Phần I - Tư tưởng chính trị của Phan Bội Châu trong „Việt Nam Quốc Dân Đảng Chương Trình“ - Cuộc hành trình tư tưởng đầy gian lao
Tài liệu Sử đặc biệt
Tư
tưởng chính trị của Phan Bội Châu trong
„Việt
Nam Quốc Dân Đảng Chương Trình“
Phạm Hồng Lam
Phần I
Cuộc hành trình tư tưởng đầy gian lao
Trong Tự Phán
[1] Phan Bội Châu (PBC) cho hay, sau khi ra khỏi tù ở Trung-hoa
(1913-1917), ông cải tổ Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc Dân Đảng, và đã khởi thảo ra „Việt Nam Quốc Dân Đảng chương trình (viết tắt
CT)“ và „Việt Nam Quốc Dân Đảng đảng cương (ĐC)“ để làm căn bản cho
đảng mới. Ông cũng cho biết thêm: Ba tháng sau khi soạn xong tài liệu (cuối 1924), Nguyễn Ái Quốc từ Mạc-tư-khoa tới tìm gặp ông ở Quảng Đông và nhiều
lần yêu cầu ông sửa đổi nội dung [2].
Phan đã không sửa và giao hai bản văn cho Hồ Tùng Mậu tìm cách mang về nước. Và
ông cho hay: chuyện Mậu có đưa được các tài liệu đó về trong nước không, và bản
chương trình sau đó có bị sửa đổi thế nào không, ông không biết [3].
Bản ĐC trình bày
tổ chức nội bộ đảng, „dựa theo khuôn mẫu của Quốc Dân Đảng Trung-hoa có châm
chước thêm bớt cho đúng với tình hình nước ta“ [4],
nội dung được sơ tóm trong cuốn Tự Phán. Về mặt tư tưởng, tài liệu này
không có gì đáng nói.
Còn bản CT có nội dung ra sao mà
Nguyễn Ái Quốc phải nhiều lần yêu cầu sửa
đổi?
Có phải bản văn này đã là nguyên cớ
kết thúc cuộc đời cách mạng của PBC không?
Và có phải cũng vì sự kiện này mà Nguyễn
Ái Quốc đã vội vàng cùng với hai người nữa thành lập ở Quảng Châu ngày
03.01.1925 một Quốc Dân Đảng Đông Dương [5]
riêng?
Cho tới nay, nhiều tài liệu nói rằng, Nguyễn
Ái Quốc đã lập mưu bán đứng PBC cho Pháp. Nhưng tại sao? Các lí do do các tài
liệu đó đưa ra vẫn chưa đủ thuyết phục. Và Hồ Tùng Mậu (lúc này vừa là người
của PBC, vừa nhận lệnh của Nguyễn Ái Quốc lại vừa hoạt động cho Pháp) có mang
nó về nước không, hay đã trao cho ai? Nhiều câu hỏi chưa có được câu trả lời rõ
ràng.
CT là tài liệu đặc biệt quan trọng. Nó
phản ảnh một chuyển biến tư tưởng mới của họ Phan. Nhưng lạ là cho tới nay,
chưa một học giả Việt nào đề cập tới bản văn đó. Cũng chưa thấy nó xuất hiện
trong bất cứ một tác phẩm việt ngữ nào [6].
Tại sao?
Tôi đã có được
nội dung của bản CT.
Nhưng trước khi
bàn sâu vào nó, hãy tìm hiểu sơ qua bối cảnh tổng quát.
Hành
trình tư tưởng của Phan Bội Châu
phản
ảnh qua các tổ chức chính trị
Họ Phan là con
người đa diện. Đa diện về tư tưởng, phản ảnh qua vô số văn thơ ông để lại. Và
đa diện về sự nghiệp chính trị, xuyên qua nhiều tổ chức chính trị mà ông đã
thành lập.
Muốn biết diễn
tiến tư tưởng nơi ông, không gì bằng nghiên cứu khối văn thơ của ông. Song cũng
có một lối khác, đơn giản hơn, là đi theo những chặng đường lập Hội, lập Đảng
của ông. Cả cuộc đời nhà cách mạng này gắn liền với các tổ chức chính trị. Và
các tổ chức này lại phản ảnh những bước ngoặt tư duy lớn của ông.
