Phạm Hồng Lam
Hành Trình Tư Tưởng
Của Nhà Cách Mạng Phan Bội Châu
Phần 3
„Duy Dân“ trong VNQDĐCT
„Dân chẳng duy vật, dân chẳng duy tâm, dân chỉ duy dân“
(Phan Bội Châu)
Đọc VNQDĐCT (CT),
ta thấy có bốn điểm lớn:
A.
Nâng Dân sinh
B.
Tăng Dân trí
C.
Phục Dân quyền
Như vậy, trong bản
CT, ngoài kiến thức và kinh nghiệm riêng của Phan, có sự tổng hợp của hai hệ tư
tưởng Tam dân và Cộng sản của các học giả Trung-hoa. Theo Jörgen Unselt
[1], các
học giả này chủ yếu là Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn) và Li Ta Chao. Vậy đâu là
phần riêng của Phan, đâu là ảnh hưởng của các học giả ngoại quốc?
Trước hết, hãy
khảo sát phần ảnh hưởng của Tôn vào tư tưởng „Duy Dân“ của Phan.
Chúng ta thường cô
đọng thuyết của họ Tôn vào chữ „Tam Dân“. Đó là ba mục tiêu hay nguyên tắc đấu
tranh của ông: Dân tộc (đề cao tinh thần dân tộc để giành độc lập), Dân quyền
(Tự do, dân chủ) và Dân sinh (giải quyết các vấn đề xã hội để nâng cao phúc
lợi). Đâu là lí do ra đời, và í nghĩa Tam Dân của họ Tôn ra sao?
1. Dân Tộc
Dân tộc Trung-hoa
phải được giải phóng và độc lập. Đó là chủ trương đầu tiên của Tôn. Nhưng giải
phóng khỏi ai? Thưa: khỏi tập đoàn cai trị nhà Thanh. Thanh nguyên là một bộ
lạc thiểu số xa lạ từ miền bắc Trung-hoa, đã đánh đổ nhà Minh và cai trị toàn
nước Tàu kể từ 1644. Người Hán (sắc dân đa số của Trung-hoa) từ đó vẫn coi
Thanh như là bọn thực dân từ ngoài vào (thực sự nhà Thanh không hiểu tiếng Hán,
và để cai trị đám Hán dân mênh mông này, Thanh đã ra một bộ luật vô cùng khắt
khe – mà vua Gia-long đã đem vào áp dụng ở Việt-nam) và tâm tưởng lúc nào cũng
mong cho triều đại này sụp đổ. Í thức chống đối này gia tăng kể từ giữa thế kỉ
19, khi nhà Thanh liên tiếp nhượng bộ các yêu sách bất công của các cường quốc
phương Tây.
Một số nho sĩ như
Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu thoạt tiên đề nghị con đường cải cách để đưa nước
ra khỏi mối nhục, nhưng thất bại. Tôn Dật Tiên, một i sĩ đã sống ở Hoa-kì và
thấm nhiễm văn hoá âu mĩ, lúc đầu cũng nghĩ tới con đường cải cách. Nhưng sau
nhiều lần yêu sách bị từ chối, ông dứt khoát hô hào cách mạng đánh đổ Thanh
triều. Cho tới khi hết thế chiến I (1918), Độc lập của Tôn có nghĩa là thoát
khỏi ách nhà Thanh. Tuy nhiên, kết quả hội nghị Paris (1919) và Washington
(1921/22) của các nước thắng trận đã làm ông thất vọng. Thay vì các nước này giải
quyết vấn đề thuộc địa theo tinh thần dân tộc tự quyết như đã hứa, thì họ vẫn
tiếp tục thừa nhận quyền lợi của nhau ở Tàu. Nguyên tắc độc lập của ông, đo đó,
giờ đây được nối thêm một nội dung mới: thoát khỏi sự thống trị của tập đoàn đế
quốc âu mĩ (tư bản).
