Sự khó nghèo, đau khổ và bách hại là sức mạnh của Giáo hội

ĐHY Ling: Sự khó nghèo, đau khổ và bách hại là sức mạnh của Giáo hội


Ngày 21/05 vừa qua, vào cuối buổi đọc Kinh Truyền tin, Đức Thánh cha Phanxicô đã công bố tên của 5 vị sẽ được tấn phong Hồng y  trong công nghị Hồng y diễn ra ngày 28/06. Nhiều bất ngờ và bàn tán xôn xao trên báo chí khắp nơi vì những tên tuổi mà có lẽ ít ai nghĩ đến. Trong số 5 vị được xướng danh, có một vị người Lào; đó là đức hồng y Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, giám quản tông tòa Paksé.
Ngày 16 và 17/06, khoảng 350 tín hữu Công giáo gốc Hmong, Kmhmu, Lao e Karen đã họp nhau ở Belleville, bang Illinois, Hoa kỳ, để nhắc nhớ và kỷ niệm cuộc đời của 17 vị tử đạo người Lào. Đức hồng y tân cử Louis-Marie Ling lúc đó cũng tham dự và ngài đã chia sẻ về việc ngài được chọn làm Hồng y và về đời sống của Giáo hội Công giáo tại Lào.
Đức hồng y Ling cho biết chính ngài cũng bất ngờ khi biết mình được bổ nhiệm làm hồng y và niềm vui của toàn thế giới với việc bổ nhiệm này. Về lý do ngài được bổ nhiệm, Đức hồng y Ling chia sẻ là trong cuộc viếng thăm ad limina của các giám mục Lào và gặp Đức giáo hoàng Phanxicô hôm 26/01 năm nay, Đức Phanxicô nói với các ngài: “sức mạnh của Giáo hội ở nơi các Giáo hội địa phương và cách đặc biệt, trong các Giáo hội nhỏ bé, yếu ớt và bị bách hại. Đây là xương sống của Giáo hội hoàn vũ.” Trong Thánh lễ đồng tế với các Giám mục Lào, Đức Phanxicô lại nhắc lại điều này. Đức hồng y Ling hiểu rằng sức mạnh của Giáo hội đến từ sự kiên nhẫn, kiên trung và ý muốn đón nhận thực tế của đức tin. Điều này làm cho ngài suy nghĩ rằng sự khó nghèo, đau khổ và bách hại của Giáo hội Lào là 3 cột trụ củng cố sức mạnh cho Giáo hội.
Giáo hội Công giáo Lào có khoảng 45 ngàn tín hữu, chiếm chưa đến 1% trong tổng số 6,4 triệu dân, có 20 linh mục và 98 tu sĩ trong 218 giáo xứ. Đức hồng y Ling định nghĩa Giáo hội Lào là một giáo hội thơ bé, sống lời loan báo đầu tiên, hướng đến trước hết các thổ và những người theo thuyết duy linh. Giáo hội này đã chịu bách hại và làm chứng cho đức tin của mình giữa muôn ngàn nghịch cảnh.
Sau khi đảng cộng sản Pathet Lào lên nắm quyền, các thừa sai ngoại quốc bị trục xuất và các tín hữu bị bách hại. Các linh mục và tu sĩ bị giam tù hay gửi đến các trại cải tạo. Chính Đức hồng y Ling cũng bị giam tù 3 năm vì lý do “rao truyền Chúa Kitô”. Ngài đã chấp nhận điều này thay vì sợ hãi như lúc ban đầu.
Ngày nay Lào đang mở ra với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên dù những cải cách kinh tế, Lào vẫn còn nghèo và dựa vào sự trợ giúp của nước ngoài. Chính quyền kiểm soát nghiêm nhặt về tôn giáo và truyền thông. Những khó khăn trong quan hệ giữa Giáo hội và nhà nước, như việc cấm giảng dạy về Giáo hội, có thể thấy rõ nơi các chính quyền địa phương và dân chúng. Mỗi địa phương có chính sách tự do tôn giáo khác nhau. Các linh mục có thể đi làm lễ các nơi, tại các làng có giáo xứ hay nhà thờ. Tuy nhiên, sẽ có vấn đề nếu chúng ta xây một nhà thờ. Có thể là dễ dàng ở nơi này nhưng lại khó khăn ở nơi khác.
Việc bổ nhiệm vị hồng y đầu tiên của Lào, đối với cộng đoàn địa phương, là niềm hy vọng cho sự phát triển của quan hệ giữa Vatican và chính quyền Viên chăn. Đức hồng y Ling cho biết là trong các nước Đông nam á,c hỉ có Lào chưa có quan hệ ngoại giáo với Tòa Thánh. Ngài đang cố gắng để thay đổi lối suy nghĩ của chính quyền, để thuyết phục họ rằng Giáo hội không phải là kẻ thù của chính quyền, nhưng là bạn. Nếu cả 2 phía cùng làm việc chung với nhau thì tương lai sẽ tốt hơn. (Asia News 28/06/2017)
Hồng Thủy