Năm 1903, sau khi
những dự tính bạo động theo tinh thần Văn Thân, Cần Vương của thời thanh niên
theo nhau đổ vỡ, họ Phan quyết định rong ruổi khắp Trung, Nam, Bắc tìm đồng chí
lập một hội kín để làm nền móng mới cho cuộc đấu tranh cứu nước tiếp tục. Đó là
Duy Tân Hội (1904), với chủ trương bạo động, bảo hoàng và cầu viện ngoại quốc.
Công việc đang tiến hành thì một biến
cố lớn làm rung chuyển Á châu: Nhật thắng Nga ở cửa biển Arthur (1905). Phan
quyết định sang Nhật tìm nguồn trợ giúp cho Hội và luôn thể tìm hiểu nguyên
nhân lẫn thực thể sức mạnh của nước lân bang đồng văn đồng chủng này.
Tại đây, qua lời
khuyên của nhà cải cách trung-hoa tị nạn Lương Khải Siêu, rằng không nên dựa
sức người mà quan trọng nhất là phải chuẩn bị sức mình bằng cách đầu tư vào
việc đào luyện nhân tài, Phan liền dấy lên Phong Trào Đông Du (1905 – 1908)
kêu gọi thanh niên sang Nhật du học. Chương trình đông du có âm vang lớn, vì nó
được hỗ trợ đắc lực bởi Phong Trào Duy Tân (1906 - 1908) do Phan Chu
Trinh và các đồng chí phát động trong nước. Tư tưởng cầu viện lúc ra đi
dần dần nhường chỗ cho tư tưởng tự cường. Đó là thay đổi tư duy đầu tiên
của Phan.
Trong thời gian
này, Phan viết Khuyến Quốc Dân Du Học, Việt Nam Vong Quốc Sử, Hải
Ngoại Huyết Thư, Tân Việt Nam, Ai Việt Điểu Diên, Việt Nam Quốc Sử Khảo, Hoà Lệ
Công Ngôn v.v. Sách Tân Việt Nam (1907) vẽ lên hình ảnh của một Việt Nam
sau khi duy tân: không còn bóng dáng thực dân; kinh tế, xã hội, giáo dục cộng
đồng phát triển; nền dân chủ chính trị thành lập. VN Quốc Sử Khảo
mở đầu bằng một định nghĩa công pháp quốc tế về Quốc Gia: Ba yếu tố hình thành
một quốc gia là Dân, Đất và Chính quyền. Trong đó, theo ông, Dân quan trọng hơn
cả. Mà công dân của một quốc gia thì phải có quyền. Tư tưởng Dân chủ và
Dân quyền, như vậy, đã nẩy sinh trong Phan. Có thể nói, bắt đầu từ đây,
một thứ chủ nghĩa „Duy Dân“ của Phan Bội Châu ra đời. Cổ xuý
Dân chủ, nhưng chưa có nghĩa là ông chối từ chính thể quân chủ, cho dù việc
chấp nhận chính thể này, đối với ông, chỉ là phương tiện hơn là cứu cánh đấu
tranh [7].
Tháng 7.1908, lo sợ trước ảnh hưởng
của Phong Trào Duy
Tân và đặc biệt các cuộc biểu tình xin giảm xâu thuế
lây lan, Pháp tìm mọi cách chặt đầu cầu cách mạng ở hải ngoại. Và họ đã kí được
với Nhật hiệp ước trao đổi quyền lợi và yêu cầu Nhật trục xuất sinh viên và các
nhà cách mạng việt nam. Như chim vỡ tổ, một số sinh viên rút sang Trung-hoa,
một số theo Phan sang Thái-lan canh tác đợi thời.
Năm 1911, biến cố
rúng động thứ hai: Cách mạng dân chủ ở Trung-hoa với Tôn Dật Tiên thành công.
Từ rừng núi Thái nghe tin, Phan trở lại Trung-hoa, triệu tập đại biểu về Canton
hội nghị biểu quyết bỏ chủ trương Bảo hoàng và đổi Duy Tân Hội thành Quang Phục Hội (1912), cổ xuý tinh thần tự lực tự cường, cộng hoà và dân chủ. Hai lí do khiến ông bỏ Bảo hoàng: Lí tưởng Dân
chủ của JJ. Rousseau, Montesquieu đã có dịp thấm trong Phan, và vì nhu cầu cần
sự giúp đỡ của họ Tôn. Trước đây, năm 1908, đã một lần Phan tới với Tôn để tìm sự
hỗ trợ, nhưng Tôn không thiết tha bàn chuyện, vì thấy Duy Tân Hội theo đuổi Quân chủ. Lần này, sau khi chấp nhận cổ xuý chính thể cọng
hoà, Phan lại tìm tới Tôn, nhưng Đồng Minh Hội của Tôn lúc này vẫn không giúp
gì được cho cách mạng việt.