Nhưng làm sao để
làm được chuyện đó? Để kiến tạo và huy động sức mạnh cho công cuộc này, Tôn hô
hào tinh thần dân tộc (nationalism) nơi tập thể Hán dân. Ông cho rằng đây là
cội nguồn sức mạnh:
„Nếu ta không nỗ lực dấy lên tinh thần quốc gia và tập
hợp 400 triệu dân Trung-hoa vào trong một quốc gia vững mạnh, thì ta sẽ gặp
thảm nạn: mất nước và mất nòi. Muốn thoát đại họa đó, phải khơi dậy tình tự
quốc gia và dùng nó để cứu nước“ (tất cả những câu
trích, nếu không có ghi chú khác, đều lấy từ Hsu Chi Wei). [2]
Tôn đặt quan tâm
lớn trong việc hô hào tình tự quốc gia. Và sách vở phương Tây, khi đề cập tới
nguyên tắc Độc lập của Tôn, thì cũng xoay quanh việc diễn dịch chữ nationalism.
Phan Bội Châu
không gặp khó khăn trong việc xác định kẻ thù như họ Tôn. Kẻ thù duy nhất ở
Việt-nam, theo ông, là bộ máy chính quyền (bảo hộ) thực dân. Nên nhớ, chỉ là
chính quyền bảo hộ, chứ không phải toàn thể nước Pháp. Phan đã rất sáng suốt
trong nhận định này. Ở điểm này, Bội Châu cũng khác quan điểm với người đồng
chí Phan Chu Trinh: Ông không coi vua quan Nam triều là kẻ thù cần đưa vào
cương lĩnh. Chu Trinh căm giận vua quan Việt, sẵn sàng dung túng thực dân để
dùng nó ưu tiên đánh đổ nền quân chủ. Bội Châu, trái lại, xem vua quan Nam
triều chỉ là một thứ bù nhìn; giật sập bộ máy bảo hộ là bù nhìn đương nhiên đổ.
Văn thơ của Bội Châu từ đầu chí cuối ngút ngàn với những lời hô hào lòng yêu
nước và tình tự dân tộc, bằng cách ca ngợi những trang sử oanh liệt, các chiến
công hiển hách, các gương hi sinh của những anh hùng liệt nữ xưa và nay.
„Nay ta hát một thiên ái quốc
Yêu gì hơn yêu nước nhà ta (Ái
quốc ca)
Vậy mà – khác hẳn
với Tôn - Phan đã bỏ qua, không đưa nguyên tắc Dân tộc vào cương lĩnh của mình.
Như thế, phải chăng ông coi Dân tộc là một lí đương nhiên trong cuộc đấu tranh,
hay xem như nó đã tiềm sẵn nơi dân mình rồi?
Thay vào đó, Phan
đưa Dân trí vào như một nguyên tắc
quyết định. Đây là điểm khác biệt giữa „Tam Dân“ của Phan và Tôn. Có Dân trí là
có tất cả. Khi so sánh tư tưởng giữa Bội Châu và Chu Trinh, người ta thường cho
rằng Dân trí và Dân quyền là sản phẩm đặc thù của Chu Trinh, chứ không phải của
Bội Châu. Thực tế không hẳn như vậy. Dân trí đã được Bội Châu quan tâm ngay từ
đầu. Trong Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư
(1904), lá thư khiến một anh đồ vô danh trở thành biểu tượng đấu tranh, và qua
nó, đã nối kết Phan lại với các hào kiệt ba miền, Phan đưa ra ba liều thuốc cấp
cứu: 1. Mở trí khôn cho dân, 2. Tăng
hoạt dân khí, 3. Vun trồng nhân tài [3].
