Bút ký sự ác: Giết chết một thế hệ

Nguyễn Quang

Bút ký sự ác: Giết chết một thế hệ


Thành phần giới trẻ nhiều và rất nhiều, gọi như vậy vì đến nay vẫn chưa có con số thống kê, một luận án tâm lý xã hội hay tác phẩm nào nói về số đông này khi cộng sản chiếm miền Nam. Họ bị quy kết vào tội đồi trụy, làm băng hoại xã hội và bị tống giam vào các trại tập trung.

Không một nhà tù nào ở Việt Nam từ Bắc chí Nam, mà không có tù hình sự, Có nơi sống chung cùng tù chính trị, nơi khác tách riêng thành những phân trại chỉ toàn giới trẻ gọi là tệ nạn của xã hội.

Hơn phân nửa hoặc đến ba phần tư là tù hình sự trong tất cả các trại giam! Con số thật kinh khủng, nhưng họ đã bị quên lãng. Chúng ta chỉ đề cập đến các sĩ quan tập trung cải tạo, tù chính trị mà quên đi những nạn nhân của một chế độ diệt chủng và chính các bạn trẻ này có thể là bà con, thân hữu của chúng ta trong một thời tao loạn.

Ngoài những em nghiện ngập hay buôn bán ma túy, cướp giật thật sự, số bạn trẻ là học sinh, sinh viên bị chụp cho những cái mũ to tướng phá rối an ninh trật tự tại các địa phương, hay thành phần bị lao động cưỡng bức nhưng trong những giây phút bất đồng họ bị quy kết thành tội chống đối chế độ và bị đưa vào các trại tập trung vô thời hạn.

Nền kinh tế của đất nước rơi vào cảnh bi thương, người dân dở sống dở chết vì chính sách ngăn sông cấm chợ. Toàn xã hội mỗi người không đủ lương thực hằng ngày, nên lấy đâu thăm nuôi người trong tù. Do đó như tại trại Thung Lũng Tử Thần ở miền Trung Việt Nam, số tù hình sự chết mỗi ngày không kể hết. Họ toàn là  các bạn trẻ thuộc thế hệ tương lai của Việt Nam.

Phần lớn đều chết vì bệnh đường ruột, mọi sự khởi đầu từ miệng mà ra. Hàng hàng lớp lớp chết vì đói khát, trong cơn đói họ ăn bất cứ những gì có thể ăn, từ chăn chiếu, mùng mền, đến cỏ non dọc trên đường đi. Nhiều em tìm nhặt lại từng hạt ngô trong phân người, họ rửa sạch và đem nấu lại! Không ai còn chần chừ một thứ gì miễn là để sinh tồn.

Tất cả đều trong ngỡ ngàng, hết lệnh tập trung ba năm này đến lệnh tập trung khác. Họ không biết cộng sản là gì và như luôn có một thứ tiếng nói của định mệnh “Đến đây thời ở lại đây, bao giờ bén rễ, xanh cây mới về”.

Bên cạnh trạm xá trại giam có một nhà nằm chờ chết, rồi mới đến nhà xác. Có kẻ nằm chờ cả tháng, nhưng phần lớn không quá một tuần hay chỉ vài hôm. Và khi sang nhà vĩnh biệt, hết thảy đều biến rất nhanh. Không còn gổ hay tre nứa để làm cổ quan, những ai may mắn được quấn gọn trong tấm chiếu mỏng manh, cái xác nằm vất vưởng trên chiếc xe bò hay bỏ lọt tòng ten trên chiếc võng do hai người khiêng vì kinh nghiệm nếu có ba người bao giờ cũng đánh lộn với nhau, lý do vắt cơm quá nhỏ cho người chết biến mất lúc nào không ai hay biết!

Ngôn ngữ của các bạn trẻ không còn nhiều từ, ngoài tiếng chia cơm canh cá, cải thiện, ăn và ăn… cho dù không có gì để chia, để mưu sinh mà sống còn. Có một linh mục bị nhốt chung với tù hình sự tại trại Xuân Phước, Tuy Hòa, còn gọi là trại Thung Lũng Tử Thần. Mỗi lần Ngài thăm nuôi vừa vào đến cổng trại, quà thăm nuôi xem như không còn gì nữa, từ cán bộ trại giam đến trưởng ban thi đua, đội trưởng, đội phó, tổ trưởng, tổ phó đều là tù hình sự, cuối cùng là các bạn tù hình sự đều “chia xẻ” với linh mục cho đúng nghĩa “linh mục của người nghèo”!

Giáo phận Bà Rịa Vũng Tàu đi vào lịch sử trong chế độ lao tù cộng sản với hai linh mục. một là linh mục việt gian Đinh Xuân Thụy, ở trại A 20 Xuân Phước, ai cũng biết những cái ác của linh mục này, làm đến trưởng ban thi đua, chuyện gì cũng báo cáo khiến bao người bị cùm. Và vị kia, hiền từ khiêm tốn, bị vu oan, bị chụp mũ cho cái tội “hiếp dâm trẻ em”. Và Ngài bị kết án 8 năm tù giam!

Không biết nay Ngài sống chết như thế nào, và Tòa Giám Mục Bà Rịa đã có thông tư, thông báo để làm sáng tỏ sự việc này hay im lặng trước cái ác! Vô cùng ác!

Trại giam hình sự nào cũng đều có hệ thống bóc lột ngầm hoặc công khai và dù dưới hình thức nào cũng đều do cán bộ trại giam đỡ đầu. Nếu đó là một trại có kỷ cương, đường dây bóc lột ngầm cũng rất mạnh mẽ, song nếu kỷ luật lơ là ngay chính trong thành phần cán bộ. tất nhiên một hệ thống nổi hiện ra rất rõ ràng và bạo lực công khai.

Như trại hình sự Xuyên Mộc, chúng tôi một nhóm các tù nhân bị quy kết cho cái tội chống đối, nên bị cô lập bằng cách bị mang nhốt chung với tù hình sự. Chúng tôi chứng kiến, không ngày nào các em không đánh nhau, và chuyện đâm vào tim của nhau chết ngay tại chỗ là chuyện bình thường mỗi ngày. Các đại bàng tranh nhau địa bàn để mua bán ma túy ngay trong tù, tước đoạt thức ăn của các bạn tù mới thăm gặp…với muôn vàn các tệ nạn khác.

Tương lai của dân tộc Việt Nam không còn nằm ở các thư viện Quốc gia, trong các phòng thí nghiệm, nơi các du học sinh… nhưng dưới sự cai trị của cộng sản khi đất nước thống nhất, nó nằm trên các nghĩa trang thanh niên.

*
*    *