Tình thế bế tắc
khiến Phan quyết liệt lao vào bạo động. Ở hải ngoại lẫn quốc nội Quang Phục Hội dấy lên phong trào ám sát, cấp khích bạo động: Ám sát tri huyện Thái
Bình (1913), ném bom khách sạn Hà Nội, bạo động ở các tỉnh phía bắc (1915),
cùng vua Duy Tân âm mưu khởi nghĩa (1916), khởi nghĩa Thái Nguyên (1917)...
Trong khi đó, chẳng may Phan bị tổng đốc tỉnh Quảng Đông là Long Tế Quang bắt
bỏ ngục 4 năm dài (cuối 1913-17). Tưởng mình sẽ bị giết hoặc chết rục tù, ông
viết Ngục Trung Thư để
tuyệt mạng. Song, chưa kịp giải giao nạn nhân cho Pháp, thì Quang bị cách mạng
trung-hoa dẹp. Phan thoát ngục.
Một năm sau khi ra
ngục, lúc đang ngổn ngang với tình hình thế giới và đất nước và tinh thần còn
giao động, hai đồng chí Lê Dư và Phan Bá Ngọc tìm tới. Ngọc tin tưởng vào đường
lối cởi mở của toàn quyền Albert Sarraut và khuyên Phan nên lợi dụng cơ hội hợp
tác. Phan nghe lời Ngọc, đồng thời nghĩ rằng có thể lợi dụng dịp này „tương kế
tựu kế“ để mở rộng vòng vây của mình, nên đã viết Pháp Việt Đề Huề Chính
Kiến Thư [8] (1918) rồi bảo Ngọc mang về trao cho Sarraut. Trong thư, Phan cho hay,
với kinh nghiệm của thế chiến I vừa qua, ông tiên đoán sẽ xẩy ra thế chiến II,
lần này giữa Nhật và Tây phương; và nếu cuộc chiến xẩy ra, thì Pháp ở Đông
dương sẽ không chống nổi và mất hết vào tay Nhật. Phan cũng công nhận rằng thực
dân Pháp còn dễ thở hơn thực dân Nhật (kinh nghiệm tàn ác của Nhật ở Đài-loan
và Đại-hàn). Và ông kêu
gọi, ngay từ giờ Pháp nên bỏ chính sách thực dân đi mà cùng bắt tay đồng hành
với nhân dân Việt Nam
để chuẩn bị cho một tương lai chung cho cả hai nước. Vì bức thư đó, tháng
5.1919 Pháp cử người sang gặp Phan ở Hán-khẩu. Hồ sơ an ninh của Pháp cho hay,
Néron đã thành công thuyết phục Phan thôi chống Pháp và đã đồng í cấp cho Phan
mỗi tháng 100 đồng tiền hưu; và Pháp chỉ mất liên lạc với Phan sau khi Ngọc bị
ám sát ở Hàng-châu năm 1922 [9].
Nhưng theo Phan, ông đã từ chối các điều kiện trên.
Trong Tự Phán (tr. 201) Phan viết, vì tập
“Pháp Việt Đề Huề chính kiến thư” của ông mà 4 hay 5 tháng sau Ngọc quay
ra làm tôi trung cho Pháp và đã bị cách mạng việt nam giết. Hồ sơ an ninh Pháp
thì cho hay, Ngọc đã “trở về” (“retourné”) sau khi bị bắt năm 1917 cùng với Mai
Lão Bạng ở Thượng-hải; và việc Ngọc tới mua chuộc Phan hợp tác là do âm mưu của
thực dân, qua đó họ muốn giết Phan về mặt chính trị [10].
Thật ra không riêng gì Ngọc, rất nhiều trí thức
Việt thời đó hớn hở đón chào Sarraut, vị toàn quyền trí thức đã định nghĩa
chính sách mình như là “Bản tuyên ngôn nhân quyền được diễn dịch bởi thánh
Vincent de Paul” [11].
Sarraut xây bệnh viện, mở trường học, mở mang đường xá, cải tổ giáo dục, lập
cao đẳng và hứa sẽ đưa ra một chính sách bảo hộ mới cho VN, sau khi thế chiến I
chấm dứt. Ông nói tới “tự trị”, hứa hẹn “Các thuộc địa là những quốc
gia đang hình thành”[12].