Hãy xem con bệnh sĩ khí Việt-nam lúc đó:
„Dân khí nước ta bị suy giảm quá tệ. Trước kia sống bình
(tầm) thường đã lâu. Khiếp sợ quen thói, nghe và thấy chật hẹp, tai như điếc,
mắt dường mù. Người dưới phải làm điều đê tiện mà không biết hổ, phải chịu sự ô
nhục mà không biết thẹn. Người trên lo trang sức cho đẹp mắt, giữ hủ lậu cho
yên thân, dù có những người thông minh cũng phải chiều theo tập thượng. Nghe
một lời nói khác mình thì khiếp sợ như nghe sấm sét, thấy một người làm khác
mình thì cho là quái lạ như thấy tuyết… Cái tệ ấy buổi đầu là do tính tình nhu
nhược, theo mãi, hoá ngu hèn đến nỗi có tay chân mà không biết làm lụng, có tài
sản mà không biết trao đổi, có miệng lưỡi mà không biết trình bày, có núi bể mà
không biết vượt bơi, có khoáng sản mà không biết dò lấy, có máy móc mà không
biết cho chạy. Thậm chí thấy nhục vua cha mà không biết căm tức, thấy ngoại
nhân mắng nhiếc, lừa đùa mà vẫn bằng chân như vại…
Các nước Thái tây đâu có hạng người gỗ đá như thế! U mê
gàn dở, không chút căm giận, sao mà hèn nhát sút kém đến thế!... Thay đổi học
thuật lập ra quy chế mới thì không khỏi làm cho họ khiếp thấy ngại nghe. Mở
mang trí tuệ, họ cho là hiếu kì; sửa đổi cho hợp thời, họ cho là trái cổ…“[4]
Do đâu mà sĩ khí
bạc nhược như vậy? Thưa là vì dân trí thấp. Dân trí như thế thì làm sao có được
nhân tài, làm sao biết đến Dân quyền? Nguyên tắc Dân trí của họ Phan trong CT
là vị chính của ba liều thuốc trên. Chìa khoá cứu nước trước hết là Dân trí.
Phan khẳng định: „Giáo dục là sinh mệnh
của đất nước“[5]. Cái hay nơi Phan là ông
chủ trương bình dân hoá, phổ thông hoá việc học. Đây cũng là chủ trương „Giáo
chi“ và „hữu giáo vô loại“ (trong giáo dục không có phân biệt giai cấp. Luận Ngữ XV.38) của Khổng-tử. Như vậy,
nguyên tắc Dân trí hẳn không phải là sản phẩm của „Tam Dân“, mà là kết quả học
hỏi của Phan qua gia sản nho học, qua kinh nghiệm Nhật, qua trao đổi với Lương
Khải Siêu, qua sách vở, đặc biệt qua cuốn sách của Lương Khải Siêu Ý Đại Lợi Tam Kiệt Truyện [6].
Mà nói cho ngay, gần như toàn bộ văn liệu Phan
vắt óc vắt gan viết ra suốt cả cuộc đời cũng là cho mục tiêu nâng cao Dân trí.
Toàn bộ cuộc vận động của các chí sĩ Duy tân trong nước thời đó cũng là cho mục
tiêu đó. Toa thuốc của họ Phan hơn 100
năm trước tới nay vẫn không mất tính thời sự.[7]
2. Dân Chủ
Trong bài nói
chuyện ngày 17.06.1916 họ Tôn đưa ra hình ảnh: Kĩ thuật làm nhà của Tàu khác
Tây. Tây đổ móng rồi mới dựng nhà, còn Tàu trái lại, dựng cột kèo trước khi đắp
nền. Và ông cho lối làm của Tây là đúng: làm gì cũng phải đi từ căn bản mà lên;
nền móng là căn bản, bảo đảm cho toàn bộ căn nhà. Và nền móng của quốc gia là
gì, nếu không phải là Dân! Như vậy,
mọi quyết định đều xuất phát từ dân. Dân
phải là chủ.
