ. Ông tin, với khả năng đầu óc, họ có thể khuyến dụ nhân loại từ bỏ í chí đấu tranh, một í chí quyết định cho sự tồn vong của loài người. Hitler muốn triệt tiêu đi cái được coi là bản tính suy nghĩ đó của người Do-thái. „Nhưng đã không bao giờ có một người Do-thái nào chịu bỏ quan điểm của mình“[24], và vì thế chỉ tiêu diệt cái tư duy của họ mà thôi thì không đủ. Phải giết luôn cả con người vốn mang cái lối tư duy đó trong mình.
Ta chỉ hiểu được Hitler, khi nhìn đương sự trong một hậu cảnh với những yêu sách gần như mang tính tôn giáo của ông. Ta có được cảm tưởng này, khi thật sự quan tâm nghiên cứu „Mein Kampf“. Đối với ông, đây là một cuộc chiến sống còn giữa ánh sáng và bóng tối; dân Arier và dân Do-thái là biểu hiện của sự thiện chống lại sự dữ. Vì thế trận chiến này quả thật là một giải thoát cho nhân loại; đây là một hi sinh mà người Đức cống hiến cho tất cả mọi người khác. Với tư duy chiến đấu đó, thì chuyện người Đức có quyền thống trị là lẽ đương nhiên.
Hitler vẫn trung thành với lối lập luận đó, khi năm 1945 ông chứng kiến cảnh thất bại và thua trận nhục nhã của dân Đức. Và ông đã cho lệnh phá huỷ mọi hạ tầng cơ sở còn lại, để lấy đi nền tảng sống của dân này. Vì thực tế cho thấy một dân tộc khác còn vượt trội hơn.
[1] Chính quyền bang Bayern không giữ bản quyền về những bản in khác đã được in và phổ biến ngay trong thời Hitler còn sống. Những bản in đó chính tác giả cũng đã biết.
[2] Cũng trong chiều hướng này đã có hai bài phân tích sau đây: Barbara Zehnpfennig: Hitlers „Mein Kampf“: Eine Interpretation. München 2000 (2006 -3) và Barbara Zehnpfennig: Adolf Hitler: Mein Kampf. Studienkommentar. München 2011. Bài sau là một phân tích cô đọng về mặt ý thức hệ và cương lĩnh trong Mein Kampf. Cũng nên tham khảo Sven Felix Kellerhof: Mein Kampf – Die Karriere eines deutschen Buches. Stuttgart 2015; Aus Politik und Zeitgeschichte 43-45/2015 (65): Hitlers „Mein Kampf“.
[3] Theodor Heuss, lúc đó là dân biểu Quốc Hội Đế Quốc và về sau trở thành tổng thống CHLB Đức, cũng có quan điểm như thế trong cuốn sách của ông viết vào năm 1932 „Hitlers Weg“, một trong những tài liệu hiếm hoi phê bình đầy đủ về cuốn Mein Kampf.
[4] Trong chương „Allgemeine politische Betrachtungen aus meiner Wiener Zeit“ (Tập I, ch. 3).
[5] Về „người sau rốt“, xem sách của Nietzsche „Also sprach Zarathoustra. Ein Buch für alle und keinen“, trong lởi dẫn nhập của Zarathoustra, chương 5.
[6] Adolf Hitler, Mein Kampf, Zwei Bände in einem Band. München 1942 (22), 148.
[7] Như trên, 145.
[8] Werner Jochmann (xb.), Das Christentum ist „eine Ausgeburt des Juden“. Monloge im Führerhauptquartier. München 2000, 41.
[9] Bismarck chống lại Đảng Zentrum của Công Giáo và những đảng viên Đảng Xã Hội; Phong Trào Dân Đức Cũ do Georg Ritter von Schönnerer lãnh đạo, chống lại Nhà Hasburg và Giáo Hội công giáo. So sánh với Hitler (ghi chú 6) 127-130.
[10] Nt., 597.
[11] Nt., trong bản chính bị khoá lại.
[12] Nt., 44. Về tương quan giữa các ý thức hệ xem Barbara Zehnpfennig, Nationalsozialismus als Antimarxismus? Hitlers programmatisches Selbstverständnis in „Mein Kampf“, trong: Manuel Becker / Stephanie Bongartz (xb.), Die weltanschaulichen Grundlagen des Nazi-Regimes. Ursprünge, Gegenentwürfe, Nachwirkungen. Berlin 2011, 79-98.
[13] Hitler (Ghi chú 6) 370.
[14] Nt., 54.
[15] Nt., 64.
[16] Khái niệm này chủ yếu được ấn dấu bởi Raymond Aron và Eric Voegelin; cả hai coi các phong trào quần chúng trong thế kỉ 20. với những hứa hẹn giải phóng ngay trong đời này của chúng là một hiện tượng mới về mặt lịch sử. Ss. Raymond Aron, Opium für Intellektuelle. Köln 1957; Eric Voegelin, Der Gottesmord. Zur Genese und Gestalt der modernen politischen Gnosis. München 1999.
[17] Jeffrey L. Sammons (xb.), Die Protokolle der Weisen von Sion. Dir Grundlage des modernen Antisemitismus – eine Fälschung. Text und Kommentar. Göttingen 1998.
[18] Hitler (Ghi chú 6) 69.
[19] Nt., 751.
[20] So sánh Leo Trozki, Die permanente Revolution. Ergebnis und Perspektiven. Essen 1933, 172 và Friedrich Pohlmann, Zusammenhänge zwischen der kommunistischen und der nationalsozialistischen Ideologie, trong: Franz Lothar Kroll / Barbara Zehnpflennig (xb.), Ideologie und Verbrechen. Kommunismus und Nationalsozialismus im Vergleich. München 2014, 187-210, 191.
[21] Hitler (Ghi chú 6) 751.
[22] Nt., 372.
[23] Nt., 166.
[24] Nt., 66.