Kết quả, ông này thu được 367 triệu quan của dân Nam cho chiến tranh và 130
ngàn thanh niên Việt đầu quân cho Pháp [13].
Sau chiến tranh (thế chiến I), lời hứa thành bánh vẽ.
Năm 1917, biến cố thứ ba ảnh hưởng tới dòng tư
tưởng của Phan: “Cách mạng tháng 10” [14]
Nga. Sau khi đọc được một cuốn sách Nhật ngữ nói về cuộc chính biến này, Phan
bắt đầu say mê tìm hiểu lí thuyết cộng sản. Do tò mò, cuối năm 1920 ông tới đại
học Bắc-kinh tìm gặp đại diện Nga để tìm hiểu thêm về chủ nghĩa, và nếu có thể,
xin cho sinh viên du học. Người Nga cho biết nước họ sẵn sàng nhận du học sinh,
nhưng sau khi học xong, phải về nước hoạt động và tuyên truyền cho chủ nghĩa
cộng sản. Nghe vậy, Phan rút
lui. Không tin người
Nga, nhưng Phan vẫn tìm cách nghiên cứu lí thuyết mới mẻ này.
Phấn chấn trước những thắng lợi của cách mạng
trung-hoa (Tôn Dật Tiên) và đặc biệt của chính biến nga-sô (Lenin), đồng thời
hi vọng vào những trợ giúp của những thế lực mới này, Phan cùng các đồng chí
còn lại (trong Tâm Tâm Xã) quyết định khai tử Quang Phục Hội
để thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng (1925). Cương lĩnh của Đảng - Việt
Nam
Quốc Dân Đảng Chương Trình – đã được Phan khởi thảo từ cuối 1924. Đây là
một tổng hợp giữa Tam Dân chủ nghĩa, hay đúng hơn, giữa một thứ Duy Dân
chủ nghĩa và Cộng Sản chủ nghĩa.
Sau khi viết xong CT và giao cho Mậu bí mật
mang về Việt Nam,
Phan bị mật thám pháp bắt ở trên đất Trung-hoa và giải về giam lỏng tại Huế.
15 năm phần cuộc đời an trí còn lại (1925-40) ở
Huế, Phan quay trở về nhiều hơn với chuyện giáo dục và những giá trị khổng
-mạnh. Ông dịch Chu Dịch, viết Khổng
Học Đăng, Nam Quốc Dân Tu Tri, Nữ Quốc Dân Tu Tri, Thuốc Hoàn Hồn, Xã Hội Chủ
Nghĩa, Nhân Sinh Triết Học v.v.. Ông tự coi mình như đã chết về mặt chính
trị, nên không đưa ra một tư tưởng chính trị mới mẻ nào nữa. Một số bài viết
trong thời này chỉ là để quảng diễn những tư tưởng trước đây đã có. Ở Việt Nam,
văn liệu của ông đã được sử gia Chương Thâu sưu tập và đã ấn hành được 10 tập
với hơn 4800 trang, song hãy còn thiếu nhiều.
Tóm lại, về mặt tư tưởng, nhờ ra khỏi nước,
tiếp xúc với tân thư, với kinh nghiệm Nhật-bản, với các chính trị gia nước
ngoài mà chủ trương bạo động, bảo hoàng, tinh thần cầu viện nhường chỗ cho ưu
tiên giáo dục quần chúng, cho tinh thần tự lực tự cường, cho dân chủ, dân quyền
và sau này, qua âm vang biến cố tháng 10 ở Nga, tư tưởng xã hội có dịp triển
nở.