Cũng theo họ Tôn,
thế giới ngày nay đang bước vào kỉ nguyên Dân chủ; sau hơn 2000 năm vận hành kể
từ khi triết gia Hi-lạp Aristoteles khởi xướng, tư tưởng và thể chế chính trị
dân chủ ngày nay đang toàn thắng, không có gì có thể cản ngăn bước tiến của nó.
Dân chủ, đối với Tôn, đồng nghĩa với chế độ cộng hoà. Ông say mê khuôn mẫu
Hoa-kì và Thuỵ-sĩ, trong đó người dân có quyền bầu, kiểm soát và bãi miễn người
đại diện, có quyền đưa đề nghị và trưng cầu í kiến. Tôn nói tới „ngũ quyền“. 5
quyền này trong CT của Phan gồm: lập pháp trực tiếp, tư pháp gián tiếp, hành
chánh (hành pháp) gián tiếp, kiểm soát trực tiếp và lập hiến trực tiếp. „Tam
Dân“ của Tôn dùng Dân chủ -chứ không phải Dân quyền - làm đề mục. Nhưng theo
Tôn hiểu, thì Dân chủ, Dân quyền, Tự do, Bình đẳng (hai khẩu hiệu sau của cách
mạng Pháp) thật ra là một, chúng không thể tách rời nhau, như ông đã viết trong
bài thuyết trình ngày 23.03.1924:
„Hơn 100 năm nay, Âu châu tranh đấu cho hai mục tiêu đó
(Tự do, Bình đẳng), song rốt cuộc kết quả cũng là Dân chủ. Chỉ khi nào người
dân chiếm hữu được Quyền của mình, lúc đó Tự do và Bình đẳng mới có cơ may tồn
tại. Không có Dân chủ, Tự do và Bình đẳng chỉ là sáo ngữ“ (xem Hsu Chi Wei).
Cũng cổ xuý cho
Dân chủ, nhưng trong CT họ Phan lại dùng í niệm Dân quyền để làm đề mục. Theo ông, Dân quyền mới đúng là nền tảng.
„Quyền dân là trên hết“ (CT). Muốn
làm chủ thì phải có quyền. Phan nói tới Dân quyền rất sớm. Trong Tân Việt Nam (1907) ông viết:
„Cái nọc độc chuyên chế của bọn người hại dân
ấp ủ đã hàng ngàn năm nay từ bên Trung Quốc lây sang nước ta, đến nỗi một tên
độc phu (vua) và vài vạn kẻ dung nhân (quan) làm cá làm thịt trăm họ dân ta.
Thế mà dân ta ngu ngốc khờ dại, không biết giành dân quyền, giữ quốc mệnh, chỉ ngày đêm lo hết lòng hết sức đem máu
mỡ của mình cung đốn cho bọn độc phu, dung nhân uống nuốt!“[8].
Tư tưởng Dân
quyền, trước Tân Việt Nam một năm,
Bội Châu cũng đã được Chu Trinh khẩn thiết nhắc nhở, khi hai người vừa sang
Nhật. Sau khi tham quan các học đường và khảo sát những công việc chính trị
giáo dục ở Đông-kinh, Chu Trinh nói với Bội Châu:
„Trình độ dân Nhật Bản như thế, mà trình độ
dân ta như thế, không nô lệ làm sao được! (…) Từ nay (ông) nên lưu (lại) Đông
(kinh) yên nghỉ, chăm việc làm sách (…). Chỉ nên đề xướng dân quyền, đã biết có quyền
thì việc khác có thể tính lần được“ [9].
Có lẽ Chu Trinh
(và cả Bội Châu) đã học được í niệm Dân quyền từ các tân thư của các tác giả Âu
Mĩ qua ngã các bản dịch chữ Hán.
Một điểm lạ nữa là
Bội Châu nêu lên sự bảo đảm tự do phát biểu Dân í như là điều kiện của Dân
quyền. Có nghĩa là ông coi tự do ngôn luận (mà cũng thể hiện qua tự do bầu cử ứng
cử) là thành tố cao nhất của Dân quyền. Điểm này tới ngày nay vẫn đúng. Chỉ khi
tự do ngôn luận được bảo đảm thì mới có thể bàn tới những tự do khác.
Cổ xuý Dân chủ, Tự
do theo mẫu Tây phương, nhưng họ Tôn đồng thời hô hào hạn chế tự do. Bởi theo
ông, tuy sống trong chính thể quân chủ, dân Tàu đã có quá nhiều tự do, và cũng
vì quá tự do nên dân Tàu thiếu đoàn kết. Thành ra ông nhấn mạnh về một giai
đoạn độc tài hậu chiến, trong đó sẽ dùng Đảng để huấn chính, hướng dẫn dân bỏ
thói cũ, tập quen với nếp sống mới. Ông viết trong bài thuyết trình tháng
11.1920:
„Hành động giải thoát nô lệ của tổng thống
Lincoln là một nghĩa cử lớn. Lẽ ra nô lệ phải biết ơn ông, nhưng đàng này rốt
cuộc họ lại coi ông là kẻ thù và giết ông. Họ đổ lỗi cho ông là đã phá nếp sống
của họ. Điều này chứng minh rằng, bỏ một thói quen lâu đời không phải là chuyện
dễ… Hệ thống nô lệ ở Tàu đã có từ hàng ngàn năm nay. Mặc dầu chính thể cộng hoà
đã hiện hữu được 9 năm, nhưng nếp sống quần chúng vẫn khập khễnh, chưa biết đi
đứng như thế nào cả. Muốn đưa họ vào nề nếp, phải cần biện pháp mạnh. Chẳng có
chọn lựa nào khác. Phải dựng họ dậy, dạy bắt họ vào khuôn phép“.
Chủ trương „độc
tài đảng trị giai đoạn“ này họ Tôn không học ở Lê-nin, nhưng do kinh nghiệm
chính trị, đặc biệt là kinh nghiệm hậu cách mạng Tân hợi (1911): vì Đồng Minh Hội của ông quá ô hợp và
thiếu nhất quyết, nên đã không giữ được quyền mà phải trao lại cho Viên Thế
Khải, và ông này sau đó đã chủ trương diệt các chính đảng, khiến Tôn và các
đồng chí phải chạy sang Nhật.
Phan Bội Châu cũng chia sẻ chủ trương cứng rắn
giai đoạn trên. Tuy nhiên trong CT, ông đề cập vai trò chủ động của Đảng trong
thời hậu giải phóng một cách nhẹ nhàng, không nhấn mạnh vai trò áp chế như
trong cương lĩnh của Trung-hoa Quốc Dân
Đảng của Tôn. Tôn chia ra 3 thời kì: Quân chính, Huấn chính và Hiến chính;
trong hai giai đoạn đầu, Đảng không ngần ngại dùng chuyên chính để trị nước
huấn dân. Cương lĩnh Thể Giao (1927) của Việt-nam
Quốc Dân Đảng (Nguyễn Thái Học) lấy lại ba điểm này của QDĐ Trung-hoa. Đọc
văn liệu của Phan, ta thấy ông rất chuyên chính với thực dân Pháp, nhưng lại có
khuynh hướng từ chối chủ trương độc tài, độc đoán như ta sẽ thấy rõ hơn khi tìm
hiểu quan niệm „cộng sản“ của ông.
Lối dân chủ trực
tiếp trong CT: Bầu đại biểu từ xã lên huyện, tỉnh, quốc gia và đại biểu các
ngành nghề từ địa phương lên trung ương là một mô thức dân chủ lí tưởng. Ngày
nay, ta có thể nghi ngờ sự khả thi của mô thức đó và có thể thắc mắc về các
điều kiện bầu phiếu và việc phân chia đại biểu ngành nghề. Song đây là một suy
tư đáng kể của Phan trong việc đi tìm một phương thức đại diện thật dân chủ,
công bằng, hoàn hảo.