Có thể tóm tắt nội dung chuyển biến tư tưởng
của Phan Bội Châu qua biểu đồ sau:
Tổ chức
(năm thành lập)
|
Chủ trương
|
Phương pháp
|
Biến cố ảnh hưởng lên việc lập tổ chức
|
Duy
Tân Hội
(1904)
|
- Đuổi
Pháp
- Lập Quân
chủ lập hiến
|
- Chủ yếu
bạo động
- Dựa vào
ngoại viện
|
Thất bại
của Cần Vương và Văn Thân
|
Quang
Phục Hội
(1912)
|
- Đuổi
Pháp
- Lập Cộng
hoà dân quốc
|
- Chủ yếu
bạo động
- Cầu
viện song song với tự lực
|
- Nhật
thắng Nga 1905
- Cách
mạng dân chủ Trung-hoa (1911)
|
Việt Nam
Quốc Dân Đảng
(1925)
|
- Đuổi
Pháp, dẹp phong kiến
- Lập Cộng
hoà dân chủ
|
- Giáo
dục í thức người dân là chính
- Ôn hoà
bao nhiêu có thể
- Bạo
động khi bị bó buộc
|
- Biến cố
tháng 10 ở Nga
|
(Kì tới: Nội dung Việt Nam
Quốc Dân Đảng Chương Trình)
[1] Phan Bội Châu, Tự Phán. Hồi kí vận động cách mạng của cụ Phan Bội
Châu. Nhân chủ học xã, USA 1987. Trang 217, 218.
[2] Phan Bội Châu, đã dẫn, trang 218
[3] Phan Bội Châu, đã dẫn, trang 218
[4] Phan Bội Châu, đã dẫn, trang 218
[5]
Xem:
http://www.vietinfo.eu/tu-lieu/nguyen-ai-quoc-va-viet-nam-quoc-dan-dang--ai-da-ban-dung-cuoc-khoi-nghia-yen-bai-cho-phap-.html
[6] Trong nước, nhà sử Chương Thâu đã xuất bản Phan Bội Châu Toàn Tập
(gồm 10 tập, 4800 trang. Nhà xuất bàn Thuận Hoá. Huế 1990), nhưng cũng không
thấy „Việt Nam Quốc Dân Đảng Chương
Trình“ trong đó.
[7] Thật ra, từ 1907, qua tiếp xúc với các học giả Trung-hoa, tư tưởng Dân
chủ đã lớn dậy trong ông, nhưng ông chưa muốn nói ra, vì sợ lòng người chưa
thuận. Cuốn „Hoàng Phan Thái“ (1907)
kết tội vua Tự Đức, đồng thời ca ngợi một „kẻ nghịch tặc“ đối với vua là một
nhà „cách mạng khai sơn chi tổ“ là quả bong bóng đầu tiên ông thả ra để xem
phản ứng, đồng thời dọn đường cho việc hoán chuyển tư tưởng từ quân chủ qua dân
chủ. Xem Tự Phán, trang 108tt.
[8] Pháp Việt Đề Huề... viết năm 1918, chứ không phải như sử gia
mác-xít Lê Thành Khôi viết trong sách của ông (3000 Jahre Vietnam.
Muenchen 1969, tr. 349) là tài liệu đó được viết trong thời gian Phan bị quản
chế ở Bến Ngự, Huế. Xem thêm bài „Phải thực hành chủ trương Pháp Việt đề huề“,
trong Chương Thâu: Phan Bội Châu Toàn Tập, tập 4, trang 365.
Lại nữa, theo Di Cửu Niên Lai Sở Tri
Chủ Nghĩa viết sau này, Phan cho biết trong ông đã manh nha lí tưởng hoà bình, cộng tác, bỏ bạo động, mà ông gọi
là „cách mạng văn minh“ kể từ năm 1912 rồi. Gandhi và các phong trào độc
lập ở Ấn-độ, Phi-luật-tân, Algérie, Ả-rập... cũng đã ảnh hưởng lên chủ trương
„thoả hiệp“ của ông.
[9] Xem Patrice Morlat, La Répression
Coloniale au Vietnam (1908-40), Harmattan, Paris, 1990, trang 83.
[10] Xem Patrice Morlat, sđd, trang 38, 66, 83
[11] J.B Alberti, trích bởi Nguyễn Văn Phong, La
societé vietnamienne de 1882 à 1902 d´ après les écrits des auteurs francais.
Paris 1971, tr. 315.
[12] Xem Patrice Morlat, sđd, trang 71
[13] J.B Alberti, như trên.
[14] Nhà văn Nga Alexander Solschenizyn khẳng
định “cách mạng tháng 10” là một huyền thoại do đảng cộng sản Nga vẽ ra mà
thôi. Đó không hơn không kém chỉ là một cuộc chính biến xẩy ra trong một ngày,
do Leo Trotzki chủ động. Quan điểm của Solschenizyn cũng là quan điểm phổ biến
hiện nay ở Nga. Xem cuộc phỏng vấn Solschenizyn “Mit Blut geschrieben”, đăng trong Der Spiegel, 30/2007.