3. Dân Sinh
Trong cuốn Nhật Kí Một Nhà Cách Mạng Trung-hoa, Tôn
Dật Tiên kể, năm 1896 ông trở lại Âu châu hai năm để học hỏi phong tục, lề lối
sinh hoạt chính trị và làm quen với các chính trị gia. Ông nghe, thấy và học
được nhiều. Tuy nhiên, ông nhận thấy rằng, dù Âu châu hưng thịnh và dân quyền ở
đây rất được bảo đảm, vậy mà vẫn có nhiều người gia nhập các phong trào cách
mạng xã hội. Điều đó đưa ông tới kết luận: sự thịnh vượng của quốc gia và sự
phát triển dân quyền chưa đủ để kiến tạo hạnh phúc cho dân. Muốn dân hạnh phúc,
chính quyền phải song song giải quyết các vấn đề xã hội. Nghĩa là nhà nước phải
trở thành một nhà nước phúc lợi. Thuyết Dân sinh của ông nẩy mầm từ đó. Dân
sinh cũng được Tôn gọi là chủ nghĩa xã hội; nó là tất cả „xã hội chủ nghĩa“ của
Tôn.
Nguồn gốc các vấn
đề xã hội của Âu châu thời đó là con ma Tư bản, là hậu quả của cách mạng kĩ
nghệ. Sau cách mạng kĩ nghệ, người bị máy móc thay thế, công nhân hoặc rơi vào
thất nghiệp hoặc trở thành nô lệ cho máy móc. Sản xuất tăng nhanh, lợi nhuận đổ
dồn vào các nhà tư bản: khoảng cách giàu nghèo mở lớn. Kinh tế dần trở thành
độc quyền của một thiểu số tư bản. Những người này nắm luôn cả hệ thống đường
rầy xe lửa, điện khí, đại kĩ nghệ sắt thép… Bất công xã hội tràn lan, đè nặng
trên đa số dân chúng.
Để ngăn chặn kịp
thời thảm cảnh đó tại Tàu, Tôn đề ra hai giải pháp: „chủ nghĩa xã hội nhà nước“
và cải cách ruộng đất.
Chủ nghĩa xã hội
nhà nước có nghĩa là nhà nước phải nắm giữ những ngành kinh tế trọng yếu như hệ
thống giao thông, điện lực, sắt thép v.v., không để cho tư bản tư nhân độc
quyền (Đây là phương thức của thủ tướng Bismarck nhằm chống lại áp lực mạnh mẽ
của khuynh hướng mác-xít ở Đức thời đó). Ngoài ra, ông không chủ trương cào
bằng xã hội (như cộng sản chủ trương), nhưng đòi buộc nhà nước phải có biện
pháp phân phối đồng đều và phải bảo đảm cơ hội đồng đều cho người dân.
Còn cải cách ruộng
đất có nghĩa là phải ban hành một chính sách thuế điền địa thích hợp nhằm tăng
quỹ ngân sách quốc gia và ngăn cản đất đai rơi vào tay một thiểu số đại điền
chủ. Họ Tôn không chấp nhận con đường bạo lực cách mạng trong việc giải quyết
vấn đề kinh tế và ruộng đất. Lối ăn cướp, chém giết, tập thể hoá như ở Nga,
theo ông, không mang lại thành quả. Chính trị mới là phương cách giải quyết ổn
thoả mọi vấn đề.
Và đặc biệt, với
Tôn, Dân sinh mới là lực quyết định tiến trình lịch sử, chứ không phải kinh tế,
như Mác chủ trương. Ông viết trong bài thuyết trình ngày 03.08.1924:
„Mới đây, ông William, một môn đồ của Marx
người Mĩ, sau khi nghiên cứu tường tận thuyết của thầy, đã kết luận rằng chuyện
bất đồng giữa những người cộng sản bắt nguồn ngay từ những sai lầm của học
thuyết Marx. Ông ta cho rằng Duy vật sử quan của Marx là sai, rằng lực chính
điều khiển sự vận hành lịch sử là vấn đề xã hội, chứ không phải kinh tế, và sự
sinh tồn (subsistence) là vấn đề xã hội quan trọng nhất. Dân sinh là vấn đề
sinh tồn. Quan điểm của học giả William trùng hợp với chủ trương thứ ba của
Đảng chúng tôi. Với William, ta thấy Dân sinh là lực trung tâm của tiến trình
xã hội và tiến trình xã hội lại là lực chính của lịch sử; chính sự đấu tranh
cho sinh tồn, chứ không phải yếu tố kinh tế, mới là lực điều hướng lịch sử“.
Hẳn Phan cùng quan
điểm với Tôn, coi xã hội là một vấn đề rất quan trọng. Nhưng khác với Tôn, ông
đặt Dân sinh (sự sinh tồn của dân tộc, cuộc sống hạnh phúc của dân) lên vị trí
đầu trong 4 mục của CT. Phan suốt đời quanh quẩn ở các nước đông Á (Trung-hoa,
Thái-lan, Nhật) đã không chứng kiến tận mắt các khủng hoảng trong các xã hội kĩ
nghệ tây phương, nên không đề cập tới những nguy cơ tương lai như Tôn. Dân sinh
ở Việt-nam, đối với Phan, là giải quyết những vấn đề thực tế của một nước nông
nghiệp như: chính sách ruộng đất, kế hoạch khai thác và phát triển nông nghiệp,
tạo công ăn việc làm cho mọi người, thúc đẩy dân khai khẩn đất hoang, các biện
pháp bảo vệ người lao động, các chương trình huấn nghệ v.v.. Cũng như Tôn, ông
chủ trương nhà nước mua lại đất tư rồi phân phát lại cho dân, chứ không dùng
biện pháp tịch thu và tập thể hoá như Bôn-xê-vích đã làm.
Dân sinh của Phan
cũng không hẳn là một mô phỏng Dân sinh của Tôn. Nó không là gì khác ngoài
nguyên tắc „Phú chi“ của Khổng Mạnh. Không có triết gia nào tha thiết về vấn đề
làm giàu dân bằng Mạnh-tử: „Dân khả sử
phú dã“ (Mạnh-tử, VIIa,23). Dân
có giàu thì nước mới mạnh. Và tất cả triết lí chính trị của Nho giáo đặt trên
nguyên tắc căn bản sau: „Bất hoạn quả nhi
hoạn bất quân“ (không lo ít của cho bằng lo chia của không đều. Luận Ngữ XVI.1). Cái tinh thần Dân sinh
khổng mạnh đó (cố gắng chia đều cơ hội và của cải, giúp dân làm giàu và hạnh
phúc) ta thấy hiện lên rõ nét trong bản CT.
„Dân
chẳng duy vật, dân chẳng duy tâm, dân chỉ duy dân“, đó là nhận định của họ
Phan. Cả ba mục tiêu Dân sinh, Dân quyền và Dân trí, tắt lại, đều phục vụ và
nhằm thăng tiến cho một chữ Dân. Rải rác trong các văn liệu, Phan Bội Châu đề
cập rất nhiều tới chữ Dân và không ngớt hô hào í thức về nó. Vì thế, ở đây tôi
muốn khai triển về một thứ chủ nghĩa „Duy Dân“, chứ không đặt nặng „Tam Dân“
nơi ông. Trong ba yếu tố công pháp (Dân, Đất, Chính quyền) hình thành nên quốc
gia, Phan coi Dân là nền tảng. „Dân là
sinh mệnh của nước“. [10]
Dân là hồn của nước [11].
Chức Dân quan trọng như thế, nhưng sở dĩ lâu nay dân ta thiếu í thức về nó, là
vì sự kìm giữ của truyền thống khổng giáo: vua quan vốn coi Dân là cỏ rác,
trong khi Dân thì chẳng biết mình có chút quyền gì cả, chỉ biết cam tâm làm
kiếp „gia nô“:
„Một là vua sự Dân chẳng biết
Hai là quan chẳng thiết gì Dân
Ba là Dân chỉ biết Dân
Mặc quân với quốc, mặc thần với ai „[12]
Hay
„Xem lịch sử nước ta từ xưa đến nay hơn ba
nghìn năm chỉ có gia nô mà không có quốc dân thật. Quyền vua quá nặng (…), gia
dĩ quyền quan lại hấng đỡ quyền vua mà tầng tầng áp chế (…). Thằng này là con
ngưạ, thằng nọ là con trâu, buộc cương vào thì cắm cổ cứ đi, gác ách vào thì
cắm đầu cứ lủi (…); phận con hầu thằng ở, được đôi miếng cơm thừa canh thải,
thì đã lấy làm hớn hở vinh vang; tối tăm đứng đầu ruộng mới được bát cơm ăn,
suốt đêm ngồi trên bàn khung cửi mới được tấm áo mặc, mà thoạt mở miệng ra thì
chỉ nói rằng „cơm vua áo chúa“, đồng tiền này, sông núi nọ, mồ hôi lẫn nước mắt
mà cày cấy, mở mang; nhưng mà „chân đạp đất vua“ lại giữ chặt một hoạt kê vô
lí. Than ôi! Cái tư tưởng gia nô, cái trí thức gia nô! Bệnh gia truyền làm nô
đó không biết tự bao giờ để lại cho chúng ta, bắt ta phải gông đầu khoá miệng,
xiềng tay xiềng chân, mà chịu gánh gia nô cho già đời mãn kiếp! Đau đớn thật!
Thảm hại thật! [13]
Thời quân chủ đã
vậy. Đến lượt cộng sản về thì cũng lại phải răm rắp „ơn Bác ơn Đảng“, „nhờ Bác nhờ
Đảng“!
Vì thế, nâng Dân
trí, vực Dân khí và hô hào tự do ngôn luận để Dân quyền được bảo đảm của Phan
Bội Châu đưa ra 83 năm trước cũng là những toa thuốc thần để xoá kiếp gia nô, đưa
dân tộc Việt-nam ngẩng cao đầu nhận ra lại chỗ đứng và vai trò quốc dân, công
dân cao trọng và xứng đáng của mình.
Augsburg, tháng
9.2007
(Kì tới: Tư tưởng „Cộng
Sản“ trong VNQDĐCT)
[1] Jörgen Unselt, Sun Yat Sen in the Perspective of Phan Boi Chau’s Vietnamese National
Revolutionary Mouvement. Đăng trong Gottfried-Karl Kindermann (de.), Sun Yat Sen, Founder and Symbol of China’s
Revolutionary Nation-Building. Vol. 1, München & Wien, 1982.
[2] Hsu Chi Wei, The Influence of Western Political Thought and Revolutionary History on
the Goals and Self-image of Sun Yat Sen and the
the Republican Revolutionary Mouvement in China. Đăng trong
Gottfried-Karl Kindermann (de.), Sun Yat
Sen, Founder and Symbol of China’s
Revolutionary Nation-Building. Vol. 1, München & Wien, 1982.
[3] Phan Bội Châu, Tự Phán, Nhân Chủ học xã, USA 1987, trang 48 tt; Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư. Trong Phan Bội Châu Toàn Tập, tập 1, trang 143
tt.
[6] Xem Phan Bội Châu, Tự Phán, sđd, trang 90.
[7] Xem thêm Hà Sĩ Phu, Tư Tưởng Và Dân Trí Là Nền Móng Xã Hội
và bài Cuộc Dằng Co Về Dân Chủ Còn Kéo
Dài, trong http://www.hasiphu.com/baivietmoi.html
[9] Phan Bội Châu, Tự Phán, sđd, trang 87.